VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
82/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI CÁC TẬP
ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Ngày 10 tháng 3 năm 2010, tại Hà Nội,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với
các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch
năm 2010. Cùng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp,
Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát
triển doanh nghiệp; lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng
Trung ương Đảng; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng
Nai, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Bình Dương.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo
Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về một số nét hoạt động của các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước năm 2009; báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung
của Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về những giải
pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Năm 2009, nền kinh tế nước ta gặp
nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế
giới. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành chặt chẽ, quyết
liệt, có hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo
đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế được lạm phát, hệ thống tài chính
– ngân hàng giữ ổn định và tiếp tục phát triển, duy trì được tốc độ tăng trường
kinh tế khá cao, đạt 5,32%; huy động nguồn vốn đầu tư lớn cho phát triển; bảo đảm
an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tốt hơn năm 2008; đẩy mạnh cải cách hành
chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữ vững ổn định chính trị và trật
tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; nâng cao vị thế của đất
nước trên trường quốc tế.
Kết quả trên đây có sự đóng góp
quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt
là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thủ
tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã
nỗ lực, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch năm 2009, bảo đảm việc làm cho người
lao động, chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo
và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cũng qua đó, lãnh đạo các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước đã có bước trưởng thành, tự tin, có thêm kinh nghiệm,
bản lĩnh vượt qua khó khăn để phát triển.
Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động
của doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn, tổng công ty nói riêng vẫn
còn những hạn chế, nổi lên là năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả
và sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; đầu tư có nơi vẫn còn dàn trải, một
số dự án kém hiệu quả; một số doanh nghiệp thành viên thua lỗ kéo dài chưa được
xử lý triệt để; ứng dụng và đầu tư cho khoa học công nghệ có tiến bộ nhưng còn
thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Bước vào năm 2010, kinh tế thế
giới đã phục hồi và đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Trong nước, những kết
quả quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 là cơ sở và
động lực để cả nước phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của
năm 2010 là bảo đảm tăng trưởng đạt mức 6,5%, không để lạm phát cao trở lại, bảo
đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Để góp phần cùng cả nước đạt
được các mục tiêu trên, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung thực
hiện tốt các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết
số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu
chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán
ngân sách nhà nước năm 2010. Đề cao trách nhiệm trước đất nước, trước Chính phủ
và nhân dân; rà soát lại kế hoạch, có giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh,
xuất khẩu, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch năm 2010 với mức tăng trưởng bình quân
khoảng 10%. Trong đó phải chú ý đến các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp; đầu tư mạnh hơn vào công
tác nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, xây dựng và
phát triển thương hiệu; mở rộng thị trường; chú trọng công tác bảo đảm chất lượng,
an toàn, vệ sinh thực phẩm, thuốc chữa bệnh, bảo vệ môi trường v.v…
Tiếp tục rà soát danh mục các dự án
đầu tư để triển khai có hiệu quả, đặc biệt là thu xếp vốn và tổ chức thực hiện
các dự án quan trọng, dự án phải hoàn thành trong năm 2010 bảo đảm đúng tiến độ;
không khởi công các dự án chưa thực sự cấp thiết, không hiệu quả, chưa đủ thủ tục
theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử
lý các vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Khẩn trương triển khai các dự án
đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, bảo đảm
có hiệu quả.
b) Phát huy vai trò nòng cốt của
doanh nghiệp nhà nước, góp phần cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát; tính toán,
xác định giá cả hàng hóa hợp lý, không để giá tăng cao. Các doanh nghiệp phải
thực hiện công khai, minh bạch về giá; tránh đầu cơ tăng giá, góp phần bảo đảm
cung ứng đầy đủ những mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm xuất khẩu để ổn định thị
trường. Các tổng công ty trong lĩnh vực nông nghiệp (lương thực, cà phê, cao
su, …) phải cố gắng tổ chức thu mua hết nông sản hàng hóa cho nông dân, công
nhân nông nghiệp với giá bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lãi; đối với
nông dân trồng lúa, bảo đảm mức lãi suất tối thiểu là 30%. Các tổng công ty
lương thực cần có biện pháp liên kết hiệu quả với tư thương trong việc mua lúa,
gạo của nông dân.
c) Góp phần thực hiện chính sách an
sinh xã hội, giữ ổn định giá tiêu dùng (điện, than, xăng dầu, lương thực, …), bảo
đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, tích cực tham gia hỗ trợ các huyện
nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đóng góp quỹ từ thiện theo khả
năng của doanh nghiệp và phù hợp với quy định của pháp luật.
d) Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới,
nâng cao hiệu quả và phát triển doanh nghiệp nhà nước:
- Thực hiện theo đúng kế hoạch sắp
xếp doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh công tác cổ phần
hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đối với những doanh nghiệp không kịp cổ phần
hóa trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 thì chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên 100% vốn nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Kiên quyết
bán, giải thể, phá sản, sắp xếp lại các tổng công ty, các doanh nghiệp hoạt động
kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; có biện pháp không để phát sinh mới các doanh
nghiệp thua lỗ;
- Tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại
các đơn vị thành viên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạn chế cạnh
tranh nội bộ; rà soát lại ngành nghề kinh doanh để tập trung vào ngành kinh
doanh chính và phụ trợ; việc phát triển kinh doanh trong các ngành khác phải được
lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của các tập đoàn, tổng
công ty và đúng quy định của pháp luật;
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo
cáo; công khai, minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp để làm cơ sở cho
công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát;
- Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ
máy quản lý, bố trí đúng cán bộ; lãnh đạo doanh nghiệp phải giữ gìn phẩm chất đạo
đức, đoàn kết nội bộ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và nội quy, quy
chế của doanh nghiệp.
đ) Về tổ chức thực hiện:
- Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực
hiện cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, giữ ổn định kinh tế vĩ
mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hợp lý để bảo đảm tăng
trưởng, tính thanh khoản của nền kinh tế, không để lạm phát cao. Các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước phải huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển, Chính phủ
sẽ xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với các dự án quan trọng;
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm trình Chính phủ các biện pháp kỹ
thuật cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu phù hợp với
các cam kết quốc tế;
- Các Bộ: Tài chính, Công thương và
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế,
chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ban hành theo thẩm quyền
hoặc trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách khuyến khích xuất khẩu (về thuế,
vốn, quản lý ngoại hối, …);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương
trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu
nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; trong đó, nghiên cứu để giao
thêm quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh
doanh, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước;
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối
hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng
thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; các Bộ, địa phương, doanh nghiệp
chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có định hướng về chính sách
của Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp để tạo đồng thuận trong xã hội;
- Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm
tổng hợp các kiến nghị của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc giao các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các cơ quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ trưởng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội và các UB của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|