ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 125/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
05 tháng 7 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
HƯỚNG DẪN TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA
CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NINH BÌNH
Thực hiện Thông tư số
06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị
kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh,
sinh viên trong các cơ sở giáo dục, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hướng dẫn trang
bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh,
sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của
hệ thống chính trị và toàn dân; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban,
ngành, địa phương trong việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, học viên, sinh viên trong các
cơ sở giáo dục.
2. Đảm bảo phù hợp với chủ
trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Nội dung giáo
dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo thống
nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục, không thay đổi
quy định khung chương trình giáo dục chính khóa của các cấp học, kết hợp giáo dục
chính khóa với hoạt động ngoại khóa.
II. NỘI
DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC TRIỂN KHAI VIỆC TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PHÒNG
CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN
1. Nội dung
kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Tuyên truyền, giáo dục pháp
luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định của Bộ Giáo dục và
Đào tạo và của tỉnh; trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức cá nhân và gia
đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tính chất nguy hiểm,
tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội;
biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, trường
học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy xa.
b) Nội dung, kiến thức, kỹ năng
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được lồng ghép vào các môn học chính
khóa, quy định cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục
phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trong chương trình đào tạo của
các cơ sở giáo dục đại học.
c) Kiến thức, kỹ năng bổ trợ về
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được các cơ sở giáo dục cung cấp cho
người học để đạt được các yêu cầu quy định, bảo đảm phù hợp với điều kiện của
nhà trường.
d) Các nội dung diễn tập về
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm: diễn tập sử dụng các phương
tiện chữa cháy, phương tiện cứu hộ, cứu nạn (bằng thiết bị thực tế hoặc thiết bị
mô hình), diễn tập các phương án di chuyển khi xảy ra các sự cố cháy, nổ.
e) Thời lượng tổ chức các hoạt
động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy: Đối với trẻ em mầm non bảo đảm
tối thiểu 01 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm
giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm. Đối với sinh viên bảo đảm
tối thiểu 03 buổi/năm.
2. Phương
pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ
a) Đối với giáo dục mầm non
- Lồng ghép thông qua các hoạt
động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
- Sử dụng phương pháp giáo dục
trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
b) Đối với giáo dục phổ thông
và giáo dục thường xuyên
- Lồng ghép trong nội dung các
bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa.
- Thông qua các hoạt động trải
nghiệm, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống
và trong các sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
c) Đối với giáo dục đại học
- Lồng ghép trong môn học giáo
dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa.
- Phối hợp với các đơn vị chức
năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động
đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của nhà
trường.
3. Yêu cầu
cần đạt được đối với trẻ em mầm non và học sinh, học viên, sinh viên
a) Đối với trẻ em mầm non
- Nhận biết được về nguồn lửa,
nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ.
- Biết cách phòng tránh nguồn lửa,
nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ.
- Nhận biết các tín hiệu,
phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động
cháy.
b) Đối với học sinh tiểu học
- Nhận biết các dấu hiệu của
đám cháy, nguy cơ gây tai nạn. Nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ
năng báo động khi xảy ra cháy.
- Biết kỹ năng thoát nạn trong
đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo
vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ.
- Sử dụng và thực hành dập tắt
đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi
trường khói, khí độc.
- Biết cách phòng tránh, sơ cấp
cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.
c) Đối với học sinh trung học
cơ sở
- Nhận biết được nguyên nhân và
các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường.
- Biết các kỹ năng thoát nạn
khi xảy ra cháy, nổ.
- Thực hành và sử dụng thành thạo
các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với thiết bị mô hình.
d) Đối với học sinh trung học
phổ thông, học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
- Nắm vững một số biện pháp, nguyên
tắc kiểm soát an toàn khi chữa cháy; biết được một số kỹ năng thoát nạn từ các
phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy, nổ.
- Biết một số kỹ năng cơ bản để
tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ
và các sự cố, tai nạn.
- Sử dụng thành thạo bình chữa
cháy xách tay và các thiết bị chữa cháy thông thường với các nguồn cháy khác
nhau (với các thiết bị mô hình hoặc thực tế).
e) Đối với sinh viên
- Nắm vững một số biện pháp,
nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; thành thạo một số kỹ năng thoát
nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố
cháy, nổ.
- Thành thạo một số kỹ năng cơ
bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra
cháy, nổ và các sự cố, tai nạn.
- Sử dụng được các phương tiện
chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản và các thiết bị có tại gia đình, nhà trường
và các khu vực công cộng.
- Được cấp chứng nhận huấn luyện
nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật
hiện hành (nếu có nhu cầu) sau khi được cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra,
đánh giá đạt yêu cầu.
III. ĐIỀU KIỆN
BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ
CỨU NẠN CỨU HỘ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Tổ chức,
quản lý các hoạt động
a) Thành lập Ban Chỉ đạo phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ sở giáo dục do lãnh đạo nhà trường
làm Trưởng ban; thành phần là các cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân
viên.
b) Các thành viên Ban Chỉ đạo
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục phải được cấp
chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo
quy định của pháp luật; có khả năng giảng dạy, phổ biến kiến thức, thực hành kỹ
năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
c) Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ sau:
- Xây dựng kế hoạch hằng năm để
triển khai thực hiện các quy định về bồi dưỡng, thực hành giáo dục kiến thức, kỹ
năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người học theo nội dung đã
quy định.
- Chủ động phối hợp với cơ quan
chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương để hỗ trợ
cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động.
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền
và triển khai công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng, thực hành về phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người học.
