BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2016/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày
tháng năm 2016
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP TẠI
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC KINH TẾ DO BÊN NƯỚC
NGOÀI NẮM QUYỀN CHI PHỐI
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm
2014;
Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12
tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23
tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính
doanh nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng
dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của
nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua
cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, tổ
chức kinh tế do bên ngoài nắm quyền chi phối (sau đây gọi chung là bên nước
ngoài), theo các hình thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Đầu
tư.
2. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần của các công
ty niêm yết, công ty đại chúng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành
về chứng khoán.
3. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
trong doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực có quy định của pháp luật
chuyên ngành hoặc có cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên khác với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật
chuyên ngành hoặc các điều ước quốc tế đó.
4. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần trong doanh
nghiệp nhà nước cổ phần hoá hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác: thực hiện
theo quy định của pháp luật hiện hành về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp
nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bên nước ngoài:
1.1. Nhà đầu tư nước ngoài:
a) Tổ chức nước ngoài: là tổ chức thành lập ở nước
ngoài theo pháp luật nước ngoài, chi nhánh của tổ chức này tại Việt Nam thực hiện
hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
b) Cá nhân nước ngoài: là người không có quốc tịch
Việt Nam.
Nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc
tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như quy
định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp lựa
chọn áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong
nước thì không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư
nước ngoài.
1.2. Tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền
chi phối: là tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, gồm:
a) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm
giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
b) Công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh
là cá nhân nước ngoài;
c) Tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông
góp vốn là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ
trở lên;
d) Tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông
góp vốn là công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài;
e) Tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông
góp vốn cùng nhau nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên là nhà đầu tư nước ngoài
và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên
f) Tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông
góp vốn cùng nhau nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên là nhà đầu tư nước ngoài
và công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài.
2. Doanh nghiệp Việt Nam quy định tại Thông tư
này là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh
nghiệp tư nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt
Nam.
3. Cổ đông sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần;
thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn; thành viên hợp danh,
thành viên góp vốn trong công ty hợp danh; chủ doanh nghiệp tư nhân.
4. Đại diện của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại
điểm 1.1 khoản 1 Điều này.
5. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động
góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam của bên nước
ngoài.
Điều 3. Tỷ lệ sở hữu cổ phần,
phần vốn góp
1. Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của bên nước
ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết của tất cả các bên nước
ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam.
2. Bên nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không
hạn chế trong doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả vốn có quyền biểu quyết và vốn
không có quyền biểu quyết), trừ các trường hợp thực hiện theo quy định riêng
nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư này.
3. Đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đa
ngành nghề, đa lĩnh vực, trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau
về tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài thì bên nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần
không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của bên nước
ngoài thấp nhất, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
4. Trường hợp pháp luật liên quan, cam kết quốc
tế hoặc điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của
bên nước ngoài: tỷ lệ sở hữu vốn của bên nước ngoài xác định theo quy định tại
Khoản 1 Điều này.
Nếu bên nước ngoài sở hữu vốn có quyền biểu quyết,
đồng thời/hoặc sở hữu vốn không có quyền biểu quyết của doanh nghiệp: Khi doanh
nghiệp thực hiện chuyển đổi phần vốn không có quyền biểu quyết thành phần vốn
có quyền biểu quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bên nước ngoài phải phối
hợp với doanh nghiệp có phương án xử lý để đảm bảo bên nước ngoài sở hữu tỷ lệ
vốn có quyền biểu quyết không vượt quá mức quy định.
5. Bên nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định về hạn chế
sở hữu chéo tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có
liên quan.
Điều 4. Hình thức góp vốn,
mua cổ phần, phần vốn góp
1. Các hình thức góp vốn:
1.1. Bên nước ngoài mua cổ phần phát hành lần đầu
cho những người không phải là cổ đông sáng lập, hoặc mua cổ phần phát hành thêm
của công ty cổ phần.
