Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Giá mới nhất

Đăng nhập

MỤC LỤC VĂN BẢN

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2022

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/2021/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 03 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại, xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (sau đây viết tắt là Nghị định số 45/2021/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (sau đây viết tắt là Quỹ hợp tác xã hoặc Quỹ) bao gồm: Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (Quỹ hợp tác xã Trung ương) và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương (Quỹ hợp tác xã địa phương).

2. Cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh.

4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Chương II

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA QUỸ HỢP TÁC XÃ

Điều 3. Quản lý và sử dụng tài sản

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quỹ thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 38 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP;

b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan khác đến việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, khấu hao, thuê, cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định của Quỹ áp dụng theo quy định của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý và sử dụng tài sản cố định của Quỹ.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã:

Giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan khác đến việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, khấu hao, thuê, cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định của Quỹ áp dụng theo quy định của pháp luật đối với hợp tác xã, Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý và sử dụng tài sản cố định của Quỹ.

Điều 4. Xử lý tổn thất về tài sản

Khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ hợp tác xã phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

1. Xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.

2. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Quỹ hợp tác xã quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

3. Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

4. Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Quỹ hợp tác xã. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của Quỹ.

Điều 5. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu

1. Các khoản thu của Quỹ hợp tác xã phải ghi nhận và hạch toán cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính thực hiện theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ.

2. Đối với thu lãi từ hoạt động cho vay, Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định tại Điều 28 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán như sau:

a) Quỹ hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào doanh thu đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tài chính vi mô;

b) Đối với số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của khoản nợ còn lại thì không hạch toán doanh thu, Quỹ thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào doanh thu.

3. Đối với thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu từ tiền gửi phát sinh trong kỳ.

4. Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì Quỹ hạch toán vào chi phí và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì Quỹ hạch toán vào doanh thu.

5. Đối với các khoản thu từ hoạt động khác: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.

6. Việc xác định doanh thu của Quỹ cho mục đích tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 6. Doanh thu

Doanh thu của Quỹ là khoản phải thu phát sinh trong kỳ, bao gồm:

1. Thu từ hoạt động nghiệp vụ:

a) Thu lãi cho vay;

b) Thu phí từ hợp đồng dịch vụ nhận ủy thác cho vay;

c) Thu từ hoạt động dịch vụ tư vấn đầu tư, tài chính liên quan đến hoạt động của Quỹ; thu từ hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật;

d) Các khoản thu khác từ hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

2. Thu từ hoạt động tài chính:

a) Thu lãi tiền gửi;

b) Thu từ chênh lệch tỷ giá (nếu có);

c) Thu từ hoạt động tài chính khác.

3. Các khoản thu khác:

a) Thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản;

b) Thu từ hoạt động cho thuê tài sản;

c) Chênh lệch các khoản thu bảo hiểm được bồi thường đền bù tổn thất tài sản sau khi thực hiện bù đắp tổn thất;

d) Thu nợ đã xóa thu hồi được;

đ) Thu hoàn nhập dự phòng;

e) Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nguyên tắc ghi nhận và quản lý chi phí

1. Chi phí được ghi nhận vào chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các khoản chi của Quỹ hợp tác xã phải được ghi nhận và hạch toán cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính thực hiện theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nguyên tắc quản lý chi phí:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Quỹ hợp tác xã xây dựng và trình Chủ tịch Quỹ ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có định mức chi phù hợp cho từng giai đoạn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Chủ tịch Hội đồng quản trị ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ sau khi Đại hội thành viên chấp thuận và thông qua quy chế;

c) Đối với các khoản chi không đúng chế độ, không được quyết toán, các khoản chi vượt định mức tại quy chế chi tiêu nội bộ, Quỹ phải xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để trình cấp có thẩm quyền quyết định phương án bồi hoàn.

