ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6510/KH-UBND
|
Quảng Nam, ngày
05 tháng 10 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN
NĂM 2025” TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Quyết định số
1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học
sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 929/QĐ-LĐTBXH ngày
28/6/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch
triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi
nghiệp giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp,
chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
- Nâng cao năng lực các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, sinh viên và hỗ
trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
- Tạo môi trường thuận lợi hỗ
trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án
khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để giới thiệu cho các nhà đầu tư. Tăng cường
kết nối các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại các cơ
sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai Kế hoạch được
tổ chức rộng khắp trong các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn
tỉnh; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và có tác động mạnh mẽ đến học
sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Huy động, thu hút sự tham gia
mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá
nhân liên quan vào công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
II. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng
- Học sinh, sinh viên đang học
tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Cán bộ, nhà giáo, người làm
công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên
phạm vi toàn tỉnh.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Phạm vi và thời gian thực
hiện
- Kế hoạch này được triển khai
tại các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Từ năm
2022 đến năm 2025.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh
thông tin, truyền thông
a) Chỉ tiêu
- 100% các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh,
sinh viên; tất cả học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
- Tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp”
cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: ít nhất 1 năm/1 lần.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo,
diễn đàn giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên kết nối
với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư: ít nhất 1 hoạt động/1 năm.
b) Nhiệm vụ và giải pháp
- Tiếp nhận và phân phối các
tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ, ngành Trung ương biên soạn, cung cấp.
- Huy động sự tham gia của các
cơ quan truyền thông trong việc xây dựng, triển khai các chuyên mục, chuyên đề,
phóng sự tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
- Tuyên truyền, hướng dẫn học
sinh, sinh viên sử dụng, khai thác thông tin, học liệu từ Cổng thông tin khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, các fanpage, youtube...
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo,
diễn đàn để giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên kết nối
với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
- Tổ chức cho học sinh, sinh
viên tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp trong tỉnh,
quốc gia; tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích
cực cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
2. Hỗ trợ
đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp
a) Chỉ tiêu
- Tổ chức 08 lớp đào tạo, tập
huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho 1.500 lượt học sinh,
sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- 100% các trường cao đẳng, 50%
các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học
sinh, sinh viên.
b) Nhiệm vụ và giải pháp
- Tổ chức, tham gia các khóa
đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và các hoạt động giao lưu, hội thảo trao đổi, học
tập kinh nghiệm về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người làm công tác
tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình
thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh
nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp.
- Tổ chức các khóa đào tạo, tập
huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tăng cường
tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tạo điều kiện
cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp.
- Khuyến khích các trường cao đẳng,
trung cấp xây dựng chuyên đề khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo
hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn từng đơn vị.
3. Tạo môi
trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng
sáng tạo của học sinh, sinh viên
a) Chỉ tiêu
50% các trường cao đẳng, trung
cấp hình thành các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc các
câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực; phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ
cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để hình thành các trung tâm, câu lạc bộ
khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
b) Nhiệm vụ và giải pháp
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
thành lập trung tâm, câu lạc bộ, bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn
việc làm cho học sinh, sinh viên.
- Đầu tư sửa chữa, cải tạo,
nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường để hình thành môi trường
dịch vụ cung cấp, hỗ trợ học sinh, sinh viên, tạo không gian dùng chung cho học
sinh, sinh viên; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khởi nghiệp, các câu lạc bộ
khởi nghiệp, các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
- Kịp thời cung cấp dữ liệu,
tài liệu, thông tin về các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp bằng
nhiều hình thức phù hợp.
- Tổ chức các cuộc thi sáng tạo,
khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để phát hiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
4. Hỗ trợ
kinh phí cho dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
a) Chỉ tiêu
50% các trường cao đẳng, trung
cấp tăng cường công tác kết nối với các doanh nghiệp, vận động xã hội hóa nguồn
lực tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và huy động nguồn kinh phí hỗ trợ các dự
án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
b) Nhiệm vụ và giải pháp
- Thực hiện các chính sách hỗ
trợ khởi nghiệp của tỉnh, của Trung ương để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi
nghiệp.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ
động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của cơ sở (bao gồm: nguồn chi
thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học, nguồn xã hội hóa, nguồn thu hợp pháp
khác,...) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh,
sinh viên.
- Xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn kinh phí vận
động xã hội hóa.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ
động tổ chức các hoạt động tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ
các cá nhân, tổ chức đối với các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh
viên.
5. Công tác
quản lý, điều hành
- Tổ chức khảo sát, thống kê dữ
liệu, đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp cho học
sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Hằng năm, tổ chức theo dõi,
kiểm tra, đánh giá việc triển khai Kế hoạch này tại các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết
quả thực hiện Kế hoạch.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp
- Đối với các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp của tỉnh: Sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên được giao để thực hiện
nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch.
- Đối với cơ quan quản lý nhà
nước: sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo định mức để thực hiện. Trường hợp
phát sinh nhu cầu kinh phí, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí theo quy định hiện
hành và khả năng cân đối ngân sách nhà nước theo phân cấp.
2. Nguồn kinh phí xã hội hóa,
đóng góp, vận động tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động-Thương binh
và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn và các Sở, Ban, ngành, đoàn
thể cấp tỉnh, các tổ chức có liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức
triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Điều
hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lồng ghép các nội dung Kế hoạch này với
các nội dung của Quyết định số 4396/QĐ-UBND , ngày 18/12/2017 của UBND tỉnh phê
duyệt Kế hoạch “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 1625/QĐ-UBND , ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh
phê duyệt Kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm thực hiện “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025”.
- Phối hợp với các Sở, ngành,
đơn vị liên quan kịp thời cung cấp tài liệu khởi nghiệp, tài liệu về kiến thức,
kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn, hỗ
trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá
kết quả thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình thực hiện
Kế hoạch; tổ chức tổng kết, đánh giá, khen thưởng nhằm trao đổi thông tin, kịp
thời rút kinh nghiệm, động viên và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Sở Tài chính
Chịu trách nhiệm tham mưu, tổng
hợp dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước theo Luật
Ngân sách nhà nước.
3. Các Sở, Ban, ngành, đoàn
thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có
trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý triển khai thực
hiện các nội dung của Kế hoạch này; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội để triển khai các chương trình, hoạt động theo Kế hoạch này hàng năm.
4. Các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp
- Triển khai thực hiện các nội
dung theo chức năng, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch.
- Vận động các doanh nghiệp,
nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí để lập Quỹ khởi nghiệp của đơn vị.
- Tạo điều kiện cho học sinh,
sinh viên tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp học
sinh, sinh viên.
- Tổng hợp báo cáo Tổng cục
Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả hoạt động hỗ
trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của đơn vị.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở,
Ban, ngành, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục đích, yêu
cầu đề ra./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành và đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, TH, KGVX.
F:\An\2022\Lao dong-Thuong binh, Xa hoi\Co so giao duc nghe nghiep\De an
ho tro hoc sinh, sinh vien khoi nghiep\221005- KH UBND tinh ho tro HS, SV
khoi nghiep den nam 2025.doc
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Tuấn
|