ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 63/KH-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
01 tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
ĐỐI THOẠI GIỮA CHÍNH QUYỀN VỚI DOANH NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2020
Thực hiện Nghị
quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng
Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Thông báo kết luận
số 2057-TB/TU ngày 25/02/2020 và Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 09/3/2020 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ
trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng năm 2020.
Trên cơ sở đề xuất
của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tại Văn bản số 47/HHDN-VP ngày 23/3/2020, UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch Đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm
2020, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Trực tiếp trao
đổi, thảo luận giữa các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc với các doanh nghiệp,
nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; qua đó, kịp thời nắm bắt, giải đáp, tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt
động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và việc thực hiện các thủ tục hành chính,...
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh
doanh, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Nâng cao trách
nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chấp hành tốt pháp luật của nhà nước và
các quy định của địa phương; chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ
quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức thực thi công vụ trong việc tạo lập
môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh
doanh trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời sửa đổi,
ban hành hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện các
cơ chế, chính sách mới nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức đối thoại
doanh nghiệp phải bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, trên
tinh thần lắng nghe, chia sẻ và chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp
vượt qua khó khăn, đạt hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt nhất.
- Các nội dung,
chương trình đối thoại cần chuẩn bị chu đáo, thiết thực, gắn liền với hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đối thoại, cơ quan được giao chủ
trì/thường trực tổng hợp thông tin về tình hình, kết quả giải quyết khó khăn,
vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc.
- Các đề xuất, kiến
nghị của doanh nghiệp thông qua đối thoại phải được trả lời trực tiếp tại hội
nghị hoặc bằng văn bản sau đối thoại; UBND tỉnh, các cơ quan được UBND tỉnh
giao nhiệm vụ có trách nhiệm trả lời, giải đáp, hướng dẫn doanh nghiệp; đồng thời
tổng hợp kết quả giải quyết bằng văn bản tới doanh nghiệp trong thời gian không
quá 07 ngày làm việc sau khi kết thúc hội nghị. Trường hợp kiến nghị liên quan
đến cơ chế chính sách, vượt thẩm quyền; cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm
tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan
Trung ương.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Nội dung/chủ
đề, thời gian dự kiến tổ chức đối thoại:
1.1. UBND tỉnh tổ
chức 04 hội nghị đối thoại giữa Chính quyền với các Doanh nghiệp, cụ thể như
sau:
- Đối thoại, hỗ
trợ, giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh
Covid-19: Đã triển khai thực hiện ngày 20/3/2020.
- Đối thoại, giải
quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng, thuế, hải quan,
lao động, BHXH, thanh tra, kiểm tra,…: Thời gian: ½ ngày, dự kiến từ ngày 25/6
đến ngày 01/7/2020.
- Đối thoại, giải
quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng,
xây dựng, quy hoạch, giao thông công cộng, điện, nước,...: Thời gian: ½ ngày, dự
kiến từ ngày 28/9 đến ngày 30/9/2020.
- Đối thoại, giải
quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành
chính, dịch vụ công,... : Thời gian: ½ ngày, dự kiến từ ngày 02/12 đến ngày
05/12/2020.
(Căn cứ tình
hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh số lượng,
thời gian, nội dung, chủ đề các hội nghị đối thoại cho phù hợp).
1.2. Ngoài 04 hội
nghị đối thoại với doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức nêu trên; căn cứ tình hình,
diễn biến dịch bệnh Covid-19, các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố
có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đối thoại với doanh nghiệp thuộc ngành
nghề, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số
51/KH-UBND ngày 12/3/2020 và Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 20/3/2020 để kịp thời
nắm bắt, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để những
khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
2. Số lượng: Dự kiến mỗi hội nghị mời từ 60-80 doanh nghiệp.
3. Địa điểm: Dự kiến tổ chức tại Phòng họp số 9 - Trung tâm Hội nghị tỉnh.
4. Thành phần
tham gia:
- Đại biểu mời: Đại
diện Lãnh đạo TTTU, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các Ban Xây dựng Đảng
Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.
- Chủ trì đối thoại:
Lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các
khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Lãnh đạo một số đơn vị liên quan
đến chủ đề/nội dung đối thoại.
