UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
34/2006/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 26 tháng 7 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN
DOANH NGHIỆP THUỘC CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế (kèm theo Quyết định này).
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban,
ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Hội đồng quản trị và Giám đốc các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Chẩu Văn Lâm
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THUỘC
CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ
(Kèm theo Quyết định số 34/2006/QĐ-UBND ngày 26/7/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Phần thứ
nhất
ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH
HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả
hoạt động, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Năm 2005 so với năm 2001, số lượng doanh nghiệp
bằng 2,06 lần, vốn bình quân một doanh nghiệp bằng 1,4 lần, doanh thu bằng 4 lần,
số nộp ngân sách bằng 2,7 lần, thu nhập bình quân của người lao động bằng 1,9 lần.
Các cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý của tỉnh ngày càng tạo điều kiện
cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Một số hạn chế chủ yếu:
- Doanh nghiệp và đội ngũ doanh
nhân phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, số lượng doanh nghiệp
còn ít (bình quân 1.600 người dân có 01 doanh nghiệp), quy mô nhỏ bé (vốn bình
quân 2,77 tỷ đồng/doanh nghiệp); khả năng liên doanh, liên kết trong sản xuất
kinh doanh còn hạn chế.
- Ngành nghề kinh doanh chưa đa
dạng, cơ cấu còn bất hợp lý, chủ yếu tập trung nhóm ngành đầu tư xây dựng, kinh
doanh thương mại, dịch vụ; chưa phát triển doanh nghiệp tại vùng nông thôn,
vùng sâu, vùng xa.
- Các doanh nghiệp chưa năng động,
còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các
doanh nghiệp chưa cao; còn nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh, hoạt
động không hiệu quả tự giải thể; máy móc, thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp
lạc hậu; sản phẩm sản xuất ra còn đơn điệu, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp;
có ít các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài.
- Quản lý tài chính trong doanh
nghiệp còn hạn chế, nhất là công tác kế toán; gửi báo cáo tài chính đến các cơ
quan chức năng còn chậm so với quy định. Các doanh nghiệp còn thiếu thông tin về
thị trường, về cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước…
- Thu nhập bình quân của người
lao động còn thấp; việc thực hiện các quy định về chế độ đối với người lao động
chưa thường xuyên, nhất là chế bộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động...
Một số nguyên nhân chủ yếu:
- Đội ngũ cán bộ quản lý doanh
nghiệp chưa chủ động, linh hoạt với cơ chế thị trường, trình độ quản lý doanh
nghiệp còn hạn chế; còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp
chưa xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực
nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
- Chủ trương về phát triển kinh
tế của tỉnh trong những năm qua chưa thực sự tạo ra môi trường thuận lợi để
doanh nghiệp và doanh nhân phát triển; chưa tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
cho các doanh nghiệp. Tỉnh chậm xây dựng, bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội,
quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất còn chậm, hạn chế việc đưa giá trị quyền sử dụng đất phục vụ kinh
doanh.
- Nhận thức và tâm lý xã hội đối
với doanh nhân và doanh nghiệp chưa đúng, còn thiếu cởi mở. Một số ngành, địa
phương chưa chú trọng quan tâm phát triển doanh nghiệp; chưa kịp thời có các cơ
chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; chưa tạo
được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn doanh nghiệp và nhà đầu
tư.
- Các tổ chức tín dụng chưa mở rộng
cho vay vốn, cơ chế cho vay chưa thông thoáng; chậm thành lập Quỹ bảo lãnh tín
dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Quản lý nhà nước đối với doanh
nghiệp chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương
chưa chặt chẽ; việc cung cấp thông tin, tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp còn
hạn chế. Công tác "hậu kiểm" đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh
doanh chưa thực hiện thường xuyên. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
- Cải cách thủ tục hành chính
còn chậm, nhất là thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng, thủ tục hành chính
về đầu tư và xây dựng, đất đai…
Phần thứ
hai
MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NÂNG
CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
I. Quan điểm,
mục tiêu phát triển doanh nghiệp
1. Quan điểm phát triển doanh
nghiệp
Phát triển doanh nghiệp nhằm đẩy
mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài tỉnh lập doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại
tỉnh.
