CHƯƠNG TRÌNH
KHOA HỌC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
GIAI ĐOẠN 2011-2015 TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phần 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
I. Mục tiêu chương trình:
1. Mục tiêu tổng quát:
Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai
đoạn 2011-2015 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là chương trình) thực
hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa
học công nghệ và sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và hợp lý hóa sản
xuất tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng
khả năng cạnh tranh đối với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp. Qua đó, góp
phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường hội nhập kinh tế
quốc tế. Đồng thời, từng bước đưa khoa học - công nghệ trở thành nguồn động lực
quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh
quốc phòng và góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
Sau 5 năm triển khai Chương trình phải đạt các chỉ
tiêu cụ thể sau:
- Hỗ trợ tối thiểu đạt 120 lượt doanh nghiệp áp dụng các
hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP, SA 8000…
tại các đơn vị.
- Hỗ trợ tối thiểu đạt 50 lượt doanh nghiệp tham gia bảo
hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Hỗ trợ tối thiểu đạt 50 lượt doanh nghiệp sản xuất sạch,
xử lý làm hạn chế ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ tối thiểu đạt 50 lượt doanh nghiệp đổi mới công
nghệ, thiết bị và sản phẩm; tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất kinh
doanh, dịch vụ có nguồn phụ tải lớn nhằm giảm thiểu chi phí năng lượng, giảm
giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Hỗ trợ tối thiểu đạt 50 lượt doanh nghiệp ứng dụng có
hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và thương mại điện tử.
II. Đối tượng được áp dụng hỗ trợ
1. Đối tượng chung được áp dụng hỗ trợ
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động
theo pháp luật Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn,
Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);
các hợp tác xã; trang trại sản xuất nông nghiệp; hộ sản xuất, kinh doanh cá thể
tại Việt Nam đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là các doanh nghiệp).
2. Đối tượng được ưu tiên
- Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, các
loại hàng hóa là sản phẩm chủ lực của địa phương;
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển
hệ thống cảng biển, Logictic;
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch
vụ, chế biến nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển công nghiệp phụ trợ;
- Các hợp tác xã, các trang trại; các hộ sản xuất và kinh
doanh cá thể;
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp,
ngư nghiệp;
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
III. Phạm vi hỗ trợ
1. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các
tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, HACCP, ISO 14.000...
2. Sản xuất sạch hơn, xử lý làm hạn chế ô nhiễm môi trường.
3. Đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm (thông qua tiếp
nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; nghiên cứu thiết kế, chế tạo công
nghệ, thiết bị trong nước); ứng dụng năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
5. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, sáng chế, giải
pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp).
IV. Điều kiện được hỗ trợ
1. Điều kiện pháp lý của các tổ chức cá nhân
a. Đối với doanh nghiệp:
- Đã đăng ký nộp thuế;
- Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh;
- Có đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí và các nguồn lực
khác có liên quan) đảm bảo thực hiện các nội dung mà doanh nghiệp tham gia;
- Các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị hoặc triển
khai các nội dung thuộc chương trình hỗ trợ.
b. Đối với hộ sản xuất và kinh doanh cá thể:
- Có giấy phép hành nghề (nếu thuộc diện sản xuất, kinh
doanh có điều kiện);
- Đăng ký nộp thuế;
- Có đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí và các nguồn lực
khác có liên quan) đảm bảo thực hiện các nội dung mà doanh nghiệp tham gia;
- Đang trong quá trình chuẩn bị hoặc triển khai các nội
dung thuộc chương trình hỗ trợ.
2. Yêu cầu về công nghệ được đổi mới
a) Các công nghệ đổi mới:
Công nghệ đổi mới trong các đề án tham gia Chương trình
phải không thuộc danh mục công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao theo quy định
của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định liên quan của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bà Rịa - Vững Tàu; đồng thời, thỏa mãn một trong các tiêu chí sau:
- Công nghệ tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao
hơn;
- Công nghệ làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao
động;
- Nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, sử dụng các công
cụ quản lý tiên tiến, hiện đại.
b) Các công nghệ được ưu tiên.
- Các công nghệ thuộc công nghệ cao: công nghệ thông tin;
công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa;
- Công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo; công nghệ tiết
kiệm năng lượng;
- Các công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch và ứng
dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn;
- Các công nghệ liên quan đến bảo vệ, xử lý giảm thiểu
ô nhiễm môi trường.
