QUY CHẾ
BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO
DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1102/QĐ-UBND ngày 07/5/2009 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Đối tượng
bảo lãnh tín dụng
1. Các doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được xếp vào loại doanh nghiệp nhỏ và vừa
theo quy định của pháp luật.
2. Các hợp tác
xã và liên hiệp hợp tác xã.
3. Các hộ kinh
doanh (do một cá nhân, hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ) có
đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký kinh doanh.
4. Các chủ trang
trại, các hộ nông dân, ngư dân thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa
bờ, trồng cây công nghiệp, cây lâu năm, chăn nuôi.
5. Các đơn vị
sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tất cả các đối
tượng nêu trên trong Quy chế này gọi chung là doanh nghiệp.
Điều 2. Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh
Kiên Giang (dưới đây gọi tắt là Quỹ Bảo lãnh tín dụng) bảo lãnh cho các doanh
nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác hoạt động
hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh
(vay vốn đầu tư tài sản cố định); phương án sản xuất kinh doanh (vay vốn lưu động)
phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế
này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Các Bên
trong quan hệ bảo lãnh.
- Bên bảo lãnh
là Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
- Bên được bảo
lãnh là các doanh nghiệp.
- Bên nhận bảo
lãnh là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác hoạt động hợp pháp tại
Việt Nam.
2. Chứng thư bảo
lãnh là cam kết đơn phương bằng văn bản của Bên bảo lãnh với Bên nhận bảo lãnh
về việc Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Bên được bảo lãnh
khi Bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ theo cam kết với
Bên nhận bảo lãnh.
3. Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Bên bảo lãnh và Bên
được bảo lãnh về việc Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Bên
được bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ
theo cam kết với Bên nhận bảo lãnh.
Điều 4. Nguyên tắc bảo lãnh tín dụng
1. Đáp ứng đầy
đủ các điều kiện về bảo lãnh tín dụng theo quy định của pháp luật và Quy chế
này.
2. Các Bên có
liên quan thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ về bảo lãnh theo quy định của
pháp luật.
3. Bên được bảo
lãnh vay vốn không được chuyển nhượng tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư dự
án; không được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay trong các hoạt động tín dụng
và bảo lãnh khác.
4. Bên bảo
lãnh có quyền phát mại tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh để thu hồi số tiền đã
trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh.
Điều 5.
Điều kiện để
doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng
1. Thuộc đối
tượng và phạm vi được bảo lãnh quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quy chế này.
2. Có dự án đầu
tư phát triển sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
3. Không có nợ
quá hạn tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp doanh nghiệp có nợ quá hạn tại các
tổ chức tín dụng nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết
trả được nợ quá hạn thì được Bên bảo lãnh thẩm định, quyết định bảo lãnh vay vốn
theo Quy chế này.
4. Các doanh
nghiệp phải có tối thiểu từ 10% đến 30% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư
phát triển sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh. Mức vốn chủ sở hữu
tối thiểu phải có khi ký kết hợp đồng tín dụng do các ngân hàng thương mại và tổ
chức tín dụng thỏa thuận với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về hoạt
động tín dụng.
Riêng các hợp
tác xã; các chủ trang trại, các hộ nông dân, ngư dân thực hiện dự án nuôi trồng
thủy sản, đánh bắt xa bờ, trồng cây công nghiệp, cây lâu năm, chăn nuôi, phải
có tối thiểu 10% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh
doanh, phương án sản xuất kinh doanh.
5. Sử dụng tài
sản hình thành từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại
Bên bảo lãnh.
Điều 6. Bội số bảo lãnh tín dụng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong 03
năm đầu không vượt quá 05 lần so với vốn hoạt động.
Chương II
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Mức bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh tín dụng
1. Số tiền được
bảo lãnh tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng ký
giữa Bên được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh.
2. Đồng tiền bảo
lãnh là đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
3. Mức bảo
lãnh tín dụng tối đa cho một doanh nghiệp không vượt quá 15% số vốn chủ sở hữu
của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Trường hợp mức bảo lãnh tín dụng cao hơn 15% số vốn
chủ sở hữu, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định thông qua Sở Tài chính (cơ quan quản lý các quỹ tài
chính nhà nước).
