ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2498/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 21
tháng 9 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
KINH DOANH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 21.6.1994;
- Căn cứ Nghị quyết 45/CP ngày
22.6.1994 của Chính phủ về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch;
- Căn cứ Nghị định 09/CP ngày
5.2.1994 của Chính phủ về tổ chức và quản lý các doanh nghiệp du lịch;
- Căn cứ Nghị định 02/CP ngày
5.01.1995 của Chính phủ quy định về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh thương mại
và hàng hóa dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện trong nước;
- Căn cứ vào các Quyết định,
quy định hiện hành có liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch của Tổng cục
trưởng Tổng cục Du lịch và các Bộ ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du
lịch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết
định này bản Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Những quy định trước đây của UBND
tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
Sở Du lịch; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các cơ quan trực
thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Huế và các Huyện, các tổ chức cá nhân
có hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này.
Nơi nhận:
- Như điều 3.
- Tổng cục du lịch (để báo cáo)
- Thường vụ tỉnh uỷ (để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh
- Các thành viên UBND tỉnh
- VP UBND: Lãnh đạo, các chuyên viên
- Lưu VT
|
TM/UBND TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Mễ
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
( Ban hành kèm theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 21.9.1996 của UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: UBND tỉnh khuyến
khích phát triển du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng ngành Du lịch của tỉnh.
- Hoạt động kinh doanh du lịch phải
đảm bảo an ninh Chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái;
giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam; không làm hại
đến sự phát triển kinh tế - Xã hội của tỉnh, của đất nước.
- Các hoạt động kinh doanh du lịch
của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải được phép của cơ
quan có thẩm quyền, phải thực hiện đúng pháp Luật hiện hành và nội dung của bản
quy chế này.
Điều 2: Trong quy chế này,
các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1/- ''Khách du lịch quốc tế":
là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến du lịch tại Việt
Nam và người Việt Nam, người nước ngoài định cư ở Việt Nam đi du lịch ở nước
ngoài.
2.2/- ''Khách du lịch nội địa'' là
người Việt Nam, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đã được Nhà nước Việt
Nam công nhận là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi du lịch
trên lãnh thổ Việt Nam.
2.3/- Kinh doanh du lịch là việc
thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ phục vụ khách du lịch với mục
đích sinh lợi.
Các dịch vụ du lịch thuộc phạm vi
quản lý của quy chế này bao gồm:
2.3.1- Kinh doanh lữ hành: là việc
thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết lập các chương trình du lịch
trọn gói hay từng phần, quảng cáo và bán các chương trình này trực tiếp hay
gián tiếp qua các trung gian hoặc văn phòng đại diện, tổ chức thực hiện chương
trình và hướng dẫn du lịch.
- Kinh doanh lữ hành quốc tế: là việc
xây dựng, bán các chương trình trọn gói hoặc từng phần theo yêu cầu của khách để
trực tiếp thu hút khách đến Việt Nam và đưa công dân Việt Nam, người nước ngoài
cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài, thực hiện các chương trình du lịch đã
bán hoặc ký hợp đồng ủy thác từng phần, trọn gói cho lữ hành nội địa.
- Kinh doanh lữ hành nội địa: là
việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch nội địa, nhận ủy
thác để thực hiện dịch vụ chương trình du lịch cho khách nước ngoài đã được các
doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa vào Việt Nam thông qua các hợp đồng kinh tế cụ
thể.
2.3.2- Kinh doanh dịch vụ lưu trú:
1à việc kinh doanh các dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống và các dịch vụ khác trong
khách sạn, motel, làng du lịch, bungalow, bãi cắm trại, biệt thự, nhà có phòng
cho thuê đã đăng ký hành nghề với các cơ quan chức năng ở địa phương.
Chỉ những loại hình dịch vụ lưu
trú trên mới được tổ chức đón khách du lịch.
2.3.3- Kinh doanh dịch vụ vận chuyển
khách du lịch: là hoạt động kinh doanh phục vụ việc đi lại của khách du lịch bằng
các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy, đường hàng không.
2.3.4- Kinh doanh các dịch vụ hướng
dẫn du lịch : là hoạt động kinh doanh gắn với chương trình du lịch để hướng dẫn
khách du lịch trong quá trình tham quan và sử dụng các dịch vụ theo chương
trình du lịch .
