ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/2024/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày
02 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng
8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 169/TTr-STP ngày 07 tháng 11 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức,
cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12
năm 2024./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Như Điều 2;
- LĐVP; các Phòng, Ban, Trung tâm;
- Lưu: VT, NC. DN37
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH PHƯỚC
(Kèm theo Quyết định số: 45/2024/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2024 của UBND
tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định mục đích, nguyên tắc, hình thức,
nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố liên quan trong thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các sở, ban, ngành.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
(sau đây gọi chung là UBND cấp huyện).
3. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp
trẻ, Hội Nữ doanh nhân.
4. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi chung là
doanh nghiệp).
5. Tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 3. Mục đích phối hợp
1. Đảm bảo hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
phù hợp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định
số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa (viết tắt là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP) và các văn bản
khác có liên quan.
2. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch
trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý
của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp theo
quy định của pháp luật.
3. Xác định trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các
cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, đơn vị phối hợp, phù hợp với
các quy định của pháp luật.
2. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Quy
chế này được thực hiện đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, không phân biệt
hình thức sở hữu, lĩnh vực hoạt động.
3. Thực hiện thường xuyên, kịp thời và có trọng
tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ và được xác định cụ thể tại chương trình, kế
hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hằng năm và 05 năm của tỉnh. Chú trọng và
quan tâm việc hỗ trợ pháp lý đối với các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt
động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp cận thủ tục hành chính trong
đăng ký kinh doanh, thuế; pháp luật về lao động, bảo hiểm trong quá trình doanh
nghiệp tiếp cận đến nguồn lực về đất đai, nguồn vốn, khoa học và công nghệ.
Điều 5. Hình thức phối hợp
1. Cung cấp thông tin bằng văn bản, tài liệu có
liên quan trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và
vừa theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức họp, hội nghị, sơ kết, tổng kết công tác
hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Cử đại diện tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp.
4. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP HỖ TRỢ
PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Điều 6. Việc xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp
1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp
luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của
các quan, đơn vị có liên quan; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các
doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản.
2. Khi nhận được ý kiến góp ý của các quan, đơn vị,
tổ chức có liên quan; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ
và vừa trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan soạn thảo
có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và báo cáo cơ
quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 7. Cập nhật, khai thác và
sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật
1. Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phối
hợp với Sở Tư pháp cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên phần mềm Cơ sở dữ liệu
quốc gia về pháp luật theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định
52/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia
về pháp luật (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp
luật).
2. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật toàn
văn văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành trên Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước theo quy định tại Điều
150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trừ văn bản thuộc danh mục
bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật).
3. Doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp, các
cá nhân có liên quan được tiếp cận, sử dụng miễn phí các thông tin đăng tải
trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh
Bình Phước quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Trường hợp văn bản quy phạm
pháp luật đã có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc
gia về pháp luật và Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước thì doanh
nghiệp có quyền đề nghị các cơ quan có liên quan kịp thời cập nhật và cung cấp
văn bản đó theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Điều 8. Xây dựng, quản lý, duy
trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối
hợp Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của
Tòa án; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc
cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được
phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan lên Cổng
thông tin điện tử tỉnh hoặc kết nối với Cổng thông tin điện tử tỉnh công khai
các văn bản này theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Nghị định số
55/2019/NĐ-CP.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối
hợp Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hệ thống hóa, cập nhật dữ liệu
về văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ đối với vướng mắc pháp lý của doanh
nghiệp trong áp dụng chung về pháp luật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh theo
quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
3. Doanh nghiệp được khai thác và sử dụng miễn phí
cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều
này.
Điều 9. Phổ biến, bồi dưỡng kiến
thức pháp luật cho doanh nghiệp
1. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn
vị, địa phương chủ động tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị phổ biến các văn bản
pháp luật mới có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
2. Căn cứ vào tình hình điều kiện cụ thể các cơ
quan, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các hình thức phù hợp như:
a) Xây dựng tài liệu điện tử cung cấp kiến thức
pháp luật về đầu tư, kinh doanh, các cam kết quốc tế và những nội dung cần thiết
khác cho doanh nghiệp;
b) Mời báo cáo viên chuyên ngành hoặc có kinh nghiệm
để trình bày có hiệu quả nội dung các tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho doanh nghiệp;
c) Các hình thức phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp
luật phù hợp khác.
3. Việc tổ chức hội nghị, tọa đàm để giới thiệu, phổ
biến các văn bản quy phạm pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương phải
có kế hoạch cụ thể và tránh trùng lặp về nội dung, thời gian tổ chức; chú trọng
các quy định, những đối tượng cần hỗ trợ pháp lý kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp.