1.2. Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn:
a) Bên nước ngoài góp vốn vào công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên khi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện
chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hoặc thực
hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
b) Bên nước ngoài góp vốn vào công ty trách nhiệm
hữu hạn hai thành viên trở lên; hoặc góp vốn khi công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
1.3. Góp vốn vào công ty hợp danh:
a) Bên nước ngoài (tổ chức hoặc cá nhân) góp vốn
vào công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn trong công ty hợp danh.
b) Cá nhân nước ngoài góp vốn vào công ty hợp
danh để trở thành thành viên hợp danh mới sau khi được Hội đồng thành viên chấp
thuận.
1.4. Góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân:
Bên nước ngoài góp vốn với chủ doanh nghiệp tư
nhân để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên.
2. Các hình thức mua cổ phần, phần vốn góp:
2.1. Mua cổ phần của công ty cổ phần.
a) Bên nước ngoài mua cổ phần chưa bán của công
ty cổ phần.
b) Bên nước ngoài mua lại cổ phần, quyền mua cổ
phần của các cổ đông trong công ty cổ phần, bao gồm cả mua lại cổ phần phổ thông
của cổ đông sáng lập sau khi được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
c) Bên nước ngoài mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ
phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác trong công ty cổ phần khi điều lệ
công ty có quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
d) Một bên nước ngoài (một tổ chức nước ngoài,
hoặc một cá nhân nước ngoài, hoặc một tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền
chi phối) mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần để chuyển
đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
e) Nhiều bên nước ngoài (từ hai trở lên) mua lại
một phần hoặc toàn bộ cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần để chuyển đổi
thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
2.2. Mua lại phần vốn góp, quyền góp vốn trong
công ty trách nhiệm hữu hạn:
a) Bên nước ngoài mua lại một phần vốn góp của
chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên thực hiện chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên.
b) Bên nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền
góp vốn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
c) Một bên nước ngoài (một tổ chức nước ngoài,
hoặc một cá nhân nước ngoài, hoặc một tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền
chi phối) mua lại toàn bộ phần vốn góp của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên; hoặc mua lại toàn bộ vốn góp của các thành viên công ty trách
nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên.
d) Nhiều bên nước ngoài (từ hai trở lên) mua lại
một phần hoặc toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở
lên hoặc công ty cổ phần; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp của các thành
viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để chuyển đổi thành
công ty cổ phần.
2.3. Mua lại phần vốn góp, quyền góp vốn trong
công ty hợp danh.
a) Bên nước ngoài (tổ chức hoặc cá nhân) mua lại
phần vốn góp, quyền góp vốn của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh.
b) Cá nhân nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền
góp vốn của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh nếu được sự chấp thuận của
các thành viên hợp danh còn lại.
2.4. Mua lại phần vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân
Bên nước ngoài mua lại một phần vốn đầu tư vào
hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân để chuyển đổi doanh
nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Điều 5. Đại diện của nhà đầu
tư nước ngoài và người trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp
1. Đại diện có thẩm quyền của tổ chức nước
ngoài:
a) Chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng
thành viên, hoặc tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức nước ngoài.
b) Người có thẩm quyền theo quy định tại điều lệ
của tổ chức nước ngoài, hoặc theo các tài liệu tương đương của tổ chức nước
ngoài có đủ thẩm quyền ký các tài liệu và thực hiện các hoạt động liên quan đến
việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam.
c) Người được đối tượng quy định tại điểm a, b
khoản này ủy quyền bằng văn bản có xác nhận bởi công chứng viên ở nước ngoài;
hoặc người được luật sư, công chứng viên ở nước ngoài xác nhận là đủ thẩm quyền
đại diện cho tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài.
2. Đại diện giao dịch tại Việt Nam của nhà đầu
tư nước ngoài:
Nhà đầu tư nước ngoài có thể ủy quyền và chỉ được
ủy quyền cho duy nhất một đại diện giao dịch tại Việt Nam thông qua văn bản ủy
quyền để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh
nghiệp Việt Nam.
