UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 1820/HD-SGD&ĐT |
Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2005 |
HƯỚNG DẪN
HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC 2005- 2006
Căn cứ chỉ thị số 22/2005/CT-BGD&ĐT ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học 2005-2006; căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nội dung hoạt động thư viện năm học 2005- 2006 như sau:
I- NHIỆM VỤ CHUNG
Xây dựng hệ thống thư viện trường học của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô có cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động theo đúng quyết định số 61/1998/ QĐ/BGD&ĐT ngày 6/11/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về "Qui chế tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông".
Tổ chức quán triệt nhằm đổi mới nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về vị trí, vai trò và tác dụng của thư viện trường học trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức thu hút toàn thể giáo viên và học sinh tham gia sinh hoạt thư viện dưới các hình thức phong phú, phù hợp; góp phần cung ứng cho giáo viên, học sinh các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Tổ chức chỉ đạo, quản lý tốt hoạt động thư viện, có kế hoạch chủ động đón đầu tiếp thu sự phát triển của CNTT, từng bước đưa trang thiết bị hiện đại, phần mềm tin học phục vụ công tác quản lý thư viện và phục vụ bạn đọc.
Chỉ tiêu phấn đấu trong năm học 2005-2006:
- 100% trường Tiểu học, THCS, THPT, THCN, TTGDKTTH, TTGDTX có phòng ở vị trí trung tâm, thuận lợi dành riêng cho hoạt động thư viện.
- 20% số thư viện trường học đạt danh hiệu “Thư viện trường học đạt chuẩn” trở lên.
II- NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1- Xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của thư viện
Trong năm học này, các đơn vị cần ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thư viện trường học. Để tạo điều kiện thư viện trường học hoạt động thuận lợi, cần bố trí thư viện ở vị trí trung tâm, cao ráo, an toàn, thoáng mát.
Thực hiện đủ, đúng định mức kinh phí chi cho hoạt động thư viện từ 2% đến 3% tổng kinh phí ngân sách chi cho nhà trường (theo thông tư liên bộ Tài chính- Giáo dục và Đào tạo số 30/TT-LB ngày 26/7/1990 về hướng dẫn quản lý vốn sự nghiệp đầu tư); đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ khác để nâng cấp cơ sở vật chất và kỹ thuật thư viện như phòng đọc giáo viên, phòng đọc học sinh, kho sách, giá sách, bàn ghế, thiết bị nghe nhìn, đèn chiếu sáng, máy fotocopy cùng các thiết bịkỹ thuật chuyên dùng khác.
Đảm bảo đủ số lượng sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, các loại báo, tạp chítheo danh mục do Bộ Giáo dục& Đào tạo qui định và Sở hướng dẫn; ưu tiên đầu tư sách phục vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Cần chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong giáo viên, học sinh, kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong nhà trường và hội cha mẹ học sinh nhằm huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, vốn sách báo và phát triển các hoạt động thư viện.
2- Tổ chức và hoạt động thư viện
Ngay từ đầu năm học, thư viện trường học phải xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện phù hợp với nhiệm vụ giáo dục toàn diện của nhà trường và tâm lý lứa tuổi học sinh. Sở khuyến khích và đánh giá cao các đơn vị có những hình thức sáng tạo trong các hoạt động mang tính đặc trưng thư viện trường học.
Tổ chức đầy đủ và có lịch cụ thể phục vụ các hoạt động đọc sách, mượn sách, thuê sách của giáo viên, học sinh. Có hình thức quản lý phù hợp để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các buổi đọc sách của giáo viên, học sinh. Ngoài hình thức đọc sách có thể tổ chức các loại hình khác như xem các phim giáo khoa, phim chuyên đề khoa học.
Tổ chức hoạt động giới thiệu sách, điểm sách, tìm hiểu sách; triển lãm trưng bày sách, tổ chức thi kể chuyện theo sách, vận động học sinh làm theo sách theo từng thời gian phù hợp trong năm học.
Tổ chức các hoạt động phục vụ nội dung dạy và học nhất là dạy chương trình và sách giáo khoa mới; phục vụ hoạt động ngoại khoá, nghiên cứu khoa học, phổ biến và ứng dụng sáng kiến kinh nghiệm.
Tổ chức tốt hoạt động của tổ công tác thư viện. Tổ công tác thư viện cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ thư viện trong việc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động thư viện như mua sách, tu bổ bảo quản sách, tuyên truyền giới thiệu sách, cho học sinh mượn, thuê sách giáo khoa, sách tham khảo theo đúng qui định nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động thư viện,
Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cơ sở vật chất,thiết bị kỹ thuật, tài sản thư viện và các hoạt động thư viện. Trong năm học này Sở sẽ thẩm định 1 phần mềm quản lý thư viện và giới thiệu để các đơn vị sử dụng.