Điều 8. Thời hạn bảo lãnh tín dụng
Thời hạn bảo
lãnh tín dụng phù hợp với thời hạn cho vay của Bên nhận bảo lãnh (kể cả thời
gian gia hạn nếu có).
Điều 9. Phí bảo lãnh tín dụng
1. Phí bảo
lãnh tối đa là 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh. Việc thu phí phù hợp với thời
gian bảo lãnh, được thỏa thuận trong Hợp đồng bảo lãnh tín dụng và mỗi quý thu
một lần vào cuối quý. Bên bảo lãnh được miễn, giảm phí bảo lãnh trong trường
Bên được bảo lãnh gặp rủi ro bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn ...).
2. Bên bảo
lãnh được sử dụng 25% phí thu được để bù đắp chi phí quản lý có liên quan đến
hoạt động bảo lãnh, phần còn lại được trích vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Điều 10. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng
1. Giấy đề nghị
bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp.
2. Các tài liệu
chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại
Điều 5 của Quy chế này.
Điều 11. Quy trình bảo lãnh tín dụng
1. Khi phát sinh nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp
gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng đến các ngân hàng thương mại và tổ chức tín
dụng.
Quỹ Bảo lãnh
tín dụng phối hợp với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng để quy định
các biểu mẫu của hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng. Các ngân hàng thương mại và tổ
chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn cho các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị bảo
lãnh tín dụng.
2. Tối đa 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, các
ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện
cho vay vốn thì có văn bản thông báo và kèm theo hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng,
gửi cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Trong thời
gian không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bảo
lãnh tín dụng do các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng gửi đến; Quỹ Bảo
lãnh tín dụng tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện bảo lãnh thì có văn bản
thông báo chấp thuận bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Trường hợp không chấp
thuận bảo lãnh, Quỹ Bảo lãnh tín dụng thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và
giải thích rõ lý do không chấp thuận.
3. Căn cứ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp và văn bản thông
báo chấp thuận bảo lãnh của Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh xem xét và ký Hợp đồng
tín dụng với doanh nghiệp.
4. Sau khi có Hợp
đồng tín dụng giữa Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo lãnh; Bên bảo lãnh tiến
hành ký Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng nhận nợ nguyên tắc, Hợp đồng thế
chấp tài sản và phát hành Chứng thư bảo lãnh để Bên được bảo lãnh vay vốn tại
Bên nhận bảo lãnh.
5. Bên nhận bảo
lãnh.
- Bên nhận bảo
lãnh thực hiện cho vay đối với Bên được bảo lãnh theo quy định hiện hành của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế cho vay của ngân hàng thương mại đối với
khách hàng;
- Áp dụng mọi
biện pháp để thu hồi nợ theo quy định hiện hành (điều chỉnh thời hạn trả nợ, mức
trả nợ, gia hạn nợ cho khoản vay...) khi Bên được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời;
- Có trách nhiệm
thông báo ngay cho Bên bảo lãnh những thay đổi trong nội dung Hợp đồng tín dụng,
điều chỉnh thời hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ cho khoản vay và những vi phạm
hợp đồng của Bên được bảo lãnh ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, để Bên bảo
lãnh phối hợp xử lý;
- Trường hợp
sau khi đã áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ đến hạn, Bên được bảo lãnh vẫn
không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ khoản nợ phải trả, Bên nhận bảo lãnh có
văn bản yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết.
6. Trình tự và
nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng để thực hiện bảo lãnh tín dụng
phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ trách nhiệm cá
nhân, trách nhiệm liên đới giữa các khâu thẩm định và quyết định bảo lãnh tín dụng.
Giao cho Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng xây dựng quy trình thẩm định hồ sơ đề
nghị bảo lãnh tín dụng để triển khai thực hiện.
Điều 12.
Quy trình xử
lý rủi ro
1. Tối đa 60
ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Bên bảo lãnh thỏa
thuận với Bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh theo đúng cam kết tại Chứng thư bảo lãnh và quy định tại Quy chế này.
