BỘ NỘI VỤ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 01/2002/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 09 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NGÀNH NGHỀ NÔNG
THÔN VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957
quy định về quyền lập Hội,
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính
phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ
chức-Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ),
Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999
của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức-Cán
bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cho phép thành lập Hội,
Xét đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp
nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa
ngành nghề nông thôn Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I ngày
16 tháng 8 năm 2002 thông qua.
Điều 2. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông
thôn Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2,
- Lưu VT, TCPCP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Đặng Quốc Tiến
|
ĐIỀU LỆ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VIỆT
NAM.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hiêp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt
Nam (dưới đây viết tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của
các doanh nghiệp ngành nghề nông thôn Việt Nam. Nhằm hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ,
đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học, thông
tin kinh tế, thúc đẩy quan hệ hội nhập kinh tế quốc tế của các Doanh nghiệp nhỏ
và vừa ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nông nghiệp nông thôn theo đường lối của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà
nước.
Điều 2. Phương châm của Hiệp hội
2.1. Phương châm của Hiệp hội là: Đoàn kết - Hợp
tác - Phát triển.
2.2. Trụ sở của Hiệp hội đặt tại Thành phố Hà Nội
và có văn phòng đại diện ở một số địa phương trong nước và nước ngoài theo quy
định của Nhà nước Việt Nam và nước sở tại.
2.3. Hiệp hội có tư cách pháp nhân - có con dấu
riêng có tài khoản tại ngân hàng.
2.4. Tên giao dịch quốc tế: The Viet Nam
Association of Small and Medium Enterprises of Rural Industries.
Điều 3. Hiệp hội được chịu sự quản lý nhà nước Bộ Nông nghiệp và
phát triển nông thôn, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trong một số hoạt động có tác động trực tiếp mang lại quyền lợi cho nông dân.
Điều 4. Mục đích của Hiệp hội:
4.1. Tập hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn trong cả nước, phối hợp hoạt động của
các thành viên, trao đổi, cung cấp thông tin về các mặt sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ, khoa học công nghệ, thị trường, chính sách giữa các doanh nghiệp với các tổ
chức kinh tế trong và ngoài nước.
4.2. Hỗ trợ các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ,
đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh của
các doanh nghiệp ngành nghề nông thôn Việt Nam.
4.3. Là đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề
nông thôn và người làm ngành nghề nông thôn Việt Nam, là cầu nối giữa doanh
nghiệp với cơ quan Nhà nước.
4.4. Bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ
và vừa và người kinh doanh ngành nghề nông thôn.
Chương 2.
NHIỆM VỤ CỦA HIỆP HỘI
Điều 5. Nhiệm vụ của Hiệp hội
5.1. Hiệp hội tổ chức liên kết tập hợp các doanh
nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, thống nhất ý chí hành động trong việc thực hiện, các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển ngành
nghề nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông
thôn.
5.2. Bảo vệ quyền lợi và tổ chức giúp đỡ các doanh
nghiệp ngành nghề nông thôn trong khả năng các nguồn lực của Hiệp hội.
5.3. Nghiên cứu tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp
thành viên để phản ánh, đề đạt với các cơ quan Nhà nước về chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch ngành nghề nông thôn, về việc bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chủ
trương chính sách, tạo điều kiện thuận phát triển ngành nghề nông thôn.
5.4. Tổ chức giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho hội viên
trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển quan hệ hợp tác,
liên doanh, liên kết, hội vốn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công
nghệ, v.v... nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh
nghiệp hội viên.
5.5. Tư vấn cho hội viên về các biện pháp nâng cao
năng suất, chất lượng hàng hóa theo quy trình, quy cách tiêu chuẩn của cơ sở, của
Nhà nước và các đối tác nước ngoài. Tạo sự đồng đều ổn định về chất lượng hàng
hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường.
Giúp hội viên trong việc đăng ký quyền sở hữu trí
tuệ, sở hữu công nghiệp, đăng ký bao bì mẫu mã, kiểu dáng hoàn thiện công nghệ
thương phẩm.
