NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 171-HĐBT NGÀY 14-11-1988 BAN HÀNH
BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC, ĐỔI MỚI QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ, TẬP ĐOÀN SẢN
XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ
chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản
lý kinh tế nông nghiệp;
Để phát huy tiềm năng kinh tế của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm
nghiệp thành phần kinh tế lớn nhất trong nông nghiệp;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về chấn chỉnh tổ chức, đổi mới
quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp.
Điều 2.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc
Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 3.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; những điều quy định trước đây
trái với Quy định này đều bãi bỏ.
QUY ĐỊNH
VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ, TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM
NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Nghị định số 171-HĐBT ngày 14-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng)
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ
ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới quản lý
kinh tế nông nghiệp, Hội đồng Bộ trưởng quy định về chấn chỉnh tổ chức, đổi mới
quản lý kinh tế hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp (dưới đây gọi
chung là hợp tác xã) như sau:
Phần 1:
CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC HỢP
TÁC XÃ
Điều 1.
Hợp tác
xã, tập đoàn sản xuất nÔng, lâm nghiệp là tổ chức kinh tế tư nguyện của nông
dân, lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước, hoạt
động theo nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, kinh
doanh, có tư cách pháp nhân, bình đẳng trước pháp luật với các đơn vị kinh tế
khác; có trách nhiệm phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất xã hội chủ
nghĩa.
Căn cứ vào quy hoạch vùng, các
điều kiện cụ thể về tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, trình độ quản lý của
cán bộ, nghề nghiệp của xã viên và sự hướng dẫn của cấp trên, hợp tác xã tự xác
định các hình thức, quy mô tổ chức, phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh
doanh, phương thức quản lý và cách thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát
triển mạnh sản xuất hàng hoá, không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã
viên, tăng tích luỹ tái sản xuất mở rộng và phúc lợi của tập thể, làm tròn
nghĩa vụ với Nhà nước.
Hợp tác xã phải phát huy mọi tiềm
năng của các thành viên hợp tác xã, thành viên hợp tác xã phải làm tròn trách
nhiệm của mình đối với hợp tác xã, tập thể.
Điều
2.
Hợp tác
xã tổ chức sản xuất và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa theo hướng chuyên
môn hoá kết hợp với kinh doanh tổng hợp nhiều loại sản phẩm, gắn nông nghiệp với
lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông, lâm ngư nghiệp với công nghiệp chế biến với lưu
thông, dịch vụ; tạo điều kiện giúp đỡ kinh tế gia đình phát triển, liên kết với
các đơn vị kinh tế, các tổ chức khoa học kỹ thuật và các thành phần kinh tế
khác bằng chính sản phẩm do mình làm ra nhằm sử dụng có hiệu quả đất đai, lao động,
cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn tự có và vốn vay để đẩy mạnh sản xuất.
Hợp tác xã phải chăm lo việc xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức tốt các dịch vụ sản xuất, đời sống, nhằm
đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển ngành
nghề có hiệu quả để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và hợp tác
xã.
Điều
3.
Quy mô hợp
tác xã cần ổn định để phát triển sản xuất. ở các tỉnh đồng bằng và trung du
phía Bắc, duyên hải miền Trung cần củng cố và tăng cường các hợp tác xã quy mô
toàn xã mà sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. ở vùng núi thấp, tổ chức các hợp
tác xã kinh doanh nông - lâm hay lâm - nông theo quy mô buôn bán. ở Tây Nguyên
và vùng núi cao, củng cố các hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. ở Nam bộ, trong những
năm trước mắt chủ yếu là củng cố tập đoàn sản xuất, theo hướng mở rộng sản xuất
kinh doanh, đổi mới quản lý, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, nâng cao trình
độ của cán bộ, thực hiện liên kết, liên doanh giữa các tập đoàn với nhau và các
tổ chức kinh tế, khoa học kỹ thuật khác; tạo điều kiện để tiến tới tổ chức
thành liên tập đoàn hoặc hợp tác xã với quy mô thích hợp.
Đối với các hợp tác xã yếu kém,
phải phân tích kỹ để tìm đúng nguyên nhân mà áp dụng giải pháp củng cố có hiệu
quả như sửa đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật,
cải tiến cách quản lý; tuyển chọn cán bộ có năng lực, có phẩm chất, được xã
viên, tập đoàn viên tín nhiệm...
