Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 19/2013/TT-NHNN mua bán xử lý nợ xấu Công ty Quản lý tài sản tổ chức tín dụng

Số hiệu: 19/2013/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Đặng Thanh Bình
Ngày ban hành: 06/09/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2013/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC MUA, BÁN VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản); phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty Quản lý tài sản.

2. Tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng).

3. Khách hàng vay.

4. Bên bảo đảm.

5. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức tín dụng bán nợtổ chức tín dụng bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản.

2. Cơ cấu lại nợ là việc thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ; miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán; điều chỉnh lãi suất của khoản nợ xấu.

3. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc chấp thuận thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc, lãi trong phạm vi thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, mà thời hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.

4. Gia hạn nợ là việc chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc, lãi vượt quá thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp.

5. Tổ chức tín dụng được ủy quyềntổ chức tín dụng bán nợ được Công ty Quản lý tài sản ủy quyền thực hiện một hoặc một số hoạt động của Công ty Quản lý tài sản.

6. Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng là số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán nội bảng trên bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản là giá mua hoặc số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán nội bảng trên bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản.

7. Khoản nợ là số dư nợ của hợp đồng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

8. Trái phiếu đặc biệt là giấy tờ có giá có thời hạn do Công ty Quản lý tài sản phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

9. Ngày phát hành trái phiếu đặc biệt là ngày trái phiếu có hiệu lực và là thời điểm làm căn cứ để xác định ngày thanh toán gốc trái phiếu.

Điều 4. Ban hành, công khai các chính sách quản lý, quy định nội bộ về mua, bán, xử lý nợ xấu

1. Công ty Quản lý tài sản phải ban hành và triển khai các chính sách quản lý, quy định nội bộ về:

a) Các hoạt động được phép thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 53/2013/NĐ-CP);

b) Phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt;

c) Công khai, minh bạch về mua, bán và xử lý nợ xấu;

d) Cơ cấu lại nợ xấu, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế các chính sách quản lý, quy định nội bộ quy định tại khoản 1 Điều này, Công ty Quản lý tài sản phải công bố trên trang thông tin điện tử của Công ty Quản lý tài sản và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chương 2.

MUA, BÁN NỢ XẤU GIỮA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN VÀ TỔ CHỨC TÍN DỤNG

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 5. Thẩm quyền mua, bán nợ xấu

Thẩm quyền quyết định việc mua, bán nợ; thẩm quyền ký kết, thực hiện hợp đồng mua, bán nợ của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ và quy định nội bộ của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng.

Điều 6. Đồng tiền giao dịch

1. Đồng tiền được sử dụng trong mua, bán nợ giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng là đồng Việt Nam (sau đây viết tắt là VND).

2. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản sử dụng trái phiếu đặc biệt mua khoản nợ xấu bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tỷ giá VND với ngoại tệ áp dụng để quy đổi sang VND như sau:

a) Đối với khoản nợ xấu bằng đô la Mỹ (sau đây viết tắt là USD) là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng mua, bán nợ;

b) Đối với khoản nợ xấu bằng ngoại tệ không phải USD là tỷ giá tính thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng mua, bán nợ.

3. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản sử dụng trái phiếu đặc biệt mua khoản nợ xấu bằng vàng của tổ chức tín dụng thì áp dụng giá quy đổi là giá vàng mua vào của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thời điểm ký kết hợp đồng mua, bán nợ.

Điều 7. Chuyển giao các quyền và lợi ích liên quan đến khoản nợ xấu

1. Trong hoạt động mua, bán nợ giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.

2. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng có sự thỏa thuận về việc điều chỉnh điều kiện bảo đảm cho khoản nợ xấu thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của khách hàng vay và bên bảo đảm.

Điều 8. Nguyên tắc mua, bán nợ xấu

1. Công khai, minh bạch.

2. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua, bán nợ.

3. Hạn chế rủi ro và chi phí trong mua, bán nợ xấu.

4. Việc mua, bán nợ xấu được thực hiện đối với từng khoản nợ xấu hoặc theo từng khách hàng vay trong trường hợp khách hàng vay có nhiều khoản nợ xấu tại một tổ chức tín dụng hoặc theo từng nhóm khách hàng vay trong trường hợp một tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của nhiều khách hàng vay tại một tổ chức tín dụng hoặc theo hình thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 9. Cấp tín dụng đối với khách hàng vay có nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản

Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

MỤC 2. PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 10. Chủ thể, mục đích và nguyên tắc phát hành trái phiếu đặc biệt

1. Chủ thể phát hành trái phiếu đặc biệt là Công ty Quản lý tài sản. Công ty Quản lý tài sản ủy quyền cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư này.

2. Công ty Quản lý tài sản phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

3. Việc phát hành trái phiếu được thực hiện riêng lẻ, căn cứ nhu cầu thực tế và Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4. Một trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán. Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, Công ty Quản lý tài sản phát hành trái phiếu đặc biệt tương ứng cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn.

Điều 11. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu đặc biệt

1. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt

a) Mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư này.

b) Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, mệnh giá trái phiếu đặc biệt phát hành cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn tương ứng với giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó đang được theo dõi tại tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn.

2. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND.

3. Các hình thức trái phiếu đặc biệt

a) Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có định danh;

b) Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ ghi danh.

4. Công ty Quản lý tài sản quyết định hình thức trái phiếu đặc biệt.

5. Trái phiếu đặc biệt phải lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lưu ký giấy tờ có giá và được sử dụng trong nghiệp vụ tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước.

6. Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt được miễn phí lưu ký khi lưu ký trái phiếu đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 12. Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt

1. Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt là một tập hợp các phân tích, đánh giá, đề xuất về việc phát hành trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản.

2. Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt bao gồm các nội dung sau đây:

a) Dự kiến khối lượng, giá trị, đối tượng nợ xấu cần mua và tổ chức tín dụng bán nợ;

b) Dự kiến nhu cầu, lộ trình phát hành trái phiếu đặc biệt;

c) Đề xuất về cơ cấu thời hạn của trái phiếu đặc biệt;

d) Đánh giá năng lực của Công ty Quản lý tài sản về việc mua, quản lý và xử lý nợ xấu;

đ) Nội dung khác theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 13. Thủ tục đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt

1. Công ty Quản lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt do người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản ký;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản thông qua Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt kèm theo Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Công ty Quản lý tài sản lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt của năm sau trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Thời điểm lập hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt trong năm 2013 của Công ty Quản lý tài sản do Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản quyết định.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Trong trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản phải nêu rõ lý do.

5. Căn cứ Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực của Công ty Quản lý tài sản và yêu cầu xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản quyết định phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng.

6. Căn cứ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, yêu cầu thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, mục tiêu xử lý nợ xấu trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được chấp thuận khi cần thiết.

Điều 14. Các yếu tố của trái phiếu đặc biệt

1. Trái phiếu đặc biệt có các nội dung tối thiểu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số Quyết định thành lập, số đăng ký kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản;

b) Mệnh giá;

c) Thời hạn;

d) Ngày phát hành;

đ) Thông tin về hợp đồng mua, bán nợ, các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt;

e) Thông tin về tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt: Tên tổ chức tín dụng, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức tín dụng.

g) Trường hợp trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, phải có ký hiệu, số sê-ri phát hành, chữ ký của người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản và các chữ ký khác do Công ty Quản lý tài sản quy định và được đóng dấu của Công ty Quản lý tài sản.

2. Ngoài các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều này, Công ty Quản lý tài sản được quy định thêm các nội dung khác trên trái phiếu đặc biệt không trái với quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm quản lý, sử dụng trái phiếu đặc biệt

1. Trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản

a) Tổ chức hệ thống quản lý, theo dõi trái phiếu đặc biệt đã phát hành;

b) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu đặc biệt;

c) Tiếp nhận và thanh toán trái phiếu đặc biệt theo quy định của pháp luật;

d) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành, thanh toán trái phiếu đặc biệt.

2. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt

a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu đặc biệt;

b) Chuyển giao, thanh toán trái phiếu đặc biệt với Công ty Quản lý tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Xác định hệ số rủi ro của trái phiếu đặc biệt là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng;

d) Chỉ được sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước, mua lại khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại Thông tư này.

MỤC 3. CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN MUA NỢ XẤU BẰNG TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT

Điều 16. Điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt

1. Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Phạm vi các khoản nợ xấu được mua:

(i) Các khoản nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các khoản nợ xấu cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các khoản nợ xấu khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

(ii) Khoản mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường của các công ty đại chúng chưa niêm yết (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) do tổ chức tín dụng bán nợ mua đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có nợ xấu tại tổ chức tín dụng đó;

(iii) Khoản ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ủy thác cấp tín dụng mà tổ chức tín dụng bán nợ chịu rủi ro đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bên nhận ủy thác, đối tượng thụ hưởng của ủy thác có nợ xấu tại tổ chức tín dụng đó.

b) Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;

c) Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, cụ thể:

(i) Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;

(ii) Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.

d) Khách hàng vay còn tồn tại;

đ) Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

2. Căn cứ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực của Công ty Quản lý tài sản, tình hình thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định đối tượng và các khoản nợ xấu cụ thể Công ty Quản lý tài sản mua trong từng thời kỳ.

3. Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý tài sản mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và xử lý nhanh nợ xấu.

Điều 17. Hồ sơ đề nghị mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt

1. Tổ chức tín dụng rà soát các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này và lập hồ sơ đề nghị mua nợ gửi Công ty Quản lý tài sản. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị mua nợ theo mẫu của Công ty Quản lý tài sản;

b) Danh sách, thông tin về các khoản nợ xấu theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản; đánh giá thực trạng từng khoản nợ xấu, khách hàng vay mà tổ chức tín dụng đề nghị bán cho Công ty Quản lý tài sản (thời gian đã quá hạn, thực trạng tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bên bảo đảm, tài sản bảo đảm, khả năng thu hồi vốn); đề xuất thời hạn của trái phiếu đặc biệt tương ứng với từng khoản nợ xấu;

c) Văn bản cam kết về khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ;

d) Bản sao hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm tài sản do người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ xác nhận;

đ) Bản sao hồ sơ, giấy tờ liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ do người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ xác nhận theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản.

2. Các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này phải được ký bởi người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ. Các hồ sơ quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này phải được ký kết bởi người đại diện hợp pháp của các bên và được công chứng, chứng thực, đăng ký theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản không ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một số hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, tổ chức tín dụng bán nợ bàn giao bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này cho Công ty Quản lý tài sản.

4. Tổ chức tín dụng bán nợ chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu, văn bản liên quan đến tài sản bảo đảm, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản.

Điều 18. Trình tự, thủ tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mua nợ của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản phải tiến hành kiểm tra hồ sơ và yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ bổ sung hồ sơ khi cần thiết.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này, Công ty Quản lý tài sản xem xét, thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và có văn bản trả lời tổ chức tín dụng về việc mua hoặc không mua các khoản nợ xấu. Trường hợp không mua nợ, văn bản trả lời phải nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo đồng ý mua nợ của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản tiến hành ký kết hợp đồng mua, bán nợ.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, bán nợ, tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm về nội dung bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.