2. Trường hợp
phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng cam kết, Bên bảo lãnh:
- Được sử dụng
Quỹ dự phòng nghiệp vụ để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Yêu cầu Bên được
bảo lãnh nhận nợ bắt buộc đối với số tiền Bên bảo lãnh trả nợ thay trước khi thực
hiện nghĩa vụ bảo lãnh với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn của
Bên nhận bảo lãnh tại thời điểm nhận nợ. Bên được bảo lãnh có trách nhiệm hoàn
trả nợ vay bắt buộc cho Bên bảo lãnh;
- Tiếp tục áp
dụng các biện pháp thu hồi nợ; đưa ra trọng tài kinh tế hoặc khởi kiện ra tòa
án kinh tế.
Điều 13. Thẩm quyền quyết định bảo lãnh tín dụng
1. Giám đốc Quỹ
Bảo lãnh tín dụng quyết định mức bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đầu tư
phát triển sản xuất kinh doanh hoặc phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện
được bảo lãnh theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Đối với các
dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hoặc phương án sản xuất kinh doanh
có hiệu quả nhưng do có điều kiện đặc thù hoặc chưa đủ điều kiện được bảo lãnh
theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thông qua Sở Tài chính.
Điều 14.
Quyền và
nghĩa vụ các Bên
1. Quyền và
nghĩa vụ của Bên bảo lãnh.
a. Yêu cầu Bên
được bảo lãnh cung cấp các tài liệu thuộc hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng và
tài liệu liên quan chứng minh đủ điều kiện được bảo lãnh theo quy định tại Điều
5 của Quy chế này.
b. Thực hiện
thẩm định bảo lãnh tín dụng.
c. Thu phí bảo
lãnh tín dụng theo quy định.
d. Phối hợp với
Bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn và hoàn trả nợ của
Bên được bảo lãnh.
đ. Thực hiện
quyền và nghĩa vụ của mình theo cam kết với Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo
lãnh.
e. Có quyền từ
chối bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng; không đủ điều
kiện theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
g. Khởi kiện
theo quy định của pháp luật khi Bên được bảo lãnh vi phạm Hợp đồng bảo lãnh tín
dụng, Hợp đồng tín dụng.
h. Yêu cầu Bên
được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, hoặc
đột xuất về tình hình hoạt động của Bên được bảo lãnh liên quan đến việc bảo
lãnh tín dụng.
i. Yêu cầu Bên
nhận bảo lãnh chấm dứt việc cho vay và thu hồi nợ trước hạn nếu thấy Bên được bảo
lãnh vi phạm Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm pháp luật.
k. Từ chối thực
hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay, tài sản hình
thành từ vốn vay không đúng mục đích.
l. Có trách
nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện
bảo lãnh tín dụng đối với Bên được bảo lãnh cho các cơ quan quản lý nhà nước
theo quy định.
2. Quyền hạn
và nghĩa vụ của Bên nhận bảo lãnh.
a. Yêu cầu Bên
được bảo lãnh thực hiện đúng các cam kết trong Hợp đồng tín dụng và các quy định
hiện hành có liên quan.
b. Kiểm tra,
giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay của Bên được bảo
lãnh để đảm bảo sử dụng vốn và tài sản đúng mục đích theo cam kết tại Hợp đồng
tín dụng, an toàn và có hiệu quả.
c. Chấm dứt
ngay việc cho vay và thu hồi nợ trước hạn khi Bên được bảo lãnh vi phạm các quy
định tại Hợp đồng tín dụng và các quy định hiện hành có liên quan.
d. Thông báo
ngay cho Bên bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh vi phạm Hợp đồng tín dụng và các
quy định hiện hành có liên quan.
đ. Thông báo
cho Bên bảo lãnh trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi Bên được bảo lãnh rơi
vào tình trạng không trả được nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, đúng thời hạn.
e. Thực hiện
các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại đối với Bên được bảo lãnh vay vốn
theo quy định của pháp luật (điều chỉnh thời hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ
cho khoản vay) khi Bên được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời.
g. Yêu cầu Bên
bảo lãnh thực hiện các cam kết trong Chứng thư bảo lãnh vay vốn.
h. Phối hợp với
Bên bảo lãnh trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Bên được bảo lãnh.
