CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CÁC
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRONG NĂM HỌC 2007-2008
Năm học 2006-2007, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo của các cấp ủy Đảng, sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể
từ tỉnh đến cơ sở, sự quan tâm của nhân dân và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ
quản lý giáo dục, giáo viên trong toàn ngành thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Thông tri của Tỉnh ủy, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện
nhiệm vụ năm học 2006-2007 và tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu
cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, sự nghiệp giáo dục đào tạo
của tỉnh nhà tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng
ở tất cả các cấp học, ngành học.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được
rất đáng khích lệ, những tồn tại, bất cập của ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa
được khắc phục triệt để; chất lượng giáo dục tuy có nâng lên nhưng vẫn chưa đồng
đều giữa các vùng; tỷ lệ huy động các cháu vào nhà trẻ ở ngành học mầm non còn
thấp; tỷ lệ bỏ học của học sinh vùng sâu, vùng xa còn cao; công tác giáo dục đạo
đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên
còn hạn chế; sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng kiên cố hóa trường lớp học vẫn
chưa được khắc phục tốt; cơ sở vật chất trường học một số nơi chưa đảm bảo tốt cho
việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông dẫn đến tình trạng
chưa khai thác hết trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có; nền nếp, kỷ cương trong
quản lý dạy và học ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận giáo viên
năng lực còn yếu nên chưa thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy; có
lúc, có nơi còn chạy theo thành tích nên việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo
dục học sinh chưa đúng thực chất; công tác đào tạo cán bộ quản lý giáo dục -
giáo viên có trình độ trên chuẩn ở cấp trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp
vẫn còn thấp so với yêu cầu; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp
trung học tuy có được quan tâm nhưng còn chậm; quy mô đào tạo trung cấp chuyên nghiệp
vẫn còn thấp do công tác tuyên truyền, hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh
trung học cơ sở và trung học phổ thông còn nhiều hạn chế; việc dạy thêm, học thêm
không đúng quy định, việc vi phạm quy chế của học sinh trong kiểm tra, thi cử
vẫn còn xảy ra; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học
cơ sở còn một số địa phương chưa đạt, một số địa phương đã đạt nhưng chưa vững chắc.
Để khắc phục những yếu kém, tồn tại của năm học
qua và triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm học
2007-2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Đối với ngành giáo dục và đào tạo:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt tinh thần
Chỉ thị số 25/2006/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về
việc triển khai thực hiện phân ban trung học phổ thông, Chỉ thị số 33/
2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực
và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
b) Nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Chỉ
thị số 39/2007/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo
dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm
học 2007-2008 và Thông tri số 04-TT/TU ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Tỉnh ủy về
nhiệm vụ năm học 2007-2008. Chọn chủ đề của năm học 2007-2008 là “Năm kỷ cương,
tình thương và trách nhiệm”.
c) Trên cơ sở những mặt được và chưa được trong
năm học vừa qua, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện cuộc vận động
“Hai không” theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng những giải
pháp cụ thể, sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa
phương, đơn vị và nhanh chóng triển khai thực hiện trong toàn ngành ngay từ đầu
năm học mới gồm bốn nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành
tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp. Tổ chức
thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập, rèn luyện của học
sinh, bảo đảm xét cho lên lớp đúng tiêu chuẩn.
d) Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý
giáo dục, giáo viên: tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ
quản lý giáo dục theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương
Đảng (khóa IX). Triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW
của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh về tổ chức thực hiện cuộc vận
động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tập trung thực hiện
kế hoạch sắp xếp đội ngũ cán bộ viên chức ngành học giáo dục phổ thông công lập
đến năm 2010; đổi mới công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm cho hiệu trưởng
và giáo viên; mạnh dạn đổi chất đội ngũ cán bộ, giáo viên; phân công, phân
nhiệm lại phù hợp hơn và động viên giáo viên không có chiều hướng tiến bộ nghỉ
việc hưởng chính sách hoặc đưa ra khỏi ngành những giáo viên yếu kém về chuyên
môn và tinh thần trách nhiệm.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, giáo viên
trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp có trình độ trên chuẩn. Mỗi cán
bộ quản lý, giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự rèn để nâng cao trình
độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học một cách năng
động, sáng tạo.
- Ngoài việc đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về
cơ cấu, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ phải chú trọng nâng cao đạo
đức nghề nghiệp, nhân cách và tinh thần trách nhiệm của nhà giáo, chống các
hành vi xúc phạm danh dự và thân thể học sinh, tôn trọng kỷ cương và nguyên
tắc, hành xử đúng pháp luật, để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và tự
học.
đ) Về giáo dục mầm non: tiếp tục củng cố và phát
triển các cơ sở giáo dục mầm non. Tích cực huy động tối đa trẻ trong độ tuổi
nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp đạt tỷ lệ đã đề ra theo Kế hoạch phát triển giáo dục
mầm non giai đoạn 2006-2010. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển trẻ mẫu giáo 5
tuổi, ở những vùng khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi được đi học mẫu giáo để
làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp một. Giám sát thực hiện bảo đảm an
toàn cho trẻ; tổ chức bồi dưỡng và quán triệt rộng rãi tới giáo viên, người
chăm sóc trẻ những yêu cầu của quy chế nuôi dạy trẻ.
e) Về giáo dục phổ thông: tiếp tục nâng cao
thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở,
tiến hành phổ cập giáo dục bậc trung học ở những địa phương đã hoàn thành phổ
cập trung học cơ sở. Trong năm học mới cần có giải pháp hạn chế thấp nhất tình
trạng học sinh bỏ học, vận động học sinh bỏ học trở lại trường.
