Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 47-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 17/07/1995 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 47-CP NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 1995 PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;
Căn cứ Luật doanh nghiệp Nhà nước ngày 20-4-1995;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty lương thực miền Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty lương thực miền Nam kèm theo Nghị định này.

Điều 2.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm bàn với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Tây Ninh để lập danh sách bổ sung thành viên Tổng công ty lương thực miền Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chậm nhất vào cuối tháng 10 năm 1995.

Tổng công ty lương thực miền Nam có trách nhiệm bàn với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Tây Ninh để phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung cấp lương thực và bình ổn giá cả lương thực trên địa bàn trong thời gian các Công ty lương thực ở các tỉnh, thành phố này chưa tham gia Tổng công ty.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan căn cứ Điều lệ này để hướng dẫn thực hiện.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM
(Được phê chuẩn tại Nghị định số 47-CP ngày 17-7-1995 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổng công ty lương thực miền Nam là Tổng công ty Nhà nước có các đơn vị thành viên từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào; gồm những doanh nghiệp hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đơn vị sự nghiệp có quan hệ mật thiết về lợi ích kinh tế, tài chính, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị, xuất nhập khẩu hoạt động trong ngành lương thực; do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, phân công chuyên môn hoá khả năng và hiệu quả kinh doanh của các đơn vị thành viên và của toàn Tổng công ty, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Điều 2. Tổng công ty lương thực miền Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty) có nhiệm vụ kinh doanh lương thực, tiêu thụ hết lương thực hàng hoá của nông dân, cân đối điều hoà lương thực trong vùng nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, góp phần bình ổn giá cả lương thực trong cả nước; bao gồm xây dựng kế hoạch phát triển, đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư, tổ chức thu mua, bảo quản, chế biến, dự trữ lưu thông, tiếp thị, vận chuyển, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư thiết bị chuyên dùng, hợp tác, liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài; tổ chức vùng lương thực chuyên canh trọng điểm, đào tạo công nhân, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần hiện dại hoá nền sản xuất lương thực trong vùng; và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Điều 3.

Tổng công ty có:

1- Tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

2- Điều lệ tổ chức và hoạt động, bộ máy quản lý và điều hành;

3- Vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ trong phạm vi số vốn do Tổng công ty quản lý;

4- Con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng trong nước và nước ngoài;

5- Bảng cân đối tài sản riêng, các quỹ tập trung theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 4.

Tổng công ty có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATON, viết tắt là VINAFOOD II.

Trụ sở chính của Tổng công ty đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 5. Tổng công ty chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời chịu sự quản lý của các cơ quan này với tư cách là cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước và các quy định khách của pháp luật.

Điều 6. Tổng công ty được quản lý bởi Hội đồng quản trị và được điều hành bởi Tổng giám đốc.

Điều 7.

Tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam trong Tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Tổng công ty hoạt dộng theo hiến pháp và pháp luật.

Chương 2:

QUYỀN VÀ GHĨA VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY

MỤC 1: QUYỀN CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 8.

1- Tổng công ty có quyền quản lý, sử dụng vốn, đất đai và các nguồn lực khác của Nhà nước giao theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

2- Tổng công ty có quyền phân giao lại cho các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng các nguồn lực mà Tổng công ty đã nhận của Nhà nước; điều chỉnh những nguồn lực đã phân giao cho các đơn vị thành viên trong trường hợp cần thiết, phù hợp với kế hoạch phát triển chung của toàn Tổng công ty.

3- Tổng công ty có quyền đầu tư, liên doanh liên kết, góp vốn cổ phần, mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

4- Tổng công ty có quyền chuyển nhượng, thay thế, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của Tổng công ty, trừ những thiết bị và nhà xưởng quan trọng theo quy định của Chính phủ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; đối với đất đai thuộc quyền quản lý và sử dụng của Tổng công ty thì thực thực hiện theo pháp luật về đất đai.

Điều 9.

Tổng công ty có quyền tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh như sau:

1- Tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức kinh doanh phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao;

2- Đổi mới công nghệ, trang thiết bị;

3- Đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của Tổng công ty ở trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

4- Kinh doanh những ngành nghề phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng của Tổng công ty và nhu cầu của thị trường; kinh doanh những ngành nghề khác nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bổ sung;

5- Được tham gia xây dựng kế hoạch, hạn mức xuất nhập khẩu lương thực của Nhà nước và là khâu trung tâm thực hiện kế hoạch, hạn mức đó. Được tham gia thực hiện kế hoạch xuất khẩu lương thực để trả nợ nước ngoài. Là lực lượng nòng cốt, phối hợp với các địa phương bảo đảm trật tự trong thu mua, tiêu thụ, xuất nhập khẩu lương thực trong vùng. Được ưu tiên tham gia thực hiện việc mua vào và bán đổi hạt lương thực dữ trữ quốc gia thông qua hợp đồng ký kết hàng năm với Cục dự trữ quốc gia theo kế hoạch, cơ chế và khung giá của Nhà nước;

6- Lựa chọn thị trường và thống nhất phân công thị trường giữa các đơn vị thành viên; được xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Nhà nước;

7- Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ chủ yếu, thống nhất giá xuất khẩu tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa, trừ những sản phẩm và dịch vụ do Nhà nước định giá;

8- Xây dựng và áp dụng các định mức lao động, đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm trong khuôn khổ các định mức, đơn giá của Nhà nước;

9- Phân cấp việc tuyển chọn, thuê mướn, bố trí sử dụng, đào tạo lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng và thực hiện các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và các quy định khác của pháp luật; quyết định mức lương, thưởng cho người lao động trên cơ sở các đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm, chi phí dịch vụ và hiệu quả hoạt động của Tổng công ty;

10- Mời và tiếp đối tác kinh doanh nước ngoài đến làm việc với Tổng công ty ở Việt Nam; quyết định cử dại diện Tổng công ty ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan khảo sát; đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Các thành viên khác của Hội đồng quản trị ra nước ngoài do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định. Phó tổng giám đốc, các chức danh khác trong bộ máy giúp việc và các Giám đốc, Phó giám đốc, cán bộ các đơn vị thành viên Tổng công ty ra nước ngoài do Tổng giám đốc quyết định.

Điều 10.

Tổng công ty có quyền quản lý tài chính như sau:

1- Được sử dụng vốn và các quỹ của Tổng công ty để phục vụ kịp thời các nhu cầu kinh doanh theo nguyên tắc bảo toàn, có hiệu quả. Trường hợp cần sử dụng các nguồn vốn, quỹ khác trái mục đích sử dụng thì phải theo nguyên tắc có hoàn trả;

2- Tự huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu; được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật; được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản thuộc quyền quản lý của Tổng công ty tại các Ngân hàng Việt Nam để vay vốn kinh doanh theo quy định của pháp luật;

3- Được thành lập, quản lý và sử dụng các quỹ tập trung, quỹ khấu hao cơ bản; tỷ lệ trích, chế độ quản lý và sử dụng các quỹ này theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và được quy định trong Quy chế Tài chính Tổng công ty;

4- Được sử dụng phần lợi nhuận còn lại sau khi đã làm đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác theo quy định để chia cho người lao động theo cống hiến của mỗi người vào kết quả kinh doanh trong năm và theo cổ phẩn;

5- Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, hoạt động công ích hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Tổng công ty;

6- Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư hoặc tái đầu tư theo quy định của Nhà nước.

Điều 11.

Tổng công ty có quyền từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.

MỤC 2: NGHĨA VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 12.

1- Tổng công ty có nghĩa vụ nhận và sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước giao, bao gồm cả phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác; nhận, sử dụng có hiệu quả đất đai và các nguồn lực khác Nhà nước giao để thực hiện mục tiêu kinh doanh và những nhiệm vụ khác được Nhà nước giao.

2- Tổng công ty có nghĩa vụ thực hiện:

a) Các khoản nợ phải thu, phải trả ghi trong bảng cân đối tài sản của Tổng công ty tại thời điểm thành lập Tổng công ty;

b) Trả các khoản tín dụng quốc tế mà Tổng công ty sử dụng theo quyết định của Chính phủ;

c) Trả các khoản tín dụng do Tổng công ty trực tiếp vay hoặc các khoản tín dụng đã được Tổng công ty bảo lãnh cho các đơn vị thành viên vay theo hợp đồng bảo lãnh, nếu các đơn vị này không có khả năng trả.

Điều 13.

Tổng công ty có nghĩa vụ quản lý hoạt động kinh doanh như sau:

1- Đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký; chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động của Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm và dịch vụ do Tổng công ty thực hiện;

2- Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm và các phương án thu mua, tiêu thụ, xuất nhập khẩu lương thực trên địa bàn phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao và nhu cầu của thị trường;

3- Ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký với các đối tác;

4- Tổ chức thu mua, bảo quản, chế biến, dự trữ lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hết lương thực hàng hoá của nông dân, cung cấp lương thực an toàn và ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực trong nước, tham gia bình ổn giá lương thực trên thị trường nội địa theo quy định của Nhà nước đối với Tổng công ty. Thực hiện việc giao lương thực cho Tổng công ty lương thực miền Bắc đúng thời gian, số lượng và chất lượng theo kế hoạch điều động của Nhà nước. Các đơn vị hoạt động trong ngành lương thực từ Thừa Thiên - Huế trở ra vào miền Nam mua lương thực phải được Tổng công ty hướng dẫn và thoả thuận về khu vực, khối lượng và giá cả thu mua;

5- Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thực quản lý; thu nhập từ chuyển nhượng tài sản phải được sử dụng để tái đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ của Tổng công ty;

6- Thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động, bảo đảm cho người lao động tham gia quản lý Tổng công ty;

7- Thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh quốc gia;

8- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định của Nhà nước và báo cáo bất thường theo yêu cầu của đại diện chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo;

9- Chịu sự kiểm tra của đại diện chủ sở hữu; tuân thủ các quy định về thanh tra của cơ quan Tài chính và của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 14.

1- Tổng công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng chế độ và các quy định về quản lý vốn, tài sản, các quỹ, về kế toán, hạch toán, chế độ kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các hoạt động tài chính của Tổng công ty.

2- Tổng công ty có nghĩa vụ công bố công khai báo cáo tài chính hàng năm, các thông tin để đánh giá đúng đắn và khách quan về hoạt động của Tổng công ty theo quy định của Chính phủ.

3- Tổng công ty thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản do Tổng công ty điều động giữa các đơn vị thành viên theo hình thức ghi tăng, ghi giảm vốn thì không phải nộp thuế trước bạ. Thóc gạo luân chuyển nội bộ giữa các đơn vị thành viên Tổng công ty để tiếp tục chế biến hoặc theo kế hoạch điều động hàng năm của Tổng công ty để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu lương thực trên địa bàn và bình ổn giá cả lương thực; kể cả thóc gạo của Tổng công ty đưa ra miền Bắc theo kế hoạch điều động của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu lương thực, bình ổn giá cả lương thực đều không phải nộp thuế doanh thu.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, BAN KIỂM SOÁT

Điều 15.

