BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
22-TC/GTBĐ
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 8 năm 1986
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22-TC/GTBĐ NGÀY 27-8-1986 HƯỚNG
DẪN CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN VÀ TRÍCH LẬP QUỸ XÍ NGHIỆP ĐỐI VỚI
CÁC BƯU ĐIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ
Thi hành Quyết định
số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng quy định tam thời về quyền tự
chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở, dựa vào những nguyên tắc về phân phối
lợi nhuận trong công nghiệp quốc doanh đã được quy định trong Thông tư số 11-TC/CNA
ngày 22- 7- 1986 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 76-HĐBT, Bộ
Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp
cho các bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu và các trung tâm viễn thông, truyền
báo, phát hành báo chí... (dưới đây gọi chung là bưu điện tỉnh, thành phố) như
sau:
I- NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Bưu điện tỉnh,
thành phố là đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc Tổng cục Bưu điện, là xí nghiệp
Trung ương nằm tại các tỉnh, thành phố, đặc khu, làm chức năng phục vụ các yêu
cầu thông tin liên lạc về bưu chính, điện chính, phát hành báo chí cho các cơ
quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức kinh tế và nhu cầu sinh
hoạt của nhân dân. Bưu điện tỉnh, thành phố là đơn vị kinh tế của Tổng cục Bưu
điện, thực hiện hạch toán kinh tế đầy đủ. Hàng năm các Bưu điện tỉnh, thành phố
được Tổng cục Bưu điện giao chỉ tiêu kế hoạch giá trị nghiệp vụ Bưu điện,
(doanh thu của Bưu điện tỉnh, thành phố do Tổng cục Bưu điện quy định), các khoản
thu nộp ngân sách (thu quốc doanh, lợi nhuận, khấu hao cơ bản...) thuộc chỉ
tiêu pháp lệnh Nhà nước giao cho ngành Bưu điện.
2. Căn cứ để thực hiện phân phối
lợi nhuận là lợi nhuận kế hoạch và lợi nhuận thực hiện của Bưu điện tỉnh, thành
phố.
- Lợi nhuận kế hoạch hàng năm của
Bưu điện tỉnh, thành phố được xác định trên cơ sở doanh thu kế hoạch, trừ giá
thành kế hoạch, trừ thu quốc doanh.
Ngoài lợi nhuận của sản xuất
chính (lợi nhuận thuộc các nghiệp vụ bưu chính, điện chính, phát hành báo chí).
Bưu điện tỉnh, thành phố làm đường dây (di chuyển, đặt mới), cho thuê bao uỷ
thác, hoặc bán phong bì, giấy viết thư, tem chơi, bưu thiếp, bưu ảnh... thì lợi
nhuận của các dịch vụ này được coi là lợi nhuận sản xuất phụ.
Lợi nhuận sản xuất chính, sản xuất
phụ của Bưu điện tỉnh, thành phố đều phải được kế hoạch hoá trong một kế hoạch
sản xuất - kỹ thuật - tài chính thống nhất.
Lợi nhuận thực hiện của Bưu điện
tỉnh, thành phố được xác định như sau:
Đối với sản xuất chính được xác
định trên cơ sở doanh thu thực hiện trừ chi phí thực tế được duyệt, trừ thu quốc
doanh, trừ chênh lệch giá (nếu có).
Đối với sản xuất phụ được xác định
trên cơ sở doanh thu thực tế của sản xuất phụ, trừ chi phí thực tế, trừ thu quốc
doanh phải nộp và trừ chênh lệch giá (nếu có).
3. Căn cứ để tính mức trích quỹ
xí nghiệp, điều kiện để được trích các quỹ xí nghiệp, và phạm vi sử dụng phần lợi
nhuận để lại xí nghiệp được áp dụng theo các nguyên tắc quy định tại mục 4 và 5
phần I của Thông tư số 11- TC/CNA ngày 22-7-1986 của Bộ Tài chính.
II. PHÂN PHỐI
LỢI NHUẬN VÀ TRÍCH LẬP QUÝ XÍ NGHIỆP CỦA BƯU ĐIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ
1. Kế hoạch hoá
phân phối lợi nhuận: tổng số lợi nhuận kế hoạch của Bưu điện tỉnh, thành phố được
phân phối theo tỷ lệ: để lại xí nghiệp 50% và nộp ngân sách Nhà nước 50%.
Riêng đối với lợi nhuận của sản
xuất phụ có sử dụng nguyên vật liệu từ phế liệu, phế phẩm được kế hoạch hoá để
lại xí nghiệp 70% và nộp ngân sách Nhà nước 30%.
