HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 66-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 3 năm 1992
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 66-HĐBT NGÀY 2-3-1992 VỀ CÁ
NHÂN VÀ NHÓM KINH DOANH CÓ VỐN THẤP HƠN VỐN PHÁP ĐỊNH QUY ĐỊNH TRONG NGHỊ ĐỊNH
SỐ: 221-HĐBT NGÀY 23 THÁNG 07 NĂM 1991
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để thực hiện đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích việc đầu
tư kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người
kinh doanh; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh
doanh,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
- Nghị định này áp dụng đối với các cá nhân và
nhóm kinh doanh (sau đây gọi là người kinh doanh), có vốn thấp hơn vốn pháp định
được quy định tại Nghị định số 221-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991.
Điều 2. -
Nghị định này không áp dụng đối với:
1. Các hộ chuyên sản xuất nông -
lâm - ngư - diêm nghiệp có tính chất tự sản, tự tiêu.
2. Những người bán hàng rong,
quà vặt và làm nghề dịch vụ có thu nhập thấp và những hộ làm kinh tế gia đình
theo Nghị định số 29-HĐBT ngày 09 tháng 3 năm 1988.
Điều 3. -
Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có vốn, có sức khoẻ, có kỹ
thuật, chuyên môn, có địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành nghề và mặt hàng
kinh doanh, không bị pháp luật cấm kinh doanh đều được kinh doanh theo Nghị định
này.
Điều 4.
- Kinh doanh nói đây là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn
của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ
trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Điều 5.
1. Người
kinh doanh không được kinh doanh các ngành, nghề, lĩnh vực, mặt hàng mà pháp luật
cấm kinh doanh.
2. Người
kinh doanh trong các ngành nghề có các điều kiện dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ môi
trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc những ngành nghề đòi hỏi phải có
trình độ chuyên môn, kỹ thuật nhất định còn phải tuân theo các quy định của các
Bộ quản lý chuyên ngành.
Chương 2:
XIN PHÉP KINH DOANH VÀ CẤP
GIẤY PHÉP KINH DOANH
Điều 6. -
Người kinh doanh phải có đơn xin phép kinh doanh để được
xét cấp giấy phép kinh doanh. Chỉ sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, người
kinh doanh mới được phép kinh doanh.
Điều 7. -
Uỷ ban Nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh (dưới đây gọi là huyện) là cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép
kinh doanh cho những người kinh doanh trên địa bàn huyện quản lý.
Ở các vùng rẻo cao, hải đảo xa
cơ quan huyện nếu được Uỷ ban Nhân dân tỉnh đồng ý, Uỷ ban Nhân dân huyện có thể
uỷ quyền cho Uỷ ban Nhân dân một số xã xét cấp giấy phép kinh doanh.
Điều 8.
- Người kinh doanh phải có đơn xin phép kinh doanh (theo mẫu quy định) gửi
đến Uỷ ban Nhân dân huyện nơi kinh doanh.
1. Đơn phải có đủ các nội dung
sau đây:
- Họ và tên người xin kinh
doanh, nam hay nữ.
- Năm sinh.
- Địa chỉ thường trú.
- Tên bảng hiệu, tên cơ sở kinh
doanh (nếu có).
- Ngành, nghề, mặt hàng, hình thức
kinh doanh.
- Địa điểm kinh doanh.
- Vốn kinh doanh (vốn lưu động,
vốn cố định).
- Tổng số lao động tham gia kinh
doanh (lao động gia đình, lao động thuê mướn ngoài hộ gia đình).
- Thời hạn xin phép kinh doanh.
- Cam kết về các nội dung kê
khai trong đơn.
- Xác nhận của Uỷ ban Nhân dân
phường, xã nơi người kinh doanh có hộ khẩu thường trú.
2. Chứng chỉ
hành nghề đối với những ngành nghề phải theo quy định của Bộ quản lý chuyên
ngành (điểm 2, Điều 5 Nghị định này).
