BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1-BKH/DN
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 1 năm 1997
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01- BKH/DN NGÀY 29 THÁNG 1 NĂM
1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 56-CP NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 1996 CỦA CHÍNH
PHỦ VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH
Thi hành Nghị định số 56/CP ngày
2 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động công
ích; sau khi trao đổi với Ban chỉ đạo Trung ương Đổi mới doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn cụ thể việc xác định DNNN hoạt động công ích và việc Nhà nước
giao kế hoạch hàng năm hoặc đặt hàng cho DNNN hoạt động công ích như sau:
I. XÁC ĐỊNH DOANH
NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH
Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động
công ích là DNNN độc lập hoặc DNNN là thành viên hạch toán độc lập của Tổng
công ty nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc sản xuất
sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước, do Nhà nước
giao kế hoạch hoặc đặt hàng và theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định,
hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận.
Các DNNN hoạt động công ích nêu
trên bao gồm:
1. Các DNNN trực tiếp thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh:
- Các DNNN sản xuất, sửa chữa vũ
khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh đã được quyết định
thành lập lại và thành lập mới theo Nghị định 388/HĐBT và đã được phê duyệt
trong phương án tổng thể tổ chức, sắp xếp lại DNNN theo chỉ thị số 500/TTg ngày
25 tháng 8 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ mà công nghệ và nhiệm vụ chủ yếu của
doanh nghiệp là sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc
phòng, an ninh.
- Các DNNN được thành lập để trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: trực tiếp xuất, nhập khẩu vũ khí,
khí tài, vật tư, trang thiết bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh; rà phá
bom, mìn; xây dựng công trình đặc biệt; in, xuất bản và phát hành sách báo, tài
liệu chuyên về quốc phòng, an ninh; các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đặc biệt,
duy trì tiềm lực quốc phòng.
- Các DNNN được thành lập tại
các địa bàn chiến lược quan trọng như vùng biên giới, hải đảo, Tây nguyên để thực
hiện nhiệm vụ chủ yếu Nhà nước giao là bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị,
xã hội trên địa bàn kết hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề
phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Các DNNN sản xuất sản phẩm,
cung ứng dịch vụ công cộng có ít nhất 70% doanh thu do sản xuất sản phẩm, cung ứng
dịch vụ trong các lĩnh vực sau đây:
- Giao thông, công chứng đô thị:
vận tải hành khách công cộng, dịch vụ vệ sinh môi trường và bảo vệ môi trường
sinh thái, quản lý công viên, cây xanh, vườn thú, bảo đảm chiếu sáng, cấp,
thoát nước, dịch vụ tang lễ... tại các đô thị.
- Quản lý, khai thác, duy tu bảo
dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng: đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thuỷ, bến cảng,
bảo đảm hàng hải, dẫn dắt tầu ra vào cảng biển, sân bay, điều hành bay.
- Kiểm định kỹ thuật phương tiện
giao thông đường bộ, đường thuỷ.
- Kiểm tra, kiểm soát và phân phối
tần số vô tuyến điện.
- Khai thác, bảo vệ các công
trình thuỷ lợi.
- Sản xuất giống cây trồng, vật
nuôi: giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, giống cây rừng, giống
gia súc, gia cầm, giống thuỷ, hải sản, bao gồm cả sản xuất tinh và truyền tinh
nhân tạo cho gia súc.
- Sản xuất và phát hành sách
giáo khoa, sách báo chính trị.
- Sản xuất và phát hành phim thời
sự, tài liệu, khoa học, phim truyền hình, phim cho thiếu nhi.
- Sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch
vụ theo chính sách xã hội của Nhà nước: sản xuất và cung ứng muối ăn, chiếu
bóng, cung ứng các hàng hoá dịch vụ khác theo quy định của Chính phủ phục vụ miền
núi, vùng cao, biên giới, hải đảo; sản xuất, cung ứng thuốc phòng chống dịch
cho người, cây trồng và vật nuôi; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ cho người
tàn tật.
Doanh thu do sản xuất sản phẩm,
cung ứng dịch vụ công cộng được tính trên cơ sở doanh thu thực tế của doanh
nghiệp trong hai năm gần nhất.
II. QUYẾT ĐỊNH
DNNN HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH
1. Đối với các DNNN đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt trong phương án tổng thể tổ chức, sắp xếp lại DNNN
theo Chỉ thị số 500/TTg ngày 25 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ:
Căn cứ vào các tiêu thức quy định
tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị định số 56/CP và hướng dẫn thực hiện tại Thông tư
này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và quyết
định cho từng doanh nghiệp trong số các DNNN đang hoạt động thuộc ngành, địa
phương mình là doanh nghiệp hoạt động công ích.
Đối với các DNNN quy định lại điểm
2, mục I của Thông tư này đã được quyết định là doanh nghiệp hoạt động công
ích, nếu sau hai năm liên tiếp, doanh thu của doanh nghiệp do sản xuất sản phẩm,
cung ứng dịch vụ công cộng không đạt 70% doanh thu, thì cơ quan quyết định
thành lập doanh nghiệp xem xét, phân định lại không quyết định là doanh nghiệp
hoạt động công ích.
