BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
129/2015/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 08 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI THÀNH LẬP MỚI, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ CÔNG
TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU VÀ CÔNG TY
TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN LÀ CÔNG TY CON CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 22/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 172/2013/NĐ-CP
ngày 13/11/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên do nhà nước làm chủ sở hữu;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh
nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
trình tự, thủ tục xử lý tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử
lý tài chính khi thành lập mới,, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên (do nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là công ty TNHH
MTV) và công ty TNHH MTV là công ty con của công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ
sở hữu theo quy định tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP
ngày 13/11/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH
MTV do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH MTV là công ty con của công ty
TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi là Nghị định số 172/2013/NĐ-CP của Chính phủ).
2. Việc tổ chức lại công ty TNHH MTV thành, công ty
cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên và việc chuyển đổi công ty TNHH
MTV hoặc một nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ con được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có
liên quan.
Đối với các công ty TNHH MTV Nông, Lâm nghiệp, ngoài
việc áp dụng theo Thông tư này, trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định khác
thì áp dụng theo pháp luật chuyên ngành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các công ty TNHH MTV
do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH MTV là công ty con của công ty TNHH
MTV do nhà nước làm chủ sở hữu và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương II
VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH LẬP MỚI
CÔNG TY TNHH MTV
Điều 3. Mức vốn điều lệ
Mức vốn điều lệ để thành lập mới công ty TNHH MTV
theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP.
Điều 4. Hồ sơ, phương pháp xác
định vốn điều lệ
1. Hồ sơ xác định vốn điều lệ bao gồm: Dự án đầu
tư, Đề án thành lập doanh nghiệp, Quyết định phê duyệt đề án thành lập doanh
nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phương pháp xác định vốn điều lệ cho công ty nhà
nước mới thành lập được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà
nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Chương III
XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI THỰC
HIỆN TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ CÔNG TY TNHH MTV
Mục 1. XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI THỰC
HIỆN SÁP NHẬP, HỢP NHẤT CÔNG TY TNHH MTV
Điều 5 Điều kiện sáp nhập, hợp
nhất công ty TNHH MTV
Điều kiện sáp nhập, hợp nhất công ty TNHH MTV thực
hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP của
Chính phủ.
Điều 6. Đối với công ty bị sáp
nhập, hợp nhất
Sau khi có quyết định sáp nhập, hợp nhất trong thời
hạn 30 ngày công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất có trách nhiệm khoá sổ kế toán; tổ
chức kiểm kê, phân loại tài sản công ty đang quản lý, sử dụng và thực hiện lập
báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm sáp nhập, hợp nhất:
1. Kiểm kê xác định số lượng, chất lượng và giá trị
tài sản thực tế công ty đang quản lý và sử dụng; phân loại tài sản đã kiểm kê
theo các nhóm (tài sản cần dùng, tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản
chờ thanh lý).
a) Đối với tài sản thiếu, hao hụt, mất mát, hư hỏng,
kém phẩm chất, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng phải xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp
do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất (tập thể, cá nhân) phải bồi
thường theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bị
sáp nhập, bị hợp nhất quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tài sản đã mua bảo hiểm, nếu tổn thất thì xử lý
theo hợp đồng bảo hiểm.
Khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản thiếu hụt và
số tiền bồi thường được hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty bị sáp nhập,
bị hợp nhất.
b) Đối với giá trị tài sản thừa nếu không xác định
được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu thì hạch toán vào thu nhập của
công ty bị sáp nhập, bị hợp chất.
2. Lập danh sách các chủ nợ, khách nợ, đối chiếu,
xác nhận và phân loại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, lập bản kê chi tiết đối
với từng loại công nợ:
a) Nợ phải thu: xác định nợ phải thu có khả năng
thu hồi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
Đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi phải xác
định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường. Hội
đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất quyết định mức bồi
thường. Chênh lệch giữa giá trị nợ phải thu không có khả năng thu hồi với tiền
bồi thường được bù đắp bằng dự phòng nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán
vào chi phí kinh doanh của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.
b) Nợ phải trả: xác định các khoản nợ phải trả
trong hạn, nợ phải trả đã quá hạn trả, các khoản nợ phải trả nhưng không phải
trả.
