BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM - HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------
|
Số
: 250/CTr/BGDĐT-HLHPNVN-HKHVN
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2009
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN,
HỌC SINH TÍCH CỰC” GIAI ĐOẠN 2009 - 2013
- Thực hiện Luật Giáo dục số
38/2005/QH 11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội;
- Thực hiện Chỉ thị số 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo về việc tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong việc
giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên;
- Căn cứ Chương trình phối hợp hoạt động số 02–CTr–BGDĐT-TWHLHPNVN ngày
02/01/2009 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm thực
hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ
thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước;
- Căn cứ vào Kế hoạch phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến
học Việt Nam số 70/KH/BGDĐT-HKHVN ngày 13/02/2009 về đẩy mạnh phong trào khuyến
học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam,
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam thống nhất ban hành Chương trình
phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh
tích cực” giai đoạn 2009-2013.
I. MỤC ĐÍCH
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với ngành Văn hóa, thể
thao và du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp các hoạt động nhằm
triển khai, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi ngành, đoàn thể đóng góp vào
phong trào thi đua phù hợp với thế mạnh của mình, thông qua chương trình phối hợp
để tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội
chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai của mỗi gia đình và tương lai
của Tổ quốc.
2. Chỉ đạo tập trung theo ngành
dọc, có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các bên; đảm bảo việc thực hiện một
cách sáng tạo và có hiệu quả những nội dung của phong trào thi đua của mọi cơ sở
giáo dục và các cấp Hội ở địa phương.
3. Việc phối hợp giữa nhà trường,
gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học đặc biệt nhằm vào mục tiêu phát
huy vị trí hết sức quan trọng của gia đình trong việc tạo điều kiện học tập và
giáo dục nhân cách cho các em, khai thác tốt nhất mọi chính sách của Nhà nước,
sự hỗ trợ của cá nhân hoặc đơn vị để đảm bảo yêu cầu “3 đủ” đối với mỗi học
sinh: “đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo”, yêu cầu “1 có”: “Có chỗ học tập ổn định,
thuận tiện” và yêu cầu “3 biết”: “biết các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc
học tập của con em các gia đình thuộc các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia
đình khác nhau trong đó có chính sách khuyến khích học nghề đối với con em nông
dân; biết nhu cầu lao động và việc làm ở địa phương và vùng lân cận để từ đó quyết
định việc học nghề, học đại học, cao đẳng, trung cấp một cách hợp lý; biết chọn
các cơ sở học tập và đào tạo phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình”.
II. NỘI DUNG
1. Xây dựng trường,
lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn
- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam
Các cấp Hội phối hợp với nhà trường
tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động thiết thực
cho học sinh, giáo viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường sư
phạm thân thiện, không có tụ điểm kinh doanh trái phép ở gần trường học, đảm bảo
an toàn trong trường học cho học sinh, nhất là học sinh nữ, đảm bảo an toàn
giao thông; trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các thành viên trong gia đình
tích cực tham gia cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực
phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.
- Đối với Hội Khuyến học Việt
Nam
Vận động các tổ chức và cá nhân ủng
hộ quỹ khuyến học để cấp học bổng cho học sinh nghèo, khuyến khích học sinh học
giỏi vượt khó đi lên và góp phần vận động nhân dân nâng cấp cơ sở vật chất các
nhà trường.
- Đối với ngành giáo dục
+ Các sở và các phòng giáo dục
và đào tạo phải đảm bảo hoặc có kế hoạch để đảm bảo cho các trường có khuôn
viên và cây xanh; đủ lớp học và các phòng chức năng với đủ tiện nghi và đồ dùng
dạy học; có nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, học sinh, cho nam, nữ phù hợp với
tiêu chuẩn học đường;
+ Có biện pháp giáo dục và tổ chức
cho học sinh giữ gìn trường lớp sạch đẹp; tham gia các hoạt động trồng cây
trong khu vực nhà trường. Nơi nào có điều kiện thì mỗi trường đảm nhận một công
trình “con đường xanh sạch đẹp” dẫn tới cổng trường; nơi nào có điều kiện về đất
thì khuyến khích trường có một vườn rau sạch để cải thiện đời sống cho giáo
viên, học sinh và làm cho nhà trường xanh sạch đẹp.
