VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/VBHN-VPQH
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2013
|
LUẬT
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội,
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Luật
số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Căn
cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc
hội ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp[1].
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật
này quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế,
căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 2. Người nộp thuế
1.
Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi
là doanh nghiệp), bao gồm:
a)
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b)
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi
là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú
tại Việt Nam;
c)
Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
d)
Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ)
Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
2.
Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật
này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
a)
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với
thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài
Việt Nam;
b)
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu
nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt
Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;
c)
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu
nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến
hoạt động của cơ sở thường trú;
d)
Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với
thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
3.[2] Cơ sở thường trú
của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này,
doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất,
kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
a) Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng,
phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên
thiên nhiên khác tại Việt Nam;
b)
Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;
c)
Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc
tổ chức, cá nhân khác;
d)
Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;
đ)
Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng
đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng
đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng
hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
Điều 3. Thu nhập chịu thuế
1.
Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa,
dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.
2.[3] Thu nhập khác
bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ
chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền
tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng
sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ
quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng,
cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ
lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi
được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh
doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập
từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
Điều 4. Thu nhập được miễn thuế
1.[4] Thu nhập từ trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của
hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm
nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
2.
Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
3.
Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,
sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới
lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
4.[5] Thu nhập từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động
bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người
nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và
có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên, không bao gồm
doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
5.
Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn
tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
6.
Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp
trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật
này.
7.
Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học,
văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
8.[6] Thu nhập từ
chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng
chỉ giảm phát thải.
9.7[7] Thu nhập từ thực
hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt động
tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng
cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội;
thu nhập của các quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động
không vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật; thu nhập của tổ chức
mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của
các tổ chức tín dụng Việt Nam.
10.[8] Phần thu nhập
không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y
tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định
của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội
hóa khác; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành
lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã.
11.[9] Thu nhập từ
chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở
địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 5. Kỳ tính thuế
1.
Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm
tài chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2.
Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối
với doanh nghiệp nước ngoài được quy định tại điểm c và điểm d khoản
2 Điều 2 của Luật này.
Chương II
CĂN
CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ
Điều 6. Căn cứ tính thuế
Căn
cứ tính thuế là thu nhập tính thuế và thuế suất.
Điều 7. Xác định thu nhập tính thuế
1.
Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ
thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
2.
Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản
xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
3.[10] Thu nhập từ
hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng
quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến
khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự
án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng
quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò,
khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này
được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 8. Doanh thu
Doanh
thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, trợ giá, phụ
thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng. Doanh thu được tính bằng đồng Việt
Nam; trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt
Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại
tệ.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 9. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định
thu nhập chịu thuế[11]
1.
Trừ các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản
chi khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a)
Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp
theo quy định của pháp luật;
b)
Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn
mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải
có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc
phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
2.
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
a)
Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, trừ phần
giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không
được bồi thường;
b)
Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;
c)
Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;
d)
Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở
thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt
Nam quy định;
đ)
Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;
e)
Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là
tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
g)
Khoản trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật;
h)
Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;
i)
Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập
viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền
lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động
nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của
pháp luật;
k)
Phần chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;
l)
Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp
theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;
m)
Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết,
hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản
xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không
bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng
số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;
n)
Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc
phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối
tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của
Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn;
o)
Phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua
bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định theo quy định của
pháp luật;
p)
Các khoản chi của hoạt động kinh doanh: ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán
và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài
chính.
3.
Khoản chi bằng ngoại tệ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế phải quy đổi
ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên
ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh khoản
chi bằng ngoại tệ.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 10. Thuế suất[12]
1.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản
2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.
Những
trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang
áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2.
Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất
20%.
Doanh
thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20%
tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.
3.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai
thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với
từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 11. Phương pháp tính thuế
1.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được tính bằng thu nhập
tính thuế nhân với thuế suất; trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập ở
ngoài Việt Nam thì được trừ số thuế thu nhập đã nộp nhưng tối đa không quá số
thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật này.
2.
Phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp quy định tại điểm c
và điểm d khoản 2 Điều 2 của Luật này được thực hiện theo quy định của
Chính phủ.
Điều 12. Nơi nộp thuế
Doanh
nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản
xuất hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thì số thuế được tính nộp
theo tỷ lệ chi phí giữa nơi có cơ sở sản xuất và nơi có trụ sở chính. Việc phân
cấp, quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách
nhà nước.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Chương III
ƯU
ĐÃI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Điều 13. Ưu đãi về thuế suất[13]
1.
Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với:
a)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
b)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công
nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao;
ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho
phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát
triển theo quy định của Luật công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở
ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ
sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất
sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ,
vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ
việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường;
c)
Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;
d)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất
(trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai
thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
-
Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân
không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh
thu tối thiểu đạt mười nghìn tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có
doanh thu;
-
Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân
không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên ba
nghìn lao động.
2.
Áp dụng thuế suất 10% đối với:
a)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo
dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường;
b)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để
bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật
nhà ở;
c)
Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in
theo quy định của Luật báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất
bản theo quy định của Luật xuất bản;
d)
Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông,
lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân
và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ
sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; đầu
tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm;
đ)
Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư
nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trừ thu nhập của
hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.
3.
Áp dụng thuế suất 20% trong thời gian mười năm đối với:
a)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn;
b)
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép
cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục
vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết
bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển
ngành nghề truyền thống.
Từ
ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được
áp dụng thuế suất 17%.
4.
Áp dụng thuế suất 20% đối với thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài
chính vi mô.
Từ
ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài
chính vi mô được áp dụng thuế suất 17%.
5.
Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời
gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm
không quá mười lăm năm.
6.
Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại Điều này được tính từ năm đầu
tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu; đối với doanh nghiệp công
nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được
cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được
cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 14. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế[14]
1.
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công
nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa
không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp
theo.
2.
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực
hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có
điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế
tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm
tiếp theo.
3.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự
án đầu tư mới quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ năm đầu
tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu
thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian
miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối
với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Luật này được tính từ
ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động thuộc lĩnh
vực, địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này mở rộng
quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất (đầu tư mở rộng)
nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại khoản này thì được lựa chọn hưởng
ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được
miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng.
Thời
gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng quy định
tại khoản này bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu
tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự
án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi quy định tại khoản này phải đáp ứng một
trong các tiêu chí sau:
a)
Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động
đạt tối thiểu từ hai mươi tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực
hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này hoặc từ mười
tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn theo quy định của pháp luật;
b)
Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng
nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư;
c)
Công suất thiết kế tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế trước
khi đầu tư.
Trường
hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu
đãi thuế theo quy định của Luật này mà không đáp ứng một trong ba tiêu chí quy
định tại khoản này thì áp dụng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời
gian còn lại (nếu có).
Trường
hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mở rộng thì phần thu
nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được hạch toán riêng; trường hợp không hạch
toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ giữa
nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh
trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp.
Thời
gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại khoản này được tính từ năm dự án đầu tư
hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Ưu
đãi thuế quy định tại khoản này không áp dụng đối với các trường hợp đầu tư mở
rộng do sáp nhập, mua lại doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư đang hoạt động.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 15. Các trường hợp giảm thuế khác
1.
Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm
thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ.
2.
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số được giảm thuế
thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số.
3.[15] Doanh nghiệp
thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức,
cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế
thu nhập doanh nghiệp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Điều 16. Chuyển lỗ[16]
1.
Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập
tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm
phát sinh lỗ.
2.
Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án
đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư sau khi đã thực hiện bù trừ
theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này nếu còn lỗ và
doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản
được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó. Thời gian
chuyển lỗ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 17. Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của
doanh nghiệp
1.[17] Doanh nghiệp
thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa
10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của
doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc thực hiện trích Quỹ phát
triển khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này còn phải bảo đảm tỷ lệ
trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu theo quy định của pháp luật
về khoa học và công nghệ.
2.
Trong thời hạn năm năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học và
công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng
mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh
nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không
đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Thuế
suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất áp dụng
cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập quỹ.
Lãi
suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hết là
lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi
và thời gian tính lãi là hai năm.
Lãi
suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ sử dụng sai mục đích
là lãi phạt chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế và thời gian tính lãi
là khoảng thời gian kể từ khi trích lập quỹ đến khi thu hồi.
3.
Doanh nghiệp không được hạch toán các khoản chi từ Quỹ phát triển khoa học và
công nghệ của doanh nghiệp vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
trong kỳ tính thuế.
4.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu
tư khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế[18]
1.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại các điều 13, 14,
15, 16 và 17 của Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp
thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai.