1- Hội đồng quản trị thực hiện chức năng quản lý hoạt động của Tổng công ty, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sự phát triển của Tổng công ty theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

2- Hội đồng quản trị có các quyền hạn và nhiệm vụ sau:

a) Nhận vốn (kể cả nợ), đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho Tổng công ty;

b) Xem xét, phê duyệt phương án do Tổng giám đốc đề nghị về việc phân giao vốn và các nguồn lực khác cho các đơn vị thành viên và phương án điều hoà vốn và các nguồn lực khác giữa các đơn vị thành viên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phương án đó;

c) Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động trong Tổng công ty; việc sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực được giao; việc thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị, các quy định của luật pháp; việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;

d) Thông qua đề nghị của Tổng giám đốc để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm của Tổng công ty; quyết định mục tiêu, kế hoạch hàng năm của Tổng công ty và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Tổng giám đốc giao cho các đơn vị thành viên;

đ) Tổ chức thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư, dự án đầu tư mới, dự án hợp tác đầu tư với bên nước ngoài bằng vốn do Tổng công ty quản lý;

e) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc nếu được Thủ tướng uỷ quyền thì quyết định các dự án liên doanh với nước ngoài theo quy định của Chính phủ; quyết định các dự án liên doanh trong nước, các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án nhóm A; được uỷ quyền quyết định đầu tư dự án thuộc nhóm C và một số dự án nhóm B; uỷ quyền cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị thành viên duyệt các dự án đầu tư nhỏ. Phê chuẩn phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh của Tổng công ty do Tổng giám đốc trình. Đề nghị thành lập, tách, nhập, giải thể các đơn vị thành viên theo quy định của pháp luât;

g) Ban hành và giám sát thực hiện các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, kể các đơn giá tiền lương, đơn giá và định mức trong xây dựng chuyển ngành, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, giá sản phẩm và dịch vụ trong Tổng công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc trên cơ sở quy định chung của ngành và quốc gia;

h) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ và những nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. Phê chuẩn Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên là những sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên theo đề nghị của Tổng giám đốc. Quyết định mở chi nhánh, văn phòng đại diện của Tổng công ty ở trong nước và nước ngoài theo thủ tục quy định của pháp luật; xây dựng Quy chế tài chính của Tổng công ty trên cơ sở Quy chế tài chính mẫu để trình Bộ Tài chính thông qua trước khi quyết định ban hành;

i) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc; trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc các đơn vị thành viên theo đề nghị của Tổng giám đốc; quyết định tổng biên chế bộ máy quản lý, điều hành Tổng công ty và điều chỉnh khi cần thiết theo đề nghị của Tổng giám đốc.

k) Phê duyệt phương án do Tổng giám đốc đề nghị về việc hình thành và sử dụng các quỹ tập trung tương ứng với kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của Tổng công ty;

l) Xem xét kế hoạch huy động vốn (dưới mọi hình thức), bảo lãnh các khoản vay; thanh lý tài sản của các đơn vị thành viên để quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo các nguyên tắc quy định tại khoản 4 điều 38 của Điều lệ này;

m) Thông qua báo cáo hoạt động hàng quý, 6 tháng và hàng năm của Tổng công ty, báo cáo tài chính tổng hợp (trong đó có bảng cân đối tài sản) hàng năm của Tổng công ty và của các đơn vị thành viên Tổng công ty do Tổng giám đốc trình, và yêu cầu Tổng giám đốc công bố báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;

n) Ban hành nội quy bảo mật trong kinh doanh, các thông tin kinh tế nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật, do Tổng giám đốc trình để áp dụng thống nhất trong toàn Tổng công ty.

3- Hội đồng quản trị có 5 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại điều 32 Luật doanh nghiệp Nhà nước.

4- Hội đồng quản trị gồm một số thành viên chuyên trách, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị, một thành viên kiêm Tổng giám đốc, một thành viên kiểm Trưởng ban Ban kiểm soát và một số thành viên kiêm nhiệm là các chuyên gia về lĩnh vực lương thực và vật tư nông nghiệp, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, pháp luật.

5- Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty.

6- Nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng quản trị là 5 năm. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm và được thay thế trong những trường hợp sau:

a) Vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Tổng công ty;

b) Không đủ khả năng đảm nhiệm công việc và theo đề nghị của ít nhất 2/3 thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị;

c) Xin từ nhiệm, nếu có lý do chính đáng;

d) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.

7- Chủ tịch Hội đồng quản trị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định tại khoản 2 của điều này.

8- Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị:

a) Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, họp thường kỳ hàng quý để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Tổng công ty, do Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc Tổng giám đốc, hoặc Trưởng ban Ban kiểm soát, hoặc trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị;

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì tất cả các cuộc họp Hội đồng, trường hợp vắng mặt vì lý do chính đáng thì Chủ tịch uỷ nhiệm cho một thành viên khác trong Hội đồng quản trị chủ trì cuộc họp;

c) Các cuộc họp của Hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Các tài liệu họp Hội đồng quản trị phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị và các đại biểu được mời dự họp trước ngày họp 5 ngày. Nội dung và kết luận của các cuộc họp Hội đồng quản trị đều phải được ghi thành biên bản và phải được tất cả thành viên Hội đồng quản trị dự họp ký tên. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến của mình;

d) Khi Hội đồng quản trị họp để xem xét những vấn đề về chiến lược phát triển, quy hoạch và kế hoạch 5 năm và hàng năm, các dự án đầu tư lớn, các dự án liên doanh với nước ngoài, báo cáo tài chính hàng năm, ban hành hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật của Tổng công ty thì phải mời đại diện của các Bộ, ngành liên quan dự họp; trường hợp có nội dung quan trọng liên quan đến chính quyền địa phương thì phải mời đại diện Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh dự họp; trường hợp liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao dộng thì phải mời đại diện Công đoàn ngành đến dự. Đại diện của các cơ quan, tổ chức được mời dự hợp có quyền phát biểu nhưng không tham gia biểu quyết; khi phát hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có phương hại đến lợi ích chung thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Hội đồng quản trị, đồng thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan mà mình đại diện để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết thì Thủ trưởng các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

đ) Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với toàn Tổng công ty. Trong trường hợp ý kiến của Tổng giám đốc khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý; trong thời gian chưa có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tổng giám đốc vẫn phải chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

e) Chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát, kể cả tiền lương và phụ cấp cho các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và chuyên viên giúp việc Hội đồng quản trị, được tính vào quản lý phí của Tổng công ty. Tổng giám đốc bảo đảm các điều kiện và phương tiện cần thiết cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát làm việc.

Điều 16.

Giúp việc Hội đồng quản trị:

1- Hội đồng quản trị sử dụng bộ máy điều hành và con dấu của Tổng công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình.

2- Hội đồng quản trị có 3 đến 5 chuyên viên giúp việc, hoạt động chuyên trách.

3- Hội đồng quản trị thành lập Ban kiểm soát để giúp Hội đồng quản trị thực hiện việc kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc, bộ máy giúp việc và các thành viên Tổng công ty trong hoạt động điều hành, hoạt động tài chính, chấp hành Điều lệ Tổng công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị, chấp hành pháp luật.

Điều 17.

Quyền lợi và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị:

1- Các thành viên chuyên trách được xếp lương cơ bản theo ngạch viên chức Nhà nước, hưởng lương theo chế độ phân phối tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Chính phủ, được hưởng tiền thưởng tương ứng với hiệu quả hoạt động của Tổng công ty. Các thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm và tiền thưởng theo quy định của Chính phủ.

2- Thành viên Hội đồng quản trị:

a) Không được đặt mình vào vị thế nào làm hạn chế khả năng thực hiện đức tính lương thiện, chí công vô tư hoặc gây mâu thuẫn giữa lợi ích Tổng công ty và lợi ích cá nhân;

b) Không được lợi dụng chức vụ để trục lợi cho mình hoặc có hành động chiếm đoạt cơ hội kinh doanh của Tổng công ty, làm thiệt hại lợi ích Tổng công ty;

c) Không được hành động vượt quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định trong Điều lệ này.

3- Thành viên Hội đồng quản trị là Chủ tịch, Tổng giám đốc không được nhân dánh cá nhân mình để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; không được giữ các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; không được có các quan hệ hợp dồng kinh tế với các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần do vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con giữ chức danh quản lý, điều hành trong các đơn vị này.

4- Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không được giữ chức vụ kế toán trưởng, thủ quỹ tại Tổng công ty và tại các đơn vị thành viên.

5- Các thành viên Hội đồng quản trị cùng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về mọi nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm Điều lệ Tổng công ty, quyết định sai hoặc vượt thẩm quyền, lạm dụng chức quyền, gây thiệt hại cho Tổng công ty và Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường vật chất đối với các thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 18.

Ban kiểm soát:

1- Ban kiểm soát có 5 thành viên, trong đó một thành viên Hội đồng quản trị làm Trưởng ban theo sự phân công của Hội đồng quản trị và 4 thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; gồm một thành viên là chuyên viên kế toán, một thành viên do Đại hội công nhân viên chức Tổng công ty giới thiệu, một thành viên do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm giới thiệu và một thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp giới thiệu.

2- Thành viên Ban kiểm soát phải là người không phải là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, em, chị, em ruột của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty và không được kiêm nhiệm bất cứ nhiệm vụ nào trong bộ máy điều hành của Tổng công ty hoặc bất cứ chức vụ nào trong các doanh nghiệp lương thực ở ngoài Tổng công ty.

3- Thành viên Ban kiểm soát phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Là chuyên gia về kế toán, kiểm toán, kinh tế, công nghệ trồng và chế biến lương thực; hiểu biết pháp luật;

b) Có thâm niên công tác về các chuyên ngành trên không dưới 5 năm;

c) Không có tiền án, tiền sự về các tội danh liên quan đến hoạt động kinh tế.

4- Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát là 5 năm. Trong quá trình công tác, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế.

5- Thành viên Ban kiểm soát được hưởng tiền lương, tiền thưởng do Hội đồng quản trị quyết định theo chế độ của Nhà nước.

Điều 19.

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát:

1- Thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng quản trị giao về việc kiểm tra, giám sát hoạt động điều hành của Tổng giám đốc, bộ máy giúp việc và các đơn vị thành viên Tổng công ty trong hoạt động tài chính, chấp hành pháp luật, Điều lệ Tổng công ty, các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị;

2- Báo cáo Hội đồng quản trị theo định kỳ hàng quý và hàng năm và theo vụ việc về kết quả kiểm tra, giám sát của mình; kịp thời phát hiện và báo cáo ngay Hội đồng quản trị về những hoạt động không bình thường, có dấu hiệu phạm pháp trong Tổng công ty;

3- Không được tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được Hội đồng quản trị cho phép; phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật nếu cố ý bỏ qua hoặc bao che những hành vi phạm pháp.

Chương 4:

TỔNG GIÁM ĐỐC VÀ BỘ MÁY GIÚP VIỆC

Điều 20.

1- Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về điều hành hoạt động của Tổng công ty. Tổng giám đốc là người có quyền điều hành cao nhất trong Tổng công ty.

2- Phó Tổng giám đốc là người giúp Tổng giám đốc điều hành một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty theo phân công của Tổng giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được Tổng giám đốc phân công thực hiện.

3- Kế toán trưởng Tổng công ty giúp Tổng giám đốc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của Tổng công ty, có các quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4- Văn phòng, các phòng (ban) chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng công ty có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong quản lý, điều hành công việc.

Điều 21.

Tổng giám đốc có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1- Cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhận vốn (kể các nợ), đất đai và các nguồn lực khác của Nhà nước để quản lý, sử dụng theo mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao cho Tổng công ty. Phân giao các nguồn lực đã nhận của Nhà nước cho các đơn vị thành viên Tổng công ty theo phương án đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. Kiến nghị Hội đồng quản trị điều chỉnh vốn các nguồn lực khác khi phân giao lại cho các đơn vị thành viên và điều chỉnh khi có sự thay đổi nhiệm vụ của các đơn vị thành viên theo hình thức tăng, giảm vốn;

2- Sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo phương án được Hội đồng quản trị phê duyệt. Xây dựng phương án huy động vốn trình Hội đồng quản trị phê duyệt và tổ thức thực hiện phương án đó. Thực hiện và chỉ đạo Công ty tài chính của Tổng công ty thực hiện việc huy động vốn, cho vay vốn phục vụ yêu cầu vốn của Tổng công ty và của các đơn vị thành viên;

3- Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn và hàng năm, kế hoạch chương trình hoạt động, các phương án thu mua, tiêu thụ, xuất nhập khẩu lương thực của Tổng công ty, dự án đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, dự án đầu tư nước ngoài, phương án liên doanh, phương án phối hợp kinh doanh của các đơn vị thành viên, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong Tổng công ty, các biện pháp thực hiện những hợp đồng kinh tế có giá trị lớn để trình Hội đồng quản trị xem xét quyết định hoặc trình tiếp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Tổ chức thực hiện chiến lược và các kế hoạch, phương án, dự án, biện pháp đã được phê duyệt;

4- Điều hành các hoạt động kinh doanh của Tổng công ty; chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của Tổng công ty; thực hiện cân đối về lương thực trong vùng do Nhà nước giao cho Tổng công ty; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về việc thực hiện bình ổn giá lương thực trong vùng, góp phần bình ổn giá lương thực trong nước;

5- Xây dựng và tình Hội đồng quản trị phê duyệt các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương, đơn giá và định mức chi phí xay xát lương thực, xây dựng chuyên ngành, giá mua bán lương thực, vật tư nông nghiệp, dịch vụ áp dụng thống nhất trong Tổng công ty phù hợp với các quy định chung của ngành và của Nhà nước. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá và giá này trong toàn Tổng công ty;

6- Đề nghị Hội đồng quản trị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phậm quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty; đề nghị Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc đơn vị thành viên. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó giám đốc, Kế toán trưởng đơn vị thành viên, Giám đốc đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên và các chức danh tương đương theo đề nghị của Giám đốc đơn vị thành viên. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Trưởng, Phó các phòng (ban), Chánh và Phó văn phòng của Tổng công ty;

7- Xây dựng để trình Hội đồng quản trị duyệt tổng biên chế bộ máy quản lý Tổng công ty và phương án điều chỉnh khi thay đổi tổ chức và biên chế bộ máy quản lý của Tổng công ty và các đơn vị thành viên; thành lập và trực tiếp chỉ đạo bộ máy giúp việc; kiểm tra việc thực hiện biên chế bộ máy quản lý của các đơn vị thành viên; trình Hội đồng quản trị phê chuẩn Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên do Giám đốc đơn vị thành viên xây dựng; duyệt phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên do Giám đốc đơn vị thành viên trình;

8- Xây dựng và trình Hội đồng quản trị phê duyệt Quy chế lao động; Quy chế về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật; Nội quy bảo mật áp dụng trong Tổng công ty;

9- Tổ chức điều hành hoạt động của Tổng công ty theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; báo cáo Hội đồng quản trị và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, bao gồm báo cáo hàng quý, 6 tháng và hàng năm, báo cáo tài chính tổng hợp, bảng cân đối tài sản của Tổng công ty.

