Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 363-QĐ/UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương Người ký: Lê Xuân Tại
Ngày ban hành: 20/05/1971 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 363-QĐ/UB

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 1971

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ SẢN PHẨM TRONG NGÀNH NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

CHỦ NHIỆM ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 67-CP ngày 23-4-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Nông nghiệp trung ương.
Căn cứ vào yêu cầu cấp thiết của các công tác quản lý sản phẩm trong toàn ngành nông trường quốc doanh.
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục cung tiêu và ông Trưởng ban kinh tế kỹ thuật.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành kèm theo quyết định này bản chế độ tạm thời về quản lý sản phẩm trong ngành nông trường quốc doanh. Bản chế độ này áp dụng chung cho tất cả các nông trường quốc doanh trung ương và địa phương, và các cơ sở khác trực thuộc ngành nông trường quốc doanh.

Điều 2. - Bản chế độ tạm thời về quản lý sản phẩm này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3.Các ông Chánh văn phòng, Giám đốc Cục cung tiêu, Trưởng ban kinh tế và kỹ thuật, Trưởng ty, Trưởng phòng nông trường, các ông Giám đốc nông trường, Trưởng trạm nghiên cứu thí nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, v.v… và các cơ sở trực thuộc, chịu trách nhiệm trước Ủy ban chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh chế độ này.

 

T.M. ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
K.T. CHỦ NHIỆM
ỦY VIÊN




Lê Xuân Tại

 

CHẾ ĐỘ TẠM THỜI

VỀ QUẢN LÝ SẢN PHẨM TRONG NGÀNH NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 363 ngày 20-5-1971 của Ủy ban Nông nghiệp trung ương)

Lời nói đầu

Nông trường quốc doanh là những xí nghiệp nông nghiệp xã hội chủ nghĩa thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước cấp vốn kinh doanh nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế quốc dân, do đó toàn bộ sản phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến của nông trường làm ra đều thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước điều động và phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch chung.

Hiện nay sản xuất của nông trường quốc doanh ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, mặt khác đại bộ phận sản phẩm của nông trường là phải thu hoạch quanh năm, giao nộp bốn mùa, dễ hư hỏng, mất mát nên cần phải được quản lý chặt chẽ bảo quản tốt về số lượng cũng như phẩm chất của sản phẩm.

Vì vậy Ủy ban ban hành chế độ tạm thời về quản lý sản phẩm áp dụng trong ngành nông trường quốc doanh là nhằm tăng cường và củng cố chế độ quản lý kinh tế tài chính nói chung và quản lý sản phẩm nói riêng trong các nông trường đi vào chế độ, nền nếp chặt chẽ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân các cấp trong công tác quản lý giao nộp sản phẩm, nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc, chính sách, chế độ của Nhà nước đã ban hành, thực hành tiết kiệm, tận thu, tận chế, làm tăng sản phẩm và chấm dứt các hiện tượng tự sản, tự tiêu, tham ô, lãng phí, sử dụng tùy tiện sản phẩm của Nhà nước.

Chương 1

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Bản chế độ tạm thời về quản lý sản phẩm áp dụng chung cho tất cả các nông trường quốc doanh trung ương, các nông trường quốc doanh địa phương, các trạm thí nghiệm cây trồng và gia súc trực thuộc Ủy ban và các Cục, Vụ có liên quan đến công tác quản lý sản phẩm.

Điều 2. - Những sản phẩm thuộc đối tượng quản lý của bản chế độ này là:

1. Sản phẩm thuộc các loại cây trồng và gia súc (kể cả sản phẩm chính, sản phẩm phụ và sản phẩm thí nghiệm).

2. Các thành phẩm, bán thành phẩm của chế biến làm bằng nguyên liệu nông sản và các nguyên liệu là nông sản.

3. Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi do các nông trường được giữ lại để làm giống tái sản xuất và các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của các trạm thí nghiệm sản xuất ra để cung cấp giống cho các nơi khác.

4. Các sản phẩm là lương thực, thực phẩm cân đối theo tiêu chuẩn được sử dụng trong nội bộ.

5. Các thứ phẩm, phế phẩm, phế liệu thuộc các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến (bằng nguyên liệu nông sản) tận thu, tận chế được (kể cả các gia súc bị thiên tai, địch họa, tai nạn bất thường).

Những sản phẩm khác không nằm trong quy định trên thì không thuộc đối tượng quản lý của bản chế độ này như phân hữu cơ, sản phẩm tự khai thác (gỗ, tranh, tre, nứa…) sản phẩm của cơ khí, xây dựng cơ bản (những sản phẩm này đã quy định áp dụng theo bản chế độ tạm thời về quản lý vật tư ban hành kèm theo Quyết định số 465-QĐCT ngày 19-11-1970 của Ủy ban.

