ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 160/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày
25 tháng 9 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG VẬN TẢI CẠNH
TRANH THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC, KẾT NỐI GIỮA CÁC HÌNH THỨC
VẬN TẢI KHÁC NHAU, CHÚ TRỌNG ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐỂ GIẢM THIỂU CHI PHÍ
VẬN TẢI TẠO THUẬN LỢI CHO LƯU THÔNG, PHÂN PHỐI HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ CỦA DOANH
NGHIỆP”
Thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg
ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận
tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các
hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu
chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của
doanh nghiệp”, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng thị trường vận tải cạnh
tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và kết nối giữa
các hình thức vận tải khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải đa phương
thức và dịch vụ logistics phát triển;
- Nâng cao năng lực, hiệu quả, sức
cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng và
cả nước nói chung, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng
hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu
- Phát triển thị trường vận tải
hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, gắn với nhiệm
vụ tái cơ cấu vận tải để giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải
đường sắt, đồng thời tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải để phát
triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics chất lượng cao.
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải gắn liền với đổi mới, hoàn thiện nâng
cao hiệu quả, hiệu lực thi hành của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ
chế chính sách quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng
đồng bộ theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư hình thành trung tâm logistics, các tuyến
giao thông kết nối tạo sự liên hoàn giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường
sắt), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Phát triển hệ thống cảng cạn, bến
xe hàng, bãi đỗ xe,… trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển vận tải đường
sắt; nâng cao năng lực, chia sẻ thị phần vận tải và giảm tải cho vận tải đường
bộ, giảm chi phí vận tải, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phát triển các lực lượng vận tải
đường bộ, đường sắt cả về quy mô, số lượng, chất lượng; thúc đẩy hình thành các
doanh nghiệp vận tải lớn, có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận tải và dịch
vụ logistics để cung cấp vận tải đa phương thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
- Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công
nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong hoạt
động vận tải và logistics để có những bước phát triển đột phá, tiếp cận với
cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành giao thông vận tải.
II. NỘI DUNG
1. Hoàn thiện
công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư
- Rà soát quy hoạch xây dựng, quy
hoạch phân khu và các quy hoạch có liên quan để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh
đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tính kết nối và tích hợp sâu dịch vụ
logistics.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng
tâm là cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính công; ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý hành chính và giải quyết các thủ tục hành
chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu, trọng tâm là các lĩnh
vực: công thương, hải quan, thuế, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải...
- Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế,
chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức, vận tải hàng
hóa phù hợp với thực tiễn.
- Chuẩn hóa hệ thống quy trình,
quy phạm, tiêu chuẩn, định mức nhằm giảm giá thành vận chuyển, khuyến khích sản
xuất, lưu thông hàng hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
2. Đầu tư phát
triển hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu
có vai trò thúc đẩy phát triển vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải (Danh mục dự án ưu
tiên đầu tư và nhu cầu vốn đến năm 2020 và sau năm 2020 tại Phụ lục 1 kèm theo), trong đó:
a) Xây dựng trung tâm logistics:
Chỉ đạo, đôn đốc Nhà đầu tư (Công
ty cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn) tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự
án Khu Trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã
được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số
357/QĐ-UBND ngày 03/3/2017 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết
định số 1936/QĐ-UBND ngày 04/10/2018 với Quy mô công suất thiết kế của Dự án:
Giai đoạn 1: Từ năm 2020 khoảng 336.907 lượt xe lưu thông/năm (khoảng 930
xe/ngày) đến năm 2030 khoảng 561.240 lượt xe lưu thông/năm. Giai đoạn 2: Từ năm
2030 khoảng từ 561.240 lượt xe lưu thông/năm (khoảng 1.500 xe/ngày). Địa điểm
thực hiện dự án: Xã Thụy Hùng và xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tổng diện tích sử dụng
đất 143,7 ha. Tổng vốn đầu tư: 3.299 tỷ đồng.
