BAN TỔ CHỨC -
CÁN BỘ
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 33/2002/QĐ-BTCCBCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 07
năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT
NAM
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004
ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày
9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg
ngày 02/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cho phép thành lập
Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Doanh
nghiệp phần mềm Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I ngày 26
tháng 4 năm 2002 thông qua.
Điều 2.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt
Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Như Điều 2,
- Lưu VT, TCPCP.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
PHÓ TRƯỞNG BAN
Đặng Quốc Tiến
|
ĐIỀU LỆ
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM
Chương 1.
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC
ĐÍCH
Điều 1.
Hiệp hội lấy tên là: HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM.
Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh
là: Vietnam Software
Association, viết tắt là VINASA.
Điều 2. Hiệp hội doanh nghiệp phần
mềm Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức phi Chính phủ, hoạt động
theo nguyên tắc tự nguyện, phi lợi nhuận nhằm mục đích hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau
giữa các Hội viên để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phần mềm và bảo vệ quyền
lợi của Hội viên trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Điều 3. Hiệp hội hoạt động theo
pháp luật của Nhà nước Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản
nội tệ, ngoại tệ tại Ngân hàng, có tài sản và tài chính riêng.
Trụ sở của Hiệp hội đóng tại Hà Nội,
khi cần thiết có thể xin phép thành lập văn phòng đại diện Hiệp hội ở địa phương theo quy định pháp luật hiện
hành.
Chương 2.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 4.
Hiệp hội có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Đại diện và bảo đảm quyền lợi của
Hội viên trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
2. Hoạt động tích cực để thúc đẩy
phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam theo định hướng chiến lược do
Nhà nước đề ra, đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ tạo điều kiện và thúc đẩy các
hoạt động ứng dụng phần mềm, tin học hóa quốc gia và xuất
khẩu phần mềm Việt Nam.
3. Hỗ trợ, hợp tác, liên kết giữa các
Hội viên: Trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, phối hợp đào
tạo, liên kết trong sản xuất, ứng dụng và xuất khẩu phần mềm.
4. Làm đầu mối liên lạc với Chính phủ,
các ngành, các địa phương, các tổ chức Nhà nước về các vấn đề chính sách, chiến
lược, kế hoạch phát triển, cung cấp thông tin, chương trình hỗ trợ liên quan tới
ngành phần mềm, tập hợp và trình các kiến nghị của các Hội
viên với Chính phủ về các chính sách ưu tiên, ưu đãi khuyến khích phát triển
công nghiệp phần mềm.
5. Làm đầu mối quan hệ, trao đổi với
các Hiệp hội và các tổ chức Việt Nam và nước ngoài liên quan nhằm phục vụ cho sản
xuất, ứng dụng và xuất khẩu phần mềm của các Hội viên; đại diện cho các hội
viên tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan đến lĩnh vực ngành hoạt động
của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
6. Thành lập các trung tâm, các đơn vị
trực thuộc hoặc triển khai các chương trình nhằm mục đích xúc tiến thương mại sản
phẩm và dịch vụ phát triển phần mềm, đào tạo, liên kết hợp tác đẩy mạnh công
tác ứng dụng và xuất khẩu phần mềm của các Hội viên theo quy định của pháp luật.
7. Hỗ trợ trong việc thúc đẩy các hoạt
động đầu tư, hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ phần mềm với Việt kiều, các
Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở nước ngoài
theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
HỘI VIÊN
Điều 5.
Các đơn vị Việt
Nam (doanh nghiệp, tổ chức) sản xuất và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm tư
nguyện tham gia và chấp hành Điều lệ này đều có thể là Hội viên chính thức của
Hiệp hội.
Các đơn vị nước ngoài (doanh nghiệp,
tổ chức) sản xuất và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm
tự nguyện tham gia và chấp hành Điều lệ này có thể trở thành Hội viên thông tấn
hoặc Hội viên danh dự của Hiệp hội.
Điều 6.
Người đại diện của Hội viên Hiệp hội phải
là người có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp ủy nhiệm, người được ủy nhiệm
làm người đại diện phải có đủ thẩm quyền quyết định và người được ủy nhiệm phải
chịu trách nhiệm về sự ủy nhiệm đó.
Điều 7. Nghĩa vụ của Hội viên
1. Tuân theo Điều lệ của Hiệp hội và
thi hành các quyết định đã được đại hội và Ban chấp hành
Hiệp hội thông qua.
2. Đảm nhận những
công việc được Ban Chấp hành Hiệp hội phân công.
3. Đáp ứng những yêu cầu của Ban Chấp
hành Hiệp hội về cung cấp thông tin, báo cáo.
4. Đóng hội phí theo quy định của Ban
Chấp hành Hiệp hội.
Điều 8. Quyền lợi của Hội viên
1. Được hưởng những lợi ích có được từ
những hoạt động của Hiệp hội như đã ghi ở Điều 4.
2. Được tham gia biểu quyết, ứng cử,
bầu cử vào các chức vụ lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.
