Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 3-TS/TT hướng dẫn chế độ bảo hiểm xã hội xã viên hợp tác xã thuỷ sản

Số hiệu: 3-TS/TT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản Người ký: Nguyễn Bá Phát
Ngày ban hành: 19/09/1985 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-TS/TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1985

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 3-TS/TT NGÀY 19 NGÀY 9 THÁNG 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI XÃ VIÊN HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN (1)

Từ năm 1968 Tổng cục Thuỷ sản (nay là Bộ Thuỷ sản) đã ban hành chế độ tạm thời về trợ cấp bảo hiểm lao động và tai nạn chiến tranh trong hợp tác xã nghề cá.

Được sự chỉ đạo của các tỉnh, huyện phần lớn các hợp tác xã ở miền Bắc và một số hợp tác xã miền Nam đã từng bước thực hiện chế độ này, bước đầu bảo đảm một số quyền lợi bảo hiểm cần thiết cho xã viên.

Hiện nay, phong trào hợp tác hoá nghề cá có những bước chuyển biến mới và đang được mở rộng trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã với mức độ cao hơn. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã sẽ đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi chính đáng và nguyện vọng thiết tha của cán bộ xã viên hợp tác xã, nhằm động viên khuyến khích xã viên an tâm phấn khởi sản xuất, gắn bó xây dựng hợp tác xã. Căn cứ vào Điều 59 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "Nhà nước hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ bảo hiểm xã hội đối với xã viên...", Điều 3 Chương I, Điều 7 Chương II, Điều 25, Điều 26 Chương VI của điều lệ hợp tác xã thuỷ sản ban hành theo Nghị định số 51-HĐBT ngày 17-3-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong các hợp tác xã.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) phải xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Bộ Thuỷ sản ra Thông tư hướng dẫn chính thức việc thực hiện chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội áp dụng thống nhất trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thuỷ sản (dưới đây gọi tắt là hợp tác xã) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, NGUYÊN TẮC VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG HỢP TÁC XÃ

1. Mục đích ý nghĩa.

Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã là thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho các xã viên và các tập đoàn viên (dưới đây gọi tắt là xã viên) có quá trình làm việc lâu ngày trong hợp tác xã khi già yếu, hết tuổi lao động, bị tai nạn lao động, khi sinh đẻ, ốm đau... được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; nhằm giảm bớt một phần khó khăn trong đời sống, làm cho xã viên an tâm, phấn khởi sản xuất, gắn bó xây dựng hợp tác xã, góp phần củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh; đồng thời nâng cao ý thức làm chủ tập thể của xã viên, nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ tham gia đóng góp quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã.

2. Nguyên tắc chung:

- Nguồn quỹ trợ cấp bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã là do xã viên đóng góp và trích từ quỹ công ích của hợp tác xã.

- Việc trợ cấp bảo hiểm xã hội cho xã viên vận dụng nguyên tắc phân phối theo lao động, không trợ cấp bình quân mà phải căn cứ vào mức độ cống hiến của từng người, căn cứ vào thời gian công tác, vào tiền công cấp bậc kỹ thuật, hoặc cấp bậc công việc; đồng thời kết hợp với nguyên tắc tương trợ xã hội chủ nghĩa trong hợp tác xã.

- Mức độ trợ cấp phải thấp hơn tiền công khi đang làm việc để khuyến khích những người còn đang trực tiếp sản xuất.

3. Đối tượng thi hành.

- Tất cả những người có đủ tư cách xã viên, đóng góp đầy đủ quỹ bảo hiểm xã hội cho hợp tác xã đều là đối tượng thi hành.

- Những xã viên được cử đi học quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ, đi nghĩa vụ quân sự, đi điều trị, điều dưỡng do ốm đau, tai nạn... nhưng vẫn còn cổ phần trong hợp tác xã, khi trở về hợp tác xã vẫn được công nhận đủ tư cách xã viên cũng thuộc đối tượng thi hành.