Phát triển doanh nghiệp theo
phương châm vững chắc, đạt hiệu quả kinh tế đồng thời bảo đảm mục tiêu xã hội,
góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo.
Khuyến khích và tạo thuận lợi
cho các doanh nghiệp phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực quản
lý, ứng dụng khoa học, công nghệ; mở rộng liên kết, tăng quy mô, đổi mới công
nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tạo môi trường đầu tư, kinh
doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tự chủ
trong sản xuất kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với doanh nghiệp,
doanh nhân.
Hoạt động trợ giúp của Nhà nước
chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp; xoá bỏ những bao cấp
không phù hợp đối với doanh nghiệp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
của doanh nghiệp.
2. Một số mục tiêu đến năm 2010
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng số
lượng doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 trên 11,5%/năm; đến năm 2010 trên địa
bàn tỉnh có trên 750 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bình quân khoảng
1.000 người dân/01 doanh nghiệp); tổng vốn của doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế trên 3.000 tỷ đồng (bình quân trên 4 tỷ đồng/doanh nghiệp); số doanh
nghiệp có mức vốn từ 5 tỷ đồng trở lên và số lao động bình quân từ 50 người trở
lên chiếm tỷ lệ trên 30% tổng số doanh nghiệp.
Doanh thu của các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 10%/năm; số nộp ngân sách đạt
trên 180 tỷ đồng, tăng trên 15%/năm.
Số lao động làm việc trong các
doanh nghiệp trên 38.000 người; thu nhập bình quân của người lao động trên
1.100.000 đồng/người/tháng; 100% người lao động được thực hiện các chế độ bảo
hiểm xã hội theo quy định; 100% doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn
lao động.
II. Một số giải
pháp chủ yếu
1. Quy hoạch kinh tế - xã hội
Đẩy nhanh quy hoạch kinh tế - xã
hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lựa chọn địa bàn, ngành nghề, dự án đầu
tư phù hợp với quy hoạch và khả năng của doanh nghiệp. Hoàn thành quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; rà soát, bổ sung các quy hoạch
phát triển ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị; điều chỉnh quy hoạch chung
xây dựng thị xã Tuyên Quang; quy hoạch phân 3 loại rừng và xây dựng chiến lược
phát triển lâm nghiệp đến năm 2020; thực hiện dự án quy hoạch, điều tra, đánh
giá, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; quy hoạch mạng lưới xăng dầu, hệ
thống chợ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết
yếu trong các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, điểm du lịch…
2. Tăng cường tuyên truyền, hướng
dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp
- Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng
chiến lược kinh doanh dựa trên các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh và tình hình thị trường.
- Định hướng, tư vấn ngành nghề
sản xuất kinh doanh, lựa chọn dự án đầu tư cho phù hợp. Tập trung phát triển
công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai
thác và chế biến khoáng sản, phát triển thủ công nghiệp, phát triển du lịch và
các ngành dịch vụ có lợi thế, phát triển các vùng sản xuất nông lâm sản tập trung
theo hướng sản xuất hàng hoá…
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học
công nghệ vào sản xuất; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức lao động,
đơn giá tiền lương hợp lý nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh
tranh của sản phẩm. Tạo dựng và bảo vệ thương hiệu, chữ tín trong sản xuất kinh
doanh.
- Coi trọng nâng cao trình độ
cho đội ngũ lao động trong doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ các chế độ đối với
người lao động trong doanh nghiệp.
- Tăng cường liên doanh, liên kết
giữa các doanh nghiệp trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, trao đổi thông tin, kinh
nghiệm để cùng phát triển.
