VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 200/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 7 năm 2022
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC
HỌP VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 VÀ TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Ngày 27 tháng 6 năm 2022,
tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp
về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện
các dự án trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tham dự cuộc họp có
Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần
Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng
Anh, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám
đốc EVN. Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN báo cáo, ý kiến của các
đại biểu tham gia cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như
sau:
1. Biểu dương, đánh giá
cao các nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và người lao động của
EVN trong thời gian qua trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ đối với ngành điện. Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng
cao những tháng đầu năm 2022 đã tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất điện
của hệ thống điện quốc gia, EVN đã nỗ lực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi
phí, chủ động tính toán vận hành hệ thống điện quốc gia linh hoạt, phù hợp và
không tăng giá bán lẻ điện, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội,
phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Để đạt được kết quả này,
thời gian qua đã có sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả của các Bộ, ngành
liên quan nhất là Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh
nghiệp, đặc biệt là sự quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, lãnh đạo triển
khai các công việc trọng điểm của tập thể lãnh đạo EVN.
2. Yêu cầu quan trọng
hàng đầu đối với ngành điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo là phải bảo đảm
cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuyệt đối không để
xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống,
đồng thời phải phát triển ngành điện bền vững, hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh
lành mạnh.
Thường trực Chính phủ đã
có chỉ đạo cụ thể về cung ứng điện và vấn đề cung cấp than, khí cho sản xuất
điện tại cuộc họp với EVN và các Bộ, ngành liên quan vào ngày 03 tháng 4 năm
2022 (Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Văn phòng Chính
phủ). Đồng chí Chủ tịch Hội đồng thành viên và đồng chí Tổng giám đốc EVN cần
tiếp tục bám sát các kết luận chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để chỉ đạo thực
hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả.
3. Việc đẩy nhanh tiến độ
thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện nói chung và các dự án trọng điểm của
EVN là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển của ngành điện nói
riêng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cho phát triển kinh tế chung của
đất nước. Do đó, yêu cầu EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ
Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần có quyết tâm cao nhất, làm hết trách
nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không được
trì trệ làm chậm tiến độ các dự án, đặc biệt là phải tăng cường công tác phối
hợp chặt chẽ có hiệu quả với các bộ, ngành liên quan, tất cả vì mục tiêu chung,
vì lợi ích quốc gia dân tộc.
4. Về các kiến nghị cụ
thể của EVN (tại văn bản số 3430/BC-EVN ngày 27 tháng 6 năm 2022):
a) Về các cơ chế đảm bảo
cân bằng tài chính:
- Giao Bộ Công Thương, Ủy
ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao
chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông
Bắc tăng cường các biện pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá thành khai thác than
trong nước, bảo đảm và xem xét việc tăng cường cung cấp đủ than cho sản xuất
điện theo các hợp đồng đã ký kết, dứt khoát không để thiếu than, thiếu điện cho
sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
- Bộ Công Thương xem xét,
xử lý theo thẩm quyền kiến nghị về cơ chế không bù giá công suất đối với các
nhà máy thủy điện trong tháng 7 năm 2022.
- EVN rà soát, báo cáo,
đề xuất cụ thể với các bộ chức năng về phí môi trường rừng và thuế tài nguyên
nước trong tháng 7 năm 2022.
- Bộ Công Thương, Bộ Tài
chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, giải quyết theo
thẩm quyền và quy định của pháp luật các vấn đề nhằm giải quyết, tháo gỡ về các
khó khăn tài chính phát sinh của EVN do chi phí mua điện tăng cao và không tăng
giá bán lẻ điện; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm
quyền.
b) Về các vấn đề liên
quan đầu tư các dự án điện trọng điểm của EVN:
- Về Dự án nhà máy thủy
điện Hòa Bình mở rộng: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan
tập trung, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành
tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ để
xem xét, quyết định việc thi công trở lại hay không đối với Dự án trong tháng 7
năm 2022.
- Về việc chuyển đổi mục
đích sử dụng rừng của Dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan
rà soát, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trong
tháng 7 năm 2022.
- Về Dự án nhà máy nhiệt
điện Ô Môn III: Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê
Văn Thành xử lý theo quy định về đề nghị Dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư
của ngành điện và của Nhà nước.
Đây là dự án thuộc Chuỗi
dự án khí - điện Lô B (dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí) cần được triển
khai đồng bộ để sớm đưa vào vận hành khai thác đem lại hiệu quả kinh tế chung
cho đất nước. Do đó, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ, cơ
quan liên quan khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn đọng theo thẩm quyền và quy
định của pháp luật để cấp có thẩm quyền sớm xem xét, quyết định chủ trương đầu
tư Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III.
c) Về đề nghị tiếp tục
nhập khẩu điện từ Lào sau năm 2025: Bộ Công Thương rà soát, thúc đẩy hợp tác
mua bán điện với Lào đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
d) Về các vấn liên quan
đến khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của EVN: Giao Ủy ban Quản lý vốn
nhà nước tại doanh nghiệp xem xét kiến nghị của EVN, phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan xem xét cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung phù hợp,
hiệu quả chung tốt nhất.
đ) Về kiến nghị cho phép
EVN tiếp nhận tài sản và vận hành các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3:
Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê
Minh Khái tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Văn phòng
Chính phủ.
e) Về kiến nghị mua điện,
huy động các dự án điện gió và điện mặt trời đã đầu tư xây dựng song không đủ
điều kiện áp dụng biểu giá cố định đã hết hiệu lực: Đây là lĩnh vực đã có phân
công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo cụ thể. Bộ Công Thương khẩn
trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về vấn
đề này; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các Bộ: Tài chính, Tư
pháp, Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, cũng như
xây dựng cơ chế xây dựng quy định giá điện gió cho các dự án đầu tư mới theo cơ
chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua điện hợp lý và mức độ
khuyến khích phát triển hợp lý theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của
pháp luật, đặc biệt chú ý hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhân dân.
Thực hiện đấu thầu đấu giá theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm để xảy ra
tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và "chạy" dự án, "xin cho"
dự án.
g) Ủy ban Quản lý vốn nhà
nước tại doanh nghiệp khẩn trương xem xét, giải quyết các kiến nghị cụ thể của
EVN theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, không để ách tắc do các thủ tục
làm chậm tiến độ triển khai các dự án.
Văn phòng Chính phủ thông
báo để các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh
nghiệp, EVN và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để
b/c);
- Các Bộ: CT, TC, KHĐT, NNPTNT;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
các Vụ: TH, KTTH, NN, QHQT, ĐMDN;
- Lưu: VT, CN (2). nvq
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|