3. Việc xác định chi phí của Quỹ cho mục đích tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 8. Chi phí

Chi phí của Quỹ là các khoản chi thực tế phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động của Quỹ, bao gồm:

1. Chi phí hoạt động nghiệp vụ:

a) Chi trả lãi vốn huy động;

b) Chi phí liên quan đến hoạt động cho vay, thu nợ;

c) Chi phí liên quan đến hoạt động ủy thác và nhận ủy thác;

d) Chi trích lập dự phòng rủi ro cho vay theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP;

đ) Chi mua bảo hiểm rủi ro và các loại bảo hiểm nghiệp vụ khác theo quy định;

e) Các khoản chi khác từ hoạt động nghiệp vụ.

2. Chi phí tài chính:

a) Chi chênh lệch tỷ giá (nếu có);

b) Các khoản chi khác từ hoạt động tài chính.

3. Chi phí quản lý:

a) Chi về tài sản gồm: Chi khấu hao tài sản cố định; chi thuê tài sản cố định; chi bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành tài sản; chi mua sắm công cụ, dụng cụ; chi bảo hiểm tài sản, chi kiểm định phương tiện theo quy định; chi nhượng bán, thanh lý tài sản không bao gồm giá trị còn lại của tài sản cố định thanh lý, nhượng bán (nếu có);

b) Chi cho người quản lý, người lao động:

- Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Chi tiền lương, tiền công; các khoản đóng góp theo lương gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn bệnh nghề nghiệp, kinh phí công đoàn; chi ăn ca; chi trang phục giao dịch; chi cho lao động nữ, chi làm thêm giờ, khám sức khỏe định kỳ và các khoản chi khác cho người lao động áp dụng theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Các khoản chi cho người quản lý, người lao động áp dụng theo quy định tại Luật hợp tác xã, Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ, Quy chế tiền lương, tiền công cho người quản lý, người lao động của Quỹ đã được Đại hội thành viên thông qua;

c) Chi cho hoạt động quản lý và công vụ: Chi điện, nước, điện thoại, internet, bưu phí, vật liệu, giấy in, văn phòng phẩm; chi công tác phí, chi tư vấn liên quan đến hoạt động của Quỹ, chi dịch vụ thanh toán, kiểm toán; chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước; chi cộng tác viên, chi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ; chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ; chi thưởng sáng kiến cải tiến, tăng năng suất lao động, chi cho công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cơ quan; chi y tế, chi xăng dầu, chi phòng cháy chữa cháy, chi phương tiện vận chuyển, chi tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị; chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết theo quy định của pháp luật;

d) Chi phụ cấp cho các chức danh kiêm nhiệm (nếu có);

đ) Các chi phí quản lý khác theo quy định của pháp luật.

4. Chi theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 42 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

5. Chi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất tài sản, đầu tư tài chính và các khoản dự phòng khác áp dụng theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (đối với Quỹ Hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) hoặc pháp luật đối với hợp tác xã (đối với Quỹ Hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã).

6. Chi phí khác:

a) Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản (nếu có) bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định được thanh lý nhượng bán;

b) Chi phí xử lý tổn thất tài sản sau khi đã bù đắp bằng các nguồn vốn khác theo quy định;

c) Chi các khoản đã hạch toán doanh thu nhưng thực tế không thu được;

d) Chi tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế;

đ) Chi án phí, lệ phí thi hành án và các chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;

e) Chi cho công tác xã hội theo quy định của pháp luật về thuế;

g) Chi đóng phí hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước mà Quỹ tham gia theo quy định của pháp luật (nếu có);

h) Chi cho hoạt động đảng, đoàn thể;

i) Các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.

7. Định mức chi phí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này được thực hiện như sau:

a) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc không khống chế mức chi, Quỹ hợp tác xã căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ, quyết định việc chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật;

b) Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Thực hiện theo quy định tại Luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn. Trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc không khống chế mức chi, Quỹ hợp tác xã căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ, quyết định việc chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 9. Các khoản chi không được hạch toán vào chi phí

1. Các khoản thiệt hại đã được Nhà nước hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường.

2. Các khoản chi phạt thuộc trách nhiệm cá nhân do vi phạm hành chính, vi phạm môi trường, phạt nợ vay quá hạn do nguyên nhân chủ quan, phạt vi phạm chế độ tài chính.