Đối với nợ phải trả nhưng không phải trả thì hạch
toán vào thu nhập của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.
3. Thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế tại thời
điểm sáp nhập, hợp nhất theo quy định.
Điều 7. Bàn giao giữa công ty bị
sáp nhập và công ty nhận sáp nhập, giữa công ty bị hợp nhất và công ty hợp nhất
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định sáp
nhập, hợp nhất, công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất phải bàn giao đầy đủ, nguyên
trạng tài sản, vốn, công nợ, quyền sử dụng đất, các hợp đồng kinh tế, các quyền
và nghĩa vụ khác cho công ty nhận sáp nhập, hợp nhất kèm theo hồ sơ, chứng từ
có liên quan. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc và các cá
nhân liên quan của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất chịu trách nhiệm trước pháp
luật về mọi hao hụt, mất mát tài sản, tiền vốn trong thời gian chưa bàn giao.
2. Công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất có trách
nhiệm tiếp nhận và kế thừa toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng kém mất phẩm
chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu (kể cả nợ phải
thu không có khả năng thu hồi đã xử lý xóa sổ được theo dõi trên hệ thống quản
trị của doanh nghiệp), các khoản nợ phải trả, các khoản lỗ lũy kế, hợp đồng lao
động và nghĩa vụ khác của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.
3. Mọi vấn đề tồn tại chưa xử lý trước khi bàn giao
phải ghi rõ tại biên bản bàn giao. Giám đốc, kế toán trưởng và người có liên
quan của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất tiếp tục chịu trách nhiệm
liên đới đối với những tài sản kém phẩm chất, tài sản không cần dùng, nợ phải
thu khó đòi đã bàn giao.
4. Sau khi nhận bàn giao: công ty nhận sáp nhập,
công ty hợp nhất có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính của
công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất theo các quy định hiện hành.
5. Các công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất điều
chỉnh tăng vốn nhà nước tại công ty tương ứng với số vốn của các doanh nghiệp
trong báo cáo tài chính của công ty bị sáp nhập, công ty hợp nhất.
Mục 2. XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI THỰC
HIỆN CHIA CÔNG TY TNHH MTV
Điều 8. Điều kiện, hồ sơ quy
trình chia công ty TNHH MTV
Điều kiện, hồ sơ quy trình chia công ty TNHH MTV thực
hiện theo quy định, tại Điều 17, Điều 19 và Điều 22 Nghi định số
172/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 9. Xử lý tài chính
1. Kiểm kê, phân loại tài sản; xử lý tài chính, lập
báo cáo tài chính kiểm toán, quyết toán thuế của công ty bị chia ở thời điểm
chia công ty theo quy định tại Điều 6 Mục 1 Chương III Thông tư này.
2. Công ty bị chia lập phương án chia tài sản, công
nợ của công ty cho các công ty được chia trình người quyết định thành lập công
ty quyết định theo nội dung sau:
a) Chia toàn bộ tài sản của công ty bị chia cho các
công ty được chia bao gồm: tài sản hữu hình, vô hình, các khoản đầu tư ra ngoài
công ty, hàng hoá tồn kho, nợ phải thu, đất đai và các tài sản khác.
b) Chia toàn bộ nợ phải trả của công ty bị chia cho
các công ty được chia theo nguyên tắc: nợ phát sinh ở bộ phận nào thì công ty
được chia tiếp nhận bộ phận đó tiếp tục chịu trách nhiệm thanh toán nhưng tổng
giá trị nợ phải trả tương ứng với tỷ trọng giá trị tài sản được chia.
c) Vốn đầu tư của chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân
phối hoặc lỗ lũy kế và các nguồn vốn, quỹ khác thuộc nguồn vốn chủ sở hữu chia
cho các công ty được chia theo tỷ trọng giá trị tài sản được chia.
3. Các công ty được chia tiếp tục kế thừa quyền và
trách nhiệm của công ty bị chia gắn với tài sản, công nợ và vốn chủ sở hữu được
chia.
4. Các công ty được chia thực hiện xác định vốn nhà
nước tại công ty tương ứng với số vốn của các doanh nghiệp được chủ sở hữu phân
chia trong phạm vi số vốn của công ty bị chia.
