Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật luật sư 2006 số 65/2006/QH11 áp dụng 2024

Số hiệu: 65/2006/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 29/06/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2006/QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2006

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XI, kỳ họp thứ 9
(Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 29 tháng 6 năm 2006)

LUẬT

LUẬT SƯ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về luật sư và hành nghề luật sư.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Luật sư

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Điều 3. Chức năng xã hội của luật sư

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Điều 4. Dịch vụ pháp lý của luật sư

Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Điều 5. Nguyên tắc hành nghề luật sư

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý hành nghề luật sư

Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, bảo đảm việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

Điều 7. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, thực hiện quản lý hành nghề luật sư theo quy định của Luật này.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư là Đoàn luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức luật sư toàn quốc.

Điều 8. Khuyến khích hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí

Nhà nước khuyến khích luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

b) Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;

đ) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

g) Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Chương II

LUẬT SƯ

Điều 10. Tiêu chuẩn luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Điều 11. Điều kiện hành nghề luật sư

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Điều 12. Đào tạo nghề luật sư

1. Người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khoá đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

2. Thời gian đào tạo nghề luật sư là sáu tháng.

Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư và quy định việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

4. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Điều 13. Người được miễn đào tạo nghề luật sư

1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Điều 14. Tập sự hành nghề luật sư

1. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì được tập sự hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười tám tháng, trừ trường hợp được giảm thời gian tập sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư.

2. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký việc tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự.

Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tuân theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

4. Khi hết thời gian tập sự, luật sư hướng dẫn nhận xét kết quả tập sự của người tập sự hành nghề luật sư bằng văn bản và gửi đến Đoàn luật sư nơi người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự.

5. Việc tập sự hành nghề luật sư được thực hiện theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc ban hành.

Điều 15. Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

1. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

2. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tiến hành; thành phần Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện lãnh đạo tổ chức luật sư toàn quốc và một số luật sư là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoạt động theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

3. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Điều 16. Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

1. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 của Luật này được miễn tập sự hành nghề luật sư.

2. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này thì được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Toà án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Điều 17. Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

b) Sơ yếu lý lịch;

c) Phiếu lý lịch tư pháp;

d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

đ) Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này;

e) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;

g) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải có văn bản đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo hồ sơ gửi Bộ Tư pháp.

2. Người được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp. Hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

b) Sơ yếu lý lịch;

c) Phiếu lý lịch tư pháp;

d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật hoặc bản sao Bằng tiến sỹ luật;

đ) Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 và miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;

e) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

b) Không thường trú tại Việt Nam;

c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

d) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;

đ) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

e) Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

Điều 18. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

b) Không còn thường trú tại Việt Nam;

c) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

d) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

đ) Bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư;

e) Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Điều 19. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 của Luật này khi có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này thì được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.

2. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 18 của Luật này thì chỉ được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư khi có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này và một trong các điều kiện sau đây:

a) Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

b) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước có thời hạn quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thời hạn đó đã hết;

c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà sau khi chấp hành hình phạt đã được xoá án tích.

3. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư không có thời hạn hoặc bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì không được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.

4. Thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

Điều 20. Gia nhập Đoàn luật sư

1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư.

2. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

a) Giấy đăng ký gia nhập Đoàn luật sư;

b) Sơ yếu lý lịch;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư;

d) Phiếu lý lịch tư pháp;

đ) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định việc gia nhập Đoàn luật sư; nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87 của Luật này.

4. Người gia nhập Đoàn luật sư được tổ chức luật sư toàn quốc cấp Thẻ luật sư theo đề nghị của Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá ba mươi ngày, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư.

5. Luật sư chuyển từ Đoàn luật sư này sang Đoàn luật sư khác thì phải làm thủ tục rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư mà mình đang là thành viên để chuyển sinh hoạt đến Đoàn luật sư mới và được đổi Thẻ luật sư.

Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của luật sư

1. Luật sư có các quyền sau đây:

a) Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;

b) Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

c) Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

d) Các quyền khác theo quy định của Luật này.

2. Luật sư có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư;

b) Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng;

c) Tham gia tố tụng trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

Chương III

HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ CỦA LUẬT SƯ

Điều 22. Phạm vi hành nghề luật sư

1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện tư vấn pháp luật.

4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.

Điều 23. Hình thức hành nghề của luật sư

1. Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư.

Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư.

2. Hành nghề với tư cách cá nhân.

3. Luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để hành nghề.

Điều 24. Nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng

1. Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng.

2. Khi nhận vụ, việc, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

3. Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.

Điều 25. Bí mật thông tin

1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

Điều 26. Thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý

1. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

2. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

b) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;

c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

d) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

e) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Điều 27. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư

1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật này.

2. Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư) khi xuất trình đủ giấy tờ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề đối với trường hợp luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư;

b) Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên đối với trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Thẻ luật sư và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó;

c) Thẻ luật sư và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề đối với luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc Thẻ luật sư và văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân để tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư không quá ba ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

5. Khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư.

Điều 28. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư

1. Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.

Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.

2. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Điều 29. Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư

1. Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Khi đại diện cho khách hàng, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 30. Hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư

1. Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 31. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao.

2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc.

Mục 2. TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 32. Hình thức tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư;

b) Công ty luật.

2. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Điều 33. Văn phòng luật sư

1. Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

2. Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Công ty luật

1. Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.

2. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.

3. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.

4. Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thoả thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.

5. Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các thành viên thoả thuận lựa chọn, tên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Điều 35. Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

2. Tổ chức hành nghề luật sư phải có hồ sơ đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp. Hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu thống nhất;

b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật;

d) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.

3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, người bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức hành nghề luật sư được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.

Điều 36. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Khi có sự thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, lĩnh vực hành nghề, danh sách luật sư thành viên, người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư, các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký hoạt động thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng ký với Sở Tư pháp nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Trường hợp có thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi hoặc kể từ ngày nhận được Giấy đăng ký hoạt động cấp lại, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Đoàn luật sư về việc thay đổi.

2. Trường hợp Giấy đăng ký hoạt động bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác, tổ chức hành nghề luật sư được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 37. Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đặt trụ sở.

2. Tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu Sở Tư pháp cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động; cấp bản sao Giấy đăng ký hoạt động, chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký hoạt động hoặc trích lục nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và phải trả phí theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tư pháp có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về nội dung đăng ký hoạt động theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 38. Công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính sau đây:

a) Tên tổ chức hành nghề luật sư;

b) Địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch;

c) Lĩnh vực hành nghề;

d) Họ, tên, địa chỉ, số Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật và các thành viên sáng lập khác;

đ) Số Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động.

2. Trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải công bố những nội dung thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 39. Quyền của tổ chức hành nghề luật sư

1. Thực hiện dịch vụ pháp lý.

2. Nhận thù lao từ khách hàng.

3. Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư.

4. Hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

5. Thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước.

6. Đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài.

7. Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 40. Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư

1. Hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động.

2. Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng.

3. Cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư.

4. Tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí.

5. Bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý khác.

6. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

7. Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.

8. Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra.

9. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 41. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư

1. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh do mình thành lập. Tổ chức hành nghề luật sư cử một luật sư làm Trưởng chi nhánh. Trưởng chi nhánh và thành viên của tổ chức hành nghề luật sư làm việc tại chi nhánh có thể là luật sư của Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động hoặc nơi có trụ sở của chi nhánh.

2. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của chi nhánh. Tổ chức hành nghề luật sư phải có hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh gửi Sở Tư pháp. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Chi nhánh được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của chi nhánh.

Khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh và Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của chi nhánh.

3. Hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh gồm có:

a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của chi nhánh;

b) Bản sao Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư thành lập chi nhánh;

c) Quyết định thành lập chi nhánh;

d) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư và bản sao Thẻ luật sư của Trưởng chi nhánh;

đ) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh.

Điều 42. Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư

Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Văn phòng giao dịch là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng. Văn phòng giao dịch không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thành lập văn phòng giao dịch, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

Sở Tư pháp ghi địa chỉ của văn phòng giao dịch vào Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 43. Đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài

1. Tổ chức hành nghề luật sư được đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài.

2. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

3. Khi chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

Điều 44. Cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài

Tổ chức hành nghề luật sư được cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng.

Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài phải tuân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 45. Hợp nhất, sáp nhập công ty luật

Các công ty luật cùng loại có thể hợp nhất hoặc sáp nhập. Việc hợp nhất, sáp nhập công ty luật được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Điều 46. Tạm ngừng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư có quyền tạm ngừng hoạt động nhưng phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng và tiếp tục hoạt động với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh, chậm nhất là mười ngày làm việc trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá hai năm.

2. Báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động có những nội dung chính sau đây:

a) Tên tổ chức hành nghề luật sư;

b) Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động;

c) Địa chỉ trụ sở;

d) Thời gian tạm ngừng hoạt động, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;

đ) Lý do tạm ngừng hoạt động;

e) Báo cáo về việc thanh toán nợ, giải quyết các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng và hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư.

3. Sở Tư pháp có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng hoạt động khi phát hiện tổ chức hành nghề luật sư đó không có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật.

4. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.

5. Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng hoạt động thì các chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư đó cũng phải tạm ngừng hoạt động.

Điều 47. Chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tự chấm dứt hoạt động;

b) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động;

c) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;

d) Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập;

đ) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết.

2. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này thì chậm nhất là ba mươi ngày, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh.

Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng. Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.

3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.

4. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết, Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Việc giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 48. Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư

1. Chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch chấm dứt hoạt động;

b) Theo quyết định của tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch;

c) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh.

2. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng giao dịch do mình thành lập.

Mục 3. HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VỚI TƯ CÁCH CÁ NHÂN

Điều 49. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân

1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là việc luật sư tự mình nhận vụ, việc, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động hành nghề và hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể.

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chỉ được đăng ký một địa điểm giao dịch và không có con dấu.

2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân bằng việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động.

Điều 50. Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân

1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân gồm có:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề luật sư theo mẫu thống nhất;

b) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư;

c) Giấy tờ chứng minh về địa điểm giao dịch.

3. Luật sư được hành nghề với tư cách cá nhân kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải gửi thông báo bằng văn bản kèm theo bảo sao Giấy đăng ký hành nghề luật sư cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.