5. Sau khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ, Công ty Quản lý tài sản tiếp tục kiểm tra, thu thập thông tin và đánh giá khách hàng vay, khoản nợ xấu, tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Điều 19. Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ trong các trường hợp sau đây:

a) Có bằng chứng về việc khoản nợ xấu đã mua không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này;

b) Tổ chức tín dụng bán nợ vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 21, các điểm a, b khoản 3 và khoản 4 Điều 31 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2. Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ của Công ty Quản lý tài sản thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Công ty Quản lý tài sản có văn bản gửi tổ chức tín dụng bán nợ, trong đó nêu rõ lý do đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước và được Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) ngừng phong tỏa trái phiếu đặc biệt theo quy định. Tổ chức tín dụng bán nợ trả lại trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản và nhận lại các khoản nợ xấu.

c) Sau khi nhận lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện hạch toán, phân loại khoản nợ xấu này vào nhóm nợ có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm nợ mà tổ chức tín dụng bán nợ đã phân loại tại thời điểm khoản nợ xấu được bán cho Công ty Quản lý tài sản.

3. Số tiền thu hồi nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ thời điểm Công ty Quản lý tài sản mua khoản nợ xấu đến thời điểm Công ty Quản lý tài sản trả lại khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng bán nợ được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Thông tư này.

Điều 20. Hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt

1. Hợp đồng mua, bán nợ được lập thành văn bản do Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng và các bên liên quan (nếu có) ký kết. Hợp đồng mua, bán nợ tối thiểu bao gồm các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ của bên mua nợ, bên bán nợ;

b) Tên, địa chỉ của khách hàng vay, bên bảo đảm và các bên có liên quan (nếu có) đến khoản nợ xấu được mua, bán;

c) Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu được mua;

d) Giá mua, bán nợ và phương thức thanh toán;

đ) Các hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu do tổ chức tín dụng định giá hoặc tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đề nghị mua nợ;

e) Hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ;

g) Thanh toán trái phiếu đặc biệt, xử lý tiền thu hồi nợ và mua lại khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản;

h) Công ty Quản lý tài sản thay mặt tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43 và khoản 3 Điều 44 Thông tư này và quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.

i) Quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó bao gồm quyền của Công ty Quản lý tài sản thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ; nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ chấp nhận việc Công ty Quản lý tài sản thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu và mua lại khoản nợ xấu khi thanh toán trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư này; nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản số tiền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư này và các khoản tiền khác theo quy định của pháp luật.

k) Phương thức, thời điểm hoàn thành và thủ tục chuyển giao nợ, tài sản bảo đảm và hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ.

2. Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, Công ty Quản lý tài sản làm việc thông qua tổ chức tín dụng đầu mối; hợp đồng mua, bán nợ phải được ký kết bởi Công ty Quản lý tài sản và tất cả các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn hoặc tổ chức tín dụng đầu mối được các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn ủy quyền bằng văn bản ký kết hợp đồng mua, bán nợ với Công ty Quản lý tài sản.

Điều 21. Bán nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước

1. Tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp tổ chức tín dụng không bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá, kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng gửi Công ty Quản lý tài sản hồ sơ đề nghị mua nợ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

3. Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện trình tự, thủ tục mua, bán nợ theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

Điều 22. Phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt

1. Công ty Quản lý tài sản chủ trì, phối hợp với tổ chức tín dụng bán nợ, tổ chức tín dụng được ủy quyền xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý, xử lý nợ xấu, thanh toán trái phiếu đặc biệt và mua lại khoản nợ xấu.

2. Tổ chức tín dụng được ủy quyền có trách nhiệm phối hợp xử lý và báo cáo bằng văn bản đến Công ty Quản lý tài sản các nội dung sau đây:

a) Các biện pháp thực hiện thu hồi khoản nợ xấu;

b) Các trường hợp khách hàng vay đề nghị chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần, đầu tư, cung cấp tài chính, thay đổi điều kiện trả nợ; cơ cấu lại khoản nợ xấu và đề nghị Công ty Quản lý tài sản thực hiện bảo lãnh;

c) Các nội dung khác theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản.

MỤC 4. CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN MUA NỢ XẤU THEO GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG

Điều 23. Điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường

1. Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này;

b) Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ;

c) Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại;

d) Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ hoặc có phương án trả nợ khả thi.

2. Khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản phải định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định giá trị khoản nợ xấu.

Điều 24. Phương án mua nợ theo giá trị thị trường

1. Phương án mua nợ theo giá trị thị trường là một tập hợp các phân tích, đánh giá, đề xuất về việc mua, bán và xử lý khoản nợ xấu theo nguyên tắc thị trường.

2. Phương án mua nợ theo giá trị thị trường bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây:

a) Phạm vi các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường (được phân loại theo nhóm khách hàng vay, ngành, lĩnh vực, loại tài sản bảo đảm);

b) Tổng số dư nợ xấu dự kiến mua, nguồn vốn và điều kiện tài chính của Công ty Quản lý tài sản để mua nợ theo giá trị thị trường;

c) Phân tích, đánh giá hiệu quả, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua nợ theo giá trị thị trường;

d) Biện pháp bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm.

Điều 25. Thủ tục đề nghị chấp thuận Phương án mua nợ theo giá trị thị trường

1. Công ty Quản lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án mua nợ theo giá trị thị trường gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận Phương án mua nợ theo giá trị thị trường do người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản ký;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản thông qua Phương án mua nợ theo giá trị thị trường kèm theo Phương án mua nợ theo giá trị thị trường theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Công ty Quản lý tài sản lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Phương án mua nợ theo giá trị thị trường của năm sau.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận Phương án mua nợ theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản. Trong trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản phải nêu rõ lý do.

4. Căn cứ điều kiện cụ thể của Công ty Quản lý tài sản, tình hình thị trường và yêu cầu xử lý nợ xấu trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được chấp thuận khi cần thiết.

Điều 26. Thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường

1. Căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau:

a) Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư này;

b) Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó;

c) Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu;

d) Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng bán nợ;

đ) Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

2. Việc mua, bán nợ theo giá trị thị trường giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mua, bán nợ áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Chương 3.

XỬ LÝ NỢ XẤU VÀ TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN

MỤC 1. CƠ CẤU LẠI NỢ VÀ HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG VAY

Điều 27. Nguyên tắc cơ cấu lại nợ đối với các khoản nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua theo đề nghị của khách hàng vay khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư này.

2. Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định cơ cấu lại khoản nợ xấu đối với các trường hợp quy định tại các khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 29 và khoản 2 Điều 30 Thông tư này.

3. Việc cơ cấu lại khoản nợ xấu phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP và Thông tư này; điều kiện cụ thể của khoản nợ, khách hàng vay, Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng bán nợ; tình hình thị trường tiền tệ; yêu cầu xử lý nợ xấu trong từng thời kỳ và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng mua, bán nợ.

Điều 28. Điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản mua

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, điều chỉnh lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ xấu đã mua về mức lãi suất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay, lãi suất trên thị trường trong từng thời kỳ và các thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng mua, bán nợ.

2. Hằng quý, Công ty Quản lý tài sản phải công bố công khai các mức lãi suất hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Công ty Quản lý tài sản xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều này khi khoản nợ xấu và khách hàng vay phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay hợp tác tốt với Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng được ủy quyền;

b) Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi;

c) Khách hàng vay thực sự khó khăn tạm thời về tài chính và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh;

d) Khoản nợ xấu không vi phạm quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng.

4. Trong trường hợp xem xét, điều chỉnh mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều này, Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản có văn bản đề nghị có ý kiến về việc điều chỉnh lãi suất khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả lời bằng văn bản cho Công ty Quản lý tài sản.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày điều chỉnh lãi suất của khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản thông báo cho khách hàng vay để biết và thực hiện, đồng thời thông báo cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt).

Điều 29. Miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét giảm một phần hoặc miễn toàn bộ lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu đã mua khi khoản nợ xấu và khách hàng vay đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư này;

b) Khách hàng vay trả nợ ngay hoặc cam kết trả nợ trong vòng 60 ngày tối thiểu 5% số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả tại thời điểm xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán.

2. Trong trường hợp xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán phát sinh sau thời điểm ký kết hợp đồng mua, bán các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản có văn bản đề nghị có ý kiến, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả lời bằng văn bản về những vấn đề Công ty Quản lý tài sản đề nghị có ý kiến.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày miễn, giảm lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán, Công ty Quản lý tài sản thông báo cho khách hàng vay biết và thực hiện, đồng thời thông báo cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt).

Điều 30. Biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu đã mua khi khách hàng vay đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi;

b) Đối với trường hợp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vay, khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vay trong phạm vi thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và Công ty Quản lý tài sản đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo sau khi được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ;

c) Đối với trường hợp gia hạn nợ, khách hàng vay không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vay đúng thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và được Công ty Quản lý tài sản đánh giá là có khả năng trả hết nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn trả nợ đã thỏa thuận;

d) Đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, thời gian gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu không được vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó.

2. Trong trường hợp xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi quyết định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản có văn bản đề nghị, tổ chức tín dụng bán nợ phải trả lời bằng văn bản về những vấn đề Công ty Quản lý tài sản đề nghị có ý kiến.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Công ty Quản lý tài sản thông báo cho khách hàng vay để biết và thực hiện, đồng thời thông báo cho tổ chức tín dụng bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt).

Điều 31. Biện pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay sau đây:

a) Bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng;

b) Đầu tư, cung cấp tài chính dưới các hình thức cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp;

c) Các hình thức đầu tư, cung cấp tài chính khác sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Công ty Quản lý tài sản sử dụng tài sản (không bao gồm các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt) và nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này.

2. Công ty Quản lý tài sản xem xét đầu tư, cung cấp tài chính khi khách hàng vay đáp ứng được các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt hoặc có phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả;

b) Có các biện pháp bảo đảm thu hồi vốn phù hợp cho các khoản đầu tư, cung cấp tài chính;

c) Phương án đầu tư, cung cấp tài chính bảo đảm sự an toàn và có tính khả thi, trong đó phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, hiệu quả kinh tế của khoản đầu tư, cung cấp tài chính, bảo lãnh; nguồn vốn để triển khai; khả năng thu hồi vốn; biện pháp thu hồi vốn; biện pháp bảo đảm an toàn vốn và xử lý rủi ro phát sinh;

d) Điều kiện khác theo quy định của Công ty Quản lý tài sản.

3. Khách hàng vay được Công ty Quản lý tài sản xem xét, bảo lãnh vay vốn của tổ chức tín dụng khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

a) Khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt hoặc có phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư mới có hiệu quả;

b) Khách hàng vay có tài sản bảo đảm hợp pháp cho việc bảo lãnh vay vốn;

c) Phương án bảo lãnh cho khách hàng vay vay vốn của tổ chức tín dụng bảo đảm sự an toàn và có tính khả thi, trong đó phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, hiệu quả kinh tế của khoản đầu tư, cung cấp tài chính, bảo lãnh; nguồn vốn để triển khai; khả năng thu hồi vốn; biện pháp thu hồi vốn; biện pháp bảo đảm an toàn vốn và xử lý rủi ro phát sinh;

d) Điều kiện khác theo quy định của Công ty Quản lý tài sản.

4. Căn cứ các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3 Điều này và nguồn vốn, năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản, Công ty Quản lý tài sản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện đầu tư, cung cấp tài chính, bảo lãnh cho khách hàng vay.

