QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
DỰ ÁN KHẢ THI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CAO SU QUỐC DOANH KHU VỰC TÂY NGUYÊN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9
năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban
hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ,
Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 năm 2000 về việc sửa đổi, bổ dung một
số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP
ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn
số 1383 BKH/VPTĐ ngày 12 tháng 3 năm 2001), Tổng công ty Cao su Việt Nam (công
văn số 1218/CV-TCT ngày 5 tháng 8 năm 2000) về việc phê duyệt Dự án Khả thi
chương trình phát triển cao su quốc doanh Tây Nguyên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Dự án Khả thi chương trình
phát triển cao su quốc doanh khu vực Tây Nguyên với nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án: Chương trình phát triển cao su
quốc doanh khu vực Tây Nguyên.
2. Chủ dự án: Tổng công ty Cao su Việt Nam.
3. Quy mô và địa điểm:
a) Quy mô:
- Diện tích trồng mới và chăm sóc cao su: 45.051
ha, trong đó, trồng mới 19.488 ha, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản 25.563 ha;
- Đầu tư xây dựng mới và mở rộng 11 nhà máy chế biến
cao su với tổng cộng suất tăng thêm 45.500 tấn cao su khô mỗi năm và tổng công
suất đạt 71.500 tấn/năm.
b) Địa điểm: tại 8 công ty cao su gồm: Krông Búk
(tỉnh Đắk Lắk), Ea-H’Leo (tỉnh Đắk Lắk), Chư Pảh (tỉnh Gia Lai), Chư Sê (tỉnh Gia
Lai), Chư Sê II (tỉnh Gia Lai), Măng Yang (tỉnh Gia Lai) và Kon Tum (tỉnh Kom
Tum).
4. Nội dung đầu tư:
a) Trồng mới và chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản;
b) Cải tiến kỹ thuật và các phương pháp cạo mủ cao
su ở các vườn cao su trong thời kỳ kinh doanh;
c) Xây dựng mới và mở rộng nhà máy chế biến cao
su;
d) Mua sắm xe máy, thiết bị chuyên dùng và xây dựng
cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sx và quản lý.
Việc triển khai thực hiện nội dung đầu tư nêu trên
được chia làm 2 bước:
Bước 1: Đầu tư chăm sóc 25.563 ha cao su thời kỳ
kiến thiết cơ bản;
Đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở chế biến hiện
có ở 8 công ty cao su;
Mua sắm thêm xe máy, thiết bị chuyên dùng và xây
dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sản xuất và quản lý.
Bước 2: Căn cứ tình hình thị trường cao su trong
nước và ngoài nước, và quỹ đất đai sẽ trồng mới 19.488 ha cao su;
Xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng cơ sở chế biến
cao su.
5. Tổng vốn đầu tư: dự kiến 1.360 tỷ đồng tương đương
93,864 triệu đô la Mỹ (tính theo tỷ giá 14.500 đồng = 1 đô la Mỹ). Tổng mức đầu
tư sẽ được chuẩn xác lại trên cơ sở xác định rõ diện tích trồng cao su mới, rà
soát lại suất đầu tư cho nông nghiệp, chế biến cao su và hợp phần kỹ thuật và
điều phối chương trình.
6. Nguồn vốn đầu tư:
a) Vốn ngoài nước: vốn vay của Quỹ phát triển của
Cộng hoà Pháp (AFD) theo các điều kiện tín dụng phát triển ưu đãi;
b) Vốn tín dụng đầu tư Nhà nước;
c) Vốn tự có của Tổng Công ty;
d) Vốn tự có của các Công ty.
7. Thời gian thực hiện dự án: bắt đầu từ năm 2001
đến hết năm 2010.
Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì cùng Tổng công ty Cao su Việt Nam làm việc với Uỷ ban nhân dân các
tỉnh có liên quan rà soát lại quỹ đất đai, quy hoạch kế hoạch phát triển sản
xuất nông nghiệp trên địa bàn để xác định số diện tích đất đai có thể trồng mới
cao su cho dự án.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có
liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho vay, lãi suất tiền vay và cho vay
lại của dự án.
Tổng công ty Cao su Việt Nam chỉ đạo các Công ty
cao su trong dự án tính toán cân đối cụ thể, lập và trình các dự án thành phần.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Khoa học, Công nghệ
và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.