Điều 51. Thay đổi, cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân

Việc thay đổi nội dung đăng ký hành nghề luật sư, cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.

Điều 52. Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng dịch vụ pháp lý

1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng dịch vụ pháp lý có các quyền sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ pháp lý;

b) Nhận thù lao từ khách hàng;

c) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng dịch vụ pháp lý có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hành nghề luật sư;

b) Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý khác;

d) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

đ) Chấp hành quy định của pháp luật về thuế, tài chính, thống kê;

e) Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 53. Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động

1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động được thực hiện dịch vụ pháp lý theo nội dung hợp đồng lao động đã giao kết với cơ quan, tổ chức.

2. Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động, của cơ quan, tổ chức thuê luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương IV

THÙ LAO VÀ CHI PHÍ; TIỀN LƯƠNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Điều 54. Thù lao luật sư

Khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Việc nhận thù lao được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 55. Căn cứ và phương thức tính thù lao

1. Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;

b) Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;

c) Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.

2. Thù lao được tính theo các phương thức sau đây:

a) Giờ làm việc của luật sư;

b) Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;

c) Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;

d) Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.

Điều 56. Thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý

1. Mức thù lao được thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.

2. Tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Điều 57. Thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng

Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của Chính phủ.

Điều 58. Tiền lương theo hợp đồng lao động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được nhận tiền lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.

Việc thoả thuận, chi trả tiền lương được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 59. Giải quyết tranh chấp về thù lao, chi phí, tiền lương theo hợp đồng lao động

1. Việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao và chi phí của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Việc giải quyết tranh chấp về tiền lương của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Chương V

TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA LUẬT SƯ

Mục 1. TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA LUẬT SƯ Ở TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 60. Đoàn luật sư

1. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi có từ ba người có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép thành lập Đoàn luật sư sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Đoàn luật sư có Điều lệ để điều chỉnh quan hệ nội bộ của Đoàn.

4. Thành viên của Đoàn luật sư là các luật sư.

Quyền và nghĩa vụ của thành viên Đoàn luật sư do Điều lệ Đoàn luật sư quy định.

Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư

1. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.

2. Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương; xử lý kỷ luật đối với luật sư.

3. Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

4. Tổ chức đăng ký và giám sát người tập sự hành nghề luật sư.

5. Nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

6. Tổ chức đăng ký việc gia nhập Đoàn luật sư; tổ chức việc chuyển, tiếp nhận luật sư; đề nghị tổ chức luật sư toàn quốc cấp Thẻ luật sư.

7. Phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc trực tiếp cử luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

8. Hoà giải tranh chấp giữa người tập sự hành nghề luật sư, luật sư với tổ chức hành nghề luật sư; giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

10. Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư.

11. Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.

12. Tổ chức để các luật sư tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

13. Báo cáo tổ chức luật sư toàn quốc về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư.

14. Gửi Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các nghị quyết, quyết định của Đoàn luật sư theo quy định của pháp luật và khi được yêu cầu.

Điều 62. Các cơ quan của Đoàn luật sư

1. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn luật sư.

2. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư là cơ quan chấp hành của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư, do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư bầu ra.

3. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư bầu ra theo nhiệm kỳ của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Điều 63. Điều lệ Đoàn luật sư

1. Căn cứ quy định của Luật này, pháp luật về hội và Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc, Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư thông qua Điều lệ Đoàn luật sư.

2. Điều lệ Đoàn luật sư gồm những nội dung chính sau đây:

a) Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư;

b) Quyền, nghĩa vụ của thành viên Đoàn luật sư;

c) Thủ tục đăng ký việc tập sự hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn luật sư, rút tên khỏi danh sách người tập sự hành nghề luật sư, rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư, chuyển Đoàn luật sư của luật sư;

d) Cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Đoàn luật sư;

đ) Tài chính của Đoàn luật sư;

e) Việc khen thưởng, kỷ luật đối với luật sư;

g) Phí gia nhập Đoàn luật sư, phí thành viên;

h) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ;

i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ của Đoàn luật sư;

k) Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thông qua, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi Điều lệ Đoàn luật sư tới Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Điều lệ Đoàn luật sư, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt Điều lệ. Điều lệ Đoàn luật sư có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt.

Mục 2. TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC CỦA LUẬT SƯ

Điều 64. Tổ chức luật sư toàn quốc

1. Tổ chức luật sư toàn quốc là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho luật sư, các Đoàn luật sư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và nguồn thu hợp pháp khác.

Thành viên của tổ chức luật sư toàn quốc là các Đoàn luật sư và các luật sư. Các luật sư tham gia tổ chức luật sư toàn quốc thông qua Đoàn luật sư nơi mình gia nhập.

2. Tổ chức luật sư toàn quốc có Điều lệ.

Quyền, nghĩa vụ của thành viên tổ chức luật sư toàn quốc do Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc quy định.

Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức luật sư toàn quốc

1. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, các Đoàn luật sư trong phạm vi cả nước.

2. Ban hành và giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

3. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư; đào tạo nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

4. Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư.

5. Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư trong cả nước.

6. Quy định mẫu trang phục luật sư tham gia phiên toà, mẫu Thẻ luật sư; cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.

7. Quy định việc miễn, giảm thù lao, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến thù lao, chi phí của luật sư.

8. Quy định phí tập sự hành nghề luật sư, phí gia nhập Đoàn luật sư, phí thành viên.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

10. Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.

11. Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

12. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về luật sư.

13. Gửi Bộ Tư pháp các nghị quyết, quyết định của tổ chức luật sư toàn quốc theo quy định của pháp luật và khi được yêu cầu.

14. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc.

Điều 66. Các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc

1. Các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc gồm có:

a) Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức luật sư toàn quốc;

b) Hội đồng luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của tổ chức luật sư toàn quốc giữa hai kỳ Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc;

c) Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc là cơ quan điều hành công việc của tổ chức luật sư toàn quốc giữa hai kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc;

d) Các cơ quan khác do Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc do Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc quy định.

Điều 67. Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc

1. Căn cứ quy định của Luật này và pháp luật về hội, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc thông qua Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc.

2. Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tôn chỉ, mục đích và biểu tượng của tổ chức luật sư toàn quốc;

b) Quyền, nghĩa vụ của thành viên tổ chức luật sư toàn quốc;

c) Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư, rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư, chuyển Đoàn luật sư của luật sư;

d) Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư;

đ) Mẫu trang phục luật sư tham gia phiên toà, mẫu Thẻ luật sư; thủ tục cấp, đổi và thu hồi Thẻ luật sư;

e) Nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc, Đoàn luật sư; mối quan hệ phối hợp giữa các Đoàn luật sư trong việc quản lý luật sư và tổ chức hành nghề luật sư;

g) Cơ cấu, số lượng đại biểu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc; thủ tục và trình tự tiến hành Đại hội;

h) Phí tập sự hành nghề luật sư; phí gia nhập Đoàn luật sư; phí thành viên;

i) Tài chính của tổ chức luật sư toàn quốc;

k) Khen thưởng, thủ tục xem xét kỷ luật luật sư; thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo;

l) Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc tới Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Điều lệ sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt.

Chương VI

HÀNH NGHỀ CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Mục 1. HÀNH NGHỀ CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 68. Điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

Điều 69. Hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài

1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

a) Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);

b) Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài).

2. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 70. Phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài

Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự.

Điều 71. Chi nhánh

1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và chi nhánh của mình chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh trước pháp luật Việt Nam.

3. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử một luật sư làm Trưởng chi nhánh. Trưởng chi nhánh quản lý, điều hành hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam, đồng thời là người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức luật sư nước ngoài. Trưởng chi nhánh có thể là luật sư Việt Nam.

Điều 72. Công ty luật nước ngoài

1. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

2. Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư và có thể là luật sư Việt Nam.

Điều 73. Quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ pháp lý về các lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng kýý hoạt động;

b) Nhận thù lao từ khách hàng;

c) Thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, lao động nước ngoài, lao động Việt Nam;

d) Nhận người tập sự hành nghề luật sư Việt Nam vào tập sự hành nghề luật sư;

đ) Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;

b) Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng;

c) Bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi mà luật sư gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác;

d) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các luật sư hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

đ) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, kế toán, thống kê và thực hiện nghĩa vụ thuế, tài chính;

e) Nhập khẩu phương tiện cần thiết cho hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 2. HÀNH NGHỀ CỦA LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 74. Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài

Luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam:

1. Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

2. Tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Điều 75. Hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

1. Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

2. Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Điều 76. Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

Điều 77. Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài

1. Luật sư nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn hình thức hành nghề tại Việt Nam theo quy định tại Điều 75 của Luật này;

b) Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Luật sư nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật;

b) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

c) Có mặt thường xuyên tại Việt Nam;

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 3. THỦ TỤC CẤP PHÉP ĐỐI VỚI CHI NHÁNH, CÔNG TY LUẬT NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 78. Cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài phải có hồ sơ thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Hồ sơ thành lập chi nhánh gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập chi nhánh;

b) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

c) Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

d) Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại chi nhánh;

đ) Quyết định cử luật sư làm Trưởng chi nhánh.

3. Hồ sơ thành lập công ty luật nước ngoài gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài;

b) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; bản sao Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;

c) Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;

d) Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại công ty; danh sách luật sư Việt Nam dự kiến làm việc tại công ty kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư;

đ) Dự thảo Điều lệ công ty luật nước ngoài; hợp đồng liên doanh đối với hình thức liên doanh.

4. Điều lệ công ty luật nước ngoài gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở, chi nhánh; tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

b) Lĩnh vực hành nghề của công ty luật nước ngoài;

c) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và quan hệ của luật sư thành viên công ty luật nước ngoài;

d) Cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty luật nước ngoài;

đ) Người đại diện theo pháp luật của công ty luật nước ngoài;

e) Thời hạn hoạt động, điều kiện chấm dứt hoạt động của công ty luật nước ngoài;

g) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty luật nước ngoài.

Điều 79. Đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở.

2. Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:

a) Bản sao Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài;

b) Giấy tờ chứng minh về trụ sở.

3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài.

Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 80. Thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có dự định thay đổi một trong các nội dung sau đây của Giấy phép thành lập thì phải làm đơn gửi Bộ Tư pháp và chỉ được thay đổi khi có sự chấp thuận của Bộ Tư pháp:

a) Tên chi nhánh, công ty luật nước ngoài;

b) Chuyển trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;

c) Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài;

d) Lĩnh vực hành nghề.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp xem xét và ra văn bản chấp thuận; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận thay đổi nội dung Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài thì chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký việc thay đổi tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở; trường hợp thay đổi trụ sở quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì còn phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở cũ.

3. Trường hợp thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

4. Trường hợp thay đổi trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi.

Điều 81. Chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

1. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được thành lập chi nhánh ở trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký hoạt động.

2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Chi nhánh được thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

3. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh.

4. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có hồ sơ thành lập chi nhánh gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập chi nhánh; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

5. Hồ sơ thành lập chi nhánh gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập chi nhánh;

b) Bản sao Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài;

c) Giấy uỷ quyền cho luật sư làm Trưởng chi nhánh;

d) Bản sao Giấy phép hành nghề của luật sư được uỷ quyền làm Trưởng chi nhánh;

đ) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh.

6. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động của chi nhánh tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

Điều 82. Cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề tại ViệtNam cho luật sư nước ngoài

1. Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải có hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

2. Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài có thời hạn năm năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá năm năm.

3. Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài thay thế Giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam về cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam;

b) Giấy tờ xác nhận là luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận về việc tuyển dụng của chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, nơi luật sư nước ngoài dự kiến làm việc;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư; bản tóm tắt lý lịch nghề nghiệp; phiếu lý lịch tư pháp hoặc giấy tờ khác thay thế.

Chương VII

QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 83. Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng và trình Chính phủ quyết định chiến lược và chính sách phát triển nghề luật sư;

b) Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về luật sư;

c) Quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư; phối hợp với Bộ Tài chính quy định học phí đào tạo nghề luật sư; quản lý, tổ chức việc đào tạo nghề luật sư;

d) Cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;

đ) Cấp, thu hồi, gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài;

e) Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

g) Phê duyệt Điều lệ tổ chức luật sư toàn quốc;

h) Tổng kết, báo cáo Chính phủ về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;

i) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;

k) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư;

l) Quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về luật sư;

m) Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của tổ chức luật sư toàn quốc trái với quy định của Luật này.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Cho phép thành lập Đoàn luật sư; quyết định việc giải thể Đoàn luật sư;

b) Phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;

c) Tổ chức cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

d) Kiểm tra, thanh tra, xử lýý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

đ) Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của Đoàn luật sư trái với quy định của Luật này;

e) Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương;

g) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương;

h) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 84. Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và Điều lệ của mình.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Mục 1. XỬ LÝ KỶ LUẬT LUẬT SƯ, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 85. Xử lý kỷ luật đối với luật sư

1. Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;

d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

2. Việc xem xét quyết định kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.

3. Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị tổ chức luật sư toàn quốc thu hồi Thẻ luật sư.

Điều 86. Khiếu nại quyết định kỷ luật luật sư

1. Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với mình.

Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

2. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc đối với hình thức kỷ luật quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 85 của Luật này, luật sư có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Điều 87. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc

1. Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

2. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc đối với việc Đoàn luật sư không đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, từ chối việc gia nhập Đoàn luật sư, cá nhân có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

3. Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ban thường vụ tổ chức luật sư toàn quốc có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của các cơ quan của tổ chức luật sư toàn quốc.

Điều 88. Giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp giữa khách hàng và luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm hoà giải tranh chấp đó.

Mục 2. XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI LUẬT SƯ, TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 89. Xử lý vi phạm đối với luật sư

Luật sư vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 90. Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

Tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 91. Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư

Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 92. Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp

1. Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 93. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Pháp lệnh luật sư năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 94. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 65/2006/QH11

Hanoi, June 29, 2006

 

LAW

ON LAWYERS

(No. 65/2006/QH11)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001, of the Xh National Assembly, the 10th session;
This Law provides for lawyers and the practice of law.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope

This Law provides for the principles, conditions, scope and forms of professional practice by, as well as criteria, rights and obligations of, lawyers, law-practicing organizations and socio-professional organizations of lawyers; the management of law practice and professional practice by foreign law-practicing organizations and foreign lawyers in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Lawyers are persons who fully the meet the criteria and conditions for professional practice under the provisions of this Law and provide legal services at the request of individuals, agencies or organizations (hereinafter collectively referred to as clients).

Article 3.- Social functions of lawyers

Legal professional activities aim at contributing to the protection of justice, the economic development and the building of an equitable, democratic and civilized society.

Article 4.- Legal services provided by lawyers

Legal services provided by lawyers include participation in legal proceedings, provision of legal consultancy, representation of clients beyond legal proceedings and other legal services.

Article 5.- Principles for law practice

1. Observance of the Constitution and law.

2. Observance of the rules on legal professional ethics and conducts.

3. Independence, honesty and respect for objective truths.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Accountability before law for law-practicing activities.

Article 6.- Principles for management of law practice

The management of law practice shall comply with the principle of combining the state management with the promotion of self-control of socio-professional organizations of lawyers, ensuring the observance of law and the rules of legal professional ethics and conducts.

Article 7.- Socio-professional organizations of lawyers

Socio-professional organizations of lawyers are set up to represent lawyers and protect their legitimate rights and interests, provide professional training and retraining for lawyers, oversee lawyers in their observance of law and rules of professional ethics and conducts, and manage law practice in accordance with this Law.

Socio-professional organizations of lawyers include bar associations in provinces and centrally run cities and the national lawyers' organization.

Article 8.- Encouragement of pro bono legal aid

The State encourages lawyers and law-practicing organizations to provide pro bono legal aid.

Article 9.- Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Providing legal services to clients who have conflicting interests in the same criminal, civil or administrative case or civil affair (hereinafter collectively referred to as cases and affairs) as provided for by law;

b/ Intentionally supplying forged or untruthful documents or material evidences; instigating detainees, the accused, defendants or involved persons to make untruthful declarations or instigating clients to make complaints, denunciations or petitions in contravention of law;

c/ Disclosing information on cases, affairs or clients they have acquired in the process of professional practice, unless it is agreed by clients in writing or otherwise provided for by law.

d/ Harassing or deceiving clients;

e/ Receiving or asking for any money amounts or benefits other than remunerations and charges agreed upon with clients in legal service contracts;

f/ Establishing contacts or relations with persons conducting or participating in legal proceedings or with cadres or civil servants to act in contravention of law in the settlement of cases or affairs;

g/ Abusing law practice or the lawyer's title to cause harms to national security, social order or safety, infringing upon the State's interests, public interests or legitimate rights and interests of agencies, organizations or individuals.

2. Agencies, organizations and individuals may not commit acts of obstructing lawyers from practicing their profession.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 10.- Criteria of lawyers

Vietnamese citizens who are loyal to the Fatherland, observe the Constitution and law, have good moral qualities, possess a law bachelor diploma, have been trained in legal profession, have gone through the probation of legal profession and have good health for law practice may become lawyers.

Article 11.- Conditions for law practice

A person who meets all the criteria specified in Article 10 of this Law, if wishing to practice law, must possess a law practice certificate and join a bar association.

Article 12.- Lawyer training

1. A person who possesses a law bachelor diploma may register to participate in a lawyer-training course at a lawyer-training establishment.

2. The lawyer-training duration is six months.

A person who completes the lawyer-training program shall be granted a graduation certificate by the concerned lawyer-training establishment.

3. The Justice Minister shall provide a framework program for lawyer training and the recognition of lawyer training overseas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Persons exempt from lawyer training

1. Those who have been judges, procurators or investigators.

2. Professors, associate professors of law; doctors of law.

3. Those who have been senior court examiners; senior procuracy inspectors; senior legal experts, researchers or lecturers.

4. Those who have been principal court examiners or principal procuracy inspectors; principal legal experts, researchers or lecturers.

Article 14.- Law practice probation

1. Persons who possess lawyer-training certificates may take probation at law-practicing organizations.

Unless it is reduced according to the provisions of Clauses 2 and 3, Article 16 of this Law, the law practice probation lasts 18 months. The probation duration is counted from the date of probation registration at a bar association.

Law-practicing organizations shall assign lawyers to guide probationers in the practice of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bar associations shall oversee the observance of the Regulation on law practice probation.

3. Law probationers may assist instructing lawyers in professional activities; must neither accept nor provide legal services for clients.

4. Upon the expiration of the probation period, instructing lawyers shall give written comments on probation results of probationers and send those comments to the bar associations where they register their probation.

5. The law-practice probation shall comply with the relevant Regulation promulgated jointly by the Justice Ministry and the national lawyers' organization.

Article 15.- Testing of law practice-probation results

1. The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the national lawyers' organization in, testing law practice-probation results.

2. Law practice-probation results are tested by a council composed of a representative of the Justice Ministry's leadership as its chairman and representatives of the national lawyers' organization and some lawyers as its members. The council's membership is decided by the Minister of Justice.

The council shall test law practice-probation results according to the Regulation on law practice probation.

3. Persons who pass law practice-probation tests shall be granted certificates by the Justice Minister at the request of the law practice probation result-testing council.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons who are exempt from lawyer training as specified in Clauses 1, 2 and 3, Article 13 of this Law are also exempt from law practice probation.

2. Persons who are exempt from lawyer training as specified in Clause 4, Article 13 of this Law are entitled to reduction of two-thirds of the law practice- probation duration.

3. Persons who have worked as legal experts, researchers or lecturers or as court examiners or procuracy inspectors for 10 years or more are entitled to reduction of half of the law practice-probation duration.

Article 17.- Grant of law practice certificates

1. Persons who pass law practice-probation tests shall file dossiers of application for law practice certificates with the managing boards of the bar associations where they register their probation. A dossier of application for such a certificate comprises:

a/ An application for a law practice certificate;

b/ A curriculum vitae;

c/ A judicial record card;

d/ A copy of the law bachelor or master diploma;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ A copy of the law practice-probation certificate;

g/ A health certificate.

Within 7 working days after receiving a complete dossier, the managing board of the concerned bar association shall send, together with the dossier, a written proposal for the grant of a law practice certificate to the Justice Ministry.