b) Xây dựng hệ thống cảng cạn, bến
xe hàng, bãi đỗ xe
- UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất
Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh vị trí quy hoạch cảng cạn Lạng Sơn từ vị trí
trong khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
về vị trí Km22+500, bên trái tuyến Quốc lộ 1A để kêu gọi đầu tư xây dựng với quy
mô diện tích cảng cạn khoảng 75ha, cụ thể vị trí như sau:
+ Vị trí: Tại Km22+500, bên trái
tuyến Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
+ Phía Bắc giáp với Bến xe phía
Nam thành phố Lạng Sơn và tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương;
+ Phía Đông giáp với cao tốc Hà Nội
- Lạng Sơn;
+ Phía Nam giám với đường nối từ
Quốc lộ 1A với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;
+ Phía Tây giáp với Quốc lộ 1A;
- Công tác đầu tư bến, bãi, kho
hàng của các doanh nghiệp tại các cửa khẩu, lối mở đã đáp ứng điều kiện hoạt động
kinh doanh phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa, các bến, bãi đỗ xe vận tải hàng
hóa để thực hiện sang tải hàng hóa xuất nhập khẩu, đáp ứng phục vụ công tác kiểm
tra, kiểm soát hải quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và sự kiểm tra giám
sát của các lực lượng chức năng. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng người
và phương tiện vận tải qua khu vực cửa khẩu ngày càng tăng. An ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội và chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững; quan tâm đến
công tác lập các Quy hoạch chi tiết xây dựng để đáp ứng công tác quản lý cửa khẩu,
biên giới, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện để thu hút đầu
tư các dự án bến, bãi, kho hàng tại các khu vực cửa khẩu (Danh mục các dự án
đầu tư bến xe hàng, kho bãi tại các khu vực các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tại
Phụ lục 2).
- Kết nối giao thông:
+ Về đường bộ gồm có: Quốc lộ 1A,
cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Quốc lộ 4B (Lạng Sơn - cảng Mũi Chùa, Quảng Ninh),
Quốc lộ 4A (Lạng Sơn - Cao Bằng), Quốc lộ 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên), Quốc lộ
279, Quốc lộ 31 và Quốc Lộ 3B.
+ Về đường sắt gồm có: Tuyến đường
sắt Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương.
c) Xây hệ thống hạ tầng giao thông
kết nối
Kêu gọi đầu tư xây dựng đường kết
nối cảng cạn Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; đường kết nối từ Khu
Trung chuyển hàng hóa đến Ga Đồng Đăng và kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Lạng
Sơn… Phối hợp với tỉnh Cao Bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc
Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
- Hoàn thành dự án cao tốc Bắc
Giang - Lạng Sơn, bổ sung vị trí kết nối các loại hình giao thông để hoàn chỉnh
hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn.
d) Nâng cao năng lực vận tải đường
sắt
- Thực hiện theo Quyết định số
214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến
lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2050.
- Khai thác tối đa, hiệu quả các
tuyến đường sắt hiện đang hoạt động trên địa phận tỉnh Lạng Sơn dài 94 km, qua
11 ga đó là các ga: Vôi Xô, Phố Vị, Bắc Lệ, Sông Hoá, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Bắc
Thuỷ, Bản Thí, Yên Trạch, Đông Kinh và ga Đồng Đăng. Lượng hàng hoá và hành
khách vận chuyển bằng đường sắt trên tuyến chủ yếu tập chung ở những ga chính
như Lạng Sơn, Đồng Mỏ, Bắc Lệ và Đồng Đăng. Đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp
cơ sở hạ tầng các ga và bãi bốc xếp hàng hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho vận tải
đường sắt, hợp tác thúc đẩy cải tạo tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội.
3. Phát triển
lực lượng vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất
về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vận tải phát triển
cả về số lượng và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập. Phấn đấu đến
năm 2030, phát triển được từ 10 đến 20 doanh nghiệp vận tải đa phương thức, 100
doanh nghiệp vận tải tham gia chuỗi dịch logistics, 50 doanh nghiệp tham gia vận
tải liên vận (Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc,...)
với số lượng khoảng trên 1.000 phương tiện.
- Hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp
tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải để cung cấp dịch vụ vận
tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn và hình thành những doanh
nghiệp lớn về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Nâng
cao số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công
nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt
động của các sàn giao dịch vận tải; khuyến khích doanh nghiệp vận tải ứng dụng
công nghệ để quản lý giám sát phương tiện và tích cực tham gia sàn giao dịch vận
tải nhằm tối ưu hóa tuyến đường vận tải, giảm thiểu tình trạng xe chạy rỗng, tiết
kiệm chi phí, giảm giá cước vận tải.
4. Tăng cường ứng
dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Tăng cường triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các
lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải: Công tác quản lý nhà nước, quản lý điều
hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa
phương thức, dịch vụ logistics. Ưu tiên triển khai các ứng dụng công nghệ thông
tin nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực khai thác hạ tầng, phương
tiện và cải cách thủ tục hành chính.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng công
nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với đặc thù của tỉnh, vừa đảm bảo tính kế thừa,
vừa tạo đột phá để đạt được các mục tiêu cụ thể với tốc độ nhanh hơn, nhằm nâng
cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành giao
thông vận tải.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
về hoạt động vận tải của các phương thức, thống kê số liệu vận tải, các phần mềm
quản lý hoạt động vận tải, quản lý phương tiện, quản lý hoạt động của các sàn
giao dịch vận tải..., đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kết nối giữa các cơ quan quản
lý nhà nước với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.
