ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1883/KH-UBND
|
Lai Châu, ngày 27 tháng 9 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG
ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030 TỈNH LAI CHÂU
Thực hiện Quyết định số 1463/QĐ-TTg
ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ
môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, UBND tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch
thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các
nhiệm vụ và giải pháp để đạt được
mục tiêu của Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm
2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số
1463/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 (sau đây gọi tắt là Đề án), để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức phát
triển về dịch vụ môi trường nhằm tăng cường năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường
và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
- Xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời
gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan và UBND các huyện,
thành phố trong việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.
2. Yêu cầu
- Xác định cụ thể nội dung của kế hoạch
triển khai Đề án, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy
tối đa nguồn lực hiện có và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, trật
tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Trong quá trình thực hiện, phải đảm
bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện
các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những
vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Đến năm 2020
- Đáp ứng nhu cầu xử lý 70% nước thải
sinh hoạt tại các khu đô thị từ loại IV trở lên; thu gom, xử lý 95% chất thải rắn
tại đô thị, 75% chất thải rắn tại khu vực nông thôn; tăng tỷ lệ tái sử dụng,
tái chế hoặc thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón từ chất thải rắn phát sinh;
xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy 85% chất thải nguy hại phát sinh; xử lý các trường hợp
diện tích đất bị ô nhiễm.
- Có các doanh nghiệp đủ năng lực để
giải quyết các vấn đề về môi trường
trong tỉnh, bao gồm: Xử lý chất thải rắn; nước thải sinh hoạt; ứng phó, khắc phục
sự cố môi trường; giám định thiệt
hại về môi trường.
2. Tầm nhìn đến năm 2030
Phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch
vụ môi trường đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện thể chế, chính sách
hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường
- Ban hành và tổ chức thực hiện các
cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh
theo Khung chính sách pháp luật phát triển dịch vụ môi trường đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện cơ
chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường thông qua hình thức
đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư.
2. Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 07
tổ chức hoạt động trong dịch vụ môi trường về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh
hoạt nằm trên địa bàn các huyện và thành phố gồm Công ty Cổ phần môi trường đô thị tỉnh Lai Châu tại thành phố Lai Châu và huyện Nậm
Nhùn, Hợp tác xã Mai Thoa huyện Tam Đường, Hợp tác xã Trà My tại huyện Phong Thổ,
Hợp tác xã Phương Nhung tại huyện Than Uyên, Hợp tác xã Công nghệ và Môi trường tại huyện Mường Tè, Công ty TNHH Một
thành viên Bảo Quân tại huyện Sìn
Hồ, Công ty cây xanh, nước sạch, vệ
sinh môi trường huyện Tân Uyên. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường, kế hoạch phát triển mạng lưới
doanh nghiệp dịch vụ môi trường và đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đề ra, trên
cơ sở đánh giá thực trạng, tỉnh Lai Châu dự kiến từ nay đến năm 2020, tầm nhìn
đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có từ 8 - 12 tổ chức, cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực dịch vụ môi trường, đảm bảo mỗi huyện, thành phố có từ 01 - 02 tổ chức,
cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường.
- Lồng ghép các nội dung chi tiết của
kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030 vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Sắp xếp lại, ưu tiên khuyến
khích, thu hút đầu tư vào một số loại hình doanh nghiệp dịch vụ môi trường:
- Rà soát, tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp
xếp lại mô hình hoạt động của các
doanh nghiệp dịch vụ môi trường thuộc Nhà nước quản lý đang hoạt động kém hiệu
quả.
- Rà soát lại nhu cầu dịch vụ môi trường
trong một số lĩnh vực môi trường đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư:
+ Xây dựng và quản lý, vận hành các
khu xử lý chất thải rắn.
+ Thực hiện dịch vụ giám định thiệt hại
về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi
trường.
+ Thực hiện dịch vụ cải tạo, phục hồi
môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa
chất bảo vệ thực vật.
4. Triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh
tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường:
- Chương trình hỗ trợ chuyển giao
công nghệ cho các doanh nghiệp tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng, sản
xuất phân bón từ chất thải.
- Chương trình tích hợp cơ sở dữ liệu
thông tin về doanh nghiệp dịch vụ môi trường, loại hình dịch vụ môi trường cần thu hút đầu tư trong hệ thống thông
tin của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
IV. NGUỒN KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước theo phân cấp của
Luật Ngân sách nhà nước.
2. Vốn hỗ trợ, vốn vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn
ODA.
3. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm
nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng nội dung, khối lượng công
việc, dự toán kinh phí của các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh
cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường được giao chủ trì, gửi Sở Tài chính để
tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra; hằng
năm đánh giá, tổng hợp kết quả thực
hiện kế hoạch báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện kế hoạch; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch.
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí
từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện,
thành phố xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030; lồng ghép các nội dung chi tiết của kế hoạch này vào quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện cơ
chế khuyến khích tổ chức, cá nhân
thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế
hợp tác công tư; hỗ trợ các doanh
nghiệp dịch vụ môi trường tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn kinh
phí hỗ trợ theo quy định.
4. Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện,
thành phố
- Xây dựng nội dung, khối lượng công
việc, dự toán kinh phí của các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh
cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường được giao chủ trì, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp làm căn cứ đề xuất kinh phí thực hiện
(nếu có).
- Tổ chức rà soát, tái cơ cấu, sắp xếp
lại mô hình hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ môi trường thuộc phạm vi quản
lý của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đang hoạt động kém hiệu quả (nếu
có).
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường thực hiện kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án
phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến
2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (Báo cáo)
- Các Bộ: TN&MT, TC, KH&ĐT; (Báo
cáo)
- TT Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- TT. Tin học và Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Trọng Quảng
|