Báo cáo tài chính tổng hợp phải phân định rõ phần hạch toán tập trung của Tổng công ty và phần của các đơn vị thành viên hạch toán độc lập, trình Hội đồng quản trị thông qua. Bản báo cáo tài chính tổng hợp phải dựa trên cơ sở các tài liệu đã được cơ quan kiểm toán hợp pháp xác nhận;

10- Thực hiện và kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật và của Nhà nước. Lập phương án phân phối lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty trình Hội đồng quản trị phê duyệt theo quy định của Nhà nước;

11- Cung cấp đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Chuẩn bị các tài liệu cho các cuộc họp Hội đồng quản trị;

12- Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình;

13- Được quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, sự cố) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó; đồng thời phải báo cáo ngay cho Hội đồng quản trị và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tiếp.

Chương 5:

TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TỔNG CÔNG TY

Điều 22.

Đại hội công nhân viên chức của Tổng công ty là hình thức trực tiếp để người lao động tham gia quản lý Tổng công ty. Đại hội công nhân viên chức có các quyền sau:

1- Tham gia thảo luận xây dựng thoả ước lao động tập thể để người đại diện tập thể lao động thương lượng và ký kết với Tổng giám đốc;

2- Thảo luận và thông qua quy chế sử dụng các quỹ có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động trong Tổng công ty;

3- Thảo luận và góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch, đánh giá hiệu quả quản lý kinh doanh, đề xuất các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tình thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại người lao động của Tổng công ty;

4- Giới thiệu người tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Điều 23

Đại hội công nhân viên chức được tổ chức và hoạt động theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Chương 6:

ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN TỔNG CÔNG TY

Điều 24.

1- Tổng công ty có các đơn vị thành viên là những doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập, những đơn vị hạch toán phụ thuộc và những đơn vị sự nghiệp (có danh sách ghi trong Phụ lục kèm theo Điều lệ này).

2- Các đơn vị thành viên Tổng công ty có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng phù hợp với phương thức hạch toán của mình.

3- Đơn vị thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập và đơn vị hạch toán phụ thuộc có Điều lệ tổ chức và hoạt động riêng; đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Các Điều lệ và Quy chế này đều do Hội đồng quản trị phê chuẩn phù hợp với pháp luật và Điều lệ Tổng công ty.

Điều 25.

Thành viên là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập:

1- Doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập là thành viên Tổng công ty có quyền tự chủ kinh doanh và tự chủ tài chính, chịu sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ đối với Tổng công ty theo quy định tại Điều lệ Tổng công ty.

2- Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty có các quyền đối với thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập như sau:

a) Uỷ nhiệm cho Giám đốc doanh nghiệp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với Điều lệ của của doanh nghiệp được Hội đồng quản trị Tổng công ty phê chuẩn. Giám đốc doanh nghiệp hạch toán độc lập chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty, trước pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp;

b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng;

c) Phê duyệt kế hoạch, kiểm tra thực hiện kế hoạch, quyết toán tài chính; quy định mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi ở doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và phù hợp với Quy chế Tài chính của Tổng công ty;

d) Trích một phần quỹ khấu hao cơ bản và lợi nhuận sau thuế theo Quy chế Tài chính Tổng công ty và hướng dẫn của Bộ Tài chính để thành lập các quỹ tập trung của Tổng công ty dùng vào mục đích tái đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư ở các đơn vị thành viên;

đ) Phê duyệt các phương án, kế hoạch đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, hợp tác liên doanh, bổ sung, thu hồi một phần vốn, chuyển nhượng cổ phần thuộc quyền quản lý cua Tổng công ty đang do các doanh nghiệp thành viên nắm giữ;

e) Điều hoà các nguồn tài chính, kể cả ngoại tệ, giữa các đơn vị thành viên nhằm sử dụng vốn có hiệu quả nhất trong toàn Tổng công ty, trên nguyên tắc phải bảo đảm cho tổng tài sản của doanh nghiệp bị rút bớt vốn không được thấp hơn tổng số nợ cộng với mức vốn điều lệ đã được điều chỉnh tương ứng với nhiệm vụ hoặc quy mô doanh nghiệp đó;

g) Phê duyệt các hình thức trả lương, đơn giá tiền lương và các biện pháp bảo đảm đời sống, điều kiện lao động cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp;

h) Quyết định mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp thành viên theo chiến lược phát triển chung của Tổng công ty;

i) Phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó quy định sự phân cấp cho Giám đốc doanh nghiệp về tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp; tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, kỷ luật công nhân viên chức; hạn mức tín dụng (vay, cho vay, mua bán chậm trả); mua bán tài sản cố định, mua bán cổ phần của các công ty cổ phần; mua bán bản quyền phát minh, sáng chế, chuyển giao công nghệ; tham gia các đơn vị liên doanh, các hiệp hội kinh tế; những vấn đề khác có liên quan đến quyền tự chủ của một doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước;

k) Kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh.

Điều 26.

Thành viên Tổng công ty là doanh nghiệp hạch toán độc lập chịu trách nhiệm về các khoản nợ, về cam kết của mình trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý, sử dụng; cụ thể là:

1- Trong chiến lược và đầu tư phát triển:

a) Doanh nghiệp được giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo kế hoạch của Tổng công ty. Doanh nghiệp được Tổng công ty giao các nguồn lực để thực hiện dự án đó;

b) Doanh nghiệp tự đầu tư những công trình, dự án phát triển không nằm trong các dự án do Tổng công ty trực tiếp điều hành. Trường hợp này doanh nghiệp tự huy động, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

2- Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của mình trên cơ sở:

a) Bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu, các cân đối lớn, các định mức kinh tế - kỹ thuật chủ yếu (kể cả đơn giá và giá) của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch chung của Tổng công ty;

b) Kế hoạch mở rộng kinh doanh trên cơ sở sử dụng tối ưu mọi nguồn lực mà doanh nghiệp có và tự huy động phù hợp với nhu cầu của thị trường.

3- Trong hoạt động tài chính và hạch toán kinh tế:

a) Doanh nghiệp được nhận một phần vốn và nguồn lực của Nhà nước giao cho Tổng công ty, do Tổng công ty phân giao lại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực này;

b) Doanh nghiệp được quyền huy động vốn, các nguồn tín dụng khác theo pháp luật để thực hiện kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển của mình;

c) Doanh nghiệp được hình thành quỹ đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ phát triển sản xuất, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự trữ tài chính theo Điều lệ của doanh nghiệp được Hội đồng quản trị phê chuẩn và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp có nghĩa vụ trích nộp và được sử dụng các quỹ tập trung của Tổng công ty theo quy định của Điều lệ Tổng công ty và theo các quyết định của Hội đồng quản trị;

d) Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đóng các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy dịnh của pháp luật;

đ) Doanh nghiệp có thể được Tổng công ty uỷ quyền thực hiện các hợp đồng với khách hàng trong nước và nước ngoài nhân danh Tổng công ty.

4- Trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ và lao động:

a) Doanh nghiệp có quyền đề nghị Tổng công ty xem xét, quyết định hoặc được Tổng công ty uỷ quyền quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị phụ thuộc và việc tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp theo quy định của Điều lệ Tổng công ty và Điều lệ riêng của doanh nghiệp;

b) Trong khuôn khổ biên chế được Tổng công ty cho phép, doanh nghiệp được quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng hoặc cho thôi việc đối với công nhân viên chức công tác trong bộ máy quản lý và kinh doanh của mình. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh cán bộ trong bộ máy quản lý doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, việc sắp xếp, thi hành chế độ tiền lương tuân thủ sự phân cấp của Tổng công ty theo Điều lệ này;

c) Doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển và nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động theo Bộ luật lao động và Luật công đoàn.

Điều 27.

Thành viên là đơn vị hạch toán phụ thuộc:

1- Có quyền tự chủ kinh doanh theo phân cấp của Tổng công ty, chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi đối với Tổng công ty. Tổng công ty chịu trách nhiệm cuối cùng về các nghĩa vụ tài chính phát sinh do sự cam kết của các đơn vị này;

2- Được ký kết các hợp đồng kinh tế, được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính, tổ chức và nhân sự theo sự phân cấp của Tổng công ty. Quyền hạn và nhiệm vụ của đơn vị hạch toán phụ thuộc được cụ thể hoá trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị này do Hội đồng quản trị phê chuẩn.

Điều 28. Các đơn vị sự nghiệp có Quy chế tổ chức và hoạt động do Hội đồng quản trị phê chuẩn; thực hiện chế độ lấy thu bù chi, được tạo nguồn thu từ thực hiện dịch vụ, hợp đồng nghiên cứu khoa học và đào tạo cho các đơn vị trong nước và ngoài nước; được hưởng quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo chế độ, trường hợp thấp hơn mức bình quân của Tổng công ty thì có thể được hỗ trợ từ quỹ khen thưởng và phúc lợi của Tổng công ty.

Điều 29.

1- Công ty tài chính là doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty, hoạt động theo pháp luật và hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động do Hội đồng quản trị phê chuẩn và theo sự điều hành của Tổng giám đốc Tổng công ty.

2- Công ty tài chính thực hiện nhiệm vụ huy động vốn để cho vay phục vụ nhu cầu vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, thông qua hình thức vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tín dụng thương mại của các Ngân hàng và các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài; phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, mua bán giấy tờ và chứng từ có giá theo quy định của pháp luật; huy động vốn nhàn rỗi của công nhân viên chức trong nội bộ Tổng công ty và các đơn vị trong ngành kinh tế - kỹ thuật mà Tổng công ty kinh doanh.

3- Công ty Tài chính thực hiện việc huy động vốn cho các dự án đầu tư của Tổng công ty, thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của Điều lệ của Công ty và Quy chế Công ty Tài chính trong Tổng công ty do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đối với các dự án lớn thì chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng, Công ty Tài chính làm chức năng dịch vụ.

4- Các đơn vị sử dụng vốn của Công ty Tài chính theo nguyên tắc có vay có trả, thực hiện chế độ lãi suất nội bộ do Công ty Tài chính đề nghị, Tổng giám đốc Tổng công ty phê duyệt theo uỷ quyền của Hội đồng quản trị.

5- Công ty Tài chính làm dịch vụ nhận lúa ký gửi của nông dân và đầu tư cho nông dân vay dưới hình thức vật tư, phân bón, máy móc nông cụ nhỏ để tạo điều kiện cho nông dân chủ động trong sản xuất và tiêu thụ lương thực.

Chương 7:

QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY VÀ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC

MỤC 1: QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦATỔNG CÔNG TY Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC

Điều 30.

Đói với phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác, Hội đồng quản trị Tổng công ty có quyền và nghĩa vụ sau:

1- Thông qua phương án góp vốn do Tổng giám đốc xây dựng để quyết định hoặc trình Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo phân cấp tại tiết e, khoản 2, điều 15 của Điều lệ này;

2- Theo đề nghị của Tổng giám đốc, quyết định cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty ở doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty;

3- Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đã góp và thu lợi nhuận từ phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác.

Điều 31.

Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác:

1- Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty theo Điều lệ của doanh nghiệp này;

2- Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động ở doanh nghiệp này;

3- Thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị Tổng công ty về phần vốn của Tổng công ty góp vào doanh nghiệp này.

MỤC 2: QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP Ở CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC

Điều 32.

Doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập được góp vốn vào các doanh nghiệp khác theo phân cấp của Tổng công ty. Đối với phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác, Giám đốc có quyền và nghĩa vụ quản lý phần vốn góp này như sau:

1- Xây dựng phương án góp vốn để Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt;

2- Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác;

3- Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn góp của doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đã góp; thu lợi nhận từ phần vốn của doanh nghiệp góp vào doanh nghiệp khác.

Điều 33.

Quyền và nghĩa vụ của người quản lý trực tiếp phần vốn của doanh nghiệp góp vào các doanh nghiệp khác:

1- Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp mình theo Điều lệ của doanh nghiệp này;

2- Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp mình;

3- Thực hiện chế độ báo cáo do Giám đốc quy định; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị Tổng công ty và Giám đốc về hiệu quả sử dụng phần vốn của doanh nghiệp mình tại doanh nghiệp mà mình được cử vào để tham gia quản lý, điều hành.

