ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 105/KH-UBND
|
An Giang, ngày
03 tháng 3 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Thông báo số 396/TB-VPCP ngày
09/12/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, trong đó yêu cầu
tỉnh phấn đấu đạt 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng
kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 như
sau:
Phần I
TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH
NGHIỆP, HỘ KINH DOANH
I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp:
1. Thành lập doanh nghiệp mới giai đoạn 2011
- 2016:
Giai đoạn 2011 - 2016, số doanh nghiệp đăng ký
thành lập mới là 3.991 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 18.068 tỷ đồng, vốn
đăng ký bình quân của một doanh nghiệp khoảng 4,53 tỷ đồng. Bình quân hàng năm
có 665 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tốc độ tăng bình quân 4,29%/năm.
Riêng năm 2016, có 614 doanh nghiệp được thành lập
mới với tổng số vốn đăng ký là 2.846 tỷ đồng, tăng 2,33% (tăng 14 doanh nghiệp)
về số lượng và tăng 1,21% (tăng 34 tỷ đồng) về số vốn đăng ký so với cùng kỳ
năm trước.
Lũy kế đến ngày 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp
đăng ký trên địa bàn tỉnh An Giang là 7.800 doanh nghiệp (349 công ty cổ phần;
01 công ty hợp danh; 1.911 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
2.536 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; 3.003 doanh nghiệp tư nhân) với
tổng vốn đăng ký là 45.639 tỷ đồng và 3.289 chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm
kinh doanh đăng ký hoạt động.
2. Tình hình giải thể của doanh nghiệp:
Giai đoạn 2011 - 2016, có 798 doanh nghiệp làm
thủ tục giải thể, chiếm tỷ lệ 19,99% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới. Trong
đó, loại hình công ty cổ phần chiếm tỷ lệ 3,88%, công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên chiếm tỷ lệ 23,40%, công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên chiếm tỷ lệ 34,79%, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ 37,92% tổng số
doanh nghiệp giải thể. Nguyên nhân giải thể, theo doanh nghiệp, là do hoạt động
sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế có một số doanh
nghiệp giải thể là do chi phí thuê mướn quản lý, điều hành hoạt động sản xuất
kinh doanh, đặc biệt là cán bộ làm công tác tài chính - kế toán, lo ngại thủ tục
kê khai nộp thuế, về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, thực hiện
nghĩa vụ với ngân sách nhà nước cao hơn so với hộ kinh doanh…
3. Tình hình tạm ngừng hoạt động của doanh
nghiệp:
Giai đoạn 2011 - 2016, có 460 doanh nghiệp đăng
ký tạm ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 11,53% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
Trong đó, loại hình công ty cổ phần chiếm tỷ lệ 4,35%, công ty trách nhiệm hữu
hạn hai thành viên trở lên chiếm tỷ lệ 26,74%, công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên chiếm tỷ lệ 35,43%, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ 33,48% tổng số
doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng. Trong số này, đến nay chỉ có 168 doanh nghiệp
quay lại hoạt động, chiếm tỷ lệ 36,52% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng và 71
doanh nghiệp đã giải thể. Số còn lại tiếp tục tạm ngừng là 133 doanh nghiệp và
88 doanh nghiệp đã bị cảnh báo vi phạm do cơ quan thuế cung cấp thông tin.
II. Tình hình rà soát số doanh nghiệp còn hoạt
động:
Số doanh nghiệp đăng ký còn hoạt động đến ngày
31/12/2016 là 5.177 doanh nghiệp (số liệu doanh nghiệp đang hoạt động được kết
xuất từ hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kết
nối với hệ thống đăng ký thông tin thuế của Bộ Tài chính) với tổng vốn đăng ký
là 44.178 tỷ đồng.
1. Phân theo loại hình hoạt động:
Công ty cổ phần chiếm tỷ lệ 4,56% (236 doanh
nghiệp), công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chiếm tỷ lệ 24,07%
(1.246 doanh nghiệp), công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm tỷ lệ
33,46% (1.732 doanh nghiệp), doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ 37,90% (1.962
doanh nghiệp) và 01 công ty hợp danh chiếm tỷ lệ 0,02% trên tổng số doanh nghiệp
còn hoạt động.