Mục 3. XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI THỰC
HIỆN TÁCH CÔNG TY TNHH MTV
Điều 10. Điều kiện, hồ sơ quy
trình tách công ty TNHH MTV
Điều kiện, hồ sơ quy trình tách công ty TNHH MTV thực
hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 19 và Điều 22 Nghị định số
172/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 11. Xử lý tài chính
1. Kiểm kê, phân loại tài sản; xử lý tài chính, lập
báo cáo tài chính kiểm toán, quyết toán thuế của công ty bị tách ở thời điểm
tách công ty theo quy định tại Điều 6 Mục 1 Chương III Thông tư này.
2. Công ty bị tách lập phương án, trình người quyết
định thành lập công ty bị tách quyết định theo nội dung sau:
a) Tách bộ phận hạch toán phụ thuộc công ty: trên
cơ sở tài sản, công nợ của bộ phận hạch toán phụ thuộc, người quyết định thành
lập công ty bị tách quyết định phân chia các khoản nợ và vốn chủ sở hữu cho
công ty được tách.
b) Tách bộ phận công ty chưa phân cấp hạch toán phụ
thuộc thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
3. Các công ty được tách và công ty bị tách điều chỉnh
tăng, giảm vốn nhà nước tại công ty tương ứng với số vốn của các doanh nghiệp
được chủ sở hữu phân chia trong phạm vi số vốn của công ty bị tách.
Mục 4. XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI GIẢI
THỂ CÔNG TY TNHH MTV
Điều 12. Điều kiện giải thể
công ty TNHH MTV
Điều kiện giải thể công ty TNHH MTV thực hiện theo quy
định tại Điều 24 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 13. Thành lập Hội đồng giải
thể
Hội đồng giải thể công ty TNHH MTV được thành lập
theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP để tổ
chức thực hiện giải thể công ty.
Điều 14. Trách nhiệm của công
ty TNHH MTV bị giải thể
1. Kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực, công
ty TNHH MTV bị giải thể có trách nhiệm:
a) Không thực hiện tất cả các hoạt động bị cấm quy
định tại Luật doanh nghiệp và chấm dứt các hoạt động kinh doanh, thanh toán các
khoản nợ phải trả, cho mượn tài sản, giữ hộ tài sản;
b) Khóa sổ kế toán; kiểm kê tài sản; đối chiếu công
nợ phải thu, phải trả; lập báo cáo tài chính đến thời điểm quyết định giải thể
có hiệu lực:
- Lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả (chia ra nợ
có đảm bảo, nợ có đảm bảo một phần, nợ không có đảm bảo). Các khoản lãi kèm
theo nợ phải trả (nếu có) chỉ tính đến thời điểm quyết định giải thể có hiệu lực.
- Lập danh sách khách nợ và số nợ phải thu (phân loại
nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi).
c) Gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế xác nhận việc
thực hiện nghĩa vụ thuế của công ty.
2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết
định giải thể có hiệu lực, công ty phải bàn giao cho Hội đồng giải thể:
a) Báo cáo tài chính, sổ kế toán và các tài liệu
liên quan đến việc giải thể của công ty; danh sách các chủ nợ, khách nợ của
công ty;
b) Toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử
dụng hợp pháp của công ty (kể cả tài sản chưa thu hồi được), tài sản nhận giữ hộ,
đi mượn, đi thuê.
Điều 15. Quyền hạn, trách nhiệm
của Hội đồng giải thể đối với việc xử lý tài chính khi giải thể công ty TNHH
MTV
Sau khi có quyết định giải thể và đăng báo giải thể
công ty TNHH MTV, Hội đồng giải thể có trách nhiệm:
1. Thu hồi con dấu của công ty TNHH MTV để phục vụ
việc giải thể.
2. Phối hợp với công ty giải thể tổ chức thực hiện
kiểm kê, xử lý tài sản và thực hiện tiếp nhận từ công ty TNHH MTV:
a) Báo cáo tài chính, sổ kế toán và các tài liệu
liên quan đến việc giải thể của công ty;
b) Toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử
dụng hợp pháp của công ty, tài sản nhận giữ hộ, đi mượn, đi thuê.
