THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1288/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 08 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ
về khuyến công;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm
2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với
những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
a) Huy động các nguồn lực trong nước
và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công
nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và
góp phần xây dựng nông thôn mới;
b) Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công
nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu,
nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm;
bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều
kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản
xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh
tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến 2015
- Đào tạo được khoảng 40.000 lao động
cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khoảng 4.000 lượt học viên tham gia
các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp,
nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng 40 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ
ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 250 cơ sở công nghiệp
nông thôn; hỗ trợ 500 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển
lãm trong nước và ngoài nước; hỗ trợ lập
quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải
chung cho 40 cụm công nghiệp.
- Nâng cao năng lực tư vấn phát triển
công nghiệp nông thôn của các tổ chức dịch
vụ công, tạo nền tảng cho hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên toàn quốc.
- Thông tin tuyên truyền với nhiều
hình thức khác nhau; tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức
được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; đặt nền tảng cho hợp
tác quốc tế về khuyến công.
- Xây dựng quy trình quản lý và tổ chức
thực hiện hoạt động khuyến công.
b) Giai đoạn 2016 - 2020
- Đào tạo được khoảng 100.000 lao động
cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khoảng 10.000 lượt học viên tham
gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp,
nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng 160 mô
hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công
nghệ cho 600 cơ sở công nghiệp nông thôn;
hỗ trợ 1.400 lượt cơ sở công nghiệp nông
thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch
chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho
120 cụm công nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển
công nghiệp trên toàn quốc. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động phát triển công
nghiệp.
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu
rộng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; nhận thức lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được
phổ biến rộng rãi; tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch
hơn; hợp tác quốc tế về khuyến công được đẩy mạnh.
- Hoàn thiện quy trình quản lý và tổ
chức thực hiện hoạt động khuyến công.
II. PHẠM VI VÀ
ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Phạm vi điều chỉnh
Chương trình gồm các hoạt động khuyến
công quy định tại Điều 4 Nghị định
số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến
công, do Bộ Công Thương và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) quản lý và
tổ chức thực hiện để hỗ trợ phát triển công
nghiệp khu vực nông thôn thuộc các ngành, nghề quy định tại Điều
5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.
2. Đối tượng áp dụng
a) Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3,
các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 05 năm; bao gồm:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt
động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông
thôn);
b) Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn;
c) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước
ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.
III. NỘI DUNG CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề:
a) Tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay
nghề cho người lao động;
b) Đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu
thủ công nghiệp để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo
nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn.
2. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch
hơn trong công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn đào tạo, hội thảo,
hội nghị, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nông
thôn.
3. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn
kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ
thuật:
a) Tổ chức tham quan mô hình, hội nghị,
hội thảo, diễn đàn, giới thiệu công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn;
b) Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về chế biến nông - lâm - thủy sản và
chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp hóa chất
phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm,
phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử
- tin học; về khai thác, chế biến khoáng
sản; chế biến nguyên liệu, đặc biệt là quy mô nhỏ tại các vùng nguyên liệu phân
tán để cung cấp cho các cơ sở công nghiệp
chế biến, tiểu thủ công nghiệp;
c) Hỗ trợ xây dựng thí điểm nhằm nhân rộng
các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất
công nghiệp;
d) Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy
móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ
công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường;
đ) Hỗ
trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi
trường.
4. Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thông qua việc tổ
chức bình chọn sản phẩm hàng năm. Tổ chức
hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông
thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Hỗ
trợ các cơ sở công nghiệp nông
thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày
để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.
5. Tư vấn trợ giúp các cơ sở công
nghiệp nông thôn trong việc: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất -
tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết
trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ
- thiết bị mới liên quan đến sản xuất
công nghiệp nông thôn. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận
các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ,
chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.
6. Cung cấp thông tin tuyên truyền:
a) Xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu điện tử về
công nghiệp nông thôn, mạng lưới cộng tác viên tư vấn khuyến công từ trung ương
đến địa phương;
b) Xây dựng chương
trình truyền hình, truyền thanh; phát hành các bản tin, ấn phẩm; xây dựng
dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại
chúng khác;
c) Tổ chức và hỗ trợ
các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các cuộc thi, phát động, triển lãm nhằm
quảng bá thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến công;
d) Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận
và khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường và quảng bá doanh nghiệp.
7. Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế,
phát triển các cụm công nghiệp và di dời các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường;
a) Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập các hiệp
hội, hội ngành nghề; liên kết vệ tinh sản xuất các mặt hàng phụ trợ; mô hình
liên kết cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống với các doanh nghiệp du lịch;
b) Hỗ trợ xây dựng cụm liên kết
doanh nghiệp công nghiệp;
c) Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ
trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư
phát triển cụm công nghiệp;
d) Hỗ trợ tư
vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường
di dời vào các khu, cụm công nghiệp;
đ) Hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường
tại các cụm công nghiệp.