2. Phân theo quy mô vốn đăng ký:
Có 4.648 doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ
đồng (chiếm 89,78%), 251 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 tỷ đồng đến dưới 20
tỷ đồng (chiếm 4,85%), 152 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 20 tỷ đồng đến dưới
50 tỷ đồng (chiếm 2,94%), 65 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 50 tỷ đồng đến dưới
100 tỷ đồng (chiếm 1,26%), 61 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 100 tỷ đồng trở
lên (chiếm 1,18%).
3. Phân theo quy mô sử dụng lao động:
Có 3.926 doanh nghiệp có đăng ký lao động dưới
10 người (chiếm 76,72%), 1.152 doanh nghiệp có đăng ký lao động từ 10 người đến
dưới 200 người (chiếm 22,51%), 10 doanh nghiệp có đăng ký lao động từ 200 người
đến 300 người (chiếm 0,20%), 29 doanh nghiệp có đăng ký lao động trên 300 lao động
(chiếm 0,57%).
4. Phân theo địa bàn hoạt động:
Thành phố Long Xuyên có 1.705 doanh nghiệp, chiếm
32,93%, huyện Chợ Mới có 464 doanh nghiệp, chiếm 8,96%; thị xã Tân Châu có 417
doanh nghiệp, chiếm 8,05%; huyện Châu Phú có 377 doanh nghiệp, chiếm 7,28%; huyện
Tri Tôn có 364 doanh nghiệp, chiếm 7,03%; thành phố Châu Đốc có 357 doanh nghiệp,
chiếm 6,9%; huyện An Phú có 325 doanh nghiệp, chiếm 6,28%; huyện Châu Thành có
315 doanh nghiệp, chiếm 6,08%; huyện Phú Tân có 293 doanh nghiệp, chiếm 5,66%;
huyện Tịnh Biên có 280 doanh nghiệp, chiếm 5,41%; huyện Thoại Sơn có 280 doanh
nghiệp, chiếm 5,41%.
5. Phân theo ngành nghề lĩnh vực đăng ký hoạt
động (phân ngành kinh tế quốc dân):
Số TT
|
Ngành nghề kinh
doanh
|
Số lượng doanh
nghiệp
|
Chiếm tỷ lệ
|
1
|
Vận tải kho bãi
|
186
|
3,59%
|
2
|
Thông tin và truyền thông
|
26
|
0,50%
|
3
|
Sản xuất phân phối, điện, nước, gas
|
17
|
0,33%
|
4
|
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
|
116
|
2,24%
|
5
|
Xây dựng
|
510
|
9,85%
|
6
|
Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế;
quảng cáo và chuyên môn khác
|
136
|
2,63%
|
7
|
Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội
|
7
|
0,14%
|
8
|
Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc
thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác
|
114
|
2,20%
|
9
|
Khai khoáng
|
23
|
0,44%
|
10
|
Hoạt động dịch vụ khác
|
24
|
0,46%
|
11
|
Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
|
21
|
0,41%
|
12
|
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
|
157
|
3,03%
|
13
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo
|
461
|
8,90%
|
14
|
Nghệ thuật, vui chơi và giải trí
|
62
|
1,20%
|
15
|
Giáo dục và đào tạo
|
43
|
0,83%
|
16
|
Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy
|
2.252
|
43,50%
|
17
|
Kinh doanh bất động sản
|
20
|
0,39%
|
18
|
Khác (các doanh nghiệp chưa cập nhật mã ngành
nghề chính)
|
1.002
|
19,35%
|
|
Tổng cộng
|
5.177
|
|
III. Tình hình đăng ký hộ kinh doanh:
Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 55.019
hộ kinh doanh còn hoạt động với tổng vốn đăng ký là 6.120 tỷ đồng, giải quyết
cho hơn 110.085 lao động. Trong số này, số hộ kinh doanh có khả năng chuyển
sang mô hình doanh nghiệp hoạt động chiếm khoảng 1% tổng hộ kinh doanh còn hoạt
động.
