BỘ
THUỶ SẢN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
4-TS/TT
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1985
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 4-TS/TT NGÀY 19 THÁNG 9 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRẢ TIỀN CÔNG, TIỀN THƯỞNG VÀ CÁC PHỤ CẤP KHÁC CHO CÁN BỘ QUẢN
LÝ, KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ TRONG CÁC HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NGHỀ CÁ.
Năm 1968 Tổng cục Thuỷ sản (nay
là Bộ Thuỷ sản) đã ban hành chế độ tạm thời về trả công cho cán bộ, nhân viên hợp
tác xã và phụ cấp cho cán bộ, xã viên đi học.
Ngày 28-9-1981, Bộ Thuỷ sản lại
có văn bản số 494-TS/HTX hướng dẫn thực hiện các hình thức khoán phân phối ăn
chia trong khu vực kinh tế tập thể nghề cá biển theo tinh thần Quyết định số
16-CP ngày 15-1-1981 của Hội đồng Chính phủ (nay là Hội đồng Bộ trưởng) trong
đó có hướng dẫn việc trả công cho cán bộ hợp tác xã.
Từ khi có các văn bản hướng dẫn
trên dưới sự chỉ đạo của các tỉnh, huyện, nhiều hợp tác xã nghề cá đã vận dụng
thực hiện tốt, qua đó đã rút ra được một số vấn đề cụ thể cần hướng dẫn bổ sung
cho phù hợp với cơ chế khoán mới.
Để thực hiện Nghị quyết 6 khoá V
của Ban chấp hành Trung ương về phần đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã, Nghị
quyết 8 khoá V của Ban chấp hành Trung ương về xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung
quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế
và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Căn cứ vào Điều 22 của Điều lệ Hợp tác xã thuỷ
sản, ban hành theo Nghị định số 51-HĐBT ngày 17-3-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về
"quản lý lao động và tiền công".
Bộ Thuỷ sản ra Thông tư hướng dẫn
về chế độ trả tiền công, tiền thưởng và các phụ cấp khác cho cán bộ quản lý, kỹ
thuật, nghiệp vụ trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất như sau:
I. MỤC ĐÍCH
VÀ Ý NGHĨA
Cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghiệp
vụ trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất (gọi tắt là cán bộ trong hợp tác xã)
là những người trực tiếp quản lý và chỉ đạo thực hiện mọi hoạt động kinh tế, kỹ
thuật, nghiệp vụ... nhằm thực hiện điều lệ, quy ước và phương hướng nhiệm vụ kế
hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và của cấp trên giao cho.
Để bảo đảm cho mỗi cán bộ có điều
kiện thực hiện tốt mọi nhiệm vụ công tác, đồng thời khuyến khích việc học tập
nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ... trong cán bộ, cần phải có chế
độ đãi ngộ thích đáng, phù hợp với tính chất tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ
nghĩa, làm cho mỗi cán bộ thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi, an tâm công tác,
đem hết nhiệt tình và năng lực sáng tạo của mình góp phần xây dựng và phát triển
kinh tế tập thể nghề cá ngày càng giàu mạnh.
II. NGUYÊN TẮC
CHUNG
Việc trả tiền công, tiền thưởng
và các phụ cấp khác cho cán bộ hợp tác xã theo những nguyên tắc sau đây:
1. Phải gắn với cơ chế khoán sản
phẩm cuối cùng, gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả của công việc, phải gắn
trách nhiệm quản lý, điều hành, phục vụ của cán bộ với kết quả sản xuất kinh
doanh của hợp tác xã bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động.
2. Phải bảo đảm cho mỗi cán bộ
có thu nhập thoả đáng để có điều kiện tập trung tâm trí, sức lực vào việc hoàn
thành nhiệm vụ công tác đồng thời bảo đảm mối tương quan thu nhập hợp lý giữa
cán bộ quản lý với người lao động trực tiếp sản xuất.