Điều 32. Thủ tục đề nghị chấp thuận Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay

1. Công ty Quản lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án đầu tư, cung cấp tài chính, Phương án bảo lãnh cho khách hàng vay vay vốn của tổ chức tín dụng (sau đây gọi chung là Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay) gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay và góp vốn, mua cổ phần của khách hàng vay do người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản ký;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản thông qua Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay kèm theo Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay theo quy định tại điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 31 Thông tư này.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận. Trong trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản phải nêu rõ lý do.

Điều 33. Một số giới hạn an toàn, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của Công ty Quản lý tài sản

1. Tổng mức đầu tư, cung cấp tài chính và bảo lãnh của Công ty Quản lý tài sản đối với một khách hàng không vượt quá 50% vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản.

2. Tổng giá trị góp vốn điều lệ, vốn cổ phần tại điểm b khoản 1 Điều 36 Thông tư này không vượt quá vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản.

3. Khách hàng vay đang trong quá trình giải thể, phá sản, thu hồi giấy phép hoạt động không được Công ty Quản lý tài sản xem xét, điều chỉnh lãi suất cho vay, miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay quá hạn thanh toán, cơ cấu lại thời hạn trả, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay.

MỤC 2. XỬ LÝ NỢ XẤU VÀ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 34. Công ty Quản lý tài sản bán nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện bán khoản nợ xấu đã mua từ tổ chức tín dụng cho các tổ chức, cá nhân theo giá trị thị trường để thu hồi vốn.

2. Công ty Quản lý tài sản bán nợ xấu theo các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm sự công khai, minh bạch;

b) Bảo đảm sự thỏa thuận và tự nguyện;

c) Bán khoản nợ xấu theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh với sự tham gia của ít nhất 03 người mua không phải là người mua có liên quan với nhau theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể bán khoản nợ xấu theo hình thức đấu giá, chào giá cạnh tranh thì Công ty Quản lý tài sản bán khoản nợ xấu trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ;

d) Giá bán nợ là mức giá hợp lý nhất trên cơ sở so sánh với các mức giá chào mua của khoản nợ xấu đó hoặc tham khảo mức giá của khoản nợ xấu có chất lượng tương đương hoặc giá trị khoản nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản hay tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định để giảm tổn thất trong xử lý nợ xấu.

3. Việc bán nợ phải được lập thành hợp đồng.

4. Công ty Quản lý tài sản có thể ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu theo các yêu cầu và điều kiện do Công ty Quản lý tài sản xác định.

Điều 35. Bán nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt

1. Công ty Quản lý tài sản thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về điều kiện bán khoản nợ xấu trong đó bao gồm giá khởi điểm (trong trường hợp bán nợ theo phương thức đấu giá) và giá bán (trong trường hợp bán nợ theo thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ).

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng bán nợ, Công ty Quản lý tài sản phải gửi 01 bản hợp đồng bán nợ cho tổ chức tín dụng bán nợ và thông báo cho tổ chức tín dụng bán nợ về số tiền tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng.

3. Trong trường hợp trái phiếu đặc biệt chưa đến hạn thanh toán, Công ty Quản lý tài sản được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt cho tổ chức tín dụng đã bán khoản nợ xấu đó cho Công ty Quản lý tài sản theo nguyên tắc thỏa thuận về điều kiện và giá mua, bán nợ.

Điều 36. Góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp

1. Công ty Quản lý tài sản được sử dụng các khoản nợ xấu đã mua và tài sản, nguồn vốn hợp pháp để thực hiện:

a) Chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Sử dụng tài sản (không bao gồm khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt), nguồn vốn hợp pháp để góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp theo quy định của pháp luật sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

2. Công ty Quản lý tài sản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại khách hàng vay.

3. Công ty Quản lý tài sản phải xây dựng Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, trong đó phân tích, đánh giá hiệu quả góp vốn điều lệ, vốn cổ phần, tình hình tài chính và hoạt động của khách hàng vay, nguồn vốn để góp vốn, khả năng thu hồi vốn góp và đề xuất các biện pháp thu hồi vốn góp và tham gia cơ cấu lại khách hàng vay.

4. Công ty Quản lý tài sản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

a) Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay có tính khả thi; trường hợp góp vốn điều lệ, vốn cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;

b) Công ty Quản lý tài sản có quyền tham gia vào quá trình tái cơ cấu khách hàng vay;

c) Việc góp vốn điều lệ, vốn cổ phần không vi phạm giới hạn góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Thông tư này;

d) Khách hàng vay có triển vọng phục hồi về tài chính và hoạt động sau khi được Công ty Quản lý tài sản tham gia góp vốn điều lệ, vốn cổ phần;

đ) Khách hàng vay không nằm trong quá trình phá sản, giải thể hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

5. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện:

a) Trước khi thực hiện, Công ty Quản lý tài sản thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về việc chuyển khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chuyển toàn bộ khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, Công ty Quản lý tài sản bán lại khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần cho tổ chức tín dụng bán nợ theo giá trị khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần và thanh toán trái phiếu đặc biệt;

6. Số tiền thu hồi nợ phát sinh trong khoảng thời gian tính từ khi Công ty Quản lý tài sản mua khoản nợ xấu đến khi chuyển khoản nợ xấu đó thành vốn điều lệ, vốn cổ phần được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Thông tư này.

Điều 37. Thủ tục đề nghị chấp thuận Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp

1. Công ty Quản lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay quy định tại điểm a khoản 4 Điều 36 gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay do người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản ký;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản thông qua Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay kèm theo Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Thông tư này.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay. Trong trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi Công ty Quản lý tài sản phải nêu rõ lý do.

Điều 38. Xử lý và bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua

1. Công ty Quản lý tài sản phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã mua.

2. Công ty Quản lý tài sản xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

3. Đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về:

a) Giá bán tài sản bảo đảm trong trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận với người mua hoặc giá khởi điểm của tài sản bảo đảm trong trường hợp bán theo phương thức đấu giá;

b) Giá trị tài sản bảo đảm trong trường hợp Công ty Quản lý tài sản nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

4. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản phải tự định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị thị trường của tài sản bảo đảm làm cơ sở bù trừ nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.

MỤC 3. CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN ỦY QUYỀN VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN

Điều 39. Nội dung, phương thức ủy quyền

1. Công ty Quản lý tài sản xem xét, ủy quyền tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một hoặc một số hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2. Việc ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành hợp đồng ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền bao gồm những nội dung tối thiểu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của bên ủy quyền, bên được ủy quyền;

b) Phạm vi và nội dung ủy quyền;

c) Thời hạn ủy quyền;

d) Quyền, nghĩa vụ của các bên.

3. Công ty Quản lý tài sản lựa chọn phương thức ủy quyền một phần hoặc toàn bộ hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này cho tổ chức tín dụng bán nợ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định khác có liên quan của pháp luật.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền, tổ chức tín dụng được ủy quyền thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm và các bên liên quan về nội dung, hoạt động được Công ty Quản lý tài sản ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ để biết và thực hiện.

Điều 40. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động được ủy quyền

1. Công ty Quản lý tài sản xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin và nội dung, yêu cầu báo cáo, trao đổi thông tin với các tổ chức tín dụng được ủy quyền để giám sát tổ chức tín dụng được ủy quyền thực hiện các hoạt động được ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Thông tư này.

2. Công ty Quản lý tài sản thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng được ủy quyền trong việc thực hiện các hoạt động được Công ty Quản lý tài sản ủy quyền tại hợp đồng ủy quyền.

Điều 41. Quyền và trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng được ủy quyền

1. Quyền và trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản:

a) Yêu cầu tổ chức tín dụng được ủy quyền báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động được ủy quyền;

b) Yêu cầu tổ chức tín dụng được ủy quyền thực hiện các hoạt động được ủy quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền và quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu tổ chức tín dụng được ủy quyền khắc phục, sửa chữa, bồi thường tổn thất do vi phạm hợp đồng ủy quyền, quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động ủy quyền; chấm dứt hợp đồng ủy quyền, khởi kiện ra tòa án đối với tổ chức tín dụng được ủy quyền vi phạm hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng được ủy quyền;

đ) Đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản phải thỏa thuận với tổ chức tín dụng được ủy quyền về chi phí thực hiện ủy quyền và nội dung liên quan đến chi phí thực hiện ủy quyền tại hợp đồng ủy quyền;

e) Các quyền và trách nhiệm khác theo hợp đồng ủy quyền và quy định của pháp luật.

2. Quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng được ủy quyền:

a) Báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu trung thực, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu, báo cáo cung cấp cho Công ty Quản lý tài sản;

b) Hợp tác và chịu sự kiểm tra, giám sát của Công ty Quản lý tài sản trong quá trình thực hiện hoạt động được ủy quyền;

c) Thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản nhằm bảo đảm an toàn tài sản, khắc phục những sai phạm và bồi thường tổn thất cho Công ty Quản lý tài sản do vi phạm hợp đồng ủy quyền, quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động ủy quyền;

d) Thông báo ngay cho Công ty Quản lý tài sản về số tiền thu hồi nợ phát sinh;

đ) Đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, tổ chức tín dụng được ủy quyền được Công ty Quản lý tài sản thanh toán chi phí thực hiện các hoạt động ủy quyền theo quy định tại hợp đồng ủy quyền;

e) Các quyền và trách nhiệm theo quy định tại hợp đồng ủy quyền, khoản 4 Điều 31 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Chương 4.

XỬ LÝ SỐ TIỀN THU HỒI NỢ, THANH TOÁN TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT VÀ MUA LẠI KHOẢN NỢ XẤU

Điều 42. Thứ tự ưu tiên thanh toán khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt

Toàn bộ các khoản thu được bằng tiền, tài sản từ việc thu hồi, xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến bán nợ, tài sản bảo đảm; bảo quản, sửa chữa, nâng cấp tài sản bảo đảm được Công ty Quản lý tài sản thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Dư nợ gốc;

2. Lãi trong hạn thanh toán;

3. Lãi đã quá hạn thanh toán;

4. Lãi phạt (nếu có);

5. Trả lại khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ số tiền thừa (nếu có).

Điều 43. Xử lý số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt

1. Số tiền thu hồi nợ bằng tiền của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được xử lý như sau:

a) Nếu tổ chức tín dụng bán nợ không vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản gửi tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu đặc biệt trừ trường hợp quy định tại Điều 19 Thông tư này;

b) Nếu tổ chức tín dụng bán nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu quý tiếp theo Công ty Quản lý tài sản sử dụng số tiền thu hồi nợ bằng tiền mà tổ chức tín dụng được hưởng trong quý trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó và khấu trừ số tiền này vào tổng số tiền thu nợ mà tổ chức tín dụng được hưởng khi thanh toán trái phiếu đặc biệt đó.