5.6. Tham gia để giải quyết các tranh chấp giữa các
hội viên nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do tranh mua, tranh bán gây ra, bảo
đảm cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp.
5.7. Tổ chức cung cấp thông tin, phổ biến chủ
trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức và tạo điều kiện cho hội viên tham gia hội
chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước, tham quan khảo sát thị
trường quốc tế giới thiệu đối tác và các dịch vụ kỹ thuật, tư vấn đầu tư, xúc
tiến thương mại.
5.8. Tham gia với các cơ quan chức năng của Nhà nước
để tổ chức đào tạo trong và ngoài nước về kỹ thuật công nghệ, cách quản lý mới
cho các cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, và đội ngũ thợ lành nghề của hội
viên. Giúp đỡ các tài năng trẻ trong sản xuất, kinh doanh.
5.9. Mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế và nước
ngoài để tham gia một số hiệp hội quốc tế có liên quan về sản xuất kinh doanh của
Hiệp hội theo quy định của pháp luật, để tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác cho các
doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5.10. Quản lý và sử dụng các khoản hội phí theo
đúng quy định. Lập và sử dụng quỹ phát triển sản xuất kinh doanh, quỹ hỗ trợ đào
tạo nghề, quỹ hỗ trợ xuất khẩu theo quy định của Nhà nước để giúp hội viên duy
trì và phát triển sản xuất.
Chương 3.
HỘI VIÊN
Điều 6. Hội viên của Hiệp hội
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông thôn Việt
Nam sản xuất kinh doanh trong phạm vi cả nước, các cá nhân có khả năng và có
tâm huyết với Hiệp hội, các doanh nghiệp lớn muốn giúp đỡ, hỗ trợ hiệp hội. Tán
thành điều lệ, tự nguyện làm đơn được thường trực Hiệp hội xét công nhận là hội
viên của Hiệp hội.
Điều 7. Các hình thức Hội viên
7.1. Hội viên chính thức - doanh nghiệp
nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (bao gồm: doanh nghiệp, tổ sản xuất,
chủ cơ sở sản xuất, hộ sản xuất kinh doanh) thuộc các thành phần kinh tế có tư
cách pháp nhân, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện làm đơn xin vào Hiệp
hội, đóng hội phí (niên liễm) gia nhập, được thường trực Hiệp hội công nhận.
7.2. Hội viên liên kết - là những
doanh nghiệp lớn, các doanh nhân, cá nhân có khả năng, tạo điều kiện giúp đỡ và
hỗ trợ cho Hiệp hội, hoặc có nguyện vọng liên kết, tán thành Điều lệ của Hiệp hội,
tự nguyện có đơn được thường trực Hiệp hội công nhận là hội viên liên kết của
Hiệp hội.
7.3. Hội viên danh dự - là doanh
nhân, cán bộ quản lý, nhà khoa học, tán thành điều lệ được thường trực mời làm
hội viên danh dự; hoặc tự nguyện có đơn làm hội viên danh dự thì được thường trực
Hiệp hội xem xét công nhận làm hội viên danh dự.
Hội viên danh dự và hội viên liên kết không được
tham gia ứng cử, đề cử vào Ban lãnh đạo Hiệp hội và không được biểu quyết các vấn
đề của Hiệp hội.
Điều 8. Quyền lợi của Hội viên
8.1. Được tham gia các hội nghị, diễn đàn, thảo luận,
biểu quyết các vấn đề chung, ứng cử và bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội.
8.2. Được nhận các thông tin kinh tế kỹ thuật, thị
trường từ Hiệp hội; được tham gia hội thảo, tham quan, hội chợ triển lãm, tập
huấn về kỹ thuật nghiệp vụ quản lý, nâng cao tay nghề do Hiệp hội tổ chức hoặc
phối hợp tổ chức.