3. Phải căn cứ vào khối lượng
công việc của từng loại hợp tác xã, hợp tác xã nào có năng suất sản lượng hoặc
giá trị sản lượng lớn, thì tiền công cơ bản của từng chức danh cán bộ phải cao
hơn hợp tác xã có năng suất sản lượng hoặc giá trị sản lượng nhỏ.
4. Phải có chế độ thưởng phạt
thích đáng về trách nhiệm đối với cán bộ trong việc thực hiện kế hoạch hàng
năm.
III. NHỮNG
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Việc trả tiền công cho cán bộ phải
dựa trên cơ sở phân loại hợp tác xã, mức tiền công cơ bản cho từng chức danh và
tính toán thưởng phạt theo từng hình thức khoán.
A. PHÂN LOẠI HỢP TÁC XÃ THEO SẢN
LƯỢNG
Phân loại hợp tác xã theo sản lượng
được tính trên cơ sở giá cá bình quân, coi đó là sản lượng quy ước để xác định
loại Hợp tác xã. Đối với các hợp tác xã chuyên sản xuất những hải đặc sản, thì
căn cứ vào giá trị của những sản phẩm đó và giá cá bình quân để quy đổi ra sản
lượng quy ước, từ đó xác định loại hợp tác xã.
Hiện nay có thể chia ra mấy loại
hợp tác xã như sau:
Hợp tác xã loại 1 có sản lượng
khai thác hàng năm từ 500 tấn trở lên.
Hợp tác xã loại 2 có sản lượng
khai thác hàng năm từ 300 tấn đến dưới 500 tấn.
Hợp tác xã loại 3 có sản lượng
khai thác hàng năm từ 200 tấn đến dưới 300 tấn.
Hợp tác xã loại 4 có sản lượng
khai thác hàng năm dưới 200 tấn.
B. MỨC TIỀN CÔNG CƠ BẢN CHO TỪNG
CHỨC DANH CÁN BỘ
Mức tiền công cơ bản cho từng chức
danh cán bộ.
Chức
danh cán bộ
|
Mức
chuẩn để tính tỷ lệ được hưởng
|
Tỷ
lệ được hưởng (%)
|
|
|
HTX
loại 1
|
HTX
loại 2
|
HTX
loại 3
|
HTX
loại 4
|
Chủ nhiệm
|
Thu
nhập bình quân 1 lao động (100%)
|
190
|
180
|
160
|
150
|
- Phó chủ nhiệm
|
nt
|
170
|
160
|
140
|
130
|
- Kế toán trưởng
|
nt
|
150
|
140
|
130
|
120
|
- Trưởng ban kiểm soát
|
nt
|
150
|
140
|
130
|
120
|
- Kế toán viên, nhân viên kỹ
thuật nghiệp vụ
|
nt
|
95
|
90
|
80
|
75
|
- Thủ quỹ, thủ kho
|
nt
|
90
|
85
|
75
|
70
|
Đối với uỷ viên quản trị, uỷ
viên kiểm soát, ngoài tiền công được hưởng trực tiếp ở từng đơn vị (nơi sản xuất
và công tác) hàng tháng còn được phụ cấp thêm 5% tiền công cơ bản kế hoạch.
Để thực hiện việc định mức tiền
công cơ bản của cán bộ gắn với kết quả sản xuất kinh doanh, với hiệu quả kinh tế,
xoá bỏ lối quản lý hành chính bao cấp, thực sự chuyển sang hạch toán kinh tế và
kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phải lấy mức chuẩn là thu nhập bình quân một lao động
trong hợp tác xã, để tính mức tiền công cơ bản cho từng chức danh cán bộ. Nếu
thu nhập bình quân của một lao động càng cao, thì tiền công cơ bản của cán bộ
càng cao, nếu thu nhập bình quân của một lao động thấp, thì tiền công cơ bản của
cán bộ sẽ giảm đi. Nếu không có thu nhập của lao động thì cũng không có tiền
công trả cho cán bộ.