Sản phẩm của các tổ chức công đoàn tự tăng gia cải thiện cũng không thuộc đối tượng quản lý của bản chế độ này.

Điều 3. - Tất cả các sản phẩm thuộc đối tượng quản lý quy định ở điều 2, do các nông trường, các trạm sản xuất ra đều thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước điều động, phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch chung.

Các nông trường, trạm có nhiệm vụ giao nộp đầy đủ, toàn vẹn những sản phẩm đó cho Nhà nước theo ba chỉ tiêu: số lượng, chất lượng, giá trị và chấp hành tốt các chế độ, chính sách thu mua, giá cả chỉ đạo và chế độ hợp đồng kinh tế của Nhà nước đã ban hành.

Nay nghiêm cấm tất cả các hiện tượng: sử dụng sản phẩm tùy tiện, tham ô lãng phí sản phẩm, bán sản phẩm ra thị trường tự do, bán cho cá nhân hoặc đem sản phẩm ra trao đổi, móc ngoặc… làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch chung.

Điều 4. - Việc phân cấp quản lý sản phẩm quy định như sau:

1. Sản phẩm do các nông trường quốc doanh trung ương và các trạm thí nghiệm trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp trung ương sản xuất ra đều thuộc quyền quản lý của Ủy ban Nông nghiệp trung ương. Mọi việc điều động, phân phối, sử dụng, giao nộp và tiêu thụ sản phẩm đều phải ghi vào kế hoạch hằng năm và do Ủy ban Nông nghiệp trung ương xét duyệt và phê chuẩn. Các cơ quan chủ quản địa phương không được phân phối hoặc giữ lại ở địa phương mình những sản phẩm này.

Riêng những sản phẩm được ghi trong kế hoạch hằng năm mà đã được Ủy ban Nông nghiệp trung ương phê duyệt và được Trung ương phân cấp cho các địa phương quản lý thì các địa phương quản lý thì các địa phương được quyền nhận, điều động, phân phối, sử dụng và tiêu thụ những sản phẩm đó.

2. Sản phẩm do các nông trường quốc doanh địa phương sản xuất ra thuộc quyền quản lý của các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố đã được Trung ương phân cấp.

Mọi việc điều động, phân phối, sử dụng, giao nộp và tiêu thụ sản phẩm của những nông trường này cũng phải nằm trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước đã phê chuẩn cho địa phương. Riêng đối với một số sản phẩm là đặc sản cần phục vụ cho yêu cầu chung của Trung ương thì Ủy ban Nông nghiệp trung ương sẽ căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước thống nhất với các Ủy ban hành chính để điều động, phân phối.

Điều 5. - Sản phẩm để tại các nông trường, trạm phải được tổ chức bảo vệ, bảo quản chu đáo. Các nông trường, trạm phải có đủ kho tàng, sân chơi và các phương tiện chứa đựng.

Khi giao nhận, nhập xuất sản phẩm phải thực hiện cân, đong chính xác, công tác quản lý kho tàng sản phẩm phải chấp hành đúng chế độ quản lý kho của Nhà nước đã ban hành.

Chương 2

QUẢN LÝ SẢN PHẨM KHI THU HOẠCH, CHẾ BIẾN, GIAO NHẬN TRONG NỘI BỘ VÀ BẢO VỆ, BẢO QUẢN SẢN PHẨM

Mục I.

THU HOẠCH SẢN PHẨM

Điều 6. - Trước khi thu hoạch, các nông trường, trạm phải tổ chức giám định năng suất, sản lượng cây trồng và gia súc. Đối với những gia súc đến kỳ chuyển đàn, thải loại cũng phải tổ chức giảm định trước.

Khi giám định phai căn cứ vào các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các phương pháp nghiệp vụ đã quy định. Việc tổ chức giám định cho bộ phận kỹ thuật của nông trường, trạm chịut rách nhiệm, có đại diện của bộ phận cung tiêu, kế toán và cán bộ phụ trách các đội sản xuất tham gia. Sau khi giám định phải lập biên bản báo cáo giám đốc và gửi cho các bộ phận có liên quan.

Điều 7.Công tác thu hoạch phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt kế hoạch, tổ chức, nhân lực, phương tiện… đảm bảo thu hoạch nhanh, gọn, kịp thời.

Thu hoạch sản phẩm phải đúng vụ, đúng lứa, đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật và phải tận thu, không bỏ sót sản phẩm, không làm ẩu, làm dối ảnh hưởng đến năng suất sản lượng của những vụ sau.

