BAN BÍ THƯ
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 100-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 4
tháng 6 năm 2004
|
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ TRONG CÔNG
TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN, CÔNG TY CỔ PHẦN, CÔNG TY HỢP DANH VÀ DOANH NGHIỆP TƯ
NHÂN (GỌI CHUNG LÀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN)
- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương
và Bộ Chính trị (khoá IX);
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp,
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng
bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân như sau:
I. Chức năng
Điều l. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân
chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động chủ
doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp
hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo
vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, chủ doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ
đối với Nhà nước.
II. Nhiệm vụ
Điều 2. Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
1. Lãnh đạo đảng viên, người lao động trong
doanh nghiệp và tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng
quản trị và ban giám đốc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, hợp đồng và các thoả ước lao động đã ký kết. Đoàn kết,
động viên đảng viên và các thành viên trong doanh nghiệp phấn đấu vì mục tiêu
chung là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
chủ động ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện vi phạm pháp luật trong sản xuất
kinh doanh, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, chủ doanh nghiệp, quyền lợi
hợp pháp và nhân phẩm của người lao động.
2. Lãnh đạo đảng viên, người lao động tích cực học
tập, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức khoa học,
công nghệ, ngoại ngữ, ý thức tôn trọng pháp luật và tinh thần lao động có kỷ
cương, kỷ luật.
3. Lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên
truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các mặt công tác xã
hội trong doanh nghiệp và ở địa phương.
4. Đề xuất, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền những
vấn đề cần thiết liên quan đến doanh nghiệp.
Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng.
l. Tuyên truyền, giáo dục đảng viên, người lao động
và các thành viên trong doanh nghiệp hiểu rõ và tự giác chấp hành đúng đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của
doanh nghiệp; phát huy truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân
vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; động viên
người lao động tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về chuyên môn,
nghiệp vụ; xây dựng tinh thần đoàn kết, hợp tác tương trợ giữa các thành viên
trong doanh nghiệp, từng bước nâng cao giác ngộ giai cấp, lý tưởng xã hội chủ
nghĩa của người lao động.
2. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục và bằng
hoạt động có hiệu quả của tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, làm cho đảng
viên, quần chúng trong doanh nghiệp nắm vững chủ trương của Đảng, Nhà nước ta
là: tạo điều kiện và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển; kinh tế tư nhân
bình đẳng với các thành phần kinh tế khác và là một bộ phận cấu thành quan trọng
của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu
dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều 4. Lãnh đạo các đoàn thể quần chúng.
1. Lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể quần chúng khác trong doanh
nghiệp vững mạnh, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước và điều lệ của mỗi đoàn
thể; tham gia ý kiến với chủ doanh nghiệp, giám đốc trong việc chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần của người lao động; giáo dục, động viên đoàn viên đẩy mạnh
phong trào thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
2. Lãnh đạo ban chấp hành công đoàn kịp thời
trao đổi với chủ doanh nghiệp, giám đốc để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa
người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với pháp luật hiện hành; ngăn
ngừa và khắc phục có hiệu quả các biểu hiện chia rẽ, phân hoá trong cộng đồng
người lao động; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý đúng đắn
các vụ tranh chấp trong doanh nghiệp.
Điều 5. Công tác tổ chức, cán bộ.
1. Xây dựng cấp ủy và đội ngũ cán bộ đảng, đoàn
thể có đủ phẩm chất, năng lực và hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần
chúng tín nhiệm.
2. Chủ động đề xuất với cấp ủy cấp trên xây dựng
và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
3. Chủ động tham gia ý kiến với chủ doanh nghiệp,
giám đốc trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật,
nhân viên nghiệp vụ trong doanh nghiệp.
Điều 6. Xây dựng tổ chức đảng.
1. Cấp ủy đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng
chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh
doanh và sự phát triển của doanh nghiệp.
2. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ,
chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là
sinh hoạt chi bộ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; thực hiện đúng
các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; chống những biểu hiện tiêu cực làm ảnh
hưởng đến thanh danh của Đảng và đạo đức tư cách của người đảng viên.
3. Giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiền
phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người lao động giỏi; tích cực học tập,
nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công
dân nơi cư trú.
4. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền và
phát triển đảng viên, bảo đảm về tiêu chuẩn và quy trình; chú trọng phát triển
đảng viên trẻ, thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp và những cán bộ,
đoàn viên công đoàn ưu tú, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Xây dựng cấp ủy có năng lực, hoạt động hiệu
quả. Định kỳ hằng năm, cấp ủy tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo
của tổ chức đảng, trách nhiệm và vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
III. Quan hệ của đảng bộ, chi
bộ với chủ doanh nghiệp, giám đốc và các tổ chức có liên quan
Điều 7. Đối với chủ doanh nghiệp, giám đốc.
1. Cấp uỷ, chi bộ xây dựng và thực hiện mối quan
hệ hợp tác với chủ doanh nghiệp, giám đốc để thực hiện các mặt công tác, tạo ra
sự đồng thuận vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
2. Hàng quý, cấp ủy chủ động trao đổi với chủ
doanh nghiệp, giám đốc ý kiến của đảng viên và người lao động về tình hình sản
xuất kinh doanh, việc thực hiện các thoả ước, hợp đồng lao động, các chính
sách, chế độ trong doanh nghiệp, tâm tư nguyện vọng của người lao động và bàn
biện pháp phối hợp giải quyết.
Điều 8. Đối với các đoàn thể quần chúng.
Định kỳ hàng quý hoặc khi có yêu cầu, cấp ủy làm
việc với các đoàn thể, nắm tình hình hoạt động của từng đoàn thể để có chủ
trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Điều 9. Đối với các tổ chức có liên quan.
Đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp chịu sự lãnh đạo,
hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên trực tiếp (hoặc tổ chức đảng được cấp ủy
đó ủy quyền) về mọi mặt; xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý cấp trên, với
cấp ủy, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng và nơi có đảng viên cư trú
để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.
IV. Điều khoản thi hành
Điều 10. Tổ chức thực hiện.
1. Các tỉnh, thành ủy, các cấp ủy cấp trên trực
tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm chỉ đạo, hướng
dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn
của cấp ủy cấp trên, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân xây dựng
quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành.
Quy định này thay thế Quy định số 06-QĐ/TW, ngày
26-11-1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII), có hiệu lực thi hành từ ngày ký và phổ
biến đến chi bộ để thực hiện.