8.3. Được Hiệp hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính
đáng trong sản xuất kinh doanh với khách hàng trong nước và ngoài nước, được Hiệp
hội giới thiệu với các đối tác để thảo luận và ký hợp đồng xuất nhập khẩu sản
phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng liên doanh, liên kết với các đơn
vị trong nước và ngoài nước.
8.4. Được hưởng sự hỗ trợ từ nguồn tài chính của Hiệp
hội khi gặp thiên tai rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.
8.5. Được giữ quyền của mình trong quan hệ kinh tế
hoạt động đối ngoại, khi cần thiết có thể được Hiệp hội ủy quyền thay mặt hiệp
hội trong quan hệ với các tổ chức khác ngoài Hiệp hội nếu việc ủy quyền đó
không làm tổn hại đến lợi ích của Hiệp hội và các hội viên khác.
8.6. Được đề xuất ý kiến và yêu cầu Hiệp hội thay mặt
doanh nghiệp kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về các cơ chế, chính sách liên
quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích chính
đáng của hội viên.
8.7. Được khen thưởng về thành tích sản xuất kinh
doanh và những đóng góp xây dựng Hiệp hội.
8.8. Được xin ra khỏi Hiệp hội.
Điều 9. Nghĩa vụ của Hội viên
9.1. Chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, quy chế nội
quy, nghị quyết, quyết định và chương trình hoạt động của Hiệp hội do đại hội
hoặc Ban chấp hành đề ra. Tích cực tham gia các hoạt động chung theo sự phân
công của Hiệp hội.
9.2. Đóng hội phí, lệ phí và các khoản quỹ chung
bao gồm:
- Đóng lệ phí gia nhập
- Đóng hội phí hàng năm
- Góp các quỹ cho Hội theo điều lệ, quy chế, và các
nghị quyết được thể hiện bằng văn bản.
- Hội viên danh dự không phải thực hiện nghĩa vụ
này.
9.3. Có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của Hiệp hội
và toàn thể hội viên, bồi thường thiệt hại do chính mình gây ra.
9.4. Thực hiện báo cáo lên cơ quan Hiệp hội theo
quy định của Hiệp hội.
Điều 10. Tư cách hội viên bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường
hợp sau:
10.1. Hội viên bị phá sản hoặc bị giải thể
10.2. Hội viên là cá nhân mất năng lực hành vi dân
sự hoặc mất quyền công dân.
10.3. Khai trừ hội viên
Hội viên bị khai trừ khi vi phạm một trong những
trường hợp sau:
- Vi phạm nghiêm trọng điều lệ, nghị quyết quy định
của Hiệp hội.
- Hoạt động gây tổn hại đến uy tín hoặc tài chính của
Hiệp hội.
- Hội viên bị khai trừ phải được sự đồng ý của 2/3 ủy
viên ban chấp hành Hiệp hội.
Chương 4.
TỔ CHỨC HIỆP HỘI
Điều 11. Tổ chức và hoạt động của Hiệp hội theo nguyên tắc tập trung
dân chủ, quyết định theo đa số được thể hiện ở các nghị quyết ở đại hội, nghị
quyết của Ban chấp hành và sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên
trong lãnh đạo Hiệp hội. Các Quyết định, Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của
Ban chấp hành phải được 2/3 số phiếu tán thành mới có giá trị và hợp lệ.
Điều 12. Tổ chức của Hiệp hội
gồm:
- Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu của Hiệp hội.
- Ban Chấp hành, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra.
- Các cơ quan giúp việc Ban chấp hành: Văn phòng,
các ban chuyên môn, các câu lạc bộ doanh nghiệp trong Hiệp hội.
- Căn cứ yêu cầu công tác của Hiệp hội, Ban chấp
hành được thành lập các đơn vị trực thuộc: trung tâm, cơ quan ngôn luận, các tổ
chức sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ theo quy định của Pháp
luật.
Điều 13. Đại hội toàn thể hội viên hoặc đại hội đại biểu (gọi là Đại
hội) là cơ quan cao nhất của Hiệp hội.