MỤC 3: CÁC ĐƠN VỊ LIÊN DOANH

Điều 34. Các đơn vị liên doanh là Tổng công ty hoặc doanh nghiệp thành viên Tổng công ty tham gia, được quản lý, điều hành và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, Luật công ty và các Luật khác có liên quan của Việt Nam. Tổng công ty hoặc các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty thực hiện mọi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các liên doanh này về hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng đã ký kết.

Chương 8:

TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 35. Tổng công ty thực hiện chế độ hạch toán tổng hợp, tự chủ tài chính trong kinh doanh phù hợp với Luật doanh nghiệp Nhà nước, các quy định khác của pháp luật và Điều lệ Tổng công ty.

Điều 36.

1- Vốn điều lệ của Tổng công ty gồm có:

a) Vốn được Nhà nước giao tại thời điểm thành lập Tổng công ty;

b) Vốn Nhà nước đầu tư bổ sung (nếu có);

c) Phần lợi nhuận sau thuế được trích bổ sung vốn theo quy định hiện hành;

d) Các nguồn vốn khác (nếu có).

2- Khi tăng hoặc giảm vốn điều lệ, Tổng công ty phải điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối tài sản và công bố vốn điều lệ của Tổng công ty đã được điều chỉnh.

Điều 37.

1- Tổng công ty được thành lập và sử dụng các quỹ tập trung để bảo đảm cho quá trình phát triển của Tổng công ty đạt hiệu quả cao.

2- Các quỹ tập trung của Tổng công ty được thành lập theo quy định tại Điều lệ Tổng công ty, Quy chế tài chính Tổng công ty và do Hội đồng quản trị quyết định, bao gồm:

a) Quỹ đầu tư phát triển được lập từ nguồn vốn khấu hao cơ bản và trích lợi nhuận của các đơn vị thành viên theo quy định của Bộ Tài chính, lợi tức thu được từ phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác và các nguồn khác.

Vốn khấu hao cơ bản và lợi tức tái đầu tư của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty đều tập trung tại Tổng công ty để đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

Nếu Tổng công ty huy động vốn khấu hao cơ bản và lợi tức tái đầu tư của các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập thì phải thực hiện nguyên tắc vay trả, có lãi suất nội bộ do Tổng giám đốc phê duyệt theo uỷ quyền của Hội đồng quản trị và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b) Quỹ dự trữ lưu thông để bảo đảm thực hiện bình thường nhiệm vụ kinh doanh lương thực được lập từ nguồn vốn kinh doanh của Tổng công ty, trong đó phần vốn vay Ngân hàng có thể được hỗ trợ bằng lãi suất ưu đãi khi cần thiết. Nếu việc bán lương thực theo giá chỉ đạo của Nhà nước để thực hiện bình ổn giá cả thị trường lương thực có gây thiệt hại đến quỹ này thì được hỗ trợ từ quỹ trợ giá của Nhà nước;

c) Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo tập trung để cấp cho các đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và đào tạo lại cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty được trích lập từ quỹ phát triển sản xuất của các đơn vị thành viên và nguồn kinh phí sự nghiệp, đào tạo từ ngân sách Nhà nước (nếu có), và các nguồn khác, trong đó có nguồn thu được từ việc thực hiện dịch vụ và hợp đồng nghiên cứu khoa học, đào tạo được ký kết với các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ở trong nước và nước ngoài;

d) Quỹ hỗ trợ sản xuất lương thực kể cả trước và sau khâu thu hoạch được thành lập từ các nguồn hiện có Nhà nước đã giao cho Tổng công ty, được bổ sung hàng năm từ lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty (kể cả các đơn vị thành viên) và các nguồn tài trợ khác. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ khuyến nông do Nhà nước giao thì được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước;

đ) Quỹ dự trữ tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích lập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mức trích lập, trích nộp cụ thể cho các quỹ nói trên và việc sử dụng các quỹ này được quy định trong Quy chế tài chính của Tổng công ty.

Điều 38.

Tự chủ về tài chính của Tổng công ty:

1- Tổng công ty hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối các khoản thu và chi, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển các nguồn vốn kinh doanh của Tổng công ty, kể cả phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác.

2- Tổng công ty chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ ghi trong bảng cân đối tài sản của Tổng công ty và các cam kết tài chính khác (nếu có).

3- Tổng công ty kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính trong toàn Tổng công ty.

4- Mọi quan hệ tín dụng (vay, cho vay và mua, bán hàng chậm trả, bảo lãnh) giữa Tổng công ty với những đối tác bên ngoài Tổng công ty phải tuân theo sự phân cấp về hạn mức đối với một lần vay theo quy định của Bộ Tài chính.

5- Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng, trình, đăng ký kế hoạch tài chính và các báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản của Tổng công ty để báo cáo với các cấp có thẩm quyền và tổng quyết toán hàng năm với Bộ Tài chính. Bộ Tài chính kiểm tra và phê duyệt quyết toán hàng năm của Tổng công ty.

6- Thực hiện mọi khoản thu trong nước và ngoài nước từ các hoạt động về lương thực, vật tư nông nghiệp được thoả thuận trong các hợp đồng; nộp các khoản thu này vào ngân sách theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

7- Tổng công ty có trách nhiệm nộp các khoản thuế và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành và theo Quy chế tài chính của Tổng công ty, trừ các khoản thuế mà các đơn vị thành viên đã nộp. Được sử dụng phần lãi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định hiện hành.

8- Lợi nhuận mà Tổng công ty hoặc các đơn vị thành viên thu được từ phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác không phải nộp thuế lợi tức, nếu doanh nghiệp này đã nộp thuế lợi tức trước khi chia cổ tức cho các bên góp vốn.

9- Hoạt động tài chính của các đơn vị thành viên Tổng công ty và mối quan hệ về hoạt động tài chính giữa Tổng công ty với các đơn vị thành viên được thực hiện phù hợp với Điều lệ Tổng công ty, Quy chế tài chính Tổng công ty.

10- Trách nhiệm vật chất của Tổng công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và trong quan hệ dân sự được giới hạn ở mức tổng số vốn điều lệ của Tổng công ty tại thời điểm công bố gần nhất.

11- Tổng công ty phải thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Kế toán thông kế, chế độ kế toán và báo cáo tài chính hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

12- Tổng công ty chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính và các hoạt động kinh doanh của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

MỐI QUAN HỆ GIỮA TỔNG CÔNG TY VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 39.

Mối quan hệ với Chính phủ:

1- Chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ có liên quan đến Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước;

2- Thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển Tổng công ty trong tổng thể quy hoạch, chiến lược phát triển ngành và lãnh thổ của Nhà nước;

3- Chấp hành các quy định về thành lập, tách, nhập, giải thể; các chính sách về tổ chức và cán bộ; chế độ tài chính, tín dụng, thuế, thu lợi nhuận; các chế độ về kế toán, thống kê;

4- Chịu sự kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước tạiTổng công ty;

5- Được đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế và chính sách quản lý của Nhà nước đối với Tổng công ty;

6- Được quản lý và sử dụng vốn, tài sản, đất đai, các nguồn lực khác do Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh và phải bảo toàn, phát triển các nguồn lực đó;

7- Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá và các chế độ khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 40.

Mối quan hệ với Bộ Tài chính

1- Tổng công ty chịu sự chi phối về quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính trong việc:

a) Tuân thủ các chế độ tài chính, kế toán, thuế, tổ chức bộ máy hạch toán, kế toán;

b) Kiểm toán tài chính và kiểm toán nội bộ Tổng công ty.

2- Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu, chi phối Tổng công ty về việc:

a) Xác định vốn, tài nguyên và các nguồn lực khác mà Nhà nước giao cho Tổng công ty quản lý, sử dụng;

b) Kiểm tra việc việc sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực khác được giao trong quá trình hoạt động, được thể hiện thông qua bản quyết toán hàng năm;

c) Duyệt quyết toán năm của Tổng công ty;

d) Ban hành Quy chế Tài chính mẫu, thông qua Quy chế Tài chính của Tổng công ty.

3- Tổng công ty phải chịu sự kiểm tra, thanh tra tài chính và các vấn đề khác của Bộ Tài chính.

4- Tổng công ty có quyền đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng và các nội dung khác có liên quan đến Tổng công ty; kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn, việc hợp tác đầu tư với nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, việc quan hệ tín dụng trên hạn mức, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, việc phân phối lợi nhuận sau thuế, việc thanh lý tài sản trong Tổng công ty, việc bổ sung vốn ngân sách cho Tổng công ty.

Điều 41.

Mối quan hệ với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm:

1- Với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chi phối Tổng công ty về:

a) Ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn công nghệ, kể cả thiết bị lẻ, thiết bị đồng bộ nhập khẩu; các định mức cấp ngành kinh tế - kỹ thuật trực tiếp kiểm tra, giám sát Tổng công ty về việc thực hiện các tiêu chuẩn và định mức đó;

b) Xây dựng và ban hành quy hoạch, định hướng phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp kiểm tra Tổng công ty về việc thực hiện quy hoạch đó;

c) Tổng công ty chịu trách nhiệm thực hiện các quy định trên đây và được kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm về các nội dung liên quan nói trên.

2- Với nhiệm vụ được Nhà nước giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chi phối Tổng công ty về:

a) Thành lập, tách, nhập, tổ chức lại, giải thể Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty, trong phạm vi được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền;

b) Cùng với cơ quan được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, chuẩn bị để trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc;

c) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty; giới thiệu người vào Ban kiểm soát Tổng công ty;

d) Tham gia giao vốn và các nguồn lực khác cho Tổng công ty, kiểm tra hoạt động của Tổng công ty; Tổng công ty có trách nhiệm báo cáo theo quy định của Nhà nước và theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm;

đ) Chỉ đạo Tổng công ty trong việc bảo đảm cân đối lương thực của Nhà nước và việc thực hiện bình ổn giá cả lương thực trong vùng và trong nước;

e) Tổng công ty còn bị chi phối, kiểm tra, giám sát của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trong phạm vi các chức năng khác của Bộ này theo quy định của pháp luật.

Điều 42.

Các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, chi phối Tổng công ty về việc:

1- Thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm và chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn ngành và tiêu thuẩn quốc gia liên quan;

2- Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường;

3- Tham gia thẩm định các dự án đầu tư theo chiến lược, quy hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật và quy hoạch theo vùng kinh tế;

4- Thực hiện các quy định về quan hệ đối ngoại và xuất, nhập khẩu;

5- Bảo đảm thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ đối với người lao động trong Tổng công ty theo quy định của pháp luật;

6- Tổng công ty chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan này về những lĩnh vực thuộc chức năng đã được pháp luật quy định cho các cơ quan đó.

Điều 43.

Đối với chính quyền địa phương, với tư cách là các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ, Tổng công ty chịu sự quản lý Nhà nước và chấp hành các quy định hành chính, các nghĩa vụ đối với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật.

Chương 10.

TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN

Điều 44.

Việc tổ chức lại Tổng công ty do Hội đồng quản trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 45.

Tổng công ty bị giải thể trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thấy không cần thiết duy trì Tổng công ty này. Khi có quyết định giải thể Tổng công ty, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng giải thể. Số tài sản của Tổng công ty bị giải thể sau khi đã thanh toán các khoản phải trả theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 46.

Việc tổ chức lại, tách, nhập, giải thể và thành lập mới các đơn vị thành việc Tổng công ty do Hội đồng quản trị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 47.

Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty nếu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì xử lý theo quy định tại Luật phá sản doanh nghiệp.

Chương 11:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48.

Điều lệ này được áp dụng cho Tổng công ty Lương thực miền Nam. Tất cả các cá nhân, đơn vị thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này.

Điều lệ có hiệu lực thi hành từ ngày ký Nghị định phê chuẩn.

Điều 49.

1- Căn cứ vào Luật doanh nghiệp Nhà nước và Điều lệ Tổng công ty, các đơn vị thành viên Tổng công ty tuỳ theo loại hình tổ chức mà xây dựng Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của mình, để Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị phê chuẩn. Điều lệ, Quy chế của đơn vị thành viên Tổng công ty không được trái với Điều lệ Tổng công ty;

2- Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Tổng công ty, Hội đồng quản trị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các đơn vị thành viên Tổng công ty khi sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của mình, phải do Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định.

Điều 50.