2. Số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt được xử lý như sau:

a) Công ty Quản lý tài sản được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sau khi thống nhất với Bộ Tài chính;

b) Tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng số tiền thu hồi nợ còn lại sau khi trừ đi số tiền mà Công ty Quản lý tài sản được hưởng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 44. Thanh toán trái phiếu đặc biệt

1. Trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán trong các trường hợp sau đây:

a) Số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu có liên quan đang theo dõi trên sổ sách của Công ty Quản lý tài sản, trong đó bao gồm cả các trường hợp sau đây:

(i) Công ty Quản lý tài sản bán khoản nợ xấu cho tổ chức, cá nhân, kể cả trường hợp bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt cho tổ chức tín dụng bán nợ theo giá trị thị trường hoặc giá thỏa thuận;

(ii) Công ty Quản lý tài sản chuyển toàn bộ khoản nợ xấu đã mua thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp.

b) Trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng bán nợ phải hoàn trả đầy đủ số tiền vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt tương ứng (nếu có), được Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) ngừng phong tỏa trái phiếu đặc biệt theo quy định và phối hợp với Công ty Quản lý tài sản thực hiện thanh toán trái phiếu đặc biệt như sau:

a) Trường hợp chưa thu hồi được đầy đủ giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng bán nợ mua lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc đang theo dõi trên sổ sách của Công ty Quản lý tài sản, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay đối với trường hợp chuyển một phần khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có); trả lại trái phiếu đặc biệt liên quan đến khoản nợ xấu đó cho Công ty Quản lý tài sản và được Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền được hưởng trên số tiền thu hồi nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Thông tư này (nếu có);

b) Trường hợp đã thu hồi được đầy đủ giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu (bao gồm cả trường hợp toàn bộ khoản nợ xấu đã được bán cho tổ chức, cá nhân) thì tổ chức tín dụng bán nợ mua lại khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay đối với trường hợp chuyển một phần khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có); trả lại trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản và được Công ty Quản lý tài sản thanh toán số tiền thu hồi nợ được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Thông tư này;

c) Trường hợp toàn bộ khoản nợ xấu được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp thì tổ chức tín dụng bán nợ trả lại trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản và mua lại khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay, đồng thời thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản số tiền thu hồi nợ được hưởng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tổ chức tín dụng bán nợ không hoàn trả đầy đủ số tiền vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó cho Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản không thanh toán số tiền thu hồi nợ (nếu có), khoản nợ xấu (nếu còn) cho tổ chức tín dụng bán nợ; Công ty Quản lý tài sản sử dụng số tiền thu hồi nợ bằng tiền từ khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt đó mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Thông tư này để trả nợ vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng bán nợ tại Ngân hàng Nhà nước và nhận lại trái phiếu đặc biệt khi dư nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó đã được trả đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Điều 45. Mua lại khoản nợ xấu khi thanh toán trái phiếu đặc biệt

1. Khi mua lại khoản nợ xấu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Thông tư này, tổ chức tín dụng bán nợ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho Công ty Quản lý tài sản các khoản tiền mà Công ty Quản lý tài sản được hưởng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư này và Công ty Quản lý tài sản phải cung cấp cho tổ chức tín dụng bán nợ thông tin, tài liệu về số dư nợ gốc, lãi vay, lãi phạt, phí đã đến hạn trả nhưng khách hàng vay chưa thanh toán và các thông tin, tài liệu khác liên quan đến khoản nợ, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ.

2. Tổ chức tín dụng bán nợ mua lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản không cần sự đồng ý của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, bán nợ, tổ chức tín dụng bán nợ mua lại khoản nợ xấu phải thông báo cho khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ về việc mua lại nợ từ Công ty Quản lý tài sản để khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ biết và thực hiện nghĩa vụ với tổ chức tín dụng.

Chương 5.

TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG DỰ PHÒNG RỦI RO

Điều 46. Trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro liên quan đến khoản nợ xấu

1. Trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động.

2. Hằng năm, trong thời hạn 05 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn, tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu đối với từng trái phiếu đặc biệt được tính theo công thức sau:

Số tiền trích lập dự phòng rủi ro hằng năm =

Mệnh giá của trái phiếu đặc biệt

Thời hạn của trái phiếu đặc biệt

Trong đó: Đơn vị thời hạn trái phiếu đặc biệt là năm.

3. Tổ chức tín dụng bán nợ không phải thực hiện trích lập dự phòng chung đối với trái phiếu đặc biệt.

4. Số tiền dự phòng rủi ro tổ chức tín dụng bán nợ đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt được sử dụng như sau:

a) Bù đắp phần chênh lệch thiếu của số tiền thu hồi nợ so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt trong trường hợp toàn bộ khoản nợ xấu được bán cho tổ chức, cá nhân (không bao gồm trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Thông tư này), toàn bộ khoản nợ xấu được sử dụng góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay;

b) Xử lý rủi ro đối với khoản nợ xấu mua lại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Thông tư này trong trường hợp giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu chưa được thu hồi đầy đủ.

5. Tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện hoàn nhập số tiền dự phòng rủi ro trích lập cho trái phiếu đặc biệt còn lại sau khi đã xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều này, hoặc trích lập bổ sung dự phòng rủi ro trong trường hợp số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không đủ để xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Sau khi được xử lý bằng dự phòng rủi ro, khoản nợ xấu được tổ chức tín dụng bán nợ hạch toán ngoại bảng, tiếp tục theo dõi và có biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và thỏa thuận với khách hàng vay.

7. Việc xuất toán nợ đã xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 6 Điều này ra khỏi ngoại bảng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 47. Phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường

1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện việc phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý đối với số tiền đã thanh toán mua khoản nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Công ty Quản lý tài sản phân loại số tiền đã thanh toán để mua khoản nợ xấu vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm nợ mà khoản nợ xấu đó đã được phân loại tại tổ chức tín dụng bán nợ ở thời điểm mua khoản nợ xấu.

Chương 6.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Điều 48. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt, Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay và Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay theo trình tự sau:

(i) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Công ty Quản lý tài sản đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt, Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay và Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản lấy ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.

(ii) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị được lấy ý kiến tham gia phải tham gia ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận hoặc không chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt, Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Phương án hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các nội dung quy định tại các khoản 4, 6 Điều 13; điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 16; các khoản 3, 4 Điều 25; khoản 2 Điều 32; khoản 2 Điều 37 Thông tư này;

d) Giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về mua, bán và xử lý nợ xấu;

đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Công ty Quản lý tài sản tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng báo cáo hoạt động của Công ty Quản lý tài sản;

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Sở Giao dịch:

a) Hướng dẫn và tổ chức phát hành trái phiếu đặc biệt theo ủy quyền của Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại Thông tư này;

b) Hướng dẫn và tổ chức triển khai việc lưu ký trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản;

c) Thực hiện phong tỏa trái phiếu đặc biệt có liên quan đến khoản cho vay tái cấp vốn khi tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn; ngừng phong tỏa trái phiếu đặc biệt trong trường hợp khoản vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng được hoàn trả đầy đủ.

3. Vụ Tài chính - Kế toán chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các đơn vị liên quan xây dựng và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hạch toán kế toán nghiệp vụ mua, bán, xử lý nợ xấu và các nghiệp vụ liên quan đến mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức tín dụng.

4. Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ chủ trì phối hợp với Cục Công nghệ tin học ngân hàng và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về chế độ báo cáo thống kê và việc công khai, minh bạch các hoạt động của Công ty Quản lý tài sản; thực hiện thu thập, tổng hợp, thống kê số liệu về mua, bán và xử lý nợ xấu.

5. Cục Công nghệ tin học ngân hàng hỗ trợ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức tín dụng phối hợp, trao đổi, cung cấp, khai thác thông tin, thống kê số liệu về mua, bán và xử lý nợ xấu.

6. Trung tâm thông tin tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến các khoản nợ xấu, khách hàng vay theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản để phục vụ cho mục đích xử lý nợ xấu.

7. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức và cá nhân trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của pháp luật về mua, bán và xử lý nợ xấu.

8. Các đơn vị có liên quan:

a) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này;

b) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm định, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các nội dung quy định tại các khoản 4, 6 Điều 13; điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 16; các khoản 3, 4 Điều 25; khoản 2 Điều 32; khoản 2 Điều 37 Thông tư này;

c) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng báo cáo hoạt động của Công ty Quản lý tài sản;

d) Có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Công ty Quản lý tài sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 49. Trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản

1. Thực hiện việc mua, bán và xử lý nợ xấu một cách kịp thời và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức tín dụng lập, gửi danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện bán cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.

2. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu đã mua; phát hành, sử dụng và thanh toán trái phiếu đặc biệt và các hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Sử dụng số tiền thu hồi nợ bằng tiền từ khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của tổ chức tín dụng bán nợ tại Ngân hàng Nhà nước.

4. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các nội dung quy định tại các khoản 4, 6 Điều 13; điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 16; các khoản 3, 4 Điều 25; khoản 2 Điều 32; khoản 2 Điều 37 Thông tư này.

5. Chủ trì, phối hợp với tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt để hoàn trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.

6. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 50. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng

1. Thực hiện đánh giá, xác định các khoản nợ xấu đủ điều kiện để chủ động bán cho Công ty Quản lý tài sản và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.

2. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP .

4. Tổ chức tín dụng bán nợ và nhận trái phiếu đặc biệt có trách nhiệm:

a) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP;

b) Sử dụng dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ xấu để xử lý phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ số dư nợ gốc và giá bán khoản nợ xấu đó khi bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản;

c) Thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản số tiền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư này và các khoản tiền khác theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP .

5. Phối hợp chặt chẽ với Công ty Quản lý tài sản trong việc mua, bán và xử lý nợ xấu; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản.

6. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 51. Trách nhiệm của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ

1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Trách nhiệm của bên bảo đảm

1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 33 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương 7.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 53. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2013.

Điều 54. Tổ chức thực hiện

Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc của Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 54;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu VP, Vụ PC, TTGSNH5.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đặng Thanh Bình

STATE BANK OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 19/2013/TT-NHNN

Hanoi, September 06, 2013

 

CIRCULAR

ON THE PURCHASE, SALE AND SETTLEMENT OF BAD DEBTS OF VIETNAM ASSET MANAGEMENT COMPANY

Pursuant to the Law on the State bank of Vietnam No. 46/2010/QH12 dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on credit institutions No. 47/2010/QH12 dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Enterprises No. 60/2005/QH11 dated November 29, 2005;

Pursuant to the Government's Decree No. 96/2008/ND-CP on August 26, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the State bank of Vietnam;

Pursuant to the Government's Decree No. 53/2013/ND-CP on the establishment, organization and operation of Vietnam Asset Management Company;

At the request of the Chief Banking Inspector,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Circular deals with the purchase, sale, and settlement of bad debts of Vietnam Asset Management Company (VAMC), the issuance, management and redemption of special bonds.

Article 2. Subjects of application

1. VAMC.

2. Vietnamese credit institutions (hereinafter referred to as credit institutions).

3. Borrowers.

4. Guarantors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Interpretation of terms

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Debt-selling credit institutions mean the credit institutions that sell bad debts to VAMC.

2. Debt restructuring means the adjustment of repayment term, debt rescheduling, writing of or reduction of fines for overdue payments, adjustment of interest rates of bad debts.

3. Adjustment of repayment term means the agreement to change the repayment term of principal and interest by the repayment deadline stated in the credit contract, entrustment contract, or corporate bond purchase contract so that the repayment deadline remains unchanged.

4. Debt rescheduling means the agreement extend the deadline for paying principal and interest stated in the credit contract, entrustment contract, or corporate bond purchase contract.