- Đề cao văn hoá trong kinh
doanh; quản lý kinh doanh minh bạch, trung thực, chấp hành đúng các quy định của
pháp luật; tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật
cho doanh nghiệp, nhất là các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của
doanh nghiệp, về đầu tư và xây dựng…
3. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ
doanh nghiệp
a) Về đất đai
Hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất cấp huyện, cấp xã. Dành quỹ đất để giao hoặc cho thuê đối với các
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để doanh nghiệp có điều kiện sử dụng quyền sử
dụng đất phục vụ mục đích góp vốn, thực hiện thế chấp đối với các tổ chức tín dụng.
Cải cách thủ tục hành chính theo
cơ chế "một cửa" trong việc giao đất, cho thuê đất; tăng cường kiểm
tra doanh nghiệp trong việc việc quản lý, sử dụng đất bảo đảm đúng mục đích, có
hiệu quả.
b) Tiếp tục cải thiện môi trường
đầu tư, kinh doanh
Hàng năm, bổ sung, hoàn chỉnh và
công bố rộng rãi chính sách khuyến khích đầu tư, danh mục dự án gọi vốn đầu tư,
danh mục ngành nghề tỉnh khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, thực
hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài tỉnh lập doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại
tỉnh.
Tăng cường vai trò hoạt động của
các Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; thành lập Quỹ khuyến
khích phát triển du lịch, Quỹ Hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính theo cơ chế "một cửa"; các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị
xã, UBND xã, phường, thị trấn công khai và thực hiện quy trình giải quyết các
thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian trong giải
quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư và
xây dựng, thuế, cấp ưu đãi đầu tư...
c) Về vốn
Các tổ chức tín dụng trên địa
bàn tỉnh mở rộng đối tượng cho vay, kể cả hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh
tín dụng đầu tư; tăng tỷ lệ nguồn vốn cho vay dài hạn (bảo đảm dư nợ trung hạn,
dài hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chiếm trên 50% tổng dư nợ).
Đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay vốn
theo cơ chế được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân
hàng; được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án.
Công khai, hướng dẫn cụ thể cho
doanh nghiệp về các điều kiện cho vay, mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay;
đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc
mọi thành phần kinh tế vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Sử dụng các nguồn vốn nhàn rỗi
(vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá, Quỹ quốc gia
giải quyết việc làm…) để cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện các dự án có hiệu
quả (cho vay theo dự án).
d) Về nguồn nhân lực cho doanh
nghiệp
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân; tạo điều
kiện cho các chủ doanh nghiệp đi tham quan, nghiên cứu học tập trong nước và nước
ngoài.
Xây dựng chương trình trợ giúp,
đào tạo nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp. Tiếp tục mở các khoá đào tạo
nhằm tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp tham gia như các khoá
đại học tại chức, trung học kinh tế kỹ thuật, các khoá đào tạo nghề…
Phối hợp với các cơ quan Trung
ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam…) tổ chức
các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm xây dựng kế hoạch và bố
trí ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả
Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 08/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
e) Khuyến khích, hỗ trợ doanh
nghiệp ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh.
f) Thành lập các hội nghề nghiệp,
tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
4. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới công
ty nhà nước
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới
các công ty nhà nước theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và
các quy định hiện hành của Nhà nước. Hiện có 18 công ty nhà nước thuộc tỉnh quản
lý, sắp xếp như sau:
- Giữ nguyên công ty nhà nước: 4
doanh nghiệp;
- Chuyển thành công ty lâm nghiệp:
5 doanh nghiệp;
- Cổ phần hoá: 7 doanh nghiệp;
- Bán công ty nhà nước: 1 doanh
nghiệp;
- Chuyển thành đơn vị sự nghiệp:
1 doanh nghiệp.
(Danh sách các doanh nghiệp theo
theo phụ biểu đính kèm)
Đối với các công ty nhà nước do
nhà nước sở hữu 100% vốn, sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi theo Luật Doanh nghiệp
ngày 29 tháng 11 năm 2005.
