ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 99/QĐ-UBND
|
Bình Định,
ngày 10 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 461/QĐ-TTG
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN 15.000 HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP
HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH ĐỊNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày
27/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác
xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ
trình số 03/TTr-SNN ngày 04/01/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện
Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển
15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến
năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp
và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, chịu trách nhiệm
thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Châu
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 461/QĐ-TTG CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN 15.000 HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP
TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Căn cứ Quyết định số
3594/KH-BNN-KTHT ngày 13/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê
duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động
có hiệu quả đến năm 2020”; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 13/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
I. NỘI
DUNG
1. Thành lập mới 80 hợp
tác xã nông nghiệp;
2. Có 206 hợp tác xã
nông nghiệp hoạt động hiệu quả;
3. Có tối thiểu 15 hợp
tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
4. Có trên 50% hợp
tác xã nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản (tương
đương 113 hợp tác xã).
(Phụ lục 1 kèm theo).
II. NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Củng cố nâng cao hiệu
quả các hợp tác xã nông nghiệp
a. Xử lý dứt điểm việc
giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém không củng
cố được
Trong năm 2019, rà soát, xác
định số lượng, chỉ đạo và lập phương án xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém
không củng cố được. Xử lý tài sản khi hợp tác xã nông nghiệp giải thể thực hiện
theo hướng dẫn của Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ và
Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính.
(Phụ lục 2 kèm theo).
b. Nâng cao chất lượng
hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trung bình, yếu để đạt tiêu chí hợp
tác xã hoạt động có hiệu quả
Theo kết quả đánh giá, phân
loại hợp tác xã nông nghiệp năm 2017, trong số 153 hợp tác xã nông nghiệp có 66
hợp tác xã (tương đương 43,1%) hoạt động trung bình, 36 hợp tác xã (tương đương
23,5%) hoạt động yếu. Các huyện, thị xã, thành phố cần có các biện pháp cụ thể
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng hoạt động cho các hợp tác xã
này nhằm đạt tiêu chí hiệu quả, cụ thể:
- Hướng dẫn các hợp tác xã
xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi
phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới
có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất
theo theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối với các doanh nghiệp ổn định đầu ra.
- Tạo điều kiện cho các hợp
tác xã tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn
mới như: nước sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường, chợ nông thôn, ngành nghề
nông thôn, tham gia thực hiện dự án/mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa
phương để các hợp tác xã tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên.
c. Duy trì và nâng
cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả
- Hướng dẫn và hỗ trợ các hợp
tác xã rà soát, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó
tập trung vào các nội dung: đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, lựa chọn cây trồng, vật
nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường công tác đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, sản xuất cho cán bộ và thành viên hợp tác
xã (trong đó có thí điểm đưa cán bộ về hợp tác xã theo Thông tư số
340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính và Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 1801/QĐ-BNN-KTHT ngày
21/5/2018).
- Tạo điều kiện cho các hợp
tác xã vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước
nhất là tiếp cận Quỹ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của
Hội Nông dân để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất.
- Quan tâm hỗ trợ xây dựng
các mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu hàng
hóa để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thị trường đầu ra ổn định.
2. Thành lập mới và tạo
điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả
Các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo, thực hiện việc tuyên truyền, vận động, tạo
điều kiện thành lập mới 80 hợp tác xã nông nghiệp đến 2020, trong đó 66 hợp tác
xã, liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành và 14 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
Năm 2019, cả tỉnh thành lập
mới ít nhất 10 hợp tác xã nông nghiệp ở lĩnh vực mà các địa phương có lợi thế
so sánh, trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập mới 01 hợp tác xã
nông nghiệp làm điểm. Năm 2020, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục vận động
và tạo điều kiện thành lập mới đủ số lượng phân bổ, bao gồm hợp tác xã nông
nghiệp và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
(Phụ lục 3,4 kèm theo).
a. Cơ sở để thúc đẩy
việc thành lập hợp tác xã
- Thành lập mới hợp tác xã
nông nghiệp chuyên ngành:
Thành lập mới hợp tác xã
nông nghiệp chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp)
thực hiện mục tiêu chủ yếu là liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân
tán trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm để đồng bộ hóa khâu sản xuất
theo hướng an toàn, giảm chi phí trung gian, liên kết với doanh nghiệp thực hiện
tiêu thụ tập trung thông qua hợp đồng. Các hợp tác xã này có quy mô phù hợp với
từng loại sản phẩm, tối thiểu 7 thành viên. Cụ thể:
+ Nhóm hộ nông dân, người
lao động sản xuất giỏi cùng ngành nghề sản xuất, canh tác, có sản lượng hàng
hóa nông sản tương đối lớn, có khả năng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng
chưa tìm được đầu ra ổn định.