Biểu: Tình hình hộ kinh doanh phân theo địa bàn
huyện
Số TT
|
Địa bàn
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
1
|
Thành phố Long Xuyên
|
16.916
|
30,71%
|
2
|
Thành phố Châu Đốc
|
4.041
|
7,34%
|
3
|
Huyện An Phú
|
5.439
|
9,87%
|
4
|
Thị xã Tân Châu
|
4.374
|
7,94%
|
5
|
Huyện Phú Tân
|
4.908
|
8,91%
|
6
|
Huyện Châu Phú
|
3.492
|
6,34%
|
7
|
Huyện Tịnh Biên
|
2.216
|
4,02%
|
8
|
Huyện Tri Tôn
|
2.024
|
3,67%
|
9
|
Huyện Chợ Mới
|
1.707
|
3,10%
|
10
|
Huyện Châu Thành
|
5.505
|
9,99%
|
11
|
Huyện Thoại Sơn
|
4.469
|
8,11%
|
Tổng
|
55.091
|
100,00%
|
Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 6.008 hộ kinh doanh
đăng ký, với tổng vốn là 731 tỷ đồng, thu hút 11.944 lao động. So với cùng kỳ,
tăng 20,74% về số lượng hộ kinh doanh, 2,82% về số vốn đăng ký và 20,06% về số
lao động.
IV. Đánh giá thuận lợi, khó khăn và nguyên
nhân:
1. Thuận lợi:
- Khuôn khổ pháp luật về thành lập, tổ chức và
hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện theo hướng cải cách thủ tục
hành chính, ngày càng thuận lợi với nguyên tắc: “người dân, doanh nghiệp được đầu
tư kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; cơ quan nhà nước chỉ được
làm những gì pháp luật cho phép”. Từ đó, tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy.
- Thể chế về thuế, tài chính, kế toán, xuất nhập
khẩu, đất đai, lao động, bảo hiểm xã hội… được điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới,
kịp thời đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn tổ chức hoạt động điều hành, tổ chức hoạt
động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là động lực vô
cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
- Sự đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cấp, các ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp
đánh giá tích cực.
- Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật
để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh
doanh.
- Các chương trình, kế hoạch của tỉnh nhằm tạo
điều kiện để doanh nghiệp phát triển… đã được ban hành và triển khai thực hiện
như: chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chương trình hỗ trợ và
phát triển doanh nghiệp, chương trình cải cách hành chính, kế hoạch nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia, kế hoạch triển khai thực hiện cam kết với Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…
2. Khó khăn, hạn chế:
- Mặc dù đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhưng kết
cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém; chưa tạo được quỹ đất sạch để doanh nghiệp đầu
tư sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận quỹ đất tại các
khu công nghiệp tập trung; giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp theo phương
thức chỉ định rất hạn chế…
- Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức
chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao trong thực
thi công vụ. Chưa tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp phát triển ổn
định lâu dài. Chưa tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp để bồi dưỡng và
phát triển nguồn thu.
- Doanh nghiệp rất ngán ngại lập các hồ sơ, sổ
sách liên quan đến kế toán, kê khai nộp thuế, thanh quyết toán thuế…
- Chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ kê khai nộp
thuế, dịch vụ hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn thiếu chưa đáp ứng
nhu cầu của doanh nghiệp.
- Quy định hiện hành về thanh kiểm tra đối với
doanh nghiệp nhiều hơn hộ kinh doanh nên phần lớn hộ kinh doanh không muốn chuyển
sang doanh nghiệp.
- Vẫn còn hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ
10 lao động trở lên nhưng không chuyển sang hoạt động loại hình doanh nghiệp.
- Các chính sách hiện tại chưa phát huy lợi thế
giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa so với hộ kinh doanh, cũng như lợi thế khi chuyển
sang doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể: 98 - 99% doanh nghiệp của tỉnh là doanh
nghiệp nhỏ và vừa nhưng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại,
hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ
tư vấn kế toán - thuế, hỗ trợ pháp lý… từ Trung ương đến địa phương chưa được
thực thi đầy đủ.
- Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động
còn ở mức cao so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập. Số doanh nghiệp tạm ngừng
quay trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm
ngừng.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực hiện bảo
lãnh tín dụng từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh.
3. Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế:
- Công tác tuyên truyền vận động các hộ kinh
doanh chuyển sang doanh nghiệp hoạt động chưa được các cấp, các ngành quan tâm,
nhất là công tác phổ biến pháp luật về doanh nghiệp.
- Nguồn vốn đầu tư được hỗ trợ đầu tư từ Trung
ương thường không đáp ứng nhu cầu đầu tư của tỉnh, trong khi tỉnh còn nhận hỗ
trợ ngân sách từ Trung ương.
