ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
47/2011/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CỤM CÔNG
NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công Thương
quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành
kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Công văn số 2387/SCT-QLCN ngày
20 tháng 4 năm 2011 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 481/TTr-SNV ngày 07
tháng 7 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể
từ ngày ký và thay thế Quyết định số 104/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2007
của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc
Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở
Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành
thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Tín
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm
2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế
này quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân
dân thành phố (sau đây gọi chung là sở, ngành) và Ủy ban nhân dân quận - huyện
để thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh.
2. Quy chế
này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khác thực hiện các
công việc liên quan đến quản lý và hoạt động của cụm công nghiệp trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh.
3. Các hoạt động
khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp chưa
quy định trong Quy chế này, được áp dụng thực hiện theo quy định pháp luật hiện
hành.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Thiết lập
mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân
dân quận - huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với cụm
công nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Việc phối
hợp quản lý nhà nước dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở,
ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện, các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự
thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản
xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Điều 3. Phương pháp và hình thức phối hợp
1. Quá trình
thực hiện sẽ do một cơ quan chủ trì và một hoặc nhiều cơ quan khác tham gia phối
hợp giải quyết công việc. Tùy theo tính chất công việc mà cơ quan chủ trì đưa
ra các hình thức giải quyết như sau:
a) Tổ chức
làm việc tập trung thông qua các cuộc họp trực tiếp để các bên tham gia thảo luận,
ghi nhận kết quả làm việc bằng biên bản hoặc thông báo kết luận làm việc.
b) Cơ quan chủ
trì gửi hồ sơ, tài liệu liên quan để cơ quan phối hợp nghiên cứu có ý kiến.
Các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn
không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu (trừ khi có quy định
khác). Nếu quá thời hạn trên, cơ quan được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời
được xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về nội dung công việc liên quan
đến chức năng, nhiệm vụ được giao.
c) Cơ quan chủ
trì có thể phối hợp cả hai hình thức giải quyết trên đây để đạt hiệu qua cao nhất
trong công việc.
2. Những nội
dung công việc do các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ trì tùy
theo yêu cầu, tính chất công việc thì cơ quan chủ trì xác định thêm thành phần
các cơ quan tham gia phối hợp để giải quyết công việc nhanh và hiệu quả.
3. Những văn
bản, hướng dẫn, xử lý, kết luận, kiến nghị... liên quan đến đơn vị kinh doanh hạ
tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thì cơ quan
chủ trì gửi cho Sở Công Thương 01 (một) bản để biết và phối hợp theo dõi thực
hiện.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế
này các cụm từ “Cụm công nghiệp”, “Đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp”,
“Hạ tầng cụm công nghiệp”, “Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công
nghiệp”, “Trung tâm phát triển cụm công nghiệp”, “Diện tích đất công nghiệp” được
hiểu theo quy định của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết
định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ (viết
tắt là Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg) và Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28
tháng 12 năm 2009 (viết tắt là Thông tư số 39/2009/TT-BCT).
Chương II
QUY HOẠCH, THÀNH LẬP, MỞ
RỘNG, BỔ SUNG VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG ĐỐI VỚI CỤM CÔNG NGHIỆP
Điều 5. Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển cụm
công nghiệp trên địa bàn
1. Sở Công
Thương xây dựng kế hoạch và dự kiến kinh phí lập Đề án quy hoạch phát triển cụm
công nghiệp từng thời kỳ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét cân đối
ngân sách theo quy định và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
2. Sở Công
Thương là đơn vị chủ trì lập Đề án quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, tổ chức
lập đề cương và dự toán kinh phí thực hiện đề án theo quy định. Việc lập, thẩm
định và phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được thực hiện
theo quy định tại Điều 4 của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành theo Quyết
định số 105/2009/QĐ-TTg và Điều 7, Điều 8 của Thông tư số 39/2009/TT-BCT.
3. Sở Quy hoạch
- Kiến trúc chủ trì, phối hợp cùng Sở Công Thương xác định vị trí, địa điểm các
cụm công nghiệp theo quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp cập nhật vào
các đồ án quy hoạch chung xây dựng các quận - huyện và thành phố để quản lý thống
nhất.
