HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC TỔ CHỨC
VÀ QUẢN LÝ TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG
Căn cứ Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24
tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức
và hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Thông tư
số 40/2010/TT- BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của
Trung tâm Học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Thông tư số
96/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm học tập cộng đồng;
Thực hiện
Công văn số 913/BGDĐT-GDTX ngày 25 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng,
Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc tổ chức
và quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng như sau:
1. Tổ chức biên chế:
1.1. Cán bộ quản lý:
Cán bộ quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng được
bố trí theo chế độ kiêm nhiệm, gồm:
- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã kiêm Giám
đốc Trung tâm Học tập cộng đồng;
- Cán bộ của Hội Khuyến học trên địa bàn kiêm
Phó Giám đốc;
- Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng của trường
tiểu học hoặc trung học cơ sở trên địa bàn kiêm Phó Giám đốc.
1.2. Giáo viên:
Căn cứ nguồn lực của giáo viên
ở địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định việc bố trí giáo
viên trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở làm việc tại Trung tâm Học tập
cộng đồng, sau khi đã có ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp xã và được sự đồng ý
của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Mỗi Trung tâm Học tập cộng đồng
được bố trí 01 giáo viên trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở làm việc
tại trung tâm. Giáo viên được điều động làm việc tại Trung tâm Học tập cộng
đồng là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn.
Nhiệm vụ, quyền lợi và trách nhiệm
của giáo viên được điều động làm việc tại Trung tâm Học tập cộng đồng:
a) Giáo viên được điều động làm
việc tại Trung tâm Học tập cộng đồng có nhiệm vụ và quyền hạn: tham gia giảng
dạy, đánh giá chất lượng các hoạt động giáo dục thường xuyên tại Trung tâm Học
tập cộng đồng; giúp Giám đốc lập kế hoạch hoạt động của Trung tâm Học tập cộng
đồng, xây dựng lịch học tập, báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm Học tập
cộng đồng; quản lý và cập nhật hồ sơ, sổ sách theo quy định; tổ chức điều tra
thống kê nhu cầu người học tại cộng đồng, tổ chức rà soát, lưu trữ học liệu địa
phương trong Trung tâm Học tập cộng đồng; chấp hành sự phân công tác của Giám
đốc Trung tâm Học tập cộng đồng và chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản
lý giáo dục;
b) Quyền lợi của giáo viên được
điều động làm việc tại Trung tâm Học tập cộng đồng: Được hưởng lương, các khoản
phụ cấp theo lương và các chế độ quyền lợi khác theo quy định của pháp luật
(nếu có) tại đơn vị cử đi làm việc; được theo học các lớp bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ và được hưởng các chế độ khen thưởng, theo quy định hiện hành của Nhà
nước.
2. Tài
chính:
Căn cứ Thông
tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng
dẫn về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm học tập
cộng đồng và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo có
trách nhiệm hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng lập dự toán ngân sách
hàng năm cùng kỳ với dự toán của các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc, tổng
hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Trách nhiệm của Sở Giáo dục
và Đào tạo:
Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ
ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và các chính sách cụ thể của địa
phương; đề xuất các giải pháp hỗ trợ của Trung ương để xây dựng và phát triển
bền vững các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban
ngành, các tổ chức xã hội trong tỉnh để mở các lớp học chuyên đề, các lớp tập
huấn thuộc chương trình, dự án có liên quan; tổ chức biên soạn tài liệu để phục
vụ các hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng; tổ chức các lớp bồi dưỡng
nâng cao năng lực quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng cho đội ngũ cán bộ cốt
cán trong tỉnh.
Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp
huyện và Hội Khuyến học cấp tỉnh, chỉ đạo các hoạt động giáo dục của Trung tâm
Học tập cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ
ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo, Sở Nội vụ xây dựng định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc
mua sắm trang thiết bị ban đầu, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và phụ
cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ tham gia vào công tác quản lý Trung tâm Học tập
cộng đồng từ ngân sách nhà nước theo quy định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết
định.
3.2. Trách nhiệm của Hội Khuyến
học cấp tỉnh:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo trong việc tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền cấp tỉnh về chủ trương,
giải pháp và cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để duy trì
hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng
trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Hội Khuyến học các cấp
phối hợp với các cơ sở giáo dục, các cá nhân, tổ chức, đoàn thể xã hội trong
việc vận động người học, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị học
tập cho các trung tâm học tập cộng đồng, tham gia giảng dạy tại các trung tâm
học tập cộng đồng.
3.3. Trách nhiệm của Phòng Giáo
dục và Đào tạo:
Tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính
quyền cấp huyện về chủ trương, biện pháp phát triển các trung tâm học tập cộng
đồng; chủ trì phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện lập kế
hoạch hàng năm trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt để các ngành chủ động
hỗ trợ nguồn lực, cung cấp cơ hội học tập cho mọi người dân và tạo điều kiện
thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, góp phần
thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Chỉ đạo về nội dung và các hình
thức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; hỗ trợ các nguồn nhân lực; cử
giáo viên tham gia giảng dạy, làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Tổ chức tập huấn về chuyên môn
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; kiểm tra, đánh giá kết quả
hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng;
Báo cáo định kỳ cho Uỷ ban nhân
dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả công tác quản lý và hoạt
động của Trung tâm Học tập cộng đồng trên địa bàn.
3.4. Trách nhiệm của các cơ sở
giáo dục:
Trung tâm Giáo dục thường xuyên
cấp huyện chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc theo dõi
hoạt động giáo dục thường xuyên; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản
lý, giáo viên của Trung tâm Học tập cộng đồng; tham gia giảng dạy, sưu tầm và
tổ chức biên soạn học liệu cho Trung tâm Học tập cộng đồng.
Các trường tiểu học, trung học cơ
sở trên địa bàn có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, cử
giáo viên tham gia giảng dạy, làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng.
3.5. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân cấp xã:
Tham mưu cho Hội đồng nhân dân cấp
xã trong việc cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển
Trung tâm Học tập cộng đồng, kể cả chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản
lý, giáo viên Trung tâm Học tập cộng đồng.
Trực tiếp quản lý về tổ chức, nhân
sự, nội dung và kế hoạch hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng.
Tạo điều kiện để Trung tâm Học tập
cộng đồng hoạt động theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Phối hợp với các trường tiểu học, trung học cơ
sở, hội khuyến học cấp xã, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể quần
chúng trên địa bàn và các tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến
ngư hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng.
Trên đây là một số hướng dẫn về tổ chức và quản
lý của Trung tâm Học tập cộng đồng. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm báo cáo, đề xuất để
Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời xem xét, giải quyết./.