Tiếp tục bán phần vốn nhà nước
trong các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá mà nhà nước không cần tham gia
cổ phần nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lực bên ngoài, giảm sự trông chờ ỷ lại
vào hỗ trợ của Nhà nước, tăng tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh
của các doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút cổ đông bên ngoài mua cổ phần để
tham gia kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
5. Tăng cường quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp
Củng cố, kiện toàn cơ quan đăng
ký kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán
bộ làm công tác đăng ký kinh doanh.
Thiết lập hệ thống thông tin quản
lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; từng bước quản lý bằng mạng máy tính nối giữa
cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các huyện, thị
xã trong tỉnh.
Không ngừng nâng cao nhận thức của
các cấp, các ngành về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan quản
lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của người
đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra
doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc “hậu kiểm” sau đăng ký kinh doanh; tăng cường
quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với các doanh nghiệp; kịp thời
xử lý vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số
37/2003/NĐ-CP ngày 10/4/2003 của Chính phủ. Việc kiểm tra bảo đảm không chồng
chéo, không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện tốt công tác giám sát,
bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước
theo quy định của Chính phủ.
Ban hành Quy chế phối hợp quản
lý doanh nghiệp để thống nhất và quy định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các
ngành trong việc cung cấp thông tin, thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành đối
với doanh nghiệp.
Thường xuyên tổ chức Hội nghị đối
thoại, gặp mặt giữa các cấp, các ngành với doanh nghiệp để kịp thời tư vấn, hỗ
trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp; lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh
nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Hàng
năm tổ chức hội chợ thương mại, hội chợ việc làm, hội nghị xúc tiến đầu tư…, tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm cơ hội hợp
tác, đầu tư...
Định kỳ hàng năm tổ chức đánh
giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp. Động viên, khen thưởng kịp thời
đối với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả thấp, phải kịp thời tư vấn, định
hướng để chuyển đổi phương thức quản lý, ngành nghề kinh doanh nhằm bảo đảm hiệu
quả hoạt động.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền,
phổ biến các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, các văn bản pháp
luật có liên quan đến thành lập và tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp…
6. Phát triển, nâng cao vai trò
của tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức Đoàn thể trong doanh nghiệp
Phối hợp với các cấp uỷ đảng
trong việc phát triển, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp;
gắn nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp với hiệu quả sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp.
Phối hợp với các tổ chức đoàn thể
phát triển, củng cố các tổ chức đoàn thể; phát triển hội viên, đoàn viên của
các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn
thể trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người lao động trong
doanh nghiệp tích cực lao động sản xuất kinh doanh, chấp hành chính sách, pháp
luật của Nhà nước.
III. Tổ chức
thực hiện
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan liên quan,
Hội đồng quản trị và Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ chức
năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hoá Đề án này để triển khai thực
hiện; xác định rõ nội dung công việc, thời gian hoàn thành; phân công cụ thể
cho tổ chức, cá nhân phụ trách từng nội dung công việc; kịp thời đề xuất với
UBND tỉnh thực hiện các giải pháp hoặc ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế,
chính sách cho phù hợp; định kỳ hàng quý kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện,
báo cáo UBND tỉnh (đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh).
2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư:
- Chịu trách nhiệm làm đầu mối,
phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các cơ quan liên
quan tổ chức thực hiện Đề án này;
- Căn cứ Đề án được UBND tỉnh phê
duyệt, phân công các ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể,
bảo đảm tiến độ đề ra;
- Thường xuyên hướng dẫn, theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án; định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện.
3. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức
sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án; kịp thời thực hiện các giải pháp, cơ chế,
chính sách để thực hiện Đề án cho phù hợp với thực tế./.