13.1. Những nội dung chính được đưa ra đại hội thảo
luận và quyết định:
- Thông qua điều lệ tổ chức, hoạt động của Hiệp hội,
thông qua chương trình hoạt động của Hiệp hội.
- Bầu ban chấp hành và Ban kiểm tra.
- Thông qua dự toán và quyết toán tài chính của Hiệp
hội. Quyết định phương hướng kế hoạch hoạt động, tài chính của Hiệp hội.
- Xem xét và quyết định quyền lợi và nghĩa vụ của Hội
viên, các quyết định của Ban chấp hành về kết nạp và khai trừ hội viên.
- Sửa đổi bổ sung điều lệ của Hiệp hội.
13.2. - Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 5 năm một lần
- Đại hội bất thường được triệu tập khi có 2/3 hội
viên yêu cầu hoặc theo quyết định của Ban chấp hành Hiệp hội.
Điều 14. Ban chấp hành
14.1. Ban chấp hành Hiệp hội là cơ quan điều hành của
Hiệp hội giữa 2 kỳ đại hội.
14.2. Số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết
định.
Ủy viên Ban chấp hành phải là người có tâm huyết với
Hiệp hội, có trình độ và khả năng điều hành, có phẩm chất đạo đức tốt. Ủy viên
Ban chấp hành do đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu trực tiếp bầu hoặc được
Ban thường trực mời bổ sung theo quy định tại Điều 16. Nhiệm kỳ Ban chấp hành
là 5 năm.
Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn
của Ban chấp hành
15.1. Tổ chức thực hiện các nghị quyết đã được đại
hội của Hiệp hội thông qua.
15.2. Bầu Chủ tịch, các phó chủ tịch (trong đó có
phó chủ tịch kiêm tổng thư ký, bầu bổ sung ban chấp hành).
15.3. Xây dựng chương trình hoạt động của Ban chấp
hành hàng năm và cả nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện các chương trình đó.
15.4. Soạn thảo báo cáo tổng kết, dự toán và quyết
toán tài chính hàng năm, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải
pháp hàng năm.
15.5. Chuẩn bị văn kiện đại hội, triệu tập đại hội
nhiệm kỳ và bất thường.
15.6. Xét kết nạp và khai trừ hội viên của Hiệp hội
và xem xét việc bổ sung ủy viên Ban chấp hành theo đề nghị của Ban thường trực
Hiệp hội.
15.7. Thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp hội đối với
các tổ chức quốc tế mà Hiệp hội tham gia về các mặt có liên quan.
15.8. Xét khen thưởng và đề nghị cơ quan Nhà nước
khen thưởng hội viên có thành tích.
15.9. Đề xuất kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về
các chính sách có liên quan đến ngành nghề nông thôn.
Điều 16. Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và ủy viên thường
trực là Ban Thường trực của Hiệp Hội.
Ban Thường trực có trách nhiệm điều hành các công
việc thường xuyên của Hiệp hội, thực hiện những nhiệm vụ theo quy chế hoạt động
của Ban Thường trực do Ban chấp hành thông qua.
Trong thời gian chưa tổ chức đại hội nhiệm kỳ, khi
có yêu cầu, xét thấy cần thiết Ban thường trực xem xét, đề nghị Ban chấp hành
quyết định bổ sung ủy viên Ban chấp hành mới, số ủy viên bổ sung không quá 1/3
tổng số ủy viên hiện có trong thời điểm bổ sung.
Điều 17. Chủ tịch là người điều hành hoạt động của Ban chấp hành,
thay mặt ban chấp hành quan hệ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế
trong nước, ngoài nước và quốc tế.
Các Phó Chủ tịch giúp việc Chủ tịch phụ trách từng
mặt công tác do Chủ tịch phân công. Khi Chủ tịch vắng mặt ủy quyền để một Phó
Chủ tịch thay mặt Chủ tịch điều hành hoạt động của Hiệp hội.
Điều 18. Tổng thư ký là người giúp việc Ban chấp hành xử lý các công
việc hàng ngày của Thường trực Hiệp hội.
Tổng thư ký phụ trách Văn phòng Hiệp hội.