Điều 6. Lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp
1. Trên cơ sở
Quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp được công bố, các doanh nghiệp có
nhu cầu làm đơn vị kinh doanh hạ tầng thì liên hệ với Sở Công Thương hoặc Ủy
ban nhân dân quận - huyện biết thêm chi tiết để lập hồ sơ đăng ký làm đơn vị
kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối thực hiện
việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các nhà đầu tư.
2. Quá trình
lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp được thực hiện như sau:
a) Sở Công
Thương chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân quận -
huyện xem xét, xác định các chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm làm đơn vị kinh
doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Trường hợp có từ 02 (hai) nhà đầu tư có đủ năng
lực, kinh nghiệm đăng ký tham gia trở lên thì tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu
tư làm đơn vị kinh doanh hạ tầng. Trường hợp chỉ có 01 (một) nhà đầu tư có đủ
năng lực, kinh nghiệm thì Sở Công Thương xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố
thực hiện chỉ định chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương làm đơn vị kinh doanh
hạ tầng.
b) Trong trường
hợp đơn vị kinh doanh hạ tầng đã được bàn giao đất mà không tiến hành triển
khai dự án trong thời hạn quy định hoặc sử dụng đất sai mục đích mà không có sự
chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì bị thu hồi đất theo quy định của Luật
Đất đai và bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Các cụm
công nghiệp đã được quy hoạch nhưng trong thời gian kêu gọi đầu tư ít nhất là
01 (một) năm mà chưa lựa chọn được đơn vị kinh doanh hạ tầng hoặc đối với những
cụm công nghiệp đặc thù, khó khăn trong thu hút đơn vị kinh doanh hạ tầng thì Ủy
ban nhân dân quận - huyện xem xét, tiến hành làm thủ tục thành lập Trung tâm
phát triển cụm công nghiệp (hoặc giao cho một đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận
- huyện thực hiện).
Điều 7. Thành lập, mở rộng và bổ sung cụm công nghiệp
1. Điều kiện,
thủ tục và hồ sơ thành lập, mở rộng và bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp được
quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban
hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg.
2. Căn cứ vào
điều kiện, thủ tục thành lập, mở rộng và bổ sung cụm công nghiệp, Ủy ban nhân
dân quận - huyện lập hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng và bổ sung quy hoạch cụm
công nghiệp gửi Sở Công Thương để tổ chức thẩm định.
3. Sở Công
Thương chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan (nếu cần thiết) thẩm định
hồ sơ thành lập, mở rộng và bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp và trình Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 8. Quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp
1. Quy hoạch
chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quy chế
quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg và Điều
10 của Thông tư số 39/2009/TT-BCT.
2. Sở Công
Thương là đầu mối tiếp nhận hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp,
là cơ quan thỏa thuận quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, có ý kiến về
ngành nghề và sự phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp chuyển
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định.
3. Sở Quy hoạch
- Kiến trúc có trách nhiệm thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công
nghiệp (tỷ lệ 1/500 hoặc tỷ lệ 1/2000) theo vị trí và quy mô đã được xác định
trong quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành
phố phê duyệt.
Quyết định
phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (kèm theo thuyết minh và bản vẽ) gửi về
Sở Công Thương 01 (một) bản để theo dõi và quản lý chung.
Điều 9. Lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp
1. Sau khi có
quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp và quyết định phê duyệt quy hoạch
chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thì đơn vị kinh doanh hạ tầng hoặc Trung tâm
phát triển cụm công nghiệp (nếu có thành lập) tiến hành lập và trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để triển khai thực
hiện.
2. Nội dung
và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng
cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng;
Đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm lập và trình duyệt báo
cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt hệ thống phòng cháy chữa cháy cụm
công nghiệp theo quy định.
Điều 10. Cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư hạ tầng
Nội dung hồ
sơ cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu
tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư,
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tiến hành thẩm định và cấp theo thẩm quyền.
