CHƯƠNG TRÌNH
TRỢ GIÚP ĐÀO TẠO NGUỒN
NHÂN LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
GIAI ĐOẠN 2007 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phần I
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
I. Sự cần thiết phải xây dựng và triển khai Chương trình
Thực tế phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của tỉnh Bà Rịa
– Vũng Tàu nói riêng, các doanh nghiệp đều chỉ mới được thành lập trong khoảng
thời gian 15 năm trở lại đây và hầu hết thuộc loại nhỏ và vừa. Số người gia nhập
đội ngũ doanh nhân ngày càng đông, song xuất thân phần lớn từ các cá nhân trước
đây làm nghề buôn bán, sản xuất nhỏ; kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, kinh
doanh còn rất hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, các nhà quản lý của các
doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được khẩn trương trang bị những kiến thức cơ bản
về pháp luật, về quản trị kinh doanh… và hướng dẫn những kinh nghiệm cần thiết
khi bước chân vào thương trường, nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO. Song hiện
nay việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
của tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu chưa đáp ứng được yêu cầu. Do trên địa bàn thiếu các
trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo,… nên các doanh nhân
và các nhà quản lý doanh nghiệp ít có cơ hội tham gia các khóa đào tạo, các
chương trình hướng dẫn về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp. Để khẩn
trương phát triển đội ngũ doanh nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh, đòi hỏi phải có sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn
nhân lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Căn cứ pháp lý: Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh
nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xây dựng và triển
khai dựa trên các căn cứ pháp lý sau:
1. Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về
trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
2. Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ
và vừa giai đoạn 2004 - 2008 ban hành theo Quyết định số 143/2004/QĐ-TTg ngày
10 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Quy chế quản lý thực hiện Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực
cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008 ban hành kèm theo Quyết định
số 1347/2004/QĐ-BKH ngày 24 tháng 11 năm 2004;
4. Thông tư số 09/2005/TT-BTC ngày 28 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tài chính
hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp
nhỏ và vừa giai đoạn 2004 - 2008;
5. Chương trình số 03/CTr-TU ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Tỉnh ủy Bà Rịa
– Vũng Tàu;
6. Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
II. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi của Chương trình
1. Mục tiêu chương trình:
Mục tiêu tổng thể: thông qua chương trình, thúc đẩy và tạo điều kiện để
các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, không ngừng mở rộng về quy mô
hoạt động, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, qua đó đóng góp ngày
càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể: triển khai các chương trình đào tạo, cung cấp những kiến
thức cần thiết cho chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa,
những người có ý định thành lập doanh nghiệp để khắc phục những thiếu hụt về kiến
thức, kỹ năng và thông tin, từng bước nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp;
trợ giúp nhà quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến thức và kỹ năng xây dựng
chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đáp ứng
yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Đối tượng chương trình:
a) Đối tượng chung của chương trình là các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản
lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối tượng tham gia chương trình phải có nhu cầu, nguyện vọng được đào tạo
và chấp hành quy chế đào tạo.
b) Đối tượng ưu tiên: các học viên được ưu tiên tham gia chương trình là một
trong các trường hợp sau:
- Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nhiều lao động hoặc có tiềm
năng sử dụng nhiều lao động.
- Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề,
địa bàn mà Nhà nước đang tập trung khuyến khích phát triển.
- Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoặc có tiềm năng tham gia xuất khẩu.
- Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tạo việc làm cho người tàn tật.
- Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, địa bàn có
điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
- Học viên là nữ.
3. Phạm vi chương trình:
Đào tạo về quản trị doanh nghiệp cho chủ và cán bộ quản lý, bao gồm: đào tạo
về quản lý kinh doanh tổng hợp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị marketing, quản
trị kế toán - tài chính, quản trị nhân sự; tư vấn về marketing; đào tạo khởi sự
thành lập doanh nghiệp.
4. Thời gian thực hiện chương trình: từ năm 2007 – 2010.
Phần II
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
I. Hình thức đào tạo và nội dung chương trình:
1. Hình thức đào tạo:
Việc đào tạo bồi dưỡng được tổ chức theo các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng
ngắn hạn.
Số lượng học viên trong một khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng phải đảm bảo
không dưới 25 người.
Kết thúc khóa đào tạo bồi dưỡng, các học viên được cấp chứng chỉ tham gia
khóa đào tạo bồi dưỡng (chứng chỉ theo mẫu chung do Cục Phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành).