3. Các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

4. Các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ.

5. Các khoản chi của cá nhân ủng hộ địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan khác.

6. Các khoản chi vượt định mức theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 10. Phê duyệt báo cáo tài chính

Hằng năm, Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm báo cáo, trình Liên minh hợp tác xã cùng cấp (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) hoặc Đại hội thành viên (đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã) phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối kết quả tài chính sau khi báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định pháp luật về kiểm toán và có ý kiến thẩm định của kiểm soát viên.

Điều 11. Chế độ báo cáo và công khai tài chính

1. Quỹ hợp tác xã thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Thời gian chốt số liệu:

a) Đối với báo cáo 06 tháng đầu năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 năm báo cáo đến hết ngày 30 tháng 6 năm báo cáo;

b) Đối với báo cáo năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 năm báo cáo đến hết ngày 31 tháng 12 năm báo cáo.

3. Mẫu biểu Báo cáo:

a) Báo cáo tài chính quy định tại điểm a khoản 3 Điều 44 Nghị định 45/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định tại chế độ kế toán của Quỹ;

b) Báo cáo tình hình hoạt động cho vay quy định tại điểm c khoản 3 Điều 44 Nghị định 45/2021/NĐ-CP:

- Quỹ hợp tác xã địa phương gửi báo cáo cho Quỹ hợp tác xã Trung ương để tổng hợp theo mẫu tại Phụ lục 1a ban hành kèm theo Thông tư này;

- Quỹ hợp tác xã Trung ương tổng hợp gửi báo cáo các cơ quan theo mẫu tại Phụ lục 1b ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 44 Nghị định 45/2021/NĐ-CP:

- Quỹ hợp tác xã địa phương gửi báo cáo cho Quỹ hợp tác xã Trung ương để tổng hợp theo mẫu tại Phụ lục 2a ban hành kèm theo Thông tư này;

- Quỹ hợp tác xã Trung ương tổng hợp gửi báo cáo các cơ quan theo mẫu tại Phụ lục 2b ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Thời hạn nộp báo cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định 45/2021/NĐ-CP.

4. Công khai tài chính:

a) Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện công khai tài chính theo quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật đối với hợp tác xã.

Điều 12. Lập kế hoạch tài chính hằng năm

1. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Xây dựng kế hoạch tài chính năm: Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính năm trình Liên minh hợp tác xã cùng cấp phê duyệt theo mẫu tại Phụ lục 3, Phụ lục 4, Phụ lục 5Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này gồm: Kế hoạch tài chính năm; kế hoạch doanh thu - chi phí; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản; kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn;

b) Thời gian phê duyệt kế hoạch tài chính: Trước ngày 30 tháng 4 năm kế hoạch:

- Liên minh hợp tác xã Việt Nam xem xét, phê duyệt kế hoạch tài chính năm đối với Quỹ hợp tác xã Trung ương;

- Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch tài chính năm đối với Quỹ hợp tác xã địa phương sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan tài chính cùng cấp để phục vụ công tác quản lý, giám sát.

2. Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã:

a) Xây dựng kế hoạch tài chính năm: Quỹ hợp tác xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính năm trình Đại hội thành viên thông qua theo mẫu tại Phụ lục 3, Phụ lục 4, Phụ lục 5Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thời gian phê duyệt kế hoạch tài chính: Trước ngày 30 tháng 4 năm kế hoạch, Đại hội thành viên xem xét, phê duyệt kế hoạch tài chính năm để Quỹ hợp tác xã triển khai, thực hiện.