- Chưa có giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ để
các hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên yên tâm chuyển sang doanh nghiệp
hoạt động kể cả biện pháp xử lý vi phạm.
- Các quy định về lệ phí môn bài, chế độ nộp thuế
đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp thay đổi liên tục, luôn luôn có những bất
cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải thể để chuyển sang hộ kinh doanh mà
không khuyến khích theo chiều ngược lại.
- Đa phần hộ kinh doanh thiếu kiến thức về pháp
luật, không muốn bị phiền hà về thủ tục kế toán - thuế. Việc thay đổi chế độ kế
toán từ “thuế khoán” lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn cũng như
cách thức quản lý sổ sách khiến nhiều hộ lo ngại. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp
không muốn chuyển đổi do nghĩ không được lấy lại tên cũ vì trùng với doanh nghiệp
hiện có, dẫn đến mất thương hiệu.
- Nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện nhưng không
muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp không chỉ là chuyện sổ sách, chứng từ mà
nguyên nhân sâu xa là sự lo sợ về việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức
năng và nghĩa vụ đóng thuế…
- Trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém,
chưa chủ động xây dựng chiến lược lâu dài. Điều này làm giảm khả năng cạnh
tranh của doanh nghiệp trên thị trường, trực tiếp ảnh hưởng đến đầu ra của sản
phẩm, là rào cản lớn trong quá trình phát triển và hội nhập của doanh nghiệp.
- Tỉnh chưa triển khai thực hiện Quyết định số
844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ
trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn còn hạn
chế nên việc thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn dàn trải,
chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ. Biên chế bảo đảm cho việc thực hiện công
tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp chưa được bố trí chuyên trách, vì vậy chưa đáp ứng
yêu cầu công việc.
- Chưa tập trung nguồn lực (vốn, con người…) để
tập trung thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh
phát triển như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến
thương mại, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhận chuyển giao công
nghệ, hỗ trợ tư vấn kế toán - thuế.
Phần II
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
I. Quan điểm:
1. Phát triển doanh nghiệp là chiến lược lâu
dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong quá trình thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu
lao động của tỉnh; tạo cơ sở, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X
đã đề ra.
2. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp mới,
nhất là doanh nghiệp thành lập từ hộ kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện để các
doanh nghiệp hiện có phát triển về quy mô và năng lực; nâng cao chất lượng sản
phẩm và tính cạnh tranh. Tích cực đưa công nghệ mới vào sản xuất, quản lý của
doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển một cách bền vững,
tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ,
nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản
phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc có lợi thế cạnh tranh; cải thiện và tạo điều
kiện thuận lợi để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực và
thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển văn hóa kinh
doanh và liên kết doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo phương
châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu
quả kinh tế, góp phần tạo nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm trật tự,
an toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng huyện, thị xã, thành phố,
khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống; du lịch;
ưu tiên phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc,
phụ nữ, người tàn tật… làm chủ doanh nghiệp; chú trọng phát triển doanh nghiệp
đầu tư sản xuất một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng
cao và lĩnh vực xã hội hóa y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao,
khoa học công nghệ, môi trường.
II. Định hướng:
1. Tạo môi trường về pháp luật và các
cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát
triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước
kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.
2. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động và có thực
hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước: kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát
sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi
tiếp cận các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm duy trì, mở rộng
quy mô sản xuất kinh doanh.
3. Khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt
động theo loại hình doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo tỉnh An Giang.
III. Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tiếp tục phát triển doanh nghiệp về số lượng
và chất lượng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,
tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch
cho các doanh nghiệp.
- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao
năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thu hút vốn đầu
tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp ngày càng cao vào
tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát
triển doanh nghiệp như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ
xúc tiến thương mại, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nghiên cứu, ứng
dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tư vấn kế toán - thuế, hỗ trợ pháp lý…
2. Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2020, tỉnh An Giang có 10.000 doanh
nghiệp đăng ký thành lập.
- Hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại
hình doanh nghiệp 1%/năm tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn huyện
của năm trước và toàn tỉnh có tổng số hộ chuyển sang doanh nghiệp là 700 doanh
nghiệp/năm.