3. Đối với nhóm kinh doanh,
ngoài đơn xin phép kinh doanh, phải gửi kèm theo bản thoả thuận giữa các cá
nhân tham gia kinh doanh. Ghi rõ các nội dung thoả thuận, họ, tên, tuổi, địa chỉ
thường trú, chữ ký của từng người tham gia và người đại diện cho nhóm kinh
doanh.
Điều 9.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ xin phép kinh doanh,
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định cấp hay không cấp giấy phép kinh
doanh cho người xin phép.
Trường hợp chấp nhận thì cấp giấy
phép kinh doanh theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định và ghi tên người
kinh doanh vào sổ cấp giấy phép kinh doanh.
Trường hợp từ chối thì thông báo
bằng văn bản cho người xin phép kinh doanh và nói rõ lý do từ chối. Uỷ ban Nhân
dân tỉnh có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại có liên quan đến việc xin phép
kinh doanh.
Điều 10.
- Người kinh doanh phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 11.
- Người kinh doanh phải niêm yết biển hiệu, bảng hiệu của cơ sở mình tại
nơi được phép kinh doanh. Biển hiệu, bảng hiệu phải ghi rõ họ tên cơ sở kinh
doanh, người kinh doanh, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh được cấp.
Chương 3:
THAY ĐỔI NỘI DUNG, TẠM
NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Điều 12.
- Khi thay đổi nội dung kinh doanh đã ghi trong giấy phép kinh doanh, người
kinh doanh phải có đơn xin thay đổi gửi cơ quan đã cấp giấy phép kinh doanh. Chỉ
sau khi được phép thay đổi mới được kinh doanh theo nội dung mới.
Nếu chuyển địa điểm kinh doanh
sang địa bàn thuộc huyện khác thì người kinh doanh phải khai báo và nộp lại giấy
phép kinh doanh cho cơ quan đã cấp giấy phép, và làm thủ tục xin phép kinh
doanh tại nơi chuyển đến.
Điều 13. -
Nếu tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, người kinh doanh phải khai báo với
cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh và nói rõ lý do và thời hạn tạm
ngừng kinh doanh. Cơ quan này cấp giấy xác nhận và làm căn cứ để người kinh
doanh được miễn thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh. Nếu người kinh doanh
tự ý ngừng kinh doanh hoặc ngừng quá thời hạn đã khai báo thì coi như tự chấm dứt
hoạt động kinh doanh, và bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Điều 14. -
Người kinh doanh muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh trước thời hạn phải có đơn
khai báo với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh trước 30 ngày. Cơ
quan này thu hồi giấy phép kinh doanh và cấp giấy xác nhận ngừng kinh doanh. Chỉ
sau khi được cấp giấy xác nhận ngừng kinh doanh, người kinh doanh mới không phải
thực hiện các nghĩa vụ của người kinh doanh.
Điều 15.
- Giấy phép kinh doanh hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
1. Kết thúc thời hạn kinh doanh
ghi trong giấy phép.
2. Thay đổi về tên người được
phép kinh doanh hoặc thay đổi địa điểm, địa bàn kinh doanh nói ở Điều 12 Nghị định
này.
3. Chấm dứt hoạt động kinh doanh
trước thời hạn hoặc tự ý ngừng hoạt động kinh doanh mà không làm thủ tục nói ở
Điều 13 và 14 Nghị định này.
4. Vi phạm pháp luật, bị cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh.
5. Người kinh doanh không còn bảo
đảm đủ điều kiện kinh doanh những ngành, nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện
như quy định của các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân địa phương.
6. Người kinh doanh bị chết mà
không có người thừa kế hoạt động kinh doanh. Nếu có người thừa kế tiếp tục kinh
doanh thì sau 30 ngày kể từ khi người kinh doanh chết, người thừa kế phải nộp lại
giấy phép kinh doanh và làm lại thủ tục xin phép kinh doanh.
Chương 4:
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA
NGƯỜI KINH DOANH
Điều 16.