2. Persons entitled to lawyer-training and law practice probation exemption shall file dossiers of application for law practice certificates with the Justice Ministry. Such a dossier comprises:

a/ An application for a law practice certificate;

b/ A curriculum vitae;

c/ A judicial record card;

d/ A copy of the law bachelor, master or doctorate diploma;

e/ Papers evidencing the lawyer-training exemption under the provisions of Clauses 1, 2 and 3, Article 13 and law practice probation exemption under the provisions of Clause 1, Article 16, of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Within 30 days after receiving complete dossiers of application for law practice certificates, the Justice Minister shall grant such certificates; in case of refusal, he/she shall notify the applicants and the managing boards of concerned bar associations thereof in writing, clearly stating the reasons therefor.

If their applications for law practice certificates are rejected, the applicants may lodge complaints in accordance with law.

4. Persons falling in one of the following cases are not granted law practice certificates:

a/ Working as cadres, officials or civil servants; as officers, professional personnel or defense workers in agencies or units of the people's army; as commanding or professional officers or non-commissioned officers in agencies or units of the people's security forces;

b/ Not permanently residing in Vietnam;

c/ Being examined for penal liability; having been sentenced for unintentional crimes or less serious intentional crimes and their criminal records have not yet been remitted; having been sentenced for serious, very serious or particularly serious intentional crimes;

d/ Being confined to a medical treatment establishment or reformatory as an administrative sanctioning measure or to administrative probation;

e/ Having lost their civil act capacity or having a restricted civil act capacity;

f/ The persons defined at Point a of this Clause who have been dismissed for under three years, counting from the date the dismissal decision takes effect.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The law practice certificate granted to a person shall be withdrawn if he/she falls in one of the following cases:

a/ Working as a cadre, official or civil servant; as an officer, professional personnel or defense worker in an agency or unit of the people's army; as a commanding or professional officer or non-commissioned officer in an agency or unit of the people's security force;

b/ No longer residing in Vietnam;

c/ No longer satisfying lawyers' criteria specified in Article 10 of this Law;

d/ Being disciplined in the form of having his/her name deleted from the list of lawyers of a bar association;

e/ Being deprived of the right to use the law practice certificate;

f/ Having been sentenced and the sentence has taken legal effect.

2. The Justice Minister has the power to withdraw law practice certificates and stipulate procedures for the withdrawal of those certificates.

Article 19.- Re-grant of law practice certificates

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A person whose law practice certificate has been withdrawn according to the provisions of Point d, e or f, Clause 1, Article 18 of this Law may be considered for the re-grant of that certificate when they fully meet the criteria specified in Article 10 of this Law and one of the following conditions:

a/ Three years have passed after the decision to withdraw the law practice certificate is issued to the lawyer who is disciplined in the form of having his/her name deleted from the list of lawyers of a bar association;

b/ The law practice certificate has been withdrawn because the lawyer has been deprived of the right to use that certificate for a definite period and that period has expired.

c/ The law practice certificate has been withdrawn because the lawyer has been sentenced for an unintentional crime or a less serious intentional crime, and his/her criminal record has been remitted after serving the penalty.

3. A person whose law practice certificate is withdrawn because of being deprived of the right to use that certificate for an indefinite period or having been sentenced for a serious, very serious or particularly serious intentional crime shall not be considered for the re-grant of a law practice certificate.

4. Procedures for the re-grant of law practice certificates shall comply with the provisions of Article 17 of this Law.

Article 20.- Joining bar associations

1. A person who possesses a law practice certificate may join a bar association of his/her choice for law practice.

2. A person who possesses a law practice certificate shall send a dossier for joining a bar association to that association's managing board. Such a dossier comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A curriculum vitae;

c/ A copy of the law practice certificate;

d/ A legal record card;

e/ A health certificate.

3. Within 10 working days after receiving a complete dossier for joining a bar association, the managing board of the bar association shall consider and decide on such joining; if the applicant falls in one of the cases defined in Clause 4, Article 17 of this Law, the managing board shall reject the application and state in writing the reasons therefor. The rejected applicant may lodge his/her complaint in accordance with Article 87 of this Law.

4. A person joining a bar association shall be granted a lawyer's card by the national lawyers' organization at the request of the bar association. The time limit for the grant of a lawyer's card must not exceed 30 days from the date the lawyer joins the bar association.

5. A lawyer who moves from one bar association to another shall fill in procedures to have his/her name deleted from the list of lawyers of the bar association of which he/she is a member in order to move to the new one and have his/her lawyer's card renewed.

Article 21.- Rights and obligations of lawyers

1. Lawyers have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To practice law in the Vietnamese territory;

c/ To practice law overseas;

d/ Other rights as provided for by this Law.

2. Lawyers have the following obligations:

a/ To observe the law practice principles;

b/ To take lawful measures to protect legitimate rights and interests of their clients;

c/ To participate in legal proceedings in cases at the request of legal proceeding-conducting agencies.

d/ To provide pro bono legal aid;

e/ Other obligations as provided for by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



LAW PRACTICE

Section 1. LAW PRACTICE BY LAWYERS

Article 22.- Practicing scope

1. Participating in legal proceedings as defense counsels for detainees, the accused or defendants or as defenders of interests of victims, claimants or respondents in civil cases, or of people with related interests and obligations in criminal cases.

2. Participating in legal proceedings as representatives or defenders of legitimate rights and interests of claimants, respondents, persons with related rights and obligations in civil disputes, marriage and family, business, commercial, labor or administrative cases or affairs as well as in other cases and affairs specified by law.

3. Providing legal consultancy.

4. Representing clients beyond legal proceedings in order to carry out related legal tasks.

5. Providing other legal services in accordance with this Law.

Article 23.- Forms of law practice by lawyers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A lawyer may practice law in a law-practicing organization by establishing or joining in the establishment of the law-practicing organization or working for the law-practicing organization under a contract.

2. Practicing law individually.

3. Lawyers may opt for either of the two professional practice forms mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article to practice law.

Article 24.- Acceptance and settlement of clients' cases or affairs

1. Lawyers shall respect clients' selection of lawyers; shall only accept cases and affairs suitable with their capabilities and settle them within the scope of the clients' requests.

2. When accepting cases or affairs, lawyers shall notify their clients of their rights, obligations and professional liabilities in the provision of legal services to clients.

3. Unless it is consented by clients or in force majeure circumstances, lawyers may not transfer cases or affairs they have accepted to others.

Article 25.- Confidentiality

1. Unless it is consented by clients in writing or otherwise provided for by law, lawyers may not disclose information on cases, affairs or clients they know in the course of professional practice.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Law-practicing organizations shall ensure that their staff members do not disclose information on their cases, affairs or clients.

Article 26.- Provision of legal services under legal service contracts

1. Lawyers shall provide legal services under legal service contracts, except for those who participate in legal proceedings at the request of legal proceeding-conducting agencies and those who practice law individually under labor contracts with agencies or organizations.

2. Legal service contracts must be made in writing with the following principal contents:

a/ Names and addresses of the client or his/her representative and of the representative of the law-practicing organization or the lawyer practicing law individually;

b/ Service contents and contract performance duration;

c/ Rights and obligations of the involved parties;

d/ The mode of calculation of remuneration and specific remuneration levels; expenses (if any);

e/ Liabilities incurred upon a breach of the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27.- Lawyers' participation in legal proceedings

1. Lawyers' participation in legal proceedings shall comply with the procedural law and this Law.

2. When fully producing papers in one of the following cases, a lawyer may be granted by the legal proceeding-conducting agency a certificate of defense counsel, certificate of defender of interests of an involved party in a criminal case or certificate of defender of legitimate rights and interests of an involved party in a civil affair or administrative case (hereinafter collectively referred to as lawyer's certificate of participation in legal proceedings):

a/ The lawyer's card, the client's written request for a lawyer and the introduction paper of the law-practicing organization or its branch where the lawyer practices law, in case such lawyer practices law in a law-practicing organization;

b/ The lawyer's card, the client's written request for a lawyer and the introduction paper of the bar association of which the lawyer is a member, in case he/she practices law individually; the lawyer's card and the introduction paper of the agency or organization where the lawyer practices law individually under a labor contract in order to protect legitimate rights and interests of that agency or organization;

c/ The lawyer's card and the document on lawyer nomination by a law-practicing organization or its branch where he/she practices law, for the lawyer who practices law in a law-practicing organization, or the lawyer's card and the document of lawyer nomination by the bar association, for the lawyer who practices law individually, in order to participate in legal proceedings in a criminal case at the request of the legal proceeding-conducting agency.

3. Unless otherwise provided for by law, the time limit for the grant of a lawyer's certificate of participation in legal proceedings is 3 days at most after the full receipt of the papers in one of the cases stipulated in Clause 2 of this Article.

4. Unless it is withdrawn, the lawyer is replaced or is not allowed to participate in legal proceedings as provided for by law, a lawyer's certificate of participation in legal proceedings is valid at all stages of legal proceedings.

5. When they need to contact individuals, agencies or organizations to exercise their rights, perform their obligations or carry out activities related to the defense or protection of interests of their clients, lawyers shall produce lawyer's cards and certificates of participation in legal proceedings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Legal consultancy means that lawyers guide, give opinions to or assist their clients in drafting papers related to the exercise of the latter's rights or the performance of the latter's obligations.

Lawyers may provide legal consultancy in all fields of law.

2. When providing legal consultancy, lawyers shall assist their clients in strictly observing law in order to protect the latter's legitimate rights and interests.

Article 29.- Lawyers' representation beyond legal proceedings

1. Lawyers may represent their clients in settling affairs related to the jobs they have taken within the scope and according to the contents of the legal service contracts or as assigned by agencies or organizations for which they practice law individually under labor contracts.

2. When representing their clients, lawyers have the rights and obligations as provided for by relevant laws.

Article 30.- Other legal services provided by lawyers

1. Other legal services provided by lawyers include assisting clients in performing jobs related to administrative procedures; providing legal advice in case of settlement of complaints; translating, certifying papers and transactions and assisting clients in performing other jobs in accordance with law.

2. When providing other legal services, lawyers have the rights and obligations as provided for by relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When providing pro bono legal aid, lawyers must be devoted to the legal aid-receivers as to their clients in charged cases and affairs.

2. Lawyers shall provide pro bono legal aid according to the charter of the national lawyers' organization.

Section 2. LAW-PRACTICING ORGANIZATIONS

Article 32.- Forms of law-practicing organizations

1. Forms of law-practicing organizations include:

a/ Lawyers' offices;

b/ Law firms.

