HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 99/NQ-HĐND
|
Bình Định, ngày
06 tháng 12 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
KẾT
QUẢ GIÁM SÁT “CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHẤP HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO
ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2021 ĐẾN
NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2023”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Thực hiện Nghị quyết số
30/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát
của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023; Xét Báo cáo số 72/BC-VHXH ngày 02 tháng 12
năm 2023 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh về Công tác quản lý và
chấp hành một số quy định của Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất nội
dung Báo cáo số 72/BC-VHXH ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Ban Văn hóa - Xã hội
Hội đồng nhân dân tỉnh về Kết quả giám sát “Công tác quản lý và chấp hành một
số quy định của Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngày
01 tháng 01 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023”.
Điều 2. Hội đồng nhân
dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Kiến nghị với Chính
phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2019; trong
đó hướng dẫn cụ thể về thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao
động theo Điều 172, Điều 174.
2. Kiến nghị Chính phủ
xem xét ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý thống nhất trong xử lý hành
vi doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội như: quyền khởi kiện doanh nghiệp;
xác định hành vi doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội trong các quy định pháp
luật liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
3. Triển khai, cụ thể
hóa hiệu quả Chương trình Hành động số 07-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của
Tỉnh ủy, trong đó tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ
thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu người sử dụng
lao động, ngành nghề tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu mới của thị
trường lao động và chuyển đổi số. Nghiên cứu ban hành Quy định chính sách hỗ
trợ người lao động và người sử dụng lao động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
nghề trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nghề.
4. Chỉ đạo các ngành
liên quan có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi doanh
nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài, trong đó có quyền khiếu nại của người lao
động; quyền khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định để
bảo vệ quyền lợi cho người lao động; đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra tình
hình hoạt động của doanh nghiệp có nợ Bảo hiểm xã hội lớn, kéo dài để có cơ sở
xử lý theo quy định.
5. Quan tâm đầu tư xây
dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần
liên kết dữ liệu quản lý giữa các ngành, các cấp địa phương.
6. Chỉ đạo đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong chấp hành Bộ luật
lao động, nhất là ký kết hợp đồng lao động; Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo
hiểm thất nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động…; đồng thời nâng cao ý thức của
người lao động trong thực hiện các nội quy, kỷ luật lao động, nội dung thỏa
thuận, thỏa ước lao động…, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến
bộ; từng bước chuyển số lao động phi chính thức sang lao động chính thức nhằm
thực hiện tốt quản lý lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
7. Chỉ đạo Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
- Thực hiện đồng bộ các giải
pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung
rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực lao động; nhu cầu đào tạo lao động
của doanh nghiệp; nhu cầu lao động các ngành nghề tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư,
nhất là lao động kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp và kiện
toàn mạng lưới cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn tỉnh… Nghiên cứu đề xuất
ban hành cơ chế, chính sách tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục
dạy nghề với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nghề nhằm nâng cao chất
lượng, đảm bảo số lượng và tăng năng suất lao động.
- Tập trung công tác thanh tra,
kiểm tra và thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
chính sách, pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó tăng cường thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành quy định về ký kết hợp đồng lao động; an toàn, vệ sinh
lao động; các chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất
nghiệp và chế độ tiền công, tiền lương theo quy định.
- Nâng cao chất lượng công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động;
tăng cường phối hợp với các ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động
tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, các ngành liên quan và các địa phương tổ
chức các Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động để tuyên
truyền, nâng cao ý thức chấp hành Bộ luật lao động, đồng thời đảm bảo quyền và
lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định.
8. Chỉ đạo Ban Quản lý
Khu kinh tế tỉnh
- Thực hiện tốt chức năng quản
lý nhà nước về lao động tại các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế trên địa bàn tỉnh,
tích cực phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá hiện
trạng lao động và nhu cầu đào tạo, đào tạo lại cho công nhân, lao động trong
doanh nghiệp; phối hợp tốt với các sở, ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành các quy định của Bộ luật lao động, qua đó kịp thời chấn
chỉnh, nhắc nhở, xử lý, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật.
- Phối hợp cùng với Liên đoàn
Lao động tỉnh tuyên truyền vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn
đại diện cho người lao động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao
động. Kịp thời tham mưu, phối hợp xử lý các doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội
kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
9. Chỉ đạo Bảo hiểm Xã
hội tỉnh
- Thực hiện tốt công tác phối
hợp với các sở, ngành liên quan trong bảo đảm các chính sách liên quan cho
người lao động. Chủ động phối hợp, đề xuất các giải pháp nâng tỷ lệ lao động
tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc trong khối doanh nghiệp theo quy định; đồng
thời kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình
chây ỳ nợ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp
luật.
- Tăng cường phối hợp tuyên
truyền cho người lao động về chính sách Bảo hiểm Xã hội để người lao động nắm
rõ chính sách, hạn chế tình trạng rút Bảo hiểm Xã hội một lần ảnh hưởng quyền
lợi người lao động và an sinh xã hội lâu dài.
10. Chỉ đạo Liên đoàn
Lao động tỉnh
Tăng cường trách nhiệm của tổ
chức công đoàn trong việc xây dựng phát triển doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thông qua hoạt động kiểm tra
việc chấp hành các quy định của doanh nghiệp về an toàn vệ sinh lao động, phòng
chống cháy nổ, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, các quy định của Bộ Luật Lao
động về thành lập tổ chức đại diện người lao động; nâng cao chất lượng hoạt
động và thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.
11. Chỉ đạo UBND cấp
huyện
- Chỉ đạo các phòng, ban liên
quan phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động ở địa phương,
trong đó có việc cung cấp thông tin, báo cáo số lượng lao động tại các doanh nghiệp.
Quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của Bộ
luật lao động về ký kết hợp đồng lao động; an toàn, vệ sinh lao động; các chính
sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tiền
công, tiền lương theo quy định; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý
những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về lao động.
- Rà soát nhu cầu đào tạo, nhu
cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho
lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Tích
cực thực hiện hiệu quả phối hợp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục dạy nghề với
doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng và tăng năng suất lao
động cho doanh nghiệp.
Điều 3. Ủy ban nhân dân
tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của
Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 4. Thường trực Hội
đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XIII Kỳ họp thứ 14 thông qua và có hiệu lực từ
ngày 06 tháng 12 năm 2023./.