2. Dạy và học
có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp
các em tự tin trong học tập
- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam
+ Nâng cao nhận thức cho các gia
đình, đặc biệt là người mẹ về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển toàn
diện của con em mình, của thế hệ trẻ, của tương lai đất nước và dân tộc;
+ Các cấp Hội có biện pháp cụ thể
vận động các gia đình, đặc biệt là người mẹ quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn đến
việc học tập cho con em bằng những việc làm thiết thực: dành đủ thời gian học tập
ở nhà, có góc học tập với đủ bàn ghế, ánh sáng và đồ dùng học tập, hằng ngày
dành thời gian ít nhất 10 phút để xem xét bài vở và kết quả học tập, liên hệ với
giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ kịp thời việc học tập, rèn luyện của con em mình;
+ Nếu gia đình thuộc diện khó
khăn, Hội phụ nữ cơ sở phối hợp với nhà trường để vận dụng tất cả các chính
sách, khai thác sự hỗ trợ của cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập,
quần áo cho học sinh vùng khó khăn” của ngành giáo dục hàng năm (từ tháng 6 đến
tháng 9) để thực hiện cho được yêu cầu “3 đủ” với mức ngày một tốt hơn;
+ Cung cấp cho các bà mẹ những
kiến thức và phương pháp chăm sóc, giáo dục con em phù hợp với từng độ tuổi, đặc
biệt phát hiện sớm những biểu hiện rối loạn tâm thần ở trẻ em;
+ Cung cấp địa chỉ những dịch vụ
hỗ trợ tại cộng đồng để giúp các bà mẹ chăm sóc giáo dục con em; chú ý giáo dục
phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước;
+ Phối hợp với nhà trường tổ chức
tuyên truyền về giới và bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng
chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,
đưa thành một tiêu chuẩn bình xét phong trào thi đua của Hội;
+ Chỉ đạo các cấp Hội có hình thức
biểu dương các gia đình hiếu học, khen thưởng kịp thời các em học sinh giỏi hoặc
có cố gắng vượt bậc; vận động xây dựng quỹ giúp học sinh nghèo vượt khó; vận động
các bà mẹ cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học;
+ Khuyến khích các cấp Hội phản
ánh kịp thời với nhà trường những ý kiến đóng góp của phụ huynh và cộng đồng về
các hoạt động trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục;
+ Tuyên truyền, vận động xây dựng
môi trường thân thiện trong từng gia đình, trong đó mọi thành viên yêu thương
và tôn trọng lẫn nhau; người lớn gương mẫu về cách sống, làm việc, nói năng và
hành vi ứng xử; cha mẹ gần gũi, chia sẻ các ý kiến và nguyện vọng chính đáng,
biểu dương kịp thời sự tiến bộ dù nhỏ của con mình.
- Đối với Hội Khuyến học Việt
Nam
+ Hội Khuyến học các cấp hỗ trợ
ngành giáo dục vận động thầy giáo, cô giáo ở các bậc học và ngành học đổi mới nội
dung, phương pháp giáo dục;
+ Hội Khuyến học các cấp tham
gia thực hiện việc phổ cập giáo dục đúng đối tượng và đảm bảo chất lượng; chống
bỏ học, giảm lưu ban; ngăn chặn tiêu cực trong thi cử và các tiêu cực xã hội
khác xâm nhập vào nhà trường;
+ Tiếp tục mở rộng cuộc vận động
xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học và động viên các gia đình, các
dòng họ này tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường; động viên các gia
đình, các dòng họ có con em là “con ngoan, trò giỏi”, các gia đình có con em
thành đạt, các dòng họ, các cộng đồng dân cư đóng góp thiết thực cho việc xây dựng
“Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, có hình thức khuyến khích, động
viên các thầy giáo, cô giáo dạy tốt có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích động
viên các học sinh tiến bộ;
+ Các tổ chức Hội Khuyến học cơ
sở tham gia Ban quản lý và tích cực góp phần duy trì và đẩy mạnh hoạt động của
các Trung tâm học tập cộng đồng; phát huy sáng kiến tạo điều kiện để những trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập với hình thức phù hợp;
+ Các cấp Hội phát huy mọi sáng
kiến để tạo điều kiện học tập tốt cho học sinh như hình thức hỗ trợ 1-1 (một
người giúp một học sinh).