Toàn bộ phần lợi nhuận để lại
Bưu điện tỉnh, thành phố theo kế hoạch được phân phối cho 3 quỹ theo các nguyên
tắc quy định tại mục I, phần II Thông tư số 11-TC/CNA ngày 22-7-1986 của Bộ Tài
chính.
2. Thực hiện phân phối lợi nhuận:
a) Trên cơ sở tổng số lợi nhuận
kế hoạch, số lợi nhuận phải nộp ngân sách Nhà nước nói trên được duyệt và trở
thành chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước giao cho Bưu điện tỉnh, thành phố.
Số lợi nhuận phải nộp ngân sách
Nhà nước theo kế hoạch hàng năm được phân thành 4 quý. Bưu điện tỉnh, thành phố
có nhiệm vụ nộp đều đặn hàng tháng vào ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương
tại địa phương).
Số được trích ba quỹ theo kế hoạch
cả năm nói trên được phân làm 4 quý, Bưu điện tỉnh, thành phố được tạm trích
70% hàng quý vào mỗi quỹ sau khi đã hoàn thành việc nộp lợi nhuận, thu quốc
doanh vào ngân sách Nhà nước hàng quý theo kế hoạch được duyệt, có xác nhận của
chi cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp Trung ương.
b) Hết năm Bưu điện tỉnh, thành
phố được tính toán đầy đủ số trích lập ba quỹ xí nghiệp cả năm. Sau khi có ý kiến
tham gia của Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính tỉnh, thành phố, Tổng cục Bưu điện
xét duyệt quyết toán đồng thời xét duyệt chính thức số trích lập các quỹ xí
nghiệp cho Bưu điện tỉnh, thành phố.
Số trích lập các quỹ xí nghiệp cả
năm của Bưu điện tỉnh, thành phố được thực hiện như sau:
- Số lợi nhuận trong phạm vi kế
hoạch được duyệt của sản xuất chính được phân phối như quy định ở mục 1 phần II
nói trên: 50% nộp ngân sách Nhà nước, 50% để lại xí nghiệp.
- Lơi nhuận vượt kế hoạch của sản
xuất chính được phân phối: 20% nộp ngân sách, 80% để lại xí nghiệp.
- Lợi nhuận của sản xuất phụ
không kể trong mức kế hoạch hay vượt mức kế hoạch đều phân phối: 30% nộp ngân
sách, 70% để lại xí nghiệp. Trừơng hợp Bưu điện tỉnh, thành phố không hoàn
thành kế hoạch nộp lợi nhuận của sản xuất chính (trên cơ sở của số lợi nhuận thực
hiện) thì số lợi nhuận sản xuất phụ phải nộp ngân sách 50%, để lại xí nghiệp
50%.
Tổng số lợi nhuận để lại xí nghiệp
(gồm lợi nhuận trong kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch và lợi nhuận của sản xuất
phụ) được phân phối theo ba quỹ như quy định ở mục I, phần II, sau khi trừ các
khoản phải nộp phạt về vi phạm hợp đồng kinh tế, vi phạm quản lý tiền mặt, vi
phạm chất lượng thông tin, thanh toán các khoản chi bất hợp lý (như chi phí
tiêu cực, lãng phí v.v...).
Nếu Bưu điện tỉnh, thành phố
không hoàn thành 2 chỉ tiêu pháp lệnh chủ yếu cả năm nói sau đây:
- Giá trị nghiệp vụ Bưu điện
(doanh thu);
- Các khoản phải nộp ngân sách
Nhà nước, thì cứ mỗi phần trăm không hoàn thành chỉ tiêu thứ nhất phải trừ đi
2% số tiền được trích vào mỗi quỹ (ba quỹ) và mỗi phần trăm không hoàn thành chỉ
tiêu thứ hai phải trừ đi 3% số tiền được trích vào mỗi quỹ (ba quỹ).
Mức độ hoàn thành kế hoạch chỉ
tiêu các khoản phải nộp ngân sách được xác định theo hướng dẫn tại mục 2, phần
II Thông tư số 11-TC/CNA ngày 22-7-1986 của Bộ Tài chính.
Nếu Bưu điện tỉnh, thành phố để
xảy ra chất lượng thông tin bưu điện trong năm kém và vi phạm những chính sách
quản lý kinh tế tài chính như vi phạm chế độ báo cáo kế toán thống kê, nộp
không đều đặn và kịp thời các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, làm thiệt hại
đến tài sản của Nhà nước, của nhân dân (như làm mất bưu phẩm, bưu kiện) thì cứ
mỗi loại vi phạm tuỳ theo mức độ vi phạm phải trừ từ 2 đến 5% số tiền được
trích vào mỗi quỹ (ba quỹ). Số phạt trừ nói trên phải được nộp vào ngân sách
Nhà nước.