Thu hoạch đến đâu phải nghiệm thu đến đó và đưa ngay về nơi tập trung quy định hay nhập kho. Trường hợp sản phẩm còn để tại đồng ruộng thì phải có tổ chức bảo vệ, bảo quản chu đáo, chống mất mát, hư hỏng.

Điều 8.Nghiệm thu sản phẩm phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Nghiệm thu sản phẩm phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, cân đong chính xác, xác định đúng tiêu chuẩn phẩm cấp đã quy định và phải thực hiện đúng các nguyên tắc thủ tục về chứng từ, ghi chép sổ sách của chế độ kế toán và chế độ hạch toán ban đầu của Ủy ban và của Nhà nước đã ban hành.

2. Việc nghiệm thu sản phẩm của công nhân giao cho Đội, do cán bộ kỹ thuật đội cùng với đội trưởng chịu trách nhiệm tổ chức. Việc nghiệm thu sản phẩm của các đội sản xuất giao cho nông trường, trạm do bộ phận kỹ thuật của nông trường, trạm chịu trách nhiệm có sự tham gia của các bộ phận cung tiêu, thống kê, kế toán và phải có mặt đội trưởng các đội sản xuất.

Điều 9. - Sản phẩm sau khi đã thu hoạch và nghiệm thu xong, nếu phải tiếp tục qua khâu chế biến hoặc có điều kiện giao nộp ngay cho cơ quan thu mua thì phải được tổ chức giao nhận ngay, phải hết sức tránh đem sản phẩm nhập kho. Bộ phận cung tiêu nông trường, trạm có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thu mua để giao nộp kịp thời, đúng vụ.

Điều 10. - Sản phẩm đang trong quá trình thu hoạch hoặc nghiệm thu đều do đội trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý, bảo vệ và bảo quản cho đến khi giao xong cho nông trường, trạm hoặc chuyển qua khâu chế biến hay giao nộp cho cơ quan thu mua.

Những gia súc chuyển đàn, thải loại chờ giao nộp thì trong quá trình này đội chăn nuôi có trách nhiệm chăn dắt cho đến khi phân phối, giao nộp xong.

Bộ phận cung tiêu nông trường, trạm có nhiệm vụ giám sát việc quản lý, bảo vệ, bảo quản sản phẩm của các đội khi còn để tại đội.

Điều 11. - Những sản phẩm thu hoạch không đúng tiêu chuẩn, phẩm cấp quy định phải được truy cứu để quy trách nhiệm, còn việc giải quyết số sản phẩm này thì áp dụng theo điều 35 của chương III dưới đây.

Mục II.

CHẾ BIẾN SẢN PHẨM

Điều 12. - Những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi dùng làm nguyên liệu cho chế biến thì sau khi thu hoạch, nghiệm thu xong, các đội sản xuất phải giao ngay cho xưởng chế biến đúng số lượng, tiêu chuẩn phẩm cấp và đúng thời gian quy định.

Điều 13. - Sản phẩm đưa vào chế biến phải được xác định bằng văn bản giữa bộ phận cung tiêu nông trường với xưởng chế biến về:

1. Số lượng sản phẩm và nguyên liệu đã giao.

2. Số lượng, quy cách, phẩm chất của thành phẩm chế biến ra.

3. Số lượng và quy cách bao gói phải bảo đảm.

4. Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, tỷ lệ hàng hỏng và phế liệu.

5. Giá thành của thành phẩm.

Văn bản này dùng làm căn cứ cho việc nghiệm thu thành phẩm khi chế biến xong và lập thành ba bản: một bản giao cho bộ phận cung tiêu, một bản giao cho xưởng chế biến, một bản giao cho bộ phận kế toán.

Điều 14.Nguyên tắc quản lý nguyên liệu là nông sản khi chế biến:

1. Xưởng trưởng chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý và bảo quản nguyên liệu ngay từ khi nhận cho đến khi hoàn thành việc chế biến.

2. Quản lý nguyên liệu phải quy định biện pháp và trách nhiệm cụ thể trong từng khâu: giao nhận - nhập xuất kho và đưa vào chế biến qua từng công đoạn cho đến khi thành thành phẩm.

3. Quá trình chế biến phải quản lý theo các định mức tiêu hao nguyên liệu cho một đơn vị thành phẩm, các tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, tỷ lệ hàng hỏng và phế liệu đã quy định.

Điều 15. Thành phẩm sau khi chế biến ra phải giao ngay cho bộ phận cung tiêu nông trường.

Khi giao thành phẩm cũng phải tổ chức nghiệm thu, căn cứ vào văn bản giao nguyên liệu đã quy định ở điều 13 để đối chiếu với nguyên liệu đã đưa vào chế biến, xác định số lượng, quy cách, phẩm chất thành phẩm, xác định tỷ lệ hao hụt nguyên liệu thực tế, số lượng hàng hỏng và phế liệu, xác định giá thành thực tế của thành phẩm.