Điều 11. Lập thủ tục giao đất hoặc thuê đất
1. Đơn vị
kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nộp hồ sơ xin giao đất hoặc thuê đất tại Sở
Tài nguyên và Môi trường; trình tự, thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện
theo quy định của Luật Đất đai và các quy định liên quan.
2. Đối với
các cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
thì Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho đơn vị kinh doanh hạ tầng
đối với từng khu vực hay từng lô đã thực hiện xong việc bồi thường trọn lô đất
theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã xây dựng
hạ tầng.
Điều 12. Lập phương án và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt
bằng
1. Ủy ban
nhân dân quận - huyện (Hội đồng bồi thường của dự án) chủ trì, phối hợp cùng
đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp xây dựng các phương án bồi thường, giải
phóng mặt bằng và tái định cư (phương án tổng thể và phương án chi tiết), trình
cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện
phương án được duyệt theo quy định.
2. Đối với
các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi ranh giới quy hoạch cụm công nghiệp
nếu phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, phù hợp ngành nghề hoạt
động của cụm công nghiệp và doanh nghiệp hoạt động có phương án đảm bảo không
gây ô nhiễm môi trường thì Sở Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành
liên quan và đơn vị kinh doanh hạ tầng xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố
quyết định cho tồn tại trong cụm công nghiệp.
Điều 13. Tiếp nhận doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào cụm
công nghiệp
1. Các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhu cầu đầu tư trong cụm công nghiệp thì liên hệ
với đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để được hướng dẫn về quy hoạch, bố
trí ngành nghề, giá thuê đất, thuê nhà xưởng trong cụm công nghiệp và ký kết hợp
đồng thỏa thuận nguyên tắc về vị trí, địa điểm, diện tích đất công nghiệp dự kiến
thuê để triển khai dự án.
2. Các doanh
nghiệp có nhu cầu sử dụng đất trong cụm công nghiệp liên hệ với đơn vị kinh
doanh hạ tầng để được hướng dẫn làm thủ tục thuê lại đất hoặc giao đất (đã đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng) theo quy định của pháp luật về đất đai. Trên cơ sở
hợp đồng thuê đất, đơn vị kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo quy định.
3. Trước khi
khởi công xây dựng công trình trong cụm công nghiệp, chủ đầu tư phải có giấy
phép xây dựng (trừ các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng theo quy định).
Chương III
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG CỤM CÔNG NGHIỆP
Mục 1. QUẢN LÝ VỀ ĐẦU TƯ VÀ TÀI CHÍNH
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Tiếp nhận
hồ sơ dự án đầu tư, chủ trì thực hiện đăng ký đầu tư; thẩm tra cấp, điều chỉnh,
thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp
theo đúng ngành nghề quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, thời gian cấp giấy
chứng nhận đầu tư không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.
2. Đối với
các dự án thuộc diện thẩm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ dự án lấy ý kiến
của các sở, ban, ngành liên quan; cơ quan được lấy ý kiến phải có ý kiến thẩm
tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng
quản lý của mình.
3. Hướng dẫn,
tiếp nhận và giải quyết các ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc diện
được ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và quy định của Ủy ban nhân
dân thành phố.
4. Phối hợp
cùng Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố hỗ trợ
các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư
vào các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Chủ trì,
phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách về khuyến
khích, hỗ trợ phát triển cm công nghiệp trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân
thành phố ban hành và triển khai thực hiện.
2. Chủ trì,
xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết, xúc tiến đầu tư với
các tỉnh, thành phố trong phát triển cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát
triển cụm công nghiệp theo vùng, lãnh thổ; tổ chức tham quan, khảo sát, học tập
kinh nghiệm các mô hình phát triển cụm công nghiệp trong nước và quốc tế.
3. Chủ trì,
phối hợp cùng các sở, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện quy hoạch, các quy định, chính sách của nhà nước về phát triển cụm
công nghiệp; đánh giá, giám sát hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư và hoạt động của
cụm công nghiệp.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố và
Ủy ban nhân dân quận - huyện, thẩm định cơ chế, chính sách về giá cho thuê đất,
thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, mức thu phí đầu tư kết cấu hạ
tầng trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đối với cụm công nghiệp do Trung
tâm phát triển cụm công nghiệp quản lý và kinh doanh hạ tầng.
