ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
368/QĐ-UBND
|
Rạch
Giá, ngày 17 tháng 02 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO
DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH KIÊN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg
ngày 20 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế
thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ
và vừa; Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng
Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của
Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định
số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số
14/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại;
Căn cứ Quyết định số
1527/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên
Giang về việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Kiên
Giang;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng
quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Kiên Giang tại Tờ
trình số 01/TTr-HĐQL ngày 10 tháng 02 năm 2009 về việc ban hành Quy chế Bảo
lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Kiên Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này là Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Kiên
Giang (có bản Quy chế kèm theo).
Điều 2. Giao cho Chủ tịch Hội đồng
quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Kiên Giang tổ chức
triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa Kiên Giang; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký./.
QUY CHẾ
BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 17/02/2009 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng bảo lãnh
tín dụng
1. Các doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế được xếp vào loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của
pháp luật.
2. Các doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng
tối đa 500 lao động.
3. Các Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp
tác xã.
4. Các hộ kinh doanh (do một cá
nhân, hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ) có đăng ký kinh doanh
theo quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký kinh doanh.
5. Các chủ trang trại, các hộ nông
dân, ngư dân thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, trồng cây
công nghiệp, cây lâu năm, chăn nuôi.
Tất cả các đối tượng nêu trên
trong Quy chế này gọi chung là doanh nghiệp.
Điều 2. Phạm vi bảo lãnh tín dụng
1. Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa Kiên Giang (dưới đây gọi tắt là Quỹ Bảo lãnh tín dụng) bảo
lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng thương mại và các tổ chức
tín dụng khác hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư phát
triển sản xuất kinh doanh (vay vốn đầu tư tài sản cố định); phương án sản xuất
kinh doanh (vay vốn lưu động) phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Không bảo
lãnh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có vốn điều lệ tối đa 20
tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, kinh
doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải hàng
hóa, giáo dục đào tạo và y tế); vay vốn để thanh toán nợ vay của hợp đồng tín dụng
khác.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy chế này, các từ ngữ sau
đây được hiểu như sau:
1. Các bên trong quan hệ bảo lãnh:
- Bên bảo lãnh là Quỹ Bảo lãnh tín
dụng;
- Bên được bảo lãnh là các doanh
nghiệp;
- Bên nhận bảo lãnh là các ngân
hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
2. Chứng thư bảo lãnh là cam kết
đơn phương bằng văn bản của Bên bảo lãnh với Bên nhận bảo lãnh về việc Bên bảo
lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Bên được bảo lãnh khi Bên được bảo
lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ theo cam kết với Bên nhận bảo
lãnh.
3. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng là
thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Bên bảo lãnh và Bên được bảo lãnh về
việc Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Bên được bảo lãnh
khi Bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ theo cam kết với
Bên nhận bảo lãnh.
Điều 4. Nguyên tắc bảo lãnh tín dụng
1. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về
bảo lãnh tín dụng theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
2. Các Bên có liên quan thực hiện
đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ về bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
3. Bên được bảo lãnh vay vốn không
được chuyển nhượng tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư dự án; không được sử dụng
tài sản hình thành từ vốn vay trong các hoạt động tín dụng và bảo lãnh khác.
4. Bên bảo lãnh có quyền phát mại
tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh để thu hồi số tiền đã trả nợ thay cho Bên được
bảo lãnh.
Điều 5. Điều kiện để doanh nghiệp
được bảo lãnh tín dụng
1. Thuộc đối tượng và phạm vi được
bảo lãnh quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quy chế này.
2. Có dự án đầu tư phát triển sản
xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
3. Không có nợ quá hạn tại các tổ
chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế.
4. Không nợ đọng thuế. Trong trường
hợp doanh nghiệp có nợ đọng thuế, nhưng dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh
doanh hoặc phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì vẫn được Bên bảo lãnh
thẩm định, quyết định bảo lãnh theo quy định của Quy chế này.
5. Có vốn chủ sở
hữu tham gia dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh
doanh tối thiểu 10%.
6. Sử dụng 100% giá trị tài sản
hình thành từ vốn vay (tối đa 90%) và vốn chủ sở hữu (tối thiểu 10%) để thế chấp
bảo đảm bảo lãnh tại Bên bảo lãnh.