8. Hợp tác quốc tế về khuyến công:
a) Xây dựng và tham gia thực hiện hoạt động khuyến
công, sản xuất sạch hơn trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế;
b) Trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến
công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch
hơn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công
tác khuyến công theo các chương trình hợp tác quốc tế và các chương trình, đề
án học tập khảo sát ở nước ngoài.
9. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện
hoạt động khuyến công:
a) Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi,
bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan nhằm hoàn thiện khung pháp lý,
cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công;
b) Xây dựng kế
hoạch khuyến công hàng năm. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện
các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công;
c) Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về hoạt động khuyến công và sản xuất
sạch hơn từ Trung ương đến địa phương;
d) Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho
các Trung tâm Khuyến công cấp vùng và cấp tỉnh. Xây dựng và duy trì mạng lưới cộng
tác viên khuyến công;
đ) Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ
chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác
khuyến công;
e) Tổ chức
tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; hội thảo chuyên đề,
hội nghị đánh giá tổng kết về hoạt động khuyến công; xây dựng, duy trì và
phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công, sản xuất
sạch hơn trong công nghiệp;
g) Xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo đánh giá
thực hiện Chương trình.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH
1. Về cơ chế chính sách:
a) Đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi
và hoàn thiện các văn bản về hoạt động khuyến công từ trung ương đến địa
phương;
b) Xây dựng cơ sở
dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác thống kê số liệu và theo dõi quản lý chương
trình, kế hoạch, đề án khuyến công;
c) Hoàn thiện quy định về hệ thống biểu bảng thống
kê báo cáo và phương pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động khuyến
công ở cấp tỉnh;
d) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến
công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm
tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng,
lợi thế của từng địa phương đồng bộ với
các chính sách khác như: Chính sách đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học
và công nghệ.
2. Về tổ chức bộ máy:
a) Ở cấp Trung ương, nâng cao năng lực của các đơn
vị làm công tác khuyến công thuộc Cục Công nghiệp địa phương, đảm bảo thực hiện
tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công trên phạm vi toàn quốc;
b) Ở cấp tỉnh, củng cố nâng cao năng lực của Sở
Công Thương để thực hiện tốt chức năng giúp Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác khuyến
công trên địa bàn;
c) Xây dựng chương
trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
3. Thiết lập và tăng cường sự phối hợp hoạt động của
các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ
chức, cá nhân nhằm thúc đẩy hoạt động khuyến công.
4. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; nâng
cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công.
5. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động
khuyến công, lồng ghép với các dự án,
chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của các cá nhân,
tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG
TRÌNH
1. Kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung
ương dành cho các hoạt động khuyến công do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực
hiện dự kiến là 1.212 tỷ đồng.
2. Kinh phí đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung
ương dành cho đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công
quốc gia ở các vùng và chi hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công của các địa phương
có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hàng năm, trên cơ sở các dự án đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị do Trung
tâm Khuyến công các địa phương, đơn vị xây dựng, Bộ Công Thương tổng hợp gửi Bộ
Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí theo
khả năng cân đối ngân sách, trình cấp có thẩm
quyền quyết định.
3. Hàng năm, căn cứ vào Chương trình và đề xuất của
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách để thực hiện các hoạt
động khuyến công (đối với kinh phí khuyến
công quốc gia); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch, dự
toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước (đối với kinh phí khuyến công địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các quy định hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương có nhiệm vụ:
a) Xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản
quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức
thực hiện về khuyến công theo chương trình được duyệt;
b) Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình
và tổng hợp chung trong dự toán của Bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
để xem xét bố trí dự toán, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước;
c) Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước để thu hút vốn và các nguồn lực phục vụ cho hoạt động khuyến công;
d) Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước khác
theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21
tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
2. Bộ Tài chính có nhiệm vụ:
a) Chủ trì bố trí kinh phí sự nghiệp cho hoạt động
khuyến công quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:
a) Chủ trì bố trí vốn đầu tư thực hiện Chương trình
khuyến công quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
dự án đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương lồng ghép các dự án thuộc các
Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với
các đề án khuyến công thuộc Chương trình
này để triển khai thực hiện.
5. Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
a) Xây dựng, sửa đổi và ban hành chủ trương, chính
sách, văn bản pháp quy về công tác khuyến công phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện địa phương;
b) Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình khuyến công địa phương từng giai
đoạn và kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm tại địa phương;
c) Bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ
chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương theo các quy định tại
Chương trình này;
d) Hợp tác với các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn cho hoạt động
khuyến công;
đ) Thực hiện các trách nhiệm quy định khác tại Điều 16 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của
Chính phủ về khuyến công.
6. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ và
phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương để tổ chức có hiệu quả các nội
dung và nhiệm vụ của Chương trình; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|