Đại diện giao dịch tại Việt Nam:
a) Tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập
và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, được pháp luật cho phép thực hiện các
nghiệp vụ môi giới đầu tư, tư vấn đầu tư, uỷ thác đầu tư, môi giới chứng khoán,
quản lý danh mục đầu tư (sau đây gọi là tổ chức đại diện tại Việt Nam); hoặc:
b) Cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam hoặc
là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Là người
có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành
hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; Có chứng chỉ hành
nghề liên quan đến cung cấp dịch vụ về góp vốn, mua cổ phần (chứng chỉ hành nghề
môi giới chứng khoán, chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, chứng chỉ hành
nghề quản lý quỹ...); Không đồng thời làm việc ở một trong các tổ chức đại diện
quy định tại tiết a khoản này (sau đây gọi là cá nhân đại diện tại Việt Nam).
3. Người trực tiếp thực hiện các giao dịch trong
hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong
doanh nghiệp Việt Nam:
a) Người trực tiếp thực hiện các giao dịch của tổ
chức nước ngoài: là đại diện có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này; hoặc
là người được tổ chức đại diện tại Việt Nam (trong trường hợp ủy quyền) giao
nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các giao dịch.
b) Người trực tiếp thực hiện các giao dịch của
cá nhân nước ngoài: là cá nhân nước ngoài; hoặc cá nhân đại diện tại Việt Nam
(trường hợp ủy quyền cho cá nhân); hoặc người được tổ chức đại diện tại Việt
Nam (trường hợp ủy quyền cho tổ chức) giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các
giao dịch.
4. Giới hạn ủy quyền:
a) Tổ chức nước ngoài chỉ được ủy quyền cho tổ
chức đại diện tại Việt Nam; không được ủy quyền cho cá nhân đại diện tại Việt
Nam.
b) Cá nhân nước ngoài có thể ủy quyền cho tổ chức
đại diện tại Việt Nam, hoặc uỷ quyền cho cá nhân đại diện tại Việt Nam. Cá nhân
đại diện tại Việt Nam chỉ được thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần, phần
vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam cho cá nhân nước ngoài dưới danh nghĩa của
cá nhân nước ngoài.
5. Tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền
chi phối phải trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần, phần vốn
góp trong doanh nghiệp Việt Nam.
Chương II
GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN
VỐN GÓP
MỤC 1. CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM, CÁ NHÂN CÓ CỔ PHẦN, VỐN GÓP
Điều 6. Các trường hợp nhận
vốn góp, bán cổ phần
Doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần
cho bên nước ngoài trong các trường hợp:
1. Tăng vốn điều lệ, mở rộng hoạt động và thu
hút bên nước ngoài (có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao
công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm;
gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp) trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh
nghiệp.
2. Thay đổi cơ cấu sở hữu vốn thông qua việc:
a) Chuyển nhượng (bán) một phần vốn góp (đối với
công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh).
b) Bán cổ phần phát hành lần đầu cho những người
không phải là cổ đông sáng lập, phát hành thêm cổ phần, bán cổ phần trong số cổ
phần chưa bán.
c) Bán bớt một phần vốn kết hợp thực hiện tăng vốn
điều lệ.
3. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo một số
hình thức quy định tại Điều 4 Thông tư này.
4. Thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu cổ phần
bán phần vốn góp của mình theo mục đích và nhu cầu của cá nhân, hoặc theo quyết
định của cấp có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu hoạt động của
doanh nghiệp.
Điều 7. Thẩm quyền quyết định
nhận vốn góp, bán cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp
1. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai
thành viên trở lên, công ty hợp danh.
1.1. Trường hợp doanh nghiệp tăng vốn, kết hợp/hoặc
chuyển nhượng một phần vốn: Hội đồng thành viên phê duyệt phương án huy động vốn,
kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn trong đó có nội dung nhận vốn góp của
bên nước ngoài.