Tiền công cơ bản của cán bộ thuộc
loại quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ phức tạp phải cao hơn loại cán bộ lao động giản
đơn; người có vai trò hoặc chỉ đạo quản lý, điều hành phải cao hơn người lao động
bình thường, người có chức trách phần việc nặng phải cao hơn người có chức
trách phần việc nhẹ, Chủ nhiệm phải cao hơn Phó chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm phải
cao hơn Uỷ viên quản trị... cụ thể là:
Để khuyến khích việc tinh giảm bộ
máy, giảm nhẹ biến chế, đối với cán bộ nhân viên hợp tác xã kiêm nhiệm thêm những
công việc chính của người khác, thì được hưởng thêm phần tiền công kiêm nhiệm
đó. Ví dụ: kế toán viên kiêm đánh máy, thủ quỹ kiêm thủ kho v.v...
Mức tiền công cơ bản cho các chức
danh cán bộ tập đoàn sản xuất trong những ngày làm công việc chung cho tập
đoàn, thì có thể áp dụng mức tiền công cơ bản của cán bộ hợp tác xã loại 3 hoặc
loại 4. Tập đoàn trưởng ngang với Chủ nhiệm, tập đoàn phó ngang với Phó chủ nhiệm.
C. TIỀN CÔNG VÀ TIỀN THƯỞNG
Về tiền công:
Tiền công của cán bộ hợp tác xã
được thanh toán tuỳ thuộc vào việc thực hiện của từng hình thức khoán.
1. Đối với hợp tác xã thực hiện
hình thức khoán tiền công theo thu nhập thực tế.
- Nếu hợp tác xã đạt mức khoán về
thu nhập thực tế, thì tiền công của cán bộ được hưởng theo đúng kế hoạch khoán.
- Nếu hợp tác xã hụt mức khoán về
thu nhập thực tế bao nhiêu phần trăm (%) thì tiền công của cán bộ cũng giảm đi
tương ứng bấy nhiêu phần trăm (%).
- Nếu hợp tác xã vượt mức khoán
về thu nhập thực tế bao nhiêu phần trăm (%) thì tiền công của cán bộ cũng tăng
tương ứng bấy nhiêu phần trăm (%).
- Nếu hợp tác xã không có thu nhập
thực tế thì cũng không có tiền công trả cho cán bộ hợp tác xã.
2. Đối với hợp tác xã thực hiện
hình thức khoán các khoản phải nộp.
Đối với hình thức khoán này có
hai trường hợp sau đây:
Những Hợp tác xã đã xác định tiền
công cán bộ là một chỉ tiêu khoán cố định, nằm trong tổng số các khoản phải nộp:
dù đạt, vượt hoặc hụt mức khoán về chỉ tiêu thu nhập tiền công của lao động trực
tiếp đánh cá, thì tiền công của cán bộ vẫn được hưởng theo đúng kế hoạch khoán.
- Những hợp tác xã đã xác định
tiền công của cán bộ là một chỉ tiêu khoán không cố định, và hưởng theo thực
thu của thu nhập bình quân một lao động:
+ Nếu hợp tác xã đạt mức khoán về
chỉ tiêu thu nhập tổng tiền công lao động (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp),
thì tiền công của cán bộ được hưởng theo đúng kế hoạch khoán.
+ Nếu hợp tác xã vượt mức khoán
về chỉ tiêu thu nhập tổng tiền công lao động, thì tổng tiền công lao động vượt
bao nhiêu phần trăm so với kế hoạch, thì tiền công của cán bộ cũng được tăng bấy
nhiêu phần trăm (%) so với kế hoạch.
Nếu hụt mức khoán về chỉ tiêu
thu nhập tổng tiền công lao động, thì tổng tiền công lao động hụt bao nhiêu phần
trăm (%) so với kế hoạch, thì tiền công của cán bộ cũng được tăng bấy nhiêu phần
trăm (%) so với kế hoạch, nhưng mức giảm tối đa không quá 30% so với tiền công
cơ bản kế hoạch.