5. Authorized credit institutions are the debt-selling credit institutions authorized by VAMC to perform one or some tasks of VAMC.

6. The book value of outstanding principal of bad debts at the credit institution means the outstanding principal of the bad debt on the balance sheet of the credit institution; the book value of outstanding principal of the bad debt at VAMC is the purchase price or the outstanding principal of the bad debt on the balance sheet of VAMC.

7. Debt means the outstanding debt of the credit extension contract or agreement, entrustment contract, or corporate bond purchase contract of the credit institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Date of issue of special bonds is the day on which the bonds come into operation and is the basis for determine the day to redeem bonds.

Article 4. Promulgation and announcement of policies and regulations on purchasing, selling and settling bad debts

1. VAMC shall promulgate and implement the policies and regulations on:

a) The permissible operations according to Clause 1 Article 12 of Pursuant to the Government's Decree No. 53/2013/ND-CP on the establishment, organization and operation of Vietnam Asset Management Company (hereinafter referred to as the Decree No. 53/2013/ND-CP);

b) Issuance, management and redemption of special bonds;

c) Transparency of purchase, sale, and settlement of bad debts;

d) Restructuring of bad debts and financial supports for borrowers.

2. Within 05 working days from the date of promulgation, amendment, revocation, supersession of the policies, regulations in Clause 1 of this Article, VAMC shall announce them on its website and send reports to the State bank (Bank Supervision and Inspection Agency) directly or by post for inspection and supervision.

Chapter 2.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS

Article 5. The power to purchase, sell bad debts

The power to decide the purchase, sale of bad debts, the power to conclude and execute debt purchase contracts of VAMC and credit institutions shall comply with law, the charters of VAMC and credit institutions.

Article 6. Currency

1. The currency used for the purchase and sale of bad debts between VAMC and credit institutions is VND.

2. When VAMC uses special bonds to buy bad debts in foreign currencies of credit institutions:

a) If the bad debt is in USD, the exchange rate is the average exchange rate on the inter-bank foreign exchange market announced by the State bank when the debt purchase contract is concluded;

b) If the bad debt is other currencies than USD, the exchange rates are the exchange rates used for calculating export and import tax applied to such currencies that are announced by the State bank when the debt purchase contract is concluded;

3. When VAMC uses special bonds to buy bad debts in gold of credit institutions, the gold purchase price announced by SJC when the debt purchase contract is concluded shall apply.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. When bad debt is sold, all rights and interests associated with the bad debt, collateral, and other security measures shall be preserved and transferred to the debt buyer under the debt purchase contract.

2. When VAMC and the credit institution reach agreement on adjusting the security conditions of the bad debt, a written approval of the borrower and guarantor shall be obtained.

Article 8. Principles buying and selling bad debts

1. Transparency.

2. Compliance to law and the debt purchase contract.

3. Limitation of risks and expenses during bad debt purchase.

4. The purchase shall be made with regard to each bad debt or borrower (if a borrower has multiple bad debts at a credit institution), or group of borrower (if an asset is put up as collateral for multiple bad debts of multiple borrowers at a credit institution) or in other legitimate methods agreed by both parties.

Article 9. Extending credit to borrowers that sell bad debts to VAMC

The borrowers that sell bad debts to VAMC and have effective plans for production, business, or project of investments shall be granted credit by credit institutions or branches of foreign banks under agreement and within the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Issuer, purposes and principles of special bond issuance

1. Special bond issuer is VAMC. VAMC shall authorize transaction offices of the State bank to organize the issuance of special bonds in accordance with this Circular.

2. VAMC shall issue special bonds to buy bad debts of credit institutions.

3. Bonds shall be issued separately based on the actual demand and the plan for issuing special bonds approved by the State bank.

4. A special bond issued corresponds to a bad debt sold. If the bad debt sold is a syndicated loan, VAMC shall issue special bonds to every credit institution that provides the syndicated loan.

Article 11. Terms and conditions of special bonds

1. Face value of special bonds

a) The face value of special bonds equals the purchase price of the bad debt according to Clause 1 Article 14 of the Decree No. 53/2013/ND-CP and Clause 4 Article 10 of this Circular.

b) If the bad debt sold is a syndicated loan , the face value of special bonds issued to each credit institution that provides the syndicated loan shall correspond to the book value of outstanding principal of the bad debt after deducting the unused reserve for such bad debt, which is monitored by the credit institutions provide the syndicated loan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Forms of special bonds

a) Special bonds shall be issued in the form of book entries or identified electronic data;

b) Special bonds shall be issued in the form of certificates of registration.

4. VAMC shall decide the forms of special bonds.

5. Special bonds must be deposited at the State bank according to regulations of the State bank on depositing valuable papers, and used for refinancing

6. The credit institutions holding special bonds shall be exempt from depository fees when depositing special bonds at the State bank.

Article 12. Special bond issuance plan

1. The Special bond issuance plan is a compilation of analyses, assessments, and suggestions pertaining to the issuance of special bonds of VAMC.

2. The Special bond issuance plan shall specify:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Estimated demand and roadmap for issuing special bonds;

c) Suggested structuring of special bond period;

d) Assessment of VAMC’s capacity for buying, managing and settling bad debts;

dd) Other information requested by the State bank.

Article 13. Procedure for requesting approval for the Special bond issuance plan

1. VAMC shall make an application for the approval for the Special bond issuance plan and send it to the State bank (Bank Supervision and Inspection Agency) directly or by post. The application consists of:

a) A written request for the approval for the Special bond issuance plan signed by the legal representative of VAMC;

b) The resolution of the Member assembly of VAMC on passing the Special bond issuance plan enclosed with the Special bond issuance plan specified in Article 12 of this Circular.

2. Before December 15, VAMC shall make the application specified in Clause 1 of this Article to request the State bank to approve the Special bond issuance plan of the next year, except for the case in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Within 15 working days from the day on which the valid application for approval of Special bond issuance plan according to Clause 1 of this Article, the State bank shall send VAMC a written response as to approving or not approving the Special bond issuance plan. If the plan is not approved, explanation must be provided in the written response sent to VAMC.

5. Based on the Special bond issuance plan approved by the State bank, the capacity of VAMC, and the demand for settling bad debts of credit institutions, VAMC shall decide the issuance of special bonds to buy bad debts of credit institutions.

6. Based on the monetary policy targets, the requirements for restructuring credit institutions, and the target of settling bad debts in each period, the State bank shall consider amending, superseding, or annulling the approved Special bond issuance plan where necessary.

Article 14. Elements of a special bond

1. A special bond shall contain at least:

a) The name, address, number of the Decision on establishment, and business registration number of VAMC;

b) The face value;

c) Term;

d) Issuance date;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Information about the credit institution that holds special bonds: Name of the credit institution, number of the license for establishment or Certificate of Business registration, address.

g) If the special bonds are issued in the form of certificates, they must bear the symbol, serial numbers, signature of the legal representative of VAMC, other signatures required by VAMC, and the seal of VAMC.

2. Apart from the information in Clause 1 of this Article, VAMC may add more information on the special bond as long as it is not against the law.

Article 15. Responsibilities for the management and use of special bonds

1. VAMC shall:

a) Establish a system to manage and monitor the special bonds issued;

b) Exercise the rights and perform the duties pertaining to special bonds;

c) Receive and redeem special bonds as prescribed by law;

d) Report the issuance and redemption of special bonds to the State bank.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Exercise the rights and perform the duties pertaining to special bonds;

b) Submit and redeem special bonds at VAMC as prescribed by law;

c) Apply the 20% risk factor of special bonds when calculating capital adequacy ratio of the credit institution;

d) Only use special bonds to take refinancing loans at the State bank or buy the bad debts sold to VAMC as prescribed in this Circular.

SECTION 3. VAMC BUYING BAD DEBTS WITH SPECIAL BONDS

Article 16. Conditions for bad debts to be bought by VAMC with special bonds

1. Bad debts shall be bought by VAMC when the conditions below are satisfied:

a) Bad debts being bought:

(i) The bad debts owed during credit extension, including bad debts from loans, discounts, finance lease, factoring, and other bad debts defined by the State bank;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(iii) The entrusted purchase of unlisted corporate bonds, entrusted credit extension underwritten by the debt-selling credit institution, part or the whole principle and interest of which is overdue for 90 days or more, or the repayment is not overdue or has been overdue for fewer than 90 days but the entrusted party or the beneficiary owes bad debts to such credit institutions.

b) The bad debts are secured;

c) The bad debts and their collateral are legitimate and have valid documents, in particular:

(i) The credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, guarantee contract must specify the creditor’s rights of the credit institution, the liability to repay debts of the borrower, the guarantor, and the debt payer;

(ii) The bad debts are not used for underwriting liabilities of the credit institution; the collateral for the bad debts is not in dispute when they are sold.

d) The borrower still exists;

dd) The book value of outstanding principal of the bad debts of a borrower or a group of borrowers stipulated in Clause 4 Article 8 of this Circular when the debt is sold is not below 3 billion VND (if the debt is owed by a group of borrower or a organization), or not below 1 billion VND (if the debt is owned by a natural person) or another limit decided by the Governor of the State bank.

2. Based on the conditions in Clause 1 of this Article, the Special bond issuance plan approved by the State bank, the capacity of VAMC, and the market developments, VAMC shall decide the bad debts to be bought in each period.

3. The State bank shall consider and request the Prime Minister to allow VAMC to buy bad debts of the credit institutions that fail to satisfy all conditions in Clause 1 of this Article at the request of VAMC in order to ensure the safe operation of credit institutions and quickly settle bad debts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The credit institution shall review the bad debts that meet the conditions in Clause 1 Article 16 of this Circular, then make and send an application for debt purchase to VAMC. The application consists of:

a) The written request for debt purchase using the form provided by VAMC;

b) The list of bad debts and information about bad debts requested by VAMC; assessment of each borrower and bad debt the credit institution wishes to sell to VAMC (overdue period, financial condition and operations of borrowers, guarantors, collateral, recovery probability); suggested term of the special bonds corresponding to each bad debts;

c) A written guarantee that the bad debts are not used to secure liabilities of the debt-selling credit institutions, and the collateral for bad debs are not in dispute when they are sold;

d) Copies of credit contracts, entrustment contract, corporate bond purchase contracts, collateral contracts certified by the legal representative of the debt-selling credit institution;

dd) Copies of the papers related to the bad debts, collateral, borrowers, guarantors, and debt payers certified by the legal representative of the debt-selling credit institution at the request of VAMC.

2. The papers stipulated in Point a, Point b, and Point c Clause 1 of this Article must be signed by the legal representative of the debt-selling credit institution. The papers stipulated in Point d and Point dd Clause 1 of this Article must be concluded by legal representatives the parties, notarized, authenticated, and registered as prescribed by law (if any).

3. If VAMC does not authorizes the debt-selling credit institution to perform undertake some operations as prescribed in Clause 2 Article 12 of the Decree No. 53/2013/ND-CP, the debt-selling credit institution shall submit the original documents stipulated in Point d and pt dd Clause 1 of this Article to VAMC.

4. The debt-selling credit institution is responsible for the adequacy, accuracy and truthfulness of the documents and papers related to collateral, borrowers, guarantors, debt payers, and the bad debts sold to VAMC.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Within 05 working days from the day on which the application made by the credit institution is received, VAMC shall examine it and request the debt-selling credit institution to supplement the application where necessary.