1.2. Đối với thành viên góp vốn của công ty
trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên: thành viên góp vốn có quyền chuyển
nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp (bao gồm cả chuyển nhượng quyền góp
thêm vốn khi công ty tăng vốn điều lệ) cho người khác không phải là thành viên
trong đó có bên nước ngoài sau khi yêu cầu công ty mua lại, hoặc chào bán cho
các thành viên còn lại trong công ty nhưng công ty hoặc các thành viên còn lại
không mua hoặc mua không hết, theo quy định tại Điều 52, 53, 54 Luật Doanh nghiệp.
1.3. Đối với thành viên góp vốn trong công ty hợp
danh: thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn
góp (bao gồm cả chuyển nhượng quyền góp thêm vốn khi công ty tăng vốn điều lệ)
cho người khác trong đó có bên nước ngoài.
1.4. Đối với thành viên hợp danh của công ty hợp
danh: thành viên hợp danh chỉ được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của
mình tại công ty cho người khác trong đó có cá nhân nước ngoài sau khi được sự
chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên thực hiện chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở
lên.
Chủ sở hữu công ty quyết định phương án chuyển đổi,
trong đó có phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn cho
bên nước ngoài. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm toàn bộ về quyết định này
theo quy định của pháp luật.
3. Đối với công ty cổ phần.
3.1. Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng
vốn điều lệ: Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị (theo Luật doanh nghiệp
và điều lệ công ty) quyết định phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều
lệ, trong đó có nội dung bán cổ phần cho bên nước ngoài.
3.2. Trường hợp bán cổ phần phát hành lần đầu
cho những người không phải cổ đông sáng lập, bán cổ phần trong số cổ phần chưa
bán:
a) Nếu điều lệ công ty có quy định về tỷ lệ vốn
góp của bên nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 3 Thông tư này: Hội đồng
quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty (theo điều lệ công ty) quyết định
phương án bán cổ phần cho bên nước ngoài, đảm bảo theo tỷ lệ quy định tại điều
lệ công ty.
b) Nếu điều lệ công ty chưa quy định tỷ lệ vốn
góp của bên nước ngoài: căn cứ nhu cầu hoạt động và điều lệ doanh nghiệp, đại hội
đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị (theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty)
quyết định phương án bán cổ phần cho bên nước ngoài, đảm bảo theo tỷ lệ quy định
tại Điều 3 Thông tư này.
3.3. Đối với cổ đông phổ thông và cổ đông sáng lập:
Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần và quy
định này được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng, cổ đông phổ thông và
cổ đông sáng lập được chuyển nhượng cổ phần theo quy định sau:
a) Đối với cổ đông phổ thông: có quyền chuyển
nhượng cổ phần của mình (bao gồm cả chuyển nhượng quyền mua thêm cổ phần khi
công ty tăng vốn điều lệ) cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông
trong đó có bên nước ngoài.
b) Đối với cổ đông sáng lập:
- Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng
cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập trong đó có
bên nước ngoài nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp
này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc
chuyển nhượng các cổ phần đó.
- Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền chuyển nhượng cổ
phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập trong đó có
bên nước ngoài.
c) Việc chuyển nhượng cổ phần cho bên nước ngoài
của cổ đông phổ thông và cổ đông sáng lập phải đảm bảo tỷ lệ quy định tại Điều
3 Thông tư này.
3.4. Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu
đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác: bên nước ngoài được mua khi Điều lệ công
ty có quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định (bao gồm cả trường hợp
mua của cổ đông ưu đãi) và không tính vào tỷ lệ sở hữu vốn của bên nước ngoài nếu
cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
4. Đối với doanh nghiệp tư nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định và chịu
trách nhiệm toàn bộ về việc bán lại một phần vốn hoặc nhận vốn góp của bên nước
ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
5. Đối với doanh nghiệp Việt Nam có vốn góp của
Nhà nước.