IV. Nhiệm vụ và giải
pháp:
1. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện
môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
1.1. Nội dung: Thực hiện chương trình
hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)
tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, chương trình hành động của Ủy ban nhân dân
tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, kế hoạch của
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của
Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng
đến năm 2020, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện cam kết với Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
1.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
2. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về triển khai
chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.1. Nội dung:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ
cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai,
các luật thuế.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số
40/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về
chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số
98/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về
chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Ngay khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
được Quốc hội thông qua, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh.
2.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
3. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tạo điều kiện
thuận lợi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
3.1. Nội dung:
- Tổ chức đăng ký thành lập mới, thay đổi, bổ
sung nội dung đã đăng ký doanh nghiệp chỉ trong 01 ngày làm việc.
- Tổ chức mạng lưới đăng ký doanh nghiệp trực
tuyến qua mạng.
- Tư vấn miễn phí, mẫu biểu hóa, cung cấp các
file mềm hồ sơ thủ tục thành lập doanh nghiệp (kể cả điều lệ mẫu tham khảo), hồ
sơ thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (kể cả điều lệ mẫu tham khảo)
trên website của Sở Kế hoạch và Đầu tư và cho đối tượng có nhu cầu.
3.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
4. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về ưu đãi lựa
chọn nhà thầu trong mua sắm công.
4.1. Nội dung:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở
Tài chính, Sở Y tế hướng dẫn về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói
thầu mua sắm công cho các đối tượng được hưởng ưu đãi là doanh nghiệp nhỏ và vừa
trên địa bàn tỉnh để các chủ đầu tư (hoặc bên mời thầu) tổ chức thực hiện đúng
quy định.
- Các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư (hoặc
bên mời thầu) trong mua sắm công nghiêm túc triển khai đúng quy định của pháp
luật về đối tượng được hưởng ưu đãi là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia đấu
thầu trong mua sắm công.
4.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Y tế và
các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư (hoặc bên mời thầu) trong mua sắm
công.
5. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp cận tín
dụng.
5.1. Nội dung:
- Có kế hoạch cụ thể và triển khai có hiệu quả
hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, xác định doanh
nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới là đối tượng ưu tiên thực hiện cơ chế bảo lãnh
tín dụng.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các
tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng
phục vụ nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp thành lập mới trong từng năm và cả
giai đoạn 2016 - 2020.
5.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
6. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ mặt bằng
sản xuất kinh doanh.
6.1. Nội dung:
- Trên cơ sở đề án tạo quỹ đất của tỉnh đến năm
2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tiến hành xây dựng kế hoạch tạo quỹ đất
cụ thể, trong đó có chỉ tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp thành lập mới,
doanh nghiệp hiện có thuê được mặt bằng sản xuất kinh doanh, tổng diện tích được
thuê, diện tích thuê đất bình quân của một doanh nghiệp, phân kỳ cho từng năm
(bắt đầu từ năm 2017). Thời gian thực hiện trong quý II/2017.
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cơ chế cụ
thể về cho thuê đất chỉ định để doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất
kinh doanh. Thời gian hoàn thành trong quý II/2017.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế miễn các
loại phí có liên quan đến đo đạc, trích lục bản đồ địa chính và các loại phí
khác có liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục đất đai cho đối tượng là
doanh nghiệp. Thời gian thực hiện trong tháng 3/2017.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế miễn các
loại phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường
chi tiết cho đối tượng là doanh nghiệp. Thời gian thực hiện trong tháng 3/2017.
6.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Tài nguyên và Môi trường.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
7. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tư vấn hỗ trợ
kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế.
7.1. Nội dung:
- Tổ chức bộ phận chuyên trách hỗ trợ kê khai, nộp
thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế cho doanh
nghiệp.
- Cung cấp, cài đặt phần mềm kế toán miễn phí
cho doanh nghiệp thành lập mới.
- Các Chi cục Thuế chủ động phối hợp với Phòng
Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh
chuyển đổi hoạt động sang loại hình doanh nghiệp. Phổ biến cho các hộ kinh
doanh có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên hoặc có từ hai địa điểm
kinh doanh trở lên phải hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
7.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Cục Thuế.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
8. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ lệ
phí môn bài.
8.1. Nội dung: Ban hành cơ chế của tỉnh về
hỗ trợ lệ phí môn bài (theo cơ chế cấp bù vào ngân sách) cho doanh nghiệp thành
lập mới trong 05 năm đầu, kể từ khi thành lập. Thời gian thực hiện trong quý
II/2017.