- Hoàn thiện hệ thống thông tin phục
vụ công tác quản lý vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai
thác, điều hành giao thông thông minh; nghiên cứu triển khai mô hình trung tâm
điều hành vận tải, kiểm soát tải trọng xe kết hợp với quản lý, giám sát thông
qua thiết bị kiểm soát hành trình.
5. Nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải
- Tăng cường quản lý nhà nước đối
với hoạt động vận tải gắn liền với đổi mới, hoàn thiện nâng cao hiệu quả, hiệu
lực thi hành của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách quản
lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh,
bình đẳng.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập
huấn nghiệp vụ vận tải và các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh
vận tải, nhất là các nghiệp vụ về quản lý điều hành vận tải, logistics.
- Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra đối với hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thanh
tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh
vận tải, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các quy định về đảm bảo
trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày
05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết
niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định. Kiên quyết xử lý các phương tiện không đảm
bảo các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong
hoạt động vận tải.
- Xử lý nghiêm các vi phạm về tải
trọng xe, việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình xe, việc
quản lý và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải...
Phối hợp chặt chẽ với các lược lượng, các địa phương trong việc quản lý, giám
sát và xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn.
- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp
nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân;
tăng cường đối thoại, đồng hành cùng các doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giao
thông vận tải
- Chủ trì triển khai các Quy hoạch,
Kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải; tổ chức kết nối vận tải đa phương
thức, liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường sắt và thúc đẩy phát triển
Sàn giao dịch vận tải để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong việc tìm kiếm và
phát triển thị trường, đảm bảo đồng bộ, phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thị
trường vận tải của tỉnh.
- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu
tư, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành
khách, hàng hóa.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan thuộc Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả các
tuyến vận tải đường bộ, đường sắt. Phối hợp các cơ quan liên quan đôn đốc, tháo
gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao
thông, hỗ trợ dịch vụ vận tải logistics phát triển.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư
xây dựng đường giao thông kết nối; quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động
kinh doanh vận tải trên địa bàn để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch
trong hoạt động vận tải. Xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường
bộ.
- Là đầu mối tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết
thực hiện Kế hoạch theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Chủ trì rà soát, tích hợp các điểm
phát triển logistics, hệ thống cảng cạn, bến xe hang, bãi đỗ xe... trên địa bàn
tỉnh vào Quy hoạch chung của tỉnh.
- Nghiên cứu, đề xuất, triển khai
các cơ chế, giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu
quả đầu tư đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ
thuật đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn và tạo mọi điều kiện
thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ
tầng dịch vụ logistics, cảng cạn và đường kết nối; cung cấp thông tin về trình
tự, thủ tục đầu tư, lập, thẩm tra, phê duyệt dự án, các chính sách hỗ trợ, ưu
đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Chủ trì các hoạt động đối thoại, tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới,
sáng tạo và nâng cao năng lực.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Giao thông vận tải cân đối ngân sách Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí
xây dựng đường giao thông kết nối; cân đối nguồn vốn tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng
trung tâm logistics, cảng cạn và đường giao thông kết nối.
3. Sở Xây dựng
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư rà soát, tích hợp các điểm phát triển logistics, cảng cạn, khu trung chuyển
hàng hóa, hệ thống bến xe hàng, bãi đỗ xe... trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch
chung của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
và các sở ngành liên quan hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên
quan đến tiêu chí đảm bảo điều kiện kết nối giữa các phương thức vận tải như: hệ
thống nhà ga đường sắt, hệ thống bến xe hang, bãi đỗ xe, cảng cạn, trung tâm
logistics...
4. Sở Tài
chính
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban
ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn về chính sách thuế,
phí, giá dịch vụ, cơ chế hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư cho phát
triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
- Chủ trì phối hợp với cơ quan thuế,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện chính sách miễn, giảm
tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các dự án đầu tư xây dựng và khai thác Khu
Trung chuyển hàng hóa, cảng cạn Lạng Sơn, bến xe hàng, bãi đỗ xe, …theo Nghị định
số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền thuê đất,
thuê mặt nước; Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,
thuê mặt nước; Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 08/12/2016 của Chính phủ quy định
về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế,
Khu công nghệ cao.
5. Sở Công
Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở
Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Phương án định hướng phát triển
hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương rà soát,
thiết lập các khu hoạt động logistics quy mô nhỏ, kết nối các đầu mối gom hàng,
các kho tập kết, phân phối hàng.