Điều 6. Bội số bảo lãnh tín dụng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong 03
năm đầu không vượt quá 05 lần so với vốn hoạt động.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Mức bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh tín dụng
1. Số tiền được bảo lãnh tối đa bằng
100% số nợ gốc và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng ký giữa Bên được bảo
lãnh và Bên nhận bảo lãnh.
2. Đồng tiền bảo lãnh là đồng Việt
Nam, đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
3. Mức bảo lãnh tín dụng tối đa
cho một doanh nghiệp không vượt quá 15% số vốn chủ sở hữu của Quỹ Bảo lãnh tín
dụng.
Điều 8. Thời hạn bảo lãnh tín dụng
Thời hạn bảo lãnh tín dụng phù hợp
với thời hạn cho vay vốn của Bên nhận bảo lãnh và không vượt quá thời hạn thu hồi
vốn (đối với trường hợp vay vốn để đầu tư tài sản cố định) và chu kỳ sản xuất
kinh doanh (đối với trường hợp vay vốn lưu động).
Điều 9. Phí bảo lãnh tín dụng
1. Phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh
tín dụng bằng 50.000 đồng cho một đơn vị cấp bảo lãnh tín dụng và được nộp cho
Bên bảo lãnh cùng với hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng.
2. Phí bảo lãnh
tín dụng là 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh và được thỏa thuận trong Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng. Việc thu phí bảo lãnh tín dụng được ghi trong Hợp đồng bảo lãnh
tín dụng, phù hợp với thời gian bảo lãnh tín dụng và mỗi quý thu một lần vào cuối
quý.
3. Bên bảo lãnh được miễn, giảm
phí bảo lãnh tín dụng trong trường hợp Bên được bảo lãnh gặp rủi ro bất khả
kháng (thiên tai, hỏa hoạn ...).
4. Mức phạt phí bảo lãnh tín dụng
chậm thanh toán là 1%/tháng trên số phí bảo lãnh tín dụng chậm thanh toán.
Điều 10. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng
1. Giấy đề nghị bảo lãnh tín dụng
của doanh nghiệp.
2. Các tài liệu chứng minh doanh
nghiệp đủ điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 5 của Quy chế
này.
Điều 11. Quy trình bảo lãnh tín dụng
1. Khi phát sinh
nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng đến
Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
2. Tối đa 20
ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tiến hành thẩm định,
nếu đủ điều kiện thì có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh cho doanh nghiệp
vay vốn. Trường hợp không chấp thuận bảo lãnh, Quỹ Bảo lãnh tín dụng thông báo
bằng văn bản cho doanh nghiệp và giải thích rõ lý do không chấp thuận.
3. Căn cứ đề nghị vay vốn của
doanh nghiệp và văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh của Bên bảo lãnh, Bên nhận
bảo lãnh xem xét và ký Hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp.
4. Sau khi có Hợp đồng tín dụng giữa
Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo lãnh, Bên bảo lãnh tiến hành ký Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng; Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và phát hành Chứng thư bảo lãnh để Bên
được bảo lãnh vay vốn tại Bên nhận bảo lãnh.
5. Bên nhận bảo lãnh.
- Bên nhận bảo lãnh thực hiện cho
vay đối với Bên được bảo lãnh theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam về cơ chế cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng;
- Áp dụng mọi biện pháp để thu hồi
nợ theo quy định hiện hành (điều chỉnh thời hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ
cho khoản vay ...) khi Bên được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời;
- Có trách nhiệm thông báo ngay
cho Bên bảo lãnh những thay đổi trong nội dung Hợp đồng tín dụng, điều chỉnh thời
hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ cho khoản vay và những vi phạm hợp đồng của
Bên được bảo lãnh ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, để Bên bảo lãnh phối hợp xử
lý;
- Trường hợp sau khi đã áp dụng
các biện pháp để thu hồi nợ đến hạn, Bên được bảo lãnh vẫn không trả được nợ hoặc
trả không đầy đủ khoản nợ phải trả, Bên nhận bảo lãnh có văn bản yêu cầu Bên bảo
lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết.
6. Trình tự và nội dung thẩm định
hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng để thực hiện bảo lãnh tín dụng phải dựa trên
nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm
liên đới giữa các khâu thẩm định và quyết định bảo lãnh tín dụng. Giao cho Giám
đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng xây dựng quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh
tín dụng để triển khai thực hiện.