Về tiền thưởng:
Căn cứ để xét thưởng đối với cán
bộ hợp tác xã là:
- Đã thực hiện tốt hợp đồng kinh
tế đã ký kết.
- Đã nộp thuế đầy đủ và đúng hạn.
- Đã trả nợ Ngân hàng sòng phẳng.
- Đã hoàn thành và hoàn thành vượt
mức chỉ tiêu kế hoạch khoán, ví dụ chỉ tiêu thu nhập thực tế (đối với hình thức
khoán 1), chỉ tiêu các khoản phải nộp, chỉ tiêu thu nhập tiền công của lao động
trực tiếp đánh cá hoặc chỉ tiêu thu nhập tổng tiền công lao động (đối với hình
thức khoán 2).
Mức thưởng cho cán bộ hợp tác xã
từ 1 đến 3 tháng tiền công cơ bản kế hoạch tuỳ thuộc vào việc thực hiện các chỉ
tiêu.
Đối tượng được xét thưởng hàng
năm là những cán bộ hợp tác xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có ngày
công ốm trong năm không quá 30 ngày.
Ngoài việc xét thưởng hàng năm
như đã quy định ở trên, trong quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện, nếu cán bộ
nhân viên hợp tác xã có những việc làm tác động đến sản xuất, đem lại kết quả cụ
thể, thiết thực như nâng cao năng suất và sản lượng, hoàn thành sớm chỉ tiêu kế
hoạch (cả số lượng và chất lượng) sửa chữa kịp thời máy móc, ngư lưới cụ, cung
cấp vật tư đầy đủ, đồng bộ, kịp thời... thì được xét thưởng thích đáng, tuỳ
theo mức độ đóng góp của mỗi người và khả năng quỹ khen thưởng của hợp tác xã.
Tiền công của cán bộ hợp tác xã
được thanh toán theo phương án quyết toán khoán, còn tiền thưởng thì lấy trong
quỹ khen thưởng, nếu thiếu có thể lấy thêm trong chi phí quản lý.
Đối với cán bộ tập đoàn sản xuất
nếu tập đoàn đạt và vượt mức kế hoạch sản xuất, kế hoạch khoán các quỹ, nộp thuế
đầy đủ đúng hạn... thì được xét thưởng từ 1-2 tháng tiền công bình quân của tập
đoàn viên, tiền thưởng lấy ở chi phí quản lý.
D. CÁC KHOẢN PHỤ CẤP KHÁC
Ngoài chế độ tiền công tiền thưởng
như trên, cán bộ hợp tác xã và tập đoàn sản xuất còn được hưởng các khoản phụ cấp
sau:
1. Phụ cấp thâm niên công tác:
Những cán bộ liên tục hoàn thành
tốt nhiệm vụ được giao, không phạm khuyết điểm lớn thì sau 4 năm công tác liên
tục được hưởng phụ cấp thâm niên là 5% tiền công cơ bản kế hoạch. Từ năm thứ 5
trở lên, cứ mỗi năm được phụ cấp thêm 1% cho đến khi đạt mức cao nhất là 30%.
2. Phụ cấp kế toán trưởng:
Kế toán trưởng hợp tác xã được
đào tạo từ 3 tháng trở lên, nếu nắm vững nghiệp vụ kế toán và làm đúng chức
năng, thì được phụ cấp thêm 5% tiền công cơ bản kế hoạch.
3. Phụ cấp chỉ đạo sản xuất trên
biển:
Những cán bộ hợp tác xã trực tiếp
tham gia chỉ đạo sản xuất trên biển do yêu cầu sản xuất kinh doanh của hợp tác
xã thì được phụ cấp thêm mỗi ngày đi biển không quá 10% tiền công cơ bản ngày
(từ tháng mà tính ra ngày).