3. Xây dựng phương án giải thể công ty (bao gồm cả
phương án xử lý tài chính) trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày quyết định giải thể
công ty có hiệu lực báo cáo trình người quyết định giải thể quyết định. Phương
án phải thể hiện được các nội dung chủ yếu sau:
a) Phương án xử lý các hợp đồng kinh tế;
b) Phương án xử lý tài sản của công ty giải thể;
c) Phương án xử lý tài sản liên doanh, các khoản đầu
tư ra ngoài công ty nếu có;
d) Phương án tài chính, trong đó:
- Số tiền dự kiến thu được từ việc giải thể công ty
(chi tiết theo từng khoản).
- Số tiền dự kiến chi cho giải thể công ty (chi tiết
theo từng khoản).
- Chênh lệch giữa số tiền thu được và số tiền chi
cho công tác giải thể.
đ) Các kiến nghị
4. Thực hiện phương án giải thể đã được cấp có thẩm
quyền duyệt:
a) Rà soát lại danh sách chủ nợ, khách nợ;
b) Tổ chức thu hồi nợ;
c) Tổ chức thanh lý, nhượng bán tài sản, công nợ của
công ty;
d) Thanh toán các khoản nợ phải trả cho các chủ nợ
theo nguyên tắc quy định tại Điều 18 Thông tư này;
đ) Thanh lý các hợp đồng kinh tế đang dở dang. Trường
hợp các hợp đồng đang thực hiện dở dang có thể hoàn thành trong thời gian giải
thể mà không ảnh hưởng tới việc thanh lý, xử lý tài sản thì Hội đồng giải thể
tiếp tục tổ chức thực hiện các hợp đồng này.
5. Tổ chức chi trả trợ cấp và giải quyết các chính
sách cho người lao động trong công ty theo quy định của Bộ luật lao động, hợp đồng
lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế của công ty. Việc quyết toán các
khoản chi thực hiện theo quy định của pháp luật.
6. Định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện và
đề xuất những biện pháp để đảm bảo tiến độ giải thể công ty. Khi phát sinh những
vấn đề ngoài phương án giải thể phải báo cáo xin ý kiến cơ quan quyết định giải
thể trước khi thực hiện.
7. Lập báo cáo kết quả thanh lý và nộp số tiền thừa
sau khi thanh toán cho các chủ nợ và chi phí giải thể vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và
phát triển doanh nghiệp.
8. Khi chưa hoàn thành việc giải thể công ty, Chủ tịch
Hội đồng thành viên, Giám đốc và Kế toán trưởng công ty giải thể và những người
có liên quan chưa được thuyên chuyển công tác.
Điều 16. Xử lý tài chính khi
giải thể công ty
1. Tài sản của công ty bị giải thể là những tài sản
thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của công ty (không bao gồm tài sản giữ
hộ, thuê, mượn, tài sản nhận ủy thác).
a) Tài sản của công ty bị giải thể được bán đấu giá
thông qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc do Hội đồng giải thể công ty tổ
chức thực hiện công khai theo đúng các quy định tại Quy chế bán đấu giá tài sản
hiện hành. Trường hợp nhiều người trong đó có chủ nợ của công ty bị giải thể
cùng trả giá như nhau thì chủ nợ của công ty bị giải thể được ưu tiên mua tài sản
đó. Khi có nhiều chủ nợ cùng muốn mua thì chủ nợ nào có tổng số nợ lớn hơn có
quyền mua đầu tiên.
Việc bán tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất phải
tuân theo quy định của Luật Đất đai.
b) Tài sản, vốn đem góp liên doanh, đầu tư ra ngoài
công ty:
- Được thu hồi thông qua việc chuyển nhượng phần vốn
góp hoặc cổ phần cho các đối tượng khác. Phương thức chuyển nhượng vốn thực hiện
theo quy định, của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản
lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng
Chính phủ quyết định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng kí giao
dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.