2. Chủ trì,
phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư xây dựng
cơ bản dự kiến hỗ trợ đầu tư cho từng dự án xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cụm
công nghiệp, trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận - huyện
1. Xây dựng,
tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đến
hàng rào cụm công nghiệp theo phân cấp, những lĩnh vực không được phân cấp, có
ý kiến bằng văn bản trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Chỉ đạo
Phòng Kinh tế thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện
quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp; quản lý hoạt động của các doanh nghiệp
trong cụm công nghiệp trên địa bàn quận - huyện theo thẩm quyền.
Mục 2. QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
Điều 18. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tiếp nhận,
giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của đơn vị
kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Sau khi có
quyết định cho thuê đất của Ủy ban nhân dân thành phố và thực hiện xong phương
án bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng
Tài nguyên và Môi trường quận - huyện phối hợp với cơ quan chức năng, Ủy ban
nhân dân phường, xã, thị trấn nơi có đất và đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công
nghiệp giao đất trên thực địa; ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho nhà đầu
tư.
2. Tiếp nhận,
thẩm tra hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và
tài sản khác gắn liền với đất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuê lại
đất đã đầu tư hạ tầng trong cụm công nghiệp theo quy định.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận - huyện
1. Chỉ đạo và
tổ chức tuyên truyền vận động đến các tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; thực hiện giải phóng mặt bằng
theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thành lập
và chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận - huyện lập phương án
(tổng thể và chi tiết) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thẩm định; Lập
tờ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện phê duyệt phương án bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư theo phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Phối hợp với
các sở, ban, ngành các tổ chức và đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thực
hiện dự án đầu tư xây dựng, tạo lập các khu tái định cư tại địa phương theo
phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 20. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng
1. Cử đại diện
tham gia vào Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện; phối hợp chặt
chẽ với Ủy ban nhân dân quận - huyện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền hoặc nghiên cứu,
tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng
mắc theo quy định của pháp luật.
2. Chịu trách
nhiệm quản lý diện tích đất được giao, ký hợp đồng thuê lại đất với các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp trên cơ sở Giấy chứng nhận đầu
tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Mục 3. QUẢN LÝ QUY HOẠCH VÀ XÂY DỰNG
Điều 21. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Chủ trì,
phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện có liên quan xây dựng
và bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân
thành phố phê duyệt sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương.
2. Quản lý việc
thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp theo quy định. Phối hợp
Sở Xây dựng trong việc thanh tra, kiểm tra về tuân thủ các quy định về quản lý
xây dựng các công trình trong các cụm công nghiệp.
3. Đầu mối lấy
ý kiến tham gia về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm
công nghiệp và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong cụm công nghiệp khi
có yêu cầu.
Điều 22. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Cấp, gia hạn
Giấy phép xây dựng công trình đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng
trong cụm công nghiệp theo thẩm quyền.
2. Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện có
liên quan trong thanh tra, kiểm tra về tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng
các công trình trong các cụm công nghiệp; có quyền đình chỉ, xử lý các công
trình xây dựng sai với nội dung ghi trong Giấy phép xây dựng.
3. Tham gia
đóng góp ý kiến về thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng trong cụm công nghiệp
khi có yêu cầu.
4. Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương tổ chức thực hiện việc giám định chất lượng công
trình xây dựng, giám định sự cố công trình.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc
1. Phối hợp
cùng Sở Công Thương (là đơn vị chủ trì), các địa phương và các ngành hữu quan
xây dựng quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn trình Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.
2. Hướng dẫn
lập hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp; chủ
trì lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định đồ án quy hoạch
chi tiết xây dựng cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt
theo quy định.