- Lãnh đạo các sở,
ngành, đơn vị, địa phương, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề và các
doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có vướng mắc, kiến nghị liên quan đến
chủ đề/nội dung đối thoại.
5. Kinh phí tổ
chức hội nghị: Từ nguồn ngân sách tỉnh.
II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham gia điều
hành, đồng chủ trì hội nghị cùng Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
- Chủ trì, phối hợp
với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, các sở, ngành, đơn
vị liên quan và các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc
của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (phân loại theo nhóm vấn đề); tham mưu,
đề xuất phân công và theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trả lời, giải
đáp bằng văn bản, tổng hợp kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh
nghiệp làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh nắm bắt
việc xử lý, giải
quyết để chủ động điều hành hội nghị.
- Lựa chọn các
doanh nghiệp mời tham dự hội nghị đối thoại, gửi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
(trước khi tổ chức ít nhất 10 ngày) để tổng hợp, đề xuất.
2. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp
với các hội, hiệp hội doanh nghiệp thành viên khảo sát, rà soát các đề xuất, kiến
nghị của các doanh nghiệp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước khi tổ chức hội nghị
ít nhất 10 ngày) để tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp
với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh
và các cơ quan liên quan đề xuất lựa chọn các doanh nghiệp mời tham dự hội nghị
đối thoại.
- Chủ trì chuẩn bị
các nội dung theo chương trình: Ma két, hội trường, khánh tiết, hậu cần; báo
cáo, tài liệu hội nghị, dự thảo bài phát biểu, kết luận của Lãnh đạo tỉnh; dự
thảo, trình ký, gửi Giấy mời, đồng thời xác nhận và tạo điều kiện tốt nhất để
doanh nghiệp tham dự hội nghị đông đủ, đúng thành phần.
- Tham gia điều
hành, đồng chủ trì hội nghị cùng Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
- Tuyên bố lý do,
giới thiệu đại biểu dự hội nghị và dẫn chương trình hội nghị (phần đối thoại).
- Chủ động rà
soát, đánh giá độc lập kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết
tại các kỳ đối thoại.
- Xây dựng dự
toán kinh phí thực hiện Kế hoạch Đối thoại giữa Chính quyền với Doanh nghiệp
năm 2020, gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định.
3. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
- Chủ động rà
soát các đề xuất, kiến nghị và kết quả giải quyết các kiến nghị của các doanh
nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước
khi tổ chức hội nghị ít nhất 10 ngày) để tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh
theo quy định.
- Lựa chọn các
doanh nghiệp mời tham dự hội nghị đối thoại, gửi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
(trước khi tổ chức ít nhất 10 ngày) để tổng hợp, đề xuất.
- Tham gia điều
hành, đồng chủ trì hội nghị cùng Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
4. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định hiện
hành, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đủ nguồn kinh phí phục vụ các nội dung đối
thoại doanh nghiệp.
5. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, đơn vị tham dự hội nghị:
- Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao, nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết khó khăn, vướng
mắc, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
- Thủ trưởng các
đơn vị sở, ban, ngành, huyện, thành phố có trách nhiệm dự họp, trả lời, đối thoại
trực tiếp với các doanh nghiệp tại hội nghị và tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh
chủ trương, biện pháp xử lý, giải quyết.
- Trả lời các phản
ánh, kiến nghị của doanh nghiệp phải ngắn gọn, súc tích, đầy đủ những nội dung
theo đề nghị của doanh nghiệp.
5. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền
hình, Cổng Thông tin - Giao
tiếp điện tử tỉnh:
- Thông báo về Kế
hoạch tổ chức Đối thoại giữa Chính quyền với Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc năm 2020 để các doanh nghiệp biết, tham dự hội nghị.
- Viết tin, bài
tuyên truyền về các hội nghị đối thoại.
Trên đây là Kế hoạch
Đối thoại giữa Chính quyền với Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm
2020. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ nội
dung kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, thường
xuyên liên hệ, báo cáo tình hình về Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tổng hợp, báo
cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH, Cổng TT-GTĐT tỉnh;
- CPVP;
- CV: NCTH;
- Lưu VT, CN2.
(ĐHV- b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Duy Thành
|