- Đối với ngành giáo dục
+ Nhà trường coi trọng việc dạy
cách học và cách tự học cho học sinh, khuyến khích học sinh học tập một cách
tích cực, chủ động, sáng tạo, không tiếp thu một chiều, có suy nghĩ và biết phản
biện;
+ Nhà trường rèn luyện cho học
sinh có kỹ năng vận dụng tri thức qua sách vở vào đời sống, vào việc nuôi dưỡng
ý chí, hoài bão lí tưởng phẩm chất đạo đức;
+ Nhà trường có biện pháp hướng
dẫn cho học sinh đọc sách, tra cứu tài liệu và xử lí thông tin trên mạng phù hợp
với lứa tuổi; cập nhật tri thức mới, giúp học sinh hứng thú học tập và cảm thấy
mỗi ngày đến trường là một ngày vui;
+ Tổ chức các câu lạc bộ do học
sinh làm chủ nhiệm, giáo viên làm cố vấn và các hình thức hoạt động tập thể vui
mà học nhằm làm cho học sinh tích cực trong học tập, rèn luyện.
3. Rèn luyện kỹ
năng sống cho học sinh
- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam
+ Phối hợp với nhà trường tổ chức
các hoạt động tuyên truyền cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh, đặc
biệt cho học sinh nữ, nhằm giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ trước những vấn đề
xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn cuộc sống bao gồm: kỹ năng
nhận diện vấn đề, biết cách xác định tình huống, tự khẳng định, biết cách từ chối,
xử lí và ứng phó một cách linh hoạt, sáng tạo, kỹ năng xử lí mâu thuẫn, kỹ năng
ra quyết định, biết nấu ăn, tự chăm sóc sức khỏe và các kỹ năng khác;
+ Các cấp Hội đưa nội dung giáo
dục trẻ em về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục kỹ năng sống cho các
bà mẹ vào các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ.
- Đối với Hội Khuyến học Việt
Nam
Các cấp Hội ở địa phương phối hợp
với nhà trường và gia đình làm tốt việc quản lý trẻ em ngoài giờ học; có các
hình thức theo dõi, đôn đốc học sinh thực hiện kế hoạch học tập ở nhà, không
chơi bời lêu lổng, sao nhãng việc học tập; tìm biện pháp ngăn chặn kịp thời
tình trạng bỏ học, trốn học và các hành vi tiêu cực khác; chủ động đề xuất
chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể đối với học sinh tùy theo lứa tuổi và
điều kiện địa phương.
- Đối với ngành giáo dục
+ Trên cơ sở chương trình giáo dục
kỹ năng sống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tùy theo cấp học và độ tuổi, tổ chức
các hoạt động như dã ngoại, tham quan, hội thảo, thi nấu ăn, cấp cứu trong đó học
sinh giữ vai trò chủ thể, được phát huy tính tích cực, tự chủ, tự giác, được
phát biểu ý kiến của riêng mình về những vấn đề các em quan tâm;
+ Tăng cường giáo dục kỹ năng sống
để học sinh có thể thích ứng với những hoàn cảnh, tình huống và điều kiện khác
nhau của đời sống xã hội; cung cấp cho học sinh những thông tin về nghề nghiệp,
định hướng và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh;
+ Coi trọng vai trò và tạo điều
kiện để giáo viên chủ nhiệm lớp, Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong và Bí
thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường hoàn thành chức trách của mình với tư cách
là những người tổ chức chủ yếu việc giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh trong
và ngoài nhà trường;
+ Có mối liên hệ thường xuyên với
cha mẹ học sinh, nắm được những diễn biến về tâm lí, tính cách để có thể có biện
pháp hữu hiệu trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh;
+ Các trường có phòng hay tổ tư
vấn gồm các thành viên là giáo viên, cán bộ đoàn thể, những bậc cao niên có
kinh nghiệm và hiểu biết nhiều mặt về đời sống xã hội, có tâm huyết với sự nghiệp
giáo dục giúp nhà trường trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
4. Tổ chức các
hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh
- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam
Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với
nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh cho học sinh nhân
dịp ngày Quốc tế thiếu nhi, rằm trung thu, Tháng hành động vì trẻ em; ngày Gia
đình Việt Nam, các ngày kỷ niệm lớn, lễ hội lớn của đất nước và các lễ hội khác
ở địa phương.
