VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 01 năm 2014
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA
PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM
2013 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2014 CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM
Ngày 17 tháng 01 năm 2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính
phủ Hoàng Trung Hải đã tham dự Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2013
và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp
cao su Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam,
ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã
có ý kiến chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Năm 2013 là năm có nhiều khó khăn,
thách thức đối với nền kinh tế, trong đó tổng cầu và giá các mặt hàng nông sản
nói chung và cao su nói riêng đều giảm so với năm 2012. Nhưng với nỗ lực rất
lớn của bà con nông dân, các doanh nghiệp, các địa phương, với sự chỉ đạo điều
hành quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính
phủ ngay từ đầu năm nên kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát
được kiềm chế, kinh tế tăng trưởng khá; các doanh nghiệp, người sản xuất tiếp
cận vốn thuận lợi hơn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; cơ cấu vốn
sử dụng tốt hơn; ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, kim ngạch xuất
khẩu nông sản đạt trên 27,5 tỷ USD, có xuất siêu lớn, góp phần tích cực vào cán
cân thương mại của cả nước, tạo đà tăng trưởng cho năm 2014 và các năm tiếp
theo.
Trong điều kiện khó khăn chung của
nền kinh tế, lại bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ ở các tỉnh miền Trung, Tập
đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện nghiêm
túc tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 05
tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là thoái vốn các dự án ngoài ngành
sản xuất chính; chỉ đạo sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành hầu hết các
mục tiêu đã đề ra như cắt giảm chi phí, kiểm soát chặt chẽ giá thành sản phẩm, chăm
lo đời sống cho người lao động, sản xuất kinh doanh cao su có hiệu quả, vốn nhà
nước được bảo toàn và phát triển. Trong đó:
- Diện tích cao su đạt gần 400 ngàn
ha, tăng xấp xỉ 10% (gần 40 ngàn ha); trong đó diện tích cao su kinh doanh
168,5 ngàn ha, chăm sóc kiến thiết cơ bản gần 180 ngàn ha. Sản lượng cao su khai
thác (quy mủ khô) đạt gần 267 ngàn tấn, tăng 1,5%. Năng suất cao su bình quân
đạt gần 1,6 tấn/ha, thuộc mức năng suất cao của thế giới. Việc tái canh và trồng
mới đạt gần 44 ngàn ha, tăng 2,8%.
- Tổng sản lượng cao su chế biến đạt
338.734 tấn, tăng 2% (7.410 tấn); trong đó, sản lượng cao su thu mua 61.426
tấn, tăng 19% (10.462 tấn) so với kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2012 và
hơn 37% so với năm 2011, đã góp phần tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền, nâng
cao kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, bảo đảm thu nhập ổn
định cho người lao động.
- Chế biến gỗ, nhất là gỗ MDF, HDF có
sự phát triển với tốc độ tăng trưởng hơn 20%, cung cấp cho thị trường hơn
370.000 m3, đáp ứng 30% nhu cầu cả nước, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu gỗ
của cả nước. Chế biến sản phẩm cao su đạt kết quả khá, là hướng đầu tư đúng,
cần tăng cường mở rộng để cùng các ngành công nghiệp khác, tiến tới sử dụng
khoảng 30% sản lượng cao su cho chế biến.
- Tổng doanh thu năm 2013 đạt hơn
30.000 tỷ đồng; tổng lợi nhuận ước 5.500 tỷ đồng, giảm so với năm 2012 nhưng tỷ
suất lợi nhuận/vốn điều lệ ước đạt 21%, là mức cao so với các tập đoàn kinh tế
khác; nộp ngân sách gần 2.200 tỷ đồng.
- Tập đoàn phát triển cao su thành
cây chủ lực ở nhiều vùng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa
đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
quan tâm cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho gần 130.000 lao động, với
thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng; tham gia tích cực vào các
chương trình bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng trường, lớp học, hỗ trợ gia đình
chính sách, hộ nghèo, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của
thiên tai... Việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai nhanh, bước đầu đạt kết
quả tốt.
Với những thành quả nêu trên, Tập
đoàn đã khẳng định được vai trò là một Tập đoàn kinh tế nông nghiệp đứng đầu cả
nước và có vị thế ở khu vực; góp phần rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, xóa
đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở vùng sâu, vùng
xa, vùng biên giới; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh, chính trị, quốc phòng và cùng Đảng, Nhà nước củng cố, phát
triển mối quan hệ hữu nghị với các nước bạn.
2. Tuy nhiên, ngành cao su nói chung
và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp cao su nói riêng vẫn còn những
tồn tại, hạn chế chủ yếu là: Sản lượng cao su tiếp tục tăng nhưng giá giảm; thị
trường xuất khẩu còn đơn điệu, chưa đa dạng, dễ gặp rủi ro; chất lượng cao su
chưa cao, không đồng đều, không ổn định; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng sơ
chế, sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị, hiệu quả chưa nhiều; quản lý quy hoạch phát triển cao su, nhất là cao su
tiểu điền còn nhiều bất cập như vượt diện tích, không nằm trong khu vực phù hợp, dễ bị rủi ro do thiên tai, một số diện tích trồng mới trên đất rừng
nghèo chưa được khảo sát kỹ, chất lượng kém; chưa mạnh dạn chủ động thanh lý
vườn cây già cỗi để trồng tái canh bằng giống mới có năng suất cao; việc trồng
mới chưa bảo đảm tỷ lệ cơ cấu giống đã được khuyến cáo. Việc hoàn thiện các thủ
tục pháp lý đầu tư ở nước ngoài còn chậm.