2. Nội dung đào tạo: các khóa đào tạo bồi dưỡng cụ thể gồm:
a) Đào tạo khởi sự thành lập doanh nghiệp: đào tạo bồi dưỡng khởi sự thành
lập doanh nghiệp mỗi khóa được tổ chức với thời gian là 05 ngày (trong đó khoảng
1/3 thời gian để giải đáp thắc mắc và thảo luận), bao gồm các nội dung chủ yếu
sau: cung cấp những thông tin cần thiết về luật pháp, chính sách của Đảng và
Nhà nước đối với doanh nghiệp, những quy định về thành lập và hoạt động của
doanh nghiệp; những kiến thức và kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch sản xuất
kinh doanh.
b) Đào tạo quản trị doanh nghiệp: bao gồm các khóa đào tạo ngắn hạn 5 - 7
ngày (trong đó khoảng 1/3 thời gian để giải đáp thắc mắc và thảo luận) với nội
dung sau:
- Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lập kế hoạch
và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các khoá đào tạo về quản lý
kinh doanh tổng hợp.
- Tăng cường năng lực quản lý nhân sự cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
thông qua các khoá đào tạo về quản trị nhân sự.
- Tăng cường năng lực tiếp thị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua
các khoá đào tạo về quản trị marketing,
- Trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lập kế hoạch tiếp thị,
kỹ năng tiếp thị, kỹ năng để tham gia hội chợ, triển lãm thông qua các khóa đào
tạo nghiệp vụ về kế hoạch, kỹ năng tiếp thị, tổng hợp.
- Tăng cường năng lực quản lý tài chính, kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ
và vừa thông qua các khoá đào tạo về quản trị tài chính - kế toán.
Tùy theo nhu cầu của học viên, các nội dung khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng
có thể thực hiện chuyên sâu một chuyên đề hoặc một số chuyên đề đáp ứng yêu cầu
của học viên.
II. Kế hoạch thực hiện chương trình
1. Quy mô số lượng người được đào tạo thông qua chương trình:
Chương trình dự kiến thực hiện trong 04 năm từ năm 2007 - 2010, như sau:
- Mở mỗi năm 10 - 12 lớp đào tạo các loại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
và các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng khởi sự doanh nghiệp, mỗi lớp có số lượng
học viên từ 40 - 50 người. Tổng số lượt người được đào tạo trung bình một năm
khoảng 500 người.
- Tổng số lớp học tổ chức trong 5 năm (cả năm 2006 đã thực hiện) khoảng 60
lớp, với số người được tham gia các khóa đào tạo khoảng 2.500 lượt người.
2. Đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình:
Đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng và thực hiện
chức năng quản lý nhà nước đối với chương trình là Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng:
Bao gồm các trường đại học, trung học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo đang hoạt
động theo quy định của pháp luật đáp ứng nội dung yêu cầu của các khóa đào tạo
bồi dưỡng (do Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn và ký hợp đồng đào tạo bồi dưỡng).
Một số yêu cầu chính đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng:
- Có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng đối
với các học viên theo các chuyên đề của chương trình.
- Có phương án hiệu quả đề xuất về đào tạo bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của
chuyên đề đào tạo đồng thời đáp ứng các yêu cầu do đơn vị trực tiếp tổ chức các
khóa đào tạo bồi dưỡng đề ra.
- Giảng viên phải có trình độ đại học trở lên hoặc có chứng chỉ hành nghề
tư vấn đào tạo bồi dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc có chứng chỉ đã qua
các lớp đào tạo giảng viên.
- Giảng viên không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự
hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư
vấn, cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng.
4. Giáo trình đào tạo:
Các cơ sở cung cấp dịch vụ đạo tạo bồi dưỡng (các trường đại học, trung học,
cao đẳng, các cơ sở đào tạo ký hợp đồng đào tạo bồi dưỡng với Sở Kế hoạch và Đầu
tư) chịu trách nhiệm xây dựng các giáo án theo chương trình khung của bộ tài liệu
phục vụ chương trình trợ giúp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh
nghiệp nhỏ và vừa do Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu
tư) ban hành.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có trách nhiệm giải đáp các yêu cầu
của học viên thuộc phạm vi chuyên đề đào tạo bồi dưỡng.
Phần III
TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
I. Tiến độ thực hiện Chương trình
Trong giai đoạn từ 2007 - 2010, dự kiến chương trình:
Tổ chức 40 khoá đào tạo quản trị doanh nghiệp và 10 khoá đào tạo khởi sự
doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm tổ chức 12 – 15 lớp (khóa) học, mỗi lớp từ 45 -
50 học viên.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các Hiệp Hội doanh nghiệp tổ chức thực
hiện chương trình đề ra.
II. Kinh phí thực hiện chương trình
Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc xã hội hóa công tác đào tạo và
bồi dưỡng kiến thức: các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nhân đóng góp một
phần kinh phí; ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa
phương) hỗ trợ một phần kinh phí.