Nguyên tắc nghiệm thu tiến hành như quy định của điều 8 mục I trên.

Những nguyên liệu thừa, hàng hỏng, phế liệu phải thu hồi lại nộp cho bộ phận cung tiêu nông trường quản lý.

Mục III.

GIAO NHẬN SẢN PHẨM TRONG NỘI BỘ

Điều 16. - Việc giao nhận sản phẩm giữa các đội, xưởng và giữa các đội, xưởng với nông trường, trạm (bộ phận cung tiêu) phải được quảnl ý chặt chẽ về số lượng, chất lượng và thời gian quy định của từng loại sản phẩm và cần áp dụng theo hình thức hợp đồng giao nhận nội bộ.

Việc ký kết hợp đồng thì tùy theo điều kiện cụ thể mà có thể ký theo thời vụ thu hoạch hoặc theo thời gian chế biến từng quý, khi đã ký kết hợp đồng thì các điều khoản của hợp đồng phải được hai bên tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành như pháp lệnh của nội bộ.

Điều 17. Khi giao nhận sản phẩm phải thực hiện đúng nguyên tắc:

1. Đúng chỉ tiêu kế hoạch, đúng hợp đồng nội bộ đã ký kết và đúng biên bản nghiệm thu.

2. Phải áp dụng phương pháp đo lường bằng cân chính xác và xác định phẩm chất của sản phẩm giữa hai bên.

3. Phải lập đầy đủ các chứng từ hợp lệ có chữ ký của người giao, người nhận. Chữ ký phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người ký – các chứng từ giao nhận phải được đăng ký kịp thời vào sổ sách của hai bên.

4. Phải xác định tỷ lệ hao hụt tự nhiên trong quá trình giao nhận để quản lý chặt chẽ số lượng sản phẩm thực giao.

Bộ phận cung tiêu nông trường, trạm có trách nhiệm giám sát, theo dõi mọi việc giao nhận sản phẩm trong nội bộ đơn vị.

Điều 18. Việc giao nhận sản phẩm giữa các đội, xướng với nông trường, trạm có thể áp dụng theo hai hình thức:

1. Giao nhận tập trung về kho nông trường, trạm do bộ phận cung tiêu trực tiếp quản lý.

2. Giao nhận không tập trung về kho nông trường, trạm. Áp dụng hình thức này đối với những sản phẩm không cần thiết phải tập trung về nông trường mà có thể để tại các kho đội, xưởng để chờ giao nộp thẳng cho cơ quan thu mua, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: sản phẩm để trong kho thuộc quyền quản lý của nông trường, trạm, các đội, xưởng không được tự ý nhập xuất.

Mục IV.

BẢO QUẢN SẢN PHẨM

Điều 19. - Tất cả các sản phẩm sản xuất chế biến ra (kể cả sản phẩm thí nghiệm) phải được bảo vệ, bảo quản chu đáo, chống hao hụt, mất mát, biến chất, tham ô lãng phí.

Trách nhiệm bảo vệ, bảo quản sản phẩm quy định như sau:

1. Những sản phẩm còn để tại đồng ruộng, chuồng trại, sân phơi trong quá trình thu hoạch, các nguyên liệu là nông sản trong quá trình chế biến và những sản phẩm để tại các kho của đội xưởng (không phân biệt đã giao cho cung tiêu hay chưa giao) đều do các đội, xưởng chịu trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ, bảo quản dưới sự hướng dẫn, giám sát của bộ phận cung tiêu.

2. Những sản phẩm đã giao cho cung tiêu tập trung về kho nông trường, trạm thì bộ phận cung tiêu có trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ, bảo quản.

3. Việc bảo vệ, bảo quản sản phẩm phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật về phẩm chất, tiêu chuẩn đối với từng mặt hàng, từng loại sản phẩm, từng tiêu chuẩn phẩm cấp và giá trị của sản phẩm.

4. Phải quy định tỷ lệ hao hụt tự nhiên đối với từng sản phẩm trong quá trình bảo quản để xác định trách nhiệm quản lý khi xảy ra những trường hợp hao hụt.

Điều 20. - Sản phẩm trong quá trình bảo quản phải có kho tàng, phương tiện chứa đựng đầy đủ.