Trường hợp phải điều chỉnh quy
mô hợp tác xã (bao gồm cả chia hợp tác xã quá lớn, và hợp tác xã quá nhỏ) thành
hợp tác xã có quy mô thích hợp, cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo
đảm sản xuất phát triển, không gây xáo trộn và chỉ nên xem xét điều chỉnh trong
các trường hợp sau đây:
- Một số hợp tác xã ở các tỉnh đồng
bằng và trung du phía Bắc, duyên hải - miền Trung, Tây Nguyên quy mô quá lớn mà
sản xuất trì trệ, quản lý kèm và đại hội xã viên yêu cầu phải điểu chỉnh quy
mô.
- Ở vùng núi cao, những hợp tác
xã chỉ có hình thức thì chuyển sang các tổ vần công, đổi công hoặc sản xuất cá
thể đi đôi với tổ chức tốt mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ, mở mang giao thông
vận tải, khuyến khích giao lưu kinh tế, nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân,
đào tạo cán bộ người dân tộc; khi có đủ điều kiện mới đưa đồng bào vào làm ăn tập
thể với các hình thức thích hợp.
Căn cứ yêu cầu sản xuất và tình
hình thực tế của từng hợp tác xã, để tổ chức các đội, tổ chức sản xuất cho
thích hợp; các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã quy mô nhỏ, ban quản lý chỉ đạo
trực tiếp được đến các hội thì không nên tổ chức đội hoặc tổ.
Điều
4.
Việc cải tiến
công tác quản lý hợp tác xã phải bảo đảm phát huy đầy đủ quyền lực cao nhất của
đại hội xã viên (hoặc đại hội đại biểu xã viên), làm cho mỗi xã viên thực sự
tham gia vào công tác quản lý sản xuất, kinh doanh và mọi công việc của hợp tác
xã.
Việc củng cố bộ máy quản lý và bố
trí cán bộ của hợp tác xã theo nguyên tắc gọn nhẹ, có hiệu lực; không ngừng
nâng cao trình độ tổ chức quản lý của bộ máy và năng lực, phẩm chất cán bộ.
1- Đại hội xã viên (hoặc Đại hội
đại biểu xã viên) có quyền lực cao nhất, bàn bạc quyết định công việc của hợp
tác xã, cụ thể là:
- Quyết định phương hướng sản xuất
kinh doanh, cơ cấu sản xuất trên cơ sở quy hoạch vùng và các kế hoạch về sản xuất,
tài chính, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.
- Quyết định các hình thức tổ chức
lao động (giao khoán), các định mức, đơn giá khoán và việc tham gia liên doanh,
liên kết sản xuất.
- Quyết định về phân phối thu nhập,
về lập và sử dụng các loại quỹ.
- Bầu và bãi miễn các thành viên
trong Ban quản lý, Ban kiểm soát của hợp tác xã và Chủ nhiệm, Trưởng ban Ban kiểm
soát hợp tác xã.
- Kiến nghị với cấp có thẩm quyền
về việc thành lập hợp tác xã, sáp nhập, chia nhỏ hoặc giải thể hợp tác xã.
2- Ban quản lý hợp tác xã có
trách nhiệm điều hành công việc của hợp tác xã giữa 2 kỳ đại hội để thực hiện
nghị quyết của đại hội xã viên, có những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Bố trí cụ thể cơ cấu sản xuất
kinh doanh, tổ chức phát triển các ngành nghề trong hợp tác xã phù hợp với điều
kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống địa phương và quy hoạch vùng.
- Quản lý sử dụng có hiệu quả ruộng
đất, cơ sở vật chất - kỹ thuật của tập thể và hướng dẫn, giúp đỡ các hộ xã viên
mua sắm các phương tiện và công cụ sản xuất.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Tổ chức các hình thức lao động
(giao khoán) thích hợp với từng ngành nghề, công việc.
- Tổ chức tốt công tác dịch vụ
phục vụ sản xuất và đời sống của tập thể và người nhận khoán và tham gia tổ chức
tốt việc ký kết hợp đồng kinh tế, thu nạp sản phẩm bảo đảm làm nghĩa vụ đối với
Nhà nước.
- Chỉ đạo việc tổ chức đưa tiến
độ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
- Điều hành mọi công việc của hợp
tác xã trong sản xuất, kinh doanh.
- Chăm lo cải thiện đời sống vật
chất và tinh thần của xã viên, thực hiện tốt các chính sách xã hội ở nông thôn,
nhất là đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng;
tổ chức xã viên tham gia xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện tốt việc phân phối
dân chủ, công khai, công bằng, bảo đảm lợi ích của người lao động, bảo đảm tích
luỹ cho hợp tác xã và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
3- Cán bộ đội hoặc tổ sản xuất
do Chủ nhiệm hợp tác xã giới thiệu và xã viên trong đội, tổ bầu ra chịu sự lãnh
đạo của Ban quản lý hợp tác xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ
sản xuất, kinh doanh của đội, tổ sản xuất.
4- Ban kiểm soát có nhiệm vụ căn
cứ Nghị quyết đại hội xã viên kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã, của
Chủ nhiệm và Ban quản lý hợp tác xã; nhận và giải quyết hoặc trình đại hội xã
viên giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của xã viên.
Điều
5.
Phát huy
vai trò của Hội Nông dân và các đoàn thể quần chúng Thanh niên, Phụ nữ... trong
việc tham gia quản lý kinh tế - xã hội ở nông thôn; giáo dục, nâng cao giác ngộ
xã hội chủ nghĩa cho nông dân, vận động nông dân tham gia các hình thức tổ chức
sản xuất tập thể; vận động và tổ chức xã viên thi đua đẩy mạnh sản xuất, xây dựng
người nông dân mới và nông thôn mới, đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực
xã hội. Giới thiệu hoặc cử đại biểu của Hội Nông dân để đại hội xã viên (hoặc đại
hội đại biểu xã viên) bầu vào Ban kiểm soát của hợp tác xã.
Phần 2:
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ HỢP
TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Điều
6. Hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh
trên cơ sở quy hoạch vùng, các chính sách khuyến khích sản xuất của Nhà nước,
các hợp đồng kinh tế ký kết với các đơn vị kinh tế quốc doanh và các tổ chức
kinh tế khác, nhu cầu của thị trường và khả năng sản xuất của mình. Kế hoạch sản
xuất, kinh doanh của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất do xã viên hoặc đại hội xã
viên dân chủ bản bạc quyết định. Kế hoạch của hợp tác xã cần thể hiện rõ sự gắn
bó, hỗ trợ giữa kinh tế tập thể với kinh tế gia đình, xã viên trên các mặt vật
tư, dịch vụ, kỹ thuật, liên kết sản xuất, kinh doanh chế biến và tiêu thụ sản
phẩm. Hợp tác xã cần chủ động tạo các nguồn cân đối vật chất để thực hiện kế hoạch
trên cơ sở hợp đồng mua bán, trao đổi vật tư, sản phẩm hoặc thông qua liên kết,
liên doanh với các đơn vị hoặc cá nhân. Nhà nước không giao chỉ tiêu pháp lệnh
trực tiếp cho hợp tác xã mà thông qua hệ thống các chính sách đòn bẩy kinh tế
và pháp luật để quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã sản xuất, kinh doanh.
Điều 7.
Hợp tác xã
có quyền và có trách nhiệm bố trí sử dụng có hiệu quả hết đất đai (ruộng đất, đất
rừng, mặt nước) Nhà nước giao cho hợp tác xã quản lý sử dụng theo quy hoạch sản
xuất của vùng. Hợp tác xã phải có kế hoạch, biện pháp để sử dụng đất đai đạt hiệu
quả kinh tế cao; việc dành diện tích đất đai sử dụng chung của hợp tác xã nên hạn
chế, phải do đại hội xã viên bàn bạc quyết định và thực hiện đúng Luật Đất đai.
Các hộ, nhóm hộ hoặc cá thể được hợp tác xã giao khoán sử dụng đất hoặc đấu thầu
đất đai của hợp tác xã phải có trách nhiệm sử dụng tốt số diện tích được giao,
không được bỏ hoang hoá.
Hợp tác xã cần tính toán để giữ
lại những máy móc, nông cụ, trâu bò cày kéo cần thiết làm tư liệu sản xuất
chung, làm dịch vụ cho những hộ khó khăn chưa có điều kiện mua sắm; phần còn lại
bán cho hộ hay nhóm hộ xã viên có khả năng và kinh nghiệm quản lý để sử dụng
theo kế hoạch và hợp đồng nhận khoán với tập thể. Giá bán các tư liệu phải bảo
đảm hợp lý trên cơ sở thoả thuận giữa hợp tác xã và người mua; số tiền thu được
phải đưa hết vào vốn sản xuất của hợp tác xã. Hợp tác xã cần khuyến khích, hỗ
trợ xã viên bằng cách cho vay vốn hoặc giúp đỡ vay ở Ngân hàng để phát triển
chăn nuôi trâu, bò, mua sắm công cụ, máy móc nhỏ để bảo đảm kế hoạch nhận
khoán, phát triển kinh tế gia đình. Hợp tác xã xây dựng quy chế sử dụng máy
móc, nông cụ, trâu, bò cày kéo cho hợp tác xã mức giá từng loại dịch vụ để giải
quyết thoả đáng lợi ích và quan hệ giữa người có máy móc, nông cụ, trâu bò với
người sử dụng.
Điều
8. Hợp tác xã được chủ động huy động và sử dụng mọi nguồn vốn để sản xuất, kinh
doanh như tăng thêm vốn tự có bằng tích luỹ tái sản xuất mở rộng khuyến khích
xã viên, nhân dân có vốn đóng nhiều cổ phần cho tập thể với chính sách phân phối
hợp lý, vốn do liên kết kinh tế hay vay Ngân hàng. Hợp tác xã được quyền vay vốn
của thân nhân xã viên, tập đoàn viên ở nước ngoài gửi về qua Ngân hàng Ngoại
thương để sản xuất và chịu trách nhiệm trả khoản vay đó bằng ngoại tệ hoặc hàng
hoá được phép xuất khẩu. Hợp tác xã có ngoại tệ được mở tài khoản tại Ngân hàng
Ngoại thương và được vay vốn ngoại tệ hoặc mua ngoại tệ tại Ngân hàng Ngoại
thương để nhập vật tư, thiết bị cho sản xuất của hợp tác xã.
Điều 9.
Hợp tác xã
phải thực hiện đúng việc đóng thuế cho Nhà nước theo luật định. Ngoài thuế là
nghĩa vụ, quan hệ mua bán giữa hợp tác xã và với các tổ chức kinh tế quốc doanh
là quan hệ bình đẳng, thuận mua vừa bán.
Hợp tác xã ký kết hợp đồng kinh
tế với các tổ chức kinh tế quốc doanh về cung ứng vật tư, dịch vụ và mua sản phẩm
theo kế hoạch sản xuất hàng năm hay từng vụ; chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm
chỉnh các hợp đồng đã ký kết.
Ngoài phần vật tư mua của các tổ
chức quốc doanh theo chỉ tiêu kế hoạch và hợp đồng kinh tế, hợp tác xã được tự
tìm kiếm thêm vật tư từ các nguồn khác thông qua liên doanh, liên kết với các
đơn vị kinh tế khác hoặc trực tiếp mua bán trên thị trường để đáp ứng yêu cầu sản
xuất, kinh doanh.
Sản phẩm làm ra, sau khi đóng
thuế và thực hiện các hợp đồng đã ký, hợp tác xã được quyền sử dụng và tiêu thụ
ở thị trường có lợi nhất.
Điều
10. Nhà nước khuyến khích các hợp tác xã phát triển sản xuất thêm các sản
phẩm nông, lâm, ngư nghiệp thêm các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp xuất khẩu và
các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, ngoài phần hợp đồng với các cơ
quan kinh tế Nhà nước. Hợp tác xã được quyền lựa chọn các tổ chức xuất, nhập khẩu
của Nhà nước để uỷ thác xuất khẩu và nhập các vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất;
tham gia liên kết với các tổ chức sản xuất, kinh doanh phục vụ xuất khẩu theo
nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và được bảo đảm quyền sử dụng ngoại
tệ để nhập vật tư mở rộng tái sản xuất.
Điều 11.
Nhà nước khuyến khích các hợp tác xã hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học
- kỹ thuật, các trường học dưới nhiều hình thức để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ
thuật vào sản xuất. Các thành tựu khoa học - kỹ thuật của hợp tác xã và xã
viên, nếu đăng ký với cơ quan chức năng của Nhà nước, sẽ được giữ bản quyền và
khen thưởng theo chế độ chung. Các sản phẩm có chất lượng cao do áp dụng các kỹ
thuật tiến bộ cũng được đối xử như các sản phẩm tương ứng của các tổ chức kinh
tế quốc doanh. Cán bộ kỹ thuật và quản lý hợp tác xã được gửi đi học bồi dưỡng
kiến thức ở các trường của Nhà nước theo yêu cầu của hợp tác xã theo chính
sách, chế độ của Nhà nước; học xong trở về làm việc và do hợp tác xã đãi ngộ
theo kết quả cống hiến.
Điều 12.
Hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm hộ, hộ
xã viên, đến người lao động, hoặc đến tổ, đội sản xuất theo điều kiện của ngành
nghề cụ thể ở từng nơi, gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch phân phối từ đầu nhằm
đạt các yêu cầu:
1- Thực hiện khoán sản phẩm ở tất
cả các ngành sản xuất kinh doanh, các công việc dịch vụ kỹ thuật và công tác quản
lý trong hợp tác xã.
2- Không ngừng phát triển sản xuất,
khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế của tập thể, bảo đảm cho mọi người đều
có việc làm, có thu nhập bảo đảm đời sống, trước hết là những gia đình liệt sĩ,
thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, gia đình neo đơn...
3- Giải quyết đúng đắn các mối
quan hệ về lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước
hết là đối với người trồng lúa.
Điều
13.
Hợp tác
xã phải nắm chắc quỹ đất của mình, xác định quy hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng,
các điều kiện cần thiết để tổ chức việc giao khoán sát hợp với từng loại cây trồng,
vật nuôi, ngành nghề. Các hình thức khoán, các định mức, đơn giá, cách phân phối
trong hợp tác xã phải được chuẩn bị tốt và do đại hội xã viên bàn bạc quyết định
một cách dân chủ và tiến hành công khai.
1- Đối với cây hàng năm
Hợp tác xã căn cứ vào khả năng
lao động, quỹ đất để giao khoán diện tích đất cho từng hộ, hoặc nhóm hộ thích hợp
nhằm giải quyết yêu cầu cơ bản về lương thực, tăng nhanh lương thực hàng hoá. ở
những nơi có điều kiện, khuyến khích người giỏi ngành nghề khác chuyển sang làm
ngành nghề và trao lại ruộng đất cho hợp tác xã để giao khoán thêm cho người trồng
trọt. Những hộ làm ruộng giỏi, có khả năng lao động, vật tư, tiền vốn thì được
giao ruộng đất khoán nhiều hơn, nhất là ở những nơi nhiều ruộng. Thời gian giao
khoán được ổn định khoảng 15 năm. Mức khoán được xây dựng phù hợp với điều kiện
vật chất khác, do Đại hội xã viên quyết định và được ổn định trong 5 năm, chỉ sửa
đổi mức khoán khi điều kiện vật chất kỹ thuật đã thay đổi. Sản lượng khoán,
tính cho cả chu kỳ luân canh trên diên tích theo cơ cấu những sản phẩm chính
nêu trong hợp đồng giao khoán.
Các định mức chi phí vật chất -
kỹ thuật, định mức lao động, được tính toán cho từng hạng đất căn cứ vào quy
trình sản xuất, điều kiện kinh tế - tự nhiên của địa phương, để hướng dẫn cho
người nhận khoán vận dụng trong sản xuất và ký kết các hợp đồng dịch vụ và trao
đổi vật tư, kỹ thuật.
Người nhận khoán được quyền chủ
động toàn bộ quá trình sản xuất trên đất đai nhận khoán theo cơ cấu sản xuất và
kế hoạch của hợp tác xã; được lựa chọn ký kết hợp đồng dịch vụ với hợp tác xã
hoặc với cá nhân khác theo yêu cầu sản xuất của mình; được đổi công hoặc thuê
thêm lao động thời vụ trên cơ sở tự nguyện và thoả thuận.
Người nhận khoán được làm chủ
toàn bộ sản phẩm làm ra, sau khi nộp thuế, đóng góp các quỹ hợp tác xã và phí
quản lý (do đại hội xã viên bàn bạc quyết định); thanh toán các chi phí dịch vụ
và các khoản trao đổi vật tư sản xuất theo hợp đồng đã ký kết, còn lại thuộc
quyền sử dụng của người nhận khoán.
2- Đối với cây dài ngày và cây rừng
phải kết hợp giao quyền sử dụng đất đai và quản lý cây trồng với các hình thức
khoán thích hợp:
- Đối với diện tích trồng mới có
thể giao khoán toàn bộ chu kỳ sản xuất từ làm đất đến lúc có sản phẩm thu hoạch,
hoặc có thể giao khoán từng công đoạn.
- Đối với cây công nghiệp và cây
rừng đã có sẵn thì khoán chăm sóc, bảo vệ, khai thác và nộp sản phẩm chính theo
mức quy định cho cả chu kỳ sản xuất đối với sản phẩm của từng loại cây loại rừng.
Diện tích giao khoán cây công
nghiệp dài ngày, rừng... tuỳ thuộc vào khả năng đất đai, đồi rừng của hợp tác
xã và khả năng sản xuất của từng hộ xã viên. Trên đất đai nhận khoán, người nhận
khoán được trồng xen và tận thu sản phẩm nông, lâm kết hợp không phải nộp thuế.
Đối với các loại đất trống, đồi
trọc, hợp tác xã giao cho gia đình xã viên sử dụng không hạn chế về diện tích.
Thời hạn giao khoán cây dài ngày, đồi rừng từ 30 đến 50 năm; trong thời gian
đó, người nhận khoán được phép chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác, khi
hết thời hạn khoán có thể xem xét gia hạn thêm.
Điều
14.
Hợp tác
xã cần có các biện pháp tổ chức khuyến khích, giúp đỡ xã viên phát triển chăn
nuôi các loại gia súc, gia cầm, ong, cá... trong gia đình là chủ yếu. Hợp tác
xã tổ chức việc sản xuất giống, thức ăn để giao khoán cho các hội xã viên chăn
nuôi hoặc tổ chức chăn nuôi tập thể, hướng dẫn kỹ thuật, làm dịch vụ thú y.
Hợp tác xã giao khoán những diện
tích mặt nước (kể cả mặt nước hồ) có khả năng nuôi trồng thuỷ sản cho hộ, nhóm
hộ xã viên hoặc tổ chức đấu thầu. Hợp tác xã giao ao nhỏ cho xã viên nuôi cá,
tính trừ vào đất làm kinh tế gia đình.
Điều
15. Đối với ngành nghề khác, tuỳ theo đặc điểm từng ngành nghề mà lựa
chọn hình thức và phương pháp khoán thích hợp như:
- Những ngành, nghề sản xuất tập
trung trong công xưởng, lao động theo dây chuyền thì giao khoán cho tổ, nhóm
lao động, trên cơ sở định mức chi phí vật tư và trả công theo sản phẩm giao nộp.
Đối với những ngành nghề mà hợp tác xã chưa có kinh nghiệm làm hoặc làm kém hiệu
quả thì có thể đấu thầu cho xã viên làm.
- Những ngành, nghề sản xuất phân
tán, từng gia đình có thể làm được thì giao khoán cho hộ hoặc nhóm hộ làm từng
công đoạn hoặc gia công nguyên liệu, vật liệu nộp bán thành phẩm hoặc thành phẩm
cho hợp tác xã, hợp tác xã thanh toán chi phí vật tư và trả công theo sản phẩm
giao nộp.
- Đối với các hoạt động dịch vụ
phục vụ yêu cầu của người nhận khoán như thuỷ nông, làm đất, bảo vệ cây trồng,
gia súc, cung ứng vật tư, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, v.v... Hợp tác xã tự tổ
chức hoặc làm đại lý cho các cơ quan dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh của
người nhận khoán.
Hợp tác xã cần xác định rõ chi
phí của từng loại dịch vụ, làm cơ sở cho hợp đồng giao nhận khoán và thanh toán
giữa những người nhận khoán với đơn vị và người làm dịch vụ.
Điều
16. Đại hội xã viên căn cứ vào quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã để
quyết định mức khoán chi phí quản lý đối với cán bộ quản lý hợp tác xã bao gồm
cả phí hành chính và trả công cán bộ quản lý, mức chi phí này không quá 1% giá
trị sản lượng, hay sản lượng khoán.
Điều 17.
Mỗi ngành trong hợp tác xã phải tự hạch toán, bảo đảm tăng thu nhập, giảm chi
phí, không bắt ngành trồng trọt hay ngành khác bù lỗ; hợp tác xã điều tiết thu
nhập của các ngành nghề thông qua tỷ lệ đóng góp các quỹ cho hợp tác xã đối với
từng ngành.
Điều 18.