Tiền công cơ bản dùng để tính
các khoản phụ cấp là mức tiền công cơ bản kế hoạch của chức danh cán bộ đó được
dự tính trong tháng, trong năm.
4. Phụ cấp đi học, đi công tác:
Cán bộ, xã viên được Hợp tác xã,
Tập đoàn sản xuất cử đi học các lớp quản lý nghiệp vụ kỹ thuật do ngành Thuỷ sản
hoặc ngành khác mở về phục vụ cho hợp tác xã tập đoàn sản xuất thì được hưởng
phụ cấp như sau:
- Thời gian học dưới 1 năm (ngắn
hạn) được hưởng nguyên mức tiền công cơ bản kế hoạch theo chức danh đảm nhiệm
trong nhiệm kỳ đó và hưởng nguyên các khoản phụ cấp khác nếu có (không kể các
khoản phụ cấp nhà trường đài thọ).
- Thời gian học từ 1 năm trở lên
(dài hạn) được hưởng từ 80 đến 90% mức tiền công cơ bản kế hoạch theo chức danh
đảm nhiệm trong nhiệm kỳ đó (không kể khoản phụ cấp nhà trường đài thọ).
Các khoản phụ cấp cho cán bộ, xã
viên đi học do quỹ công ích chi, nếu không đủ thì phần phụ cấp đi học dài hạn
có thể lấy một phần ở quỹ tích luỹ.
- Cán bộ, xã viên được cử đi
công tác ra ngoài phạm vi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thì được thanh toán tiền
tầu xe, vé trọ, bồi dưỡng đi đường và phụ cấp lưu trú, mức bồi dưỡng đi đường
và phụ cấp lưu trú tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, khả năng và điều
kiện cụ thể của từng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất do đại hội xã viên quy định,
có sự hướng dẫn của Sở và phòng thuỷ sản các huyện thị.
E. ĐỐI VỚI CÁN BỘ QUẢN LÝ, KỸ
THUẬT, NGHIỆP VỤ VỀ CÔNG TÁC Ở HỢP TÁC XÃ
1. Đối với cán bộ Nhà nước được
biệt phái về Hợp tác xã thì được trả tiền công, tiền thưởng, theo chức danh mà
họ đảm nhiệm. Nếu tiền công, tiền thưởng cao hơn tiền lương và phụ cấp lương,
thì được hưởng thêm phần chênh lệch do hợp tác xã đài thọ. Nếu tiền công, tiền
thưởng thấp hơn tiền lương và phụ cấp lương thì được giữ nguyên tiền lương và
phụ cấp lương.
2. Những cán bộ quản lý, kỹ thuật,
nghiệp vụ, chuyên gia nhân dân ở các cơ quan, đơn vị hoặc hợp tác xã khác về
làm việc cho hợp tác xã thì ngoài các chế độ đãi ngộ mà họ đang được hưởng, hợp
tác xã vẫn trả tiền công theo công việc họ đang đảm nhiệm và theo hợp đồng đã
ký kết.
3. Những cán bộ của Nhà nước được
cử về công tác và giúp đỡ hợp tác xã về các mặt nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật, nếu
có đóng góp thiết thực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã cải tiến
công tác quản lý, nắm vững các nghiệp vụ, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, đem
lại kết quả cụ thể được ban quản lý hợp tác xã thừa nhận, thì được xét thưởng
tuỳ theo mức độ đóng góp của mỗi người và khả năng quỹ khen thưởng của hợp tác
xã.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Các Sở Thuỷ sản, phòng thuỷ sản
các huyện thị cần nghiên cứu kỹ thông tư này và có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo
thực hiện cụ thể đối với các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Trong quá trình chỉ đạo, cần
tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ này và nếu có điểm nào chưa
rõ hoặc cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thì báo cáo về Bộ.
Thông tư này cần được phổ biến,
quán triệt đến các xã viên, tập đoàn viên và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.