Tổ chức hệ thống kho trong nông trường, trạm thì tùy theo quy mô sản xuất, tổ chức biên chế, khối lượng sản phẩm, địa điểm giao nhận để tổ chức và phân theo hai loại kho:

1. Kho đội, xưởng.

2. Kho nông trường, trạm (kho liên đội, kho tập trung).

Kho đội, xưởng do đội xưởng trực tiếp quản lý dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của bộ phận cung tiêu. Nhưng đối với sản phẩm để trong kho là thuộc quyền quản lý của nông trường, trạm. Các đội, xưởng phải thực hiện đúng như quy định của điều 18.

Kho liên đội, kho tập trung (kể cả kho giống) do bộ phận cung tiêu nông trường trực tiếp quản lý toàn diện.

Điều 21. - Vị trí, quy mô, cấu trúc của từng loại kho và việc bố trí kho tàng phải phù hợp với đặc tính riêng biệt của từng loại sản phẩm. Khi sắp xếp phải tận dụng được dung tích kho.

Kho tàng phải có đầy đủ khóa, phương tiện đo lường, phương tiện bảo vệ, phòng hỏa… Kho phải được giữ gìn sạch sẽ, chống côn trùng, chuột bọ, có hệ thống tiêu nước, thoát nhiệt, thông gió và phải cách biệt với kho vật tư, nhất là các kho chứa các loại có độc tính, chất dễ nổ, dễ cháy.

Các kho phải có đầy đủ nội quy kho tàng, nội quy kho tàng do giám đốc quy định.

Điều 22. - Tất cả các kho phải có thủ kho. Tùy theo vị trí, quy mô của từng kho, có thể bố trí thủ kho chuyên trách hoặc bán chuyên trách, nhưng không được giao cho nhân viên thống kê, kế toán kiêm nhiệm thủ kho.

Việc bố trí thủ kho phải lựa chọn người có tinh thần trách nhiệm, hiểu biết về sản phẩm và nghiệp vụ kho.

Thủ kho chuyên trách hoặc bán chuyên trách đều có nhiệm vụ:

1. Kiểm tra chất lượng, số lượng sản phẩm nhập xuất qua kho và thực hiện việc nhập xuất sản phẩm theo chứng từ hợp pháp đã được chế độ kế toán kho của Nhà nước quy định.

2. Bảo vệ, bảo quản số lượng, chất lượng sản phẩm để trong kho.

3. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán kho, chế độ quản lý, bảo quản sản phẩm và nội quy kho tàng.

Điều 23. - Mọi việc nhập xuất sản phẩm tại các kho đều phải thực hiện phương pháp đo lường bằng cân chính xác, phải có đầy đủ các phiếu nhập kho hợp lệ, thẻ kho, và chấp hành đúng các thủ tục, nguyên tắc của chế độ kế toán kho của Nhà nước đã ban hành.

Điều 24. - Sản phẩm để trong kho phải được kiểm tra phẩm chất thường xuyên hàng ngày, phải chú ý việc đảo, chuyển, phơi… để sản phẩm không bị ẩm, mốc, mục, biến chất, sản phẩm trước khi nhập kho phải được phân loại, phân cấp.

Nguyên tắc sắp xếp sản phẩm trong khi phải bảo đảm:

1. Sản phẩm tỏa mùi không bố trí gần sản phẩm hấp thụ mùi.

2. Sản phẩm có thủy phần cao không để gần sản phẩm dễ hút ẩm.

3. Những sản phẩm cần bảo quản với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm khác nhau thì phải bố trí riêng rẽ.

4. Tuyệt đối không được để chung các loại vật tư khác trong kho sản phẩm.

5. Những sản phẩm để lại làm giống phải có kho riêng.

6. Cần hạn chế đến mức tối thiểu sản phẩm phải lưu tại các kho lâu.

Chương 3

QUẢN LÝ SẢN PHẨM KHI GIAO NỘP, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG

Mục I.

GIAO NỘP SẢN PHẨM.

Điều 25. Giao nộp sản phẩm là một chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước. Các nông trường có nhiệm vụ giao nộp đầy đủ sản phẩm theo chỉ tiêu kế hoạch đã được Nhà nước phê chuẩn.

Tất cả các nông trường đều phải lập kế hoạch giao nộp sản phẩm theo quy định kỳ quy định trong năm kế hoạch để gửi cho các cơ quan kế hoạch cấp chủ quản (Ủy ban Nông nghiệp và tỉnh).

Nguyên tắc và thể thức lập kế hoạch phải xây dựng đúng theo chỉ tiêu đã phân bổ, đúng với tinh thần hướng dẫn của các văn bản quy định về lập kế hoạch hàng năm của Ủy ban nông nghiệp và cơ quan chủ quản địa phương.

Điều 26. - Việc giao nộp sản phẩm phải thực hiện theo chế độ hợp đồng kinh tế đã được Nhà nước quy định.