3- Thực hiện đầy đủ qui định về nghiệp vụ thư viện
Nhằm nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý thư viện trường học và từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện; các phòng GD& ĐT, các đơn vị trường học cần rà soát lại đội ngũ để bố trí cán bộ thư viện hợp lý, ổn định và được đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện.
Có đủ các loại sổ sách quản lý thư viện theo qui định; thực hiện đủ và đúng qui trình các khâu kỹ thuật nghiệp vụ thư viện mỗi khi nhập sách hay xuất sách khỏi thư viện.
Bố trí, sắp xếp, quản lý thư viện khoa học, tổ chức phục vụ bạn đọc nhanh chóng, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của giáo viên và học sinh.
Cán bộ thư viện cần chủ động phối hợpvới các tổ chức đoàn thể trong trường, với tổ công tác thư viện để thực hiện tốt các hoạt động thư viện như bổ sung vốn sách báo, tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức khai thác và sử dụng hiệu quả vốn tài liệu của thư viện.
Các đơn vị cần tạo điều kiện để cán bộ thư viện có điều kiện tự học, tự bồi dưỡng và tham gia các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện do phòng GD& ĐT hoặc Sở tổ chức.
4- Công tác chỉ đạo và quản lý thư viện
Các phòng GD& ĐT, các đơn vị trường học phân công 1 lãnh đạo trực tiếp phụ trách hoạt động thư viện; ngay trong năm học này phải có kế hoạch từng bước xây dựng thư viện đạt chuẩn trở lên.
Từ đầu năm học, các đơn vị trường học cần lập kế hoạch hoạt động thư viện thể hiện rõ chương trình hoạt động, kinh phí hoạt động, kế hoạch đầu tư và củng cố phát triển thư viện, danh hiệu thư viện; thành lập tổ công tác thư viện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để bổ sung, chấn chỉnh kịp thời hoạt động thư viện; quan tâm và tạo điều kiện nâng cao đời sống để cán bộ thư viện yên tâm công tác.
Việc quản lý, huy động và sử dụng kinh phí ngân sách, quĩ thư viện, tổ chức kiểm tra hoạt động thư viện phải theo đúng các nguyên tắc qui định.
5- Kiểm tra và thẩm định danh hiệu thư viện trường học
Đầu năm học, các đơn vị trường học căn cứ vào quyết định số 01/2003/ QĐ/BGD&ĐT về "Qui định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông" của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tự đánh giá và có công văn đăng ký danh hiệu thư viện với cơ quan quản lý trực tiếp.
Các trường tiểu học, THCS trực thuộc phòng đăng ký danh hiệu thư viện với phòng GD& ĐT. Các phòng GD& ĐT căn cứ kết quả tự kiểm tra thư viện của các đơn vị trực thuộc phòng và căn cứ vào kết quả kiểm tra thẩm định của phòng để tổng hợp danh sách đề nghị Sở kiểm tra thẩm định danh hiệu thư viện.
Các trường THPT và các đơn vị khác trực thuộc Sở căn cứ kết quả tự kiểm tra đánh giá thư viện, gửi biên bản kiểm tra và công văn đề nghị Sở kiểm tra thẩm định danh hiệu thư viện.
Hồ sơ đề nghị kiểm tra thẩm định danh hiệu thư viện trường học của các phòng GD& ĐT, các trường THPT và các đơn vị khác trực thuộc Sở gửi về Phòng KH- CNTT Sở trước ngày 16/01/2006. Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra thẩm định danh hiệu thư viện trong suốt thời gian học kỳ 2 của năm học.
Danh hiệu thư viện trường học là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện, Sở coi đây là một tiêu chí để đánh giá thi đua đối với các đơn vị.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào văn bản “Hướng dẫn hoạt động thư viện trường học năm học 2005-2006”, Sở yêu cầu lãnh đạo các phòng GD& ĐT chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện của phòng và triển khai quán triệt văn bản này tới các đơn vị trường học trực thuộc phòng. Sở yêu cầu Ban giám hiệu các trường THPT và các đơn vị khác trực thuộc Sở xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện và quán triệt văn bản tới cán bộ, giáo viên trong đơn vị.
Xây dựng thư viện và tổ chức tốt hoạt động thư viện trường học chính là tạo điều kiện đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo trong giai đoạn hiện nay; Sở yêu cầu lãnh đạo các phòng Giáo dục& Đào tạo,ban giám hiệu các đơn vị trường học có kế hoạch chỉ đạo, thực hiện tốt hướng dẫn trên nhằm đưa hoạt động thư viện trường học vào nền nếp, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới.
Nơi nhận: - Ban Giám đốc (để báo cáo) - Các phòng (ban) cơ quan Sở - Các phòng GD&ĐT - Các đơn vị trực thuộc - Lưu VT, KH-CNTT |
KT GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Hữu Độ |