2. Within 10 working days from the day on which the sufficient and valid application is received according to Article 17 of this Circular, VAMC shall examine the sufficiency and validity of the application, and send a written response the credit institution. If the debts are not debt, the response must provide explanation.

3. Within 05 working days from the day on which the written agreement to buy bad debts of VAMC, the credit institution and VAMC shall conclude the debt purchase contract.

4. Within 10 working days from the day on which the debt purchase contract is signed, the debt-selling credit institution shall notify its borrowers, debt payers, and guarantors of the contract so they could fulfill their liabilities to VAMC.

5. After the debt purchase contract is concluded, VAMC shall keep checking, collecting information, assessing borrowers, bad debts, the accuracy and truthfulness of the documents and papers related to the bad debts and collateral.

Article 19. The right to unilaterally terminate the debt purchase contract of VAMC

1. VAMC is entitled to unilaterally terminate the debt purchase contract in the cases below:

a) There is evidence that the bad debts being bought do not meet the business in Clause 1 Article 16 of this Circular, except for the cases in Clause 3 Article 16 of this Circular;

b) The debt-selling credit institution violates Clause 2 Article 21, Point a, Point b Clause 3 and Clause 4 Article 31 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) VAMC shall send a written notification to the debt-selling credit institution, specifying the reasons for unilateral termination;

b) Within 05 working days from the day on which the written notification is received, the debt-selling credit institution shall repay the refinancing loan to the State bank and have special bonds unblocked by the State bank (transaction offices) as prescribed. The debt-selling credit institution shall return the special bonds to VAMC and take back the bad debts.

c) After taking back the bad debts from VAMC, the debt-selling credit institution shall classify them into the group of debts to which the level of risk is not lower than that to the debts classified by the debt-selling credit institution when bad debts are sold to VAMC.

3. The repayments collected during the period from the day VAMC buys bad debts to the day VAMC returns the bad debts to the debt-selling credit institution shall be settled in accordance with Clause 2 Article 43 of this Circular.

Article 20. Contract to buy bad debts with special bonds

1. The debt purchase contract shall be made in writhing and signed by VAMC, the credit institution and relevant parties (if any). The debt purchase contract specify at least:

a) Names and addresses of the debt buyer and debt seller;

b) Names and addresses of borrowers, guarantors, and other parties (if any) related to the bad debts being sold;

c) The book value of outstanding principal of the bad debt being bought;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The measures for ensuring the latest value of collateral for bad debts valuated by the credit institution or an independent valuating organization before the debt purchase is requested;

e) Effect of the debt purchase contract;

g) Redemption of special bonds, settlement of repayments, and repurchase of bad debts sold to VAMC;

h) VAMC shall use the repayments of the bad debts bought with special bonds, to which the credit institution is entitled, to repay the refinancing loans based on the special bonds as prescribed in Point b Clause 1 Article 43 and Clause 3 and 44 of this Circular, and regulations on the State bank on refinancing loans based on special bonds.

i) The rights and obligations of the parties, including the right of VAMC to restructure bad debts and unilaterally terminate the debt purchase contract, the obligation of the debt-selling credit institutions to allow VAMC to restructure the bad debts and repurchase the bad debts when special bonds are redeemed as prescribed in this Circular, the obligation of the debt-selling credit institution to pay the amounts mentioned in Point a Clause 2 Article 23 of this Circular and other amounts prescribed by law to VAMC.

k) The method and time for completing the procedure for transferring debts, collateral, documents and papers related to the bad debts, collateral, borrowers, guarantors, and debt payers.

2. If the bad debt being bought is a syndicated loan VAMC shall work with the lead credit institution; the debt purchase contract must be signed by VAMC and all credit institutions that provide the syndicated loan or the lead credit institution authorized by the other credit institutions to sign the debt purchase contract with VAMC.

Article 21. Selling bad debts at the request of the State bank

1. The credit institutions, the proportion of bad debts to total outstanding debts is 3% or over, shall sell debts to VAMC. If the credit institution does not sell debts to VAMC, the State bank shall consider tanking the measures in Clause 5 Article 14 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 05 working days from the day on which the credit institution is requested in writing by the Governor of the State bank to sell its debts to VAMC, the credit institution shall send an application for debt purchase to VAMC as prescribed in Article 17 of this Circular.

3. VAMC and the debt-selling credit institution shall follow the procedure for selling and buying debts specified in Article 18 of this Circular.

Article 22. Cooperation in exchanging information about bad debts bought with special bonds

1. VAMC shall take charge and cooperate with debt-selling credit institutions and authorized credit institutions to develop the database and IT system to serve the management, settlement of bad debts, redemption of special bonds, and repurchase of bad debts.

2. Authorized credit institutions shall process the information below and send written reports to VAMC:

a) The measures for collecting bad debts;

b) The cases in which the borrowers request that debts be changed into capital contribution, share capital, investment, financial support, or change of debt repayment conditions; restructuring of bad debts and VAMC to provide guarantee;

c) Other information requested by VAMC.

SECTION 4. BAD DEBTS BOUGHT BY VAMC AT MARKET VALUES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The bad debts shall be bought by VAMC at market values when the conditions below are satisfied:

a) The bad debts meet the conditions in Clause 1 Article 16 of this Circular;

b) VAMC considers the investment in buying bad debts as completely recoverable;

b) The collateral for bad debts is liquid;

d) The borrowers are likely to repay debts or have feasible repayment plans.

2. Then buying bad debts at market values, VAMC shall valuate the bad debts or hire an independent valuating organization to do it.

Article 24. Plan for buying debts at market values

1. The plan for buying bad debts at market value is a compilation of analyses, assessments, and recommendations pertaining to the sale and settlement of bad debts according to market principles.

2. The plan for buying debts at market values shall specify at least:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Estimated of total amount of bad debts being bought, sources of capital and financial condition of VAMC;

c) Analyses and assessment of effectiveness, risks, and probability of recovering the investment in buying debts at market values;

d) Measures for selling, settling debts and collateral.

Article 25. Procedure for approving the plan for buying debts at market values

1. VAMC shall make 01 application for approval of the plan for buying bad debts at market value and send it to the State bank (Bank Supervision and Inspection Agency) directly or by post). The application consists of:

a) A written request for the approval for the plan for buying bad debts at market value signed by the legal representative of VAMC;

b) A resolution of the Member assembly of VAMC on passing the plan for buying bad debts at market value enclosed with the plan for buying bad debts at market value specified in Article 24 of this Circular.

2. Before December 15, VAMC shall make an application as prescribed in Clause 1 of this Article to request the State bank to approve the plan for buying bad debts at market value of the next year.

3. Within 15 working days from the day on which the sufficient and valid application is received, the State bank send VAMC a written response as to approving or not approving the plan for buying bad debts at market values made by VAMC. If the plan is not approved, explanation must be provided in the written response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 26. Buying bad debts at market values

1. Based on the plan for buying bad debts at market value approved by the State bank, financial capacity, economic effectiveness, and market developments, VAMC shall decide and take responsibility for the purchase of bad debts at market values after the takes below are fulfilled:

a) Determining whether the bad debts meet the conditions in Clause 1 Article 23 of this Circular;

b) Determining the market price of bad debts, including collateral for such bad debts;

c) Analyses and assessment of effectiveness, risks, and probability of capital recovery;

d) Analyzing and assessing the status and potential of bad debts, borrowers, guarantors, debt payers, and conditions for buying debts agreed with the debt-selling credit institution;

dd) Feasible plans for settling debts and their collateral.

2. The purchase and sale of bad debts between VAMC and the debt-selling credit institutions regulations of the State bank of selling bad debts applicable to credit institutions.

Chapter 3.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 1. RESTRUCTURING DEBTS AND SUPPORTING BORROWERS

Article 27. Rules for restructuring the bad debts bought

1. VAMC shall consider restructuring the bad debts bought at the request of borrowers when the conditions in this Circular are met.

2. VAMC shall discuss with the debt-selling credit institution before deciding to restructure bad debts in the cases mentioned in Clause 4 Article 28, Clause 2 Article 29, and Clause 2 Article 30 of this Circular.

3. The restructuring of bad debts must conform to the Decree No. 53/2013/ND-CP and this Circular, the conditions for debts, borrowers, VAMC, debt-selling credit institutions, developments of the monetary market, the requirements for settling bad debts in each period, agreements in the credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, and debt purchase contract.

Article 28. Adjustment of interest rates of the bad debts bought by VAMC

1. VAMC shall consider adjusting the rates of interest on the bad debts to a reasonable level that suits the solvency of borrowers and market interest rates in each period, agreements in credit extension contracts, promissory note, entrustment contract, corporate bond purchase contract, debt purchase contract.

2. VAMC shall announce the reasonable interest rates mentioned in Clause 1 of this Article every quarter.

3. VAMC shall consider adjusting the interest rates as prescribed in Clause 1 of this Article when the bad debts and the borrower meet the conditions below:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The borrower has a feasible plan for paying debts, financial or operational restructuring;

c) The borrower is suffering from temporary financial difficulties, and the reduction in interest rate of the bad debt help the borrower alleviate them and restore the production or business;

d) The bad debts do not violate Article 126 of the Law on credit institutions when the credit contract is signed.

4. VAMC shall discuss with the debt-selling credit institution before adjusting the rates of interest on the bad debts bought with special bonds mentioned in Clause 1 of this Article. Within 05 working days from the day on which VAMC issues a written suggestion on interest rate adjustment, the debt-selling credit institution shall reply VAMC in writing.

5. Within 05 working days from the day on which the adjustment of interest rate is made, VAMC shall notify it to the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are bought with special bonds).

Article 29. Exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest

1. When buying bad debts, VAMC shall consider reducing or exempting the fine, fee and overdue interest that is not paid by the borrower as long as the borrower meets the conditions below:

a) The borrower meets the conditions in Clause 3 Article 28 of this Circular;

b) The borrower immediately repays or promises to repay within 60 days at least 5% of the outstanding principal when the exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest is being considered.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Within 05 working days from the day on which the exemption, reduction of fines, fee, and overdue interest is granted, VAMC shall notify it to the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are bought with special bonds).

Article 30. Measures for restructuring repayment deadline

1. VAMC shall consider restructuring the repayment deadline in the form of adjusting the repayment term or debt rescheduling when the borrower meets the business below:

a) The borrower has a feasible repayment plan;

b) When adjusting the repayment term of principle and/or interest, the borrower is incapable of duly repaying the principal and/or interest by the repayment deadline stated in the credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, and is considered capable of paying debts in the next period after the repayment term is restructured;

b) When rescheduling debts, the borrower is incapable of duly repaying the principal and/or interest within the repayment period stated in the credit contract, entrustment contract, corporate bond purchase contract, and is considered capable of paying debts within a certain period of time after the agreed repayment deadline;

d) The rescheduling of bad debts bought with special bonds shall not exceed the remaining period of the corresponding special bonds.

2. VAMC shall discuss with the debt-selling credit institution before restructuring the deadline for repaying bad debts bought with special bonds. The debt-selling credit institution shall provide its opinions about the issues raised by VACM within 05 working days from the day on which VAMC makes a written request for opinions.

3. Within 05 working days from the day on which the repayment deadline is restructured, VAMC shall notify the borrowers and the debt-selling credit institution (if bad debts are bought with special bonds).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. VAMC shall consider taking one or some of the following measures for financially supporting borrowers:

a) Provide guarantee for borrowers of the credit institution;

b) Making investment, providing financial support by giving loans or buying corporate bonds;

c) Other forms of investment and financial support approved by the Governor of the State bank.