2. Law-practicing organizations are organized and operate under the provisions of this Law and other relevant provisions of law.

3. A lawyer may only establish, or join in the establishment of, one law-practicing organization in the locality where exists a bar association of which he/she is a member. Where lawyers of different bar associations jointly set up a law firm, they may opt to establish it and register its operations in the locality where exists the bar association of which one of them is a member.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A lawyer's office set up by a lawyer is organized and operates in the form of a private enterprise.

The lawyer who sets up a lawyer's office is the chief of the office and takes charge of fulfilling all the office's obligations with all his/her property. The chief of an office is the office's representative at law.

2. The name of a lawyer's office is selected by the lawyer according to the provisions of the Enterprise Law but must contain the phrase "van phong luat su" (lawyer's office), must not be identical to, or cause confusion with, the names of registered law-practicing organizations and must not contain words, phrases or symbols against the historical, cultural or ethical traditions as well as fine customs of the nation.

3. A lawyer's office has its own seal and account as provided for by law.

Article 34.- Law firm

1. Law firms include law partnerships and limited liability law firms. Law firms' members must be lawyers.

2. A law partnership must be set up by at least two lawyers. Law partnerships do not have capital-contributing members.

3. Limited liability law firms include limited liability law firms with two or more members and one-member limited liability law firms.

A limited liability law firm with two or more members must be set up by at least two lawyers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Members of a law partnership or limited liability law firm with two or more members shall reach agreement to nominate one of them to be the firm's director. The lawyer who owns a one-member limited liability law firm is the firm's director.

5. The names of law partnerships or limited liability law firms with two or more members shall be selected and agreed upon by all members; the names of one-member limited liability law firms shall be selected by the firms' owners in accordance with the Enterprise Law, which, however, must contain the phrase "cong ty luat hop danh" (law partnership) or "cong ty luat huu han" (limited liability law firm), must not be identical to, or cause confusion with, the names of other registered law-practicing organizations, and must not contain words, phrases or symbols against the historical, cultural or ethical traditions as well as fine customs of the nation.

Article 35.- Registration of operations of law-practicing organizations

1. A law-practicing organization shall register its operations at the provincial/municipal Justice Service of the locality where exists the bar association of which the chief of the lawyer's office or the director of the law firm is a member. A law firm jointly set up by lawyers of different bar associations shall register its operations at the provincial/municipal Justice Service of the locality where the firm is based.

2. Law-practicing organizations shall send operation registration dossiers to the provincial/municipal Justice Services. Such a dossier comprises:

a/ A written request for operation registration, made according to a set form;

b/ A draft charter of the law firm;

c/ Copies of the law practice certificate and lawyer's card of the lawyer who sets up the lawyer's office, sets up or joins in setting up the law firm.

d/ Papers evidencing the headquarters of the law-practicing organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. A law-practicing organization may start operation on the date it is granted the operation registration paper.

Within 7 working days after being granted the operation registration paper, the chief of the lawyer's office or the director of the law firm shall give a written notice together with a copy of the operation registration paper to the bar association of which he/she is a member.

Article 36.- Changes in contents of operation registration of law-practicing organizations

1. In case of a change in its name, address of its head-office, branch, transaction office, practice domains, membership, at-law representative or other contents in the operation registration dossier, within 10 working days after deciding on such change, a law-practicing organization shall make registration with the provincial/municipal Justice Service where it has registered its operations. In case of changes in the contents of its operation registration paper, the law-practicing organization shall be re-granted that paper.

Within 10 working days after making changes or receiving the re-granted operation registration paper, the law-practicing organization shall notify the bar association of the changes in writing.

2. When its operation registration paper is lost, torn, burnt or otherwise destroyed, a law-practicing organization shall be re-granted that paper.

Article 37.- Supply of information on contents of operation registration by law-practicing organizations

1. Within 7 working days after granting an operation registration paper or changing contents of operation registration of a law-practicing organization, the provincial/municipal Justice Service shall notify such in writing to the tax office, the statistical office, other competent state agencies and the People's Committee of the district, provincial town or city, the People's Committee of the commune, ward or township and the bar association in the locality where the concerned law-practicing organization is headquartered.

2. Organizations and individuals may request provincial/municipal Justice Services to supply information on operation registration contents of law-practicing organizations, grant copies of operation registration papers, certify changes in operation registration contents or extract those contents of law-practicing organizations and shall pay fees in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 38.- Publicity of operation registration contents of law-practicing organizations

1. Within 30 days after being granted an operation registration paper, a law-practicing organization shall publish on a central daily or a daily of the locality where it registers its operations or on a law-specialized newspaper for three consecutive issues the following principal contents:

a/ Its name;

b/ Addresses of its head-office, branches and transaction offices;

c/ Its professional practice domains;

d/ Full names, addresses, serial numbers of law practice certificates of the lawyer who is the chief of the lawyer's office or the director of the law firm and other founding members;

e/ Serial number of the operation registration paper, place of operation registration and date of grant of the operation registration paper.

2. In case of a change in its operation registration contents, a law-practicing organization shall make public that change within the time limit and by the mode prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 39.- Rights of a law-practicing organization

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To receive remunerations from its clients.

3. To hire Vietnamese lawyers, foreign lawyers and others to work for it.

4. To cooperate with foreign law-practicing organizations.

5. To set up local branches or transaction offices.

6. To locate its practicing establishments overseas.

7. Other rights as provided for by this Law and relevant laws.

Article 40.- Obligations of a law-practicing organization

1. To operate only in the practice domains stated in its operation registration paper.

2. To fulfill its commitments to clients.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To create conditions for its lawyers to provide pro bono legal aid.

5. To pay compensation for damage caused by its lawyers to its clients in legal consultancy provision, in representation beyond legal proceedings or in the provision of other legal services.

6. To purchase professional liability insurance for its lawyers in accordance with the insurance business law.

7. To observe the labor, tax, financial and statistical laws.

8. To abide by the competent state agencies' requests for reporting, inspection or examination.

9. Other obligations as provided for by this Law and relevant laws.

Article 41.- Branches of law-practicing organizations

1. Branches of a law-practicing organization may be set up within or outside the province or centrally run city where that organization registers its operation. Branches of a law-practicing organization are its dependent units and operate under its authorization in the domains specified in its operation registration paper. The law-practicing organization shall take responsibility for operations of its branches. It shall nominate a lawyer to be the chief of each branch. The chief of a branch and members of the law-practicing organization working at that branch may also be lawyers of a bar association in the locality where the law-practicing organization registers its operations or where it locates its branch.

2. A branch of a law-practicing organization shall register its operations at provincial/municipal Justice Service of the locality where it is based. The law-practicing organization shall file a dossier for registration of operations of its branch with the provincial/municipal Justice Service. Within 7 working days after receiving a complete dossier, the provincial/municipal Justice Service shall grant an operation registration paper to the concerned branch; in case of refusal, it shall notify such in writing, clearly stating the reasons therefor. The person who is not granted an operation registration paper may lodge a complaint in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Upon changes in operation registration contents of its branch, within 10 working days after deciding on those changes, the law-practicing organization shall notify those changes in writing to the provincial/municipal Justice Service which has granted the operation registration paper to its branch and to the bar association of the locality where its branch is based.

3. A branch's operation registration dossier comprises:

a/ A written request for registration of the branch's operations;

b/ A copy of the operation registration paper of the law-practicing organization which sets up the branch;

c/ A decision on the establishment of the branch;

d/ Copies of the law practice certificate and the lawyer's card of the chief of the branch;

e/ Papers evidencing the branch's office.

Article 42.- Transaction offices of law-practicing organizations

The transaction office of a law-practicing organization may be set up within a province or centrally-run city where that organization registers its operations. The transaction office is the place to receive cases, affairs and requests of clients. It may not provide legal services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The provincial/municipal Justice Service shall write the address of the transaction office of the law-practicing organization in its operation registration certificate.

Article 43.- Opening of law-practicing establishments overseas

1. Law-practicing organizations may open law-practicing establishments overseas.

2. Within 10 working days after permitted by the foreign competent authority to open its law-practicing establishment overseas, a law-practicing organization shall notify such in writing to the provincial/municipal Justice Service, the tax office and the bar association of the locality where it registers its operations.

3. When terminating operations of its overseas law-practicing establishment, within 7 working days after the termination, the law-practicing organization shall notify such in writing to the provincial/municipal Justice Service, the tax office and the bar association of the locality where it registers its operations.

Article 44.- Nomination of lawyers to provide legal services in foreign countries

Law-practicing organizations may nominate lawyers to provide legal services in foreign countries at the request of their clients.

Lawyers who provide legal services in foreign countries shall observe the provisions of this Law and relevant laws.

Article 45.- Merger and consolidation of law firms

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 46.- Cessation of operations of law-practicing organizations

1. Law-practicing organizations may cease their operations but must, at least 10 working days before the cessation or resumption of their operations, send reports thereon to provincial/municipal Justice Services, tax offices, statistical offices and bar associations of the localities where they register their operations and where their branches are located. The cessation duration must not exceed two years.

2. A report on cessation of operations of a law-practicing organization has the following principal contents:

a/ The name of the law-practicing organization;

b/ The serial number and date of the issue of its operation registration certificate;

c/ The address of its head office;

d/ The cessation duration, the dates of starting and ending the cessation;

e/ The reasons for operation cessation;

f/ The report on the payment of debts and the handling of legal service contracts already signed with clients and labor contracts already signed with its lawyers and staff members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. During their operation cessation periods, unless otherwise agreed upon, law-practicing organizations shall fully pay tax debts, continue paying other debts and complete contracts already signed with laborers.

With regard to legal service contracts which have been signed with their clients but have not yet been completed, law-practicing organizations shall reach agreement with those clients on the performance of the contracts.

5. When a law-practicing organization ceases its operations, its branches and transaction offices shall also cease their operations.

Article 47.- Termination of operations of law-practicing organizations

1. A law-practicing organization terminates its operations in the following cases:

a/ It terminates its operations at its own will;

b/ Its operation registration paper is withdrawn;

c/ The chief of the lawyer's office, the director of the one-member limited liability law firm or all members of the law partnership or members of the limited liability law firm with two or more members have their law practice certificates withdrawn;

d/ The law firm is merged or consolidated;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When terminating its operations according to the provisions of Points a and d, Clause 1 of this Article, within 30 days before terminating its operations, a law-practicing organization shall notify such in writing to the provincial/municipal Justice Services and the bar associations of the localities where it registers its operations and where it locates its branch(es).