Quyền lợi này không được áp dụng cho các hội viên thông tấn và hội viên danh dự.
3. Có quyền rút khỏi Hiệp hội nhưng
phải có đơn trước 3 tháng gửi Ban chấp hành Hiệp hội và phải đóng đủ hội phí của
năm cuối cùng.
Chương 4.
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 9. Hệ thống tổ chức của Hiệp hội
gồm:
- Ban chấp hành Hiệp hội.
- Văn phòng Hiệp hội
- Ban Kiểm tra
- Ban Hội viên (có quy chế riêng).
- Các đơn vị trực thuộc (nếu có).
- Khi cần thiết có thể có các Ban
chuyên môn của Hiệp hội và có thể có tạp chí riêng của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Cơ quan lãnh đạo cao
nhất của Hiệp hội là đại hội toàn thể, ba năm họp một lần. Hội nghị toàn thể mỗi
năm tổ chức họp một lần để tổng kết, đánh giá công tác của Hiệp hội trong năm vừa
qua và đề ra phương hướng, chương trình hành động cho năm tới. Trong trường hợp
đặc biệt, khi có yêu cầu của Chủ tịch hoặc 2/3 số ủy viên Ban chấp hành hoặc
2/3 số Hội viên chính thức yêu cầu, Ban chấp hành Hiệp hội có thể triệu tập cuộc
họp bất thường.
Điều 11.
Đại hội toàn thể có nhiệm vụ:
1. Thông qua các báo cáo nhiệm kỳ về
hoạt động của Hiệp hội và Ban chấp hành, Ban kiểm tra.
2. Quyết định phương hướng, chương
trình hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ tới.
3. Xem xét và thông qua báo cáo tài
chính của Hiệp hội.
4. Quyết định sửa
đổi, bổ sung Điều lệ của Hiệp hội.
5. Quyết định số lượng ủy viên Ban chấp
hành và Ban Kiểm tra. Bầu Ban chấp hành và Ban kiểm tra và giải quyết các việc
cấp bách khác của Hiệp hội.
Điều 12.
Đại hội quyết nghị theo nguyên tắc đa
số. Đối với những vấn đề quan trọng như sửa đổi, bổ sung điều lệ, giải thể Hiệp
hội, bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra, các quyết nghị Đại hội phải được ít nhất
2/3 số đại biểu chính thức dự đại hội tán thành.
Điều 13.
Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo cao
nhất của Hiệp hội là Ban chấp hành. Ban chấp hành Hiệp hội được bầu cử từ những
người đại diện có thẩm quyền chính thức do các tổ chức thành viên cử ra và
trong vòng nhiệm kỳ, nếu cần thiết tổ chức thành viên có thể cử người khác của
mình thay thế và người đó phải được 2/3 số ủy viên Ban chấp hành chấp thuận.
Giữa hai kỳ đại hội, nếu cần thiết phải
bổ sung, thay thế số ủy viên Ban chấp hành cũng cần 2/3 số phiếu tán thành của
Ban Chấp hành.
Điều 14.
Ban chấp hành Hiệp hội 6 tháng họp một lần.
Khi có ít nhất 1/2 số ủy viên yêu cầu, Ban chấp hành có thể nhóm họp bất thường.
Nhiệm vụ của Ban chấp hành Hiệp hội
là:
1. Bầu các chức danh lãnh đạo của Hiệp
hội: Chủ tịch, phó Chủ tịch, Tổng thư ký.
2. Điều hành mọi hoạt động của Hiệp hội
theo nghị quyết của Đại hội.
3. Xét kết nạp và bãi miễn tư cách Hội
viên (Ban hội viên thuộc Ban CH)
4. Xây dựng, ban
hành các quy chế, nội quy làm việc của Ban chấp hành và các tổ chức trực thuộc
Hiệp hội (nếu có).
5. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các
chương trình hoạt động và kế hoạch ngân sách của Hiệp hội, quy định mức hội phí
tham gia và hội phí thường niên.
6. Quyết định
triệu tập đại hội và hội nghị toàn thể (theo Điều 11), chuẩn bị các vấn đề liên
quan cho các hội nghị trên.
Điều 15.
Giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành, Chủ tịch,
Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký có trách nhiệm thay mặt Hiệp hội và Ban chấp hành
quan hệ đối nội, đối ngoại, tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội và của
Ban chấp hành, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hiệp hội
(nếu có).
Điều 16.
Chủ tịch Hiệp hội có trách nhiệm và quyền
hạn:
1. Đại diện chính thức cho Hiệp hội
trước pháp luật, các cơ quan Nhà nước và mọi tổ chức trong
và ngoài nước.
2. Tổ chức triển
khai các Nghị quyết của Đại hội.
3. Chỉ đạo, chuẩn bị nội dung, triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành;
4. Lãnh đạo các tổ chức trực thuộc Hiệp
hội (nếu có) thực hiện các chức năng mà Hiệp hội giao cho.