- Chủ động thực hiện công tác
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở giáo dục khi có sự cố; rà soát
các điều kiện bảo đảm an toàn cho người học trong quá trình học tập.
- Rà soát thống kê; đề xuất bổ
sung tài liệu học tập, trang thiết bị học tập, thực hành cho người học.
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho
người học trong quá trình học tập, thực hành kiến thức, kỹ năng về phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Triển khai công tác khen thưởng
đối với các cá nhân, tập thể có thành tích và xử lý kỷ luật đối với các cá
nhân, tập thể vi phạm trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ trong các cơ sở giáo dục theo quy định.
2. Cơ sở
vật chất và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục
a) Các cơ sở giáo dục bố trí đủ
tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
có đủ trang thiết bị giảng dạy và thực hành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ được cơ quan thẩm quyền ban hành.
b) Các cơ sở giáo dục chủ động
kiểm tra hệ thống điện, nguồn khí gas tại nhà bếp; bảo đảm nguồn hóa chất thực
hành, thí nghiệm rõ nguồn gốc, triển khai thực hiện công tác bảo quản và thu
gom hóa chất sau khi thực hành tại các phòng thí nghiệm đúng quy định của pháp
luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
c) Trang thiết bị giảng dạy và
thực hành cho người học phù hợp đối với từng cấp học, trình độ đào tạo.
- Đối với cơ sở giáo dục mầm
non: Có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (video clip, tranh, ảnh, hình vẽ,
biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn…) minh họa về các nguồn cháy, nổ, nguồn nhiệt,
một số sự cố, tai nạn thông thường để tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức,
kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Đối với cơ sở giáo dục phổ
thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Bố trí khu vực huấn
luyện tại nhà đa năng hoặc ngoài trời. Có thiết bị mô hình, phương tiện thực
hành chữa cháy (Bình chữa cháy xách tay, lăng, vòi, chăn chiên, cát và các
phương tiện, thiết bị tương tự, khay xăng, bình gas, xăng, dầu, mũ, găng tay bảo
hộ). Có thiết bị mô hình, phương tiện thực hành cứu nạn, cứu hộ cơ bản (Mặt nạ
phòng độc, khăn, vải ướt băng, gạc, nẹp, cáng và các phương tiện, thiết bị
tương tự).
- Đối với trường Đại học, cao đẳng,
trung cấp: Bố trí khu vực huấn luyện tại nhà đa năng hoặc ngoài trời. Có thiết
bị mô hình hoặc hình ảnh về các hệ thống (Báo cháy tự động; chữa cháy tự động
hoặc bán tự động; hệ thống họng nước chữa cháy trong, ngoài nhà; cấp nước chữa
cháy trong nhà, trụ nước chữa cháy ngoài nhà). Có phương tiện chữa cháy (Bình
chữa cháy xách tay, lăng, vòi, chăn chiên, cát và các phương tiện, thiết bị
tương tự, khay xăng, bình gas, xăng, dầu, mũ, găng tay bảo hộ). Có phương tiện
thực hành cứu nạn, cứu hộ cơ bản (Mặt nạ phòng độc, khăn, vải ướt băng, gạc, nẹp,
cáng và các phương tiện, thiết bị tương tự).
- Ưu tiên sử dụng công nghệ thực
tế ảo phục vụ huấn luyện, bồi dưỡng xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn;
sử dụng các sản phẩm thí nghiệm công nghệ mới để phục vụ thực hành, thí nghiệm
có liên quan đến các hóa chất dễ gây cháy, nổ.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Là đơn vị chủ trì phối hợp với
các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này với
các nội dung chủ yếu như sau:
a) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo các trường trung học
phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, tin học và ngoại ngữ tỉnh hướng dẫn
học sinh, học viên tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
c) Khen thưởng đối với các tổ
chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ trong các cơ sở giáo dục và kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân vi phạm
theo quy định.
d) Tổng hợp, báo cáo về Bộ Giáo
dục và Đào tạo, UBND tỉnh theo quy định.
2. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo xây dựng các kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn trang bị kiến
thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, học
viên.
b) Chỉ đạo các đơn vị phối hợp
với các cơ sở giáo dục, phổ biến, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ cho học sinh, học viên, sinh viên.
c) Tổ chức các lớp huấn luyện
nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật,
cấp giấy chứng nhận sau khi được kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra và thực hiện công tác khen thưởng,
kỷ luật theo quy định của pháp luật.
3. UBND các huyện, thành phố
Xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo
các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở; trung tâm
giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn hướng dẫn trang bị kiến
thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, học
viên.
4. Trường Đại học Hoa lư
a) Xây dựng kế hoạch triển khai
công tác giáo dục, phổ biến kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ cho sinh viên.
b) Tổ chức thực hiện, chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo nội dung Kế hoạch này.
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết,
báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo định kỳ từng năm học.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Kinh phí bảo đảm cho việc lồng
ghép kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương
trình, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục, bao gồm:
1. Nguồn chi thường
xuyên của nhà trường; nguồn đầu tư cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản tài trợ, hỗ
trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
3. Nguồn tài chính hợp
pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác
có liên quan.
Trên đây là Kế hoạch hướng dẫn
trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học
sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh
yêu cầu các sở, ngành; Trường Đại học Hoa Lư; UBND các huyện, thành phố tùy
theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Sở Tài chính, Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trường Đại học Hoa Lư;
- Lưu: VT, VP6,2,5,7.
VP6_02_KHGD
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|