+ Nông dân trong vùng sản xuất
được quy hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, được xác định là
nông sản chủ lực của tỉnh cần liên kết lại để tổ chức lại sản xuất theo quy
trình đồng bộ, thu hút doanh nghiệp tham gia để hình thành vùng nguyên liệu chất
lượng cao cho công nghiệp chế biến.
+ Nhóm các chủ trang trại có
quy mô sản xuất tương đối lớn, liên kết để hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm
chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.
+ Các tổ hợp tác đang hoạt động
có hiệu quả, có hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ và chế biến nông sản cần
nâng cấp để có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh.
- Thành lập hợp tác xã dịch
vụ nông nghiệp:
+ Các chủ sở hữu, người lao
động tham gia tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
liên kết lại thành hợp tác xã để thực hiện trọn vẹn từ khâu sản xuất đến chế biến
và tiêu thụ sản phẩm theo hệ thống phân phối của OCOP, đăng ký nhãn hiệu hàng
hóa và được bảo hộ bởi biểu tượng của OCOP.
+ Các hộ dân, hộ kinh doanh
trong làng nghề ở nông thôn gắn kết lại thành hợp tác xã để giải quyết các công
đoạn từ thiết kế mẫu mã sản phẩm, cung ứng nguyên nhiên liệu đến sản xuất và
tiêu thụ, nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tiếp
cận thị trường số đông.
+ Thành lập mới hợp tác xã ở
các xã xây dựng nông thôn mới thực hiện các dịch vụ công ích như: Quản lý chợ,
nghĩa trang, cung cấp dịch vụ nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường nông
thôn...
+ Các hộ nông dân, chủ trang
trại, hộ kinh doanh dịch vụ ăn, uống, lưu trú, vận tải liên kết lại để tổ chức
dịch vụ du lịch nông thôn.
- Thành lập liên hiệp hợp
tác xã nông nghiệp:
Kết nối với các hợp tác xã
đang thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lúa giống với các
doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Phước hoặc thị xã An Nhơn để xây dựng
phương án kinh doanh tổ chức một số dịch vụ chung nhằm tận dụng lợi thế về quy
mô sản xuất, tiến tới phấn đấu thành lập 01 liên hiệp hợp tác xã chuyên sản xuất
lúa giống.
b. Tạo điều kiện cho
các hợp tác xã thành lập mới hoạt động có hiệu quả
- Tăng cường công tác đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý tài chính, quản trị sản xuất kinh doanh cho
cán bộ và thành viên hợp tác xã. Tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã mới thành lập
xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có tính chất lâu dài để định hướng hoạt
động bền vững.
- Tăng cường hỗ trợ giới thiệu,
kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp để tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm theo
hợp đồng; có cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho hợp
tác xã.
- Huy động nguồn lực hợp tác
xã, nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách, vốn doanh nghiệp tham gia liên kết,
nguồn tín dụng, nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án và các nguồn vốn
hợp pháp khác để hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ
sản xuất, chế biến cho hợp tác xã.
3. Phát triển liên kết
theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh
- Củng cố và nâng cao hiệu
quả hoạt động của các hợp tác xã đang thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ nông
sản trên địa bàn, đồng thời phát triển mới liên kết gắn với tiêu thụ nông sản
trên cơ sở các hợp tác xã có tiềm năng hoặc thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp
có liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương.
- Chủ động rà soát các sản
phẩm chủ lực theo định hướng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các quy hoạch
của địa phương xác định danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến
khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm,
tập trung hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức lại sản xuất để kêu gọi
doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua hợp tác xã.
- Đối với một số ngành hàng
đã được đánh giá có tiềm năng như: lúa giống, bưởi da xanh, heo thịt hướng an
toàn, gỗ lớn rừng trồng, cá ngừ đại dương, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu
tư tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, thúc đẩy thành lập mới hợp tác xã của
những người nông dân tham gia vào khâu sản xuất trong chuỗi liên kết.