1. Các khoản chi ngân sách nhà nước hỗ trợ:
a) Mức chi hỗ trợ bình quân cho 1 học viên:
Thực hiện theo quy định chung của Bộ Tài chính tại Thông tư số
09/2005/TT-BTC ngày 28 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí
đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 -2008.
b) Nội dung chi kinh phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ: tổ chức một khoá (lớp)
đào tạo, bồi dưỡng (thực hiện theo quy định chung của Bộ Tài chính tại Thông tư
số 09/2005/TT-BTC ngày 28 tháng 01 năm 2005) bao gồm:
- Chi cho giảng viên: trả thù lao, chi phí cho việc đi lại, bố trí nơi ở
cho giảng viên.
- Chi cho học viên:
+ Chi mua hoặc in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không
bao gồm tài liệu tham khảo).
+ Trả tiền thuê xe và chi phí cho việc liên hệ tổ chức cho học viên đi khảo
sát, thực tế (nếu có).
- Chi tổ chức lớp học:
+ Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như
đèn chiếu, máy vi tính …;
+ Chi tiền văn phòng phẩm và nước uống phục vụ lớp học;
+ Chi tiền điện, tiền nước, tiền phục vụ, trông coi xe;
+ Chi khai giảng, bế giảng, chấm thi, in ấn và cấp chứng chỉ công nhận
hoàn thành khóa học, khen thưởng học viên xuất sắc;
+ Chi quản lý lớp học và một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho lớp học.
c) Tổng kinh phí thực hiện chương trình và nguồn kinh phí:
Trong giai đoạn 2007 - 2010, dự kiến mỗi năm chi 350.000.000
đồng để tổ chức 12 - 15 lớp (khóa) học, mỗi lớp từ 45 - 50 học viên.
Tổng kinh phí ngân sách tỉnh chi để thực hiện chương trình
trong giai đoạn 2007 - 2010 là: 1.400.000.000 đồng (một tỷ, bốn trăm triệu đồng).
2. Các khoản chi do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự chi trả:
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự chi trả các khoản bao gồm
các khoản chi phí đi lại, tiền ăn, tiền ở, mua tài liệu tham khảo và một số khoản
chi khác ngoài các khoản chi hỗ trợ của ngân sách nêu trên. Đối với các học
viên ở gần địa điểm tổ chức lớp học, không phát sinh chi phí thuê chỗ ở trong
thời gian học thì tùy theo khả năng của doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho người đi
học chi phí đi lại, tiền ăn và mua tài liệu tham khảo…
Doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi trên vào chi phí sản
xuất kinh doanh trong kỳ. Mức chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp
thực hiện theo Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 8 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài
chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan
hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.
3. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí các khoản chi
do ngân sách hỗ trợ thực hiện chương trình:
Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết
toán kinh phí trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6
năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6
tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách nhà nước; Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2003 của Bộ
Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân
sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
- Kinh phí ngân sách tỉnh chi hỗ trợ chương trình đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí chung trong dự
toán ngân sách hàng năm.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của chương trình, Sở
Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán kinh phí để bố trí trong dự toán ngân sách nhà
nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn do Sở Kế hoạch và Đầu
tư lập; Sở Tài chính bố trí kế hoạch chi ngân sách để tổ chức thực hiện đảm bảo
theo kế hoạch.
Kế hoạch đào tạo và kế hoạch chi ngân sách hàng năm được gửi
cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, chịu
trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà
nước trong việc tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn;
- Tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các học viên và lập
dự toán kinh phí cho chương trình bao gồm cả phần kinh phí đề nghị ngân sách
Trung ương hỗ trợ và phần kinh phí từ ngân sách địa phương;
- Chủ trì tổ chức thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng theo
kế hoạch được giao thông qua việc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp dịch vụ
đào tạo bồi dưỡng;
- Chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả của các khóa
đào tạo bồi dưỡng;
- Lấy ý kiến đánh giá của các học viên, thường xuyên rút
kinh nghiệm để các khóa đào tạo bồi dưỡng tiếp theo đáp ứng được yêu cầu doanh
nghiệp và đạt hiệu quả cao;
- Chịu trách nhiệm ký hợp đồng và thanh toán kinh phí các
khóa đào tạo bồi dưỡng cho các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo
quy định quản lý tài chính và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về sử dụng
kinh phí đối với chương trình và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp
trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thực
hiện các nhiệm vụ nói trên theo quy định.
2. Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện kiểm soát chi, đảm bảo việc
sử dụng kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đúng mục
đích, đúng quy định chi tiêu tài chính hiện hành.
3. Sở Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài
chính và bảo đảm kinh phí thực hiện chương trình theo kế hoạch, tiến độ, đúng
quy định hiện hành; tham gia quản lý, trợ giúp chương trình theo chức năng, nhiệm
vụ.
4. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp
tham gia thực hiện chương trình, thường xuyên đóng góp ý kiến với các cơ quan
quản lý nhà nước về việc thực hiện chương trình để đáp ứng yêu cầu của các
doanh nghiệp nhỏ và vừa./.