- Đối với Hội Khuyến học Việt
Nam
Tập hợp các hội viên có trình độ
và hiểu biết tham gia với nhà trường và Trung tâm học tập cộng đồng sưu tầm,
biên soạn hướng dẫn cho học sinh các hoạt động vui chơi tập thể các trò chơi
dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian.
- Đối với ngành giáo dục
+ Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, các cơ sở giáo dục sắp xếp thời gian, bố trí giáo viên tổ chức sưu
tầm, tiếp thu, tập dượt các trò chơi và các loại hình nghệ thuật dân gian ở địa
phương, đưa các hình thức này vào các hoạt động trong nhà trường một cách thường
xuyên, liên tục;
+ Tổ chức cho học sinh tham gia
các trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian trong các dịp lễ hội ở địa
phương;
+ Có biện pháp thích hợp động
viên, kêu gọi các đơn vị, cá nhân, đặc biệt là các cựu học sinh ủng hộ tích cực,
hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian nói riêng
và cơ sở vật chất cho nhà trường nói chung.
5. Học sinh
tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa,
cách mạng ở địa phương
- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam
+ Các cấp Hội tuyên truyền, giáo
dục nâng cao gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa địa phương. Nhận thức đầy
đủ trách nhiệm của bản thân và gia đình trong hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”
thông qua các hình thức thiết thực và phù hợp;
+ Các cấp Hội tuyên truyền, vận
động phụ nữ và học sinh các lứa tuổi tham gia đóng góp, xây dựng và giữ gìn khu
di tích văn hóa tại địa phương; khuyến khích những người am hiểu về lịch sử văn
hóa địa phương có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, tham gia chăm sóc các gia
đình thương binh, liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh;
+ Các cấp Hội tăng cường phối hợp
tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, đặc biệt học sinh nữ giữ gìn và phát huy
truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của phụ nữ Việt Nam.
- Đối với Hội Khuyến học Việt
Nam
Huy động các hội viên tham gia
giới thiệu cho học sinh giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng; các
ngành nghề truyền thống ở địa phương.
- Đối với ngành giáo dục
+ Mỗi trường tùy theo cấp học và
độ tuổi, có kế hoạch cụ thể trong việc tìm hiểu, nhận chăm sóc, làm sạch đẹp một
di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng tại địa phương; quảng bá và phát huy giá trị
tinh thần của những di tích đó;
+ Thông qua các hoạt động ngoài giờ
lên lớp và tích hợp với các môn học, giáo dục niềm tự hào về truyền thống của
quê hương; giáo dục đạo đức và nhân cách;
+ Các cơ quan quản lí giáo dục ở
những nơi có các di tích chịu trách nhiệm chỉ đạo việc phân công cho các trường
nhận phần việc cụ thể phù hợp với độ tuổi và cấp học, chẳng hạn chăm sóc cây,
vườn; sưu tầm và bổ sung tư liệu về các di tích, giới thiệu và phổ biến rộng
rãi.