Hợp đồng nguyên tắc về giao nộp sản phẩm do Ủy ban nông nghiệp và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, khu ký với các ngành công nghiệp liên quan.

Hợp đồng cụ thể về giao nộp sản phẩm do giám đốc các nông trường trực tiếp ký với các cơ quan thu mua đã được chỉ định.

Ký kết hợp đồng là một kỷ luật bắt buộc, các nông trường không được quyền từ chối. Hợp đồng khi đã được ký thì các điều khoản của hợp đồng phải được nghiêm chỉnh chấp hành.

Hợp đồng cụ thể phải ký đúng chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước đã phê chuẩn, đúng với cơ quan thu mua đã được Nhà nước phân phối và đúng với hợp đồng nguyên tắc đã được Ủy ban nông nghiệp và Ủy ban hành chính tỉnh ký với các ngành có liên quan.

Điều 27. Những sản phẩm do Trung ương chỉ đạo giá thì khi giao nộp, ký kết hợp đồng phải theo đúng giá chỉ đạo của Trung ương. Trường hợp sản phẩm nào chưa có giá chỉ đạo của Trung ương thi giữa nông trường với cơ quan thu mua có thể thỏa thuận với nhau về giá tạm tính, sau sẽ điều chỉnh thanh toán lại khi có giá chính thức.

Điều 28. - Việc tổ chức giao nộp sản phẩm do nông trường chịu trách nhiệm và cùng với cơ quan thu mua để tổ chức.

Địa điểm giao nộp và phương tiện vận chuyển sản phẩm về kho bên thu mua sẽ căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận ký kết để tiến hành.

Các nông trường có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc giao nộp sản phẩm được nhanh, gọn, không ứ đọng.

Điều 29. Khi giao nộp sản phẩm cho các cơ quan thu mua cũng phải thực hiện đúng các nguyên tắc, thủ tục về chứng từ và cân đong chính xác.

Điều 30. - Những sản phẩm do nông trường chịu trách nhiệm bảo đảm bao bì, đóng gói thì nông trường phải làm đúng yêu cầu về quy cách bao bì để bảo đảm được phẩm chất của sản phẩm.

Bao bì phải ghi rõ tên người đóng gói, tên người kiểm tra và nhãn hiệu.

Chi phí về bao bì, đóng gói do ên thu mua thanh toán với nông trường.

Điều 31. Trong quá trình ký hợp đồng và giao nộp sản phẩm nếu gặp các mắc mứu, khó khăn thì cách giải quyết như sau:

1. Trường hợp bên thu mua được chỉ định thu mua mà từ chối việc ký kết hợp đồng, hoặc đã ký hợp đồng nhưng trì trệ, kéo dài thời gian nhận hàng hay từ chối không nhận hàng, hoặc tự ý điều chỉnh hợp đồng thì đều coi như vi phạm chế độ hợp đồng, các nông trường căn cứ vào điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 29-CP ngày 23-2-1962 của Hội đồng Chính phủ để khiếu nại với hội đồng trọng tài các cấp, đồng báo cáo về Ủy ban nông nghiệp trung ương (đối với nông trường trực thuộc trung ương) và Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu (đối với nông trường trực thuộc địa phương).

Trong khi chờ giải quyết, nông trường không được tự ý giao hoặc bán sản phẩm cho cơ quan khác.

2. Trường hợp xảy ra các vụ tranh chấp về giá cả, phẩm chất, phân loại thì chủ yếu giữa nông trường với bên mua bàn bạc thống nhất với nhau trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để cùng giải quyết. Nếu không giải quyết được thì lập biên bản báo cáo với các cơ quan chủ quản và hội đồng trọng tải địa phương để đề nghị giải quyết. Nếu vẫn không giải quyết được thì báo cáo về Ủy ban nông nghiệp trung ương (đối với nông trường trực thuộc trung ương) hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu (đối với nông trường trực thuộc địa phương).

Trong khi chờ giải quyết vẫn phải giao sản phẩm cho bên thu mua theo nguyên tắc tạm thanh toán 90% giá trị của lô hàng đã giao (theo đề xuất của bên bán). Số tiền còn lại sẽ tiến hành thanh toán sau khi được quyết định giải quyết của cấp trên.

3. Trường hợp sản phẩm giao không đúng tiêu chuẩn phẩm chất đã ký trong hợp đồng và bên thu mua từ chối không nhận thì nông trường phải thương lượng với bên thu mua để giải quyết, có thể định lại giá cả cho phù hợp với phẩm chất của lô hàng để giao nộp được. Nếu bên thu mua vẫn không nhận thì nông trường phải cùng bên thu mua lập biên bản xác định và nông trường phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm chế độ hợp đồng với bên thu mua. Còn số sản phẩm này giải quyết theo quyết định của điều 35 mục II dưới đây.