- Người kinh doanh có quyền:
1. Lựa chọn
ngành, nghề, mặt hàng, hình thức kinh doanh phù hợp với khả năng và điều kiện
kinh doanh theo pháp luật.
2. Được Nhà nước bảo hộ hoạt động
kinh doanh hợp pháp.
3. Sử dụng phần thu nhập hợp
pháp từ hoạt động kinh doanh.
4. Thuê mướn lao động theo yêu cầu
kinh doanh.
Điều 17.
- Người kinh doanh có nghĩa vụ:
1. Phải xin phép kinh doanh và
khai báo đúng sự thật theo quy định của Nghị định này.
2. Kinh
doanh theo đúng nội dung được phép.
3. Niêm yết bản chính giấy phép
kinh doanh tại nơi kinh doanh; không được cho thuê, cho mượn, mua bán, tự sửa
chữa giấy phép kinh doanh.
4. Ghi chép sổ sách, kế toán và
sử dụng chứng từ hoá đơn mua, bán hàng hoá hoặc dịch vụ theo quy định của Nhà
nước.
5. Đăng ký và nộp thuế theo đúng
các Luật thuế hiện hành.
6. Tuân thủ các quy định của Nhà
nước về thuê mướn sử dụng lao động, về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá
đăng ký, vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường, di tích lịch sử văn hoá, danh
lam thắng cảnh và trật tự an toàn xã hội.
Chương 5:
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18.
- Người kinh doanh chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền. Người kinh doanh có trách nhiệm báo cáo tình hình kinh doanh và xuất
trình các giấy tờ, chứng từ liên quan đến hoạt động kinh doanh với cơ quan có
thẩm quyền.
Điều 19.
- Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh phải
theo đúng chức năng, quyền hạn đã được pháp luật quy định. Nghiêm cấm việc kiểm
tra, xử lý không đúng chức năng, quyền hạn, gây cản trở, phiền hà cho người
kinh doanh hoặc gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Khi thu hồi giấy phép kinh
doanh, cơ quan có thẩm quyền thu hồi phải thông báo ngay bằng văn bản kèm theo
giấy phép thu hồi gửi cho cơ quan đã cấp giấy phép kinh doanh để biết và xoá
tên trong sổ cấp giấy phép kinh doanh.
Điều 20.
- Người kinh doanh vi phạm pháp luật Nhà nước và những quy định trong Nghị
định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt bằng
biện pháp hành chính hoặc truy tố theo pháp luật.
Điều 21.
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc cấp giấy phép kinh doanh
hoặc trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý đối với người kinh doanh, đã có hành
vi trái pháp luật hoặc không theo đúng những quy định trong Nghị định này thì
tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bồi thường thiệt
hại hoặc truy tố theo pháp luật.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22.
- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 27-HĐBT ngày
09 tháng 3 năm 1988, Điều 1 Nghị định số 146-HĐBT ngày 24 tháng 9 năm 1988 của
Hội đồng Bộ trưởng và những quy định khác trước đây trái với Nghị định này.
Điều 23.
- Người kinh doanh đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh trước ngày ban hành
Nghị định này phải làm lại thủ tục xin phép kinh doanh theo các quy định của
Nghị định này.
Hết ngày 30 tháng 6 năm 1992 người
kinh doanh không nộp đơn xin đăng ký lại, mà vẫn tiếp tục kinh doanh thì xem
như kinh doanh bất hợp pháp. Người kinh doanh không bảo đảm các điều kiện đã
quy định thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện yêu cầu người kinh doanh phải tổ chức
lại hoặc tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi bảo đảm đủ điều kiện đã quy định hoặc
thu hồi giấy phép kinh doanh.
Điều 24.
- Căn cứ Nghị định này, Bộ trưởng các Bộ quản lý
ngành và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm rà soát lại các quy định đã ban hành trước đây để sửa đổi, bổ sung,
ban hành mới, hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện trong ngành
và địa phương.