II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG
NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM TRONG NĂM 2014 VÀ CÁC NĂM SAU:
Năm 2014, tình hình thế giới tiếp tục
diễn biến phức tạp, khó lường; lòng tin và nhu cầu thị trường nông sản còn
thấp. Tình hình trong nước có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó
khăn tiềm ẩn về nợ xấu ngân hàng, về tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp,
người sản xuất. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và đóng góp tích cực vào
tăng trưởng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế, tôi nhất trí với các nhiệm
vụ, giải pháp Tập đoàn đã đề ra, trong đó cần tập trung:
- Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tái cơ
cấu Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2013.
- Xây dựng chất lượng, thương hiệu
sản phẩm theo quy trình quản lý và quốc tế hóa để sản phẩm có giá trị gia tăng
cao hơn; đồng thời xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường
xuất khẩu mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro, xuất khẩu ổn định.
- Ngoài đầu tư chế biến các sản phẩm
sử dụng nguyên liệu từ mủ cao su, cần tập trung đầu tư chế biến các sản phẩm gỗ
có lợi thế, hiệu quả cao như sản phẩm gỗ MDF để khai thác
hết tiềm năng của ngành cao su và gỗ rừng trồng ở các vùng khác nhằm giải quyết
thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
- Phát triển cao su: Hiện diện tích
cao su đã vượt trên 100.000 ha so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, do đó cần tập trung ưu tiên nâng
cao năng suất, chất lượng vườn cây để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện
tích. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa
phương, Tập đoàn rà soát lại quy hoạch theo đúng quy định
tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/01/2012 về phê duyệt quy hoạch tổng thể
phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để điều chỉnh quy mô, mở rộng phát triển cao su phù hợp, hiệu quả, bền vững; đặc biệt cần chú ý đối với những vùng dễ chịu
tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan; bảo đảm việc trồng cao su
phải thực hiện theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về phát triển cao su ở nước ngoài:
Tập đoàn cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và phía bạn, tập trung hoàn
thiện hồ sơ pháp lý đối với các dự án đã triển khai, bảo đảm phù hợp với quy
định của nước sở tại và nghiên cứu đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty cao su để
thu hồi và bảo toàn vốn Nhà nước.
- Phát huy thế mạnh
về khoa học công nghệ, tiếp tục nghiên cứu phát triển các giống mới, kể cả
nhập, trao đổi với các nước để có nhiều giống tốt, phù hợp với các vùng sinh
thái khác nhau, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư
nhằm huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế phát triển cao su; Tập đoàn
cần tổng kết thí điểm cổ phần hóa các doanh nghiệp để rút kinh nghiệm, mở rộng
cổ phần hóa theo lộ trình, phù hợp với Nghị quyết mới của
Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty nông
lâm nghiệp. Đồng thời Tập đoàn phải giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu, sản
xuất, cung ứng giống, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực kỹ
thuật chuyên ngành cao su của cả nước; thực hiện hợp tác,
liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp và
các thành phần kinh tế khác.
- Bên cạnh tiếp tục chăm lo nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trong năm tới cần đánh giá về
năng suất lao động và coi đây là một trong những nội dung của tái cơ cấu để đáp
ứng yêu cầu cạnh tranh.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành
chính, công khai minh bạch, dân chủ hóa trong toàn bộ hoạt động của Tập đoàn,
hoạt động của từng doanh nghiệp; đồng thời thông tin tuyên truyền, tạo đồng
thuận trong doanh nghiệp và xã hội về các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập
đoàn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP
CAO SU VIỆT NAM:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Tập đoàn để xử lý theo thẩm
quyền hoặc đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, trong đó
lưu ý:
1. Định hướng quản lý chất lượng: Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo quyết liệt; Tập đoàn cần phối
hợp chặt chẽ với Hiệp hội cao su Việt Nam trong việc thống nhất quản lý chất
lượng, tránh tình trạng bán sản phẩm kém chất lượng, bán phá giá, gây thiệt hại
cho doanh nghiệp và ngành cao su.
2. Chuyển đất rừng nghèo kiệt sang
trồng cao su: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, Tập đoàn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại văn bản số 5824/VPCP-KTN ngày 30/6/2013 về rà soát dự án chuyển đổi rừng
trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg
ngày 27/9/2011 để bảo đảm phát triển hiệu quả,
kiên quyết không phá rừng để trồng cao su.
3. Về quy mô diện tích cao su của Tập
đoàn; Tập đoàn cần tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng vườn cây; Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét kiến nghị điều chỉnh diện tích phát
triển cao su của Tập đoàn cho phù hợp.
4. Đối với các dự án cao su ở nước
ngoài: Thống nhất với đề nghị của Tập đoàn về từng bước cổ phần hóa các công ty
để thu hồi vốn nhanh; Tập đoàn cần phối hợp với các Bộ liên quan hoàn chỉnh các
thủ tục pháp lý ở Việt Nam và nước ngoài để triển khai được thuận lợi.
5. Phát triển cao su ở miền núi phía
Bắc: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sơ kết
5 năm phát triển cao su ở khu vực này để đưa ra kế hoạch phát triển tiếp theo.
6. Thực hiện Đề án tái cơ cấu: Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết.
7. Về nguồn vốn đầu tư phát triển cao
su: Áp dụng theo các quy định hiện hành, Tập đoàn cần xây dựng các dự án cụ thể
để thực hiện vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số
75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà
nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Ngân hàng phát triển VN;
- Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, các Vụ: TKBT, KTTH, ĐMDN,
QHQT, V.III, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|