- Những người không đủ tư cách xã viên, bị xoá tên, bị khai trừ ra khỏi hợp tác xã, bị tù giam, người tự ý bỏ ra hợp tác xã không có lý do chính đáng... thì không thuộc đối tượng thi hành chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội.

II. CÁC CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Chế độ trợ cấp nghỉ ốm.

a. Những xã viên ốm đau nghỉ việc phải được đơn vị sản xuất, ban quản lý và y tế xác nhận.

Nếu phải nghỉ việc từ 5 ngày trở xuống (với xã viên làm việc trên bờ) hoặc không quá một chuyến biển (với xã viên trực tiếp sản xuất ở trên biển) thì được đơn vị sản xuất đài thọ từ 50-70% tiền công cơ bản kế hoạch trong những ngày nghỉ ốm.

Xã viên khi ốm đau được y tế hợp tác xã khám bệnh và cấp thuốc tuỳ theo khả năng tủ thuốc hợp tác xã.

Nếu phải điều trị tại bệnh viện thì hợp tác xã đài thọ tiền phí tổn về thuốc men và tàu xe đi lại.

b. Trường hợp ốm đau kéo dài, không còn khả năng lao động, được đại hội xã viên và y tế xác nhận thì được hưởng chế độ khác ở điểm 4 mục II trong Thông tư hướng dẫn này.

c. Sau khi nghỉ ốm, nếu sức khoẻ giảm sút thì căn cứ vào tình hình cụ thể mà hợp tác xã bố trí công việc thích hợp. Nếu làm công việc mới được tiền công ít, gia đình túng thiếu thì chủ yếu tìm công việc làm thêm cho gia đình và tuỳ theo khả năng quỹ công ích mà có thể trích giúp đỡ một phần.

2. Chế độ trợ cấp nghỉ đẻ:

- Nữ xã viên nói chung khi sinh đẻ được nghỉ 3 tháng. Riêng đối với nữ xã viên trực tiếp đánh cá được nghỉ 6 tháng và 3 tháng được bố trí làm công việc thích hợp trên đất liền.

- Nữ xã viên sinh đẻ theo đúng cuộc vận động "sinh đẻ có kế hoạch" là những người sinh đẻ từ 1 đến 2 con thì trong thời gian nghỉ đẻ được trợ cấp 100% tiền công cơ bản kế hoạch. Nếu sinh đẻ ngoài kế hoạch quy định thì không được trợ cấp nghỉ đẻ.

- Trường hợp sẩy thai hoặc nạo thai thì được nghỉ, thời gian nghỉ tuỳ theo tình hình sức khoẻ cụ thể của từng người mà hợp tác xã giải quyết. Thời gian nghỉ được trợ cấp 100% tiền công cơ bản kế hoạch nhưng không quá 15 ngày.

- Nữ xã viên trong những ngày hành kinh được bố trí làm công việc thích hợp và được hưởng nguyên tiền công cơ bản kế hoạch của công việc cũ.

3. Chế độ trợ cấp nghỉ hưu:

a. Điều kiện nghỉ hưu:

Phải bảo đảm đủ hai điều kiện sau đây:

- Tuổi đời: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55. Riêng đối với xã viên trực tiếp đánh cá làm những nghề, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như thợ đốt đèn (nghề vó ánh sáng), thợ lặn (nghề đáy, lặn bắt tôm hùm, dòm, điệp...) nghề câu cá mập, cá nhám... thì tuổi đời không dưới 55 nếu sức khoẻ yếu cũng được xét nghỉ hưu.