- Trường hợp hết thời hạn giải thể công ty, nếu
chưa chuyển nhượng được phần vốn góp liên doanh cho các đối tác khác thì người quyết
định giải thể công ty chỉ định công ty khác thay thế sau khi đã thỏa thuận với
đối tác liên doanh. Công ty được chỉ định hoặc người quyết định giải thể công
ty phải thanh toán cho công ty giải thể phần vốn góp liên doanh này. Giá trị phần
vốn góp liên doanh được xác định theo quy định tại Điều 33 Nghị
định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp
100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
c) Đối với tài sản cho thuê, tài sản nhận giữ hộ,
tài sản cho mượn, tài sản nhận ủy thác: Hội đồng giải thể thực hiện thanh lý hợp
đồng cho thuê tài sản và thu hồi tài sản cho thuê, cho mượn, gửi, giữ hộ, nhận ủy
thác.
2. Đối với tài sản đi thuê, tài sản mượn, tài sản
giữ hộ, tài sản nhận ủy thác: trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng số báo đầu
tiên về thông báo công ty chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện
thủ tục giải thể, người có tài sản cho công ty bị giải thể thuê, mượn, gửi giữ
hộ, ủy thác phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quản lý hợp
pháp đối với tài sản đó để nhận lại tài sản. Nếu tài sản mà công ty bị giải thể
đi thuê nhưng chưa hết thời hạn thuê và đã trả hết tiền thuê thì người cho thuê
phải thanh toán lại phần tiền thừa theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng trước khi
nhận lại tài sản.
3. Kể từ ngày quyết định giải thể công ty có hiệu lực,
mọi khoản nợ chưa đến hạn được coi là đến hạn.
Chủ các khoản nợ có bảo đảm được nhận tài sản bảo đảm
để xử lý theo quy định hiện hành. Nếu chủ nợ không nhận thì tài sản đó được đem
bán đấu giá theo quy định hiện hành, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản bảo
đảm sau khi trừ chi phí được dùng để trả ngay cho chủ nợ có bảo đảm (không bao
gồm nợ lãi tính từ ngày có quyết định giải thể công ty); số thừa thuộc tài sản
của công ty bị giải thể, số thiếu được coi là nợ không có bảo đảm và được xử lý
như các khoản nợ không có bảo đảm khác.
Người bảo lãnh cho công ty vay nợ đã trả nợ thay
cho công ty thì số nợ trả thay đó được coi là khoản nợ không có bảo đảm và được
thanh toán như các khoản nợ không có bảo đảm khác.
Điều 17. Quản lý, sử dụng tiền
thu từ giải thể công ty
1. Chậm nhất sau 5 (năm) ngày kể từ ngày quyết định
thành lập Hội đồng giải thể có hiệu lực, Chủ tịch Hội đồng phải mở tài khoản tại
Kho bạc nhà nước nơi công ty đóng trụ sở chính để gửi tiền thu được từ thanh
lý, nhượng bán tài sản và thu hồi các khoản nợ của công ty giải thể. Tài khoản
này do Chủ tịch Hội đồng giải thể làm chủ tài khoản.
2. Toàn bộ số tiền thu được từ việc giải thể công
ty bao gồm: vốn bằng tiền, tiền thu được từ nhượng bán, thanh lý tài sản, chuyển
nhượng vốn đầu tư và thu hồi các khoản nợ của công ty giải thể phải gửi vào tài
khoản của Hội đồng giải thể ngay trong ngày thu được tiền. Trường hợp hết giờ
làm việc thì phải gửi ngay trong ngày làm việc tiếp sau. Trường hợp cố tình chậm
trễ việc gửi tiền thì phải bồi thường theo lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn
do Ngân hàng công bố và phải chịu kỷ luật hành chính theo quy định.
Thanh toán chi phí giải thể và thanh toán cho chủ nợ
theo quy định tại điều 18 Thông tư này.
Số tiền còn lại sau khi đã chi trả hết các khoản nợ
sẽ thuộc về Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả số tiền lãi thu được từ việc gửi số
tiền thu được từ giải thể công ty). Trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày kết
thúc việc thanh toán cho các chủ nợ, Hội đồng giải thể có trách nhiệm nộp toàn
bộ số tiền này vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp.
