BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2481/KH-BNN-KTHT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2011
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP NĂM 2012
Thực hiện công văn số
3194/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư V/v Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát
triển kinh tế tập thể năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát
triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp năm 2012 như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ DỰ
KIẾN CẢ NĂM 2011
1. Công tác chỉ
đạo
1.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT:
Tích cực tham gia nghiên cứu sửa đổi
Luật Hợp tác xã để chuẩn bị trình Quốc hội; tham gia Đề án tổng kết 5 năm thực
hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (2006 - 2010) và kiến nghị Chương
trình phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2011-2015) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì. Bộ đã phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Thông
tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 Hướng dẫn
một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong đó có nội dung về phát triển kinh tế tập thể
trong nông nghiệp, nông thôn. Bộ cũng có kế hoạch thành lập ban chỉ đạo đổi mới
kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác
và PTNT làm thường trực với sự tham gia của các Tổng cục, các viện, trường thuộc
Bộ để thống nhất chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác đạt hiệu quả
cao.
Ban hành văn bản chỉ đạo các địa
phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp theo Quyết định số
317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm 2011, các địa phương
đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị (xây dựng kế hoạch, dự toán, chương
trình …) để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp theo Quyết định
số 317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số tỉnh (Hòa Bình, Nghệ An, …) đã mở
các lớp bồi dưỡng, tập huấn.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các HTX
thực hiện tốt công tác quản lý thông qua tổ chức đại hội xã viên và xây dựng kế
hoạch trung hạn trong các HTX.
1.2. Các địa phương:
Nhiều tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch
và triển khai hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại địa phương giai đoạn 2011 -
2015 như Nghệ An, Bình Thuận, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh … và đang triển
khai năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011
- 2015.
Nhiều địa phương đã tổ chức xây dựng
các mô hình điểm về kinh tế tập thể. Trong đó các mô hình HTX tổ hợp tác tại 11
xã thí điểm mô hình nông thôn mới của Ban Bí thư có triển vọng trở thành các mô
hình kinh tế tập thể có hiệu quả.
Hệ thống quản lý nhà nước về phát
triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp từng bước khẳng định được vị trí, vai
trò của mình ở Trung ương cũng như địa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Chương
trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới. Nhiều Chi cục Phát triển
nông thôn đã tham mưu cho Chính quyền địa phương ban hành các cơ chế, chính
sách quan trọng, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế tập thể. Các kế hoạch đề
ra trong việc chỉ đạo, xây dựng mô hình … đối với khu vực kinh tế tập thể trong
nông nghiệp đều được hoàn thành. Trình độ đội ngũ cán bộ của cả hệ thống từ
trung ương đến địa phương đã từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu
nhiệm vụ.
2. Kết quả đạt
được
- Đến hết 6 tháng đầu năm 2011, số
lượng tổ hợp tác nông lâm thủy sản ước đạt 125.000 tổ, tăng trên 5.000 tổ so với
năm 2010. Các tổ hợp tác phát triển đa dạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực trong
nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng và khắc phục được
một số mặt yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm
sản xuất; tăng sức cạnh tranh thị trường. Đồng thời phát huy tinh thần tương
thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống. Nhiều loại hình tổ hợp
tác phát triển mạnh ở các địa phương như tổ sản xuất giống lúa cộng đồng (ở
Long An, An Giang, Đồng Tháp …), câu lạc bộ năng suất cao (ở Đồng Nai), tổ đoàn
kết khai thác hải sản trên biển (ở Bình Định, Quảng Nam, …) …
- Về hợp tác xã: Đến hết 6 tháng đầu
năm 2011, cả nước có 9.550 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản.
Các HTX phát triển đa dạng xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp,
lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối. Trong đó thành lập mới 57 HTX và giải thể 16
HTX. Các HTX đang hoạt động tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Đến nay, cả nước có 82% số HTX làm
dịch vụ thủy lợi; 53% số HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón; 66% số HTX
làm dịch vụ khuyến nông; 31% số HTX nông nghiệp làm dịch vụ điện; 8,5% số HTX tổ
chức tiêu thụ sản phẩm; … Nhiều HTX khá đang có xu hướng mở mang các ngành nghề
dịch vụ mới theo mô hình HTX nông nghiệp đa chức năng, cung ứng nước sạch
(13%); vệ sinh môi trường (10%). Về chất lượng hoạt động, nhiều HTX đã đổi mới,
thực hiện tốt các dịch vụ phục vụ kinh tế xã viên theo hướng hạ giá thành và
nâng cao chất lượng dịch vụ; góp phần tạo nhiều việc làm.