VAMC shall use assets (not including the bad debts bought with special bonds) and legitimate capital sources to take provide financial support as prescribed in Point b and Point c Clause 1 of this Article.

2. VAMC shall consider making investment and provide financial support when the borrower meets the conditions below:

a) The borrower is likely to recover or have an effective business plan;

b) Measures are taken to ensure the recovery of investments and financial support;

c) The plan for investment and financial support is safe and feasible, which analyzes, assess the risks, economic effectiveness of investments, financial support, guarantee, capital sources, probability of capital recovery, measures for capital recovery, measures for ensuring capital adequacy and solutions for new risks;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The borrower shall be provided with loan guarantee when the conditions below are met:

a) The borrower is likely to recover or have a new effective business plan or investment project;

b) The borrower has legitimate assets as security for loan guarantee;

c) The plan for investment and financial support is safe and feasible, which analyzes, assess the risks, economic effectiveness of investments, financial support, guarantee, capital sources, probability of capital recovery, measures for capital recovery, measures for ensuring capital adequacy and solutions for new risks;

d) Other conditions imposed by VAMC.

4. Based on the conditions in Clause 2 and Clause 3 of this Article, capital sources and financial capacity of VAMC, VAMC shall request the Governor of the State bank to consider giving an approval before making investment, provide financial support and guarantee to the borrower.

Article 32. Application for approval of the Plan for financial support for borrowers

1. VAMC shall make 01 application for approval of the plan for investment, financial support, the plan for providing guarantee for borrowers of the credit institution (hereinafter referred to as plan for financial support for borrowers) and send it to the State bank of Vietnam (Bank Supervision and Inspection Agency) directly or by post. The application consists of:

a) A written request for the approval for the plan for financial support for borrowers, capital contribution, and purchase of shares of borrowers, which is signed by the legal representative of VAMC;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 15 working days from the day on which the application for approval of the plan for financial support for borrowers is received, the State bank shall send VAMC a written response as to approving or not approving the plan. If the plan is not approved, explanation must be provided in the written response.

Article 33. Some safety limits and risk control in the operation of VAMC

1. The total investment, financial support and guarantee provided by VAMC for a borrower shall not exceed 50% of the charter capital of VAMC.

2. The total contribution to charter capital and share capital mentioned in Point b Clause 1 of this Circular shall not exceed 50% of the charter capital of VAMC.

3. The borrower that is undergoing the process of dissolution, bankruptcy, or has it license confiscated is not eligible for adjustment of loan interest rates, reduction or exemption of fines, fees, and overdue interests, restructuring of repayment period, and financial support.

SECTION 2. SETTLING BAD DEBTS AND COLLATERAL

Article 34. VAMC selling the bad debts bought

1. VAMC shall sell the bad debts that are bought from credit institutions to other organizations and individuals at market values to recoup capital.

2. VAMC shall sell bad debts on the following principles

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Ensure consensus and voluntarism;

c) Bad debts are put up for auction or sold at competitive prices offers with at least 03 participants that are not related buyers. If the bad debts cannot be sold in the form of auction or competitive price offers, VAMC shall sell the bad debts under direct agreement with the debt buyer;

d) The final price for the debt is the most reasonable price in comparison to other offers or the price of an equivalent debt, or the value of the ad debt determined by VAMC or an independent valuating organization in order to reduce loss during the settlement of bad debts.

3. The sale of debts shall be made into a contract.

4. VAMC may authorize a credit institution to sell bad debts under the requirements and conditions imposed by VAMC.

Article 35. Selling the bad debts bought with special bonds

1. VAMC and the debt-selling credit institution shall reach an agreement on the conditions for selling bad debts, including the starting price (if bad debts are sold at auctions) and selling price (if bad debts are sold under direct agreements with the debt buyer).

2. Within 05 working days from the day on which the debt sale contract is signed, VAMC shall send 01 contract to the debt-selling credit institution and notify the debt-selling credit institution of the amount of money to which it is entitled.

3. If the special bonds are not mature, VAMC may sell the bad debts bought with special bonds to the credit institution that sold such bad debts to VAMC under the agreements on conditions and selling prices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. VAMC may use the bad debts bought, its assets and legitimate capital sources to:

a) Convert the bad debts bought with special bonds into charter capital or share capital of borrowers being companies as prescribed by law;

b) Using assets (apart from the bad debts bought with special bonds) and legitimate capital sources to make contributions to charter capital, share capital of borrowers being companies after the State bank approves.

2. VAMC shall make contributions to charter capital, share capital to participate in the restructuring of borrowers.

3. VAMC shall formulate a plan for making contributions to charter capital, share capital of borrowers, including analysis and assessment of effective ness of the contributions, financial condition and operation of borrowers, capital sources, probability of capital recovery, and suggestions of measures for recovering capital and restructuring borrowers.

4. VAMC shall make contributions to charter capital, share capital when the conditions below are met:

a) The plan for making contributions to charter capital, share capital of borrowers is feasible. The plan must be approved by the State bank in the case mentioned in Point b Clause 1 of this Article.

b) VAMC is entitled to participate in the restructuring of borrowers;

c) The contributions to charter capital, share capital do not breach the limits on contributions to charter capital, share capital of VAMC according to Clause 2 Article 33 of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The borrowers do not undergo the process of dissolution, bankruptcy, or have their operation licenses confiscated.

5. Before converting the bad debts bought with special bonds into charter capital, share capital of borrowers, VAMC and the debt-selling credit institution shall:

a) Reach an agreement on the conversion of bad debts bought with special bonds into charter capital, share capital of borrowers;

b) Within 05 working days from the day on which all bad debts are converted into charter capital, share capital, VAMC shall sell the charter capital, share capital contributions to the debt-selling credit institution according to their values, and redeem the special bonds;

6. The repayments collected during the period from VAMC buys the bad debts until they are converted into charter capital, share capital shall be settled in accordance with Clause 2 Article 33 of this Circular.

Article 37. Procedure for applying for approval of the plan for charter capital, share capital contributions to borrowers being companies

1. VAMC shall make 01 application for approval of the plan for charter capital, share capital contributions to borrowers prescribed in Point a Clause 4 Article 36, and send it to the State bank (Bank Supervision and Inspection Agency) directly or by post. The application consists of:

a) A written request for approval of the plan for charter capital, share capital contributions to borrowers, which is signed by the legal representative of VAMC;

b) The resolution of the Member assembly of VAMC on passing the plan for charter capital, share capital contributions to borrowers enclosed with the plan for charter capital, share capital contributions to borrowers according to Clause 3 Article 36 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 38. Handling and selling collateral for the bad debts that are bought

1. VAMC shall cooperate with relevant organizations to complete the procedure and legal documents of the collateral for the bad debts that are bought.

2. VAMC shall settle collateral for the bad debts that are bought in accordance with Article 18 of the Decree No. 53/2013/ND-CP and relevant laws.

3. For the collateral for the bad debts bought with special bonds, VAMC and the debt-selling credit institution shall reach an agreement on:

a) The sale prices for collateral when it is sold under an agreement with the buyer, or the starting price if the collateral is sold at an auction;

b) The value of collateral when VAMC receives collateral as substitute for the fulfillment of the guarantor’s liabilities.

4. Where VACM receives collateral as substitute for the fulfillment the guarantor’s liabilities, VAMC shall set the prices or an independent valuating organization to determine the market price of the collateral to as the basis for offsetting the liabilities of the borrowers and the debt payers.

SECTION 3. AUTHORIZING, INSPECTING, AND SUPERVISING THE PERFORMANCE OF AUTHORIZED OPERATIONS

Article 39. Contents and methods of authorizing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The authorization mentioned in Clause 1 of this Article shall be made into an authorization contract. The authorization contract shall specify at least:

a) Names and address of the authorizer and authorized party;

b) Contents and scope of authorization;

c) Authorization period;

d) Rights and obligations of both parties.

3. VAMC shall select authorize part or the whole operation in Clause 1 of this Article to the debt-selling credit institution in accordance with this Circular and relevant laws.

4. Within 10 working days from the day on which the authorization contract is signed, the authorized credit institutions shall notify its borrowers, debt payers, guarantors, and relevant parties of the contents and operations delegated to the debt-selling credit institution.

Article 40. Inspecting and supervising delegated operations

1. VANC shall develop a database and IT system to exchange information with authorized credit institutions in order to supervise them performing the delegated operations as prescribed in Clause 1 Article 39 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 41. Rights and obligations of VAMC and authorized credit institutions

1. Rights and obligations of VAMC:

a) Request the authorized credit institutions to submit reports, provide information and documents on the delegated operations;

b) Request the authorized credit institutions to perform. In accordance with the authorization contract and law;

c) Request the authorized credit institutions to compensate for the damage due to breaches of the authorization contract or law during the performance of delegated operations; terminate the authorization contract, or file a law suit against the authorized credit institution that violates the authorization contract as prescribed by law;

d) Report the violations committed by the authorized credit institutions to the State bank (Bank Supervision and Inspection Agency) upon discovery;

dd) For the bad debts bought at market values, VAMC and the authorized credit institution shall reach an agreement on the expenditure on the delegated operations and relevant contents in the authorization contract;

e) Other rights and obligations according to the authorization contract and law.

2. Rights and obligations of the authorized credit institution:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Cooperate with VAMC and facilitate the inspection and supervision carried out by VAMC during the performance of delegated operations;

c) Comply with the requests made by VAMC to ensure the safety of assets, remedy the misdemeanors, and compensate for the damage suffered by VAMC due to the breaches of the authorization contract or law during the performance of delegated operations;

d) Immediately report the collected repayments to VAMC;

dd) For the bad debts bought at market values, the authorized credit institutions shall have the expenditures on the delegated operations covered by VAMC.

e) The rights and obligations specified in the authorization contract, Clause 4 Article 13 of the Decree No. 53/2013/ND-CP and relevant laws.

Chapter 4.

SETTLEMENT OF COLLECTED DEBTS, REDEMPTION OF SPECIAL BONDS, AND REPURCHASE OF BAD DEBTS

Article 42. Order of priority for settling the bad debts bought with special bonds

All receipts in the form of cash or assets from the collecting, settling, selling debts, collateral after deducting the expenses related to the sale of debts, collateral; preservation, repair, upgrade of collateral shall be paid by VAMC in the following order:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Undue interest;

3. Overdue interest;

4. Fines (if any);

5. Excess amounts (if any) returned to borrowers, guarantors, and debt payers.

Article 43. Selling repayments of bad debts bought with special bonds

1. The repayments of the bad debts bought with special bonds to which the credit institution is entitled according to Point b Clause 2 this Article shall be settled as follows:

a) if the debt-selling credit institution does not take a refinancing loan based on special bonds, VAMC shall leave it at the debt-selling credit institution in the form of deposit, and shall not withdraw before the redemption of special bonds, except for the case in Article 19 of this Circular;

b) If the debt-selling credit institution takes a refinancing loan based on special bonds, within the first 05 working days of the next quarter, VAMC shall use the collected repayments in cash, to which the credit institution is entitled, to repay the refinancing loan based on special bonds, and deduct this amount against the total amount of receipts from collected debt the credit institution receives when redeeming such special bonds.