2.3.5- Kinh doanh các dịch vụ khác
: thông tin du lịch; quảng cáo du lịch; hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao,
vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm, đặt vé máy bay.v.v. cho khách du lịch.
Điều 3: Các tổ chức, cá nhân
hoạt động kinh doanh du lịch thuộc các loại hình trên được gọi chung là ''doanh
nghiệp du lịch".
Điều 4: Mỗi tổ chức cá nhân chỉ được chọn một loại hình
kinh doanh du lịch chính cho doanh nghiệp của mình.
Điều 5: Những hoạt động và hành vi kinh doanh du lịch vi
phạm tới an ninh quốc gia, ảnh hưởng xấu tới an toàn xã hội, môi trường văn hóa
dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam đều coi là vi phạm quy chế này và tùy theo
tính chất mức độ đều bị xử lý theo quy định các văn bản pháp luật của Nhà nước
CHXHCH Việt Nam.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ
TỤC XÉT CẤP (BỔ SUNG ) GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP DU LỊCH
Điều 6: Điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi
thành phần kinh tế
được cấp giấy phép thành lập doanh
nghiệp du lịch hoặc bổ sung chức năng du lịch thực hiện theo quy định tại Thông
tư 715/TCDL ngày 9.7. 1996 của Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định
09/CP của Chính phủ, Thông tư 27/LB-TCDL-TM ngày 10.0l.96 của liên Bộ Tổng cục
du lịch - Thương mại.
6.1- Điều kiện pháp lý : Có hồ sơ
hợp lệ, đầy đủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
6.2- Có địa điểm kinh doanh hợp
pháp và phù hợp với quy hoạch của tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch và đáp ứng
được các yêu cầu quy định tại điểm 2.1 Thông tư Liên Bộ 27/LB-TCDL-TM.
6.3- Cơ sở vật chất kỹ thuật: Đối
với kinh doanh lưu trú, ăn uống: Phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại quyết định
338/TMDL-DT ngày 22/4/1992 của Bộ thương mại và du lịch về ''Quy định tối thiểu
về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn phục vụ du lịch '' và Thông tư 27 LB/TCDL - TM
ngày 10/01/96 của Liên Bộ Tổng cục Du lịch - Bộ thương mại. Riêng các khách sạn
xây dựng mới sau ngày ban hành Quyết định này phải đạt tối thiểu 20 phòng.
+ Đối với phương tiện vận chuyển
khách du lịch: thực hiện theo quy định tại Quyết định 2418/QĐ-LB ngày 04.
12.1993 của Liên Bộ Giao thông Vận tải - Tổng cục Du lịch và các văn bản có
liên quan của Nhà nước.
+ Đối với kinh doanh các loại hình
còn lại: Phải hội đủ các điều kiện tối thiểu đối với từng loại hình theo quy định
hiện hành của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước .
6.4- Có mức vốn pháp định phù hợp
với quy định hiện hành của Nhà nước đối với tổng ngành, từng loại hình doanh
nghiệp du lịch và phù hợp với quy mô kinh doanh.
6.5- Về nhân sự:
+ Cuối năm 1998 Giám đốc các doanh
nghiệp du lịch được phép đón khách du lịch quốc tế phải biết ít nhất 01 ngoại
ngữ thông dụng ở trình độ B trở lên, có bằng hoặc giấy chứng nhận hợp pháp về
quản lý kinh tế hoặc nghề nghiệp chuyên môn phù hợp.
+ Các nhân viên trực tiếp phục vụ
phải có giấy chứng nhận sức khoẻ, có bằng hoặc giấy chứng nhận hợp pháp về nghiệp
vụ du lịch. Đối các doanh nghiệp được phép phục vụ khách quốc tế thì nhân viên
trực tiếp phục vụ phải biết thạo ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng theo công việc
được giao.
+ Hướng dẫn viên du lịch phải qua
đào tạo và phải có thẻ hướng dẫn do Tổng cục Du lịch cấp.
+ Riêng cán bộ nhân viên phục vụ
trong cơ sở lưu trú, ngoài các yêu cầu trên còn phải đảm bảo các điều kiện theo
quy định tại Nghị định 17/CP ngày 23.12. 1992 của Chính phủ về việc quản lý các
ngành nghề kinh doanh đặc biệt.