Ưu
đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện dự án đầu tư mới quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với các trường
hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi
sở hữu và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2.
Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được
ưu đãi thuế quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này với
thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được ưu đãi thuế; trường hợp
không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu
đãi thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh
doanh được ưu đãi thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
3.
Thuế suất 20% quy định tại khoản 2 Điều 10 và quy định về
ưu đãi thuế tại khoản 1 và khoản 4 Điều 4, Điều
13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với:
a)
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển
nhượng bất động sản, trừ nhà ở xã hội quy định tại Điều 13 của Luật
này; thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự
án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam;
b)
Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm
khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản;
c)
Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy
định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
d)
Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
4.
Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế
khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng
mức ưu đãi thuế có lợi nhất.
Chương IV
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH[19]
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
2.
Luật này thay thế Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11.
3.
Doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 tiếp tục được hưởng các ưu đãi này cho
thời gian còn lại theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số
09/2003/QH11; trường hợp mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả
thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế thấp hơn mức ưu đãi theo quy
định của Luật này thì được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật này cho
thời gian còn lại.
4.
Doanh nghiệp thuộc diện hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 mà chưa có thu nhập chịu thuế
thì thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính theo quy định
của Luật này và kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 20. Hướng dẫn thi hành
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 4, 7, 8,
9, 10, 11, 12, 13, 14, 15,
18 và các nội dung cần thiết khác của Luật này theo yêu cầu quản lý./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2013
CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hạnh Phúc
|
[1]
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có căn cứ ban hành như sau:
“Căn
cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số
14/2008/QH12.”
[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[6] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[8] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[9] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[11] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[12] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[13] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[14] Điều này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[15] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[16] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[17] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[18] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều
1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[19] Điều 2 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014
quy định như sau:
“Điều
2
1.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, trừ quy định tại khoản
2 Điều này.
2.
Quy định về áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm
không quá hai mươi tỷ đồng tại khoản 6 Điều 1 và quy định về áp dụng thuế suất
10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh
nhà ở xã hội tại khoản 7 Điều 1 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7
năm 2013.
3.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư mà tính đến hết kỳ tính thuế năm 2013 còn đang
trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất, thời gian
miễn, giảm thuế) theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu
nhập doanh nghiệp trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được
hưởng cho thời gian còn lại theo quy định của các văn bản đó. Trường hợp đáp ứng
điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của Luật này thì được lựa chọn ưu đãi đang
hưởng hoặc ưu đãi theo quy định của Luật này theo diện ưu đãi đối với đầu tư mới
cho thời gian còn lại nếu đang hưởng theo diện doanh nghiệp thành lập mới từ dự
án đầu tư hoặc theo diện ưu đãi đối với đầu tư mở rộng cho thời gian còn lại nếu
đang hưởng theo diện đầu tư mở rộng.
Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015, trường hợp
doanh nghiệp có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% quy định tại
khoản 3 Điều 13 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Luật này thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 được
chuyển sang áp dụng mức thuế suất 17% cho thời gian còn lại.
4.
Bãi bỏ các nội dung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp tại các điều, khoản
của các luật sau đây:
a)
Khoản 2 Điều 7 của Luật bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13;
b)
Khoản 2 Điều 4 của Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12;
c)
Khoản 1 Điều 10; khoản 1 Điều 12; khoản 2 Điều 18; khoản 2 Điều 19; khoản 1 và khoản
2 Điều 22; khoản 3 Điều 24 và khoản 2 Điều 28 của Luật công nghệ cao số
21/2008/QH12;
d)
Các khoản 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 44, Điều 45 của Luật chuyển giao công nghệ số
80/2006/QH11;
đ)
Khoản 1 Điều 53, khoản 5 Điều 55 và khoản 3 Điều 86 của Luật dạy nghề số
76/2006/QH11;
e)
Khoản 1 Điều 68 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài số
72/2006/QH11;
g)
Khoản 2 Điều 6 của Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11;
h)
Khoản 3 Điều 8 của Luật trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11;
i)
Khoản 3 Điều 66 của Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13;
k)
Điều 34 của Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12;
l)
Khoản 4 Điều 33 của Luật đầu tư số 59/2005/QH11;
m)
Khoản 2 Điều 58, khoản 2 Điều 73, khoản 3 Điều 117 và khoản 3 Điều 125 của Luật
doanh nghiệp số 60/2005/QH11.
5.
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong
Luật.”