2. The repayments of the bad debts bought with special bonds shall be settled as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The debt-selling credit institution is entitled to the residual repayments after deducting the amount received by VAMC specified in Point a Clause 2 of this Article.

Article 44. Redemption of special bonds

1. The special bonds are mature in the cases below:

a) The loan loss provision for special bonds is not lower than the book value of outstanding principal of the bad debts being monitored by VAMC, including the cases below:

(i) VAMC sells bad debts to other organizations and individuals, including the bad debts bought with special bonds to debt-selling credit institutions at market values or agreed prices;

(ii) VAMC converts all bad debts bought into charter capital, share capital of borrowers being companies

b) The special bonds are mature.

2. within 05 working days from the day on which special bonds mature as prescribed in Clause 1 of this Article, the debt-selling credit institution shall return all the refinancing loan based on corresponding special bonds (if any), have the special bonds unblocked by the State bank (transaction offices), and cooperate with VAMC to redeem the special bonds as follows:

a) If the book value of outstanding principal of the bad debt are not fully recovered, the debt-selling credit institution shall repurchase the bad debt from VAMC according to the book value of outstanding principal of VAMC, capital contributions and share capital of borrowers (when converting part of the bad debts into charter capital, share capital of borrowers - if any); return the special bonds related to such bad debts to VAMC, and receive a portion of repayments to which it is entitled from VAMC according to Point b Clause 2 Article 43 of this Circular (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) If the whole bad debt is converted into charter capital, share capital of borrowers being companies, the debt-selling credit institution shall return the special bonds of VAMC and repurchase the capital, shares contributed to borrowers, and pay the repayments to VAMC according to Point a Clause 2 Article 43 of this Circular.

3. If the debt-selling credit institution fails to repay the refinancing loan to the State bank within 05 working days from the maturity date of special bonds according to Clause 1 of this Article, VAMC shall not provide the repayments (if any), bad debts (if any) to the debt-selling credit institution. VAMC shall use the repayments of bad debts bought with special bonds to which the debt-selling credit institution is entitled, according to Point b Clause 2 Article 43 of this Circular, to repay the refinancing loan taken by the debt-selling credit institution from the State bank, and take back special bonds when the whole refinancing loan has been repaid to the State bank.

Article 45. Repurchasing bad debts when redeeming special bonds

1. When repurchasing bad debts as prescribed in Point a Clause 2 Article 44 of this Circular, the debt-selling credit institution shall repay VAMC the amounts to which it is entitled according to Point a Clause 2 Article 43 of this Circular. VAMC shall provide the debt-selling credit institution within information, documents about the outstanding debt, interest, fines, and fees that are not paid by borrowers, other information and documents related to the debts, borrowers, guarantors, and debt payers.

2. The debt-selling credit institution shall repurchase the bad debts from VAMC without the consent of borrowers, debt payers, and guarantors.

3. Within 10 working days from the day on which the debt purchase contract is signed, the debt-selling credit institution shall notify its borrowers, debt payers, and guarantors of the repurchase of debts from VAMC for them to fulfill their liabilities to the credit institution.

Chapter 5.

BUILDING AND USING RESERVE

Article 46. Making loan loss provision for special bonds and using loan loss provision to eliminate the risk related to bad debts

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Every year, within 05 working days before the maturity date of special bonds, the debt-selling credit institution shall make a specific loan loss provision for each special bond using the formula below:

Annual loan loss provision =

Face value of the special bond

Term of the special bond

The term of special bonds is expressed as years.

3. The debt-selling credit institution shall not make general provision for special bonds.

4. The loan loss provision for special bonds made by the debt-selling credit institution shall be used to:

a) Make up for the deficit of repayments in comparison to the face value of special bonds if all bad debts are sold to other organizations and individuals (except for the case mentioned in Point a Clause 2 Article 44 of this Circular), or all bad debts are used for making contributions to charter capital, share capital of borrowers;

b) Eliminate risk to the repurchased bad debts according to Point a Clause 2 Article 44 of this Circular if the book value of outstanding principal of such bad debts are not fully repaid.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. After the loan loss provision is made, the debt-selling credit institution shall remove the bad debts from the balance sheet, monitor the bad debts, and take measures to collect debts in accordance with law and agreements with borrowers.

7. The bad debts shall be removed from the balance sheet in accordance with regulations of the State bank on classification of assets, level and method of making loan loss provision, and using provision to eliminate risks to the operations of branches of foreign banks and credit institution.

Article 47. Classifying, making, and using provisions to eliminate risks to the bad debts bought at market values

1. VAMC shall classify, make and use loan loss provision to handle the payments for the purchase of bad debts according to regulations of the State bank on classification of assets, level and method of making loan loss provision, and using provision to eliminate risks to the operations of branches of foreign banks and credit institution.

2. VAMC shall classify the payments for the purchase of bad debts into the group to which the level of risk is not lower than that to the group of bad debts classified by the debt-selling credit institutions when the bad debts are bought.

Chapter 6.

RESPONSIBILITIES OF RELEVANT ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS

Article 48. Responsibilities of the units affiliated to the State bank

1. Bank Supervision and Inspection Agency shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Take charge and cooperate with relevant units in appraising the Special bond issuance plan, the plan for buying bad debts at market values, the plan for financial support for borrowers, and the plan for making contributions to charter capital, share capital of borrowers, and submit them to the Governor of the State bank in the following order:

(i) Within 02 working days from the receipt of the sufficient and valid application for approval of the Special bond issuance plan, the plan for buying bad debts at market values, the plan for financial support for borrowers, and the plan for making contributions to charter capital, share capital of borrowers, Bank Supervision and Inspection Agency shall send written requests for opinions to relevant units of the State bank.

(ii) Within 03 working days from the receipt of the written request made by Bank Supervision and Inspection Agency, the units shall provide Bank Supervision and Inspection Agency with opinions in writing for submission to the Governor of the State bank as the basis for approving or not approving the Special bond issuance plan, the plan for buying bad debts at market values, the plan for financial support for borrowers, and the plan for making contributions to charter capital, share capital of borrowers.

c) Take charge and cooperate with relevant units in appraising the contents prescribed in Clause 4 and Clause 6 Article 13, Point dd Clause 1 and Clause 3 Article 16, Clause 3 and Clause 4 Article 25, Clause 2 Article 32, Clause 2 Article 37 of this Circular, then submit them to the Governor of the State bank for decision;

d) Supervise, carry out inspections, and take action against the violations of legislation on purchase, sale, and settlement of bad debts committed by credit institutions and VAMC;

dd) Take charge and cooperate with relevant units and VAMC in advising the Governor of the State bank on reporting the operation of VAMC;

e) Take charge and cooperate with relevant units in advising the Governor of the State bank on providing guidance and organizing the implementation of this Circular.

2. Transaction offices shall:

a) Provide guidance and organize the issuance of special bonds under the authorization of VAMC in accordance with this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Block the special bonds related to refinancing loans when the credit institutions holding take refinancing loans; stop blocking special bonds when refinancing loans are fully repaid.

3. The Finance and Accounting Authority shall take charge and cooperate with Bank Supervision and Inspection Agency and relevant units in formulating the regulations on bookkeeping of purchase, sale, and settlement of bad debts, the operations related to purchase, sale, and settlement of bad debts of VAMC and credit institutions, then submitting them to the Governor of the State bank for promulgation.

4. The Monetary Forecast and Statistics Authority shall cooperate with Banking Information Technology Authority and relevant units in formulating the regulations on statistical reports, the openness and transparency of the operation of VAMC, the collection of information about purchase, sale, and settlement of bad debts, then submit them to the Governor of the State bank for promulgation.

5. Banking Information Technology Authority shall support the units affiliated to the State bank, VAMC, and credit institutions in exchanging, providing information about purchase, sale, and settlement of bad debts.

6. Credit Information Center shall provide information related to bad debts and borrowers at the request of VAMC in order to settle bad debts.

7. Branches of the State bank in cities and provinces shall carry out supervisions, inspections, and take action against the violations of legislation on purchase, sale, and settlement of bad debts committed by local credit institutions and other local organizations and individuals.

8. Relevant units shall:

a) Cooperate with Bank Supervision and Inspection Agency in advising the Governor of the State bank on organizing the implementation of this Circular;

b) Cooperate with Bank Supervision and Inspection Agency in appraising the contents prescribed in Clause 4 and Clause 6 Article 13, Point dd Clause 1 and Clause 3 Article 16, Clause 3 and Clause 4 Article 25, Clause 2 Article 32, Clause 2 Article 37 of this Circular, then submit them to the Governor of the State bank for decision;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Facilitate the operation of VAMC within the scope of their competence and the instructions of the Governor of the State bank.

Article 49. Responsibilities of VAMC

1. Buy, sell, and settle bad debts responsively and legally; guide credit institutions to make and send the list of eligible bad debts to VAMC according to Clause 1 Article 16 of this Article.

2. Send the State bank reports on the purchase, sale, settlement, and collection of the bad debts bought; issue, use and redeem special bonds, and perform other tasks prescribed by the State bank.

3. Use the repayments of bad debts to which the debt-selling credit institutions are entitled to repay refinancing loans based on special bonds of the debt-selling credit institutions at the State bank.

4. Request the Governor of the State bank to decide the contents in Clause 4 and Clause 6 Article 13, Point dd Clause 1 and Clause 3 Article 16, Clause 4 and Clause 4 Article 25, Clause 2 Article 22, Clause 2 Article 37 of this Circular.

5. Take charge and cooperate with credit institutions and relevant units in taking measures for settling debts, collateral for the bad debts bought with special bonds to repay the State bank the refinancing loans.

6. Discharge the responsibilities in this Circular and other obligations prescribed by law.

Article 50. Responsibilities of credit institutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Report the purchase, sale, and settlement of bad debts to the State bank.

3. The debt-selling credit institutions shall discharge the responsibilities in Clause 3 Article 31 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

4. The credit institutions that sell debts and receive special bonds are obliged to:

a) Discharge the responsibilities in Clause 2 Article 21 of the Decree No. 53/2013/ND-CP;

b) Use the provisions for bad debts to make up for the difference between the book value of outstanding principal and the prices for such bad debts when they are sold to VAMC;

c) Pay VAMC the amounts mentioned in Point a Clause 2 Article 43 of this Circular and other amounts prescribed by law;

d) Discharge the responsibilities in Clause 4 Article 31 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

5. Closely cooperate with VAMC in the purchase, sale, and settlement of bad debts; responsively, sufficiently, and accurately provide information at the request of VAMC.

6. Discharge the responsibilities in this Circular and other obligations prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Discharge the responsibilities in Article 32 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

2. Discharge the responsibilities in this Circular and other obligations prescribed by law.

Article 52. Responsibilities of guarantors

1. Discharge the responsibilities in Article 33 of the Decree No. 53/2013/ND-CP.

2. Discharge the responsibilities in this Circular and other obligations prescribed by law.

Chapter 7.

IMPLEMENTATION

Article 53. Effect

This Circular takes effect on September 15, 2013.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Heads of the units affiliated to the State bank, directors of branches of the State bank of provinces and cities, Presidents of the Boards of Directors, the Presidents of the Member assemblies, General Directors (Directors) or Vietnamese credit institutions; the President of the Member assembly and General Director of VAMC, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Circular./.

 

 

PP THE GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Dang Thanh Binh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 Quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


87.478

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.220.219
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!