Thẩm quyền và trách nhiệm của người đại diện chủ
sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam có vốn góp nhà nước khi nhận vốn
góp, bán cổ phần cho bên nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật hiện
hành về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Điều 8. Phương án huy động vốn,
kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn góp, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt
Nam liên quan đến bên nước ngoài
Tùy theo thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp,
trong phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn góp, bán
cổ phần (sau đây viết tắt là phương án) để trình cấp có thẩm quyền của doanh
nghiệp phê duyệt cần có thêm các nội dung liên quan đến bên nước ngoài:
1. Tỷ lệ vốn bên nước ngoài dự kiến huy động; số
vốn dự kiến chuyển nhượng (bán) cho bên nước ngoài; số cổ phần và loại cổ phần
dự kiến bán cho bên nước ngoài.
2. Tiêu chí, yêu cầu, điều kiện đối với bên nước
ngoài.
3. Phương thức thực hiện áp dụng đối với bên nước
ngoài: đấu giá, hoặc thoả thuận trực tiếp.
3.1. Tổ chức đấu giá: áp dụng khi có trên 3 nhà
đầu tư là bên nước ngoài đăng kí mua cổ phần hoặc tối đa 3 nhà đầu tư là bên nước
ngoài đăng kí mua mà tổng số vốn đăng kí mua lớn hơn số vốn dự kiến bán cho bên
nước ngoài.
Phương thức thực hiện: qua Sở giao dịch chứng
khoán, hoặc tổ chức có chức năng thực hiện dịch vụ đấu giá, hoặc tại doanh nghiệp
huy động vốn, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng theo quy định
của pháp luật về đấu giá.
3.2. Thoả thuận trực tiếp: Áp dụng trong trường
hợp có tối đa 3 nhà đầu tư là bên nước ngoài đăng kí mua và tổng số vốn đăng kí
mua bằng số vốn dự kiến bán cho bên nước ngoài.
Trong phương án thoả thuận trực tiếp có thêm các
nội dung sau:
- Thông tin về các bên nước ngoài (tên, địa chỉ,
vốn điều lệ - đối với tổ chức); Mối quan hệ của bên nước ngoài với doanh nghiệp
này và các doanh nghiệp khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh (về cung cấp
nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, thương hiệu ...). Dự
kiến nhà đầu tư chiến lược (nếu có) trong số các nhà đầu tư là bên nước ngoài.
- Nội dung đánh giá ảnh hưởng của từng bên nước
ngoài nếu đầu tư vào doanh nghiệp, đề xuất phương án lựa chọn để cấp có thẩm
quyền của doanh nghiệp có cơ sở đưa ra quyết định chọn bên nước ngoài.
4. Đối với việc tăng vốn điều lệ theo hình thức
tăng vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông hiện hữu: trong phương án phải có
nội dung quy định rõ về việc chuyển nhượng quyền góp vốn của thành viên hoặc
quyền mua cổ phần của cổ đông hiện hữu cho bên nước ngoài.
5. Giá trị dự kiến thu được từ việc huy động vốn,
chuyển nhượng phần vốn góp cho bên nước ngoài; giá bán cổ phần dự kiến cho bên
nước ngoài, xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 125 Luật Doanh nghiệp.
6. Hình thức thanh toán áp dụng đối với bên nước
ngoài: tiền mặt; ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc tài sản hợp pháp khác. Trường hợp
góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ hoặc tài sản khác, trong phương án phải có
thêm các nội dung về cách thức quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam hoặc cách thức
định giá tài sản theo đúng quy định tại Điều 14 Thông tư này
7. Các nội dung khác phù hợp với quy định của
pháp luật và điều lệ công ty.