8.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Tài chính.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
9. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ xúc
tiến thương mại.
9.1. Nội dung: Ban hành cơ chế của tỉnh về
hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, tham gia
các hội chợ được tổ chức trong và ngoài nước, trong đó xác định đối tượng ưu
tiên là các doanh nghiệp được thành lập mới.
9.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Công thương.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
10. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ đào
tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
10.1. Nội dung:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai kế hoạch
đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt,
trong đó ưu tiên cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới
thành lập.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội: vận dụng
linh hoạt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ,
xây dựng đề án, trình duyệt, tổ chức thực hiện để tạo nguồn lao động có tay nghề
cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020. Triển khai Quyết định số
1593/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính
sách hỗ trợ thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng
lao động trên địa bàn tỉnh.
10.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư (phần đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp), Sở Lao động
Thương binh và Xã hội.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
11. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp.
11.1. Nội dung: Trình Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Thời
gian hoàn thành trong tháng 3/2017.
11.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Tư pháp.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
12. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu
trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
12.1. Nội dung:
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương
trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
giai đoạn 2017 - 2020. Thời gian hoàn thành trong quý II/2017.
- Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xác lập
quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả thực thi và đẩy mạnh việc tạo lập, khai
thác, quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Tăng cường các biện pháp thực
thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm về quyền sở
hữu trí tuệ. Đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng
hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các chương trình hỗ trợ
khác của nhà nước để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
12.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Khoa học và Công nghệ.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
13. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ hệ sinh
thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang.
13.1 Nội dung: Trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt chương trình/kế hoạch “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
của tỉnh đến năm 2020” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo quốc gia đến năm 2025”.
13.2 Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Khoa học và Công nghệ.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Tỉnh
đoàn, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã và thành phố.
14. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp khuyến khích hộ
kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
14.1. Nội dung:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
xây dựng kế hoạch khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại
hình doanh nghiệp theo các chỉ tiêu được giao theo phụ lục ban hành kèm theo Kế
hoạch này.
- Đối với hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên
10 lao động trở lên hoặc có từ hai địa điểm kinh doanh trở lên thì vận động, hỗ
trợ chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
- Phối hợp với các Sở, Ban ngành tỉnh phổ biến
chương trình hành động của tỉnh về PCI, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kế
hoạch phát triển doanh nghiệp.
14.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh.
15. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về truyền thông
chương trình “Khởi nghiệp”, phát triển số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
15.1. Nội dung: Thực hiện công tác truyền
thông; tổ chức các câu lạc bộ, hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp:
- Thông qua các phương tiện tuyên truyền cổ động
trực quan; đăng tin, bài viết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng
thông tin thành phần của các Sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố.
- Thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh
đến cơ sở.
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng:
+ Các ấn phẩm của Báo An Giang; cơ quan thường
trú Thông tấn xã Việt Nam.
+ Các chương trình phát thanh, truyền hình của
Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã,
thành phố.
+ Các ấn phẩm và một số trang thông tin điện tử
của các cơ quan báo chí Trung ương hợp tác với An Giang.
15.2. Thực hiện:
a) Cơ quan chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm:
Sở Thông tin và Truyền thông.
b) Cơ quan phối hợp: Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
thành phố.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải
pháp được nêu tại Mục IV Phần II của Kế hoạch.
1. Để đạt được mục tiêu của kế hoạch về phát triển
doanh nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020, các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã và thành phố được giao chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm từng
nhóm giải pháp được nêu tại Mục IV Phần II của Kế hoạch này phối hợp với các Sở,
Ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố triển
khai các đề án, chương trình, kế hoạch, dự thảo các văn bản để ban hành theo thẩm
quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã và thành phố được giao chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm từng nhóm giải
pháp được nêu tại Mục IV Phần II của Kế hoạch này nêu cao tinh thần trách nhiệm,
thể hiện tính kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
II. Tổ chức thực hiện đối với một số Sở,
ngành:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ
trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc và chịu trách
nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách (nguồn vốn đầu tư phát
triển) thực hiện các cơ chế chính sách có liên quan về phát triển doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kinh phí thực hiện kế
hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tổng hợp kinh phí thực hiện trình Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt, bảo đảm thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Trên đây là Kế hoạch phát triển doanh nghiệp tỉnh
An Giang đến năm 2020.