Tổng thư ký giúp Chủ tịch trong việc giao dịch với
các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước nhằm thực hiện công tác của Hiệp hội.
Điều 19. Ban Thường trực mời một số chuyên gia kinh tế, quản lý,
khoa học công nghệ làm tư vấn cho Hiệp hội. Quyền và nghĩa vụ của tư vấn theo
quy chế Hội đồng Tư vấn do Ban chấp hành thông qua.
Điều 20. Ban kiểm tra gồm 3 ủy viên được đại hội bầu với nhiệm kỳ 5
năm trong đó 1 trưởng ban là ủy viên ban chấp hành. Hoạt động của ban kiểm tra
thực hiện theo quy chế của Ban kiểm tra được Ban chấp hành thông qua.
Chương 5.
TÀI CHÍNH CỦA HIỆP HỘI
Điều 21. Tài chính của Hiệp hội
bao gồm các nguồn thu:
- Lệ phí gia nhập và hội phí do hội viên đóng
- Thu do hoạt động dịch vụ tạo ra
- Nguồn thu do hiệu quả của các tổ chức sản xuất
kinh doanh của Hiệp hội.
- Các nguồn tài trợ.
- Nguồn thu từ quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh của
Hiệp hội.
- Các nguồn thu khác.
Điều 22. Chế độ sử dụng tài chính của Hiệp hội thực hiện theo quy chế
do Ban chấp hành thông qua trên cơ sở các quy định của luật pháp Nhà nước.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT -
VÀ GIẢI THỂ
Điều 23. Khen thưởng
23.1. Thành viên, hội viên Hiệp hội, Ủy viên Ban chấp
hành, cán bộ nhân viên thuộc các ban chuyên môn có thành tích xuất sắc trong việc
chấp hành điều lệ, quy chế, nghị quyết, quyết định, của Hiệp hội đem lại hiệu
quả cho Hiệp hội thì được khen thưởng.
23.2. Hình thức và mức khen thưởng theo quy chế của
Hiệp hội:
Điều 24. Kỷ luật
24.1. Hội viên, Ủy viên Ban chấp hành, cán bộ nhân
viên các ban chuyên môn nếu làm trái điều lệ, quy chế, nghị quyết, quyết định của
Hiệp hội gây thiệt hại đến uy tín, kinh tế của Hiệp hội, hoặc của hội viên khác
thì tùy theo mức độ vi phạm mà chịu hình thức kỷ luật khác nhau.
24.2. Ban Thường trực Hiệp hội được quyền xử lý kỷ
luật cán bộ giúp việc và thông báo cho hội viên biết.
24.3. Ban chấp hành xem xét xử lý kỷ luật đối với Ủy
viên Ban chấp hành và các thành viên Hiệp hội để đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền xem xét quyết định.
Điều 25. Giải thể
25.1. Tự giải thể khi Hiệp hội hoạt động không có
hiệu quả có 2/3 số đại biểu hội viên tại đại hội kiến nghị bằng nghị quyết thì
Hiệp hội phải làm các thủ tục xin phép Bộ Nội vụ quyết định giải thể. Việc tự
giải thể phải làm đầy đủ các thủ tục và trình tự theo quy định của Pháp luật.
25.2. Cơ quan Nhà nước cho phép thành lập Hiệp hội
nếu thấy hoạt động của Hiệp hội vi phạm pháp luật thì có thể xem xét quyết định
giải thể Hiệp hội.
Chương 7.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Mọi sửa đổi bổ sung điều lệ này phải được Đại hội toàn thể
hoặc đại hội đại biểu của Hiệp hội thông qua.
Điều 27. Bản điều lệ này có 7 chương 27 điều đã được Đại hội toàn thể
hội viên thông qua ngày 16 tháng 8 năm 2002 và có hiệu lực khi được Bộ Nội vụ
phê duyệt.
Ban chấp hành Hiệp hội có trách nhiệm cụ thể hóa điều
lệ và hướng dẫn việc thực hiện điều lệ này.