Chương III

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ XẾP LOẠI QUỸ HỢP TÁC XÃ

Mục 1: ĐỐI VỚI QUỸ HỢP TÁC XÃ HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

Điều 13. Phương thức xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động

1. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP và được xác định như sau:

a) Chỉ tiêu 1: Tăng trưởng dư nợ cho vay (bao gồm dư nợ cho vay trực tiếp và dư nợ ủy thác cho vay) là tỷ lệ % giữa chênh lệch dư nợ tại thời điểm 31/12 năm đánh giá và dư nợ tại thời điểm 31/12 năm trước liền kề chia cho dư nợ tại thời điểm 31/12 năm trước liền kề;

b) Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa số dư nợ xấu Quỹ chịu rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ đối với tổ chức tài chính vi mô so với tổng dư nợ cho vay Quỹ chịu rủi ro (dư nợ cho vay Quỹ chịu rủi ro bao gồm dư nợ cho vay trực tiếp và dư nợ ủy thác cho vay);

c) Chỉ tiêu 3: Kết quả tài chính hằng năm là chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí phát sinh trong năm đánh giá, được xác định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Quỹ hợp tác xã;

d) Chỉ tiêu 4: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chế độ báo cáo tài chính: Quỹ chấp hành đúng quy định, không có hành vi thực hiện sai, bỏ sót, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc không thực hiện. Các hành vi vi phạm bao gồm hành vi của Quỹ, cá nhân dưới danh nghĩa Quỹ hoặc người quản lý Quỹ gây ra khi thực hiện nhiệm vụ của Quỹ.

2. Khi tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, Quỹ được loại trừ các yếu tố khách quan theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Điều 14. Phương thức xếp loại Quỹ hợp tác xã

Quỹ hợp tác xã đánh giá, xếp loại hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc so sánh giữa kết quả thực hiện và các chỉ tiêu được giao tại kế hoạch tài chính Quỹ, cụ thể như sau:

1. Chỉ tiêu 1: Tăng trưởng dư nợ cho vay

a) Quỹ hợp tác xã xếp loại A khi chỉ tiêu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao;

b) Quỹ hợp tác xã xếp loại B khi chỉ tiêu thực hiện thấp hơn kế hoạch được giao nhưng tối thiểu bằng 90% kế hoạch được giao;

c) Quỹ hợp tác xã xếp loại C khi chỉ tiêu thực hiện đạt dưới 90% kế hoạch được giao.

2. Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nợ xấu

a) Quỹ hợp tác xã xếp loại A khi chỉ tiêu thực hiện bằng hoặc thấp hơn kế hoạch được giao;

b) Quỹ hợp tác xã xếp loại B khi chỉ tiêu thực hiện cao hơn kế hoạch được giao nhưng tối đa bằng 110% kế hoạch được giao;

c) Quỹ hợp tác xã xếp loại C khi chỉ tiêu thực hiện cao hơn 110% kế hoạch được giao.

3. Chỉ tiêu 3: Kết quả tài chính hằng năm

a) Quỹ hợp tác xã xếp loại A khi chỉ tiêu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao;

b) Quỹ hợp tác xã xếp loại B khi chỉ tiêu thực hiện thấp hơn kế hoạch được giao nhưng tối thiểu bằng 90% kế hoạch được giao;

c) Quỹ hợp tác xã xếp loại C khi chỉ tiêu thực hiện đạt dưới 90% kế hoạch được giao.

4. Chỉ tiêu 4: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của Quỹ, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chế độ báo cáo tài chính.

a) Quỹ hợp tác xã xếp loại A khi: Trong năm đánh giá xếp loại, Quỹ không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và nhóm hành vi trốn thuế; không bị hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 01 (một) lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động Quỹ hợp tác xã, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng hạn;

b) Quỹ hợp tác xã xếp loại B khi trong năm đánh giá xếp loại, Quỹ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do có 01 hành vi vi phạm thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 02 (hai) lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động Quỹ hợp tác xã, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng hạn;

c) Quỹ hợp tác xã xếp loại C khi trong năm đánh giá xếp loại, Quỹ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do có từ 02 hành vi vi phạm khác nhau trở lên thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; hoặc Quỹ có hành vi trốn thuế theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 03 (ba) lần trở lên về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động Quỹ hợp tác xã, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng hạn; Người quản lý Quỹ vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Quỹ trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính theo công bố, kết luận của cơ quan chức năng. Việc đánh giá xếp loại Quỹ chỉ tính 01 (một) lần đối với cùng một vụ việc sai phạm của người quản lý Quỹ;

d) Các hành vi vi phạm thủ tục thuế không xem xét để thực hiện đánh giá xếp loại Quỹ.