Phần 2
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ MỨC KINH PHÍ HỖ TRỢ
I. Nội dung Chương trình
1. Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến
theo tiêu chuẩn quốc tế:
a. Kết quả cần đạt:
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất
lượng tiên tiến trong các lĩnh vực về quản lý, môi trường, nông nghiệp, chế
biến thủy sản dược phẩm: ISO 9000, HACCP, GMP, ISO 14000, SA 8000, GAP. . .. Hệ
thống vận hành ổn định, hiệu quả, được tổ chức công nhận trong và ngoài nước đủ
điều kiện cấp giấy công nhận.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ về xây dựng hệ thống;
- Hỗ trợ về các chi phí liên quan đánh giá, chứng nhận;
- Hỗ trợ về đánh giá hiệu quả áp dụng trước và sau khi
xây dựng hệ thống quản lý;
- Hỗ trợ về viết thuyết minh, báo cáo tổng kết đề án.
2. Hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài
để đổi mới công nghệ
a. Kết quả cần đạt:
Giúp các doanh nghiệp tiếp cận và tiếp thu có hiệu quả
các công nghệ tiên tiến của nước ngoài (các công nghệ trong nước chưa có khả năng
đáp ứng) để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi
phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Chi phí tư vấn lựa chọn công nghệ;
- Chi phí mua phát minh sáng chế (patent), phí cấp quyền
sử dụng (license) công nghệ (nhưng không bao gồm phần giá trị của thiết bị liên
quan đến công nghệ);
- Hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển
giao, tư vấn quản lý kinh doanh; đào tạo, huấn luyện chuyên môn trong quả trình
tiếp nhận chuyển giao công nghệ;
- Hỗ trợ đánh giá hiệu quả đổi mới công nghệ đối với công
nghệ được chuyển giao;
- Hỗ trợ viết thuyết minh đề án, báo cáo tổng kết đề
án.
3. Hỗ trợ đổi mới công nghệ trên cơ sở nghiên cứu triển
khai:
a. Kết quả cần đạt:
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên cơ sở tự nghiên
cứu, thiết kế chế tạo hoặc phối hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo công nghệ,
thiết bị tiên tiến có giá thành thấp hơn công nghệ, thiết bị trong và ngoài
nước có trên thị trường hoặc công nghệ, thiết bị mới có tính khác biệt so với
công nghệ, thiết bị đã có trong và ngoài nước.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ chi phí khảo sát thăm dò thị trường sản phẩm và
công nghệ;
- Chi phí nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; vận hành chạy
thử, lấy mẫu thí nghiệm;
- Chi phí nguyên vật liệu vận hành chạy thử trong quá trình
thí nghiệm;
- Chi phí đào tạo, tập huấn, hướng dẫn vận hành công nghệ;
- Chi phí đánh giá hiệu quả đối với việc áp dụng;
- Chi phí viết thuyết minh, báo cáo tổng kết đề án.
4. Hỗ trợ sản xuất sạch hơn:
a. Kết quả cần đạt:
Đổi mới quy trình sản xuất cho các cơ sở chế biến thủy
sản, sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cải tiến quy trình sản xuất,
giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá
trình chế biến, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
b. Nội dung hỗ trợ:.
- Nghiên cứu, khảo sát quy trình sản xuất, xác định các
nguyên nhân gây thải và lãng phí;
- Xây dựng quy trình sản xuất sạch hơn;
- Đào tạo; tập huấn kiến thức;
- Phân tích mẫu;
- Đánh giá hiệu quả trước và sau khi áp dụng quy trình;
- Viết thuyết minh, báo cáo tổng hợp.
5. Hỗ trợ xử lý làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường:
a. Kết quả cần đạt:
Đầu tư đổi mới công nghệ hệ thống xử lý nước thải, đảm
bảo hệ thống chất thải sau xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Chi phí khảo sát, đánh giá hiện trạng;
- Chi phí thiết kế, xây dựng công trình;
- Chi phí phân tích mẫu;
- Chi phí đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống;
- Đánh giá hiệu quả trước và sau khi áp dụng hệ thống;
- Viết thuyết minh, báo cáo tổng hợp.
6. Hỗ trợ ứng dụng năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng
a. Kết quả cần đạt:
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các
giải pháp để tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm giảm
chi phí sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Chi phí khảo sát, đánh giá hiện trạng;
- Thiết kế cải tạo hệ thống;
- Xây dựng và lắp đặt hệ thống mới;
- Đào tạo tập huấn vận hành hệ thống mới;
- Nguyên nhiên vật liệu vận hành chạy thử;
- Chi phí phân tích mẫu (nếu có);
- Đánh giá hiệu quả trước và sau khi áp dụng hệ thống;
- Viết thuyết minh, báo cáo tổng hợp đề án.
7. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin:
a. Kết quả cần đạt:
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hiệu
quả các giải pháp (cả phần cứng và phần mềm) công nghệ thông tin trong quản lý
và sản xuất, kinh doanh.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ nghiên cứu thiết kế, chế tạo các vi mạch tích
hợp, hoặc chế tạo các thiết bị ứng dụng vi mạch tích hợp để tự động hóa trong công
tác thiết kế, chế tạo sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ xây dựng các chương trình liên quan đến quản lý,
thiết kế, chế tạo; các mô hình kinh doanh thương mại điện tử;
- Thiết kế website quảng bá sản phẩm;
- Chi phí đào tạo, tập huấn áp dụng các giải pháp;
- Đánh giá hiệu quả trước và sau khi áp dụng hệ thống;
- Viết thuyết minh, báo cáo tổng hợp.
8. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ:
a. Kết quả cần đạt:
Giúp cho các các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký
bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích để phát triển
sản xuất kinh doanh.
b. Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng
công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích trong và ngoài nước.
c. Mức kinh phí hỗ trợ:
Mức kinh phí xét hỗ trợ được áp dụng theo các mức quy định
dưới đây. Các tổ chức thuộc đối tượng ưu tiên trong Chương trình này, sẽ được
xem xét cho hưởng 100% mức hỗ trợ:
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc
tế:
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30.000.0000đ (ba mươi triệu đồng)
cho một đề án của các tổ chức hoàn thành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn ISO 9000.
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30 % kinh phí xây dựng đề án
và không quá 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) cho một đề án áp dụng các hệ thống
quản lý chất lượng còn lại.
- Ứng dụng công nghệ thông tin:
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng)
cho một website của doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30 % kinh phí xây dựng đề án
và không quá 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) cho một đề án xây dựng các chương
trình phần mềm liên quan đến quản lý, thiết kế, chế tạo; xây dựng các mô hình
kinh doanh thương mại điện tử;
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30 % kinh phí xây dựng đề án
và không quá 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) cho một đề án nghiên cứu thiết kế,
chế tạo các vi mạch tích hợp hoặc chế tạo các thiết bị ứng dụng vi mạch tích
hợp để thực hiện tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Phát triển tài sản trí tuệ:
+ Hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký lần đầu đối với sáng chế,
giải pháp hữu ích trong và ngoài nước, nhưng tối đa không vượt quá 50.000.000đ
(năm mươi triệu đồng) đối với một sáng chế hoặc một giải pháp hữu ích;
+ Hỗ trợ tối đa không quá 8.000.000 đ (tám triệu đồng)
đăng ký lần đầu trong nước đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho một doanh
nghiệp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 3 nhãn hiệu hoặc 3
kiểu dáng công nghiệp trong một năm;
- Hỗ trợ tối đa không quá 20.000.000 đ (hai mươi triệu
đồng) đăng ký lần đầu ở nước ngoài đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
9. Hỗ trợ còn lại là: sản xuất sạch hơn; xử lý làm giảm
thiểu ô nhiễm môi trường; ứng dụng năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; tiếp
nhận chuyển giao công nghệ nước ngoài; nghiên cứu triển khai
Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% kinh phí xây dựng đề án
và không quá 300.000.000 đ (ba trăm triệu đồng) cho một đề án.
Phần 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện.
Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ này được lấy từ
nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm đã bố trí cho Sở Khoa và Công nghệ,
trong đó kinh phí tổ chức họp hội đồng để xét duyệt, nghiệm thu do Sở Khoa và Công
nghệ chủ trì thực hiện được áp dụng theo mức chi theo Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND
ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban
hành định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí các đề tài, dự án khoa học
công nghệ sử dụng ngân sách thực hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chi phí khác được thực hiện theo quy định hiện
hành.
2. Hồ sơ tham gia Chương trình hỗ trợ.
- Đơn tham gia chương trình (theo mẫu quy định);
- Giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
- Thuyết minh đề án (đối với việc đăng ký nhãn hiệu, sáng
chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp thì mẫu nhãn hiệu cùng danh mục
các nhóm hàng hóa, dịch vụ xin bảo hộ gắn liền với nhãn hiệu; bản mô tả tóm tắt:
sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp thay cho thuyết minh đề án).