+ Đến hết năm 1997 lượng cán bộ,
nhân viên phục vụ trong doanh nghiệp được qua đào tạo nghiệp vụ du lịch phải
chiếm ít nhất 60% tổng số cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.
Điều 7: Các doanh nghiệp du lịch được thành lập để hoạt
động kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đã nêu ở điều 2.3.5 được giảm nhẹ một
số điều kiện quy định tại điều 6 này khi xem xét cấp giấy phép thành lập (hoặc
bổ sung nhiệm vụ kinh doanh).
Điều 8: Trình tự và thủ tục xét cấp giấy phép thành lập
doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đó có kinh doanh cơ sở lưu trú hoặc bổ
sung chức năng kinh doanh cơ sở lưu trú được quy định như sau :
8.1- Bước 1: Xét phê duyệt phương
án kinh doanh
Trước khi tiến hành đầu tư xây dựng
bất cứ một loại hình cơ sở lưu trú nào, các tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị hồ
sơ gồm các mục sau :
- Sơ đồ vị trí mặt bằng và giải
pháp kiến trúc
- Phương án hoạt động kinh doanh
- Phương án về nhân sự, kế hoạch bồi
dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.
- Các giấy tờ liên quan đến quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cửa.
- Ý kiến của các cơ quan chức năng
về môi trường, trật tự công cộng.
Các nội dung trên được hội đồng thẩm
định cấp tỉnh xem xét phê duyệt theo sự phân công như sau :
8.1.1- Đối với các doanh nghiệp
nhà nước và liên doanh: Các hồ sơ nêu trên được gửi đến Sở KH và ĐT tỉnh. Trong
vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Sở KH và ĐT tỉnh chịu trách nhiệm triệu
tập và chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định bước 1 với sự tham gia của các thành
viên theo quy định của Nghị định 388/HĐBT.
8.1.2- Đối với doanh nghiệp thành
lập theo Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty: Các hồ sơ nêu trên được gửi đến
Sở du lịch trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Du lịch chịu trách
nhiệm triệu tập và chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định bước 1 với sự tham gia của
: Sở KH và ĐT, Sở xây dựng, Sở KHCN và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Địa chính
và chính quyền địa phương (thành phố, huyện ) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Ý kiến của hội đồng thẩm định ( bước
1 ) được gửi đến tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp du lịch (
hoặc bổ sung chức năng kinh doanh du lịch ) trong thời gian 20 ngày kể từ ngày
nhận được đầy đủ hồ sơ hợp 1ệ.
Nếu không đồng ý với kết quả của Hội
đồng thẩm định, tổ chức và cá nhân có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của
cơ quan thẩm định.
8.2- Bước 2: Xét cấp giấy phép
thành lập doanh nghiệp (hoặc bổ sung chức năng kinh doanh)
- Sau khi được hội đồng thẩm định
bước 1 chấp thuận bằng văn bản, tổ chức, cá nhân mới được tiến hành các bước tiếp
theo như : Thiết kế chi tiết, xin cấp giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư và
hoàn thành hồ sơ để xin phép thành lập doanh nghiệp ( hoặc bổ sung chức năng
kinh doanh du lịch ). Hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp được gửi về Sở KH và ĐT
tỉnh đối với doanh nghiệp nhà nước và Công ty liên doanh; gửi về Sở Du lịch đối
với doanh nghiệp tư nhân và Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần.
Điều 9: Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp gồm:
- Đơn xin phép thành lập doanh
nghiệp
- Giấy chứng nhận của công chứng về
giá trị tài sản là hiện vật
- Xác nhận của ngân hàng về các
tài sản là kim khí quí, đá quí, tiền
- Giấy xác nhận về sức khỏe của y
tế về đủ điều kiện kinh doanh du lịch
- Các bằng cấp chuyên môn của cán
bộ nhân viên doanh nghiệp
- Danh sách cán bộ nhân viên doanh
nghiệp (lý lịch trích ngang)
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu,
quyền sử dụng hợp pháp về địa điểm làm trụ sở kinh doanh
- Phương án hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an
ninh trật tự , phòng cháy chửa cháy của Công an
- Dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt
động (đối với doanh nghiệp là Công ty)
- Bản kê khai cơ sở vật chất kỹ
thuật của doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về
môi trường
- Ý kiến phê duyệt phương án kinh
doanh của hội đồng thẩm định bước 1
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện
kinh doanh của Sở Du lịch
Điều 10: Trình tự và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ
hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch và các dịch vụ du lịch khác thực hiện
theo các quy chế quản lý lữ hành ban hành theo Quyết định số 66/QĐ-TCDL ngày
29.4.1995 của Tổng cục Du lịch, Quyết định số 2418/QĐ-LB ngày 04.12.1993 của
Liên bộ Giao thông Vận tải - Tổng cục Du lịch và các văn bản hướng dẫn của Nhà
nước. Riêng doanh nghiệp dịch vụ vận tải phải đảm bảo yêu cầu về bến bãi; về
phương tiện cứu sinh; về hệ thống vệ sinh đủ tiêu chuẩn (đối với phương tiện thủy)
.
