ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2896/KH-UBND
|
Bình Thuận,
ngày 16 tháng 7 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
“HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH
THUẬN.
Căn cứ Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên
khởi nghiệp đến năm 2025”; Công văn số 17991/BTC-NSNN ngày 29/2/2017 của Bộ Tài
chính về việc kinh phí và cơ chế tài chính triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018
của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục;
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục
trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Xác định các nhiệm vụ,
giải pháp, hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg; thúc đẩy
tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học
sinh, sinh viên các trường đại học, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên,
trường phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau
đây gọi tắt là các cơ sở giáo dục, đào tạo) trong tỉnh.
2. Tạo môi trường và cơ chế
hoạt động khởi nghiệp, tạo chuyển biến mang tính đột phá về đổi mới sáng tạo và
khởi nghiệp tại các trường đại học, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên (sau
đây gọi tắt là các cơ sở đào tạo) trong tỉnh.
3. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu
tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước, từng bước hình thành, xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác
truyền thông
- Phổ biến các tài liệu nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhà trường, doanh nghiệp đối
với hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
- Tổ chức các hội nghị, hội
thảo, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp
của học sinh, sinh viên cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài
tỉnh.
- Xây dựng, triển khai các
chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi
nghiệp trên báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận.
- Hàng năm, tổ chức ngày hội
khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục, đào tạo toàn tỉnh,
tuyển chọn người tham gia ngày hội khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên toàn
quốc.
- Tuyên truyền, hướng dẫn
học sinh, sinh viên sử dụng, khai thác nguồn thông tin, học liệu từ Cổng
thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn
và trang web Kênh ươm tạo sáng kiến xã hội của Trung tâm Hỗ trợ sáng
kiến phục vụ cộng đồng tại địa chỉ https://soin.org.vn.
2. Hỗ trợ đào tạo khởi
nghiệp
- Các cơ sở đào tạo trong
tỉnh bố trí cán bộ, giảng viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên
khởi nghiệp.
- Cử cán bộ, giảng viên,
giáo viên tham gia tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi
nghiệp, tham gia tập huấn nâng cao năng lực hướng nghiệp cho học sinh phổ
thông, tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên các trung tâm giáo dục
nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
- Tùy theo tình hình thực
tế, các cơ sở đào tạo xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp để đưa vào chương
trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn.
3. Tạo môi trường hỗ trợ
học sinh, sinh viên khởi nghiệp
- Tùy theo tình hình thực
tế, các cơ sở đào tạo bố trí, đầu tư cơ sở vật chất, thành lập trung tâm hỗ trợ
học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong trường hoặc thành lập câu lạc bộ khởi
nghiệp phù hợp với nhóm ngành đào tạo.
- Xây dựng nội dung, chương
trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa cơ sở
đào tạo với học sinh, sinh viên và doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ nguồn vốn cho
các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
- Các cơ sở đào tạo chủ động
bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp (bao gồm nguồn chi thường xuyên,
nguồn nghiên cứu khoa học dành cho học sinh, sinh viên...) để hỗ trợ các hoạt
động, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trường mình.
- Các cơ sở giáo dục, đào
tạo xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ nguồn kinh phí xã
hội hóa.
- Giúp học sinh, sinh viên
tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân nhằm
thực hiện các dự án khởi nghiệp.
5. Hoàn thiện cơ chế,
chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Các cơ sở đào tạo nghiên cứu
xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành quy trình thẩm định, xét duyệt, triển
khai và cơ chế đầu tư, theo dõi, quản lý, giám sát các dự án, mô hình kinh doanh
được hình thành từ ý tưởng của học sinh, sinh viên.
6. Tổ chức thực hiện
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ
chức quán triệt nội dung Kế hoạch này và đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục
và đào tạo trên đại bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ
trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trong phạm vi Trường; theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện và định kỳ hàng năm tổng hợp,
báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh để
theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh (Đ/c Hòa);
- Các Sở: GD&ĐT, TC.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX. Bích
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Hòa
|