BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 21-HD/BTCTW
|
Hà Nội, ngày
17 tháng 10 năm 2013
|
HƯỚNG DẪN
VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC ĐẢNG Ở KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ
XUẤT, KHU KINH TẾ, CỤM CÔNG NGHIỆP
Thực hiện Kết luận số 80 - KL/TW ngày 29 tháng
10 năm 2010 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị
số 07 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới và chỉ đạo
của Ban Bí thư khóa XI tại Công văn số 4476 - CV/VPTW ngày 14 tháng 11 năm
2012, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc xây dựng mô hình tổ chức đảng ở các
khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế[1] và cụm công
nghiệp như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xây dựng tổ chức đảng ở các khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp nhằm tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp góp
phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
2. Tạo sự thống nhất về mô hình tổ chức đảng,
từng bước phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của các khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp.
3. Việc xây dựng mô hình tổ chức đảng trong
các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp phải theo quy định
của Điều lệ Đảng, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở các khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp và doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu kinh tế
1.1. Lập đảng bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu kinh tế là đảng bộ cấp trên trực tiếp của cơ sở; đảng bộ này trực thuộc tỉnh
ủy, thành ủy khi có đủ các điều kiện sau: (1) Có những đơn vị thành viên là các
tổ chức có tư cách pháp nhân; (2) Có các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; (3) Có
từ 500 đảng viên trở lên.
Đảng bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu
kinh tế là cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng ở các ban quản lý các khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế của tỉnh, thành phố; đảng bộ, chi bộ cơ sở của
từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; đảng bộ, chi bộ cơ sở các
doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Ở từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế
nếu có từ 30 đảng viên trở lên thì xem xét lập đảng bộ cơ sở khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế, là cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng ở các
doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đó. Nếu dưới
30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở trực thuộc đảng ủy các khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu kinh tế.
1.2. Lập đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu kinh tế trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và xem xét giao quyền cấp
trên cơ sở khi có đủ các điều kiện sau: (1) Có vị trí quan trọng về chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; (2) Có nhiều đơn vị thành viên
là tổ chức cơ sở trong cùng một đơn vị chính quyền hoặc cơ quan quản lý; (3) Có
số lượng từ 400 đến dưới 500 đảng viên.
Đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu kinh tế là cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng ở các đơn vị, ban quản lý và
các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
1.3. Lập đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu kinh tế trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy hoặc đảng ủy khối doanh nghiệp
tỉnh, thành phố hoặc cấp ủy cấp huyện (nếu chưa lập đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh,
thành phố) nếu không đủ các điều kiện theo quy định tại tiết 1.1 và 1.2 nêu
trên, là cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng ở ban quản lý, các đơn vị khác và ở
các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
1.4. Lập chi bộ cơ sở ban quản lý khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế tỉnh trực thuộc đảng ủy khối các cơ quan tỉnh hoặc đảng
ủy khối doanh nghiệp tỉnh nếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh
tế chưa đủ điều kiện thành lập đảng bộ cơ sở hoặc chưa có tổ chức đảng.
2. Tổ chức đảng ở các cụm công nghiệp
- Lập đảng bộ cơ sở cụm công nghiệp trực thuộc cấp
ủy cấp huyện nếu có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng với tổ chức đảng
trực thuộc là tổ chức đảng của các doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp.
- Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp nếu đủ
điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng thì lập đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc
cấp ủy cấp huyện; các doanh nghiệp còn lại nếu đủ điều kiện theo quy định của
Điều lệ Đảng thì lập chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở cụm công nghiệp hoặc đảng ủy
cơ sở khối doanh nghiệp cấp huyện hoặc trực thuộc đảng ủy cơ sở xã, phường, thị
trấn.
3. Xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở
các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công
nghiệp
- Doanh nghiệp đã có tổ chức đảng thì cấp ủy cấp
trên tiến hành rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định từ 12 tháng
trở lên trong doanh nghiệp nhưng đang sinh hoạt đảng ở nơi khác để chuyển số đảng
viên đó về sinh hoạt ở tổ chức đảng của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng nhưng sau
khi rà soát có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên thì cấp ủy cấp trên chuyển số
đảng viên đó về sinh hoạt ở đảng bộ mình, sau đó quyết định lập chi bộ và tách
chi bộ đó hoạt động tại doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp sau khi rà soát mới có 1 hoặc
2 đảng viên thì cấp ủy cấp trên chuyển số đảng viên đó về sinh hoạt ở đảng bộ
mình, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên về sinh hoạt cùng để
lập chi bộ; các chi bộ có trách nhiệm phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội
giúp đỡ quần chúng là cán bộ đoàn thể, cán bộ quản lý và người lao động trong
doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn có động cơ phấn đấu vào Đảng để kết nạp; khi chi bộ
có đủ 3 đảng viên chính thức trong một doanh nghiệp thì cấp ủy cấp trên tách
chi bộ đó về hoạt động tại doanh nghiệp.
- Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy
cấp trên chỉ đạo cấp ủy cơ sở nơi có doanh nghiệp phân công cấp ủy viên, đảng
viên có kinh nghiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh
nghiệp phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên, khi đủ điều kiện theo
quy định của Điều lệ Đảng thì lập tổ chức đảng.
- Cấp ủy cơ sở đẩy mạnh công tác tạo nguồn, kết
nạp đảng viên, nhất là công nhân trẻ, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các tổ chức
chính trị - xã hội của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu
kinh tế, cụm công nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ Hướng dẫn
này và tình hình, đặc điểm phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế,
cụm công nghiệp và tổ chức đảng, đảng viên của địa phương để chỉ đạo xây dựng tổ
chức đảng cho phù hợp.
2. Các tỉnh ủy, thành ủy quyết định (theo
thẩm quyền) biên chế, kinh phí hoạt động đối với các đảng bộ các khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế trong tổng biên chế và kinh phí được duyệt.
3. Những tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập tổ
chức cơ sở đảng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì căn cứ các quy định
hiện hành của Ban Bí thư và đặc điểm cụ thể của địa phương ban hành “Quy định tạm
thời chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu kinh tế” để thực hiện.
4. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra,
giám sát các tổ chức đảng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công
nghiệp, doanh nghiệp; tăng cường công tác xây dựng đảng, các tổ chức chính trị
- xã hội của các doanh nghiệp; chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng cấp ủy
viên, cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các
tỉnh ủy, thành ủy kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, hướng
dẫn bổ sung.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để báo
cáo);
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương;
- Các tỉnh ủy, thành ủy;
- BTC các tỉnh ủy, thành ủy;
- Lãnh đạo Ban TCTW;
- Các Vụ, đơn vị trong Ban;
- Lưu VP, Vụ CSĐ.
|
TRƯỞNG BAN
Tô Huy Rứa
|
[1] Không áp dụng
đối với khu kinh tế hành chính đặc biệt.