Đối với loại hình dịch vụ văn hóa
tại các doanh nghiệp du lịch (vũ trường, hát Karaoke, biểu diễn ca nhạc, ca Huế,
múa Cung đình, tuồng tấu lễ nhạc, bán hàng mỹ nghệ, văn hóa phẩm lưu niệm.v.v.)
cần có sự phối hợp giữa 2 Ngành Văn hóa Thông tin, Du lịch để sắp xếp lại và thống
nhất thủ tục cấp giấy phép để đảm bảo chất lượng nghệ thuật và sự cạnh tranh
lành mạnh...
Đối với các đơn vị bổ sung nhiệm vụ
kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện:
+ Ngành nghề bổ sung mới phải phù
hợp với quy hoạch chung và với ngành nghề kinh doanh chính đã được cấp giấy
phép.
+ Phải có sự xác nhận của cơ quan
Ngân hàng về việc bổ sung vốn, các cơ quan chức năng về bổ sung cán bộ chuyên
môn kỹ thuật cần thiết.
Điều 11: Sau khi có giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc
bổ sung chức năng kinh doanh du lịch của UBND tỉnh, các doanh nghiệp phải đăng
ký kinh doanh tại Sở KH và ĐT tỉnh trong thời hạn đã được quy định trong Luật
Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và Luật Đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 12: Các đại lý hoạt động trung gian bán chương
trình du lịch của các doanh nghiệp du lịch để hưởng hoa hồng phải được Sở Du lịch
cấp giấy chứng nhận đủ diều kiện kinh doanh du lịch đối với loại hình làm đại
lý mới được phép hoạt động.
Đại lý du lịch phải đăng ký và thực
hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, chấp hành tốt các văn bản pháp luật hiện hành của
nhà nước và bản Quy chế này.
Điều 13: Việc giải thể, phá sản các doanh nghiệp du lịch
thực hiện theo luật phá sản, luật doanh nghiệp tư nhân, luật công ty và các văn
bản pháp luật hiện hành của nhà nước.
Điều 14: Khi được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp
hoặc bổ sung chức năng, mở rộng quy mô kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp một
khoản lệ phí theo quy định tại Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 13/2/1992 của
UBKH nhà nước- Bộ tài chính cụ thể là :
Những doanh nghiệp có mức vốn pháp
định dưới 20 tỷ đồng nộp lệ phí: 600.000đ (sáu trăm ngàn đồng).
Những doanh nghiệp có mức vốn pháp
định trên 20 tỷ đồng nộp lệ phí: 1.000.000đ (một triệu đồng).
Chương III
QUYỀN HẠN VÀ
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP DU LỊCH
Điều 15: Doanh nghiệp du lịch chỉ được phép hoạt động
trong phạm vi đã được quy định trong giấy phép thành lập, giấy đăng ký kinh
doanh và phải báo cáo Sở Du lịch, cơ quan Thuế, Công an, Chính quyền địa phương
nơi doanh nghiệp đóng trụ sở thời điểm bắt đầu hoạt động.
Không được phép cho thuê, sang nhượng
giấy phép thành lập, giấy đăng ký kinh doanh
Điều 16: Cơ sở kinh doanh phải
có bảng hiệu ghi rõ theo đúng quy định tại Chỉ thị 361/CT ngày 5.11.1991 của Chủ
tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Nghị định 87/CP ngày 12.12.1995 của
Chính phủ. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, các tầng lầu, phòng phải
được đánh số theo sơ đồ phòng đã đăng ký với Công an và tại quầy lễ tân.
