ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 42/2006/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 09
tháng 8 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ
HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm
2003, Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 của Chính phủ Quy định chi
tiết thi hành một số Điều của Luật Hợp tác xã năm 2003; Nghị định số
88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách, hỗ trợ, khuyến
khích phát triển Hợp tác xã;
Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày
31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh
tế tập thể 5 năm 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
tại văn bản số 188 TT/SKH-DN ngày 08 tháng 5 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh
tế tập thể giai đoạn 2006-2010 của tỉnh với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên cơ
sở tập hợp và liên kết rộng rãi mọi tầng lớp xã hội, mọi loại hình, tổ chức
kinh tế và đảm bảo theo quy định của Luật
Hợp tác xã; Phát triển hợp tác xã đặt trong mối quan hệ phát triển doanh nghiệp
trên địa bàn để có sự liên kết, hợp tác cùng phát triển.
2. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đa dạng
về hình thức, qui mô với trình độ phát triển từ thấp đến cao và không giới hạn
về địa bàn.
3. Phát triển tất cả các loại hình hợp tác xã trong
tất cả các lĩnh vực, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát
triển các hợp tác xã phải phục vụ mục tiêu và gắn kết với nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội chung của tỉnh và cả nước. Quan tâm phát triển các hợp tác xã
trong lĩnh vực ngành nghề mới mà xã hội, cuộc sống có nhu cầu như: dịch vụ vệ
sinh môi trường, cung ứng điện, chợ...
4. Phát triển hợp
tác xã phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, kinh tế
trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển.
5. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ hợp tác
phát triển như là một bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế tập thể. Phát
triển và hoàn thiện các mô hình tổ chức hợp tác trong tất cả các lĩnh vực sản
xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và tín dụng.
6. Phát triển hợp tác xã phải xuất phát từ đặc điểm
của từng vùng, từng huyện, thị xã, cơ sở và của nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu
vực và quốc tế.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung:
Tập trung củng cố đổi mới và phát triển kinh tế tập
thể theo chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã,
theo Luật HTX... Tạo được sự chuyển biến rõ rệt đối với kinh tế tập thể trên
các mặt: Quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối. Kinh tế tập thể được
tăng cường một bước vững chắc về nguồn lực con người, cơ sở vật chất kỹ thuật,
trình độ công nghệ và tiềm lực tài chính.
Hình thành và xây dựng được một hệ thống các tổ
chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong ngành, lĩnh vực và các vùng kinh tế với
nhiều hình thức đa dạng phù hợp với nhu cầu và sự tự nguyện lựa chọn của các
tầng lớp xã hội, cá nhân và tổ chức kinh tế. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và
nâng cao hiệu quả kinh tế, vai trò và vị thế của kinh tế tập thể ngày càng được
nâng cao và khẳng định.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Số lượng hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực:
Loại hình HTX
|
2006
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
Nông nghiệp và dịch vụ NN
|
220
|
222
|
225
|
228
|
300
|
Thủy sản
|
13
|
20
|
25
|
32
|
40
|
Xây dựng, cung ứng VLXD
|
14
|
17
|
22
|
26
|
30
|
Tín dụng
|
12
|
15
|
20
|
20
|
25
|
Giao thông vận tải
|
7
|
10
|
14
|
17
|
20
|
Tiểu thủ công nghiệp
|
26
|
32
|
38
|
43
|
50
|
Thương mại
|
1
|
10
|
17
|
34
|
40
|
Dich vụ điện
|
198
|
200
|
203
|
208
|
300
|
Các loại khác
|
6
|
12
|
15
|
18
|
20
|
Tổng cộng:
|
497
|
523
|
564
|
611
|
810
|
- Đến năm 2010, khu vực kinh tế tập thể phấn đấu
đạt tỷ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh tăng cao hơn so với mức hiện nay và đạt
15%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các hợp tác xã khoảng 8-9%.
- Số hợp tác xã làm ăn khá giỏi đạt trên 60%.
- Phấn đấu xây dựng 10-15 hợp tác xã điển hình,
tiên tiến và vững mạnh toàn diện.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng phát triển theo ngành:
a. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp:
- Củng cố và nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã
đang hoạt động theo hướng hạ giá thành và nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ,
mở rộng các loại hình dịch vụ mà nông dân có nhu cầu (tín dụng nội bộ, tiêu thụ
sản phẩm, đời sống...) và phát triển ngành nghề. Kết nạp xã viên là hộ nông dân
đang sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã và nâng cao mức vốn góp của xã viên để
đầu tư mở rộng quy mô phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển các tổ hợp tác,
hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ nông nghiệp, vừa
phát triển chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại và
dịch vụ đời sống khác.
- Thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc hình thành các
hợp tác xã trang trại, liên kết các hợp tác xã có quy mô nhỏ ở nông thôn để
hình thành các hợp tác xã có quy mô lớn hơn, năng lực hoạt động cao hơn.
b. Lĩnh vực thủy
sản:
Phát triển những hợp tác xã thủy sản có quy mô thích hợp ở những vùng có nghề
cá tập trung, ngư dân có tay nghề cao, có vốn, có điều kiện về bến bãi. Xây dựng mô hình hợp tác xã sản
xuất, hợp tác xã dịch vụ hoặc kết hợp cả hai hình thức này, ưu tiên phát triển
các hợp tác xã nuôi trồng và chế biến hải sản.
c. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và
xây dựng:
Cần chú trọng và phát triển những hợp tác xã ở
những ngành nghề và những nơi có thế mạnh về nguyên liệu tại chỗ như các hợp
tác xã khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, hợp tác xã chế biến nông, lâm
sản, Hợp tác xã sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, Hợp tác xã mang tính
làng nghề truyền thống của địa phương. Chú trọng và quan tâm đến vấn đề vốn để
hiện đại hóa các trang thiết bị kỹ thuật,
đổi mới công nghệ và tăng cường cán bộ kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh
và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
d. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ:
Khuyến khích, tạo điều kiện cho để củng cố, thành
lập các HTX thương mại, dịch vụ ở các thị trấn, thị xã, các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp, làng nghề... để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và cung ứng
vật tư, hàng hóa trên địa bàn. Phát triển
mô hình HTX chợ nông thôn, HTX chợ ở thị trấn, thị xã, HTX cung ứng dịch vụ vệ
sinh môi trường, dịch vụ trông trẻ, dịch vụ ở trường học, bệnh viện...
đ. Lĩnh vực giao thông vận tải:
Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp
tác xã dịch vụ vận tải. Phát triển các hợp tác xã vận tải trên cơ sở có tài sản
chung, phát triển sở hữu tập thể hoặc mô hình hợp tác xã hỗn hợp vừa làm dịch
vụ, vừa sản xuất kinh doanh. Chú trọng phát triển các hợp tác xã vận tải, các
hợp tác xã kinh doanh bến bãi cho các phương tiện vận tải.
e. Lĩnh vực tín dụng:
Củng cố các quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động
theo hướng mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, tập trung vốn cho các hộ thành
viên vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
mở rộng ngành nghề, đồng thời liên kết tạo vốn cho các hợp tác xã trên cùng địa
bàn phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thành lập, phát triển các quỹ tín
dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và điều kiện, kể cả nông thôn và thành thị.
2. Định hướng phát triển theo vùng, lãnh thổ.
a. Đối với khu vực thị trấn, thị xã:
- Tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có và phát
triển các hợp tác xã mới theo hướng có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại
và sản xuất tập trung. Phát triển các hợp tác xã để giải quyết những vấn đề cấp
bách ở đô thị như: dịch vụ vận tải, vệ sinh môi trường, chế biến ...
- Chú trọng xây dựng các hợp tác xã thương mại,
dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ đa dạng của các đối tượng dân
cư khác nhau, góp phần ổn định thị trường, tập hợp đông đảo những người sản
xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể để góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, nếp sống
văn minh, văn hóa.
- Phát triển các hợp tác xã cung ứng đầu vào cho
các khu công nghiệp tập trung, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho
các hợp tác xã trong vùng.
b. Đối với khu vực nông thôn:
Cùng với việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp
định hướng theo ngành, cần tạo điều kiện để các hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng
khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất
lượng sản phẩm đầu ra. Chú trọng mở mang, phát triển các ngành nghề truyền
thống và những ngành nghề mới để giải quyết nhu cầu việc làm, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế ngay trên từng địa bàn.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Chấn chỉnh và đổi mới trong từng Hợp tác xã để
đảm bảo đúng tính chất là một tổ chức kinh tế cộng đồng theo các nguyên tắc tự
chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm; đổi mới cả về tổ chức, cơ chế quản lý,
phương thức phân phối và phát huy dân chủ, phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của các
hộ thành viên. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó chú trọng đầu tư
vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông
tin để phát triển sản xuất kinh doanh. Từng bước phát triển hợp tác xã
với quy mô lớn hơn, đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn và tăng cường tích tụ nguồn
vốn, tài sản chung không chia trong Hợp tác xã.
2. Phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã gắn với
quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh với mục tiêu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lồng ghép với
các chương trình dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, ngành
và lĩnh vực, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi trong xu thế hội nhập kinh tế
quốc tế.
3. Đẩy mạnh liên kết trong khu vực Hợp tác xã và
giữa Hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau
nhằm huy động tối đa các nguồn lực vì mục tiêu phát triển.
4. Triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ,
khuyến khích phát triển Hợp tác xã theo tinh thần Nghị định số 88/2005/NĐ-CP
ngày 11/7/2005 như:
- Hỗ trợ khuyến khích thành lập mới Hợp tác xã.
- Đào tạo, bồi dưỡng các chức danh (ban quản trị,
ban chủ nhiệm, ban kiểm soát, kế toán trưởng, và xã viên làm công tác chuyên
môn kỹ thuật, nghiệp vụ...).
- Về đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh.
- Về thuế.
- Về tín dụng.
- Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác
xã.
- Hỗ trợ xúc tiến thương mại.
- Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công
nghệ, khuyến nông, khuyến công và khuyến ngư.
- Hỗ trợ Hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ
sản xuất đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển
kinh tế - xã hội
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xây
dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 -
2010), hàng năm của Sở, ngành và địa phương mình trên cơ sở Kế hoạch phát triển
kinh tế tập thể 5 năm của tỉnh đã được phê duyệt; hàng năm báo cáo tình hình
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và
Đầu tư.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn
xây dựng, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, phối hợp với các
Sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện kế
hoạch của các Sở, ngành và địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày, kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Liên minh
hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài Quốc doanh chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục KTVBQPPL- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Chánh, phó VP/UB;
- Lưu: VT, TH1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Văn Chất
|