Điều 24. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Cung cấp
thông tin về quy hoạch hệ thống giao thông như: các vị trí đấu nối, giới hạn
hành lang an toàn đường bộ đối với công trình giao thông (lộ giới), cao trình
xây dựng... để lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp cho phù hợp với
quy hoạch chung; tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch giao thông trong cụm
công nghiệp khi có yêu cầu; đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch đầu tư
hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình giao thông có liên quan đến việc phục
vụ phát triển các cụm công nghiệp.
2. Có ý kiến
hoặc thỏa thuận vị trí đấu nối giao thông và phương án tổ chức giao thông tại vị
trí đấu nối hạ tầng giao thông của cụm công nghiệp với đường do thành phố quản
lý trong bước lập quy hoạch và các giai đoạn thực hiện của dự án.
Điều 25. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng
1. Đầu tư xây
dựng, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và dự án được
duyệt.
2. Giao mốc định
vị công trình, các điểm đấu nối công trình kỹ thuật hạ tầng cho các doanh nghiệp
sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
3. Kiểm tra,
đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp xây dựng
công trình theo chứng chỉ quy hoạch, Giấy phép xây dựng và dự án được duyệt.
4. Bố trí địa
điểm xây dựng đơn vị phòng cháy và chữa cháy ở khu vực trung tâm, thuận lợi về
giao thông, thông tin liên lạc và có đủ diện tích đảm bảo cho các hoạt động thường
trực sẵn sàng chiến đấu, tập luyện bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy
theo quy định.
5. Dự trù
kinh phí phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư xây dựng phải được bố trí ngay
trong giai đoạn lập dự án quy hoạch, dự án đầu tư.
Điều 26. Các cơ quan, đơn vị liên quan
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền
sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức có liên quan
trong cụm công nghiệp.
2. Ủy ban
nhân dân quận - huyện có trách nhiệm:
a) Tham gia
xây dựng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; Cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng
công trình đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng trong cụm công
nghiệp theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo lập
hồ sơ thành lập, mở rộng, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo
lập quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án đầu tư xây dựng và tổ chức triển khai đầu
tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được duyệt.
c) Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp rà
soát nhu cầu đất xây dựng nhà ở công nhân đối với các cụm công nghiệp hiện hữu
để tiếp tục xây dựng bổ sung nhu cầu; xác định quy mô, tính chất và tổ chức lập
quy hoạch chi tiết cho các khu dân cư và dịch vụ đối với các cụm công nghiệp mới
hình thành.
3. Sở Thông
tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn
thông trên địa bàn thành phố cung cấp đủ số lượng và chất lượng về thông tin
liên lạc và các dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp
theo hợp đồng; hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục cấp phép về lĩnh vực thông
tin, truyền thông.
Mục 4. QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều 27. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ, thẩm định,
giám định công nghệ; tư vấn đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển thị trường
công nghệ đối với dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp; giúp các nhà đầu tư
trong việc hướng dẫn sử dụng phương tiện đo và các hoạt động đảm bảo đo lường,
chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ việc xây dựng và
áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng theo hệ thống, đẩy mạnh hoạt động
sáng kiến.
2. Tiếp nhận
hồ sơ đăng ký và chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định.
3. Chủ trì phối
hợp với Sở Công Thương trong việc thanh tra, kiểm tra về công nghệ, sở hữu trí
tuệ, an toàn bức xạ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định.
Điều 28. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tiếp nhận
hồ sơ và đề nghị của các nhà đầu tư, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt báo cáo
đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo quy định; thời gian
xem xét phê duyệt không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ
sơ hợp lệ. Nếu không phê duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho chủ dự án biết.
2. Chủ trì,
phối hợp Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Sở Công Thương, Ủy ban
nhân dân quận - huyện lập kế hoạch, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; xác nhận
chất lượng công trình xử lý chất thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp
và hệ thống xử lý chất thải chung của Cụm công nghiệp.
3. Chủ trì việc
tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận
thức bảo vệ môi trường cho đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh trong cụm công nghiệp; Phối hợp và các cơ quan chức năng giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường giữa các doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh trong cụm công nghiệp và với các tổ chức, cá nhân ngoài cụm công
nghiệp.