5. Ký quyết định
thành lập hoặc giải thể các tổ chức Hiệp hội theo Điều lệ, bổ nhiệm và bãi miễn các chức danh lãnh đạo của các tổ
chức trực thuộc.
Điều 17.
Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch lãnh đạo từng mặt
công tác của Hiệp hội, có trách nhiệm và quyền hạn trong phạm vi được phân
công. Khi Chủ tịch vắng mặt, theo ủy nhiệm Phó Chủ tịch thay mặt, thực hiện những
nhiệm vụ của Chủ tịch.
Điều 18.
Tổng thư ký là người thay mặt Chủ tịch,
Phó Chủ tịch theo sự ủy nhiệm của Chủ tịch, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành
hoạt động hàng ngày của Hiệp hội, Văn phòng Hiệp hội và quản lý các đơn vị trực
thuộc Hiệp hội, chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Hiệp hội, quản lý tài sản và
tài chính của Hiệp hội.
Điều 19.
Tùy theo yêu cầu phát triển trong hoạt động
của Hiệp hội, Ban chấp hành sẽ quyết định lập ra các Ban chuyên môn của Hiệp hội.
Các Trưởng ban do Chủ tịch bổ nhiệm,
miễn nhiệm.
Chức năng, tổ chức, chương trình kế
hoạch, điều kiện, phương tiện và chế độ hoạt động của các Ban chuyên môn do Ban
chấp hành Hiệp hội quy định.
Chương 5.
TÀI CHÍNH HIỆP HỘI
Điều 20.
Năm tài chính của Hiệp hội bắt đầu từ ngày
1 tháng 1 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Điều 21.
Tài chính của Hiệp hội do Đại hội quy định
những nguyên tắc lớn và Ban chấp hành Hiệp hội ấn định mức thu chi cụ thể hàng
năm, đảm bảo tự trang trải theo đúng quy chế của Điều lệ Hiệp hội và quy định
quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.
Điều 22.
Các nguồn thu của Hiệp hội
1. Tiền hội phí gồm hội phí tham gia
và hội phí thường niên.
2. Tiền tài trợ của các tổ chức, cá
nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3. Tiền thu từ các hoạt động có thu của
Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc (nếu có).
4. Tiền trợ cấp của Nhà nước (nếu
có).
Trong quá trình tổ chức hoạt động nếu
cần thiết Hiệp hội sẽ hình thành nguồn kinh phí để hỗ trợ
cho:
+ Công tác nghiên cứu thị trường.
+ Ứng dụng và
sáng tạo các sản phẩm phần mềm đạt chất lượng cao.
+ Tổ chức các giải thưởng của Hiệp hội.
Điều 23.
Các khoản chi
1. Chi hoạt động thường xuyên của Hiệp
hội (hoạt động văn phòng, hội nghị, hội thảo, ngoại giao, chi lương cho bộ máy
thường trực Hiệp hội).
2. Chi mua sắm tài sản thiết bị.
3. Chi cho các đề tài nghiên cứu (nếu
có và được duyệt).
4. Chi cho các hoạt động ngành nghề của
Hiệp hội.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ
LUẬT
Điều 24.
Những Hội viên có thành tích xuất sắc
trong công tác sản xuất và xuất khẩu phần mềm hay trong công tác Hiệp hội sẽ được
Hiệp hội khen thưởng và có thể được Hiệp hội đề nghị các cấp khen thưởng hoặc
Hiệp hội đề nghị lên Hội đồng khen thưỏng Nhà nước xác nhận và khen thưởng.
Điều 25.
Hội viên nào có hành động trái với nghị
quyết và Điều lệ của Hiệp hội, làm tổn thương đến danh dự, uy tín của Hiệp hội
thì tùy theo lỗi nặng, nhẹ để giáo dục, phê bình, khiển trách hoặc khai trừ ra
khỏi Hiệp hội theo quyết định của Ban Chấp Hành Hiệp hội.
Chương 7.
SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ VÀ GIẢI
THỂ HIỆP HỘI
Điều 26.
Chỉ có Đại hội toàn thể của Hiệp hội doanh
nghiệp phần mềm Việt Nam mới có quyền sửa đổi Điều lệ của Hiệp hội. Việc sửa đổi
Điều lệ phải được 2/3 số đại biểu tán thành mới có hiệu lực thi hành.
Điều 27.
Hiệp hội chỉ ngừng hoạt động hoặc giải thể
khi có:
- Quyết định ngừng
hoạt động hay giải thể của Đại hội toàn thể Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt
Nam.
- Quyết định chấm dứt hoạt động của
Hiệp hội do cơ quan cấp giấy phép thành lập Hiệp hội ban hành.
Mọi thủ tục giải thể sẽ phải tiến
hành theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 28.
Bản Điều lệ của Hiệp hội doanh nghiệp phần
mềm Việt Nam gồm VII chương, 28 điều, đã được Đại hội đại biểu toàn thể lần thứ
nhất của Hiệp hội họp tại Hà Nội thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2001 và có hiệu
lực khi được Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ phê duyệt.