- Căn cứ Đề án “mỗi xã một sản
phẩm giai đoạn 2018 - 2020”, các địa phương vận động thành lập hợp tác xã nông
nghiệp để tổ chức sản xuất đảm bảo quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, thúc
đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, phát triển sản phẩm nông
sản đặc sản theo 06 nhóm đã được phê duyệt.
- Về chính sách hỗ trợ: Theo
quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính
sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
nông nghiệp và các chính sách khác của địa phương đối với từng ngành hàng.
(Phụ lục 5 kèm theo).
4. Phát triển hợp tác xã ứng
dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020
- Đối với 2 hợp tác xã ứng dụng
công nghệ cao hiện có (Phước Hiệp, Thuận Nghĩa): Hỗ trợ thực hiện việc quảng
bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy kết nối phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
rau sản xuất an toàn theo quy trình thực hành tốt VietGAP.
- Đối với các hợp tác xã
nông nghiệp đang hoạt động: Lựa chọn khoảng 10 hợp tác xã hoạt động hiệu quả,
có tiềm năng đất đai, vốn, hạ tầng phục vụ sản xuất, đang có hợp đồng liên kết
gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hoặc có nhu cầu tiếp cận và ứng
dụng công nghệ cao vào sản xuất để xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, trọng tâm là các mô hình công nghệ cao trong sản xuất giống
cây trồng vật nuôi, trồng trọt và canh tác theo hướng an toàn, bền vững.
- Đối với các lĩnh vực khác chưa
có hợp tác xã nông nghiệp (như chăn nuôi gia súc chất lượng cao, gia cầm, nuôi
tôm thẻ chân trắng, nuôi cá lồng bè, trồng cây gỗ lớn…): Tuyên truyền, vận động,
tư vấn kỹ thuật, công nghệ nhằm thúc đẩy các nhóm hộ dân, chủ trang trại sản xuất
giỏi, có năng lực về vốn hợp tác với nhau thành lập khoảng 3-5 hợp tác xã nông
nghiệp chuyên ngành ứng dụng công nghệ cao.
(Phụ lục 6 kèm theo).
III. TIẾN
ĐỘ THỰC HIỆN
1. Năm 2019
- Thành lập mới 10 hợp tác
xã nông nghiệp;
- Có 85 hợp tác xã nông nghiệp
hoạt động hiệu quả;
- Có tối thiểu 07 hợp tác xã
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Có khoảng 57 hợp tác xã
nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản.
2. Năm 2020
- Thành lập mới 70 hợp tác
xã nông nghiệp;
- Có 206 hợp tác xã nông
nghiệp hoạt động hiệu quả;
- Có tối thiểu 15 hợp tác xã
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Có trên 50% hợp tác xã
nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản (tương đương
113 hợp tác xã).
IV. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Các chính sách và nguồn
hỗ trợ
- Nguồn hỗ trợ phát triển hợp
tác xã tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 (thực hiện chính sách hỗ
trợ tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013) để hỗ trợ: Đầu tư phát
triển kết cấu hạ tầng; chế biến sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã
và đưa cán bộ trẻ có trình độ về hợp tác xã; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và
công nghệ mới; thành lập mới hợp tác xã.
- Nguồn vốn Chương trình Mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày
16/8/2016 để hỗ trợ: Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất
nông nghiệp; liên kết chuỗi giá trị giữa hợp tác xã với doanh nghiệp (chính
sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018); đổi mới tổ chức sản
xuất trong nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn (chính sách theo
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015; Nghị
định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015).
- Chương trình mục tiêu Tái
cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống
dân cư theo Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ hỗ
trợ kết cấu hạ tầng ứng dụng công nghệ cao ở các hợp tác xã sử dụng ngân sách đầu
tư công trung hạn.
- Chương trình khuyến nông
quốc gia hỗ trợ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên hợp tác xã và xây dựng
các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp.
- Hỗ trợ thuê đất phục vụ hoạt
động của hợp tác xã và hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để hợp tác xã
thực hiện các dịch vụ công ích, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị (Nghị
định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017); hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Nghị
định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018).
- Hỗ trợ thu hút, khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để liên kết với hợp tác xã
(Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 03/5/2018).
- Các chính sách hỗ trợ theo
chuyên ngành như: Thủy lợi phí (ưu tiên hợp tác xã tham gia hoạt động quản
lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo quy định của Luật
Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018); hỗ trợ đầu tư, bảo
vệ và phát triển rừng (theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của
Thủ tướng Chính phủ); hỗ trợ phát triển thủy sản (theo Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015).