4. Hàng năm tổng
hợp báo cáo môi trường trong cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố, đồng
thời gửi Sở Công Thương 01 (một) bản để theo dõi và tổng hợp chung.
Điều 29. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Chủ động
thực hiện hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng chống tội
phạm về Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác tuyên truyền,
phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp
trong cụm công nghiệp.
2. Trong trường
hợp cần thiết, Sở Công Thương chủ trì thực hiện hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, Ủy ban nhân dân quận
- huyện kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (trừ hoạt động nhập khẩu phế liệu)
của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Trường hợp phát hiện vi phạm, Sở
Công Thương có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận - huyện
1. Tiếp nhận,
thẩm định hồ sơ và cấp Giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu
tư vào cụm công nghiệp theo thẩm quyền. Thời gian giải quyết không quá 05 (năm)
ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Phối hợp với
Sở Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp thực hiện
thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
và kiểm soát ô nhiễm của đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định; xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Điều 31. Trách nhiệm của Công an thành phố
Chỉ đạo Cảnh
sát Phòng chống tội phạm về Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ
môi trường đối với đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh trong cụm công nghiệp; nắm vững tình hình vi phạm pháp luật về môi trường;
nghiên cứu, đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp, quy trình bảo vệ và xử lý
vi phạm pháp luật về môi trường.
Điều 32. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng
1. Xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện báo cáo đánh giá tác động
môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
2. Kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự
án đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
3. Quản lý hệ
thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống
thu gom và xử lý nước thải tập trung và hệ thống xử lý khí thải.
4. Tổ chức
quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường, tổng hợp, xây dựng báo cáo môi trường;
định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định.
5. Tư vấn cho
cơ quan quản lý có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến môi trường giữa
các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp.
Mục 5. QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
Điều 33. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì,
phối hợp với đơn vị kinh doanh hạ tầng và các cơ quan chức năng hướng dẫn việc
thực hiện Bộ Luật Lao động, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật
về lao động, điều tra tai nạn lao động và giải quyết tranh chấp lao động, đình
công trong các cụm công nghiệp theo các quy định hiện hành.
2. Theo dõi,
đôn đốc việc thực hiện các chính sách chế độ đối với người lao động trong các
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp theo các quy định của Bộ
Luật Lao động.
3. Cấp, cấp lại,
gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài làm việc trong các cụm công nghiệp.
Điều 34. Các cơ quan, đơn vị khác
1. Ủy ban
nhân dân quận - huyện chủ trì, phối hợp cùng các ngành chức năng giải quyết
tranh chấp lao động tập thể theo quy định tại Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày
08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động về giải quyết
tranh chấp lao động.
2. Công an
thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản
lý lao động người nước ngoài làm việc trong cụm công nghiệp theo quy định.
3. Doanh nghiệp
sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp có trách nhiệm:
a) Tuyên truyền,
phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Luật Lao động và
các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến người lao động, người sử dụng
lao động;
b) Tham gia
tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, lập kế
hoạch tuyển dụng lao động hàng năm và 05 (năm) năm đăng ký với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
Mục 6. QUẢN LÝ AN NINH VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI
Điều 35. Trách nhiệm của Công an thành phố
1. Tổ chức chỉ
đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận - huyện phối hợp với đơn vị kinh doanh
hạ tầng và các cơ quan có liên quan để thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự trong
các cụm công nghiệp; đồng thời thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan,
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp triển khai tốt công tác
an ninh, trật tự.
2. Chỉ đạo thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh với các doanh nghiệp và người
nước ngoài đến làm việc, tạm trú tại các cụm công nghiệp; phối hợp với các đơn
vị liên quan quản lý tốt người nước ngoài đang làm việc tại các cụm công nghiệp.
Điều 36. Trách nhiệm của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
1. Thẩm duyệt
thiết kế phòng cháy chữa cháy các dự án, công trình đầu tư trong cụm công nghiệp
theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4
năm 2003 của Chính phủ; tiến hành kiểm tra thi công và kiểm tra nghiệm thu công
trình trước khi đưa vào hoạt động, phê duyệt phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu
hộ; tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn các doanh nghiệp lập
phương án và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Chủ trì,
phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy của
đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm
công nghiệp.