- Thời gian công tác đủ 25 năm, riêng đối với những nghề, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nêu ở trên thì đủ 20 năm, trong đó có ít nhất 10 năm làm những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Những xã viên có đủ 2 điều kiện trên phải làm đơn xin nghỉ gửi ban quản lý để làm thủ tục báo cáo trước đại hội xã viên xét duyệt. Trường hợp sức khoẻ còn tốt, còn khả năng làm việc, hợp tác xã yêu cầu và xã viên tự nguyện thì được tiếp tục sản xuất và công tác trong một thời gian nhất định.

b. Mức trợ cấp hàng tháng:

Kể từ ngày có quyết định nghỉ hưu, xã viên được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 30 đến 40% tiền công cấp bậc thực hiện theo kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của hợp tác xã (gọi tắt là tiền công cấp bậc thực hiện) và phụ cấp nếu có.

Trường hợp đặc biệt do khó khăn khách quan, sản xuất kinh doanh của hợp tác xã thua lỗ, không có thu nhập tiền công lao động thì xã viên nghỉ hưu cũng được trợ cấp, mức trợ cấp tối thiểu cũng phải đủ mua 10 kg lương thực.

Nếu thời gian công tác vượt mức quy định thì cứ mỗi năm vượt được trợ cấp thêm không quá 0,2 tháng tiền công cấp bậc kế hoạch của người đó trước khi nghỉ, khoản trợ cấp thêm được lĩnh một lần.

Riêng đối với những cán bộ, xã viên có công lao đóng góp xây dựng và củng cố hợp tác xã được đại hội xã viên thừa nhận, thì ngoài phần trợ cấp chung còn được hưởng một khoản trợ cấp đặc biệt một lần, mức trợ cấp không quá 2 tháng tiền công cấp bậc kế hoạch của người đó trước khi nghỉ.

4. Chế độ trợ cấp mất sức:

a. Điều kiện nghỉ mất sức:

- Xã viên già yếu, hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55) nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu, được đại hội xã viên công nhận thì được hưởng chế độ nghỉ hưu mất sức.

- Xã viên do ốm đau kéo dài, bị tai nạn rủi ro (không phải trong lúc thi hành nhiệm vụ), bị tai nạn chiến tranh được cấp y tế có thẩm quyền xác nhận không còn khả năng lao động được đại hội xã viên công nhận thì được hưởng chế độ nghỉ mất sức.

b. Mức độ trợ cấp:

- Trợ cấp hàng tháng:

Những xã viên có đủ 15 năm làm việc khi về nghỉ mất sức được trợ cấp hàng tháng bằng 20% tiền công cấp bậc thực hiện.

Xã viên có trên 15 năm làm việc thì cứ mỗi năm vượt được tính thêm 1% nhưng mức tối đa không quá 30% tiền công cấp bậc thực hiện.

Những xã viên nghỉ mất sức được trợ cấp hàng tháng theo quy định trên nếu chưa đến tuổi nghỉ hưu thì 2 năm một lần phải đưa ra đại hội xã viên xem xét để có quyết định cụ thể đối với từng người. Trường hợp xã viên đã hồi phục sức khoẻ mà không trở lại làm việc theo yêu cầu của hợp tác xã thì hợp tác xã sẽ cắt trợ cấp và soát xét lại tư cách xã viên.

- Trợ cấp 1 lần:

Xã viên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp 1 lần như sau: xã viên có dưới 15 năm làm việc thì cứ mỗi năm được tính trợ cấp không quá nửa tháng tiền công kế hoạch trước khi nghỉ. Hợp tác xã thanh toán 1 lần hoặc nhiều lần tuỳ theo khả năng và điều kiện cụ thể của hợp tác xã.

5. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động:

a. Điều kiện được trợ cấp:

Những xã viên, người học việc, làm theo hợp đồng trong hợp tác xã bị tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh trong khi sản xuất và công tác, trong khi tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã mà bị tai nạn được đại hội xã viên công nhận thì được hưởng chế độ trợ cấp này.

b. Mức độ trợ cấp:

- Những xã viên bị tai nạn thì được trợ cấp 100% tiền công kế hoạch trong thời gian điều trị tại bệnh viện hoặc nghỉ điều dưỡng tại gia đình. Tháng đầu do đơn vị trợ cấp, từ tháng thứ hai do hợp tác xã trợ cấp và được Hợp tác xã thanh toán tiền thuốc và tàu xe. Sau khi điều trị nếu sức khoẻ bị giảm sút không đảm đương được công việc cũ thì hợp tác xã bố trí công việc mới phù hợp với sức khoẻ. Nếu làm công việc mới thu nhập thấp hơn thì được xét trợ cấp 1 lần từ 1 đến 3 tháng tiền công kế hoạch tuỳ theo thương tật nặng hay nhẹ và hoàn cảnh kinh tế của từng người.