Điều 17: Doanh nghiệp du lịch (kể cả các đại lý du lịch
các chi nhánh du lịch) phải chấp hành chế độ mở tài khoản, thực hiện nghiêm túc
pháp Lệnh kế toán thống kê, chế độ báo cáo thống kê du lịch và phải niêm yết
giá rõ ràng tại nơi thường trực, nơi nhận đăng ký thực hiện các dịch vụ phục vụ
khách đối với tất cả các dịch vụ của doanh nghiệp mình và bán theo giá niêm yết.
Giá niêm yết phải phù hợp với khung giá chuẩn do UBND tỉnh ban hành và phải báo
cáo với Sớ Du lịch, Sở Tài chính Vật giá cơ quan Thuế để theo dõi.
Điều 18: Các doanh nghiệp du lịch phải thực hiện nghiêm
các quy định của Chính phủ, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ,
ngành liên quan về quản lý các hoạt động du lịch và phải hướng dẫn khách thực
hiện.
18.1- Đối với doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ lưu trú, thực hiệu theo Quyết định 108/QĐ-TCDL ngày 22.6.1994 của
Tổng cục Du lịch về quy chế quản lý cơ sở lưu trú du lịch, Nghị định 02/CP ngày
05.01. 1995, Nghị định 87/CP ngày 12.12.1995 của Chính phủ và Chỉ thị 814/TTg của
Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 27/LB-TCDL-TM ngày 10.01. 1996 của Liên bộ TCDL-Bộ
Thương mại.
18.2- Đối với các doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ lữ hành thực hiện theo Quyết định 66/QĐ-TCDL ngày 29.4.1995
của Tổng cục Du lịch về quy chế quản lý lữ hành, Quyết định 235/DL-HTĐT của Tổng
cục Du lịch ban hành quy chế hướng dẫn viên du lịch và các văn bản hướng dẫn
liên quan.
18.3- Đối với doanh nghiệp, dịch vụ
vận chuyển khách du lịch thực hiện theo Quyết định Liên bộ 2418/QĐ-LB ngày
4.12.1993 của Liên bộ Giao thông - Vận tải - Tổng cục Du lịch về quản lý vận
chuyển khách đường bộ - đường thủy.
18.4- Việc quản lý cư trú, đi lại
của người nước ngoài thực hiện theo Quyết định 1206/QĐ-UBND ngày 6.11.1993 của
UBND tỉnh.
18.5- Việc quản lý các hoạt động
văn hóa thực hiện theo Nghị định 87/CP ngày 12.12.1995 và Nghị định 88/CP ngày
14.12.1995 của Chính phủ.
18.6- Các doanh nghiệp dịch vụ lưu
trú phải tự đầu tư hệ thống thông tin vi tính của đơn vị mình nối mạng với
trung tâm thông tin của Sở Du lịch và các Ngành liên quan khác.
Điều 19: Đối với doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm
hữu hạn, Công ty cổ phần trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp có nhu cầu
thay đổi trụ sở chính thì Giám đốc doanh nghiệp hoặc Chủ doanh nghiệp phải báo
cáo xin phép Sở Du lịch và chỉ được thay đổi khi có văn bản chấp thuận của Sở
Du lịch sau khi đã kiểm tra các điều kiện theo quy định của quy chế này. Sau
khi được chấp thuận bằng văn bản; doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký kinh
doanh lại và đổi giấy phép kinh doanh.
Điều 20: Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp có nhu cầu
mở rộng quy mô, 1oại hình kinh doanh du lịch hoặc đổi tên thay chủ doanh nghiệp,
thì phải tiến hành làm lại các bước như đã quy định đối với việc thành lập
doanh nghiệp.
Điều 21: Việc xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở vật chất
hiện có của doanh nghiệp du lịch để kinh doanh du lịch phải phù hợp với quy hoạch
của tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch và phải được thực hiện đúng trình tự về
xây dựng cơ bản của Nhà nước.
Điều 22: Các quyền hạn và trách nhiệm khác của doanh
nghiệp du lịch thực hiện theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật
Doanh nghiệp tư nhân, luật Công ty và các văn bản pháp luật hiện hành khác của
nhà nước .