3. Hồ sơ quyết toán để nhận kinh phí hỗ trợ.
Doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ từ Chương trình này sau
khi đã hoàn thiện đề án, được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu. Hồ sơ quyết
toán gồm:
- Báo cáo tổng kết đề án (theo mẫu quy định);
- Hóa đơn và chứng từ thanh toán hợp lệ (bản photocopy
có công chứng hoặc chứng thực). Đối với việc đăng ký nhãn hiệu có quyết định chấp
nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc cơ quan cấp Văn bằng bảo
hộ của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của nước ngoài (bản photocopy
có công chứng); sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu đáng công nghiệp thay báo cáo
tổng kết đề án bằng văn bằng bảo hộ được photocopy có công chứng.
4. Thẩm quyền quyết định mức kinh phí hỗ trợ
- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có quyền quyết định
mức kinh phí hỗ trợ dưới 10.000.000 đ (mười triệu đồng);
- Các đề án, nội dung hỗ trợ có tổng mức kinh phí hỗ trợ
từ 10.000.000 đ (mười triệu đồng) trở lên phải đề xuất, trình Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định.
5. Tổ chức và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo:
- Ban Chỉ đạo chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ
doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh
thành lập (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo), gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên
quan.
- Lãnh đạo của Sở Khoa học và Công nghệ - Phó trưởng Ban
Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo có trách
nhiệm:
+ Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc
quyết định các vấn đề liên quan đến Chương trình này.
+ Triển khai các nội dung Chương trình này cho các tổ chức,
cá nhân do cơ quan, ngành mình quản lý.
6. Trách nhiệm của Ban thư ký.
- Ban thư ký do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết
định thành lập, là bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Ban thư ký có trách nhiệm:
+ Tham mưu xây dựng kế hoạch công tác, chuẩn bị tài liệu
và các nội dung liên quan phục vụ cho các cuộc họp Ban Chỉ đạo.
+ Giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra tình hình triển khai
thực hiện kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ khách theo sự phân công của Ban
Chỉ đạo.
7. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ:
Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Ban
Chỉ đạo có trách nhiệm:
- Thông báo cho các sở, ban, nghành, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan, Báo Bà Rịa - Vũng
Tàu,
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông
tin đại chúng về danh mục các lĩnh vực được hỗ trợ để cho các tổ chức, cá nhân
trên địa bàn tỉnh biết và đăng ký tham gia chương trình.
- Xây dựng kinh phí chương trình và trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt hàng năm để triển khai thực hiện việc hỗ trợ khoa học công nghệ.
- Cung cấp mẫu đơn, mẫu thuyết minh đề án; mẫu báo các
tổng kết đề án và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.
- Thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ để xem xét tính
khả thi, nội dung và mức kinh phí hỗ trợ cho từng đề án; nghiệm thu đề án.
- Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để đáp ứng
các nguồn lực tổ chức triển khai chương trình thực hiện quản lý Chương trình
minh bạch, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát nội dung Chương trình đảm bảo phù hợp
với từng giai đoạn triển khai thực hiện.
- Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ 6
tháng, 1 năm, giai đoạn 5 năm và thực hiện các báo cáo đột xuất, theo yêu cầu liên
quan đến kết quả tổ chức triển khai chương trình. Đồng thời, đề xuất khen thưởng
các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực
hiện chương trình.
8. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan.
- Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và
Du lịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bà
Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc phổ biến rộng
rãi nội dung chương trình hỗ trợ tới các đối tượng điều chỉnh, thụ hưởng chính
sách hỗ trợ của Chương trình này.
- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa
học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí ngân sách
triển khai Chương trình này.
- Hàng năm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bà
Rịa – Vũng Tàu tổ chức các đợt tuyên truyền nội dung chương trình khoa học công
nghệ hỗ trợ doanh nghiệp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
9. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân:
1. Xây dựng, thuyết minh đề án và nộp đầy đủ các hồ sơ
theo quy định của chương trình.
2. Triển khai đề án theo đúng nội dung, khối lượng, thời
gian và quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích như đã hợp đồng với Sở Khoa học
và Công nghệ.
3. Trong quá trình triển khai, phải thực hiện chế độ báo
cáo theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, gặp
khó khăn, vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, các sở, ban, ngành, tổ chức và cá
nhân liên quan có trách nhiệm phản ánh về Sở Khoa khoa học và Công nghệ - cơ quan
thường trực của Ban Chỉ đạo để kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh giải quyết theo quy định./.