Các HTX mới thành lập phát triển
kinh doanh dịch vụ theo chiều sâu, tập trung vào những dịch vụ tiêu thụ sản phẩm,
liên kết với các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác để thực hiện cung ứng
dịch vụ cho xã viên.
Về tổ chức, quản lý, nhìn chung đội
ngũ cán bộ HTX có tâm huyết và làm việc vì lợi ích của HTX và cộng đồng. Tại
các HTX khá, giỏi hiện nay, cán bộ là nhân tố quan trọng đóng góp cho thành
công của HTX trong cơ chế mới.
Các HTX đã phối hợp với chính quyền
địa phương tích cực thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn
như chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng
nông thôn mới … góp phần tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
3. Hạn chế, yếu
kém và nguyên nhân
3.1. Hạn chế, yếu kém
- Các tổ hợp tác phát triển còn
mang tính tự phát, tổ chức thiếu chặt chẽ nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch
kinh tế, hưởng các chính sách của Nhà nước và giải quyết, xử lý các tranh chấp
trong nội bộ tổ, giữa tổ hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Tỷ lệ tổ hợp
tác có chứng thực tại UBND xã thấp, khoảng 20%. Hầu hết cán bộ tổ hợp tác chưa
qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý kinh doanh.
- Các HTX phát triển không đồng đều
giữa các vùng. Nhiều nơi có ít HTX (vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên) gây khó khăn
trong hỗ trợ kinh tế hộ nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường.
- Tính hình thức của HTX (về xã
viên, về tài sản) trong chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã chưa được khắc phục căn
bản, nhiều HTX có nghị quyết về góp vốn điều lệ nhưng vẫn chưa thu đủ vốn điều
lệ. Nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi (tỉnh Thái Bình, Nam Định, …) chỉ có cán bộ
góp vốn điều lệ (vốn trách nhiệm). Nhiều HTX tồn tại hình thức chưa chuyển đổi
hoặc giải thể. Nhiều HTX tổ chức đại hội xã viên hàng năm chưa đúng thời hạn
quy định.
- Nhiều HTX quy mô nhỏ, tài sản ít,
cũ nát lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp. Chất lượng dịch vụ của HTX chưa cao,
chưa có sức cạnh tranh trên thị trường, chưa có sức hấp dẫn và lôi cuốn xã
viên. Đa số các HTX mới chỉ thực hiện các dịch vụ có tính độc quyền, những HTX
có thực hiện các dịch vụ có tính cạnh tranh cao còn thấp (chỉ có 8,5% số HTX thực
hiện dịch vụ tiêu thụ nông sản …) và cũng chưa nhân rộng được. Còn trên 20% số
HTX yếu kém.
- Công tác quản lý tài chính, kế
toán của nhiều HTX chưa chặt chẽ, không đúng theo quy định. Công nợ trong HTX
chậm được xử lý, nợ mới phát sinh đã làm cản trở sự phát triển của HTX. Chế độ
báo cáo định kỳ tới các cơ quan chức năng chưa đầy đủ.
- Đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn
chế về trình độ, năng lực, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm; không an tâm, ổn
định làm việc lâu dài trong HTX. Đa số chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Hiện nay
có tới 28% chủ nhiệm HTX có trình độ văn hóa cấp 1, 37% cấp 2. Ngoài ra, tình
trạng cán bộ chủ chốt HTX chuyển sang làm công tác chính quyền để có chế độ ổn
định hơn diễn ra khá phổ biến. Tình hình này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động
của HTX.
3.2. Nguyên nhân hạn chế, yếu
kém
a) Về công tác tuyên truyền giáo dục:
Trong các đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể của nhiều địa phương,
giải pháp tuyên truyền, giáo dục chiếm vị trí quan trọng nhưng không gắn liền với
kinh phí. Do đó việc thực hiện mang tính tự phát tùy theo nguồn kinh phí được bố
trí hàng năm ở những tỉnh bố trí được kinh phí, chưa có chiến lược mang tính
dài hạn.
b) Về chính sách: Các chính sách
khuyến khích phát triển HTX được ban hành ưu đãi hơn so với các đối tượng khác.