- Phát triển hoạt động thương mại
điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch
vụ logistics phát triển; liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các đơn vị
sản xuất và kinh doanh phân phối để khuyến khích, thúc đẩy phát triển sử dụng dịch
vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
6. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai
thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố
triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công
tác tham mưu, giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh
trật tự, góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch theo chức
năng nhiệm vụ được giao.
7. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông
vận tải tham mưu cho UBND tỉnh thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ứng
dụng chuyên ngành, hướng dẫn doanh nghiệp ngành giao thông vận tải đầu tư, phát
triển, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh vận tải.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở,
tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chủ trương, chính sách, quy định của
Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và xây dựng thị
trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức.
8. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đề xuất các chính sách liên quan đến đất
đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm cho hoạt động vận tải đa phương thức,
hoạt động logistics phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
9. Sở Khoa học
và Công nghệ
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
và tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí
trong lĩnh vực hoạt động vận tải.
10. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông
nghiệp hàng hóa quy mô lớn và cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất trong quá trình
thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển. Hỗ trợ tích hợp sâu dịch vụ
logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, thương mại điện tử nông sản; kết
nối chủ hàng, nguồn hàng hóa nông sản thực phẩm đến giao dịch, trung chuyển qua
trung tâm logistics.
11. Ban Quản
lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
- Hướng dẫn, tạo điều kiện bố trí
các khu vực cung ứng dịch vụ logistics trong phạm vi Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng
Đăng - Lạng Sơn, tại các Cụm công nghiệp, bến xe hàng, bãi đỗ xe tại các khu vực
cửa khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -
Lạng Sơn, khu công nghiệp, bến xe hàng, bãi đỗ xe tích cực sử dụng dịch vụ
logistics thuê ngoài do các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp trong cung cấp,
góp phần gia tăng hiệu quả sử dụng các dịch vụ logistics;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu
tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông kết nối giữa Khu trung chuyển
hàng hóa, cảng cạn với các dự án bến xe hàng, bãi đỗ xe, địa điểm tập kết hàng
hóa,… tại các khu vực cửa khẩu.
12. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm
tra hệ thống kho, bãi đang hoạt động, phục vụ phát triển dịch vụ logistics trên
địa bàn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng cháy
chữa cháy, môi trường.
- Phối hợp các sở ngành chức năng
cung cấp thông tin quy hoạch, địa điểm quy hoạch cho nhà đầu tư quan tâm và phối
hợp chặt chẽ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các
dự án hạ tầng kết nối; hỗ trợ người có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp, ổn
định đời sống, sản xuất và phát triển.
13. Hiệp hội
Vận tải ô tô tỉnh Lạng Sơn
Phối hợp các Sở, ngành, đơn vị triển
khai các nội dung, chương trình của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức
tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên về chủ trương, định hướng, cơ
chế, phát triển dịch vụ logisctics của Nhà nước và của tỉnh; là đầu mối kết nối,
nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải
pháp hỗ trợ kịp thời.
14. Các doanh
nghiệp đầu tư, đơn vị kinh doanh vận tải
- Nghiên cứu và ứng dụng các công
nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và dịch vụ
logistics chuyên nghiệp nhằm đạt chất lượng dịch vụ cao hơn. Chủ động nghiên cứu,
nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế liên quan đến dịch vụ
logistics để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, quy mô hoạt động.
- Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng
hạ tầng dịch vụ logistics, cảng cạn, hạ tầng giao thông kết nối tập trung nguồn
lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống bến bãi, hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt
động dịch vụ, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư mới, sớm đưa công trình vào
vận hành và khai thác bảo đảm tiến độ và chất lượng.
- Các doanh nghiệp sản xuất kinh
doanh chủ động áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá
trình sản xuất, kinh doanh; tích cực sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, giảm
dần việc tự đầu tư và tổ chức vận tải, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục liên
quan đến sản phẩm, hàng hóa.
- Các đơn vị kinh doanh vận tải đường
bộ chủ động nghiên cứu, đầu tư phương tiện có chất lượng, nâng cao chất lượng dịch
vụ, năng lực cạnh tranh; liên doanh, liên kết để hình thành các doanh nghiệp có
quy mô đáp ứng điều kiện để tham gia thị trường vận tải đa phương thức,
logistics.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề
án “xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa
phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng
công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông,
phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp” của tỉnh Lạng Sơn. Các đơn vị
có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế
hoạch; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời
phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CPVP UBND tỉnh, Các Phòng CM, TH-CB;
- Lưu: VT, KTN (VAT).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|