Điều 18. Thanh toán chi phí giải
thể và các khoản nợ phải trả
Toàn bộ số tiền thu được từ việc giải thể công ty xử
lý theo trình tự sau:
1. Thanh toán các chi phí giải thể công ty, bao gồm:
- Chi phí gắn liền với việc thanh lý các hợp đồng
kinh tế, chi phí cho việc thu hồi, vận chuyển, bảo quản, giữ gìn tài sản của
công ty bị giải thể;
- Chi phí liên quan tới việc tổ chức bán đấu giá
tài sản;
- Chi phí cho sắp xếp, lưu trữ và bảo quản tài liệu
của công ty bị giải thể và các chi phí khác liên quan đến việc thực hiện giải
thể công ty. Các khoản chi này thanh toán theo thực chi do Chủ tịch Hội đồng giải
thể phê duyệt và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
- Thanh toán tiền lương và nộp bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng theo quy định
của pháp luật cho viên chức quản lý, người lao động cán bộ công nhân viên trong
công ty bị giải thể được huy động tham gia vào công tác giải thể công ty và các
tổ giúp việc nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày quyết định giải thể công ty có
hiệu lực.
Các khoản chi phải có đầy đủ chứng từ theo quy định,
của chế độ kế toán hiện hành.
2. Thanh toán các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có), và các quyền lợi khác của người
lao động tại công ty bị giải thể theo hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động
tập thể, quy chế của công ty và chế độ hiện hành.
3. Các khoản nợ thuế và nợ ngân sách nhà nước khác.
4. Các khoản nợ có tài sản bảo đảm (theo thứ tự; khoản
nợ có tài sản đảm bảo toàn bộ, khoản nợ có tài sản đảm bảo một phần).
5. Số tiền còn lại sau khi thanh toán các khoản
trên sẽ được thanh toán cho các chủ nợ không có bảo đảm (không bao gồm nợ lãi
tính từ thời điểm có quyết định giải thể công ty). Việc thanh toán cho các chủ
nợ có thể thực hiện nhiều lần, số tiền mỗi lần thanh toán cho các chủ nợ dựa
trên cơ sở tỷ lệ giữa tổng số tiền chi trả của từng đợt so với tổng số nợ chưa
thanh toán.
Số tiền thu được từ các đợt tiếp theo sẽ được lần
lượt chi trả hết như trên.
Đối với chủ nợ có tài khoản tại Ngân hàng thương mại
hay Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng giải thể làm thủ tục chuyển tiền thanh
toán nợ vào tài khoản của chủ nợ. Nếu không có tài khoản, chủ tịch Hội đồng giải
thể thông báo cho chủ nợ đến nhận trực tiếp hoặc chuyển qua bưu điện cho chủ nợ.
Phí gửi bưu điện được tính vào chi phí giải thể công ty.
Điều 19. Kết thúc giải thể
công ty
1. Hết thời hạn giải thể công ty, nếu còn vấn đề tồn
tại thì Hội đồng giải thể trình người quyết định giải thể công ty xem xét, giải
quyết.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, sau khi kết
thúc việc giải thể, Hội đồng giải thể phải lập báo cáo tài chính, về giải thể
công ty trình người quyết định giải thể công ty; nộp lại con dấu của công ty bị
giải thể cho cơ quan Công an và Giấy đăng ký kinh doanh của công ty bị giải thể
cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi công ty đã đăng ký kinh doanh; đăng
trên 1 tờ báo của Trung ương và báo địa phương trong 03 số liên tiếp về việc kết
thúc giải thể công ty.
3. Sau khi kết thúc quá trình giải thể của công ty,
toàn bộ hồ sơ, sổ kế toán của công ty bị giải thể, sổ sách liên quan đến quá
trình giải thể công ty phải được lưu trữ tại cơ quan quyết định thành lập công
ty theo đúng các quy định về lưu trữ tài liệu.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm
2015.
2. Bãi bỏ Thông tư số 38/2005/TT-BTC
ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính Hướng dẫn trình tự, thủ tục, xử lý
tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng
mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn xử lý./.
Nơi nhận:
- Ban bí thư TW;
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;
- VPQH, VP Chủ tịch nước; VPCP;
- VPTW Đảng và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- KTNN; VPBCĐTW PCTN;
- Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- HDND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp):
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị của Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|