Điều 12. Quy trình xử lý rủi ro
1. Tối đa 60 ngày kể từ khi nhận
được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Bên bảo lãnh thỏa thuận với Bên nhận
bảo lãnh về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng cam
kết tại Chứng thư bảo lãnh và quy định tại Quy chế này.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa
vụ bảo lãnh theo đúng cam kết, Bên bảo lãnh:
- Được sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro
bảo lãnh tín dụng để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
- Yêu cầu Bên được bảo lãnh nhận nợ
bắt buộc đối với số tiền Bên bảo lãnh trả nợ thay trước khi thực hiện nghĩa vụ
bảo lãnh với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn của Bên nhận bảo
lãnh tại thời điểm nhận nợ. Bên được bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả nợ vay bắt
buộc cho Bên bảo lãnh.
- Tiếp tục áp dụng các biện pháp
thu hồi nợ; đưa ra trọng tài kinh tế hoặc khởi kiện ra Tòa án Kinh tế.
Điều 13. Thẩm quyền quyết định bảo lãnh tín dụng
1. Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng
quyết định mức bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đầu tư phát triển sản xuất
kinh doanh hoặc phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện được bảo lãnh theo
quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Đối với các dự án đầu tư phát
triển sản xuất kinh doanh hoặc phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng
do có điều kiện đặc thù hoặc chưa đủ điều kiện được bảo lãnh theo quy định tại
Điều 5 của Quy chế này, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ các
Bên
1. Quyền và nghĩa vụ của Bên bảo
lãnh:
a. Yêu cầu Bên được bảo lãnh cung
cấp các tài liệu thuộc hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng và tài liệu liên quan chứng
minh đủ điều kiện được bảo lãnh theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;
b. Thực hiện thẩm định bảo lãnh
tín dụng;
c. Thu phí bảo lãnh tín dụng theo
quy định;
d. Phối hợp với Bên nhận bảo lãnh
kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn và hoàn trả nợ của Bên được bảo lãnh;
đ. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của
mình theo cam kết với Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo lãnh;
e. Có quyền từ chối bảo lãnh tín dụng
đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng; không đủ điều kiện theo quy định tại
Điều 5 của Quy chế này;
g. Khởi kiện theo quy định của
pháp luật khi Bên được bảo lãnh vi phạm Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng
tín dụng;
h. Yêu cầu Bên được bảo lãnh và
Bên nhận bảo lãnh cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, hoặc đột xuất về tình
hình hoạt động của Bên được bảo lãnh liên quan đến việc bảo lãnh tín dụng;
i. Yêu cầu Bên nhận bảo lãnh chấm
dứt việc cho vay và thu hồi nợ trước hạn nếu thấy Bên được bảo lãnh vi phạm Hợp
đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm pháp luật;
k. Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh khi Bên được bảo lãnh hoặc Bên nhận bảo lãnh vi phạm một trong các trường
hợp sau:
- Vi phạm Hợp đồng bảo lãnh tín dụng
hoặc Chứng thư bảo lãnh;
- Bên nhận bảo lãnh không thông
báo cho Bên bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ
hoặc không thanh toán được nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước;
- Bên nhận bảo lãnh không thông báo
cho Bên bảo lãnh trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi Bên được bảo lãnh rơi
vào tình trạng không trả được nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, đúng thời hạn.
l. Có trách nhiệm cung cấp thông
tin, báo cáo định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện bảo lãnh tín dụng đối
với Bên được bảo lãnh cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
2. Quyền hạn và nghĩa vụ của Bên
nhận bảo lãnh:
a. Yêu cầu Bên được bảo lãnh thực
hiện đúng các cam kết trong Hợp đồng tín dụng và các quy định hiện hành có liên
quan;
b. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng
vốn vay của Bên được bảo lãnh để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích theo cam kết
tại Hợp đồng tín dụng, an toàn và có hiệu quả;
c. Chấm dứt ngay việc cho vay và
thu hồi nợ trước hạn khi Bên được bảo lãnh vi phạm các quy định tại Hợp đồng
tín dụng và các quy định hiện hành có liên quan;
d. Thông báo ngay cho Bên bảo lãnh
khi Bên được bảo lãnh vi phạm Hợp đồng tín dụng và các quy định hiện hành có
liên quan;
đ. Thông báo cho Bên bảo lãnh
trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi Bên được bảo lãnh rơi vào tình trạng
không trả được nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, đúng thời hạn;
e. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ
của ngân hàng thương mại đối với Bên được bảo lãnh vay vốn theo quy định của pháp
luật (điều chỉnh thời hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ cho khoản vay) khi Bên
được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời;
g. Yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện
các cam kết trong Chứng thư bảo lãnh vay vốn;
h. Phối hợp với Bên bảo lãnh trong
việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Bên được bảo lãnh.