- Đối với những người học việc, làm hợp đồng mà bị tai nạn cũng được hợp tác xã trợ cấp tiền tàu xe, thuốc men khi điều trị và được xét trợ cấp 1 lần không quá 2 tháng tiền công kế hoạch hoặc theo hợp đồng, tuỳ theo thương tật nặng nhẹ và hoàn cảnh kinh tế của từng người.

- Việc trợ cấp cho xã viên, người học việc, làm hợp đồng phải bảo đảm sự ưu đãi đối với những người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã. Mức trợ cấp phải cao hơn người bị tai nạn khác.

- Trường hợp xã viên không còn khả năng lao động được cấp y tế có thẩm quyền xác nhận và đại hội xã viên công nhận nhưng xã viên đó có thời gian làm việc chưa đến 15 năm, chưa đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu và chế độ trợ cấp mất sức hàng tháng thì cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ 10-20% tiền công cấp bậc thực hiện. Trường hợp xã viên có thời gian làm việc từ 15 năm trở lên có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp mất sức hàng tháng hoặc trợ cấp nghỉ hưu thì được tính thêm 3-5% tiền công cấp bậc thực hiện.

Xã viên bị tai nạn lao động và tai nạn chiến tranh không phải trong lúc thi hành nhiệm vụ thì mọi chi phí thuốc men trong thời gian điều trị phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng quỹ hiện có của hợp tác xã mà xét trợ cấp một phần.

6. Chế độ trợ cấp khi xã viên chết:

Xã viên đang làm việc, đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức (được trợ cấp hàng tháng), bị ốm đau, già yếu, bị tai nạn lao động hoặc tai nạn chiến tranh mà chết, thì hợp tác xã trợ cấp tiền chôn cất cho gia đình gồm áo quan, vải niệm, hương hoa.

Nếu gia đình khó khăn túng thiếu thì hợp tác xã tuỳ theo khả năng quỹ công ích mà xét trợ cấp thêm cho gia đình, mức độ trợ cấp không quá 2 tháng tiền công kế hoạch của người đó.

Đối với những người có hành động dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu mà bị chết (gồm xã viên, người học việc, làm hợp đồng) thì ngoài phần trợ cấp chôn cất, hợp tác xã trợ cấp 1 lần cho gia đình, mức trợ cấp không quá 6 tháng tiền công kế hoạch của người chết.

Đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước hoặc quân nhân về hưu đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thường xuyên của Nhà nước, đang làm việc trong hợp tác xã mà bị chết thì hợp tác xã trích quỹ công ích mua hương hoa để phúng viếng và thăm hỏi gia đình.

III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Quản lý quỹ bảo hiểm xã hội.

- Ban quản lý Hợp tác xã có nhiệm vụ quản lý thống nhất quỹ bảo hiểm xã hội và thực hiện việc trợ cấp cho xã viên theo đúng chế độ quy định.

- Quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã phải được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tài chính công khai, phải ghi chép rõ ràng, đầy đủ theo đúng chế độ kế toán quy định.

Không được nhập nhằng, quỹ này dùng cho quỹ kia; đồng thời ngăn ngừa hành động tham ô, lợi dụng quỹ bảo hiểm xã hội để vào mục đích tư lợi.