Before terminating its operations, a law-practicing organization shall fully pay tax debts; pay all other debts; complete all procedures for termination of labor contracts already signed with its lawyers and staff members; and complete all legal service contracts already signed with its clients. If failing to complete legal service contracts signed with its clients, it shall reach agreement with the latter on the performance of those contracts.

3. In case of termination of operations of a law-practicing organization according to the provisions of Points b and c, Clause 1 of this Article, within 7 working days after withdrawing the operation registration paper and/or the law practice certificate, the concerned provincial/municipal Justice Service shall notify such in writing to the bar association(s) and the tax office(s) of the locality(ies) where that law-practing organization registers its operations and where it locates its branch(es).

Within 60 days after having its operation registration paper and/or law practice certificate withdrawn, a law-practicing organization shall fully pay tax debts; pay all other debts; complete procedures for termination of labor contracts already signed with its lawyers and staff members. With regard to legal service contracts which have been signed with its clients but have not yet been completed, the organization shall reach agreement with its clients on the performance of those contracts.

4. In case of operation termination under the provisions of Point e, Clause 1 of this Article, within 7 working days after the chief of the lawyer's office or the director of the one-member limited liability law firm dies, the concerned provincial/municipal Justice Service shall issue a decision to withdraw the operation registration certificate of the office or the firm.

Within 7 working days after withdrawing an operation registration paper, the provincial/municipal Justice Service shall notify such in writing to the bar associations and the tax office(s) of the locality(ies) where the concerned law-practicing organization registers its operations and where it locates its branch(es). The handling of property-related rights and obligations shall comply with the civil law.

Article 48.- Termination of operations of branches and transaction offices of law-practicing organizations

1. Branches or transaction offices of a law-practicing organization shall terminate their operations in the following cases:

a/ The law-practicing organization that has set up such branches or transaction offices terminates its operations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ A branch's operation registration paper is withdrawn.

2. Law-practicing organizations shall fulfill all obligations and handle all issues related to the termination of operations of their branches or transaction offices.

Section 3. INDIVIDUAL PRACTICE OF LAW

Article 49.- Lawyers practicing law individually

1. Lawyers practicing law individually are those who personally accept cases or affairs and provide legal services to their clients, take responsibility for their professional practice with all their property and operate in the form of private business households.

Lawyers practicing law individually may each register only one transaction place and have no seals.

2. Lawyers shall practice law individually by providing legal services for clients under legal service contracts or working for agencies or organizations under labor contracts.

Article 50.- Registration of individual law practice

1. A lawyer practicing law individually shall register his/her professional practice at the provincial/municipal Justice Service of the locality where exists a bar association of which he/she is member.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A dossier for registration of individual law practice comprises:

a/ A written request for law practice registration, made according to a set form;

b/ Copies of the law practice certificate and the lawyer's card;

c/ Papers evidencing the transaction venue.

3. A lawyer may practice law individually from the date he/she is granted a law practice-registration paper.

Within 7 working days after being granted the law practice-registration paper, the lawyer practicing law individually shall send a written notice together with a copy of the law practice registration paper to the bar association of which he/she is a member.

Article 51.- Change in, and supply of information on, contents of registration of individual law practice

The change in, and supply of information on, contents of registration of individual law practice by lawyers who practice law individually shall comply with the provisions of Articles 36 and 37 of this Law.

Article 52.- Rights and obligations of lawyers practicing law individually under legal service contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To provide legal services;

b/ To receive remunerations from clients;

c/ Other rights as provided for by this Law and relevant laws.

2. Lawyers practicing law individually under legal service contracts have the following obligations:

a/ To operate only in the professional domains stated in their law practice-registration papers;

b/ To strictly implement the contents of legal service contracts concluded with clients;

c/ To pay compensations for damage caused to clients due to their faults in the provision of legal consultancy, representation beyond legal proceedings or in the provision of other legal services;

d/ To purchase professional liability insurance in accordance with the insurance business law;

e/ To observe the tax, financial and statistical laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Other obligations as provided for by this Law and relevant laws.

Article 53.- Rights and obligations of lawyers practicing law individually under labor contracts

1. Lawyers practicing law individually under labor contracts may provide legal services according to the contents of labor contracts concluded with agencies or organizations.

2. The rights and obligations of lawyers practicing law individually under labor contracts, of agencies and organizations hiring those lawyers shall comply with the labor law, this Law and relevant laws.

Chapter IV

REMUNERATIONS AND EXPENSES; WAGES UNDER LABOR CONTRACTS

Article 54.- Lawyers' remunerations

Clients shall pay remunerations for legal services provided by lawyers. The receipt of remunerations shall comply with this Law and relevant laws.

Article 55.- Grounds and modes of calculating remunerations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Contents and characteristics of legal services;

b/ Time and labor spent by lawyers on the provision of legal services;

c/ Experience and prestige of lawyers.

2. Remunerations are calculated by the following modes:

a/ Working hours of lawyers;

b/ Cases or affairs with package remunerations;

c/ Cases or affairs with remunerations calculated in percentages of the threshold costs of lawsuits or the value of contracts or projects;

d/ Long-term contracts with fixed remunerations.

Article 56.- Remunerations and expenses for lawyers who provide legal services under legal service contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Traveling, accommodation and other reasonable expenses for the provision of legal services shall be agreed upon by the concerned parties in legal service contracts.

Article 57.- Remunerations and expenses for lawyers who participate in legal proceedings at the request of legal proceeding-conducting agencies

Lawyers who participate in legal proceedings at the request of legal proceeding-conducting agencies are entitled to remunerations and expenses according to the Government's regulations.

Article 58.- Wages for lawyers practicing law individually under labor contracts

Lawyers practicing law individually for agencies or organizations under labor contracts are entitled to wages as agreed upon in the labor contracts.

The agreement on and payment of wages shall comply with the labor law.

Article 59.- Settlement of disputes over remunerations, expenses and wages under labor contracts

1. The settlement of disputes over remunerations and expenses for lawyers shall comply with the civil law.

2. The settlement of disputes over wages for lawyers practicing law individually under labor contracts with agencies or organizations shall comply with the labor law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS OF LAWYERS

Section 1. SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS OF LAWYERS IN PROVINCES AND CENTRALLY RUN CITIES

Article 60.- Bar association

1. A bar association is a socio-professional organization of lawyers in a province or centrally run city, having the legal person status, its own seal and bank account and operating on the principle of self-financing with revenues from membership fees, contributions of members and other lawful revenue sources.

2. A bar association may be set up in a province or centrally run city where exist three or more law practice certificate holders. The provincial/municipal People's Committee shall permit the setting up of a bar association after reaching agreement with the Justice Minister.

3. A bar association has its own charter to govern its internal relations.

4. Members of a bar association are lawyers.

The rights and obligations of members of a bar association are provided in its charter.

Article 61.- Tasks and powers of a bar association

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To supervise and coordinate with bar associations in other localities in supervising the observance of law, rules of professional ethics and conducts of member lawyers, lawyers practicing law in law-practicing organizations and locally based branches of law-practicing organizations; to discipline lawyers.

3. To supervise and coordinate with bar associations in other localities in supervising the operations of law-practicing organizations and their branches and transaction offices; to request law-practicing organizations to stop law-breaking acts and request competent state agencies to handle those acts.

4. To organize the registration of probationary lawyers and supervise them.

5. To receive dossiers of application for law practice certificates and request the Justice Ministry to grant those certificates.

6. To organize the registration of participation in the bar association; to organize the transfer and reception of lawyers; to request the national lawyers' organization to grant lawyer's cards.

7. To assign law-practicing organizations to nominate lawyers or directly nominate lawyers who practice law individually to participate in legal proceedings at the request of legal proceeding-conducting agencies.

8. To conciliate disputes between probationary lawyers, lawyers and law-practicing organizations; between clients and law-practicing organizations or lawyers.

9. To settle complaints and denunciations according to its competence.

10. To sum up and exchange experience, provide professional training and fostering and take other measures to raise professional skills of lawyers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. To make arrangement for lawyers to participate in law dissemination and education.

13. To report to the national lawyers' organization on its organization and operation.

14. To send to the Justice Ministry and the provincial/municipal People's Committee its resolutions and decisions in accordance with law and upon request.

Article 62.- Bodies of a bar association

1. The plenary congress or lawyer deputies' congress of a bar association is its highest leading body.

2. The managing board of a bar association is the executive body of its plenary congress or lawyer deputies' congress, which is elected by the plenary congress or lawyer deputies' congress.

3. The commendation and disciplinary council of a bar association is elected by its plenary congress or lawyer deputies' congress according to the term of office of its managing board.

Article 63.- Charter of a bar association

1. Based on the provisions of this Law, the law on associations and the charter of the national lawyers' organization, the plenary congress or the lawyer deputies' congress of a bar association shall approve the charter of the bar association.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Tasks and powers of the bar association;

b/ Rights and obligations of members of the bar association;

c/ Procedures for registration of lawyers' probation, participation in the bar association, deletion of the name of a lawyer from the list of probationary lawyers or the list of members of the bar association and transfer of a lawyer from the bar association to another;

d/ The organizational structure, mode of election, relief from office or dismissal, tasks and powers of bodies of the bar association;

e/ The finance of the bar association;

f/ The commendation and discipline of lawyers;

g/ The fee for participation in the bar association and membership fee;

h/ Procedures for amendment and/or supplementation of the charter;

i/ The settlement of complaints and denunciations within the bar association;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Within 7 working days after a bar association's charter is approved, its managing board shall send the charter to the provincial/municipal People's Committee. Within 30 days after receiving that charter, the provincial/municipal People's Committee shall approve it. The bar association's charter takes effect after it is approved.

Section 2. NATIONAL SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATION OF LAWYERS

Article 64.- National lawyers' organization

1. The national lawyers' organization is a socio-professional organization of lawyers nationwide, which represents lawyers and bar associations; has the legal person status, its own seal and bank account; and operates on the principle of self-financing with membership fee revenues, contributions of members and other lawful revenue sources.

Members of the national lawyers' organization are bar associations and lawyers. Lawyers participate in the national lawyers' organization through bar associations which they have joined.

2. The national lawyers' organization has its own charter.

The rights and obligations of members of the national lawyers' organization are provided for in its charter.

Article 65.- Tasks and powers of the national lawyers' organization

1. To represent and protect the legitimate rights and interests of lawyers and bar associations nationwide.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To coordinate with the Justice Ministry in issuing the Regulation on lawyers' probation and in training lawyers and examining lawyers' probation results.

4. To organize regular refresher courses on legal knowledge and professional skills for lawyers.

5. To organize reviews and exchange of professional experience among lawyers throughout the country.

6. To provide the uniform model for lawyers participating in court sessions and the form of lawyer's card; to grant, renew and withdraw lawyer's cards.

7. To provide for exemption from and reduction of remunerations for, and pro bono legal aid provided by, lawyers, the resolution of disputes over remunerations and expenses for lawyers.

8. To set lawyer's probation charges and bar associations' participation and membership fees.

9. To settle complaints and denunciations according to its competence.

10. To gather, report lawyers' thoughts, aspirations, opinions and proposals.

11. To join in law-making and jurisprudent research activities as well as in law dissemination and education.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. To send its resolutions and decisions to the Justice Ministry in accordance with law and upon request.

14. Other tasks and powers as provided for by its charter.

Article 66.- Bodies of the national lawyers' organization

1. Bodies of the national lawyers' organization include:

a/ The national lawyer deputies' congress, which is its highest leading body;

b/ The national lawyers' council, which is the leading body of the national lawyers' organization during the interval between two national lawyer deputies' congresses;

c/ The executive board of the national lawyers' organization, which is the body administering all tasks of the national lawyers' organization during the interval between two national lawyer-deputies' congresses;

d/ Other bodies specified by the charter of the national lawyers' organization.

2. Tasks and powers of bodies of the national lawyers' organization are provided for in its charter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Based on the provisions of this Law and the law on associations, the national lawyer-deputies' congress shall approve the charter of the national lawyers' organization.

2. The charter of the national lawyers' organization has the following principal contents:

a/ The guiding principles, purposes and logo of the national lawyers' organization;

b/ The rights and obligations of members of the national lawyers' organization;

c/ The procedures for participation in a bar association, withdrawal from the list of members of a bar association, transfer from a bar association to another by lawyers;

d/ The lawyers' obligation of providing legal aid;

e/ The uniform model for lawyers participating in court sessions and the form of lawyer's card; the procedures for grant, renewal and withdrawal of lawyer's cards;

f/ The term of office, organizational structure, mode of election, relief from office, dismissal, tasks and powers of bodies of the national lawyers' organization and bar associations; the coordinative relationship between bar associations in the management of lawyers and law-practicing organizations;

g/ The structure and number of deputies; tasks and powers of the national lawyer deputies' congress; procedures and order for organizing a congress;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i/ The finance of the national lawyers' organization;

j/ The commendation and procedures for consideration of the disciplining of lawyers; procedures for settlement of complaints and denunciations;

k/ The relationship with other agencies and organizations.

3. Within 7 working days after the charter of the national lawyers' organization is approved, the national lawyers' council shall send it to the Justice Ministry. Within 30 days after receiving that charter, the Justice Minister shall approve it after reaching agreement with the Minister of Home Affairs. The charter of the national lawyers' organization takes effect after its approval.

Chapter VI

PROFESSIONAL PRACTICE BY FOREIGN LAW-PRACTICING ORGANIZATIONS AND FOREIGN LAWYERS IN VIETNAM

Section 1. PROFESSIONAL PRACTICE BY FOREIGN LAW-PRACTICING ORGANIZATIONS
IN VIETNAM

Article 68.- Conditions for professional practice by foreign law-practicing organizations

Foreign law-practicing organizations which have been set up and lawfully practicing law in foreign countries, respect the Constitution and law of the Socialist Republic of Vietnam may practice law in Vietnam under the provisions of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Foreign law-practicing organizations may practice law in Vietnam in the following forms:

a/ Branches of foreign law-practicing organizations (hereinafter called branches);

b/ Limited liability law firms with 100% foreign capital, joint-venture limited liability law firms (hereinafter collectively referred to as foreign law firms).

2. Branches and foreign law firms shall be organized and operate under the provisions of this Law, the enterprise law, the investment law and relevant laws.

Article 70.- Scope of professional practice by foreign law-practicing organizations

Branches and foreign law firms practicing law in Vietnam may provide legal consultancy and other legal services; may not nominate foreign lawyers to participate in legal proceedings in the capacity of defense counsels or defenders of interests of involved parties, representatives or defenders of legitimate rights and interests of involved parties before Vietnamese legal proceeding-conducting agencies; may nominate Vietnamese lawyers in their organizations to advise on Vietnamese law or participate in legal proceedings in the capacity of representatives or defenders of legitimate rights and interests of their clients before Vietnamese courts in cases or affairs in which branches or foreign law firms provide legal consultancy, except for criminal cases.

Article 71.- Branches

1. Branches are dependent units of foreign law-practicing organizations, which are set up in Vietnam under the provisions of this Law.

2. Foreign law-practicing organizations and their branches shall take responsibility before Vietnamese law for their branches' operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 72.- Foreign law firms

1. A limited liability law firm with 100% foreign capital is a law-practicing organization set up by one or some foreign law-practicing organizations in Vietnam.

A joint-venture limited liability law firm is a law-practicing joint venture between a foreign law-practicing organization and a Vietnamese one.

2. Directors of foreign law firms are lawyers and may be Vietnamese lawyers.

Article 73.- Rights and obligations of branches and foreign law firms.

1. Branches and foreign law firms have the following rights:

a/ To provide legal services in the fields stated in their establishment permits or operation registration papers;

b/ To receive remunerations from clients;

c/ To hire foreign lawyers, Vietnamese lawyers, foreign laborers and Vietnamese laborers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To remit abroad their incomes from professional practice in accordance with the provisions of Vietnamese law;

f/ Other rights as provided for by this Law, the enterprise law, the investment law and relevant laws.

2. Branches and foreign law firms have the following obligations:

a/ To operate only in the fields stated in their establishment permits and operation registration papers;

b/ To strictly implement their commitments with clients;

c/ To pay compensation for material damage caused by their lawyers to clients in the provision of legal consultancy or representation beyond legal proceedings or in the provision of other legal services;

d/ To purchase professional liability insurance for lawyers practicing law in Vietnam in accordance with the insurance business law;

e/ To observe the Vietnamese labor, accounting and statistics laws and fulfill tax and financial obligations.

f/ To import facilities necessary for their operations in accordance with Vietnamese law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. PROFESSIONAL PRACTICE BY FOREIGN LAWYERS IN VIETNAM

Article 74.- Conditions for professional practice by foreign lawyers

A foreign lawyer shall be granted a permit for law practice in Vietnam if fully meeting the following conditions:

1. Having a law practice certificate which is granted by a competent foreign agency or organization and remains valid.

2. Respecting the Constitution and law of the Socialist Republic of Vietnam;

3. Being nominated by a foreign law-practicing organization to practice law in Vietnam or recruited by its Vietnam-based branch by a foreign law firm or Vietnamese law-practicing organization.

Article 75.- Forms of professional practice by foreign lawyers

A foreign lawyer may practice law in Vietnam in the following forms:

1. Working individually for a Vietnam-based branch or foreign law firm;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 76.- Scope of professional practice by foreign lawyers

Foreign lawyers practicing law in Vietnam may advise on foreign laws and international law, provide other legal services related to foreign laws, advise on Vietnamese law if having Vietnamese bachelor's diploma in law and meeting all requirements set for a Vietnamese lawyer but may not participate in legal proceedings as defense counsels or defenders of interests of the involved parties, as representatives or defenders of legitimate rights and interests of the involved parties before Vietnamese legal proceeding-conducting agencies.

Article 77.- Rights and obligations of foreign lawyers

1. Foreign lawyers have the following rights:

a/ To select a form of professional practice in Vietnam according to the provisions of Article 75 of this Law;

b/ To remit abroad their incomes from professional practice in accordance with Vietnamese law;

c/ Other rights as provided for by this Law and relevant laws.

2. Foreign lawyers have the following obligations:

a/ To pay personal income tax in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To be regularly present in Vietnam;

d/ Other obligations as provided for by this Law and relevant laws.

Section 3. PROCEDURES FOR THE GRANT OF PERMITS TO BRANCHES, FOREIGN LAW FIRMS AND FOREIGN LAWYERS

Article 78.- Grant of permits for setting up of branches or foreign law firms

1. Foreign law-practicing organizations shall compile dossiers for setting up branches or foreign law firms and send them to the Justice Ministry. Within 60 days after receiving a complete dossier and a fee, the Justice Ministry shall consider and grant a permit for setting up a branch or foreign law firm; in case of refusal, it shall notify it in writing to the applicant.

A permit for setting up a branch or foreign law firm takes effect on the date of its signing.

2. A dossier for setting up a branch comprises:

a/ An application for setting up a branch;

b/ A copy of the paper proving the lawful establishment of the foreign law-practicing organization, issued by a foreign competent agency or organization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ A list of foreign lawyers expected to work at the branch;

e/ A decision on nomination of a lawyer to be the chief of the branch.

3. A dossier for setting up a foreign law firm comprises:

a/ An application for setting up a foreign law firm;

b/ A copy of the paper proving the lawful establishment of the foreign law-practicing organization, issued by a foreign competent agency or organization; a copy of the operation registration certificate of the Vietnamese law-practicing organization, for a joint venture;

c/ A written introduction of the operations of the foreign law-practicing organization; a written introduction of the operations of the Vietnamese law-practicing organization, for a joint venture;

d/ A list of foreign lawyers expected to work at the firm; a list of Vietnamese lawyers expected to work at the firm, enclosed with copies of their law practice certificates and lawyer's cards;

e/ A draft charter of the foreign law firm; the joint-venture contract, for a joint venture.

4. The charter of a foreign law firm has the following principal contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Domains of law practice of the foreign law firm;

c/ Rights, obligations, responsibilities and relationships of member lawyers of the foreign law firm;

d/ The organizational and managerial structure of the foreign law firm;

e/ The at-law representative of the foreign law firm;

f/ The operation term and conditions for termination of operations of the foreign law firm;

g/ The mode of amendment and supplementation of the charter of the foreign law firm.

Article 79.- Registration of operations of branches and foreign law firms

1. Within 60 days after being granted establishment permits, branches or foreign law firms shall register their operations at provincial/municipal Justice Services of the localities where they are headquartered.

2. An operation registration dossier comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A paper proving its head-office.

3. Within 10 working days after receiving a complete dossier, the provincial/municipal Justice Service shall grant an operation registration paper to the concerned branch or foreign law firm.

A branch or foreign law firm shall operate from the date it is granted the operation registration paper.

Article 80.- Changes in contents of establishment permits or operation registration permits of branches or foreign law firms

1. A branch or foreign law firm which wishes to change one of the following contents of its establishment permit must file an application with the Justice Ministry and may make such a change only after getting the latter's approval:

a/ The name of the branch or foreign law firm;

b/ The relocation of the office from one province or centrally run city to another;

c/ The chief of the branch or the director of the foreign law firm;

d/ The professional practice domains.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 30 days after receiving a written approval of changes in its establishment permit, the branch or foreign law firm must register those changes with the provincial/municipal Justice Service of the locality where it is headquartered; in case of relocation of its head-office as prescribed at Point b, Clause 1 of this Article, it shall also notify such in writing to the provincial/municipal Justice Service of the locality where its old head-office is located.

3. In case of changes in the contents of its operation registration paper, a branch or foreign law firm shall be re-granted that paper.

4. When relocating its head-office within a province or centrally run city, a branch or foreign law firm shall, within 10 working days after deciding on the relocation, notify in writing the provincial/municipal Justice Service of the locality where it has registered its operations.

Article 81.- Branches of foreign law firms in Vietnam

1. A Vietnam-based foreign law firm may set up branches inside and outside the province or centrally-run city where it registers its operations.

2. Branches are dependent units of foreign law firms in Vietnam, performing tasks under the latter's authorization in the professional practice domains as stated in the latter's establishment permits.

3. Vietnam-based foreign law firms shall bear responsibility for the operations of their branches.

4. Vietnam-based foreign law firms shall compile and send dossiers on the establishment of branches to the Justice Ministry. Within 30 days after receiving a complete dossier and fee, the Justice Ministry shall consider and grant a branch-establishment permit. If refusing to grant such a permit, it shall notify the applicant thereof in writing.

5. A dossier on the establishment of a branch comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A copy of the establishment permit of the foreign law firm;

c/ A written authorization for a lawyer to be the chief of the branch;

d/ A copy of the professional practice certificate of the lawyer authorized to be the chief of the branch;

e/ A paper proving the branch's head-office.

6. Within 10 working days after receiving a permit for establishment of a branch, the concerned foreign law firm shall register operations of that branch with the provincial/municipal Justice Service of the locality where its branch is located.

Article 82.- Grant, extension of permits for proffessional practice in Vietnam by foreign lawyers

1. Foreign lawyers practicing law in Vietnam shall compile and send dossiers of application for practice permits to the Justice Ministry. Within 30 days after receiving a complete dossier and fee, the Justice Ministry shall grant such a permit; in case of refusal, it shall notify it in writing to the applicant.

2. A permit for foreign lawyers' professional practice in Vietnam is valid for 5 years and may be extended for not more than another 5 years each time.

3. Permits for foreign lawyers' professional practice in Vietnam shall substitute their work permits under the provisions of Vietnamese labor law regarding the grant of work permits for foreigners working in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ An application for permit for professional practice in Vietnam;

b/ Papers certifying that the lawyer of the foreign law-practicing organization is nominated to practice law in Vietnam or that he/she is recruited by a branch, a Vietnam-based foreign law firm or a Vietnamese law-practicing organization where he/she plans to work;

c/ A copy of the law practice certificate; a curricula vitae; a juridical record card or substitute papers.

Chapter VII

MANAGEMENT OF LAW PRACTICE

Article 83.- Responsibility for state management of lawyers and law practice

1. The Government shall perform the unified state management of lawyers and law practice.

2. The Justice Ministry shall take responsibility before the Government for performing the state management of lawyers and law practice, having the following tasks and powers:

a/ To formulate and submit to the Government for decision strategies and policies for development of law practice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To provide the framework program for lawyer training; to coordinate with the Finance Ministry in setting tuition fees for lawyer training; to manage and organize lawyer training;

d/ To grant and withdraw law-practice certificates;

e/ To grant, withdraw and extend permits for foreign lawyers' professional practice in Vietnam;

f/ To grant and withdraw permits for establishment of foreign law-practicing organizations in Vietnam;

g/ To approve the charter of the national lawyers' organization;

h/ To make sum-up reports to the Government on lawyers' organizations and law practice;

i/ To inspect, examine and handle violations, settle complaints and denunciations about lawyers' organizations and law practice;

j/ To take measures to support the development of law practice;

k/ To perform the state management of international cooperation in relation to lawyers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, coordinate with the Justice Ministry in the state management of lawyers and law practice.

4. Provincial/municipal People's Committees shall perform the state management of lawyers and law practice in localities, having the following tasks and powers:

a/ To permit the setting up of bar associations and decide on their dissolution;

b/ To approve charters of bar associations;

c/ To organize the grant and withdrawal of operation registration papers of Vietnamese law-practicing organizations and foreign law-practicing organizations in Vietnam;

d/ To inspect, examine and handle violations, settle complaints and denunciations about the organization and operations of bar associations and law-practicing organizations;

e/ To suspend the implementation and request amendment of regulations, decisions and resolutions of bar associations which are contrary to the provisions of this Law;

f/ To periodically report to the Justice Ministry on the situation of lawyers' organizations and law practice in localities;

g/ To apply measures to support the development of law practice in localities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 84.- Self-control responsibility of socio-professional organizations of lawyers

Socio-professional organizations of lawyers shall control lawyers and law practice by themselves according to the provisions of this Law and their charters.

Socio-professional organizations of lawyers shall coordinate with state management agencies in the management of lawyers and law practice.

Chapter VIII

HANDLING OF VIOLATIONS, SETTLEMENT OF DISPUTES

Section 1. DISCIPLINE OF LAWYERS, SETTLEMENT OF DISPUTES

Article 85.- Discipline of lawyers

1. Lawyers who violate the provisions of this Law, charters, rules of professional ethics and conducts and other regulations of socio-professional organizations of lawyers shall, depending on the nature and severity of their violations, be subject to one of the following disciplinary forms:

a/ Reprimand;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Suspension of the membership of a bar association for between 6 and 24 months;

d/ Deletion of their names from the list of a bar association.

2. The discipline of lawyers shall be considered and decided by the managing boards of bar associations at the request of their commendation and disciplinary councils.

3. When a lawyer is disciplined in the form of having his/her name deleted from the list of lawyers of a bar association, the bar association shall notify such in writing to the provincial/municipal Justice Service and request the Justice Ministry to withdraw his/her law-practice certificate, and request the national lawyers' organization to withdraw his/her lawyer's card.

Article 86.- Complaint about disciplinary decisions against lawyers

1. A lawyer is entitled to complain about a disciplinary decision against him/her which is issued by the managing board of a bar association.

The executive board of the national lawyers' organization is competent to settle complaints against disciplinary decisions of the managing boards of bar associations.

2. When disagreeing with a complaint-settling decision of the executive board of the national lawyers' organization with regard to the disciplinary form stipulated at Point c or d, Clause 1, Article 85 of this Law, a lawyer may further lodge a complaint with the Justice Ministry. The time limit for the Justice Minister to settle a complaint is 30 days after the receipt of that complaint.

Article 87.- Complaint about decisions or acts of the managing boards of bar associations or bodies of the national lawyers' organization

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The executive board of the national lawyers' organization is competent to settle complaints about decisions and acts of the managing boards of bar associations.

2. When disagreeing with a complaint-settling decision of the executive board of the national lawyers' organization regarding a bar association's failure to request the Justice Ministry to grant a law-practice certificate or refuse an application for participation in a bar association, an individual may lodge a complaint with the Justice Minister. The time limit for the Justice Minister to settle a complaint is 30 days after the receipt of that complaint.

3. If having grounds to believe that decisions or acts of bodies of the national lawyers' organization infringe upon their legitimate rights or interests, individuals and organizations may complain about those decisions or acts.

The executive board of the national lawyers' organization is competent to settle complaints about decisions or acts of the organization's bodies.

Article 88.- Settlement of disputes

When disputes between clients, lawyers and law-practicing organizations arise in relation to law-practice activities, the managing boards of bar associations shall settle those disputes.

Section 2. HANDLING OF VIOLATIONS OF LAWYERS AND LAW-PRACTICING ORGANIZATIONS

Article 89.- Handling of violations of lawyers

Lawyers who violate the provisions of this Law shall, apart from being disciplined, be administratively handled or examined for penal liability, depending on the nature and severity of their violations; if causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Vietnamese law-practicing organizations, branches of foreign law-practicing organizations and Vietnam-based foreign law firms which violate the provisions of this Law shall, depending on the nature and severity of their violations, be administratively handled according to the law on handling of administrative violations; if causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

Article 91.- Handling of acts of infringing upon legitimate rights and interests of lawyers and law-practicing organizations

Persons holding positions or powers who commit acts of infringing upon legitimate rights and interests of lawyers or law-practicing organizations or obstructing lawyers or law-practicing organizations from exercising their rights and/or performing their duties shall, depending on the nature and severity of their violations, be disciplined or examined for penal liability in accordance with law.

Article 92.- Handling of violations of individuals and organizations that illegally practice law

1. Individuals who are unqualified but still practice law in any form shall be forced to stop their violation acts, be fined according to the law on handling of administrative violations or examined for penal liability; if causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

2. Organizations which practice law in any form though failing to satisfy the relevant conditions shall be forced to stop their violations and be handled in accordance with the law on handling of administrative violations; if causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 93.- Implementation effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The 2001 Ordinance on Lawyers ceases to be effective from the effective date of this Law.

Article 94.- Implementation guidance

The Government, the Supreme People's Procuracy and the Supreme People's Court shall, within the ambit of their functions and tasks, detail and guide the implementation of this Law.

This Law was passed on June 29, 2006, by the XIth National Assembly at its ninth session.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Luật sư 2006

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


340.750

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.73.124
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!