Chương IV
ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC
XÉT CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP CHI NHÁNH VÀ NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA CHI NHÁNH
Điều 23: Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh có đủ các điều
kiện sau được UBND tỉnh xem xét chấp thuận thành lập Chi nhánh; Văn phòng đại
diện:
23.1- Được thành lập và đăng ký hoạt
động theo đúng pháp luật.
23.2- Doanh nghiệp có nhu cầu
thành lập chi nhánh để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh du lịch ở địa phương khác.
23.3- Doanh nghiệp có đủ vốn, cơ sở
vật chất, cán bộ và phương án kinh doanh đảm bảo cho chi nhánh hoạt động có hiệu
quả.
Điều 24: Các tổ chức kinh doanh du lịch ngoài tỉnh muốn mở Chi nhánh tại tỉnh
Thừa Thiên Huế phải hội đủ các điều kiện sau đây:
24.1- Được thành lập và đăng ký hoạt
động theo đúng pháp luật.
24.2- Doanh nghiệp thực sự có nhu
cầu mở rộng phạm vi kinh doanh và có đủ năng lực tài chính, năng lực tổ chức thị
trường để thành lập Chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế, phù hợp với chức năng của
doanh nghiệp đã được ghi trong giấy phép thành lập. Đồng thời phải phù hợp với
quy định và phương hướng sắp xếp lại cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư ở địa bàn
tỉnh Thừa Thiên Huế.
24.3- Có địa điểm hợp pháp, có
ngành nghề, quy mô phù hợp với quy hoạch kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
24.4- Có đội ngũ cán bộ phù hợp với
yêu cầu của từng loại hình kinh doanh.
24.5- Có phương án kinh doanh đảm
bảo cho chi nhánh hoạt động hiệu quả.
24.6- Có văn bản đề xuất của cơ
quan quản lý nhà nước trực tiếp và cơ quan sáng lập doanh nghiệp.
Điều 25: Quy trình xét cấp giấy phép thành lập Chi nhánh
tuân thủ theo các bước thành lập doanh nghiệp du lịch của tỉnh quy định tại điều
8 của quy chế này.
Điều 26: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày được UBND tỉnh
nơi mở Chi nhánh cho phép; đơn vị phải tiến hành đăng ký kinh doanh và thông
báo bằng văn bản cho Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan về việc mở Chi
nhánh và thời gian bắt đầu hoạt động.
Sau 2 tháng (60 ngày) kể từ ngày
được Quyết định thành lập, nếu Chi nhánh không đăng ký kinh doanh tại Sở KH và
ĐT tỉnh, Chi nhánh sẽ bị thu hồi Quyết định thành lập.
Điều 27: Chi nhánh có các quyền hạn và trách nhiệm như
quyền hạn và được nêu rõ trong Quyết định cho phép mở chi nhánh của cấp có thẩm
quyền.
Điều 28: - Hoạt động chi nhánh chấm dứt trong các trường
hợp sau:
- Chi nhánh vi phạm nghiêm trọng
pháp luật, và các quy định của quy chế này, bị cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định
đình chỉ vĩnh viễn hoạt động.
- Chi nhánh hoạt động không hiệu
quả, gặp khó khăn đến mức không thể khắc phục được; theo đề nghị của Giám đốc doanh
nghiệp và được cơ quan có thẩm quyền của doanh nghiệp chấp thuận. Lãnh đạo
Doanh nghiệp và Trưởng Chi nhánh có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các vấn đề
tồn tại có liên quan đến việc giải thể theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương V
CƠ QUAN QUẢN LÝ
DU LỊCH
Điều 29: Sở Du lịch là cơ quan được UBND tỉnh giao trách
nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch trên
địa bàn tỉnh. Sở Du lịch có nhiệm vụ và quyền hạn như quy định tại Quyết định
517/QĐ-UBND ngày 16.3.1994 của UBND tỉnh.
29.1- Tiếp nhận hồ sơ và xem xét
các điều kiện về chủ thể kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ
công nhân viên để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở
kinh doanh du lịch. Xem xét các hồ sơ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật (kể cả đầu
tư nước ngoài) trong ngành du lịch (về mặt quy hoạch ngành) trình UBND tỉnh xét
duyệt
29.2- Tham gia hội đồng thẩm định
hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
liên doanh trình UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Du lịch cho thành lập doanh nghiệp
hoặc bổ sung chức năng kinh doanh du lịch.
