ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5519/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
30 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH THANH
HÓA, GIAI ĐOẠN 2021-2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số
13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công
nghệ;
Căn cứ Nghị định số
80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ các Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ: số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh
thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; số 188/QĐ-TTg ngày
09/02/2021 phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg
ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số
45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định quản
lý tài chính thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến
năm 2025;
Căn cứ Kế hoạch hành động số
27-KH/TU ngày 13/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng
và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững,
giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số
3487/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Phát triển
doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số
5060/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn
2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 2243/TTr-SKHCN ngày 10/12/2021; của Giám
đốc Sở Tài chính tại Công văn số 7749/STC-HCSN ngày 09/12/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt “Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh
Hoá, giai đoạn 2021-2025”, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục
tiêu
1.1. Mục tiêu chung: Hỗ trợ
phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và hệ sinh thái khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học
công nghệ trong các doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh
nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn
với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
a) 100% các tổ chức, cá nhân,
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hình thành
và phát triển doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(ĐMST) đều được đáp ứng.
b) Hỗ trợ nghiên cứu, ươm tạo
công nghệ thành lập mới ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh
nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 lên 60 đơn vị.
c) Hỗ trợ nghiên cứu, thương mại
hóa, phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cho 15 doanh
nghiệp KH&CN.
d) Hỗ trợ phát triển 10 dự án
khởi nghiệp ĐMST; Hỗ trợ phát triển 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
đ) Thành lập và tổ chức hoạt động
Sàn giao dịch công nghệ và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
2. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
2.1. Đối tượng: Các cơ quan, tổ
chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động phát triển doanh nghiệp
KH&CN và khởi nghiệp ĐMST.
2.2. Phạm vi áp dụng: Chương
trình được áp dụng triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.
3. Nội dung
Chương trình
3.1. Nâng cao nhận thức về
doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy phong trào khởi
nghiệp ĐMST và phát triển doanh nghiệp KH&CN.
a) Nội dung hỗ trợ:
- Tổ chức tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo nhằm phổ biến pháp luật,
cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp KH&CN,
khởi nghiệp ĐMST, quy trình, thủ tục, mẫu biểu đăng ký chứng nhận doanh nghiệp
KH&CN...
- Xuất bản các tài liệu, cẩm
nang về doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp ĐMST.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh
nghiệp KH&CN; doanh nghiệp KH&CN tiềm năng, kết quả KH&CN và các ý
tưởng sáng tạo có tiềm năng phát triển thành sản phẩm; tổ chức các hội thảo
khoa học phục vụ công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi
nghiệp ĐMST của tỉnh.
- Vinh danh, khen thưởng đối với
các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động phát triển doanh nghiệp
KH&CN và khởi nghiệp ĐMST.
b) Hình thức hỗ trợ:
Hằng năm, Sở Khoa học và Công
nghệ căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế, lập kế hoạch
và dự toán kinh phí thực hiện; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3.2. Xây dựng và triển khai các
chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về doanh nghiệp
KH&CN và khởi nghiệp ĐMST phù hợp với từng đối tượng.
a) Nội dung hỗ trợ:
- Tập huấn về phát triển doanh
nghiệp KH&CN cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan: Ít nhất 01
lớp/năm.
- Đào tạo về khởi nghiệp ĐMST
cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có dự án, ý tưởng khởi
nghiệp ĐMST và các tổ chức, cá nhân liên quan: Ít nhất 01 lớp/năm.
b) Hình thức hỗ trợ:
Hằng năm, cơ quan, đơn vị được
phân công chủ trì căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế,
lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
theo quy định, cụ thể như sau:
- Tập huấn về phát triển doanh
nghiệp KH&CN: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan thực hiện.
- Đào tạo khởi nghiệp ĐMST: Sở
Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tuyển chọn
đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và năng lực để thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, Thông tư số
45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các quy định hiện
hành của pháp luật.