Điều 15. Tổng hợp xếp loại Quỹ hợp tác xã

1. Quỹ xếp loại A khi không có chỉ tiêu xếp loại C, trong đó có ít nhất 2 chỉ tiêu được xếp loại A trở lên và không có loại C.

2. Quỹ xếp loại C khi có 2 chỉ tiêu không xếp loại A và các chỉ tiêu còn lại xếp loại C.

3. Quỹ xếp loại B trong các trường hợp còn lại.

4. Căn cứ các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động quy định tại Thông tư này, Quỹ báo cáo kết quả đánh giá và xếp loại gửi Liên minh hợp tác xã cùng cấp để Liên minh hợp tác xã cùng cấp thẩm định, phê duyệt xếp loại hiệu quả hoạt động Quỹ trước ngày 31 tháng 5 hằng năm.

Mục 2: ĐỐI VỚI QUỸ HỢP TÁC XÃ HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ

Điều 16. Đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã

Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã, căn cứ quy định tại Chương III Thông tư này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, yêu cầu quản lý, Quỹ hợp tác xã trình Đại hội thành viên ban hành quy chế về đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Quỹ hợp tác xã, đánh giá, xếp loại người quản lý và kiểm soát viên Quỹ hợp tác xã để thực hiện, đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn có liên quan hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Chương IV

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUỸ HỢP TÁC XÃ

Điều 17. Chuyển đổi Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang mô hình hợp tác xã.

1. Quỹ hợp tác xã có nhu cầu chuyển đổi mô hình phải xây dựng phương án giải thể Quỹ hợp tác xã hiện hành và phương án thành lập Quỹ hợp tác hoạt động theo mô hình mới (phương án tài chính, phương án tổ chức bộ máy điều hành, dư nợ cho vay và các nội dung liên quan), báo cáo Liên minh hợp tác xã cùng cấp thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 46 và Điều 50 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Căn cứ phương án giải thể Quỹ hiện hành và phương án thành lập Quỹ hoạt động theo mô hình mới được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại khoản 1 Điều này:

a) Đối với việc giải thể Quỹ hợp tác xã hiện hành: Hồ sơ, trình tự, thủ tục và xử lý tài chính khi giải thể Quỹ được áp dụng theo quy định của pháp luật về giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Đối với việc thành lập Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình mới: việc thành lập mới Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Điều 18. Chuyển đổi Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

1. Quỹ hợp tác xã có nhu cầu chuyển đổi mô hình phải xây dựng phương án giải thể Quỹ hợp tác xã hiện hành và phương án thành lập Quỹ hợp tác hoạt động theo mô hình mới (phương án tài chính, phương án tổ chức bộ máy điều hành, dư nợ cho vay và các nội dung liên quan), báo cáo Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 46 và Điều 50 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Căn cứ phương án giải thể Quỹ hiện hành và phương án thành lập Quỹ hoạt động theo mô hình mới được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại khoản 1 Điều này:

a) Đối với việc giải thể Quỹ hợp tác xã hiện hành: Hồ sơ, trình tự, thủ tục và xử lý tài chính khi giải thể Quỹ được áp dụng theo quy định của pháp luật về giải thể hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn liên quan hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

b) Đối với việc thành lập Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình mới: việc thành lập mới Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 51 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư này trong trường hợp cần thiết.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Chỉ đạo Chủ tịch Quỹ hợp tác xã và Quỹ hợp tác xã thực hiện cơ chế tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại và xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình Quỹ theo quy định tại Thông tư này.

3. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Quỹ hợp tác xã việc đăng ký lại Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ hợp tác xã theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 58 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Điều 21. Trách nhiệm của Liên minh hợp tác xã các cấp

1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 8 và Điều 56 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

2. Thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình hoạt động của Quỹ hợp tác theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP và Thông tư này.