- Huy động các nguồn lực từ
các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình, dự án tài trợ cho hợp tác xã
nông nghiệp; nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ nông dân
và các tổ chức tín dụng; vốn của doanh nghiệp tham gia liên kết và vốn đối ứng
của các hợp tác xã.
2. Kinh phí thực hiện:
25.890 triệu đồng.
(Hai mươi lăm tỷ, tám
trăm chín mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Ngân sách trung ương:
13.512 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương:
5.588 triệu đồng.
- Vốn đối ứng của hợp tác
xã, doanh nghiệp: 6.790 triệu đồng.
3. Tiến độ giải ngân
a. Năm 2019:
9.270 triệu đồng.
- Ngân sách trung ương:
4.996 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương:
1.804 triệu đồng.
- Vốn đối ứng của hợp tác
xã, doanh nghiệp: 2.470 triệu đồng.
b. Năm 2020: 16.620
triệu đồng.
- Ngân sách trung ương:
8.516 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương:
3.784 triệu đồng.
- Vốn đối ứng của hợp tác
xã, doanh nghiệp: 4.320 triệu đồng. (Phụ lục 7 kèm theo).
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế
hoạch này; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các địa phương thực hiện; tổng
hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện hàng năm.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ
sung các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày
27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định vào Đề án “Đổi mới,
phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Bình Định đến năm
2020, định hướng đến năm 2030".
- Phối hợp với Liên minh Hợp
tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng
Chương trình phối hợp, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện
các nhiệm vụ của Kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Sở Tài
chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh hàng
năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và vốn
sự nghiệp của ngân sách tỉnh, tham mưu lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự
án liên quan đảm bảo kinh phí thực hiện mục tiêu của kế hoạch.
3. Sở Tài chính
Trên cơ sở Kế hoạch này tiến
hành thẩm định, rà soát, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan để
tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn kinh phí để thực hiện.
4. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ xúc
tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông sản
theo ngành hàng; tạo điều kiện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp
tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình khuyến công của tỉnh và
quốc gia. Phối hợp kiểm tra việc tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Tổ chức thực hiện Quyết định
số 510/QĐ-LMHTXVN ngày 25/5/2018 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về Chương
trình hành động thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 phê duyệt Đề
án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả đến
năm 2020 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Tạo điều kiện cho các hợp
tác xã nông nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh
từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Trung ương và địa phương.
6. Hội Nông dân tỉnh
- Chỉ đạo Chi hội Nông dân
ưu tiên hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ
trợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh.
- Vận động các chủ trang trại,
nông dân sản xuất giỏi hợp tác, liên kết thành lập hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho thành viên hợp tác xã, chủ trang trại,
nông dân sản xuất giỏi là hội viên của Hội Nông dân.
7. Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh
và các đoàn thể chính trị - xã hội khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để
tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng mô hình hợp
tác xã nông nghiệp hiệu quả; vận động hội viên thành lập mới các hợp tác xã
nông nghiệp; phát động những phong trào thi đua trong tổ chức hội, đoàn để phát
triển hợp tác xã nông nghiệp.
8. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch các huyện,
thị xã, thành phố xây dựng hoặc rà soát các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về
phát triển hợp tác xã đã ban hành để điều chỉnh cho phù hợp, thực hiện đạt được
mục tiêu của tỉnh đề ra.
- Lựa chọn ngành hàng, có lợi
thế của địa phương để thúc đẩy việc thành lập mới hợp tác xã chuyên ngành nhằm
tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng.
- Bố trí nguồn kinh phí của
địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ xây dựng mô hình
liên kết gắn sản xuất gắn chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa
hợp tác xã và các doanh nghiệp.
- Định kỳ hàng năm (trước
05/12) các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết
quả thực hiện kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
(*) Hợp tác xã hoạt động hiệu
quả: Là HTX xếp loại Tốt, Khá theo quy định của Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT
ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn phân loại và
đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2019: 57 hợp tác xã nông
nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản (Gồm: 26 HTXNN đã có
liên kết chuỗi (I), 21 HTXNN được phát triển từ các HTX đang hoạt động (II), 10
HTX thành lập mới năm 2019 ở Phụ lục 4).
Năm 2020: 113 hợp tác xã
nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản (Gồm: I + II +
III).
(*) Xác định theo quy định tại
Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu
chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp
sạch, danh mục công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp.