THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 84-TTg
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 3 năm 1993
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC XÚC TIẾN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP
NHÀ NƯỚC VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐA DẠNG HOÁ HÌNH THỨC SỞ HỮU ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP
NHÀ NƯỚC
Quyết định số 202-CT ngày
8-6-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc
tiếp tục làm thí điểm chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần
đã ban hành hơn 8 tháng, nhưng việc tiến hành còn quá chậm, không thực hiện được
những yêu cầu và tiến độ đã quy định. Nguyên nhân chính của các chậm trễ này là
do các Bộ chức năng chưa kịp thời hướng dẫn, cụ thể hoá những quy định của Quyết
định số 202-CT; các Bộ quản lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh, Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quán triệt sâu sắc về quan điểm,
nội dung cổ phần hoá và chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo việc triển khai thực hiện
công tác này. Mặc khác, việc cổ phần hoá chưa kết hợp chặt chẽ với việc sắp xếp
lại doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong chỉ đạo
thiên về giải thể doanh nghiệp hơn là tìm các hình thức xử lý thích hợp về đa dạng
hoá các hình thức sở hữu doanh nghiệp.
Để triển khai và tiến hành có kết
quả việc thí điểm cổ phần hoá theo quyết định số 202-CT và tạo điều kiện để các
doanh nghiệp Nhà nước đang gặp khó khăn có thể ổn định và tiếp tục phát triển,
Thủ tướng Chính phủ quy định một số điểm cụ thể dưới đây:
A. VỀ CỔ
PHẦN HOÁ
I. MỤC TIÊU CỔ
PHẦN HOÁ.
Phải rất chú trọng mục tiêu về
chuyển hình thức sở hữu Nhà nước thành hình thức sở hữu của các cổ đông, tạo ra
sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh
doanh của từng doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Trong định hướng thay đổi về cơ
cấu nền kinh tế và tổ chức lại khu vực kinh tế quốc doanh, Nhà nước chỉ giữ lại
những doanh nghiệp lớn, quan trọng và những doanh nghiệp thuộc những ngành có vị
trí then chốt của nền kinh tế quốc dân, để làm chức năng chi phối và điều tiết
vĩ mô nền kinh tế, các lĩnh vực thuộc Quốc phòng, an ninh và khu vực tạo nên kết
cấu hạ tầng hoặc cung cấp một số dịch vụ công cộng phúc lợi xã hội thiết yếu mà
Nhà nước phải đảm nhận. Ngoài những doanh nghiệp Nhà nước thuộc các lĩnh vực
trên, Nhà nước cho phép phát triển đa dạng hoá các hình thức sở hữu, trong đó,
cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiện có một giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu
quả sản xuất xã hội.
Các mục tiêu của cổ phần hoá đã
được nêu trong Quyết định số 202-CT đều được coi trọng trong một thể thống nhất,
bổ trợ cho nhau, về mục tiêu huy động vốn phải chú ý các hình thức: đối với những
doanh nghiệp đang mắc nợ có thể chuyển nợ thành vốn cổ phần, hay chuyển nợ của
Nhà nước thành nợ của các cổ đông; hoặc thu một phần hay toàn bộ vốn về ngân
sách Nhà nước; hoặc huy động vốn để đầu tư chiều sâu, mở rộng doanh nghiệp.
II. VỀ CƠ CHẾ,
CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC CỔ PHẦN HOÁ.
1. Các doanh nghiệp tiến hành
thí điểm cổ phần hoá được phép cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp vay
không phải trả lãi với thời hạn tối đa không quá 5 năm dưới hình thức bán chịu
cổ phiếu trả chậm với mức bình quân không quá 3 triệu đồng/người và mức cao nhất
không quá 5 triệu đồng/người tuỳ theo mức lương và thâm niên công tác. Những cổ
phiếu này, người lao động được hưởng lợi tức cổ phần hàng năm, được quyền thừa
kế, nhưng không được chuyển nhượng, không được rút vốn khi chưa trả hết tiền
mua chịu cổ phiếu. Đối tượng được hưởng là cán bộ, công nhân, viên chức trong
biên chế của doanh nghiệp tính đến thời điểm cổ phần hoá và những cán bộ, công
nhân, viên chức của doanh nghiệp đang nghỉ hưu, mất sức.
Trong những trường hợp cụ thể, để
khuyến khích cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp mua cổ phiếu bằng tiền mặt,
giao cho bộ trưởng Bộ Tài Chính và Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định mức mua chịu
cổ phiếu trả chậm trong 5 năm với lãi suất ưu đãi tương đương với tỷ lệ (%) thu
về sử dụng vốn hàng năm; mức mua chịu tối đa của loại này không vượt quá số cổ
phiếu mua bằng tiền mặt.
2. Đất đai mà doanh nghiệp đang
sử dụng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng. Khi
tiến hành cổ phần hoá, không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp mà tính
vào chi phí, thu lần đầu về tiền cấp giấy quyền sử dụng đất và tiền sử dụng mặt
bằng đất (có liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng...). Sau đó hàng
năm doanh nghiệp nộp tiền thuê đất theo Luật Đầu tư (nếu có bán cổ phần cho người
nước ngoài) hoặc nộp thuế đất (nếu chỉ bán cổ phần cho người trong nước).
3. Cho phép các doanh nghiệp được
tự xử lý số dư quỹ phúc lợi và khen thưởng (bằng tiền) trước khi cổ phần hoá,
khuyến khích việc chia cho cán bộ, công nhân viên để mua cổ phiếu. Riêng đối với
quỹ phúc lợi dưới dạng các công trình như nhà văn hoá, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà
điều dưỡng v. v... vẫn được duy trì và phát triển lên để bảo đảm phúc lợi chung
của doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá.
4. Trong trường hợp cụ thể, nếu
có khó khăn trong kinh doanh, doanh nghiệp thí điểm cổ phần hoá có thể được xét
giảm thuế lợi tức không quá 50% trong 2 năm kể từ khi cổ phần hoá.
5. Phải giải quyết thoả đáng
chính sách lao động, chính sách xã hội đối với người lao động khi tiến hành cổ
phần hoá. Trước khi cổ phẩn hoá các đối tượng thuộc diện nghỉ hưu, mất sức,
thôi việc được giải quyết theo chế độ hiện hành. Những người lao động tiếp tục
làm việc ở Công ty cổ phần; Bộ lao động - Thương binh và xã hội cấp sổ bảo hiểm
xã hội cho tất cả công nhân viên đã ký hợp đồng lao động. Thời gian làm việc
trong doanh nghiệp Nhà nước trước đây được bảo lưu làm cơ sở để tính chế độ bảo
hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước.
6. Cho phép làm thí điểm việc
bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài. Bộ Tài chính cùng với Bộ chủ quản
hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ có
liên quan phải có những quy định hướng dẫn cụ thể, cân nhắc thận trọng và báo
cáo Thủ tướng Chính phủ từng trường hợp cụ thể.
B. CÁC GIẢI
PHÁP ĐA DẠNG HOÁ HÌNH THỨC SỞ HỮU ĐỂ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH
Đối với những doanh nghiệp Nhà
nước hiện tại đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, được phép chuyển đổi,
hoặc đa dạng hoá hình thức sở hữu theo các giải pháp dưới đây:
1. Bán toàn bộ doanh nghiệp cho
một hoặc một số tư nhân, tập thể để hình thành doanh nghiệp tư nhân hoặc Công
ty trách nhiệm hữu hạn.
Giải pháp này chủ yếu áp dụng đối
với các doanh nghiệp nhỏ trong ngành thương nghiệp và các doanh nghiệp địa
phương quận, huyện hiện đang có lãi hoặc lỗ tạm thời chưa đến mức phá sản. Việc
xác định trị giá doanh nghiệp để bán được áp dụng như đối với trường hợp cổ phần
hoá doanh nghiệp Nhà nước.
2. Nhượng bán một phần vốn và
tài sản của doanh nghiệp để hình thành các liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân,
tập thể (kể cả trong và ngoài nước) dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Có thể kết hợp việc nhượng bán, hoặc củng cố doanh nghiệp Nhà nước hiện có với
việc cho tư nhân, tập thể hùn vốn dưới hình thức cổ phần để đầu tư chiều sâu, mở
rộng doanh nghiệp.
3. Ngoài ra, để hạn chế sự thất
thoát vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện
hiện có, cho phép doanh nghiệp áp dụng các giải pháp dưới đây:
- Bán một phần máy móc, nhà xưởng
để tập trung đầu tư vào bộ phận còn lại. Hình thức này được áp dụng đối với các
doanh nghiệp có dư thừa thiết bị, nhà xưởng không cần dùng đến. Số tiền này được
coi là vốn ngân sách Nhà nước đầu tư lại cho doanh nghiệp.