3.3. Cung cấp dịch vụ thông tin
công nghệ, thiết bị; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; không gian làm việc
chung phục vụ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
a) Nội dung hỗ trợ: Xây dựng và
tổ chức hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa nhằm tư vấn,
huấn luyện, đào tạo, truyền thông và cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, nhóm cá
nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; Sàn giao dịch công nghệ tỉnh Thanh Hóa nhằm
hỗ trợ cung cấp thông tin về công nghệ, thiết bị; ươm tạo công nghệ, ươm tạo
doanh nghiệp KH&CN; Đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ cung cấp dịch vụ về kiểm
định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, dịch vụ thử nghiệm
chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý tại
Trung dịch vụ kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Thanh Hóa.
b) Hình thức hỗ trợ: Thông qua
xây dựng và thực hiện các đề án, dự án đầu tư công. Các cơ quan, đơn vị giao chủ
trì xây dựng đề án, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như sau:
- Trường Đại học Hồng Đức chủ
trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan,
xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa;
- Trung tâm Thông tin, Ứng dụng,
Chuyển giao KH&CN Thanh Hóa: Chủ trì xây dựng dự án đầu tư Sàn giao dịch
công nghệ tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
- Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường,
Chất lượng Thanh Hóa: Chủ trì xây dựng dự án đầu tư trang thiết bị cho Trung dịch
vụ kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Thanh Hóa theo quy định của pháp
luật về đầu tư công.
3.4. Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp
ĐMST tỉnh Thanh Hóa và tham gia các Techfest quốc gia và khu vực cho các đối tượng:
Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp (thời gian thành lập dưới 5 năm)
có dự án, ý tưởng khởi nghiệp ĐMST.
3.4.1. Cuộc thi khởi nghiệp
ĐMST tỉnh Thanh Hóa:
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một
phần kinh phí chi giải thưởng cho tổ chức, cá nhân đạt giải; tổ chức xét chọn
và chấm giải thưởng (thuê chuyên gia phân tích, đánh giá; họp Hội đồng giám khảo);
thù lao đối với thành viên Ban Tổ chức và Ban Thư ký; hỗ trợ cho các tác giả đoạt
giải đi nhận giải thưởng; các khoản chi khác phục vụ công tác tổ chức Cuộc thi.
b) Hình thức hỗ trợ: Trường Đại
học Hồng Đức chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn Thanh
Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật Thanh Hóa, các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị liên quan, xây dựng
Kế hoạch tổ chức và Quy chế xét tặng giải thưởng Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh
Thanh Hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số
45/2019/TT - BTC ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cuộc thi khởi nghiệp
ĐMST tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất tổ chức vào năm 2022.
3.4.2. Hỗ trợ tham gia các sự
kiện ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest) Quốc gia và khu vực
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một
phần kinh phí thông tin tuyên truyền về sự kiện và chi phí hoạt động chung của
Ban tổ chức tham gia Techfest; thuê mặt bằng, vận chuyển trang thiết bị; thiết
kế, dàn dựng gian hàng; thuyết trình viên; hội nghị, hội thảo và chi phí khác
có liên quan.
b) Hình thức hỗ trợ: Sở Khoa học
và Công nghệ căn cứ thực tế tổ chức các sự kiện Techfest Quốc gia hoặc Techfest
khu vực, khả năng tham gia của tỉnh, lập kế hoạch và dự toán kinh phí tham gia
sự kiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3.5. Tổ chức hoạt động Câu lạc
bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một
phần kinh phí cho tổ chức hoạt động Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa
để tăng cường hỗ trợ pháp lý, tư vấn phát triển doanh nghiệp KH&CN và khởi
nghiệp ĐMST; tạo diễn đàn để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thông tin,
trao đổi kinh nghiệm trong ươm tạo, thành lập và phát triển doanh nghiệp
KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
b) Hình thức hỗ trợ: Hằng năm,
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Câu lạc bộ doanh nghiệp
KH&CN Thanh Hóa căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế,
lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
theo quy định.