Tuy nhiên chủ yếu mới thực hiện được chính sách hỗ trợ thành lập mới và đào tạo
bồi dưỡng cán bộ HTX (hàng năm Chính phủ hỗ trợ từ 30-40 tỷ đồng), miễn thuế
thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách khác kết quả thực hiện còn hạn chế. Bản
thân các HTX có đất cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do gặp
khó khăn về thủ tục và chi phí làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nguyên nhân chủ
yếu do việc thực hiện được phân cấp cho các địa phương, trong khi nguồn lực tại
các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
c) Công tác chỉ đạo
- Một số địa phương, cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai đầy
đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Vẫn còn một bộ phận cán bộ
quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn yếu về năng lực và
trình độ nên chất lượng tham mưu văn bản chính sách và tính chủ động còn hạn chế.
Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, học tập tại chỗ để nâng cao trình độ còn ít
được quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, chính quyền chưa thực sự
quan tâm đúng mức tới lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể trong nông
nghiệp, hoặc can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của HTX.
- Sự phối hợp của các ngành, các cấp,
các đoàn thể ở địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX thiếu chặt chẽ còn hạn
chế. Việc tổng kết và xây dựng các điển hình, mô hình HTX còn chậm và mang tính
hình thức. Sự phối hợp giữa các cấp trong công tác tổng hợp, cập nhật cơ sở dữ
liệu, báo cáo để phục vụ cho công tác kế hoạch và chỉ đạo của ngành còn rất bất
cập và hạn chế; chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời,
thực tế.
- Nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân
sách của cả cấp trung ương lẫn các địa phương cho hoạt động chỉ đạo, quản lý
nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp hàng năm cho ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn rất hạn chế.
II. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP NĂM 2012
1. Những thuận
lợi và khó khăn chính
1.1. Thuận lợi:
- Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ
cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua Chương trình mục
tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện và có cơ hội để tăng
thêm nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể.
- Hệ thống tổ chức, bộ máy của toàn
ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng hoàn thiện và được tăng cường về
năng lực tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
1.2. Khó khăn, thách thức:
Nhiều địa phương, lực lượng cán bộ
quản lý nhà nước chuyên ngành về kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn thiếu,
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Kinh phí hoạt động từ ngân sách cho
khu vực kinh tế tập thể thấp, nhiều Chi cục không được bố trí ngân sách nghiệp
vụ phải trích từ kinh phí chi thường xuyên nên đã làm hạn chế trong công tác chỉ
đạo.
Những tồn tại, hạn chế của khu vực
kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn nhiều và chưa được khắc phục căn bản.
2. Nhiệm vụ
thực hiện năm 2012
2.1. Đẩy mạnh công tác thông
tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, chính sách, các điển hình
về kinh tế tập thể để nâng cao nhận thức về HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp,
nông thôn. Công tác thông tin tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên và
có sự tham gia của nhiều cơ quan, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng.
2.2. Tổ chức tập huấn, đào tạo
hàng năm cho cán bộ quản lý nhà nước (Chi cục PTNT, Phòng nông nghiệp huyện),
cán bộ HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý nhà nước, cập nhật
kiến thức mới về quản lý, thị trường, chính sách đối với kinh tế tập thể. Trong
đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng tài liệu tập huấn về HTX, tổ hợp
tác và tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ Chi cục PTNT các tỉnh. Sở Nông
nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn cho cán bộ HTX, tổ hợp tác của tỉnh.
2.3. Hỗ trợ thành lập mới
HTX, tổ hợp tác: Bên cạnh các HTX, tổ hợp tác có đăng ký hỗ trợ thành lập mới,
các địa phương cần xác định những địa bàn trọng điểm để chỉ đạo vận động, thuyết
phục hình thành các tổ chức kinh tế tập thể.
2.4. Củng cố, đổi mới các
HTX, tổ hợp tác hiện có nhằm phát huy nội lực của HTX, tổ hợp tác. Trước mắt cần
phân loại các HTX, tổ hợp tác để có giải pháp phù hợp. Đối với các HTX, tổ hợp
tác yếu kém cần tiếp tục củng cố đảm bảo theo đúng bản chất của tổ chức kinh tế
tập thể. Những HTX, tổ hợp tác khá cần đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt
động, phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ kinh tế xã viên.
2.5. Hỗ trợ xây dựng các mô
hình HTX, tổ hợp tác: Các địa phương cần lựa chọn những mô hình có tính tiêu biểu,
đặc trưng của địa phương theo từng ngành hàng, từng vùng miền để chỉ đạo điểm
sau đó nhân rộng trên toàn tỉnh. Đồng thời cần gắn kết việc xây dựng mô hình
kinh tế tập thể với các chương trình dự án đầu tư để khai thác, quản lý có hiệu
quả các công trình như hệ thống thủy lợi, nước sạch ….
3. Giải pháp
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp năm 2012
3.1. Sửa đổi Luật Hợp tác
xã, cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp
3.2. Bố trí ngân sách để thực
hiện các nhiệm vụ (có biểu chi tiết gửi kèm)
a) Ngân sách cho Bộ Nông nghiệp và
PTNT
Nội
dung
|
Số
tiền (tr.đ)
|
Xây dựng bài giảng về kinh tế tập
thể trong nông nghiệp
|
1.800
|
Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cán
bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện về kinh tế tập thể trong nông nghiệp
|
650
|
Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn giảng
viên địa phương về kinh tế tập thể trong nông nghiệp
|
550
|
Tổng cộng
|
3.000
|
b) Ngân sách cho các địa phương:
Theo kế hoạch ngân sách hỗ trợ chung đối với các loại hình kinh tế tập thể do
các địa phương báo cáo trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3.3. Công tác chỉ đạo
a) Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tăng cường
công tác chỉ đạo đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp; thường xuyên có các
văn bản đôn đốc, chỉ đạo; tổ chức các buổi tọa đàm; thực hiện đánh giá định kỳ
và rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực
nông nghiệp.
b) Các địa phương
- Tăng cường kiểm tra tình hình thực
hiện cơ chế, chính sách đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Kết thúc mỗi
đợt kiểm tra phải có kết luận, thông báo và đề xuất phương hướng giải quyết đối
với những tồn tại của kinh tế tập thể (nếu có), thông báo với các HTX, tổ hợp
tác và các cơ quan liên quan có hướng giải quyết.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho
các HTX, tổ hợp tác mở rộng quy mô; thành lập liên hiệp HTX; liên doanh, liên kết
với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với nhà đầu tư nước ngoài.
- Xử lý những tồn tại trong các HTX
về xã viên, quyền sở hữu trong HTX, nợ tồn đọng; xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng
hoạt động, định hướng giải quyết đối với các HTX hoạt động kém hiệu quả.
Trên đây là kế hoạch phát triển
kinh tế tập thể trong nông nghiệp năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Bộ Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp.
Nơi nhận:
- Bộ KH và ĐT;
- Lưu: VT, KTHT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đăng Khoa
|
KẾT QUẢ
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2011 VÀ KẾ HOẠCH HỖ
TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2012 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
(Kèm theo Kế hoạch số 2481/KH-BNN-KTHT ngày 30 tháng 8 năm 2011)
STT
|
Nội
dung hỗ trợ
|
Đơn
vị
|
Thực
hiện năm 2010
|
TH
6 tháng năm 2011
|
Năm
2011
|
Ước
TH giai đoạn 2007-2011
|
KH
năm 2012
|
Kế
hoạch
|
Ước
TH
|
I
|
Xây dựng bài giảng về kinh tế
tập thể trong nông nghiệp
|
tr.đ
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
1.800
|
II
|
Hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng
|
|
|
|
|
|
|
1.200
|
1
|
Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh,
huyện về kinh tế tập thể trong nông nghiệp (3 lớp, 3 vùng)
|
người
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
200
|
|
Tổng kinh phí hỗ trợ
|
tr.đ
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
650
|
|
- Giảng viên địa phương về kinh tế
tập thể trong nông nghiệp (3 lớp, 3 vùng)
|
người
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
200
|
|
Tổng kinh phí hỗ trợ
|
tr.đ
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
550
|
2
|
Đào tạo
|
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
0
|
III
|
Tổng cộng
|
tr.đ
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
3.000
|