Biểu số
01
DANH SÁCH CÔNG TY NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH QUẢN LÝ
(Kèm
theo Quyết định số 34/2006/QĐ-UBND ngày 26/7/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
STT
|
Tên
doanh nghiệp
|
Hình
thức sắp xếp
|
Ghi
chú
|
1
|
Công ty Quản lý và xây dựng
phát triển đô thị
|
Giữ
nguyên công ty nhà nước
|
Sau đó sẽ thực hiện lộ trình chuyển
đổi theo Luật DN năm 2005
|
2
|
Công ty Xổ số kiến thiết
|
Giữ
nguyên công ty nhà nước
|
Sau đó sẽ thực hiện lộ trình
chuyển đổi theo Luật DN năm 2005
|
3
|
Xí nghiệp In Tuyên Quang
|
Giữ
nguyên công ty nhà nước
|
Sau đó sẽ thực hiện lộ trình chuyển
đổi theo Luật DN năm 2005
|
4
|
Công ty giống, Vật tư cây lâm
nghiệp
|
Giữ
nguyên công ty nhà nước
|
Sau đó sẽ thực hiện lộ trình
chuyển đổi theo Luật DN năm 2005
|
5
|
Lâm trường Chiêm Hoá
|
Chuyển
thành công ty lâm nghiệp
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
6
|
Lâm trường Yên Sơn
|
Chuyển
thành công ty lâm nghiệp
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
7
|
Lâm trường Sơn Dương
|
Chuyển
thành công ty lâm nghiệp
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
8
|
Lâm trường Tuyên Bình
|
Chuyển
thành công ty lâm nghiệp
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
9
|
Lâm trường Nguyễn Văn Trỗi
|
Chuyển
thành công ty lâm nghiệp
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
10
|
Lâm trường Na Hang
|
Chuyển
thành Ban Quản lý (đơn vị sự nghiệp có thu)
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg ngày
07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
11
|
Công ty Chè Tân Trào
|
Cổ
phần hoá bộ phận sản xuất
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
12
|
Công ty Chè Sông Lô
|
Cổ
phần hoá bộ phận sản xuất
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
13
|
Công ty Chè Mỹ Lâm
|
Cổ
phần hoá bộ phận sản xuất
|
Theo QĐ số 284/2005/QĐ-TTg
ngày 07/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ
|
14
|
Công ty Cấp thoát nước
|
Cổ
phần hoá
|
|
15
|
Công ty Sách - Thiết bị trường
học
|
Cổ
phần hoá
|
|
16
|
Công ty dịch vụ miền núi và
dân tộc
|
Cổ
phần hoá
|
|
17
|
Công ty phát triển công nghiệp
|
Cổ
phần hoá
|
|
18
|
Công ty Du lịch và khách sạn
Lô Giang
|
Bán
công ty nhà nước
|
|
Biểu số
02
MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm
theo Quyết định số 34 /2006/QĐ-UBND ngày 26/7/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh
STT
|
Nội
dung công việc
|
Trách
nhiệm thực hiện
|
Thời
gian hoàn thành
|
Cơ
quan chủ trì
|
Cơ
quan phối hợp
|
1
|
Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề
án; phân công, hướng dẫn các ngành, UBND các huyện, thị xã, doanh nghiệp triển
khai thực hiện
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
UBND
các huyện, thị xã; các ngành liên quan
|
Quý III/2006
|
2
|
Về quy hoạch kinh tế - xã hội
|
|
|
|
|
- Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Các
sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã
|
Quý IV/2006
|
|
- Quy hoạch ngành, quy hoạch
đô thị, khu dân cư
|
Các
sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã
|
Các
ngành liên quan
|
Bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của
UBND tỉnh
|
3
|
Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn,
cung cấp thông tin cho doanh nghiệp
|
|
|
|
|
- Hướng dẫn, tư vấn và cung cấp
thông tin cho doanh nghiệp
|
Các
sở, ban, ngành (theo chức năng, nhiệm vụ)
|
|
|
|
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp
|
Sở
Tư pháp
|
Các
cơ quan quản lý chuyên ngành
|
Thực hiện thường xuyên
|
4
|
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ
doanh nghiệp
|
|
|
|
a
|
Về đất đai
|
|
|
|
|
- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất cấp huyện, cấp xã đến năm 2010
|
UBND
huyện, thị xã
|
Sở
Tài nguyên và MT
|
|
|
- Hoàn thành cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất
|
Ban
chỉ đạo cấp GCN quyền sử dụng đất
|
UBND
các huyện, thị xã
|
Theo kế hoạch được phê duyệt
|
b
|
Cải thiện môi trường đầu tư,
kinh doanh
|
|
|
|
|
- Đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính
sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Sở
Tài chính, các ngành liên quan
|
Quý III/2006
|
|
- Lập danh mục dự án gọi vốn đầu
tư
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Các
ngành liên quan
|
Hàng năm
|
|
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến
đầu tư
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Các
ngành liên quan
|
|
|
- Cải cách thủ tục hành chính
theo cơ chế "một cửa"
|
Các
sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã
|
Sở
Nội vụ
|
Theo quyết định của UBND tỉnh
|
c
|
Về vốn
|
|
|
|
|
- Xây dựng và công khai, hướng
dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các điều kiện cho vay, mức vay, lãi suất và thời
hạn cho vay; cải cách thủ tục hành chính cho vay vốn
|
Các
chi nhánh ngân hàng
|
|
Quý III/2006
|
|
- Cho doanh nghiệp vay từ các
nguồn vốn nhàn rỗi để thực hiện các dự án có hiệu quả
|
Sở
Tài chính
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Hàng năm
|
|
- Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng
cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
|
Sở
Tài chính
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước
|
Quý III/2006
|
d
|
Đào tạo nguồn nhân lực cho
doanh nghiệp
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Sở
Lao động - TBXH, các trường chuyên nhiệp, trường kỹ nghệ
|
Thường xuyên
|
e
|
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa
học, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh
|
Sở
Khoa học và Công nghệ
|
Các
ngành liên quan
|
Thường xuyên
|
f
|
Thành lập các hội nghề nghiệp,
tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động
|
Sở
Nội vụ
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
|
5
|
Sắp xếp, đổi mới các công ty
nhà nước:
|
|
|
|
|
- Hoàn thành Đề án sắp xếp, đổi
mới và phát triển các công ty chè, lâm trường thuộc tỉnh quản lý;
|
Ban
chỉ đạo ĐMPT doanh nghiệp tỉnh
|
Sở
Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở chuyên ngành
|
Năm 2006
|
|
- Sắp xếp các công ty nhà nước
theo kế hoạch
|
Theo đề án, tiêu chí sắp xếp
|
6
|
Tăng cường quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp
|
|
|
|
|
- Củng cố, kiện toàn, tăng cường
năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Sở
Nội vụ
|
Quý IV/2006
|
|
- Xây dựng hệ thống thông tin
về doanh nghiệp phục vụ cho công tác ĐKKD và quản lý doanh nghiệp.
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Các
ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã.
|
Quý IV/2006
|
|
- Tăng cường công tác kiểm tra
doanh nghiệp
|
Các
cơ quan chuyên ngành
|
Các
ngành liên quan
|
Thường xuyên
|
|
- Xây dựng Quy chế phối hợp quản
lý doanh nghiệp trên địa bàn
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Các
ngành có liên quan
|
Quý IV/2006
|
|
- Tổ chức Hội nghị gặp mặt
doanh nghiệp
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
Cục
Thuế, Sở Tài chính
|
Tháng 10 hàng năm
|
|
- Đánh giá hiệu quả hoạt động,
xếp loại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước trong vốn điều lệ
|
Sở
Tài chính
|
Các
ngành có liên quan
|
Quý II hàng năm
|
7
|
Phát triển, nâng cao vai trò của
tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức Đoàn thể trong doanh nghiệp
|
|
Đề
nghị các huyện, thị uỷ, các tổ chức Đoàn thể phối hợp thực hiện
|
|