29.3- Tiếp nhận hồ sơ, chủ trì hội
đồng thẩm định theo điều 8 trình UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp
du lịch hoặc bổ sung chức năng kinh doanh du lịch theo Luật Doanh nghiệp tư
nhân và Luật Công ty.
29.4- Giúp UBND tỉnh xem xét và đề
nghị với Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh du lịch quốc tế.
29.5- Tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy
phép kinh doanh lữ hành nội địa theo ủy quyền của Tổng cục Du lịch.
29.6- Tiếp nhận và xem xét hồ sơ đề
nghị xếp hạng khách sạn để trình Tổng cục xét duyệt.
29.7- Chịu trách nhiệm kiểm tra và
phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động
kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh kể cả các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vụ vi phạm theo thẩm quyền quy định tại pháp lệnh
xử phạt hành chính, nghị định 01/CP ngày 03.01.1996 của Chính phủ.
Điều 30: UBND thành phố Huế, UBND các huyện có nhiệm vụ
và quyền hạn sau:
30.1- Tham gia ý kiến về quy hoạch
phát triển về lựa chọn địa điểm thành lập doanh nghiệp du lịch.
30.2- Kiểm tra hoặc phối hợp với Sở
Du lịch và các cơ quan chức năng kiểm tra các hoạt động của các cơ sở kinh
doanh du lịch trên địa bàn quản lý
30.3- Được quyền đình chỉ hoặc thu
hồi giấy phép các cơ sở dịch vụ du lịch thuộc thẩm quyền Thành phố, Huyện cấp
giấy phép có hành động vi phạm pháp luật và Quy chế này, nhưng phải trao đổi
trước với Sở Du lịch.
- Tạm thời đình chỉ các cơ sở vi
phạm thuộc diện UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập, tiếp đó phải báo cáo bằng
văn bản phân tích rõ tình hình, nêu ra những kiến nghị cụ thể để UBND tỉnh xem
xét giải quyết.
- Đối với doanh nghiệp có vốn liên
doanh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nếu có hành động vi phạm, thì UBND Huyện,
Thành phố chỉ đạo lập biên bản báo cáo các cơ quan hữu quan của tỉnh và Trung
ương xử lý theo thẩm quyền.
30.4- Phối hợp với Sở Du lịch để
phản ánh tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, huyện nhằm giúp Sở
Du lịch báo cáo tình hình kịp thời cho UBND tỉnh và Tổng cục Du lịch.
Chương VI
KIỂM TRA XỬ LÝ
Điều 31: Kiểm tra
31.1- Các hoạt động kinh doanh du
lịch phải chịu sự kiểm tra và chấp hành quy định chuyên ngành của các cơ quan
sau :
31.1.1- Kiểm tra của Công an về
đăng ký quản lý hộ khẩu, trật tự an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng
ngừa và phát hiện, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; nạn tham nhũng, buôn lậu làm ăn
phi pháp.
3.1.2- Kiểm tra của Thanh tra Du lịch
về các hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp.
31.1.3- Kiểm tra của các cấp chính
quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác khi cần thiết
.
31.2- Việc kiểm tra của các cơ
quan chức năng. phải tiến hành đúng quy định của pháp luật và phải lập biên bản
kiểm tra; tránh thanh, kiểm tra trùng lặp gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường
của doanh nghiệp.
Điều 32: Xử lý vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du
lịch nếu có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử
lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về vật chất
cho nhà nước, tổ chức, hoặc công dân thì phải bồi thường.
Điều 33: Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc
cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch, giấy phép kinh doanh và kiểm
tra giám sát hoạt động của các tổ chức cá nhân được phép kinh doanh du lịch nếu
có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của quy chế này
thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo pháp luật hiện hành.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 34: Giám đốc Sở Du lịch có trách nhiệm phối hợp với
các cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực
hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh theo các quy định
tại quy chế này.
Điều 35: Thủ trưởng các Sở, các cơ quan trực thuộc UBND
tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố, và các Huyện; các tổ chức, và cá nhân hoạt động
kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đầy đủ bản quy chế này.
Điều 36: Trong quá trình thực hiện nếu thấy điểm nào
chưa hợp lý, cần phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Du lịch) để bổ sung, sửa
đổi cho phù hợp.