- Tăng cường nền nếp, kỷ cương trong quản lý dạy
và học. Chú ý giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống cho học sinh, sinh viên
phù hợp với lứa tuổi, với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc “Tiên học
lễ - Hậu học văn”.
- Củng cố và nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại
ngữ, tin học ở tất cả các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; từng
bước tổ chức dạy ngoại ngữ và tin học ở các trường tiểu học có điều kiện. Những
nơi có đủ điều kiện thì tổ chức các lớp học 2 buổi/ngày và tổ chức lớp bán trú
cấp tiểu học.
- Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng an
ninh; tổ chức thực hiện tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp
cho học sinh phổ thông để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học
phổ thông; đẩy mạnh giáo dục về trật tự an toàn giao thông kiên quyết xử lý học
sinh sử dụng xe gắn máy đến trường theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP
ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm
chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến giáo dục môi trường,
đảm bảo tất cả các cơ sở giáo dục luôn có cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
- Tiếp tục đưa công tác giáo dục thể chất vào nề
nếp, xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt Hội khỏe phù đổng các cấp và Hội khỏe phù
đổng cấp tỉnh tiến tới Hội khỏe phù đổng cấp toàn quốc năm 2008.
g) Về giáo dục thường xuyên: nâng cao hiệu quả
hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp,
trung tâm học tập cộng đồng theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức phong
phú, đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Tích cực mở các lớp bổ
túc văn hóa cho các đối tượng không có điều kiện theo học ở các lớp chính quy.
h) Về giáo dục chuyên nghiệp: tiếp tục củng cố
và nâng cao chất lượng giảng dạy ở các ngành nghề đang đào tạo, tiếp tục mở
thêm các ngành nghề mới; phát triển mạnh hệ trung cấp chuyên nghiệp trong
Trường Cao đẳng Bến Tre, quan tâm đến việc thu hút học sinh sau trung học cơ sở
để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu công
nghiệp trong, ngoài tỉnh và hợp tác lao động nước ngoài.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xúc tiến thành
lập Trường Đại học Bến Tre; nghiên cứu mô hình trường trung học phổ thông kỹ
thuật để giáo dục nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; tiếp tục chuẩn bị các
điều kiện để nâng Trường Trung học Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế.
i) Về xây dựng cơ sở vật chất: đẩy nhanh tiến độ
xây dựng trường lớp để hoàn thành dứt điểm Chương trình kiên cố hoá trường, lớp
học giai đoạn một trong năm 2008, xây dựng đề án kiên cố hoá trường lớp giai
đoạn hai; tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học
theo đúng kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Từng bước hoàn thiện mạng lưới
trường lớp ở các cấp, bậc học, tập trung đầu tư trường lớp theo hướng chuẩn
hóa, hiện đại hóa; tập trung đầu tư các phương tiện, đồ dùng dạy học đạt yêu
cầu về chất lượng và đủ về số lượng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
k) Về công tác thanh tra, kiểm tra: tăng cường
hoạt động thanh tra, kiểm tra; xây dựng lực lượng cộng tác viên thanh tra giáo
dục đủ mạnh để làm nồng cốt trong đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo
dục và đào tạo; kiên quyết xử lý nghiêm các dạng tiêu cực trong dạy thêm, học
thêm, trong kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh không đúng thực chất. Tổ chức
thực hiện nghiêm túc các kỳ xét tốt nghiệp, thi tốt nghiệp, tuyển sinh và cấp
phát văn bằng, chứng chỉ.
l) Về công tác thi đua: kiên quyết khắc phục
bệnh thành tích, cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua-khen thưởng. Trước mắt
rà soát lại nội dung các tiêu chí thi đua, cách tổ chức, đánh giá phong trào và
hoạt động thi đua-khen thưởng để xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành và hoàn
thành vượt mức các chỉ tiêu công tác một cách thực chất. Chú trọng công tác
thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu chất lượng từ cơ sở, làm cho
hoạt động thi đua thật sự là động lực thúc đẩy công tác quản lý dạy và học đạt
hiệu quả tốt hơn.
m) Về công tác xã hội hóa giáo dục: tích cực huy
động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục; nâng cao hiệu quả hoạt động
của Trung tâm dịch vụ và tư vấn du học. Đề nghị Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo
chức, thành viên Hội đồng giáo dục các cấp tuỳ theo nhiệm vụ, điều kiện tranh
thủ vận động kinh phí từ nhiều nguồn, tiếp tục hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục
phát triển.
2. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo xây dựng kế
hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này ở địa phương mình. Chú ý đánh giá đúng
mức về chất lượng giáo dục, các tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong
giáo dục sát hợp với tình hình ở từng cơ sở giáo dục, từng địa phương trong
thời gian qua, từ đó đề ra những bước đi và những giải pháp khả thi để thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ năm học.
3. Đề nghị Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, và các đoàn thể tỉnh, Báo Đồng Khởi và Đài Phát thanh
và Truyền hình tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị này trong toàn
hệ thống chính trị và đến các tầng lớp nhân dân để thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày
ký.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp
tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và
Đào tạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị của các Trưởng Phòng
Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và
báo cáo định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh./.