Điều 22. Trách nhiệm của Quỹ hợp tác xã

Thực hiện cơ chế quản lý tài chính và các nội dung liên quan đến hoạt động của Quỹ Hợp tác xã quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 81/2007/TT-BTC ngày 11/07/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ tài chính đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch/Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã, ban điều hành Quỹ hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, CQ ngang bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước,
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Bộ Tài chính;
- UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- LMHTXVN; LMHTX cấp tỉnh;
- Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam;
- Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCNH ( ).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Đức Chi

PHỤ LỤC 1A:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHO VAY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ HTPT HTX TỈNH…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về tình hình cho vay ....

Kính gửi: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam

Đơn vị tính: đồng

STT

Phương thức cho vay

Tổng số giải ngân cho vay

Tổng số thu nợ gốc

Tổng số dư nợ gốc

Trong kỳ

Từ đầu năm đến kỳ báo cáo

Trong kỳ

Từ đầu năm đến kỳ báo cáo

Nợ đủ tiêu chuẩn

Nợ xấu

1

2

3

4

5

6

7

8

1

Quỹ trực tiếp cho vay

2

Quỹ ủy thác cho vay

Tổng cộng

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 1B:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHO VAY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ HTPT HTX VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về tình hình cho vay ....

Kính gửi1: …………………………………

1. Số liệu

Đơn vị tính: đồng

STT

Phương thức cho vay

Tổng số giải ngân cho vay

Tổng số thu nợ gốc

Tổng số dư nợ gốc

Trong kỳ

Từ đầu năm đến kỳ báo cáo

Trong kỳ

Từ đầu năm đến kỳ báo cáo

Nợ đủ tiêu chuẩn

Nợ xấu

1

2

3

4

5

6

7

8

1

Quỹ HTPT hợp tác xã Việt Nam

2

Hệ thống các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương

Tổng cộng

2. Phân tích tình hình (nếu có)

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 2A:

BÁO CÁO TỔNG HỢP TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ HTPT TỈNH…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động nghiệp vụ .....

Kính gửi: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam2

I. Số liệu

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Số tiền

1

Tình hình vốn chủ sở hữu

1.1

Vốn điều lệ

1.2

Các quỹ

1.3

Tăng giảm trong kỳ

2

Huy động vốn trong kỳ

3

Tình hình cho vay

3.1

Tổng số dư nợ đầu kỳ

3.2

Thu nợ trong kỳ

3.3

Dư nợ cuối kỳ

3.4

Tỷ lệ nợ xấu

3.5

Xử lý nợ xấu trong kỳ

4

Hoạt động thu chi trong kỳ

4.1

Doanh thu

4.2

Chi phí

4.3

Kết quả tài chính

II. Phân tích tình hình, nêu rõ lý do tăng giảm trong kỳ báo cáo và nhận xét, kiến nghị (nếu có)

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 2B:

BÁO CÁO TỔNG HỢP TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ HTPT HTX VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động nghiệp vụ .....

Kính gửi3: …………………………………

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam

Hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương

1

Tình hình vốn chủ sở hữu

1.1

Vốn điều lệ

1.2

Các quỹ

1.3

Tăng giảm trong kỳ

2

Tình hình cho vay

2.1

Tổng số dư nợ đầu kỳ

2.2

Dư nợ cuối kỳ

3

Huy động vốn trong kỳ

4

Hoạt động thu chi trong kỳ

4.1

Doanh thu4

4.2

Chi phí5

4.3

Kết quả tài chính

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 3:

KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NĂM...
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ ……………
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về kế hoạch tài chính năm.....

I. Chỉ tiêu

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Thực hiện năm N-2

Thực hiện năm N-1

Kế hoạch năm N

So sánh6

I

Tổng doanh thu

1

Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ

2

Doanh thu từ hoạt động tài chính

3

Thu nhập khác

II

Tổng chi phí

1

Chi phí hoạt động nghiệp vụ

2

Chi phí tài chính

3

Chi phí quản lý

4

Chi tham gia các hoạt động do Liên minh hợp tác xã các cấp tổ chức liên quan đến hoạt động của Quỹ hợp tác xã

5

Chi phí khác

III

Kết quả tài chính trước thuế

IV

Nghĩa vụ với NSNN (nếu có)

V

Kết quả tài chính sau thuế

VI

Chỉ tiêu hoạt động nghiệp vụ

II. Thuyết minh

1. Đánh giá tình hình hoạt động nghiệp vụ của năm thực hiện.