Điều 9. Công bố thông tin
1. Trường hợp thực hiện theo phương thức đấu
giá: chậm nhất 7 ngày trước khi tiến hành đấu giá bán cổ phần, nhận vốn góp của
bên nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thành việc công bố thông tin tại
doanh nghiệp, tại nơi tổ chức đấu giá và trên các phương tiện thông tin đại
chúng với các nội dung chủ yếu: tên, địa chỉ của doanh nghiệp; số lượng cổ phần
bán/số vốn nhận góp; các thông tin cần thiết về tình hình kinh doanh, vốn, quỹ
của doanh nghiệp năm báo cáo và 2 năm trước liền kề; điều kiện tham gia đấu
giá; phương thức thanh toán và các vấn đề khác có liên quan.
Kết quả đấu giá phải được công bố công khai chậm
nhất không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc đấu giá.
2. Trường hợp thực hiện theo phương thức thỏa
thuận trực tiếp: cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt phương án quyết định
hình thức và nội dung công bố thông tin trước và sau khi có kết quả thỏa thuận
trực tiếp, đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Thực hiện nhận vốn
góp, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp
1. Doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần:
a) Qua tổ chức đấu giá: Trên cơ sở phương án được
cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp Việt Nam phê duyệt và quy định tại quy chế đấu
giá, đấu thầu, bên nước ngoài cung cấp các tài liệu theo quy định tại Điều 13
Thông tư này và các tài liệu khác theo quy định tại quy chế đấu giá cho cơ quan
tổ chức đấu giá để thực hiện đấu giá vốn góp, cổ phần.
Giá chuyển nhượng phần vốn góp, giá bán cổ phần
cho bên nước ngoài là giá đấu thành công của cuộc đấu giá công khai. Đối với
nhà đầu tư chiến lược là giá đấu thành công bình quân, hoặc giá khác do cấp có
thẩm quyền phê duyệt phương án thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư chiến lược
nhưng không được thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công
khai.
b) Theo phương thức thoả thuận trực tiếp: Trên
cơ sở phương án được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp Việt Nam phê duyệt, bên
nước ngoài cung cấp các tài liệu theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và hồ
sơ tài liệu khác có liên quan cho doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần.
Doanh nghiệp Việt Nam và bên nước ngoài tiến hành tiếp các bước đàm phán để thống
nhất và hoàn tất các thủ tục góp vốn, mua cổ phần.
Giá chuyển nhượng phần vốn góp, giá bán cổ phần
cho bên nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược) là giá thỏa thuận giữa
các bên, nhưng không được thấp hơn giá dự kiến đã được cấp có thẩm quyền của
doanh nghiệp phê duyệt phương án quyết định.
c) Phương thức thanh toán, hình thức thanh toán,
việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của bên nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần
thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt,
quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật về thuế, ngân hàng có liên quan.
2. Thành viên chuyển nhượng vốn góp, cổ đông bán
cổ phần
a) Bên nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền
góp thêm vốn, mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần trên cơ sở thoả
thuận với thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần. Việc chuyển nhượng phải
được thực hiện bằng hợp đồng và giá bán cho bên nước ngoài không được thấp hơn
giá bán cho nhà đầu tư trong nước tại cùng thời điểm.
b) Bên nước ngoài cung cấp cho doanh nghiệp Việt
Nam có thành viên chuyển nhượng vốn góp, cổ đông chuyển nhượng cổ phần các tài
liệu cần thiết theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và hồ sơ tài liệu khác do
doanh nghiệp quy định khi làm thủ tục mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn,
mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần của thành viên góp vốn, cổ đông
sở hữu cổ phần đó.
c) Phương thức thanh toán, hình thức thanh toán,
chi phí chuyển nhượng, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của bên nước ngoài khi
mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, quyền mua thêm cổ phần
thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa bên bán, bên mua và quy định của doanh nghiệp.
d) Thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần
khi chuyển nhượng vốn góp, bán cổ phần cho bên nước ngoài phải thực hiện đầy đủ
trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật
về thuế có liên quan.