Điều 32. - Sản phẩm của các trạm thí nghiệm trồng trọt, chăn nuôi sản xuất ra cũng phải đưa vào chỉ tiêu kế hoạch phân phới hàng năm do Ủy ban phê duyệt.

Việc phân phối các loại sản phẩm này cũng phải thực hiện theo đúng chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt và đúng với cơ quan, đơn vị đã được Ủy ban quyết định.

Các trạm không được tùy tiện bán sản phẩm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương không thuộc diện Ủy ban phân phối.

Mục II.

SỬ DỤNG SẢN PHẨM.

Điều 33.Các nông trường, trạm chỉ được quyền sử dụng sản phẩm trong những trường hợp dưới đây:

1. Những sản phẩm được giữ lại để tái sản xuất, tính theo tỷ lệ quy định (như làm giống, thức ăn gia súc…).

2. Những sản phẩm là lương thực, thực phẩm được sử dụng cho cán bộ công nhân sau khi đã cân đối theo tiêu chuẩn của Nhà nước và được phân phối lại. Số sản phẩm này tính vào chỉ tiêu giao nộp Nhà nước.

Điều 34. - Những gia súc, gia cầm bị thiên tai, địch họa, tai nạn thì giải quyết như sau:

1. Những gia súc, gia cầm thuộc diện quản lý theo tiêu chuẩn cung cấp thực phẩm của các ty chủ quản địa phương, thì phải báo cho ty chủ quản giải quếyt. Trường hợp được sự thỏa thuận của ty chủ quản cấp thêm tiêu chuẩn ăn cho cán bộ công nhân thì được phân phối sử dụng trong nội bộ.

2. Những gia súc, gia cầm không thuộc phạm vi cân đối theo tiêu chuẩn cung cấp thực phẩm, nhưng nằm trong chỉ tiêu giao nộp thì phải mời cơ quan thu mua đến giải quyết.

Trong cả hai trường hợp trên, nếu ty chủ quản địa phương và cơ quan thu mua không đến hoặc do điều kiện khó khăn và tính chất tươi sống của sản phẩm, không báo kịp cho ty chủ quản và cơ quan thu mua thì giám đốc nông trường, trạm lập biên bản và căn cứ vào mức độ thiệt hại, để cho các cơ quan khác trong địa phương tiêu thụ hoặc phân phối trong nội bộ, hay phải hủy, nếu không sử dụng được. Sau đó phải báo bằng văn bản chính thức (kèm theo biên bản) cho các ty chủ quản và cơ quan thu mua biết, đồng báo cáo về Ủy ban Nông nghiệp trung ương (đối với nông trường trực thuộc trung ương) và Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành (đối với nông trường trực thuộc địa phương).

Điều 35. - Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất kém. Khi giao nộp bên thu mua không nhận và có văn bản xác nhận chính thức từ chối thì giải quyết theo nguyên tắc:

1. Sản phẩm xuất khẩu kém phẩm chất thì chuyển giao cho cơ quan nội địa, đúng cơ quan đã được phân cấp quản lý thu mua mặt hàng đó.

2. Sản phẩm tiêu thụ nội địa không đúng tiêu chuẩn phân cấp và sản phẩm xuất khẩu kém phẩm chất giao cho các cơ quan nội địa, nhưng các cơ quan này không thu mua thì phải cùng các cơ quan đó lập biên bản và báo cáo về Ủy ban Nông nghiệp trung ương (đối với nông trường trực thuộc trung ương) hoặc Ủy ban hành chính địa phương (đối với nông trường trực thuộc địa phương) để giải quyết điều hòa phân phối cho các ngành khác, nhưng đối với một số sản phẩm là hàng tươi sống, chóng hưhỏng như hoa quả tươi, trứng gia cầm không thể chờ sự giải quyết của trên, thì giám đốc nông trường, trạm, căn cứ vào biên bản được tiêu thụ mà phân phối cho các cơ quan khác trong địa phương, nhưng phải bảo đảm chính sách quản lý thị trường và giá cả của địa phương. Sau khi giải quyết phải báo cáo về Ủy ban nông nghiệp trung ương và Ủy ban hành chính địa phương.

Điều 36. - Những phế liệu, phế phẩm thuộc hàng nông sản tận thu được trong quá trình thí nghiệm, chế biến, nếu còn sử dụng được thì trước hết phải tận dụng để sản xuất, chế biến ra sản phẩm khác, trường hợp kông thể tận dụng được thì có thể giải quyết tiêu thụ cho các cơ quan trong địa phương hoặc phân phối trong nội bộ, nhưng phải quy định giá cả để thu hồi nộp vào vốn của Nhà nước.

