BỘ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2018/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 2018
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VIỆC HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TRONG DOANH NGHIỆP
NHỎ VÀ VỪA
Căn cứ Luật Giáo dục
nghề nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP
ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP
ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-Ttg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ
tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo
dưới 03 tháng;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục
nghề nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm
việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động đang làm việc trong các
doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: điều kiện đối với lao động được hỗ trợ đào tạo
nghề; ngành nghề được hỗ trợ đào tạo; quy trình, hình thức tổ chức đào tạo;
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với lao động đang làm việc
trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm
giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
(sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp); doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy
định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); các cơ quan, đơn vị, cá
nhân có liên quan.
Điều 3. Điều kiện đối với lao động
được hỗ trợ đào tạo nghề
1. Người lao động có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm
2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, được doanh
nghiệp cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào
tạo dưới 03 tháng, thì được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo.
2. Trong số các đối tượng nêu tại Khoản 1 của Điều
này, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc
thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi
đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp
hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Điều 4. Ngành nghề được hỗ trợ
đào tạo
1. Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp
hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên
cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong danh mục
ngành nghề được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định
số 46/2015/QĐ-Ttg ngày 28 tháng 9 năm 2015
của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và
đào tạo dưới 03 tháng.
2. Doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề
nghiệp trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt
động, có ngành nghề đào tạo quy định tại Khoản 1 của Điều này để cử người lao động
tham gia các khóa đào tạo nghề.
Điều 5. Quy trình, hình thức tổ
chức đào tạo
1. Doanh nghiệp cử một người lao động hoặc nhiều
người lao động của doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nghề bằng văn bản,
trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian làm việc tại doanh nghiệp,
số sổ bảo hiểm xã hội, ngành, nghề cần đào tạo, hình thức đào tạo, dự kiến thời
gian tham gia khóa đào tạo đối với từng người lao động, gửi cơ sở đào tạo nghề
nghiệp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động.
2. Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tiếp nhận văn bản của
doanh nghiệp, thực hiện công tác tuyển sinh, nhập học đối với lao động của
doanh nghiệp như đối với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp vào học trình
độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH
ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy
định về đào tạo trình độ sơ cấp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH) hoặc vào học chương trình
đào tạo dưới 3 tháng theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH
ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy
định về đào tạo thường xuyên (sau đây gọi tắt là Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH).
3. Người lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa
đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng được tổ chức học
theo lớp riêng hoặc học hòa nhập cùng với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp,
do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh
nghiệp, người học trước khi khai giảng khóa học ít nhất 10 ngày làm việc.
4. Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức đào tạo đối với
lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định
tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH hoặc
chương trình đào tạo dưới 03 tháng theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH theo đúng ngành nghề, nội
dung đào tạo do doanh nghiệp lựa chọn.
Trường hợp người lao động của doanh nghiệp được cử
tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH
ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy
định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa
làm vừa học.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ
quan, đơn vị, cá nhân liên quan
1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giúp Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành trung ương, các địa
phương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Thông tư này. Tổ chức
thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối
với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định và tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện trong báo cáo tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp hàng năm.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của địa
phương; các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển
khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.
b) Bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào
tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp
luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh
nghiệp và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
3. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
a) Tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo
nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định tại Thông
tư này.
b) Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề
nghiệp trên địa bàn tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với
lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư này.
c) Tổng hợp kế hoạch và kết quả thực hiện chính
sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của
các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định hiện hành.
d) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát,
đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang
làm việc trong doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các doanh nghiệp
trên địa bàn và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo giáo dục nghề
nghiệp hàng năm gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo
nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của
phát luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
b) Hàng năm, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề
cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, theo hướng dẫn của Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động với các nội dung chủ yếu:
Đánh giá kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp năm trước (nếu có); dự kiến kế hoạch
phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; dự kiến số lượng lao động cần
đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác có liên
quan.
c) Lựa chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề
nghiệp và cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào
tạo nghề theo quy định tại Thông tư này. Chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đề
xuất việc cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào
tạo nghề theo quy định của pháp luật.
d) Chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản
3 Điều 62 Bộ luật Lao động và các chi phí khác (nếu có) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp
thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.
đ) Tham gia giám sát việc tổ chức đào tạo nghề của
các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đối với người lao động do doanh nghiệp cử đi học
và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong báo
cáo hàng năm gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động
theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Lao động.
5. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề nghiệp
a) Hằng năm lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ
đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng dẫn của
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
b) Hướng dẫn người lao động làm việc trong doanh
nghiệp về hồ sơ tuyển sinh, quản lý đào tạo. Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp
hoặc đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp
theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
c) Thông báo cho doanh nghiệp tình hình và kết quả
học tập của người lao động do doanh nghiệp cử khi kết thúc khóa đào tạo nghề.
d) Báo cáo kết quả thực hiện đào tạo nghề đối với
người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trong báo cáo tuyển sinh, đào tạo
nghề nghiệp theo quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương.
6. Trách nhiệm của người học là lao động đang làm
việc trong doanh nghiệp
a) Tìm hiểu và có quyền yêu cầu doanh nghiệp phổ biến,
hướng dẫn để nắm được các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề đối với
người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và yêu cầu đào tạo, phát triển
nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Thực hiện quyền lựa chọn, đề xuất với doanh nghiệp
về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, địa điểm đào tạo, hình thức
đào tạo, thời gian tham gia khóa đào tạo và các hỗ trợ cần thiết khác khi tham
gia khóa đào tạo nghề phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của doanh
nghiệp.
c) Kê khai đúng, đầy đủ về bản thân và chịu trách
nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học. Tham gia đầy đủ theo
chương trình đào tạo của khóa học. Chấp hành các quy định của lớp học, của cơ sở
đào tạo nghề nghiệp.
d) Báo cáo kết quả tham gia khóa đào tạo nghề và chấp
hành sự phân công của doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08
tháng 02 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề
nghị phản ánh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TCGDNN (30 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|