- Để tạo nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã ngày càng lớn, trong khi chưa dùng đến quỹ bảo hiểm xã hội, có thể mở tài khoản riêng gửi tại ngân hàng, để lấy lãi, ngân hàng không được lấy tiền của quỹ bảo hiểm xã hội để khấu trừ nợ của hợp tác xã. Hoặc hợp tác xã có thể dùng một phần tiền của quỹ bảo hiểm xã hội để sản xuất kinh doanh nhưng phải bảo đảm tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm xã hội và đáp ứng kịp thời yêu cầu trợ cấp bảo hiểm xã hội khi cần thiết.

2. Nguồn thu của quỹ bảo hiểm xã hội gồm:

a. Do mỗi xã viên tham gia đóng góp hàng tháng bằng trích từ 5% trở lên trong thu nhập của mỗi người.

b. Mỗi xã viên đóng góp lần đầu 1 tháng tiền công lao động kế hoạch vào quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã. Những người không có khả năng đóng góp ngay 1 lần nếu được đại hội xã viên đồng ý thì có thể đóng làm 2 hoặc 3 lần nhưng thời hạn không quá 1 năm.

c. Trích khoảng 50% của quỹ công ích.

d. Nguồn thu lãi của quỹ bảo hiểm xã hội.

đ. Nguồn thu khác: tiền do xã viên, các cơ quan tổ chức khác ủng hộ hoặc hợp tác xã tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa lấy tiền đưa vào quỹ bảo hiểm xã hội v.v...

IV. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý

1. Quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã thuỷ sản được xây dựng do đóng góp thường xuyên và đóng góp lần đầu của mỗi xã viên, do trích trong quỹ công ích của hợp tác xã...

Phải tiến hành xây dựng quỹ bảo hiểm xã hội của hợp tác xã ít nhất là 6 tháng thì mới bắt đầu trợ cấp theo chế độ này.

Đối với hợp tác xã hiện nay đang trợ cấp cho xã viên nghỉ hưu, nghỉ mất sức thì căn cứ vào Thông tư này rà xét lại để có chế độ trợ cấp phù hợp.

2. Việc thi hành chế độ bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã không có ảnh hưởng đến việc tham gia bảo hiểm thuỷ thủ, thuyền viên của công ty bảo hiểm Việt Nam.

3. Khi xét để tính mức trợ cấp phải căn cứ vào thời gian công tác, nếu có tháng lẻ thì tính như sau:

- Dưới 1 tháng không tính.

- Từ 1 đến 7 tháng tính là nửa năm.

- Trên 7 tháng tính cả năm.

4. Những người đang hưởng chế độ trợ cấp nghỉ hưu, nghỉ mất sức mà vì lý do nào đó bị pháp luật truy tố, bị khai trừ ra khỏi hợp tác xã thì đình chỉ việc trợ cấp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Sở Thuỷ sản, Sở nông nghiệp, phòng thuỷ sản các huyện, thị cần nghiên cứu kỹ Thông tư này và có kế hoạch chỉ đạo thực hiện cụ thể đối với các tổ chức kinh tế tập thể nghề cá bao gồm hợp tác xã, tập đoàn sản xuất khai thác cá biển, cá sông, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chuyên nuôi thuỷ sản... ở địa phương mình.

Cần tổ chức cho các xã viên, tập đoàn viên học tập quán triệt Thông tư này, làm cho mọi người thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.

Sở Thuỷ sản và phòng thuỷ sản huyện, thị cần tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chế độ này, hàng năm báo cáo về Bộ tình hình và kết quả thực hiện, nếu có những vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cần báo cáo kịp thời về Bộ.

Thông tư này thay cho "chế độ tạm thời về trợ cấp bảo hiểm lao động và tai nạn chiến tranh trong hợp tác xã nghề cá" số 367-TS/HTX ngày 26-3-1968; và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

(1) Bao gồm xã viên hợp tác xã và tập đoàn viên tập đoàn sản xuất thuỷ sản.

 

 

Nguyễn Bá Phát

(Đã Ký)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 3-TS/TT-1985 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với xã viên Hợp tác xã thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.764

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.178.16
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!