Khi triển khai Chương trình phối
hợp nói trên, các đơn vị cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học và các
nhà trường cần phối hợp với các hoạt động do ngành Văn hóa, thể thao và du lịch
và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, có cách làm chủ động, sáng tạo,
thích hợp, có hiệu quả đóng góp cho thành công chung của sự nghiệp giáo dục thế
hệ trẻ.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam theo thẩm quyền, chỉ đạo các
đơn vị theo ngành dọc thực hiện Chương trình phối hợp này. Sáu tháng một lần,
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học
Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh họp giao ban để sơ kết và thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện phong trào
thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hằng năm, tổ chức
tổng kết phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
vào dịp hè nhằm rà soát, đánh giá kết quả phối hợp và chỉnh lí, bổ sung cho phù
hợp với điều kiện thực tế. Năm học 2009-2010 sẽ có nội dung thi đua đặc biệt
chào mừng 1000 năm Thăng Long và 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam triển khai kế hoạch
“Tháng 9 khuyến học”, tổ chức tốt “Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10” nhằm động
viên toàn xã hội quan tâm đến những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng
xã hội học tập và hưởng ứng với những đóng góp thiết thực cho việc xây dựng môi
trường học đường lành mạnh, thân thiện.
3. Các sở giáo dục và đào tạo phối
hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh / thành phố, Hội Khuyến học tỉnh / thành phố
lập kế hoạch cụ thể để cùng chỉ đạo, triển khai các nội dung của Chương trình
phối hợp này đến các đơn vị trực thuộc từ năm học 2009-2010. Sáu tháng một lần,
tổ chức họp giao ban liên ngành, khi kết thúc năm học hằng năm có báo cáo tổng
kết đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng việc triển khai phong trào và đề
xuất các giải pháp và kế hoạch cụ thể của năm học tiếp theo gửi về Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan lãnh đạo liên
ngành ở các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện bản Chương trình phối hợp này.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam giao cho Vụ Công tác học
sinh, sinh viên, Thường trực Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng trường học
thân thiện, học sinh tích cực”- Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban Gia đình Xã hội,
Ban Tuyên giáo – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ban Phong trào khuyến học - Hội
Khuyến học Việt Nam là bộ phận thường trực triển khai thực hiện Chương trình phối
hợp ở các cấp.
6. Nhà trường chủ trì, phối hợp
với các ngành Văn hóa, thể thao và du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học các địa phương, đặc biệt là các cấp
thôn bản, tổ dân phố tổ chức tốt lễ tổng kết năm học trang trọng, khen thưởng,
khích lệ học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học nói chung, phong trào thi đua
nói riêng và triển khai hoạt động hè thiết thực, bổ ích.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ
quan đầu mối, chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động liên quan đến việc triển
khai năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học
sinh tích cực” của các ngành Văn hóa, thể thao và du lịch và các tổ chức Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học
Việt Nam đồng thời kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các hội
nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tích
cực hưởng ứng và đóng góp có hiệu quả cho phong trào thi đua “Xây dựng trường học
thân thiện, học sinh tích cực”.
Chương trình phối hợp có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký và được phổ biến đến các trường, các chi hội phụ nữ, chi
hội khuyến học và các cấp quản lý trong toàn ngành Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam./.
CHỦ
TỊCH
HỘI KHUYẾN HỌC
VIỆT NAM
Nguyễn Mạnh Cầm
|
CHỦ
TỊCH
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
VIỆT NAM
Nguyễn Thị Thanh Hòa
|
BỘ
TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Nguyễn Thiện Nhân
|
Nơi nhận:
- Chủ tịch Nước (để b/c);
- Chủ tịch Quốc hội (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN (để b/c);
- UB VHGDTNTNNĐQH (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TƯ, Ban Dân vận TƯ (để b/c);
- Hội Cựu Chiến binh, Hội Nhà văn, Hội Khoa học lịch sử, Hội Nhạc sỹ, Hội Cựu
giáo chức (để phối hợp);
- Bộ VHTTDL, TƯ Đoàn TNCS HCM (để phối hợp);
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, TP. trực thuộc TƯ (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội
Khuyến học Việt Nam (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học
Việt Nam (để thực hiện);
- Các sở giáo dục và đào tạo, Hội phụ nữ, Hội khuyến học tỉnh/TP. trực thuộc
TƯ (để thực hiện);
- Website Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt
Nam;
- Lưu: VT, Vụ CT HSSV, Ban TG, Ban GĐXH, Ban PT.
|
|