Trong trường hợp các văn bản của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quyết định thành lập doanh nghiệp thành viên có quy định khác với Điều lệ này, nếu được Chính phủ cho phép thì thực hiện theo Điều lệ này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC
(Kèm theo Điều lệ Tổ chức và hoạt động củaTổng công ty Lương thực miền Nam)


I- DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM

(Tại thời điểm thành lập Tổng công ty)

A- CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP:

1- Công ty Lương thực cấp I Sài Gòn,

2- Công ty Kinh doanh chế biến lương thực xuất khẩu,

3- Công ty Kinh doanh chế biến mỳ màu,

4- Công ty Vận tải và kinh doanh vật tư lương thực,

5- Công ty Lương thực cấp I Cao Lãnh,

6- Công ty Bột mỳ Bình Đông,

7- Nhà máy xay Bình Tây,

8- Nhà máy xay Tân Bình Đông,

9- Công ty Lương thực trung ương III,

10- Công ty Lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng,

11- Công ty Lương thực Quảng Ngãi,

12- Công ty Lương thực Bình Định,

13- Công ty Vật tư kỹ thuật Phú Yên,

14- Công ty Lương thực Khánh Hoà, (1)

15- Công ty Lương thực Ninh Thuận,

16- Công ty Lương thực Bình Thuận,

17- Công ty Lương thực Lâm Đồng,

18- Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Kon Tum,

19- Công ty Chế biến kinh doanh lương thực thực phẩm Đồng Nai,

20- Công ty Lương thực Long An,

21- Công ty Lương thực Tiền Giang,

22- Công ty Lương thực Cần Thơ,

23- Công ty Lương thực An Giang,

24- Công ty Lương thực thực phẩm Vĩnh Long,

25- Công ty Xuất nhập khẩu lương thực vật tư nông nghiệp Đồng Tháp,

26- Công ty Lương thực Bến Tre, (2)

27- Công ty Xuất nhập khẩu Kiên Giang,

28- Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Trà Vĩnh, (3)

29- Công ty Lương thực Sóc Trăng,

30- Công ty Lương thực Minh Hải,

31- Công ty Tài chính lương thực miền Nam.

B- CÁC ĐƠN VỊ HẠCH TOÁN PHỤ THUỘC:

1- Nhà nghỉ Vũng Tầu.

C- CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP:

1- Trường trung học nghề lương thực thực phẩm II.

II- DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ LIÊN DOANH CÓ VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM

(tại thời điểm thành lập Tổng công ty)

1- Công ty Liên doanh sản xuất gạo xuất khẩu Việt - Mỹ,

2- Công ty Liên doanh sản xuất gạo Việt Nguyên,

3- Công ty Liên doanh sản xuất bột Thị Vải (VINAFOOD GOLDCOVI).

(1) Trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 doanh nghiệp thuộc tỉnh Khánh Hoà: Công ty Lương thực Cam Ranh, Công ty Chế biến nông sản Nha Trang, Công ty Lương thực Khánh Hoà.

(2) Trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 2 doanh nghiệp thuộc tỉnh Bến Tre: Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu, Công ty Lương thực Bến Tre.

(3) Trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 2 doanh nghiệp thuộc tỉnh Trà Vinh: Công ty Vật tư và dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Trà Vinh, Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Trà Vinh.

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
---------

No: 47-CP

Hanoi, July 17, 1995

 

DECREE

RATIFYING THE STATUTE ON THE ORGANIZATION AND OPERATION OF THE VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Organization of the Government of September 30, 1992;
Pursuant to the Law on State Enterprises of April 20, 1995;
At the proposal of the Managing Board of the Vietnam Southern Food Corporation,

DECREES:

Article 1.- To approve the Statute on the Organization and Operation of the Vietnam Southern Food Corporation, which is issued together with this Decree.

Article 2.- The Ministry of Agriculture and Food Industry has the responsibility to discuss with the People's Committees of Ho Chi Minh City and the provinces of Gia Lai, Darlac and Tay Ninh so as to draw up a list of additional members of the Vietnam Southern Food Corporation and submit it to the Prime Minister for decision by the end of October 1995 at the latest.

The Vietnam Southern Food Corporation has the responsibility to discuss with the People's Committees of Ho Chi Minh City and the provinces of Gia Lai, Darlac and Tay Ninh for the coordination in fulfilling the tasks of ensuring the food supply and stabilizing food prices in their localities pending the adherence of the food companies in these provinces and this city to the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 4.- The Minister of Finance, the Minister of Agriculture and Food Industry, the Governor of the State Bank, the concerned Ministers, Heads of the ministerial-level agencies, and Heads of the agencies attached to the Government shall base themselves on this Statute to guide its implementation.

Article 5.- The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government, the Managing Board and the General Director of the Vietnam Southern Food Corporation shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Vo Van Kiet

 

STATUTE

ON THE ORGANIZATION AND OPERATION OF THE VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION
(Ratified in Decree No.47-CP of July 17, 1995 of the Government)

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 1.- The Vietnam Southern Food Corporation is a State corporation having member units from Quang Nam-Da Nang province southwards; these are independent-accounting enterprises, dependent-accounting units and non-business units closely associated with one another in terms of economic interests, finance, technology, supply, consumption, services, information, training, research, marketing, and food import-export; they are founded by the Prime Minister to increase capital accumulation and production means, professionalize the capability and increase business efficiency of the member units and of the entire Corporation and meet the needs of the national economy.

Article 2.- The Vietnam Southern Food Corporation (hereunder referred to as the Corporation) has the task of trading in foods, consuming all commodity foods of the farmers, regulating the supply of foods in the region with the aim of meeting the demand for domestic consumption and for export, thus contributing to stabilizing the price of foods in the whole country; including the designing of development and investment plans, the creation of sources of investment capital, organization of the purchase, preservation, processing, reserve, circulation, marketing, transportation, consumption, import and export of foods, supply of specialized materials and equipment, and the cooperation and joint ventures with domestic and foreign economic organizations; organization of key specialized food crop growing areas, the training of workers, and application of scientific and technological advances, thus contributing to the modernization of food production in the region; and conducting other business activities in accordance with the laws and policies of the State.

Article 3.- The Corporation has:

1. The status of a judicial person as prescribed by Vietnamese law;

2. A Statute on its organization and operation, and an apparatus for management and operation;

3. Capital and assets of its own, and the responsibility for the debts within the capital under the management of the Corporation; 4. A seal, and the right to open accounts at the State treasury and banks at home and abroad;

5. Its own table of property balance and the centralized funds as defined by the Government and directed by the Ministry of Finance.

Article 4.- The Corporation has its international transaction name of VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION, or VINAFOOD II for short.

The head office of the Corporation is located in Ho Chi Minh City.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 6.- The Corporation is managed by the Managing Board and directed by the General Director.

Article 7.- The organization of the Communist Party of Vietnam within the Corporation shall operate in accordance with the Constitution and laws of the State of the Socialist Republic of Vietnam and the regulations of the Communist Party of Vietnam.

The Trade Union and other socio-political organizations within the Corporation shall operate in accordance with the Constitution and laws.

Chapter II

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF THE CORPORATION

Part I. RIGHTS OF THE CORPORATION

Article 8.-

1. The Corporation has the right to manage and use the capital, land and other resources allocated to it according to the provisions of law in order to realize the objectives and tasks assigned by the State.

2. The Corporation has the right to re-assign its member units to manage and use resources it receives from the State; and to adjust the resources it has assigned to its member units in case of necessity and in conformity with the overall development plan of the entire Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Corporation has the right to transfer, replace, lease out, use as collateral, or mortgage properties under its management, except for the important equipments and workshops which, under Government regulations, are subject to permission from an authorized State agency, on the principle of capital preservation and development. As regards land which is under its management, the Corporation must handle it in accordance with the Land Law.

Article 9.- The Corporation has the right to manage and organize its business as follows:

1. To organize the apparatus for business management and organization in accordance with the objectives and tasks assigned to it by the State;

2. To renovate technology and equipment;

3. To open branches and representative offices of the Corporation at home and abroad in accordance with the provisions of law;

4. To engage in business in branches and trades suitable for the objectives and tasks assigned to it by the State; to expand the scope of business according to the capability of the Corporation and the needs of the market; to engage in business in other branches and trades if such additions are permitted by authorized State agencies;

5. To take part in drafting the State plan and setting quotas for food import-export, and to act as the center to carry out such plan and quotas. To take part in carrying out the food export plan to repay foreign debts. To cooperate, as the core, with the localities in ensuring order in the purchase, consumption, and import-export of food in the region. To enjoy priority in purchasing, selling or exchanging the national food reserves through annual contracts signed with the Department of National Reserves according to the plan, mechanism and price framework of the State;

6. To select markets and coordinate the division of markets among the member units; to engage in import and export activities according to State stipulations;

7. To determine the buying and selling prices of essential products and services, to set minimum export prices and maximum import prices, except for the products and services of which the prices are set by the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. To delegate powers in the selection, hire, employment and training of labor, select the mode of salary payment and bonus, and execute other rights of the employer as defined by the Labor Code and other legal provisions; to decide the salary and bonus for the laborers on the basis of the per-product salary, cost of services and efficiency of the operation of the Corporation;

10. To invite and receive foreign partners to Vietnam to work with the Corporation; to decide on sending representatives of the Corporation for business, study, study tour and survey abroad; for the President of the Managing Board and the General Director to travel abroad, they must secure permission from the Prime Minister. For other members of the Managing Board to travel overseas, they must have permission from the President of the Managing Board. For the Deputy General Directors and other functionaries in the assisting staff, and the Directors and Deputy-Directors and officials of the member units of the Corporation to travel abroad, the General Director shall decide.

Article 10.- The Corporation has the following rights in financial management:

1. To use the capital and funds of the Corporation to promptly serve business needs on the principle of preservation and efficiency. In case it is necessary to use capital and other funds not in line with their purported use, the principle of repayment shall apply;

2. To mobilize capital for business activities without changing the form of ownership; to issue bonds as prescribed by law; to use the value of the right to use the land associated with properties under the management of the Corporation as collateral for loans from Vietnamese banks in accordance with provisions of law.

3. To establish, manage and use centralized funds, funds of capital depreciation; the ratio of deduction, and the management and use of these funds are effected under the guidance of the Ministry of Finance and as stipulated by the Financial Regulation of the Corporation;

4. To use the remaining profit after discharging all obligations toward the State to establish the fund for development investment and other funds as provided for, and to apportion to the laborers according to the contribution of each of them to the annual business result and to the stock shares;

5. To benefit from the regimes of subsidy, price subsidies and other preferential treatments of the State when carrying out production tasks or providing utilities in service of national defense and security, prevention of natural calamities, public welfare, or when catering products and services which, according to State-set prices, cannot yield enough to cover costs of production and services incurred by the Corporation;

6. To benefit from preferential treatment for investment or re-investment in accordance with the provisions of the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Part II. OBLIGATIONS OF THE CORPORATION

Article 12.-

1. The Corporation has the obligation to receive and use efficiently, preserve and develop the capital assigned to it by the State, including the capital it invests in other businesses; to receive and use efficiently land and other resources allocated to it by the State in order to carry out the business goals and tasks assigned by the State.

2. The Corporation has the obligation to:

a/ Clear all the debts it owes and is owed as recorded in the balance of properties of the Corporation at the time of its establishment;

b/ Pay the international credits that the Corporation uses by decision of the Government;

c/ Pay the credits that the Corporation takes directly or it guarantees under contract with its member units if these units are unable to pay.

Article 13.- The Corporation has the obligation to manage its business operations as follows:

1. To register businesses and operate in line with the businesses it has registered; to bear responsibility before the State for the results of the operations of the Corporation, and before the clients and law for the products and services conducted by the Corporation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To sign economic contracts with partners and organize their implementation.

4. To organize the purchase, preservation, processing, reserve, circulation, importation and exportation, and marketing of all commercial food of the farmers, supply food safely and stably to meet the demand for domestic consumption of food, and take part in stabilizing food price on the domestic market as stipulated by the State for the Corporation. To supply food to the Northern Food Corporation within the time limit and with the quantity and the quality specified by the State's mobilization plan. The food units from Thua Thien - Hue province northwards must observe the guidance and have the approval of the Corporation concerning the areas, quantity and buying price when they want to go south to buy food.

5. To renew and modernize technology and the managerial mode; to spend revenues from property transfer to re-invest and renew equipment and technology of the Corporation.

6. To discharge obligations toward the laborers in accordance with provisions of the Labor Code, and to ensure that the laborers take part in the management of the Corporation.

7. To implement State provisions on the environment and ensuring national defense and security.

8. To observe the regime of filing statistical reports and periodical reports as required by the State, and irregular reports at the request of the representative of the owner; to take responsibility for the accuracy of the reports.

9. To be subject to the control of the representative of the owner; to comply with the provisions on inspection set by the financial service and other authorized State agencies as provided for by law.