Điều 10. Tiếp nhận, giải quyết
kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, tổng
hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp
liên quan đến các quy định pháp luật, quyết định hành chính, hành vi hành chính
và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp qua các hình thức văn bản giấy, thư
điện tử, hội nghị, tọa đàm hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
a) Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan,
đơn vị, địa phương trả lời cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp
trong thời hạn 15 ngày (mười lăm ngày) làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị,
phản ánh. Trường hợp kiến nghị, phản ánh phức tạp thì được kéo dài thời hạn giải
quyết nhưng không vượt quá 30 ngày (ba mươi ngày) làm việc.
Nếu có lý do chính đáng để không giải đáp pháp luật
thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do và trả lời bằng văn bản cho
doanh nghiệp;
b) Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc
cần lấy ý kiến phối hợp thì trong thời hạn 02 ngày (hai ngày) làm việc phải
chuyển kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc cơ quan phối
hợp. Cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong
thời hạn 15 ngày (mười lăm ngày) làm việc;
c) Tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị,
phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để báo cáo theo định
kỳ hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Tham mưu UBND tỉnh chỉ định cơ quan, đơn vị, địa
phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh
nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp khi các cơ quan, đơn vị, địa phương
không thống nhất với nhau về thẩm quyền giải quyết;
b) Làm đầu mối tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những
kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp từ các
cơ quan, đơn vị, địa phương để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo định kỳ hoặc
khi có yêu cầu.
Điều 11. Khảo sát nhu cầu hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Khi cơ quan chủ trì khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan có trách nhiệm:
1. Tham gia Đoàn khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp.
2. Thực hiện góp ý và hoàn chỉnh Phiếu khảo sát.
3. Tổng hợp, đánh giá, phân tích kết quả khảo sát.
4. Báo cáo kết quả khảo sát.
Điều 12. Xây dựng và tổ chức
thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
1. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
a) Thông báo về kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp của đơn vị mình đến Sở Tư pháp;
b) Phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện chương
trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nếu cần thiết).
2. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Tiếp nhận thông tin về kế hoạch, chương trình hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ các sở, ban, ngành có liên quan;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để
thực hiện kế hoạch chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
c) Chủ trì tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh điều chỉnh kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hàng năm
(nếu có).
Điều 13. Kiểm tra, giám sát hoạt
động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
1. Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan, tổ chức chủ trì
thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực
hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm
a) Chất lượng, đối tượng thụ hưởng của hoạt động hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
b) Việc thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp; việc tiếp thu, phản hồi ý kiến phản ánh của doanh
nghiệp về kết quả thực hiện hoạt động này.
Điều 14. Báo cáo công tác hỗ
trợ pháp lý doanh nghiệp
1. Các cơ quan, đơn vị có liên quan, địa phương thực
hiện công tác báo cáo như sau:
a) Báo cáo định kỳ công tác hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền liên quan hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
c) Báo cáo các nội dung khác liên quan đến công tác
hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nếu có).
2. Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo công tác hỗ trợ
pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định và theo yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Các sở, ban, ngành;
UBND cấp huyện có trách nhiệm
1. Sở Tư pháp
a) Chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước
về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
b) Làm đầu mối tổng hợp các ý kiến, kết quả thực hiện
công tác phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Quy chế này và
báo cáo UBND tỉnh theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Công Thương và các cơ quan khác có liên quan xây dựng và tổ chức
thực hiện kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, theo quy định của pháp luật và căn cứ nguồn
thu ngân sách tỉnh tham mưu cấp thẩm quyền bố trí dự toán thực hiện công tác hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành.
3. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện
a) Căn cứ Kế hoạch, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có
trách nhiệm chủ động thực hiện nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong phạm
vi ngành, lĩnh vực hoặc theo địa bàn mình quản lý;
b) Thực hiện tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu,
kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tổ chức thực hiện các nội dung hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Quy chế này.
Điều 16. Tòa án nhân dân tỉnh
Phối hợp cung cấp và chia sẻ các bản án, quyết định
liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai theo Nghị quyết số
03/2017/NQ-HĐTP ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao về công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết
định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành
và được phép công khai.
Điều 17. Các doanh nghiệp
1. Phối hợp với các cơ quan nhà nước và tổ chức đại
diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh
nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và Quy chế này.
2. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định có liên
quan, trình tự, thủ tục để thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
3. Chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về
nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ hoạt động kinh doanh của
mình.
Điều 18. Tổ chức đại diện cho
doanh nghiệp
1. Chủ trì, tham gia xây dựng, thực hiện chương trình
hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ.
2. Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
doanh nghiệp là hội viên trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; huy động
các nguồn lực để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là thành viên.
3. Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai chính
sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham gia đánh giá
cơ sở dữ liệu về pháp luật và chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
4. Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đại diện cho
doanh nghiệp.
Điều 19. Kinh phí thực hiện
công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định tại Thông tư số
64/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập
dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt
động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi
hành; các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có)./.