Trường hợp DNNN hoạt động trong
các lĩnh vực quy định tại điểm 2, mục I của Thông tư này chưa được quyết định
là doanh nghiệp hoạt động công ích, nếu đạt được 70% doanh thu do sản xuất sản
phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng trong hai năm liên tiếp thì sẽ được cơ quan
quyết định thành lập doanh nghiệp xem xét để quyết định là doanh nghiệp hoạt động
công ích
Cơ quan quyết định doanh nghiệp
nhà nước hoạt động công ích gửi danh sách các DN hoạt động công ích thuộc
ngành, địa phương mình đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
2. Thành lập mới DNNN hoạt động
công ích:
Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ hoạt
động công ích và năng lực của các DNNN hoạt động công ích hiện có trong ngành,
lĩnh vực và trên địa bàn, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã, Hội đồng quản trị
của Tổng công ty nhà nước đề nghị thành lập mới DNNN hoạt động công ích thuộc
ngành, địa phương hoặc Tổng công ty mình.
Trình tự, thủ tục thành lập DNNN
hoạt động công ích thực hiện theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28 tháng
8 năm 1996 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
III. GIAO KẾ
HOẠCH HOẶC ĐẶT HÀNG CHO DNNN HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH
1. Các chỉ tiêu giao kế hoạch hoặc
đặt hàng:
- Các DNNN hoạt động công ích
căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động đã được xác định trong quyết
định thành lập doanh nghiệp để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về hoạt động
công ích và các hoạt động khác (nếu có) gửi cơ quan quyết định thành lập doanh
nghiệp và cơ quan tài chính cùng cấp.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương giao kế hoạch hàng năm hoặc đặt hàng cho DNNN
hoạt động công ích thuộc ngành, địa phương mình gồm các chỉ tiêu sau đây:
+ Số lượng và chất lượng sản phẩm
sản xuất, cung ứng dịch vụ công cộng.
+ Thời gian và địa chỉ giao nhận
sản phẩm, dịch vụ công cộng.
+ Đơn giá thanh toán sản phẩm, dịch
vụ công cộng.
+ Đơn giá trợ cấp, trợ giá cho từng
sản phẩm, dịch vụ công cộng do cấp có thẩm quyền quyết định.
+ Dự toán thu, chi ngân sách
(trong phạm vi dự toán ngân sách hằng năm của Bộ, địa phương được duyệt).
- Hằng năm, cơ quan giao kế hoạch
hoặc đặt hàng tổ chức nghiệm thu số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công cộng
hoàn thành được Nhà nước thanh toán cho DNNN hoạt động công ích.
2. Giao kế hoạch hoặc đặt hàng đối
với DNNN hoạt động công ích trong một số lĩnh vực:
a- Đối với các doanh nghiệp trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ giao
chỉ tiêu số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm cho quốc phòng, an
ninh.
b- Riêng đối với các doanh nghiệp
tại địa bàn chiến lược, đây là DNNN hoạt động công ích đặc thù. Để thực hiện
nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn khi có thiên tai, địch hoạ xảy
ra, Nhà nước giao chỉ tiêu số lượng và chất lượng lao động có mặt thường xuyên
tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch
Nhà nước giao về lao động, doanh nghiệp lập kế hoạch sử dụng có hiệu quả số lượng
và chất lượng lao động để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ phục vụ nền kinh
tế quốc dân, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động
công ích nói tại điểm a và b trên đây, được hưởng các chế độ ưu đãi cho DNNN hoạt
động công ích theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
c- Đối với các DNNN hoạt động
công ích khác, Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng về số sản phẩm, dịch vụ
công cộng chiếm từ 70% doanh thu của doanh nghiệp trở lên. Trường hợp sản phẩm,
dịch vụ Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng không đảm bảo đủ 70% thì doanh
nghiệp vẫn được hưởng chế độ ưu đãi tương ứng với số lượng, chất lượng sản phẩm
dịch vụ mà doanh nghiệp thanh toán với Nhà nước.
Ngoài nhiệm vụ thực hiện chỉ
tiêu Nhà nước giao hoặc đặt hàng, doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh các
sản phẩm dịch vụ khác để tận dụng năng lực sản xuất nhưng phải đảm bảo các điều
kiện sau:
- Phải được cơ quan quyết định
thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản.
- Không làm ảnh hưởng đến việc
thực hiện nhiệm vụ công ích Nhà nước giao hoặc đặt hàng.
- Đăng ký bổ sung ngành nghề
kinh doanh theo quy định hiện hành.
- Hạch toán riêng phần hoạt động
kinh doanh.
- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối
với phần hoạt động kinh doanh thêm, theo quy định của pháp luật.
d- Đối với các DNNN hoạt động
kinh doanh, nếu được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng giám đốc Tổng công ty, Chủ tịch UBND tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương giao chỉ tiêu kế hoạch hoặc đặt hàng sản xuất các sản
phẩm, dịch vụ công ích thì cũng được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các
chế độ ưu đãi khác của Nhà nước tương ứng với phần sản phẩm hoặc dịch vụ công
ích đó.
IV. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc, các cơ quan và doanh nghiệp phản ảnh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu
tư để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.