Điều 11. Trách nhiệm của
doanh nghiệp Việt Nam sau khi hoàn thành nhận vốn góp, bán cổ phần và chế độ
báo cáo
1. Doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần
cho bên nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông
theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về
đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần của bên
nước ngoài dẫn đến chuyển đổi hình thức sở hữu và loại hình của doanh nghiệp Việt
Nam nhận vốn góp, bán cổ phần; hoặc liên quan đến cấp, điều chỉnh hoặc thay đổi
Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: doanh nghiệp nhận
vốn góp, bán cổ phần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chuyển
đổi hình thức sở hữu và loại hình doanh nghiệp; về thủ tục chứng nhận đầu tư,
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp Việt Nam báo cáo việc nhận vốn
góp, bán cổ phần cho bên nước ngoài bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông
tin quốc gia về đầu tư. Chế độ báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
MỤC 2. CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
BÊN NƯỚC NGOÀI
Điều 12. Tài khoản giao dịch
1. Nhà đầu tư nước ngoài được mở một (01) tài
khoản vốn đầu tư tại một (01) ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động
mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được
chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào
doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản
lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật về ngân hàng.
2. Tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền
chi phối phải có ít nhất một tài khoản giao dịch mở tại ngân hàng thương mại tại
Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng
cổ tức, lợi nhuận được chia và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đầu
tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng
và quản lý tài khoản giao dịch phải phù hợp với quy định của pháp luật về ngân
hàng.
Điều 13. Các giấy tờ, hồ sơ
nộp cho doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
1. Đối với tổ chức nước ngoài:
- Bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp, hoặc tài liệu tương đương đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức đại diện tại
Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của nhà đầu tư nước
ngoài cho tổ chức đại diện tại Việt Nam và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam.
- Giấy tờ liên quan đến người trực tiếp thực hiện
giao dịch.
2. Đối với tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm
quyền chi phối:
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc tài liệu tương đương.
- Giấy tờ liên quan đến người trực tiếp thực hiện
giao dịch.
3. Đối với cá nhân nước ngoài:
- Bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.
- Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam:
có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại
diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài
liệu tương đương của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ
chức) và giấy tờ liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
4. Giấy tờ liên quan đến người trực tiếp thực hiện
giao dịch:
4.1- Đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch
là người Việt Nam:
a) Phiếu thông tin về người trực tiếp thực hiện
giao dịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (chính quyền địa phương, hoặc
cơ quan, tổ chức nơi cá nhân đó làm việc), bao gồm các nội dung:
- Liên quan đến sơ yếu lý lịch: tên, tuổi, giới
tính, quốc tịch, hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay, địa chỉ liên lạc, số điện thoại
liên lạc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị công tác, vị trí và chức vụ tại
đơn vị công tác ...
- Phạm vi công việc, quyền hạn và trách nhiệm được
giao của người trực tiếp thực hiện giao dịch và những nội dung khác có liên
quan.
b) Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc hộ
chiếu còn giá trị.
4.2- Đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch
là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:
a) Phiếu thông tin về người trực tiếp thực hiện
giao dịch có chứng thực và được hợp pháp hoá lãnh sự, bao gồm các nội dung:
- Liên quan đến sơ yếu lý lịch: tên, tuổi, giới
tính, quốc tịch, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở tại Việt Nam, nơi ở tại
nước ngoài, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, trình độ chuyên môn nghiệp
vụ, đơn vị công tác, vị trí và chức vụ tại đơn vị công tác ....
- Phạm vi công việc, quyền hạn và trách nhiệm được
giao của người trực tiếp thực hiện giao dịch và những nội dung khác có
liên quan.
b) Bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.
4.3- Trường hợp người trực tiếp thực hiện giao dịch
là cá nhân đại diện tại Việt Nam: Phiếu thông tin có thêm các nội dung đáp ứng
các điều kiện quy định tại tiết b khoản 2 Điều 5 Thông tư này và tài liệu có
thêm bản sao hợp lệ một trong các chứng chỉ hành nghề liên quan đến cung cấp dịch
vụ về góp vốn, mua cổ phần.