3.6. Doanh nghiệp KH&CN
nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một
phần kinh phí cho doanh nghiệp KH&CN nghiên cứu, thương mại hóa, phát triển
sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã
hội, phát triển bền vững doanh nghiệp.
b) Hình thức hỗ trợ: Thông qua
việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh hằng năm theo quy định
hiện hành của pháp luật.
3.7. Phát triển doanh nghiệp khởi
nghiệp ĐMST
3.7.1. Hỗ trợ phát triển các dự
án khởi nghiệp ĐMST
a) Nội dung hỗ trợ: Thực hiện dự
án khởi nghiệp ĐMST nhằm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường
để hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được ưu tiên vay vốn từ Quỹ phát
triển khoa học và công nghệ Thanh Hóa.
b) Hình thức hỗ trợ: Thông qua
thủ tục vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thanh Hóa hằng năm theo
quy định hiện hành của pháp luật.
3.7.2. Hỗ trợ phát triển các
doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một phần
kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trả tiền công lao động trực tiếp,
kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ.
b) Hình thức hỗ trợ: Thông qua
việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh hằng năm theo quy định
hiện hành của pháp luật.
4. Nguồn
kinh phí thực hiện
a) Nguồn kinh phí sự nghiệp
khoa học và công nghệ trong dự toán ngân sách tỉnh hằng năm và nguồn đầu tư
phát triển khoa học và công nghệ.
b) Nguồn kinh phí từ ngân sách
địa phương bố trí để lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình với các
Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Chương trình phát triển
kinh tế - xã hội khác hàng năm của tỉnh.
c) Nguồn Quỹ phát triển khoa học
và công nghệ của tỉnh và của doanh nghiệp;
d) Nguồn kinh phí của các tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình và
kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với các
ngành, đơn vị có liên quan, lập kế hoạch, dự toán kinh phí hằng năm thực hiện
các nội dung của Chương trình và kinh phí cho công tác quản lý, hoạt động chung
của Chương trình; gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp các sở,
ban, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp, cá
nhân có liên quan, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình,
đảm bảo chất lượng, hiệu quả; định kỳ hằng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết
quả thực hiện.
c) Chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động tôn vinh,
khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động phát triển doanh
nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; tổ chức sơ kết Chương trình vào
năm 2023 và tổng kết Chương trình vào năm 2025.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính và các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét
ban hành chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu thực hiện nhiệm
vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước để hình thành doanh nghiệp
KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp
ĐMST; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với điều kiện
thực tế của tỉnh và quy định hiện hành của pháp luật.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan, trên cơ sở nội dung Chương trình và đề xuất của
các đơn vị, tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt bố trí
kinh phí thực hiện Chương trình hằng năm theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ
trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính và các đơn vị liên
quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng kết
cấu hạ tầng phục vụ phát triển doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp
ĐMST có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; tham mưu cho
UBND tỉnh, HĐND tỉnh bố trí vốn để triển khai thực hiện khi đủ điều kiện.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và UBND các huyện, thị
xã, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát
thanh và Truyền hình Thanh Hóa và các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp,
các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về mục đích, ý nghĩa của Chương
trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới: Công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh,
Trường Đại học Hồng Đức và các đơn vị có liên quan: Chủ động phối hợp với Sở
Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đối
với nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của ngành, đơn vị và nhiệm vụ cụ
thể được giao tại Chương trình này.
6. UBND các huyện, thị xã,
thành phố:
a) Tổ chức đẩy mạnh công tác
tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn về hoạt động
phát triển doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung và
Chương trình nói riêng.
b) Rà soát, lựa chọn, đề xuất
danh mục doanh nghiệp KH&CN tiềm năng trên địa bàn quản lý, phối hợp với Sở
KH&CN hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem
xét chứng nhận doanh nghiệp KH&CN khi có đủ điều kiện theo quy định của
pháp luật.
7. Tổ chức, cá nhân và doanh
nghiệp tham gia Chương trình: Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc
Chương trình; sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và thanh quyết toán nguồn kinh
phí được hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định hiện
hành của pháp luật.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (b/c);
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, PgNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Giang
|