Điều kiện để bưu điện tỉnh,
thành phố được trích đủ (100% ) số lợi nhuận để lại xí nghiệp lập ba quỹ theo
những quy định trên là Bưu điện tỉnh, thành phố phải hoàn thành 100% số lợi nhuận
phải nộp vào ngân sách Nhà nước (có xác nhận của cơ quan tài chính cùng cấp),
trên cơ sở số liệu xét duyệt quyết toán hàng năm cho xí nghiệp.
3. Việc sử dụng các quỹ xí nghiệp
ở Bưu điện tỉnh, thành phố được quy định như sau:
Bưu điện tỉnh, thành phố sử dụng
quỹ phát triển sản xuất để bổ sung cho các nhu cầu về tăng vốn lưu động, vốn tự
có về đầu tư xây dựng cơ bản theo chiều sâu, phát triển mở rộng mạng lưới thông
tin, phát triển sản xuất phụ. Ngoài ra Bưu điện tỉnh, thành phố trích một phần
quỹ phát triển sản xuất nộp lên Tổng cục Bưu điện để lập quỹ dự trữ tài chính tập
trung của toàn ngành (tỷ lệ phải nộp cho từng Bưu điện tỉnh, thành phố do Tổng
cục Bưu điện quy định cụ thể).
Quỹ dự trữ tài chính tập trung ở
Tổng cục Bưu điện được sử dụng để hỗ trợ kịp thời những khó khăn bất thường về
tài chính của Bưu điện tỉnh, thành phố theo nguyên tắc hoàn lại hoặc không hoàn
lại do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định.
Ngoài ra khi cần thiết, Tổng cục
Bưu điện có thể huy động một phần quỹ phúc lợi của Bưu điện tỉnh, thành phố để
xây dựng công trình phúc lợi chung của ngành (nhà nghỉ mát, viện điều dưỡng,
nhà truyền thống...)
Bưu điện tỉnh, thành phố trích
1% quỹ khen thưởng và phúc lợi nộp lên Tổng cục bưu điện để lập quỹ Tổng cục
trưởng.
Quỹ Tổng cục trưởng sử dụng theo
chế độ quỹ Bộ trưởng (Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn riêng).
Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi
của Bưu điện tỉnh, thành phố sau khi trích nộp lên Tổng cục để lập quỹ Tổng cục
trưởng, quỹ phúc lợi tập trung, số còn lại được sử dụng chi cho khen thưởng và
phúc lợi của xí nghiệp theo chế độ hiện hành. Trường hợp vượt quá mức quy định
thì xử lý theo các nguyên tắc được quy định ở mục 5, phần II Thông tư số
11-TC/CNA ngày 22-7- 1986 của Bộ Tài chính.
III-
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Căn cứ vào kế hoạch
sản xuất - kỹ thuật - tài chính của Nhà nước giao cho ngành bưu điện, Tổng cục
bưu điện giao kế hoạch tài chính cho các bưu điện tỉnh, thành phố trong đó có kế
hoạch phân phối lợi nhuận. Tổng cục bưu điện chịu trách nhiệm về việc giao kế
hoạch lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước của các bưu điện tỉnh, thành phố cộng lại
không thấp hơn tổng số lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước trong kế hoạch thu chi
tài chính Nhà nước đã giao cho ngành bưu điện. Nếu thấp hơn thì cứ mỗi phần
trăm giao thấp hơn phải trừ 2% tổng số quỹ Tổng cục trưởng được trích trong
năm. Số giảm trừ này phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
2. Các Bưu điện tỉnh, thành phố
phải đăng ký kế hoạch trích lập ba quỹ có phân bổ ra từng quý với cơ quan tài
chính cùng cấp và ngân hàng địa phương và được trích hàng quý như quy định ở mục
I, phần II Thông tư này.
3. Khi duyệt quyết toán chính thức
hàng năm cho Bưu điện tỉnh, thành phố, Tổng cục Bưu điện và Bộ Tài chính với sự
tham gia của cán bộ chuyên quản tài chính xí nghiệp tại địa phương duyệt số lợi
nhuận chính thức để lại xí nghiệp trích lập ba quỹ và các nhu cầu khác như quy
định ở mục 2 và 3, phần II Thông tư này và xác định số lợi nhuận nộp ngân sách
Nhà nước. Nếu Bưu điện tỉnh, thành phố sử dụng quá số lợi nhuận để lại được duyệt
thì phải trừ vào số trích của năm sau và ngược lại, nếu thiếu được trích thêm.
4. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 1 tháng 7 năm 1986 và được áp dụng cho việc phân phối lợi nhuận cả
năm 1986 của Bưu điện tỉnh, thành phố. Những quy định trước đây trái với Thông
tư này đều bãi bỏ.