Điều 14. Thanh toán góp vốn,
mua cổ phần, phần vốn góp
1. Bên nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần
bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
a) Trường hợp góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ
thì quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua của Ngân hàng thương mại được phép
hoạt động ngoại hối tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần sau khi được đại diện có
thẩm quyền của doanh nghiệp chấp thuận và theo đúng quy định của pháp luật hiện
hành về quản lý ngoại hối.
b) Trường hợp góp vốn, mua cổ phần bằng tài sản
hợp pháp khác (không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi) phải được
định giá theo phương án đã được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt và
theo một trong hai phương thức sau:
- Định giá bởi các tổ chức thẩm định giá độc lập
và được các thành viên, cổ đông sáng lập của doanh nghiệp được góp vốn và người
góp vốn cùng nhau chấp thuận.
- Doanh nghiệp thành lập hội đồng định giá và
cùng với người góp vốn thoả thuận về giá.
Bên nước ngoài phải thực hiện chuyển quyền sở hữu
tài sản theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp.
2. Bên nước ngoài thực hiện góp vốn đầu tư vào
doanh nghiệp Việt Nam bằng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá, chuyển
giao công nghệ và các tài sản khác phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt
Nam về công nghệ, văn hoá và môi trường, sở hữu trí tuệ, xuất nhập khẩu và các
quy định khác có liên quan.
Điều 15. Thực hiện thủ tục
đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Bên nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư phải
thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư và hướng dẫn tại
Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Điều 16. Quyền lợi của bên
nước ngoài
1. Được sử dụng cổ phiếu để cầm cố trong quan hệ
tín dụng và trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp
luật Việt Nam.
2. Được chuyển sở hữu cổ phiếu, được tham gia
giao dịch trên thị trường chứng khoán khi công ty cổ phần niêm yết theo quy định
Luật Doanh nghiệp và quy định của pháp luật về chứng khoán.
3. Được quyền chuyển nhượng phần vốn góp, điều
chỉnh vốn đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật
Việt Nam và điều lệ của doanh nghiệp.
4. Được hưởng quyền lợi như các nhà đầu tư trong
nước khi tham gia đầu tư trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty hợp danh.
5. Được tham gia quản lý doanh nghiệp theo quy định
của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của doanh nghiệp mà bên nước ngoài góp vốn,
mua cổ phần (trừ trường hợp là thành viên góp vốn trong công ty hợp danh).
6. Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển đổi ra ngoại
tệ các khoản vốn đầu tư và lợi nhuận có được thông qua hoạt động đầu tư tại Việt
Nam để chuyển ra nước ngoài, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các bên có liên quan. Việc mua lại
ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài tuân thủ theo chế độ quản lý ngoại hối và các
quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 17. Nghĩa vụ của bên
nước ngoài
1. Đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với bên nước
ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam kinh
doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề kinh
doanh phải có chứng chỉ hành nghề và các điều kiện khác (nếu có) quy định trong
điều lệ doanh nghiệp Việt Nam mà bên nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.
2. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính
xác của thông tin kê khai trong hồ sơ nộp cho doanh nghiệp Việt Nam và các bên
liên quan khi đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
3. Thực hiện đúng các điều kiện và cam kết khi
tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
2. Thực hiện đầy đủ các quy định trong Thông tư
này và trong điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước
ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
3. Trường hợp chuyển sở hữu cổ phiếu, chuyển nhượng
vốn góp có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập và các khoản thuế
khác theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Điều khoản thi
hành.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
tháng năm 2016 thay thế Thông
tư số 131/2010/TT-BTC ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy
chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt
Nam.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TƯ Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP Trung ương và các Ban của Đảng;
- VP Tổng Bí thư;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- VP BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Toà án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Phòng TM&CNVN;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Chính phủ, Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ TC (12 đơn vị);
- Lưu: Bộ TC (VT, Cục TCDN)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|