3. Tổ chức chỉ
đạo các Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận, huyện phối hợp với các đơn
vị kinh doanh hạ tầng và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa
cháy trong các cụm công nghiệp; đồng thời thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các
cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp triển khai tốt
công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Điều 37. Trách nhiệm của chính quyền địa phương có cụm công
nghiệp
1. Chỉ đạo các
lực lượng Công an cơ sở phối hợp với đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp để bảo đảm an ninh trật tự
trong các cụm công nghiệp.
2. Phối hợp
cùng các sở, ngành, đoàn thể thực hiện việc quản lý hành chính, an ninh trật tự
công cộng, bảo vệ môi trường trong và xung quanh các cụm công nghiệp theo thẩm
quyền.
3. Vận động
nhân dân trong địa bàn có cụm công nghiệp chấp hành các chủ trương, chính sách
pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển các cụm công
nghiệp.
Điều 38. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng và các
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp
1. Đơn vị
kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ, phối hợp với các cơ
quan Công an và lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm
công nghiệp giữ gìn an ninh trật tự trong cụm công nghiệp.
2. Doanh nghiệp
sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp
a) Tổ chức lực
lượng bảo vệ tài sản và an ninh trật tự trong hàng rào doanh nghiệp mình, giáo
dục người lao động chấp hành an ninh trật tự nơi công cộng.
b) Phối hợp với
lực lượng bảo vệ của đơn vị kinh doanh hạ tầng và lực lượng Công an bảo vệ an
ninh trật tự chung trong cụm công nghiệp.
c) Phát hiện
và thông báo kịp thời cho đơn vị kinh doanh hạ tầng và lực lượng Công an những
biểu hiện mất an ninh trật tự trong và ngoài doanh nghiệp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Chế độ
thông tin
a) Định kỳ
hàng 06 tháng hoặc khi cần thiết Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng các sở,
ngành liên quan tổ chức giao ban với các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công
nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp
giữa các ngành trong việc thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi
cho các nhà đầu tư trong các cụm công nghiệp; các sở, ngành chức năng có trách
nhiệm phối hợp cùng với Sở Công Thương thực hiện nội dung này.
b) Sở Công
Thương có trách nhiệm đề xuất, hiệp y hồ sơ khen thưởng những tổ chức và cá
nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển cụm công nghiệp.
2. Chế độ báo
cáo
a) Đơn vị
kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp
định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm có trách nhiệm báo cáo tiến độ đầu tư,
tình hình sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng lao động và
các nội dung có liên quan khác về Ủy ban nhân dân quận - huyện và Sở Công
Thương.
b) Các sở,
ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này theo chức năng và
nhiệm vụ đã được phân công và theo quy định của pháp luật có liên quan và định
kỳ hàng quý báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp.
c) Ủy ban
nhân dân quận - huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Kinh tế thực hiện chức năng
đầu mối giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý nhà nước về cụm công nghiệp
trên địa bàn; là đầu mối tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình hoạt động và
khó khăn, vướng mắc của các cụm công nghiệp trên địa bàn, định kỳ hàng quý báo
cáo về Sở Công Thương.
d) Sở Công
Thương có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc
và kiến nghị của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố báo
cáo Ủy ban nhân dân thành phố và các Bộ, ngành liên quan.
Điều 40. Tổ chức thực hiện
1. Sở Công
Thương là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ quản
lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp theo quy định của Quy chế này và có
trách nhiệm hướng dẫn, xử lý cụ thể các vướng mắc, phát sinh hoặc đề xuất lên cấp
trên trong quá trình thực hiện Quy chế này.
2. Các cụm
công nghiệp được thành lập trước ngày Quy chế này có hiệu lực thì phải tổ chức
thực hiện theo quy định của Quy chế này.
3. Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù
hợp thì kịp thời phản ảnh với Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân thành phố xem xét, quyết định./.