Chương 4

CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37.Các ông Cục, Vụ trưởng các Cục, Vụ kỹ thuật, nghiệp vụ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn, các điều quy định cụ thể của các vấn đề có liên quan đến bản chế độ này để trình Ủy ban ban hànhsớm, đồng thời giúp Ủy ban chỉ đạo các nông trường, trạm thực hiện tốt bản chế độ này trong toàn ngành.

Điều 38.Ông Cục trưởng Cục cung tiêu căn cứ vào các chi tiêu kế hoạch và ý kiến của Ủy ban để chỉ đạo việc giao nộp sản phẩm và quản lý sản phẩm trong các khâu điều động, phân phối, sử dụng sản phẩm của các nông trường trung ương và các trạm thí nghiệm trực thuộc Ủy ban ban theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước đã ban hành và các điều khoản quy định của bản chế độ này. Đồng thời cón hiệm vụ hướng dẫn về mặt nghiệp vụ kho tàng, bảo quản sản phẩm trong toàn ngành.

Điều 39.Các ông Trưởng ty, Phòng nông trường có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, khu để chỉ đạo toàn nhiện. công tác quản lý sản phẩm và giao nộp sản phẩm của các nông trường địa phương theo chức năng quyền hạn đã được Ủy ban hành chính giao và có nhiệm vụ chỉ đạo về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra viêc thực hiện bản chế độ quản lý sản phẩm của Ủy ban đối với tất cả các nông trường trung ương và địa phương đóng tại địa phương mình.

Điều 40.Các ông giám đốc các nông trường, trạm phải bảo đảm lãnh đạo trực tiếp việc quản lý chặt chẽ sản phẩm và lãnh đạo việc chấp hành nghiêm chỉnh bản chế độ quản lý sản phẩm của Ủy ban cũng như các chế độ, chính sách giao nộp sản phẩm, quản lý thị trường của Nhà nước đã ban hành trong đơn vị mình.

Các ông đội trưởng, xưởng trưởng ở các đội, xưởng sản xuất, chế biến phải trực tiếp quản lý từng thứ, từng loại sản phẩm trong từng khâu, từng tổ sản xuất từ khi thu hoạch, chế biến cho đến khi giao nộp xong. Đội trưởng phải chấp hành mọi sự hướng dẫn của các bộ phận có liên quan về mặt kỹ thuật, nhiệm vụ để quản lý tốt sản phẩm về số lượng, chất lượng và phải thực hiện đúng theo bản chế độ này.

Các bộ phận nghiệp vụ, kỹ thuật trong nông trường, trạm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được giám đốc giao có nhiệm vụ giúp giám đốc quản lý chặt chẽ sản phẩm trong từng khâu: thu hoạch, chế biến, bảo quản, giao nộp và giám sát việc chấp hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật, các nguyên tắc chế độ quản lý sản phẩm trong đơn vị.

Điều 41.Tất cả các công nhân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm và cán bộ nhân viên trong công tác có liên quan đến nhiệm vụ quản lý sản phẩm đều phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của bản chế độ này, phải bảo đảm thu hoạch, chế biến, bảo vệ, bảo quản tốt sản phẩm để giao nộp cho Nhà nước, không được làm hư hao sản phẩm, tham ô lãng phí sản phẩm của Nhà nước.

Điều 42. - Những đơn vị, cá nhân nào, gương mẫu chấp hành đầy đủ mọi điều khoản của chế độ này, có thành tích trong việc bảo vệ, bảo quản, giao nộp sản phẩm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm thì sẽ được khen thưởng thích đáng theo chế độ khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

Những đơn vị, cá nhân nào vi phạm các điều khoản quy định trong chế độ này thì tùy theo mức độ sai lầm sẽ bị thi hành kỷ luật theo các hình thức: cảnh cáo, bồi thường, cách chức hoặc truy tố trước tòa án theo Pháp lệnh trừng trị các tội phạm tài sản xã hội chủ nghĩa do Lệnh số 149-LCT ngày 23-10-1970 đã ban hành.

Điều 43. - Bản chế độ tạm thời này thi hành kể từ ngày ký.

Các văn bản trước đây trái với bản chế độ này đều bị hủy bỏ.

Ông Cục trưởng Cục cung tiêu, ông Trưởng ban thanh tra và ông Trưởng ban kinh tế kỹ thuật có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện bản chế độ này trong toàn ngành và tổng kết rút kinh nghiệm để chỉnh lý hoàn chỉnh thành bản chế độ chính thức sau này.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 363-QĐ/UB ngày 20/05/1971 ban hành chế độ tạm thời về quản lý sản phẩm trong ngành nông trường quốc doanh của Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.435

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.146.143
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!