- Sáp nhập doanh nghiệp đang gặp
khó khăn vào doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động tốt nhưng không làm suy yếu
doanh nghiệp đang làm ăn tốt, nhằm tận dụng được cơ sở hiện có và giải quyết những
khó khăn về công nghệ và tài chính của doanh nghiệp bị sáp nhập.
- Hợp đồng thuê toàn bộ doanh
nghiệp hoặc cho thuê tài sản và phương tiện kinh doanh, chủ yếu áp dụng đối với
loại hình doanh nghiệp nhỏ, kết cấu tài sản cố định và công nghệ giản đơn như
các cửa hàng, cửa hiệu, kho, bãi chứa hàng...
- Hợp đồng khoán quản lý, áp dụng
đối với các doanh nghiệp mà tình trạng khó khăn hiện tại chủ yếu do sự yếu kém
về mặt tổ chức kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
4. Biện pháp cuối cùng là giải
thể các doanh nghiệp thua lỗ lớn, mất khả năng thanh toán, có nguy cơ phá sản.
Cơ quan Tài chính, cơ quan chủ
quản, Ban thanh toán công nợ phải xác định và quy rõ trách nhiệm về các khoản nợ
đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Phần nợ còn thiếu do ngân sách Nhà
nước đảm nhận. Sau khi đã xác định trách nhiệm trả nợ cuối cùng thực hiện các
thủ tục giải thể doanh nghiệp theo Quyết định số 315-HĐBT ngày 1-9-1990 và số
330-HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
C. VỀ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Tất cả các doanh nghiệp tiến
hành cổ phần hoá hoặc chuyển đổi, đa dạng hoá hình thức sở hữu đều phải tiến
hành xác định trị giá vốn, tài sản, trị giá doanh nghiệp để cổ phần hoá hoặc
nhượng bán, cho thuê, sáp nhập... Việc xác định trị giá vốn, tài sản, trị giá
doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở số liệu quyết toán có xác nhận về kiểm toán của
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định trị
giá vốn, tài sản, trị giá doanh nghiệp và các thủ tục về tài chính trong việc cổ
phần hoá, nhượng, bán, cho thuê, sáp nhập... bảo đảm quản lý chặt chẽ vốn, tài
sản Nhà nước, tránh lợi dụng những sơ hở để làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
2. Bộ Tài
chính cùng với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác
và đầu tư, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương) sớm ra các văn bản hướng dẫn những vấn đề về vốn, về tài chính, về chính
sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bán cổ phần cho người nước ngoài,
khi tiến hành cổ phần hoá, điều lệ mẫu của Công ty cổ phần và khi thực hiện đa
dạng hoá các hình thức sở hữu theo các giải pháp nói trên.
3. Các Bộ quản lý các đơn vị sản
xuất kinh doanh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải
sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp (theo Quyết định số 83-TTg ngày
4 tháng 3 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ) ở các Bộ, tỉnh, thành phố và chỉ đạo
chặt chẽ việc tiến hành thí điểm cổ phần hoá theo đúng nội dung, yêu cầu của
Quyết định số 202-CT và việc chuyển đổi, đa dạng hoá hình thức sở hữu của doanh
nghiệp Nhà nước theo quy định của Chỉ thị này.
4. Giao cho Bộ Tài chính cùng Uỷ
ban Kế hoạch Nhà nước (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phối hợp với
các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng
dẫn, chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện triển khai thí điểm cổ phần hoá
và việc chuyển đổi, đa dạng hoá hình thức sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước. Bộ
Tài chính có trách nhiệm báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc để Chính phủ
xem xét, xử lý.
5. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ
cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất đề án cho phép Bộ Tài chính thành lập
Công ty tài chính để làm các dịch vụ về cổ phần hoá khi chưa có thị trường chứng
khoán và quản lý số cổ phần Nhà nước trong các Công ty cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ
tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm
chỉnh những quy định tại Chỉ thị này để việc thí điểm cổ phần hoá được tiến
hành theo đúng nội dung, yêu cầu và tiến độ quy định và thực hiện có kết quả
các giải pháp đa dạng hoá hình thức sở hữu nhằm ổn định và phát triển sản xuất
kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.