2. Đánh giá tình hình tài chính của năm thực hiện (doanh thu, chi phí, lãi, lỗ).

3. Kế hoạch hoạt động nghiệp vụ cho năm kế hoạch.

4. Kế hoạch tài chính của năm kế hoạch, bao gồm các nội dung:

- Các giả định được sử dụng để xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch doanh thu, chi phí, chênh lệch doanh thu, chi phí (chi tiết từng loại doanh thu, chi phí); lý do xây dựng kế hoạch tăng, giảm đối với từng loại doanh thu, chi phí.

- Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn.

- Kế hoạch đầu tư, mua sắm tài sản cố định.

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 4:

KẾ HOẠCH DOANH THU - CHI PHÍ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ ……………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về kế hoạch doanh thu - chi phí năm .....

I. DOANH THU

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Thực hiện năm N-2

Thực hiện năm N-1

Kế hoạch năm N

So sánh

I

Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ

Chi tiết từng loại doanh thu

............

II

Doanh thu từ hoạt động tài chính

...........

...........

III

Thu nhập khác

...........

...........

Ghi chú: Thuyết minh đề nghị nêu rõ căn cứ xác định doanh thu và phân tích lý do tăng giảm từng loại doanh thu trong năm kế hoạch.

II. CHI PHÍ

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Thực hiện năm N-2

Thực hiện năm N-1

Kế hoạch năm N

So sánh

I

Chi phí hoạt động nghiệp vụ

Chi tiết từng loại chi phí

..............

II

Chi phí tài chính

III

Chi phí quản lý

IV

Chi phí khác

..............

Ghi chú: Thuyết minh đề nghị nêu rõ căn cứ xây dựng chi phí và phân tích lý do tăng giảm từng loại chi phí trong năm kế hoạch.

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 5:

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN, MUA SẮM TÀI SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ ……………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản năm .....

I. Kế hoạch mua sắm tài sản cố định

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Ghi chú

Chi tiết

……….

Tổng cộng

II. Thuyết minh

- Về tình hình tài sản hiện có.

- Dự kiến kế hoạch mua sắm tài sản cố định trong năm.

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 6

KẾ HOẠCH NGUỒN NGUỒN VÀ SỬ DỤNG VỐN NĂM ………
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUỸ ……………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../BC-........

….…., ngày tháng năm

BÁO CÁO

Về Kế hoạch nguồn và sử dụng vốn năm .....

Đơn vị tính: Đồng, %

STT

Chỉ tiêu

Năm trước

Năm kế hoạch

Kế hoạch

Thực hiện

Tỷ lệ hoàn thành KH

Kế hoạch

% KH năm/KH năm trước

%KH năm/thực hiện năm trước

A

Nguồn vốn

1

Vốn điều lệ

2

Vốn huy động

3

Các khoản hỗ trợ có hoàn lại của Nhà nước (nếu có)

4

Các nguồn vốn hợp pháp khác

B

Sử dụng vốn

1

Thanh toán các khoản huy động đến hạn

2

Thực hiện chỉ tiêu vốn tín dụng

3

Tỷ lệ nợ xấu

4

Tài sản cố định

5

Tài sản có khác

Ghi chú: Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo 6 tháng là ngày 30/6 hằng năm. Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo là ngày 31/12 hằng năm

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)



1 Gửi các cơ quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP

2 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (Quỹ hợp tác xã Trung ương).

3 Gửi các cơ quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP

4 Báo cáo định kỳ năm

5 Báo cáo định kỳ năm

6 So sánh kế hoạch năm N với thực hiện năm N-1

9.914

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.123.46
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!
X