3. Quyền và nghĩa vụ của Bên được
bảo lãnh:
a. Cung cấp đầy đủ các tài liệu có
liên quan đến việc bảo lãnh tín dụng theo yêu cầu của Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo
lãnh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin và tài
liệu đã cung cấp;
b. Sử dụng vốn vay đúng mục đích,
đảm bảo hiệu quả;
c. Không được sử dụng tài sản đã
thế chấp để bảo đảm bảo lãnh vay vốn trong các hoạt động tín dụng và bảo lãnh
khác;
d. Chịu sự kiểm tra, giám sát của
Bên bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh;
đ. Thực hiện đầy đủ các cam kết
trong Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và Hợp đồng tín dụng;
e. Nộp phí bảo lãnh tín dụng cho
Bên bảo lãnh đầy đủ, đúng thời hạn quy định;
g. Yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện
các cam kết trong Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng tín dụng;
h. Hoàn trả đầy đủ cho Bên bảo
lãnh những khoản nợ (gốc và lãi) phát sinh mà Bên bảo lãnh đã trả thay và các
chi phí liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Bên bảo lãnh;
i. Có trách nhiệm cung cấp thông
tin và báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện dự án đầu tư, tình hình
sản xuất kinh doanh, chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, tình hình
vay vốn và trả nợ vay cho Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh, các đơn vị liên
quan, cơ quan quản lý theo quy định.
Điều 15. Hợp đồng bảo lãnh tín
dụng
1. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng do
Bên bảo lãnh thỏa thuận và ký kết với Bên được bảo lãnh, bao gồm các nội dung
cơ bản sau đây:
- Tên, địa chỉ của các Bên thực hiện
hợp đồng;
- Mục đích, đối tượng và phạm vi bảo
lãnh;
- Tổng giá trị khoản vay của Bên
được bảo lãnh;
- Tổng số vốn chủ sở hữu của Bên
được bảo lãnh;
- Số tiền bảo lãnh, thời hạn bảo
lãnh, mức phí bảo lãnh và phương thức thu phí bảo lãnh;
- Quyền và nghĩa vụ của các Bên
tham gia Hợp đồng bảo lãnh tín dụng;
- Quy định về nhận nợ vay bắt buộc,
bồi hoàn bảo lãnh, trả phí phạt, hoàn trả nợ vay về số tiền Bên bảo lãnh đã trả
nợ thay cho Bên được bảo lãnh;
- Giải quyết tranh chấp phát sinh;
- Những thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng có
thể được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nếu các bên có liên
quan thỏa thuận. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần Hợp đồng bảo lãnh
tín dụng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thực hiện các nội dung còn lại của Hợp
đồng bảo lãnh tín dụng đã ký kết.
Điều 16. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng chấm dứt trong các
trường hợp
1. Nghĩa vụ bảo lãnh đã được Bên bảo
lãnh thực hiện đầy đủ và Bên được bảo lãnh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với
Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
2. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo
quy định của pháp luật.
3. Bên được bảo lãnh đã thực hiện
đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Bên nhận bảo lãnh và Bên bảo lãnh.
4. Thời hạn của bảo lãnh tín dụng
đã hết hiệu lực trong trường hợp Hợp đồng bảo lãnh tín dụng có quy định về thời
hạn hiệu lực của bảo lãnh.
5. Bên nhận bảo lãnh đồng ý hủy bỏ
bảo lãnh theo các quy định của pháp luật.
6. Việc bảo lãnh được thay thế bằng
biện pháp bảo đảm tiền vay khác của Bên được bảo lãnh tại Bên nhận bảo lãnh do
các Bên thỏa thuận.
Điều 17. Nhận nợ và bồi hoàn bảo
lãnh
Bên được bảo lãnh có trách nhiệm
nhận nợ bắt buộc và hoàn trả số tiền mà Bên bảo lãnh đã trả nợ thay cho Bên được
bảo lãnh. Kể từ thời điểm Bên bảo lãnh trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh, Bên
được bảo lãnh phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật trên số
tiền Bên bảo lãnh đã trả nợ thay.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18. Giao cho Chủ tịch Hội
đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 19. Trường hợp cần bổ sung,
sửa đổi Quy chế này, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.