Article 14.-

1. The Corporation has the obligation to implement properly the regimes and provisions on management of capital, properties and funds, accounting, audit and other regimes set by the State; and take responsibility for the accuracy of the financial activities of the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Corporation shall discharge its obligations in tax and other contributions to the State budget as provided for by law. In case of transfer of properties among its member units through increase or decrease recordings of their capital, such transfers are exempt from registration tax. Paddy and rice transferred among member units for continued processing or according to the Corporation's annual regulation plan to fulfill the task of meeting food demand in different localities, stabilizing food price, including paddy and rice of the Corporation transported to the North according to the State's regulation plan to meet food demand and stabilize food price, are exempted from turnover tax.

Chapter III

THE MANAGING BOARD AND THE CONTROL COMMISSION

Article 15.-

1. The Managing Board performs the function of managing the operations of the Corporation and is responsible before the Government for the development of the Corporation in accordance with the tasks assigned by the State.

2. The Managing Board has the following powers and tasks:

a/ To receive capital (including debts), land and other resources assigned by the State to the Corporation;

b/ To consider and approve the plan proposed by the General Director on the allocation of capital and other resources to the member units and the plan for distribution of capital and other resources among the member units; to control and supervise the implementation of these plans.

c/ To control and supervise all activities within the Corporation; the use, preservation and development of the assigned capital and other resources; the implementation of resolutions and decisions of the Managing Board, the provisions of law; the discharge of obligations toward the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To organize the evaluation and submit to the authorized agencies for approval the plans for investment, projects of new investment and projects for investment cooperation with foreign partners using the capital of the Corporation;

f/ To submit to the Prime Minister for approval and, if mandated by the Prime Minister, to make decisions on projects of joint venture with foreign countries in accordance with the provisions of the Government; to make decisions on projects of joint venture with domestic partners and other economic contracts of high value. To submit to the Prime Minister for decision on investment projects of Group A; to be mandated to make decisions on investment projects of Group C and a number of projects of Group B; to mandate the General Director or Directors of member units to approve small investment projects. To approve the plan for organization of the management and business operation of the Corporation proposed by the General Director. To propose the establishment, split, merger and dissolution of member units in accordance with the provisions of law;

g/ To issue and supervise the implementation of the techno-economic norms and standards including salaries, prices and norms in specialized construction, product quality, trade mark, and product and service prices within the Corporation at the proposal of the General Director on the basis of the general provisions within the branch and in the country as a whole;

h/ To draft and submit to the Prime Minister for approval the Statute, and any amendments and supplements to the Statute on organization and operation of the Corporation. To ratify the Statutes and Regulations on the organization and operation of the member units and the amendments and supplements to them upon the proposal of the General Director. To decide the opening of branches and representative offices of the Corporation inside and outside the country in accordance with the provisions of law; to design the Financial Regulation of the Corporation on the basis of the Model Financial Regulation and submit it to the Ministry of Finance for approval before deciding to issue it;

i/ To submit to the Prime Minister decisions to appoint, dismiss, reward or discipline the General Director; to submit to the Minister of Agriculture and Food Industry decisions to appoint, dismiss, reward or discipline the Deputy General Directors and the Chief Accountant of the Corporation at the proposal of the General Director; to decide to appoint, dismiss, reward or discipline the Directors of the member units at the proposal of the General Director; to decide the size of the managerial and executive apparatus of the Corporation and modify it when necessary, at the proposal of the General Director;

j/ To approve plans proposed by the General Director on the establishment and use of the centralized funds corresponding to the plans for business and finance of the Corporation;

k/ To consider the plans for capital mobilization (in all forms), to guarantee the loans; to liquidate properties of the member units in order to decide, or submit to the Prime Minister for decision, in accordance with the principles stipulated in Item 4, Article 38 of this Statute;

l/ To approve the quarterly, half-yearly and yearly operation reports of the Corporation, the annual general financial statements (including the property balances) of the Corporation and the member units as proposed by the General Director, and to request the General Director to make public the annual financial statement in accordance with the provisions of the Ministry of Finance;

m/ To issue the regulation on protecting business secrets, internal economic information and State secrets in accordance with the provisions of law, as proposed by the General Director for uniform application in the entire Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Managing Board is composed of a number of full-time members including the President of the Board, a member who is the General Director and a member who is the Chairman of the Control Commission, and a number of part-time members who are experts in the fields of food and agricultural materials, economics, technology, finance, business administration and law.

5. The President of the Managing Board shall not be also the General Director of the Corporation.

6. The term of office of the members of the Managing Board is five years. The members of the Managing Board may be re-appointed. A member of the Managing Board shall be dismissed and replaced in the following cases:

a/ Violating law or the Statute of the Corporation;

b/ Incapable of performing the assigned duties. The dismissal or replacement is proposed by at least two-thirds of the incumbent members of the Managing Board;

c/ Personally asking to withdraw with plausible reasons;

d/ Being transferred out or assigned to another work.

7. The President of the Managing Board is responsible for organizing the execution of the tasks, and exercise of the powers, of the Corporation as stipulated in Item 2 of this Article.

8. Work regime of the Managing Board:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The President of the Managing Board convenes and presides over all meetings of the Board; in case of his/her absence for sound reasons, the President shall delegate a member of the Board to preside over the Board's meeting;

c/ A meeting of the Managing Board is considered valid if it is attended by at least two-thirds of the Board members. The documents for the meeting of the Board must be sent to the members of the Board and the invited delegates at least five days in advance. The contents and conclusions of all the meetings of the Managing Board shall be recorded in minutes which shall be signed by all the attending Board members. The resolutions and decisions of the Managing Board shall be valid when they have the approval of over 50% of the Board members. The members of the Managing Board have the right to reserve their opinions;

d/ When the Managing Board meets to consider matters concerning the development strategy, five-year and annual plans, large investment projects, projects of joint venture with foreign partners, annual financial statements and introduction of new systems of technico-economic norms and standards of the Corporation, it must invite authorized representatives of the concerned ministries and branches to attend; in case the meeting discusses important issues related to the local authorities, it must invite representatives of the provincial People's Committee to attend; in case it is related to the rights and obligations of the laborers of the Corporation, it must invite the representative of the Trade Union of the branch. The representatives of the concerned agencies and organizations invited to the meeting have the right to speak but shall not vote; when they find that the resolution or decision of the Managing Board is detrimental to the common interests, they have the right to lodge their complaints in writing to the Managing Board and, at the same time, to report to the Heads of the agencies they represent for consideration and settlement in accordance with their jurisdiction. In case of necessity, the Heads of these agencies may report the matter to the Prime Minister.

e/ The resolutions and decisions of the Managing Board are binding on the entire Corporation. In case the opinion of the General Director differs from the resolution and decision of the Managing Board, he/she has the right to make reservations and recommend that the authorized State agencies settle the difference; pending such a settlement, the General Director must abide by the resolutions and decisions of the Managing Board.

f/ The expenses incurred by the operation of the Managing Board, the Control Commission, including the salary and allowances for the members of the Board, the Control Commission and the assisting experts of the Managing Board, are accounted for in the managerial expenses of the Corporation. The General Director shall ensure the provision of the necessary conditions and facilities for the work of the Managing Board and the Control Commission.

Article 16.- The assisting staff for the Managing Board:

1. The Managing Board employs the managerial apparatus and the seal of the Corporation to carry out its tasks.

2. The Managing Board has from 3 to 5 assisting experts who work full time.

3. The Managing Board shall establish the Control Commission to assist it in monitoring and supervising the General Director, the assisting staff and the member units of the Corporation in their managerial and financial operations and their observance of the Statute of the Corporation, the resolutions and decisions of the Managing Board and State law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The full-time members have their basic salaries as State functionaries, are paid according to the wage scale set by the Government for State-owned enterprises, and are rewarded according to the business efficiency of the Corporation. The part-time members are provided with responsibility allowances and bonuses as provided for by the Government.

2. The members of the Managing Board:

a/ Shall under no circumstances place themselves in a position to restrain their capacity to operate in honesty and disinterestedness, or to sow contradictions between the interests of the Corporation and individual interests;

b/ Shall not abuse their powers to make personal profits or usurp business opportunities of the Corporation to the detriment of the latter;

c/ Shall not act beyond the powers of the Managing Board as stipulated in this Statute.

3. The members of the Managing Board who are the President of the Board and the General Director of the Corporation are not allowed to establish private businesses, limited liability companies or joint stock companies in their names; or to hold managerial and executive posts in private businesses, limited liability companies or joint stock companies; or entertain any relations of economic contract with private businesses, limited liability companies or joint stock companies in which the managerial or executive posts are held by their spouses, parents, or children.

4. Spouses, parents, children and siblings of the President of the Managing Board and the General Director shall not hold the posts of Chief Accountant and Cashier at the Corporation and the member units.

5. The members of the Managing Board are responsible before the Prime Minister and before law for all resolutions and decisions of the Managing Board; in case they fail to fulfill their assigned tasks, violate the Statute of the Corporation, take an erroneous decision, exceed their jurisdiction, or abuse their powers, thus causing losses to the Corporation and the State, they shall be held responsible and obliged to make material compensation for the losses they have caused as provided for by law.

Article 18.- The Control Commission:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The members of the Control Commission shall not be spouses, parents, or siblings of the General Director, Deputy General Directors and Chief Accountant of the Corporation, and shall not be assigned any other task in the managerial apparatus of the Corporation or hold any position in other food businesses outside the Corporation.

3. The members of the Control Commission shall have the following criteria:

a/ Being an expert at accounting, audit, economics and the technology of food culture and processing; knowledgeable of law;

b/ Having a professional experience of no less than five years in such branches;

c/ Having no previous convictions related to economic activities.

4. The term of office of the members of the Control Commission is five years. If they fail to fulfill their tasks, they shall be replaced.

5. The members of the Control Commission shall receive salaries and bonuses as decided by the Managing Board in accordance with the State regime.

Article 19.- The tasks, powers and responsibilities of the Control Commission:

1. To carry out duties assigned by the Managing Board in monitoring and supervising the executive operations of the General Director, the assisting staff and the member units of the Corporation in terms of finance and observance of law, the Statute of the Corporation, and the resolutions and decisions of the Managing Board.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Not to reveal results of the control or supervision without the permission of the Managing Board; to be responsible before the Managing Board and law if it intentionally overlooks or covers up law-breaking activities.

Chapter IV

THE GENERAL DIRECTOR AND THE ASSISTING APPARATUS

Article 20.-

1. The General Director is appointed, dismissed, rewarded and disciplined by the Prime Minister at the proposal of the Managing Board. The General Director is the juridical representative of the Corporation and is responsible before the Managing Board, the Prime Minister and before law for his/her conduct of the operations of the Corporation. The General Director has the highest executive power in the Corporation.

2. The Deputy General Director is the assistant to the General Director in the conduct of one or a number of fields of activity of the Corporation on assignment of the General Director, and is responsible before the General Director and law for his/her undertaking of that assignment.

3. The Chief Accountant of the Corporation assists the General Director in directing and organizing the work of accounting and statistics of the Corporation, and has the powers and tasks as prescribed by law.

4. The Office of the Corporation and the specialized sections (divisions) have the functions of advising and assisting the Managing Board and the General Director in the managerial and executive work.

Article 21.- The General Director has the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To use efficiently, preserve and develop the capital in line with the plans approved by the Managing Board. To design the plans for capital mobilization, submit them to the Managing Board for approval, and organize their implementation. To implement and direct the Financial Company of the Corporation to carry out the mobilization of capital and the lending out of the mobilized capital to meet the need in capital of the Corporation and its member units.

3. To design the development strategy, long-term and annual plans, operation programs, schemes for purchase, marketing, import and export of food of the Corporation, projects of new and intensive investment, projects of investment cooperation with foreign partners, plans for joint venture, plans for coordinated business activities among the member units, plans for training and fostering the personnel of the Corporation, and measures for implementation of economic contracts of large economic value to submit to the Managing Board for consideration and decision, or for subsequent submission to authorized State agencies for decision. To organize the implementation of the strategy, plans, schemes, projects and measures which have been approved.

4. To conduct the business operations of the Corporation; to be responsible for the results of business operation of the Corporation; to ensure food balance in the region assigned to the Corporation by the State; to be responsible before the Managing Board, the Prime Minister and before law for the activities for stabilizing the price of food in the region, thus contributing to the stabilization of food price in the country.

5. To design and submit to the Managing Board for approval the technico-economic norms, product standards, salary scale, unit prices and norms in rice husking, specialized construction, the buying and selling prices of food and agricultural materials and service charges for uniform application in the entire Corporation in conformity with the general provisions of the branch and the State. To organize and monitor the application of these norms, standards, unit prices and charges in the entire Corporation.

6. To propose to the Managing Board to submit to the Minister of Agriculture and Food Industry to decide the appointment or dismissal, reward or discipline of the Deputy General Director and the Chief Accountant of the Corporation; to propose to the Managing Board to decide the appointment or dismissal, reward or discipline of Directors of member units. To appoint, dismiss, reward or discipline the Deputy Directors and Chief Accountants of member units, Directors of units attached to member units and functionaries of equivalent ranks, at the proposal of the Directors of member units. To appoint, dismiss, reward or discipline the Chiefs or Deputy Chiefs of sections (divisions), the Chief and Deputy Chiefs of the Office of the Corporation.