3. Quyền và
nghĩa vụ của Bên được bảo lãnh.
a. Cung cấp đầy
đủ các tài liệu có liên quan đến việc bảo lãnh tín dụng theo yêu cầu của Bên bảo
lãnh, Bên nhận bảo lãnh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các
thông tin và tài liệu đã cung cấp.
b. Sử dụng vốn
vay đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả.
c. Không được
sử dụng tài sản đã thế chấp để bảo đảm bảo lãnh vay vốn trong các hoạt động tín
dụng và bảo lãnh khác.
d. Chịu sự kiểm
tra, giám sát của Bên bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh.
đ. Thực hiện đầy
đủ các cam kết trong Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và Hợp
đồng tín dụng.
e. Nộp phí bảo
lãnh tín dụng cho Bên bảo lãnh đầy đủ, đúng thời hạn quy định.
g. Yêu cầu Bên
bảo lãnh thực hiện các cam kết trong Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Hợp đồng tín dụng.
h. Hoàn trả đầy
đủ cho Bên bảo lãnh những khoản nợ (gốc và lãi) phát sinh mà Bên bảo lãnh đã trả
thay và các chi phí liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Bên bảo
lãnh.
i. Có trách
nhiệm cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện dự
án đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh, chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với
Nhà nước, tình hình vay vốn và trả nợ vay cho Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh,
các đơn vị liên quan, cơ quan quản lý theo quy định.
Điều 15.
Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng
1. Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng do Bên bảo lãnh thỏa thuận và ký kết với Bên được bảo lãnh, bao gồm
các nội dung cơ bản sau đây:
- Tên, địa chỉ
của các Bên thực hiện hợp đồng;
- Mục đích, đối
tượng và phạm vi bảo lãnh;
- Tổng giá trị
khoản vay của Bên được bảo lãnh;
- Tổng số vốn
chủ sở hữu của Bên được bảo lãnh;
- Số tiền bảo lãnh,
thời hạn bảo lãnh, mức phí bảo lãnh và phương thức thu phí bảo lãnh;
- Quyền và
nghĩa vụ của các Bên tham gia Hợp đồng bảo lãnh tín dụng;
- Quy định về
nhận nợ vay bắt buộc, bồi hoàn bảo lãnh, trả phí phạt, hoàn trả nợ vay về số tiền
Bên bảo lãnh đã trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh;
- Giải quyết
tranh chấp phát sinh;
- Những thỏa
thuận khác.
2. Hợp đồng bảo
lãnh tín dụng có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nếu
các bên có liên quan thỏa thuận. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần Hợp
đồng bảo lãnh tín dụng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thực hiện các nội dung
còn lại của Hợp đồng bảo lãnh tín dụng đã ký kết.
Điều 16. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng chấm dứt trong các trường hợp
1. Nghĩa vụ bảo
lãnh đã được Bên bảo lãnh thực hiện đầy đủ và Bên được bảo lãnh đã thực hiện đầy
đủ nghĩa vụ đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
2. Nghĩa vụ bảo
lãnh chấm dứt theo quy định của pháp luật.
3. Bên được bảo
lãnh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Bên nhận bảo lãnh và Bên bảo
lãnh.
4. Thời hạn của
bảo lãnh tín dụng đã hết hiệu lực trong trường hợp Hợp đồng bảo lãnh tín dụng
có quy định về thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.
5. Bên nhận bảo
lãnh đồng ý hủy bỏ bảo lãnh theo các quy định của pháp luật.
6. Việc bảo
lãnh được thay thế bằng biện pháp bảo đảm tiền vay khác của Bên được bảo lãnh tại
Bên nhận bảo lãnh do các Bên thỏa thuận.
Điều 17.
Nhận nợ và
bồi hoàn bảo lãnh
Bên được bảo
lãnh có trách nhiệm nhận nợ bắt buộc và hoàn trả số tiền mà Bên bảo lãnh đã trả
nợ thay cho Bên được bảo lãnh. Kể từ thời điểm Bên bảo lãnh trả nợ thay cho Bên
được bảo lãnh, Bên được bảo lãnh phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo quy định của
pháp luật trên số tiền Bên bảo lãnh đã trả nợ thay.
Chương III
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
Giao cho Chủ
tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh
Kiên Giang tổ chức triển khai, thực hiện Quy chế này.
Điều 19.
Trường hợp
cần bổ sung, sửa đổi Quy chế này, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng
cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Kiên Giang trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định./.