BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH - TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2862/CTPH-BVHTTDL-TLĐLĐVN
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 10 năm 2021
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
VỀ
XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC, THỂ THAO CỦA
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP
GIAI ĐOẠN 2021 - 2026
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28 tháng 01
năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp
công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6
năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6
năm 2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam
trong tình hình mới;
Căn cứ Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt
Nam quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải
thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam thống nhất ban hành Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống
văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của công chức, viên chức,
công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026
(sau đây gọi tắt là Chương trình phối hợp) với các nội dung chính như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện có hiệu quả chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể
thao và du lịch trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về xây
dựng nếp sống văn minh; tổ chức hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa,
đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chức, viên chức, công nhân lao động; từng bước
xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp” trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn.
Chú trọng đến trách nhiệm của người lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua về văn hóa, phong trào xây dựng cơ quan,
đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
2. Yêu cầu
- Chương trình phối hợp phải được cụ thể hóa bằng kế
hoạch; xác định mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng về hình thức,
phong phú về nội dung, phù hợp với từng địa phương, ngành nghề, đối tượng đặc
thù, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương khen
thưởng kịp thời.
- Chương trình phối hợp phải xác định rõ trách nhiệm
của từng cơ quan, nhất là các đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình
triển khai thực hiện nhiệm vụ.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chương trình, kế hoạch hoạt động
của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch và tổ chức Công đoàn về xây dựng đời sống
văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao trong công chức, viên chức,
công nhân lao động.
2. Tuyên truyền vận động công chức, viên chức, công
nhân lao động tích cực học tập nâng cao trình độ, chính trị, hiểu biết pháp luật,
chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng sống, tác phong lao động công nghiệp gắn
với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và trong
sinh hoạt cộng đồng.
3. Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa”; sửa đổi, bổ sung tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp văn hóa; triển khai hiệu quả giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu
vì người lao động”, xây dựng Bộ tiêu chí về “Văn hóa doanh nghiệp”.
4. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể
dục thể thao; xây dựng tủ sách, thư viện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;
khuyến khích thói quen đọc sách, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe,
phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phát triển các câu lạc bộ sở thích đáp ứng nhu cầu
và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong công chức, viên chức, công nhân
lao động.
5. Triển khai nhân rộng các mô hình điểm về văn
hóa, thể thao và gia đình trong công chức, viên chức, công nhân lao động như
bài tập thể dục giữa giờ, điểm sinh hoạt văn hóa, đám cưới tập thể, gia đình
công nhân văn hóa, văn hóa đọc và các hoạt động văn hóa trực tuyến.
6. Đề xuất giải pháp phát huy các nguồn lực xã hội
để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của hệ thống Cung văn hóa, Nhà văn hóa lao động; kiến nghị các cơ chế
chính sách nhằm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, địa điểm để công chức,
viên chức, công nhân lao động được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và
du lịch.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở
Văn hóa và Thể thao, cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa, văn nghệ, gia đình, thể dục,
thể thao và du lịch các cấp phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cùng cấp thực hiện
tốt chương trình phối hợp.
- Cung cấp thông tin, tài liệu, ấn phẩm; hỗ trợ
chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, thể thao giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
trong các hoạt động truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Công đoàn.
- Hỗ trợ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chuyên
môn, nghiệp vụ nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa của tổ chức
Công đoàn; phối hợp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hội thi, hội diễn,
hội thao, du lịch cho công chức, viên chức, công nhân lao động.
- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây
dựng và tuyên truyền nội dung Bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp”. Tiếp tục kiến
nghị đưa danh hiệu “cơ quan văn hóa”, “đơn vị văn hóa”, “doanh nghiệp văn hóa”
vào Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam
- Chỉ đạo các cấp công đoàn căn cứ chức năng, nhiệm
vụ và tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tổ chức triển khai hiệu quả nội dung Chương trình phối hợp.
- Hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai các mô
hình điểm về xây dựng đời sống văn hóa. Tuyên truyền vận động đoàn viên công
đoàn, người lao động tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
- Đổi mới nâng cao hiệu quả hệ thống Cung văn hóa,
Nhà văn hóa lao động do Công đoàn quản lý; nghiên cứu, kiến nghị các cơ chế
chính sách ưu đãi tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, địa điểm để công chức,
viên chức, công nhân lao động được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và
du lịch.
- Phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ
chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, thể dục, thể thao, du lịch
cho công chức, viên chức, công nhân lao động; ưu tiên công nhân lao động tại
các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp
vụ về văn hóa, thể thao, du lịch cho cán bộ công đoàn.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí, quy trình
thực hiện xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; triển khai
hiệu quả giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp được bố
trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương
theo quy định.
2. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Chương trình phối
hợp này, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm,
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Văn hóa
cơ sở; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Ban Tuyên giáo là hai đơn vị đầu mối
trực tiếp giúp việc Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam tổ chức triển khai hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Chương trình
phối hợp; kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến đối với các
cấp chính quyền và Ngành văn hóa, thể thao, du lịch về tình hình thực hiện các
hoạt động văn hóa, văn nghệ, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch của công chức,
viên chức, công nhân lao động. Đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có
thành tích xuất sắc. Hàng năm, căn cứ vào nội dung Chương trình phối hợp xây dựng
kế hoạch, lồng ghép tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể.
2. Định kỳ vào tháng 11 hàng năm, các cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có
báo cáo kết quả thực hiện để phục vụ công tác tổng hợp, đánh giá. Tổ chức sơ kết,
đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình phối hợp vào năm
2023 và tổ chức tổng kết vào năm 2026.
3. Chương trình này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh khó khăn,
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(qua Cục Văn hóa cơ sở) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Tuyên
giáo) để hướng dẫn thực hiện hoặc báo cáo Lãnh đạo hai Cơ quan xem xét, giải
quyết./.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Khang
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Nguyễn Văn Hùng
|
Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng, Cục, Vụ - Bộ
VHTTDL;
- Thường trực ĐCT Tổng Liên đoàn Lao động VN;
- LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Sở VHTTDL, Sở VH và TT, Sở Du lịch các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, Tổng LĐLĐVN, VP, Bộ VHTTDL.300b
|
|