7. To design and submit to the Managing Board for approval the overall payroll of the managerial staff of the Corporation, including the plans for modifications when there are changes in the organization and payroll of the managerial staff of the Corporation as well as those of the member units; to establish and directly operate the assisting apparatus; to monitor the realization of assisting staffs in the managerial apparatuses of the member units; to submit to the Managing Board for approval of the Statutes and Regulations on organization and operation of the member units designed by the Directors of the member units; and to approve plans for establishment, reorganization and dissolution of the units attached to the member units as proposed by the Directors of the member units.

8. To design and submit to the Managing Board for approval the Regulation on labor, the Regulations on salary, reward and discipline, and the Regulation on secrecy protection to be applied within the Corporation.

9. To organize and direct the operation of the Corporation according to the resolutions and decisions of the Managing Board; to report to the Managing Board and authorized State agencies on the business results of the Corporation, including the quarterly, half-yearly and yearly reports, general financial statements and the balances of properties of the Corporation.

The synthetic financial statement shall clearly present the concentrated-accounting of the Corporation and the accounting done by the independent accounting member units, and shall be submitted to the Managing Board for approval. The general financial statement must be based on the data confirmed by legally registered audit agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. To supply adequately documents requested by the Managing Board and the Control Commission. To prepare documents for the meetings of the Managing Board.

12. To be subject to the control and supervision of the Managing Board, the Control Commission and the authorized State agencies, with regard to the conduct of his/her executive duties.

13. To have the right to take measures beyond his/her authority in cases of emergency (natural disaster, enemy sabotage, fire and accident) and be held responsible for those decisions; and at the same time to report the incident immediately to the Managing Board and authorized State agencies for further settlement.

Chapter V

THE COLLECTIVE OF LABORERS IN THE CORPORATION

Article 22.- The Congress of the Workers and Employees in the Corporation is the form of direct participation by the laborers in the management of the Corporation. The Congress of the Workers and Employees has the following rights:

1. To take part in the discussion to work out the collective labor bargain for the representative of the collective of laborers to negotiate and sign with the General Director.

2. To discuss and approve the regulation for the use of the funds directly related to the interests of the laborers in the Corporation.

3. To discuss and contribute opinions to the schemes, plans and assessments of the efficiency of business management, to propose measures for labor protection, improved working conditions and material and spiritual life, environmental sanitation, and for training and retraining laborers of the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 23.- The Congress of the Workers and Employees is held and operates under the guidance of the Vietnam General Confederation of Labor.

Chapter VI

MEMBER UNITS OF THE CORPORATION

Article 24.-

1. The Corporation has its member units which are State-owned enterprises operating on independent ccounting, dependent accounting, and as non-business units (See the list given in the Appendix attached to this Statute).

2. The member units of the Corporation have their own seals and are allowed to open their own bank accounts in line with their accounting modes.

3. The member units which are independent or dependent-accounting units shall have their own Statutes on organization and operation; the non-business units of the Corporation shall have their own Statutes on organization and operation. These Statutes and Regulations shall be approved by the Managing Board in compliance with law and the Statute of the Corporation.

Article 25.- The member unit which is a State-owned enterprise operating on independent accounting:

1. The independent-accounting State enterprise which is a member of the Corporation has the autonomy in business and finance, and is bound by interests and obligations to the Corporation as provided for in the Statute of the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To mandate the Director of the member enterprise to manage and conduct the operation of that enterprise in compliance with its Statute as approved by the Managing Board of the Corporation. The Director of an independent-accounting member enterprise is responsible before the Managing Board and the General Director of the Corporation, and before law, for the operation of the enterprise;

b/ To appoint, dismiss, reward and discipline the Director, Deputy Directors, and Chief Accountant;

c/ To approve plans and control the implementation of plans and the financial statement of accounts; to set the levels of funds for reward and welfare of the enterprise under the guidance of the Ministry of Finance and in accordance with the Financial Regulation of the Corporation;

d/ To deduct part of the capital depreciation fund and after-tax profit, as provided for by the Financial Regulation of the Corporation and under the guidance of the Ministry of Finance, to contribute to the centralized funds of the Corporation to be used for reinvestment and for investment projects at member units;

e/ To approve schemes and plans for expanded investment, intensive investment, joint venture, to complement or partially retrieve capital, transfer shares managed by the Corporation but held by the member units;

f/ To regulate financial sources, including foreign exchange, among the member units with a view to using the capital most efficiently within the entire Corporation on the principle that the total asset of the enterprise whose capital is withdrawn shall not be smaller than the total amount of the debts and the legal capital after adjustment to suit the tasks or size of that enterprise;

g/ To approve the modes of salary payment, salary scale and measures to ensure the living and working conditions of the workers and employees of the enterprise;

h/ To decide on expanding or narrowing the scope of business of the member enterprises in accordance with the overall development strategy of the Corporation;

i/ To approve the Statute on organization and operation of the enterprise, including the assignment of power to the Director of the enterprise on organization of the managerial apparatus of the enterprise; to recruit, reward, promote and discipline workers and employees; to set credit limits (borrowing, lending and on-credit purchase and sale); to purchase and sell assets and stocks of joint-stock companies; to purchase and sell patents and acquire technology transfers; to take part in joint venture units and economic associations; and to decide on other matters related to the autonomy of a State enterprise as provided for by the Law on State Enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26.- The member unit of the Corporation which is an enterprise of independent accounting is responsible for the debts and commitments within the capital that it manages and uses, namely:

1. In the strategy and development investment:

a/ The enterprise is assigned to organize the implementation of projects of development investment according to the plan of the Corporation. The enterprise is assigned resources by the Corporation to undertake these projects;

b/ The enterprise may make investments on its own in development works and projects which are not included in the schemes directly conducted by the Corporation. In this case, the enterprise has to mobilize capital on its own and be responsible for it financially.

2. In business operation, the enterprise shall design, and organize the implementation of, its own plan on the basis of:

a/ Ensuring that the objectives, targets and macro balances, the main technico-economic norms (including unit price and prices) of the enterprise are in conformity with the overall plan of the Corporation;

b/ The plan for expanded business operation being based on the optimal use of all resources that the enterprise has at its disposal and can mobilize, and conforming to the market needs.

3. In financial operation and economic accounting:

a/ The enterprise shall receive part of the capital and other resources of the State allocated to the Corporation and reassigned to the enterprise by the Corporation. The enterprise has the task of preserving and developing these capital and resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The enterprise is allowed to set up funds for capital construction, production development, reward, welfare and financial reserve in accordance with the Financial Regulation of the Corporation as approved by the Managing Board and guided by the Ministry of Finance. The enterprise has the obligation to contribute to, and use, the centralized funds of the Corporation in accordance with the Statute of the Corporation and the decisions of the Managing Board;

d/ The enterprise shall have to pay taxes and perform other financial obligations (if any) in compliance with law;

e/ The enterprise may be mandated by the Corporation to undertake contracts with clients at home and abroad on behalf of the Corporation.

4. In organization, personnel and labor:

a/ The enterprise has the right to propose the Corporation to consider and decide, or may be mandated by the Corporation to decide, the establishment, reorganization or dissolution of its attached units and the organization of its managerial apparatus, in accordance with the Statute of the Corporation and its own Statute;

b/ Within its payroll as allowed by the Corporation, the enterprise has the right to recruit, assign or dismiss workers and employees within its managerial and business apparatus. The appointment and dismissal of personnel holding positions in the managerial apparatus of the enterprise and its attached units, and the positioning and application of the salary regime must comply with the delegation of power by the Corporation as provided for in this Statute;

c/ The enterprise has the responsibility to attend to the development of human resources to ensure the implementation of its development strategy and its business tasks; to attend to the improvement of the working and living conditions of the laborers in compliance with the provisions of the Labor Code and the Law on Trade Union.

Article 27.- The member unit which is a dependent-accounting enterprise:

1. Has autonomy in business as delegated by the Corporation, and is bound by obligations and interests to the Corporation. The Corporation bears the final responsibility for the financial obligations originating from this commitment of the member units;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28.- The non-business unit has its organizational and operational Regulation approved by the Managing Board; it is allowed to cover its expenses with its revenues, to generate its own revenues by conducting services and contracts on scientific research and personnel training for units at home and abroad; to benefit from the funds for reward and welfare as provided for by State regime and, if this benefit is lower than the average level of the Corporation, it may be supported by the funds for rewards and welfare of the Corporation.

Article 29.-

1. The Financial Company is an independent-accounting member enterprise of the Corporation, operating under law and guidance of the Governor of the State Bank, the Statute on organization and operation approved by the Managing Board, and under the direction of the General Director of the Corporation.

2. The Financial Company performs the task of mobilizing capital to cater loans to meet the need in capital of the Corporation and its other member units, through taking preferential credits from the Government, commercial credits from banks and financial institutions at home and abroad; issuing shares and bonds of the enterprise or its projects, sales and purchases of documents and bills of value provided for by law; mobilizing idle capital from the workers and employees of the Corporation and units of the same technico-economic branch in which the Corporation operates.

3. The Financial Company carries out the mobilization of capital for investment projects of the Corporation, and provides other services as stipulated by its Statute and the Regulation for Financial Companies in Corporations issued by the State Bank. With regard to large projects, the investors sign the contracts directly, while the Financial Company plays the role of service provider.

4. The units shall use capital provided by the Financial Company on the borrowing-and-repayment principle, with an internal interest proposed by the Financial Company and approved by the General Director of the Corporation on mandate of the Managing Board.

5. The Financial Company shall take paddy pawned by farmers and grant loans to them in the form of materials, fertilizer and small farm tools to create conditions for the farmers to have the initiative in producing and marketing food.

Chapter VII

MANAGEMENT OF THE CAPITAL CONTRIBUTED BY THE CORPORATION AND ITS MEMBER UNITS TO OUTSIDE ENTERPRISES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30.- With regard to the capital contributed by the Corporation to outside enterprises, the Managing Board has the following rights and obligations:

1. To approve the plan of capital contribution designed by the General Director for decision, or for submission to the Head of the authorized State agency for decision according to the delegation of authority as stipulated in Point (f), Par. 2, Article 15 of this Statute.

2. At the proposal of the General Director, to appoint, dismiss, reward or discipline the personnel directly involved in the management of the capital contributed by the Corporation to outside enterprises.

3. To supervise and control the use of the capital contributed by the Corporation to outside enterprises; to be responsible for the efficiency of the use, preservation and development of the contributed capital and to collect the profit deriving from the capital contributed by the Corporation to outside enterprises.

Article 31.- The rights and obligations of the personnel directly involved in the management of the capital contributed by the Corporation to outside enterprises:

1. To assume managerial posts at the enterprise with capital contributed by the Corporation, in line with the Statute of the enterprises;

2. To monitor and supervise the operation of the enterprise;

3. To report to, and be responsible before, the Managing Board of the Corporation on the efficiency of the use of the capital contributed by the Corporation to the enterprise.

Part II. MANAGEMENT OF THE CAPITAL CONTRIBUTED BY INDEPENDENT-ACCOUNTING MEMBER UNITS TO OUTSIDE ENTERPRISES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To design schemes for capital contribution to submit to the General Director for approval by the Managing Board.

2. To appoint, dismiss, reward and discipline the personnel directly involved in the management of the capital that the enterprise contributes to outside enterprises.

3. To supervise and control the use of the capital that the enterprise contributes to outside enterprises; to be responsible for the efficiency of the use, preservation and development of the contributed capital; to collect the profit from that capital.

Article 33.- The rights and obligations of the personnel directly managing the capital contributed by the enterprise to outside enterprises:

1. To assume managerial posts at the enterprise to which his/her enterprise contributes capital according to the Statute of that enterprise.

2. To monitor and supervise the operation of the enterprise to which his/her enterprise contributes capital.

3. To report to the Director as required by regulation; to be responsible before the Managing Board of the Corporation and the Director for the efficiency of the use of his/her enterprise's capital contributed to the enterprise where he/she is assigned to take part in the management and operation.

Part III. JOINT VENTURE UNITS

Article 34.- The joint ventures, that the Corporation or its member unit takes part in, are managed, directed and operated in accordance with the Law on Foreign Investment, the Corporate Law and other related laws of Vietnam. The Corporation or its member units shall perform all rights, obligations and responsibilities toward these joint ventures in terms of financial operation in accordance with law and the signed contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FINANCE OF THE CORPORATION

Article 35.- The Corporation applies the regime of general accounting and financial autonomy in its business operation in line with the Law on State Enterprises, other legal provisions and the Statute of the Corporation.