Hợp tác
xã thực hiện nguyên tắc phân phối chủ yếu theo lao động kết hợp với phân phối
theo cổ phần xã viên đóng góp thêm vào các hình thức phân phối khác. Thông qua
việc thanh toán khoán trực tiếp bằng hiện vật và bằng tiền mà xoá bỏ việc tính
trả công bằng công điểm và khắc phục tình trạng bình quân trong phân phối. Đối
với người nhận khoán trồng trọt, hợp tác xã cần bảo đảm cho các hộ xã viên nhận
khoán thu được khoảng trên dưới 40% sản lượng khoán trở lên tuỳ theo số lượng
khâu do hộ xã viên đảm nhiệm.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của
từng hợp tác xã, đại hội xã viên quyết định việc trích lập các loại quỹ và mức
để quỹ thích hợp cho từng ngành cụ thể là:
- Quỹ phát triển sản xuất dùng để
xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng sản xuất.
- Quỹ phúc lợi dùng để chi dùng
vào các nhu cầu văn hoá, xã hội và phúc lợi tập thể.
- Quỹ bảo hiểm sản xuất để dự
phòng khi bị thiên tai, mất mùa.
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực
phẩm hướng dẫn các hợp tác xã quản lý và sử dụng các loại quỹ trên đúng mục
đích.
Việc đóng góp cho ngân sách xã,
không chia đều cho đơn vị diện tích khoán của xã viên gánh chịu, hợp tác xã có
thể trích không quá 10% quỹ phúc lợi của hợp tác xã để góp ngân sách xã; ngoài
ra hợp tác xã không phải đóng góp một khoản nào khác cho xã hoặc cho các ngành
cấp trên.
Để có lương thực bán cho các hộ
thiếu lương thực, cho các yêu cầu chăn nuôi con giống và phát triển ngành nghề,
hợp tác xã lấy lương thực của quỹ phát triển sản xuất và quỹ công ích để bán
cho các nhu cầu đó theo giá thoả thuận.
Điều
19.
Hợp tác
xã có trách nhiệm ưu tiên bố trí công việc, ngành nghề phù hợp và giao khoán ruộng
tốt, gần nơi ở cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách
mạng thiếu sức lao động và vận động nhân dân giúp công làm các việc nặng nhọc
trong lúc mùa vụ hoặc giúp phương tiện để tiến hành sản xuất, nếu gặp khó khăn
thì được hợp tác xã miễn giảm mức đóng góp quỹ hợp tác xã; những gia đình quá
khó khăn thì hợp tác xã trích quỹ phúc lợi để trợ cấp một phần hoặc vận động xã
viên tương trợ.
Đối với cán bộ xã và hợp tác xã tuỳ
theo khả năng và điều kiện mà hợp tác xã có thể bố trí công việc sản xuất thích
hợp và giao ruộng khoán để có điều kiện lao động sản xuất tăng thêm thu nhập.
Điều
20. Hợp tác xã có trách nhiệm khuyến khích, giúp đỡ xã viên phát triển kinh
tế gia đình để tăng thêm thu nhập và cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho xã viên.
Các hợp tác xã xem xét lại đất thổ canh và điều chỉnh lại đất làm kinh tế gia
đình theo đúng Luật Đất đai, giúp đỡ xã viên về các mặt công cụ, giống, vốn, vật
tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khoa học kỹ thuật và tổ chức liên kết sản xuất
giữa kinh tế gia đình với kinh tế tập thể để phát triển kinh tế gia đình theo
quy hoạch vùng và quy hoạch của hợp tác xã, bảo đảm cho các gia đình xã viên có
điều kiện phát huy được đầy đủ khả năng lao động và tiền vốn vào phát triển sản
xuất, nâng cao thu nhập.
Phần 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
21. Quy định này áp dụng cho tất cả các hợp tác xã, tập đoàn sản
xuất nông, lâm ngư nghiệp trong cả nước, mọi quy định trước đây trái với quy định
này đều bãi bỏ.
Điều 22.
Các Bộ, Uỷ
ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh,
thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy định này để cụ thể hoá
thành các quy chế, chế độ vận dụng cụ thể phù hợp với đặc điểm của hợp tác xã,
tập đoàn sản xuất thuộc phạm vi mình phụ trách và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp
thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Tổng cục Quản lý ruộng đất và các Bộ có liên
quan cần ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể
cho từng đối tượng.
Điều
23. Quy định này được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.