Article 36.-

1. The statutory capital of the Corporation is composed of:

a/ The capital assigned by the State at the point of establishment of the Corporation;

b/ The additional capital allocated by the State (if any);

c/ The part of the after-tax profit which is added to the capital in accordance with current regulations;

d/ The capital from other sources (if any).

2. When increases or decreases occur in the statutory capital, the Corporation has to make prompt adjustments in its property balance and make public its adjusted statutory capital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Corporation is authorized to establish and use centralized funds to ensure a highly efficient development of the Corporation.

2. The centralized funds of the Corporation are established under provisions of the Statute of the Corporation, its Financial Regulation (if any) and by decision of the Managing Board. They include:

a/ The fund for development investment established from the fund of capital depreciation and the profits from the member units according to provisions of the Ministry of Finance, the profits from the capital that the Corporation contributes to ouside enterprises, and funds from other sources.

The capital depreciation fund and profits from re-investment of the dependent accounting units of the Corporation shall be pooled to the Corporation to provide investment according to annual plans.

The Corporation, when mobilizing funds from capital depreciation of the independent-accounting member units, shall do it on the borrowing-and-repayment principle with internal interest rate as approved by the General Director on mandate of the Managing Board and under the guidance of the Ministry of Finance;

b/ The reserve fund for circulation to ensure a normal performance of the task of food trade is established from the business capital fund of the Corporation, of which the part from bank loans may enjoy a preferential interest rate when necessary. If the sale of food at a price fixed by the State to help stabilize the food market price causes losses to this fund, it shall be subsidized by the price-subsidy fund of the State.

c/ The fund for scientific research and concentrated training which is used to cater to the units tasked to conduct scientific research and training and retraining of personnel within the entire Corporation, is drawn from the fund for production development of the member units, the budget for non-business and training activities provided by the State (if any), and from other sources, including revenues from services and contracts on scientific research and training signed with enterprises and public service units at home and abroad;

d/ The fund for subsidization of food production before and after harvest is formed on the existing sources allocated by the State to the Corporation and replenished annually by the after-tax profits of the Corporation (and its member units) and other subsidy sources. In case this fund is used to carry out the agricultural promotion task assigned by the State, it shall be subsidized under the State's current policy;

e/ The funds for financial reserve, reward and welfare are formed on contributions made under the guidance of the Ministry of Finance. The detailed contribution ratios to, and the use of, these funds are provided for in the Financial Regulation of the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Corporation operates on the principle of financial autonomy, balancing its own revenue and expenditure, and taking responsibility for preserving and developing its sources of capital for business, including the capital contributed by other enterprises;

2. The Corporation is responsible for clearing all debts prescribed in the property balance of the Corporation and its other financial commitments (if any);

3. The Corporation shall control and supervise the financial activities within the entire Corporation;

4. All the credit relations (borrowing, lending, on-credit sales and purchases, guarantee) between the Corporation and outside partners shall comply with the quotas assigned to each transaction under provision of the Ministry of Finance.

5. The Corporation is responsible for designing, submitting and registering financial plans and reports, the property balances of the Corporation to report to the authorized agencies, and the annual financial statement to submit to the Ministry of Finance. The Ministry of Finance shall control and approve the annual financial statement of the Corporation.

6. The Corporation is authorized to collect all the revenues at home and abroad from the trade in food and agricultural materials as agreed in contracts; and submit these revenues to the budget under the guidance of the Ministry of Finance.

7. The Corporation is responsible for paying all taxes and other financial obligations prescribed by law and by the Financial Regulation of the Corporation, except for the taxes that the member units already pay on their own. It is allowed to use part of the profit after paying the taxes as prescribed by current law.

8. The profit that the Corporation or its member units receive on its capital contribution to outside enterprises is exempt from profit tax if these outside enterprises have already paid them before making the dividend.

9. The financial operation of the member units of the Corporation and the financial relations between the Corporation and its member units must abide by the Statute and the Financial Regulation of the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. The Corporation has to strictly comply with the Ordinance of Accounting and Statistics and the current regime on financial accounting and reporting for State enterprises.

12. The Corporation is subject to the control and supervision of the authorized State agencies in financial and business activities as stipulated by law.

Chapter IX

RELATIONS BETWEEN THE CORPORATION AND STATE AGENCIES AND LOCAL AUTHORITIES

Article 39.- Relations with the Government:

1. To strictly observe law and implement the Government provisions related to State corporations and enterprises;

2. To implement the plans and development strategy of the Corporation within the overall State plans and strategy for the development of the branch and territory;

3. To observe the regulations on establishment, splitting, merger and dissolution; the policies on organization and personnel; the regimes for finance, credit, tax, profit collection; the regimes on accounting and statistics.

4. To be subject to control and supervision over the implementation of law, decisions, policies and regimes of the State within the Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To manage and use the capital, properties, land and other resources assigned to it by the State to carry out its business tasks and to preserve and develop those resources;

7. To enjoy allowances and price subsidies and other regimes as provided for by the Government.

Article 40.- Relations with the Ministry of Finance:

1. The Corporation is subject to the control and State management of the Ministry of Finance in:

a/ Complying with the regimes on finance, accounting, tax, organization of the accounting apparatus;

b/ Making financial audit and internal audit within the Corporation.

2. The Ministry of Finance is the Government agency assigned with the task of performing a number of functions of the owner and controller of the Corporation in:

a/ Determining the capital, natural resources and other resources assigned to the Corporation by the State for management and use;

b/ Controlling and ensuring the efficiency of the use, preservation and development of the capital and other resources assigned to the Corporation in operation as reflected in the annual financial statement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Issuing the Model Financial Regulation, and approving the Financial Regulation of the Corporation.

3. The Corporation is subject to the control and supervision of its finance and other matters by the Ministry of Finance.

4. The Corporation has the right to recommend solutions, mechanisms, financial policies, credits and other matters related to the Corporation; to propose to the Ministry of Finance and the Prime Minister to approve transfers of properties of high value, investment cooperation with foreign partners and other economic sectors, credit relations above norms, discharge of financial obligations, distribution of after-tax profit, liquidation of properties of the Corporation, and additions to the budget of the Corporation.

Article 41.- Relations with the Ministry of Agriculture and Food Industry:

1. With its State management function, the Ministry of Agriculture and Food Industry is controlling the Corporation by:

a/ Issuing quality standards for products; technological norms, including for the importation of incomplete and complete equipment; setting technico-economic norms for the branch; directly monitoring and supervising the Corporation in its implementation of those standards and norms;

b/ Designing and issuing plans and orientations for development of the technico-economic branches, and directly controlling the Corporation in its implementation of those plans and orientations;

c/ The Corporation is responsible for the implementation of the above provisions and is allowed to make recommendations to the Ministry of Agriculture and Food Industry on the above-described contents.

2. With the tasks assigned by the State to perform a number of State-ownership rights, the Ministry of Agriculture and Food Industry controls the Corporation in:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Together with the agencies mandated by the Prime Minister, making preparations to submit to the Prime Minister for appointment, dismissal, reward or discipline of members of the Managing Board or the General Director of the Corporation;

c/ Appointment, dismissal, reward or discipline of the Deputy General Director and Chief Accountant of the Corporation; recommendation of candidates to the Control Commission of the Corporation;

d/ Taking part in the allocation of capital and other resources to the Corporation, controlling the operation of the Corporation. The Corporation is responsible for reporting as required by the State regulation and at the request of the Ministry of Agriculture and Food Industry;

e/ Directing the Corporation in ensuring the food balance of the State and in stabilizing food price in the region and in the country as a whole;

f/ The Corporation is also subject to the control and supervision of the Ministry of Agriculture and Food Industry in other areas of its jurisdiction as stipulated by law.

Article 42.- The other Ministries, the ministerial-level Agencies and the Agencies attached to the Government, in their capacity as State-management bodies, shall control the Corporation in:

1. The implementation of the technico-economic norms, product and quality standards in line with the branch and national standards;

2. The implementation of the regulations on environmental protection;

3. The participation in the evaluation of investment projects along the development strategy and plans for the technico-economic branch and the regional economic planning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The exercise of the interests and obligations for the laborers in the Corporation as provided for by law;

6. The Corporation is subject to the control, inspection and supervision of these agencies in areas of their jurisdiction as prescribed by law.

Article 43.- With regard to the local authorities in their capacity as State-management bodies on geographical areas, the Corporation is subject to their State management, must comply with the administrative regulations and discharge obligations toward the People's Councils and People's Committees of various levels as provided for by law.

Chapter X

REORGANIZATION, DISSOLUTION AND BANKRUPTCY

Article 44.- The reorganization of the Corporation is proposed by the Managing Board, and considered and approved by the Prime Minister.

Article 45.- The Corporation shall be dissolved in case the Prime Minister sees that it is no longer necessary to maintain it. In taking the decision to dissolve of the Corporation, the Prime Minister shall set up a Dissolution Council. The properties of the dissolved Corporation, after clearing all payments as required by the provision of law, shall belong to State ownership.

Article 46.- The reorganization, splitting, merger, dissolution and establishment of new member units of the Corporation shall be proposed by the Managing Board for the Prime Minister to consider and decide.

Article 47.- The Corporation and its member units, which lose the capability to repay their due debts, shall be dealt with in accordance with the provisions of the Law on Bankruptcy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 48.- This Statute shall apply to the Vietnam Southern Food Corporation. All the individuals and member units of the Vietnam Southern Food Corporation are responsible for implementing this Statute.

This Statute takes effect from the date of the signing of the promulgation Decree.

Article 49.-

1. Proceeding from the Law on State Enterprises and the Statute of the Corporation, the member units of the Corporation shall, depending on their mode of organization, design their own Statutes and Regulations on their organizations and operations, so that the General Director can present them to the Managing Board for approval. The Statutes and Regulations of the member units shall not contradict the Statute of the Corporation.

2. In case amendments and supplements to the Statute of the Corporation are needed, the Managing Board shall submit to the Prime Minister for decision. The member units of the Corporation, when making any amendments and supplements to their Statutes and Regulations on organization and operation, shall have their cases presented by the General Director to the Managing Board for approval.

Article 50.- In case the documents of the Government, the Ministries, the Agencies at ministerial level, the Agencies attached to the Government, and the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government, and the Decisions to establish member units, contain provisions which differ from this Statute, the Statute of the Corporation shall apply if the Government so authorizes.

 

APPENDIX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



I. LIST OF MEMBER UNITS OF THE VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION

(At the time of establishment of the Corporation)

A. INDEPENDENT-ACCOUNTING STATE ENTERPRISES:

1. The Saigon First-Level Food Company,

2. The Export Food Processing and Trading Company,

3. The Subsidiary-Food Processing and Trading Company,

4. The Food Transport and Trading Company,

5. The Cao Lanh First-Level Food Company,

6. The Binh Dong Wheat Flour Company,

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. The Tan Binh Dong Mill,

9. The Central Food Company III,

10. The Quang Nam - Da Nang Food Company,

11. The Quang Ngai Food Company,

12. The Binh Dinh Food Company,

13. The Phu Yen Technical Materials Company,

14. The Khanh Hoa Food Company, (1)

15. The Ninh Thuan Food Company,

16. The Binh Thuan Food Company,

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



18. The Kontum Export-Import and Investment Company,

19. The Dong Nai Food and Foodstuff Processing and Trading Company,

20. The Long An Food Company,

21. The Tien Giang Food Company,

22. The Can Tho Food Company,

23. The An Giang Food Company,

24. The Vinh Long Food and Foodstuff Company,

25. The Dong Thap Food and Agricultural Materials Export-Import Company,

26. The Ben Tre Food Company, (2)

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



28. The Tra Vinh Food Export-Import Company, (3)

29. The Soc Trang Food Company,

30. The Minh Hai Food Company,

31. The Southern Food Financial Company,

B. DEPENDENT-ACCOUNTING UNITS:

1. The Vung Tau Holiday Center.

C. NON-BUSINESS UNITS:

1. The Food and Foodstuff Vocational School No.II.

II. LIST OF JOINT-VENTURE UNITS WITH CAPITAL CONTRIBUTION FROM THE VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Viet-My Export Rice Processing Joint Venture Company,

2. The Viet Nguyen Rice Processing Joint Venture Company,

3. The Thi Vai Flour Joint Venture Company (VINAFOOD GOLDCOVI).-

Footnotes:

(1) On the basis of reorganizing and rearranging 3 enterprises of Khanh Hoa province: the Cam Ranh Food Company, the Nha Trang Farm Product Processing Company, and the Khanh Hoa Food Company.

(2) On the basis of reorganizing and rearranging 2 enterprises of Ben Tre province: the United Export-Import Company, and the Ben Tre Food Company.

(3) On the basis of reorganizing and rearranging 2 enterprises of Tra Vinh province: the Tra Vinh Agricultural Materials and Technical Services Company; the Tra Vinh Food Export-Import Company.-

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 47-CP ngày 17/07/1995 về việc phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty lương thực miền nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.552

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.134.221
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!